TIN THẾ GIỚI.
Chiến tranh Ukraina: Các cuộc tấn công bằng drone buộc hạm đội Nga rời Crimée (RFI)
Nga tiếp tục tái bố trí quân sự ở Hắc Hải, rút thêm chiến hạm về Abkhazia, vùng đất ly khai ở Gruzia. Theo những tuyên bố từ phía Mỹ và Ukraina từ đầu tháng 07/2024, hạm đội Nga được cho là đang rời khỏi bán đảo Crimée sau khi chịu nhiều thiệt hại lớn do các vụ tấn công ngày càng dày đặc của Ukraina bằng tên lửa tầm xa và drone hải chiến Magura V5. Tuy nhiên, hỏa lực của lực lượng Nga vẫn rất lớn.
Báo Le Monde ngày 21/07 trích phát biểu của người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 08/07 cho biết Ukraina « đã đánh đắm chiến hạm cuối cùng còn được trang bị tên lửa hành trình ở cảng Sebastopol ». Một tuần sau, ngày 15/07, lãnh đạo hải quân Ukraina, phó đô đốc Oleksi Neijpapa khẳng định « hạm đội Nga ở Hắc Hải đã buộc phải chuyển gần như toàn bộ chiến hạm trực chiến sang nhiều địa điểm khác ». Những phát biểu này trùng với sự kiện tàu tuần tra Ochamchire đã cập cảng Abkhazia ngày 03/07, cách cảng cũ Novorossiïsk hơn 400 km, theo hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Điện Kremlin chưa chính thức xác nhận việc tái bố trí lực lượng của Hạm đội Hắc Hải. Còn theo thông tin của nhật báo Le Monde, Nga vẫn còn vài tầu chiến ở cảng Sebastopol, ví dụ gần đây là Matxcơva khẳng định hôm 18/07 đã phá hủy khoảng 10 drone hải chiến của Ukraina. Nhưng số lượng tàu neo đậu ở cảng Sebastopol liên tục giảm từ ngày 21/03 đến 14/07, theo kết quả phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh của nhật báo Pháp phối hợp với công ty Masae Analytics. Còn Viện Black Sea của Ukraina cho rằng khoảng 1/3 tổng số tàu của Hạm đội Hắc Hải đã bị vô hiệu hóa kể từ đầu cuộc chiến, cụ thể là khoảng 20 chiến hạm bị phá hủy và 20 tàu bị hỏng.
Trên chiến trường, Nga tiếp tục tấn công Ukraina trong đêm 20-21/07. Theo trang Kyiv Independant, Nga phóng 38 drone, 3 tên lửa Iskander-M và 2 tên lửa hành trình Kh-59/69. Trên mạng Telegram, không quân Ukraina cho biết bắn hạ được 35 drone, tên lửa Kh-59/69 không tiếp cận được mục tiêu do « các biện pháp đối phó » của Ukraina. Tuy nhiên, quân đội không cho biết tên lửa Iskander-M đã bắn trúng vị trí nào và mức độ thiệt hại.
Phía Nga cũng bị thiệt hại ở sân bay quân sự Millerovo, vùng Rostov do bị drone Ukraina tấn công trong đêm 19-20/07.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Biden bỏ cuộc, ẩn số mới cho cả Dân Chủ và Cộng Hòa (RFI)
Nước Mỹ sẽ không có một nhiệm kỳ Biden 2. Trước những áp lực quá lớn ngay từ nội bộ đảng, ứng cử viên Joe Biden đã phải từ bỏ tham vọng tái tranh cử tổng thống. Bên đảng Cộng Hòa, Donald Trump gấp rút chuẩn bị đương đầu với một đối thủ mới, rất có thể sẽ lại là một phụ nữ. Đảng Dân Chủ thở phào nhẹ nhõm với việc ông Biden rút lui, nhưng 106 ngày là thời gian quá ngắn để dám chắc đảng này sẽ giữ được Nhà Trắng thêm 4 năm.
Từ thất bại năm 2020, đảng Cộng Hòa đã có những bước chuẩn bị để diễn lại cuộc song đấu Donald Trump – Joe Biden. Nhưng họ phải làm lại từ đầu kể từ hôm 21/07/2024 khi Joe Biden từ bỏ ý định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Ban vận động tranh cử bên Cộng Hòa cũng đã lập tức thay đổi chiến thuật, tập trung tấn công Kamala Harris, người được cho là có nhiều triển vọng thay thế ông Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Trong kịch bản này, một lần nữa trên con đường trở lại phủ tổng thống, ông Trump phải đương đầu với một phụ nữ, mà lại là một người da màu, một nhà bảo vệ nữ quyền, đặc biệt là bà có lập trường bảo vệ quyền phá thai.
Về phía đảng Dân Chủ, mọi người đều đánh giá quyết định của ông Joe Biden là « rất can đảm » và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Trái với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm đã đặt lợi ích quốc gia và quyền lợi của Đảng lên trên những tham vọng cá nhân, và nhất là ông đang chuẩn bị cho những thế hệ kế tiếp điều hành nước Mỹ.
Giới quan sát ghi nhận, qua việc rút lui, Biden đã « khởi động lại » cỗ máy tranh cử bên đảng Dân Chủ và làm dấy lên hy vọng đảng này có cơ may đánh bại đối thủ Cộng Hòa. Bằng chứng là chỉ trong vài giờ hôm qua, các vị mạnh thường quân đã rót thêm 47 triệu đô la cho quỹ tranh cử của đảng Dân Chủ, dù chưa biết ai sẽ đương đầu với ông Trump.
Dù vậy vẫn còn rất nhiều những trở ngại về phía đảng Dân Chủ. Thứ nhất là đảng này chỉ có đúng 4 tuần lễ trước Đại Hội -dự trù diễn ra tại Chicago vào ngày 19/08/2024 để chỉ định ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống. Nếu ứng viên tổng thống là bà Kamala Harris thì ai sẽ đứng liên danh với bà cho chức vụ phó tổng thống Mỹ ?
Mặt khác, tuy hiện giờ có nhiều người trong đảng Dân Chủ thiên về « giải pháp Kamala », nhưng giải pháp này đang gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân Chủ. Điển hình là thái độ thận trọng của cựu tổng thống Barack Obama, một nhân vật có uy tín rất lớn trong đảng. Là vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, Obama có vẻ không tin rằng bà Harris, một phụ nữ da mầu, là « ứng cử viên tốt nhất để đánh bại Donald Trump ». Đó là khó khăn thứ hai mà đảng Dân Chủ sẽ phải vượt qua trước Đại Hội tổ chức tại Chicago.
Điểm quan trọng thứ ba là ngày 05/11/2024 cử tri Mỹ không chỉ bầu lại tổng thống, mà còn bầu lại một số nghị sĩ ở Hạ Viện và Thượng Viện. Từ 2 năm nay, đa số ở Hạ Viện nằm trong tay đảng Cộng Hòa. Đảng Dân Chủ đang rất lo mất đa số vốn đã rất sít sao ở Thượng Viện. Điểm thứ tư, đảng Dân Chủ lo ngại nếu Trump đắc cử, chính quyền của ông sẽ vừa phá bỏ những chính sách kinh tế, xã hội của Joe Biden, vừa thừa hưởng những thành tựu kinh tế và công nghiệp mà chính quyền Dân Chủ đã dày công tạo dựng từ 4 năm qua.
Thách thức cuối cùng của đảng này trong việc chỉ định ứng cử viên thay thế ông Biden là phải chọn được một nhân vật có uy tín trên trường quốc tế, để đương đầu với những thách thức mà Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang đặt ra. Về điểm này, hiện chỉ có đương kim thống đốc bang California Gavin Newsom là được biết đến nhiều hơn cả trên thế giới, đặc biệt là qua nhiều chuyến công tác và liên lạc với các giới chức lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hơn 100 ngày trước bầu cử tổng thống, cử tri Mỹ vẫn chưa biết danh tính một trong hai ứng cử viên. Trước mắt, việc tổng thống Biden ngừng chiến dịch tái tranh cử mở đường cho một số gương mặt mới trong đảng Dân Chủ bước ra ánh sáng. Thêm vào đó, việc bà Kamala Harris, 59 tuổi, chưa chắc đương nhiên được chỉ định lên võ đài song đấu với ông Donald Trump cho thấy một hình ảnh khác về nền dân chủ ở Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Ukraina lần đầu tiên công du Trung Cộng tìm giải pháp hòa bình (RFI)
Hôm nay 23/07/2024, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh xảy ra, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đến Trung Cộng, một đồng minh thân cận của Nga, để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Kiev và Matxcơva.
Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ukraina, được AFP trích dẫn, chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm 4 ngày của ngoại trưởng Dmytro Kouleba là « tìm cách chấm dứt cuộc xâm lược của Nga, cũng như bàn về vai trò của Trung Cộng để đạt được một nền hòa bình lâu dài ».
Trả lời báo giới hôm nay, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Cộng Mao Ninh cho biết hai bên sẽ « tập trung thảo luận về hợp tác Trung Cộng – Ukraina và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.». Phát ngôn viên này tuyên bố: « Trung Cộng cũng luôn tin rằng nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngưng bắn và tìm kiếm một giải pháp chính trị là có lợi cho tất cả các bên».
Chuyến thăm diễn ra sau khi NATO nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Matxcơva và một tuần sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tỏ ý muốn đàm phán hòa bình với Matxcơva, muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukrainatrong tương lai. Hồi tháng Sáu vừa qua, một hội nghị hòa bình cho Ukraina đã được tổ chức ở Thụy Sĩ, với sự tham dự của nhiều quốc gia, nhưng Nga không được mời và Trung Cộng cũng không đến dự.
Theo ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á-Âu (Centre Carnegie Russie Eurasie), trả lời AFP, có khả năng ngoại trưởng Ukraina sẽ cố thuyết phục Trung Cộng tham gia vào hội nghị hòa bình thứ hai cho Ukraina. Trung Cộng đã đặt điều kiện: Nếu muốn Bắc Kinh tham dự thì hội nghị đó phải có sự tham gia của tất cả các bên và phải « thảo luận đúng đắn về mọi kế hoạch hòa bình», tức là bao gồm cả lập trường của Nga.
Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình coi Vladimir Putin là « bạn thân », chưa từng lên án cuộc chiến ở Ukraina, đồng thời vẫn lên án NATO « phớt lờ » các lo ngại về an ninh của Matxcơva.
Trung Cộng cũng thường xuyên bị cáo buộc là vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Matxcơva. Các doanh nghiệp Trung Cộng được cho là vẫn bán các sản phẩm dân dụng và quân dụng, bao gồm cả những linh kiện cần thiết cho sản xuất quân sự của Nga. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc nói trên, nhưng Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã ban hành trừng phạt đối với những doanh nghiệp Trung Cộng có liên can.
Theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, qua chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, có khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng tận dụng « mối quan tâm của Ukraina » đối với hội nghị hòa bình thứ hai, để tránh các trừng phạt mới của phương Tây.
Quan điểm của bà Kamala Harris về chính sách Mỹ đối với Trung Cộng (VOA)
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris chưa chính thức được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng nhưng bà đã nhận được sự tán thành của Tổng thống Joe Biden, cùng với một số giới chức cấp cao của Đảng Dân chủ, sau khi ông Biden rút khỏi cuộc đua hôm 21/7.
Nếu được Đảng lựa chọn và đắc cử tổng thống, các nhà phân tích cho rằng bà Harris có thể sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, bao gồm cả việc quản lý một trong những mối quan hệ căng thẳng nhất – đó là với Trung Cộng.
Khi mới trở thành phó tổng thống, bà Harris, cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và tổng chưởng lý của bang California, được nhiều nhà phân tích coi là người chưa có kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại. Theo trang web của Tòa Bạch Ốc, trong ba năm rưỡi vừa qua với tư cách là phó tổng thống, bà đã đến thăm hơn 19 quốc gia và gặp gỡ hơn 150 nhà lãnh đạo nước ngoài.
Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung
Vào tháng 9 năm 2023, bà Harris sang dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Sau cuộc gặp, bà nói về quan hệ Mỹ-Trung và chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên đài CBS: “Chúng ta, với tư cách là Hoa Kỳ, trong chính sách của mình, vấn đề không phải là tách biệt mà là giảm thiểu rủi ro.”
“Không phải rút lui mà là đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích của Mỹ và rằng chúng ta là người dẫn đầu về các quy tắc, chứ không phải tuân theo các quy tắc của người khác.”
Suy thoái kinh tế của Trung Cộng
Bà nói trong cuộc phỏng vấn: “Không có gì bí mật rằng Trung Cộng đang gặp vấn đề kinh tế”.
“Và những gì bạn sẽ thấy – trong các cuộc trò chuyện của tôi với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ – là họ đang nhìn về tương lai dưới góc độ đầu tư vốn của mình và tính đến những quốc gia nào đang tham gia vào các hoạt động tuân thủ luật pháp và các quy tắc và chuẩn mực quốc tế theo cách mà họ có thể được đảm bảo rằng sẽ có sự ổn định nhất định để họ có thể đầu tư dài hạn.”
“Ngày càng có nhiều người hiểu rằng Trung Cộng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất khi bạn muốn sự ổn định, khi bạn muốn đầu tư ở một nơi tuân thủ và tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, bà Harris nói thêm.
Viện trợ quốc tế
Trong chuyến thăm châu Phi vào tháng 3 năm 2023, tại cuộc họp báo với Tổng thống Zambia, Hakainde Hichilema, bà Harris đã nhắc lại lời kêu gọi “tất cả các chủ nợ song phương chính thức hãy giảm nợ có ý nghĩa cho Zambia” – ám chỉ gián tiếp đến Trung Cộng, chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Zambia. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng “sự hiện diện của chúng tôi ở đây không phải vì Trung Cộng”.
Quan hệ Mỹ-Trung
Cuộc gặp đầu tiên của bà Harris với nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình là tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok năm 2022, khi bà có cuộc hội đàm ngắn với ông Tập và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “các đường dây liên lạc cởi mở để quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa hai nước chúng ta.”
Đài Loan
Trong cuộc gặp vào tháng 9 năm 2022 với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, bà Harris tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan và phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.
Tòa Bạch Ốc cho biết bà nhấn mạnh rằng nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là một yếu tố thiết yếu của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong chuyến thăm Nhật Bản cùng tháng đó, bà nói trên tàu khu trục USS Howard tại Căn cứ Hải quân Yokosuka: “Chúng ta đã chứng kiến hành vi đáng lo ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và gần đây nhất là các hành động khiêu khích qua eo biển Đài Loan”.
Trung Cộng coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không từ bỏ việc hợp nhất bằng vũ lực nếu cần. Trung Cộng thường đưa máy bay quân sự và tàu đến gần để khẳng định yêu sách của mình đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.
Biển Đông
Trong chuyến thăm Nhật Bản, bà Harris đã bình luận về hành vi gây hấn của Trung Cộng ở Biển Đông rằng: “Trung Cộng đang phá hoại các yếu tố chính của trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Trung Cộng đã thách thức quyền tự do trên biển. Trung Cộng đã phô trương sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để ép buộc và đe dọa các nước láng giềng”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, cho tàu qua lại và hoạt động một cách dũng cảm và không sợ hãi ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là của riêng mình trong khi Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây. Các tàu Trung Cộng trong năm nay đã nhiều lần sử dụng vòi rồng và chặn tàu của đối thủ trong vùng lãnh thổ tranh chấp.
Năm ngoái trên chương trình “Face the Nation”, bà Harris nói: “Những gì đang xảy ra liên quan đến các hành động vô cớ chống lại lợi ích của Philippines ở Biển Đông là rất quan trọng và chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng rằng chúng tôi đứng về phía Philippines.”
Bắc Kinh và Manila hôm 21/7 đã công bố một thỏa thuận mà họ cho là nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc đụng độ.
Nhân quyền tại Trung Cộng, Hong Kong
Trong nhiệm kỳ làm thượng nghị sĩ cho bang California, bà Harris đã tích cực thúc đẩy việc ban hành luật để bảo vệ nhân quyền ở Hong Kong, nơi mà các nhà phân tích cho rằng quyền tự chủ của Hong Kong đang dần bị Bắc Kinh tước bỏ.
Năm 2019, bà đồng tài trợ cho Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đưa ra, nhằm mục đích thúc đẩy nhân quyền ở Hong Kong và trừng phạt các quan chức có liên quan đến việc “phá hoại các quyền tự do và tự trị cơ bản của Hong Kong”. Dự luật này sau đó đã được Tổng thống lúc bấy giờ là ông Donald Trump ký ban hành thành luật.
Tân Cương
Bà Harris cũng đồng tài trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Uyghur năm 2019, trở thành luật vào năm 2020. Dự luật này cho phép Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “các cá nhân và tổ chức nước ngoài chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương”. Tỉnh cực tây của Trung Cộng này là quê hương của người Uyghur, một sắc dân thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo.
Trung Cộng phủ nhận vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Hai bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Mỹ trấn an đồng minh, đối tác châu Á trước bầu cử tổng thống (VOA)
Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tới châu Á trong tuần này để trấn an các đồng minh và đối tác về sự ủng hộ của Mỹ, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách Đông Á nói hôm thứ Hai 22/7, giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 mang lại sự bất định về chính sách đối ngoại của Washington.
Chuyến công du của hai ông diễn ra trong bối cảnh có căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink nói với các phóng viên rằng ông Blinken dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề các cuộc họp cấp khu vực ở Lào.
Hai ông Blinken và Austin sẽ có các cuộc hội đàm về an ninh với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines. Ông Blinken cũng sẽ thăm Singapore và Mông Cổ, bên cạnh đó là dừng chân tại Việt Nam để dự lễ tang của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền, vừa qua đời vào tuần trước.
Chuyến đi diễn ra tiếp nối vào một tháng đầy biến động ở Washington. Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 21/7 sẽ không tái tranh cử và hậu thuẫn Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế ông. Trước đó, ứng cử viên bên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, đã thoát chết sau một vụ mưu sát.
Khi được hỏi ông Blinken sẽ nói gì với các đồng minh về quyết định không tranh cử nữa của ông Biden và liệu điều đó có thể dẫn đến những thay đổi về chính sách hay không, ông Kritenbrink nói rằng thông điệp sẽ là Mỹ “hết mình với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Ông nói: “Chúng tôi thực sự cố trấn an các đồng minh và đối tác rằng có những nguyên tắc cơ bản nhất định về sự can dự, gắn kết của Mỹ sẽ không thay đổi và điều đó vẫn nhất quán”. Ông nêu dẫn chứng về các khoản đầu tư của Mỹ và sự ủng hộ lưỡng đảng ở Washington dành cho cách tiếp cập của chính quyền đối với khu vực.
Tại Lào, ông Blinken sẽ tham dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thứ Sáu 26/7 và thứ Bảy 27/7. Ông Vương Nghị của Trung Quốc và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng dự kiến sẽ tham dự sự kiện này. Ông Kritenbrink cho biết một quan chức Triều Tiên cũng có thể sẽ tham dự.
Cũng tại Lào, các quan chức dự kiến sẽ thảo luận về cuộc xung đột ở Myanmar sau khi quân đội giành lấy quyền lực cách đây 3 năm.
Ông Kritenbrink nói Washington hoan nghênh thông báo của Manila hôm 21/7 rằng nước này và Trung Quốc đi đến đồng ý về việc tiếp tế cho một tàu hải quân Philippines đậu ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
Tại Tokyo, hai ông Blinken và Austin sẽ gặp những người đồng cấp Nhật Bản vào ngày 28/7 và tập trung vào việc thực thi các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi tháng 4 giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Ở đó, 2 nước đồng minh đã công bố kế hoạch nâng cấp liên minh quân sự của họ, bao gồm cả bộ chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và sẽ có nhiều hoạt động chung hơn về phát triển thiết bị phòng thủ, trong bối cảnh có 2 nước cùng lo ngại về Trung Quốc và Nga.
Tokyo muốn Mỹ cử một tư lệnh là tướng 4 sao đến Nhật Bản để ngang bằng với cấp bậc của người đứng đầu bộ chỉ huy mới của Nhật Bản, sẽ giám sát tất cả các hoạt động quân sự của Nhật Bản từ năm 2025. Mỹ gần đây nói rằng họ sẽ cam kết hành động tương xứng với kế hoạch nâng cấp chỉ huy của Nhật Bản.
Bãi Cỏ Mây: Manila khẳng định quyền của Philippines sau khi đã “dàn “xếp” với Bắc Kinh (RFI)
Manila sẽ tiếp tục « khẳng định các quyền của mình » đối với Bãi Cỏ Mây đang có tranh chấp ở Biển Đông. Đây là tuyên bố hôm 22/07/2024, của bộ Ngoại Giao Philippines, chỉ một ngày sau khi Manila loan báo đạt một « thỏa thuận tạm thời » với Bắc Kinh về việc tiếp tế cho quân đội Philippines đang đồn trú ở khu vực này.
Trong thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Teresita Daza khẳng định Manila « sẽ tiếp tục khẳng định các quyền và quyền tài phán » của Philippines trong các vùng biển của họ, bao gồm Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas).
Thông cáo này được phát đi một hôm sau khi bộ Ngoại Giao Philippines công bố một thỏa thuận nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết, trong đó cả Manila và Bắc Kinh đều nhận thấy cần phải « xuống thăng căng thẳng ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Teresita Daza nhấn mạnh : « Các nguyên tắc và cách thức tiếp cận được đặt ra trong thỏa thuận là kết quả của hàng loạt cuộc tham vấn thận trọng và tỉ mỉ giữa đôi bên, mở đường cho việc thể hiện các quan điểm chung, mà không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi nước ».
Về phía Bắc kinh, hôm nay, theo AFP, phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : « Nếu Philippines cần gửi nhu yếu phẩm cho những người đồn trú trên tàu chiến đó, Trung Quốc sẵn sàng làm điều đó với tinh thần nhân đạo nếu Philippines thông báo trước và sau khi (Trung Quốc) xác minh tại chỗ ». Trái lại, Bắc Kinh « tuyệt đối sẽ không chấp nhận » việc Philippines chuyển vật liệu xây dựng với số lượng lớn đến con tàu đó, với ý đồ « xây dựng các công trình cố định hoặc tiền đồn lâu dài ».Bà Daza bác bỏ khẳng định của Bắc Kinh về quy định « thông báo trước » trong thỏa thuận, xem đây là thông tin « không chính xác ».
Cũng trong ngày hôm qua, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines đã gián tiếp từ chối để đồng minh Mỹ hỗ trợ hoạt động tiếp viện cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, cho dù đã xảy ra hàng loạt vụ xô xát giữa tuần duyên, tàu tiếp liệu Philippines với lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Hamas và Fatah ký tuyên bố tại Bắc Kinh, chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm (VOA)
Truyền thông nhà nước Trung Cộng đưa tin rằng Hamas và Fatah của Palestine đã ký một tuyên bố tại Bắc Kinh về việc chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm.
Đài truyền hình nhà nước CCTV không cung cấp thêm thông tin chi tiết về những gì hai bên đã đồng thuận hôm 23/7.
Nhiều vòng đàm phán trước đây nhằm đoàn kết các bên đã thất bại, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các cuộc đàm phán được Trung Cộng hậu thuẫn có thực sự dẫn đến một giải pháp hay không.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Israel và Hamas đang cân nhắc một đề xuất ngừng bắn được quốc tế hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 9 tháng ở Gaza và giải thoát hàng chục con tin Israel bị Hamas bắt giữ.
Nhưng ngay cả sau khi thỏa thuận được ký kết, tầm nhìn về một Gaza thời hậu chiến vẫn còn chưa rõ ràng, nhất là về việc ai sẽ quản trị vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá này.
Israel kịch liệt phản đối bất kỳ vai trò nào của Hamas trong việc quản lý Gaza sau chiến tranh. Nước này cũng bác bỏ lời kêu gọi từ Hoa Kỳ về việc Chính quyền Palestine mà Fatah thống trị sẽ điều hành Gaza sau khi giao tranh kết thúc.
Kể từ khi cuộc chiến hiện tại nổ ra ở Gaza gần 10 tháng trước, các quan chức Hamas đã nói rằng phe này không muốn quay lại cai trị Gaza như trước khi xảy ra xung đột và nhóm này đã kêu gọi thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị được thống nhất bởi các phe phái khác nhau của người Palestine. Những phe phái này sẽ chuẩn bị cách thức tiến hành các cuộc bầu cử ở cả Gaza và Bờ Tây, với mục đích thành lập một chính phủ thống nhất.
Nhưng cả Israel và Nhà nước Palestine đều có sự nghi ngờ sâu sắc về ý định của Hamas.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Israel Katz, đã nhanh chóng bác bỏ thỏa thuận hôm 23/7, tuyên bố rằng sẽ không có sự quản trị chung nào giữa Hamas và Fatah ở Gaza “vì sự cai trị của Hamas sẽ bị nghiền nát”.
Hai nhóm đối địch của Palestine này, cùng với 12 phe phái chính trị khác, đã gặp Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị khi kết thúc các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 21/7, theo thông tin từ mạng truyền hình Trung Cộng CGTN đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Weibo.
Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Trung Cộng trong ngoại giao Trung Đông, với thành công trong việc khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Một tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc đàm phán gần đây nhất ở Bắc Kinh không đưa ra thông tin chi tiết về cách thức và thời điểm thành lập chính phủ mà chỉ nói rằng việc này sẽ được thực hiện “theo thỏa thuận giữa các phe phái”. Theo tuyên bố chung, hai nhóm cam kết thành lập một nhà nước Palestine trên vùng đất mà Israel chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Fatah và Hamas đã là đối thủ của nhau kể từ khi Hamas đánh đuổi các lực lượng trung thành với Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Gaza vào năm 2007, chiếm lấy vùng đất ven biển nghèo khó này. Chính quyền Palestine do Fatah thống trị, với người đứng đầu là Tổng thống Abbas, quản lý các phần của Bờ Tây bị chiếm đóng. Công chúng Palestine coi tổ chức này là tham nhũng, không kết nối và là ‘nhà thầu phụ’ cho Israel vì sự phối hợp an ninh chung của họ.
Nhóm Thánh chiến Hồi giáo của Palestine, một nhóm phiến quân nhỏ hơn có liên minh với Hamas, hôm 23/7 đưa ra một tuyên bố sau cuộc đàm phán, nói rằng họ vẫn “bác bỏ bất kỳ công thức nào bao gồm việc công nhận Israel một cách rõ ràng hay ngầm định” và rằng họ đã “yêu cầu Tổ chức Giải phóng Palestine rút lại việc công nhận Israel.”
Hoa Kỳ cảnh báo về việc Nga-Trung tăng cường hợp tác ở Bắc Cực (RFI).
Thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Kathleen Hicks hôm 22/07/2024, khẳng định Nga và Trung Cộng đang tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, trong đó Bắc Kinh là bên tài trợ chính cho các hoạt động khai thác năng lượng của Matxcơva ở khu vực này. Bắc Cực, vốn chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, hiện đang chứng kiến cuộc cạnh tranh về hàng hải và tài nguyên giữa các cường quốc. Theo Lầu Năm Góc, Nga và Trung Cộng cũng tăng cường hợp tác quân sự, tập trận chung ở ngoài khơi Alaska.
Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng những tác động từ hợp tác Nga-Trung tại khu vực này sẽ càng lớn hơn do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái đất tăng lên khiến lớp băng hà mỏng dần. Lầu Năm Góc cũng nêu ra nguy cơ từ nay đến năm 2030, Bắc Cực sẽ có mùa hè đầu tiên không có băng. Điều này sẽ làm gia tăng các tuyến hàng hải cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản dưới biển.
Theo AFP, tình trạng băng tan đã thúc đẩy hoạt động kinh tế tại Bắc Cực, nhiều nước tìm kiếm các mỏ dầu, khí đốt, hay xây dựng tuyến vận tải hàng hải qua khu vực này. Những năm vừa qua, trong khi Trung Cộng ồ ạt đầu tư vào các hoạt động thăm dò tại khu vực này, thì Nga đã tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, tái thiết nhiều căn cứ quân sự bỏ hoang từ thời Liên Xô, hoặc xây dựng « Tuyến đường biển phương Bắc » nối châu Á với châu Âu. Để xây dựng tuyến đường này, Matxcơva đã sử dụng một đội tàu phá băng hạt nhân. Nga dự trù vận chuyển 190 triệu tấn hàng hóa qua con đường này từ nay đến năm 2030.
Bộ Ngoại Giao Trung Cộng hôm nay đã có phản ứng, cáo buộc « Mỹ bóp méo chính sách Bắc Cực của Bắc Kinh…, đưa ra những bình luận vô trách nhiệm về các hoạt động bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Cộng ở Bắc Cực.»
Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cũng đảm bảo rằng Matxcơva đang « áp dụng quan điểm có trách nhiệm » ở Bắc Cực, và «hợp tác Nga-Trung ở Bắc Cực chỉ góp phần tạo một bầu không khí ổn định và có thể dự đoán được ».
Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức sau vụ ông Trump bị mưu sát (VOA)
Nhà Trắng hôm 23/7 cho biết Giám đốc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ Kimberly Cheatle đã từ chức sau khi cơ quan này bị chỉ trích vì không ngăn chặn được một tay súng làm bị thương cựu Tổng thống Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử.
Cơ quan này đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Cơ quan Mật vụ, vốn chịu trách nhiệm bảo vệ các tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống Mỹ, phải đối mặt với khủng hoảng sau khi một tay súng đã có thể bắn vào ông Trump từ mái nhà nhìn ra cuộc vận động ngoài trời ở Butler, Pennsylvania, vào ngày 13/7.
Bà Cheatle phải đối mặt với sự lên án của lưỡng đảng khi xuất hiện trước Ủy ban Giám sát của Hạ viện Mỹ hôm 22/7. Bà từ chối trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp, những người bày tỏ sự bực dọc về kế hoạch an ninh cho cuộc tập hợp vận động tranh cử và cách cơ quan thực thi pháp luật phản ứng với hành vi đáng ngờ của tay súng.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi bà từ chức.
Ông Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, bị đạn bay sượt qua tai phải và một người biểu tình thiệt mạng trong vụ nổ súng. Tay súng được xác định là Thomas Crooks, 20 tuổi, đã bị lính bắn tỉa của Cơ quan Mật vụ bắn chết.
Bà Cheatle, người đã lãnh đạo cơ quan này từ năm 2022, nói với các nhà lập pháp rằng bà nhận trách nhiệm về vụ nổ súng, gọi đây là thất bại lớn nhất của Cơ quan Mật vụ kể từ khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981.
Cơ quan Mật vụ phải đối mặt với các cuộc điều tra từ nhiều ủy ban quốc hội và cơ quan giám sát nội bộ của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản, về hoạt động của cơ quan này.
Tổng thống Joe Biden, người đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tái tranh cử, cũng đã kêu gọi một cuộc đánh giá độc lập.
Phần lớn những lời chỉ trích tập trung vào việc không đảm bảo an toàn từ mái của một tòa nhà công nghiệp nơi tay súng sử dụng, cách sân khấu mà ông Trump phát biểu khoảng 140m.
Khu mái được tuyên bố nằm ngoài phạm vi an ninh của Cơ quan Mật vụ cho sự kiện này, một quyết định bị các cựu đặc vụ và nhà lập pháp chỉ trích.
Bà Cheatle giữ vị trí hàng đầu về an ninh tại PepsiCo trước khi ông Biden bổ nhiệm bà làm giám đốc Cơ quan Mật vụ vào năm 2022. Trước đó, bà đã phục vụ 27 năm tại cơ quan này.
TIN VIỆT NAM.
Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đản csVN sẽ tổ chức quốc tang cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, qua đời vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Linh cửu ông được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7.
Tin từ các cơ quan truyền thông quốc tế loan đi cho biết: qua điện thư gởi tới Việt Nam ngày 23 tháng 7, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ lời chia buồn về sự ra đi của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đánh giá cao vai trò của ông trong việc thúc đẩy mối quan hệ với Vatican. Đồng thời Đức Phanxico gửi lời chia buồn đến tang quyến, và Ngài sẽ cầu nguyện cho họ được an ủi và bình an”.
Tin tức cũng cho hay nhiều đai diện ngoại giao các một số nước sẽ tham dự quốc tang của ông Nguyễn phú Trọng, gồm : Bắc Kinh cử đại diện của Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình ; Thủ tướng Hàn Quốc; cựu Thủ tướng Nhật; Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Dip này, theo tin tức, ông Antony Blinken “sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước”. Riêng Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã đến Sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh viếng nhà lãnh đạo nước cộng sản trong chiến lược “cùng chung vận mệnh”.
Chính phủ Lào cho biết họ sẽ để tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở cấp quốc gia trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh viếng nhà lãnh đạo nước Cộng sản láng giềng của họ, theo tin từ truyền thông trong nước.
Một ngày trước khi ông Trọng qua đời, đảng csVN đã quyết định chọn Đại Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an – người vừa được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng trước, giờ đây sẽ đảm nhận nhiệm vụ của ông Trọng.
Ông Trọng để lại ĐCSVN ở thế chín muồi cho sự cai trị độc tài (RFA)
Bài bình luận của David Hutt (2024.07.)
Ông Trọng, người mà chiến dịch chống tham nhũng đã bị ông Tô Lâm tiến chiếm để loại bỏ đối thủ, đã phá vỡ các chuẩn mực và quy tắc quan yếu của Đảng.
Ngày 19/7, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Một ngày trước đó, họ thông báo rằng ông Trọng, chính trị gia 80 tuổi được xem là người có quyền lực nhất đất nước, đã được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe.
Ông đã không tham dự số cuộc họp quan trọng trong những tháng gần đây và thậm chí khi tham dự, ông có vẻ không khỏe mạnh và đi không vững. Ông đã bị đột quỵ vài năm trước nhưng dường như sau đó đã hồi phục.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ ba gần như chưa từng có tiền lệ của ông đã bị cắt ngắn. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an – người vừa được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng trước, giờ đây sẽ đảm nhận nhiệm vụ của ông Trọng.
Lãnh đạo Đảng từ năm 2011, ông Trọng đã cố gắng làm sống lại một thế chế, đang sa lầy trong các cuộc tranh đoạt cá nhân, tìm kiếm lợi ích và tiến thân trong giai đoạn đầu những năm 2010.
Tham nhũng tràn lan đến mức công chúng không còn ‘tâm phục, khẩu phục”. Tư tưởng và đạo đức đã đã không còn được xem trọng. Các phong trào dân chủ đe dọa sự độc quyền về quyền lực của Đảng. Khu vực tư nhân không chỉ giàu có mà còn mong muốn có nhiều quyền lực chính trị hơn.
Nhưng cái thể chế mà ông Trọng nỗ lực chữa trị đã được để lại với hiện trạng như thế nào?
Ở bên ngoài, sự độc quyền quyền lực của nó an toàn hơn. Đảng đã gia tăng đàn áp các nhà hoạt động và dân chủ trong khi xoa dịu dân công chúng bằng việc hạ bệ những kẻ tham nhũng lớn/có tên tuổi.
Khu vực tư nhân cũng đã bị hạn chế do đó không tạo ra mối đe dọa nào đối với quyền lực chính trị của Đảng. Nền kinh tế đã bảo vệ Đảng khỏi bất kỳ hậu quả/sự trừng phạt đáng kể nào từ phía phương Tây liên trong vấn đề nhân quyền.
Chiến dịch “Đốt lò”
Tuy nhiên, trong nội bộ ĐCSVN, ông Trọng đã để lại một sự bung bét.
Ông Tô Lâm, với tư cách là Bộ trưởng Công an và Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã sử dụng chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng một cách nghệ thuật để thúc đẩy các lợi ích của mình, loại bỏ một cách hiệu quả những ai có thể là đối thủ của mình trong cuộc đua giành chiếc ghế của ông Trọng vào năm 2026.
Nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã bị sa thải hơn bất cứ lúc nào mà chúng ta có thể nhớ. Hai Chủ tịch nước đã “từ chức” trong vòng hai năm. Nhân sự Bộ Chính trị hiện nay chủ yếu là các nhà quân sự và an ninh trị – hai phe phái duy nhất (đôi khi là đối thủ của nhau) – còn lại nắm giữ quyền lực.
Ông Tô Lâm, nếu chính thức trở thành quyền Tổng bí thư (việc này Bộ Chính trị sẽ phải bỏ phiếu), sẽ ở một vị thế đắc địa để duy trì chức vụ này trong năm 2026. Người ta hình dung rằng ông ta có những ý tưởng rất khác ông Trọng về bản chất của Đảng Cộng sản (ĐCS).
Trong thời kỳ đầu của chiến dịch chống tham nhũng, ông Trọng đã phát biểu rằng ông không muốn “ném chuột vỡ bình”, hàm ý rằng chống tham nhũng là để bảo vệ một ĐCS mỏng manh chứ không phải để phá nó thành từng mảnh.
Tuy nhiên, trong nỗ lực tiêu trừ tham nhũng ở một thể chế tham nhũng, ông Trọng đã làm xói mòn hết tất các quy định mà ĐCSVN đã có để ngăn ngừa sự xuất hiện một nhân vật lãnh đạo tối cao ở vị trí cao nhất.
Ông Trọng đã vi phạm ba “chuẩn mực” lớn mà Đảng đưa ra vào đầu những năm 1990.
Các ủy viên Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ nghỉ hưu ở tuổi 65 và các cá nhân chỉ có thể giữ các vị trí cấp cao nhất tối đa hai nhiệm kỳ. Quan trọng hơn, không ai có thể cùng lúc nắm giữ hai trong bốn vị trí quyền lực nhất đất nước: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Hệ thống “tứ trụ” này đã xây dựng một hình thức chọn người kế nhiệm. Những thay đổi nhân sự và phân chia quyền lực thường xuyên trong giới tinh hoa chính trị có thể giúp ngăn ngừa việc ĐCS nghiêng về phía độc tài.
Phá vỡ các chuẩn mực
Các chuẩn mực này đã tạo ra một cấu trúc mà ở đó các chính trị gia có thể đấu đá về các chính sách, thường khá khốc liệt, nhưng không không làm toàn bộ bộ máy phải sụp đổ vì chia rẽ. Có thể có sự luân phiên thường xuyên giữa các phe phái và mạng lưới địa lý (vùng miền) khác nhau, có nghĩa là không có một nhóm nào ngự trị quá lâu.
Hà Nội gọi đây là “dân chủ tập trung”. Tất nhiên, nó không phải là dân chủ mà là một hình thức đa nguyên mà về lý thuyết, đã giúp ngăn cho Đảng không rơi vào tình trạng độc tài như ở Bắc Triều tiên, Cuba hay Trung Cộng thời kỳ Tập Cận Bình.
Ông Trọng đã phá vỡ tất các các quy tắc này.
Từ năm 2018 đến năm 2021, ông đồng thời giữ các chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, là người đầu tiên làm điều này kể từ năm 1986 (Ông Tô Lâm dường như có khả năng lặp lại tiền lệ này).
Ông Trọng qua đời khi đang ở nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ 3 của mình – nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ thời ông Lê Duẩn có kỷ lục tại vị lâu như vậy. Ông không chỉ thường xuyên khiến Đảng bỏ qua các giới hạn về tuổi nghỉ hưu cho ông mà những ngoại lệ này đã được đưa ra một cách sẵn sàng và dễ dàng trong suốt thời kỳ ông nắm quyền lực (ông Trọng nhẽ ra phải nghỉ hưu vào năm 2021 hoặc sớm hơn).
Đồng thời, chiến dịch chống tham nhũng đã tập trung hóa quyền lực vào tay một số ngày càng ít ỏi ủy viên Bộ Chính trị. Chính trị trong bộ máy Đảng ở cấp tỉnh thành đã bị loại bỏ và hạn chế để trao thêm quyền lực cho bộ máy Đảng cấp trung ương. Đảng thống trị chính phủ. Bộ Công an giám sát tất cả.
Điều này đã luôn xảy ra. Làm thế nào khác để làm sạch một tổ chức không thể làm sạch được – nơi quyền lực thường chảy dồn lên trên và kỷ luật được thực thi chỉ bởi những người ở trên quý vị? Chiến dịch này làm gia tăng sự cần thiết phải có một bộ phận trong Đảng duy trì quyền lực vô thời hạn.
Ai có thể chỉ ra thế nào là đạo đức thực sự và những cán bộ nào là thực sự có đạo đức? Có một nhóm người trong Đảng đã và đang điều hành chiến dịch chống tham nhũng này.
Trong một bài phát biểu về chủ đề này, ông Trọng hối thúc Đảng “tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát”.
Việc thanh trừng, loại bỏ là nhằm mục tiêu thực hiện quan điểm không ai có quyền lực tuyệt đối trên Đảng. Bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng.
Thời điểm chín muồi cho cai trị độc tài
Tuy nhiên, để thành công, chiến dịch chống tham nhũng không chỉ đòi hỏi những cá nhân có đạo đức duy trì quyền lực ở vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực, nó còn cần có sự đổi mới thường xuyên của thậm chí nhiều cá nhân có đạo đức hơn để lãnh đạo Đảng trong tương lai. Như vậy, chiến dịch chống tham nhũng là cái gì đó chỉ có thể duy trì nếu những người có quan điểm tương tự có được các vị trí quyền lực. Nhưng điều này khó có thể xảy ra.
Thực sự, ông Trọng là một nhà tư tưởng, một người theo chủ nghĩa Mác-xít tận tụy, nhưng ông có nhiều phẩm chất của một nhà đạo đức học hơn các đồng chí của mình. Giống như ông Hồ Chí Minh, ông Trọng coi sự thoái hóa đạo đức là căn nguyên, gốc rễ của mọi vấn đề chứ không phải do cấu trúc/thể chế.
Thực tế, ông là một kiểu nhà xã hội chủ nghĩa như Che Guevara, người tin rằng để thay đổi một hệ thống, cần thay đổi hành vi của con người và rằng có thể hoàn thiện bản chất con người và tạo ra “con người xã hội chủ nghĩa mới” bằng cách tước bỏ bản năng tham lam, thích thăng quan tiến chức và thiên vị thân hữu/ưu ái người nhà (nepotism) của con người.
Thay vì thay đổi hệ thống, ông Trọng đã cố gắng thay đổi con người. Để làm như vậy đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào tay một số cái máy quyền lực/cán bộ trung thành (apparatchik) “có đạo đức”.
Ông Trọng phát hiện ra rằng, cũng như hầu hết người bên ngoài đã biết, những người ở đỉnh cao của thể chế, đã lên được những vị trí đó chủ yếu là nhờ sự tham lam, tham nhũng và tận dụng quan hệ thân hữu – những thứ mà ông muốn chữa trị. Những kẻ cơ hội đột ngột xuất hiện và biết rằng họ có thể trừ khử đối thủ của mình bằng các cáo buộc tham nhũng.
Tất cả mọi người có chút tầm quan trọng trong Đảng hoặc bộ máy nhà nước đều có những bí mật đáng xấu hổ (chĩnh mắm thối), vì vậy các cáo buộc cũng như việc từ chức, sa thải đã tăng lên gấp bội. Chỉ đơn giản rằng ai là người quyết định và quyết định tiết lộ chĩnh mắm thối nào thôi.
Giới quân sự và an ninh trị, các cán bộ an ninh và công an, những người đã giành giật quyền kiểm soát Bộ Chính trị, biết rõ nhất nên tìm những chĩnh mắm thối ở đâu.
Hơn 13 năm qua, ông Trọng đã bắt được một số con “chuột”, nói theo cách ẩn dụ của ông ấy. Một số con thực sự to. Nhưng tham nhũng vẫn lan tràn và ông ấy đã khiến cho “chiếc bình” trở nên mỏng manh, dễ vỡ hơn.
Trước đây, một số nhà bình luận cho rằng ông Trọng đang trở thành một “Tập Cận Bình của Việt Nam” nhưng ông ấy đã không như vậy.
Nhưng việc ông ấy làm xói mòn các chuẩn mực của Đảng Cộng sản và sự tích tụ quyền lực cần thiết để đấu tranh chống tham nhũng đã mở ra cánh cửa/cơ hội cho sự xuất hiện của một lãnh đạo tối cao, một cuộc đảo chính của độc tài, và một Đảng Cộng sản ít đa nguyên và ít dựa trên sự đồng thuận hơn.
Việt Nam tăng cường trấn áp những người chỉ trích ông Trọng trên mạng
Theo báo chí mậu dịch được VOA trích dẫn: Chính quyền Việt Nam vừa xử phạt một loạt những người đăng tải những nội dung được cho là “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lúc quốc tang cho ông đang được chuẩn bị.
Theo đó, hôm 21/7, công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập hai người, một người sinh năm 1989 ở huyện Lạc Thủy và người kia sinh năm 1997 ở huyện Lạc Sơn, về hành vi được cho là “xúc phạm ông Trọng” trên không gian mạng, tờ Tiền Phong cho biết.
Cũng theo tờ báo này, hai người này đã bị công an yêu cầu gỡ bài viết, lập biên bản và phạt tiền theo quy định của pháp luật. Tiền Phong đưa tên của những người này bằng các chữ cái đầu là N.Đ.L và B.V.L.
Đối tượng ở huyện Lạc Sơn được cho là đã “đăng bài, bình luận xuyên tạc, phê phán những người bày tỏ lòng tiếc thương và xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, gây bức xúc trong dư luận,” theo Tiền Phong. Người này được tờ báo này dẫn lời khai rằng ông hành động “do thiếu hiểu biết, nhận thức lệch lạc.”
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong hai ngày 20 và 21/7, ba người cũng đã bị công an xử lý về hành vi tương tự, theo báo Pháp Luật.
Tờ báo cho biết rằng ba người đàn ông này, trong độ tuổi 39-40 tuổi, là nhân viên giao hàng, làm kinh doanh và thất nghiệp. Vẫn theo Pháp Luật, họ cư trú ở quận 10, quận 12 và thành phố Thủ Đức. Họ bị cáo buộc “đăng tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”
Họ đã bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an các địa phương mời lên làm việc, răn đe và làm cam kết không tái phạm. Hai đối tượng trong số này đã bị phạt lần lượt là 7,5 triệu và 5 triệu đồng, tờ Pháp Luật cho biết.
Tờ Pháp Luật cho biết tên của những người bị xử phạt là Đ.Q.V, T.M.K và T.T.N.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng cho biết là họ đã rà soát trên không gian mạng và phát hiện một số đối tượng trong và ngoài nước “xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, và sẽ tiếp tục rà soát để mời các đối tượng lên làm việc.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã cảnh báo người dân tuân thủ pháp luật khi phát ngôn trên mạng xã hội về cố lãnh đạo, cảnh giác trước các thông tin không chính thống và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, theo Tiền Phong và Pháp Luật.
Nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã bị xử phạt hoặc bị kết án vì những đăng tải mà chính quyền cho là “xúc phạm” hay “bôi nhọ” lãnh đạo. Để kiểm duyệt những thông tin mà họ cho là “xấu độc”, chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã thắt chặt các quy tắc internet, với đỉnh điểm là Luật An ninh Mạng có hiệu lực vào năm 2019.
Báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra năm ngoái nói rằng “Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị” và rằng chính quyền, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, “hạn chế nghiêm ngặt” quyền tự do ngôn luận, trong số các quyền cơ bản khác. (VOA)
Anh quốc hồi hương người Việt không được chấp nhận quy chế tỵ nạn
Có 55 người Việt đến Anh để xin quy chế tỵ nạn nhưng bị từ chối vào ngày thứ Tư 24/7. được cơ quan chức năng London đưa về Việt Nam bằng máy bay.
BBC loan tin trong cùng ngày, theo đó tân chính phủ Anh dùng chiếc máy bay mà trước đây dự định sang Rwanda đưa người đến Xứ Sương mù xin tỵ nạn nhưng bị từ chối, nay chuyển 55 người Việt về nước.
Số này được hồi hương theo một thỏa thuận giữa hai phía chứ không phải đưa đi nước thứ ba. Và đây là chuyến bay đầu tiên đưa người không được cấp quy chế tỵ nạn về nước kể từ năm 2021.
Thống kê cho thấy trong quý I năm 2024, cứ một trong năm người đến Anh bằng thuyền nhỏ là người Việt Nam. Đây là số đông nhất trong những người tìm đường vào Xứ sở Sương mù.
Vào ngày 15/4 vừa qua, mạng báo The Telegraph của Anh loan tin dẫn số liệu của Chính phủ London cho thấy vào ngày chủ nhật 14/ có hơn 530 người đến đất Anh. Đây là con số cao nhất đến Anh bất hợp pháp qua eo biển Manche chỉ trong một ngày. Từ đầu năm đến giữa tháng tư đã có tổng cộng 6.265 người thuộc dạng này đến được Xứ Sương mù; tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng số người Việt Nam vượt eo biển Manche vào Anh tính đến trung tuần tháng tư năm nay tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022 có 505 người và nay lên 1.323 người. Lực lượng Biên phòng Anh báo cáo có những chiếc thuyền nhỏ chở đến 20 người Việt.
Tin cho biết do biện pháp an ninh chặt chẽ hơn đối với các xe tải, cũng như vụ 39 người Việt chết ngạt trong thùng xe đông lạnh hồi năm 2019 khiến nhiều người tránh đi bằng đường bộ mà chuyển sang đường biển vào Anh bằng thuyền nhỏ.
Số lượng người Việt vào Anh bất hợp pháp gia tăng là một lý do mà phát ngôn nhân chính thức của Thủ tướng Anh nêu ra yêu cầu Quốc hội nước này cần thông qua Dự luật Rwanda. Mục đích là “cứu mạng cho những người đang bị các băng nhóm buôn người bóc lột”.
Người Việt nhập cư lậu vào Anh thường do những băng nhóm buôn người đưa đến làm tại những tiệm làm móng tay-móng chân, những trang trại trồng cần sa, những nhà hàng và vào ngành mua bán dâm tại Anh Quốc. (RFA)
Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 còn hơn 3.100 tỷ đồng
Tổng số dư Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 tính đến cuối tháng 6 vừa qua còn hơn 3.100 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước báo cáo số liệu vừa nêu và truyền thông trong nước loan tin ngày 22/7. Cụ thể khoản tiền quỹ đó đang được gửi tại các ngân hàng thương mại và những đơn vị liên quan đang nghiên cứu phương án để báo cáo cấp thẩm quyền cho chấm dứt hoạt động và giải thể quỹ.
Thống kê cho thấy Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 được gần 700.000 lượt tổ chức và cá nhân đóng góp vào. Tổng số tiền huy động được cho quỹ này là gần 11.000 tỷ đồng; trong số này có hơn 176 tỷ tiền lãi do gửi ngân hàng.
Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 đã chi 7.672,2 tỷ đồng; trong số này được cho biết chi mua vắc-xin để dùng là 7.667,6 tỷ đồng, chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin hết 4,6 tỷ đồng.
Đối với COVID-19, Bộ Y tế Việt Nam vào gần cuối năm ngoái đã điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Đại dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam từ cuối tháng 1 năm 2020 và kéo dài đến tháng 4 năm 2024; qua bốn đợt. Thống kê chính thức cho thấy có 11.625.195 trường hợp nhiễm bệnh. Số tử vong do COVID-19 được chính thức công bố là hơn 43.000 nạn nhân; tuy nhiên số thực tế được nói cao hơn từ 4 đến 5 lần.
Project88: Nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên bị kết án 42 tháng tù
Trang mạng chuyên về nhân quyền Việt Nam Project88 hôm qua, 23/07/2024 cho biết nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên đã bị kết án 42 tháng tù trong một phiên xử kín. Án tù đối với giám đốc ‘‘tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất’’ ở Việt Nam được tuyên vào ngày 27/06, một tháng trước chuyến công du Hà Nội của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell vào cuối tháng 7, mà trọng tâm là phát triển bền vững và khí hậu.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt hồi tháng 09/2023, một tháng sau khi một nhóm các nhà tài trợ quốc tế – gồm Hoa Kỳ và các nước Liên Âu – cam kết huy động 15,5 tỉ đô la để hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), khuyến khích việc từ bỏ dần than đá và phát triển mạnh các năng lượng tái tạo. Tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE) của bà Ngô Thị Tố Nhiên tham gia vào việc triển khai dự án nói trên.
Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu dự kiến sẽ làm việc tại Hà Nội trong ba ngày, từ 29 đến 31/07/2024. Project88 kêu gọi Liên Âu trong dịp này ‘‘công khai lên án’’ bản án tù đối với bà Ngô Thị Tố Nhiên, và có các biện pháp để chính quyền Việt Nam tôn trọng cam kết loại bỏ dần điện than và khuyến khích công chúng tham gia vào cơ chế ‘‘Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng’’.
Theo Project88, một năm sau thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, với trọng tâm là từ bỏ dần điện than, chính quyền Việt Nam đang có xu hướng đi ngược lại cam kết. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu than của Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than năm 2023 cao hơn 61% so với năm 2022. Project88 nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam ‘‘đang thất bại’’. Báo cáo của Project88, dự kiến công bố vào tuần tới, sẽ trình bày rõ về vấn đề này. (RFI)