TIN THẾ GIỚI.

Ukraine nhận những máy bay F-16 đầu tiên, ngoại trưởng Lithuania và quan chức Mỹ nói (VOA)

Hôm thứ Tư 31/7, ngoại trưởng Lithuania và một quan chức Mỹ cho biết lô máy bay phản lực F-16 đầu tiên được chờ đợi từ lâu đã đến Ukraine, một nỗ lực mà Kyiv nói rằng sẽ giúp xây dựng lại lực lượng không quân bị tổn hao của nước này.

Những chiếc F-16 do hãng Lockheed Martin chế tạo đã nằm trong danh mục những vũ khí, khí tài mà Ukraine muốn có từ lâu vì chúng có sức mạnh hủy diệt và có sẵn với số lượng dồi dào trên toàn cầu. Loại máy bay chiến đấu này được trang bị pháo 20 mm và có thể mang bom, tên lửa và rocket.

Những chiếc F-16 ở Ukraine. Lại một điều bất khả nữa hóa ra là hoàn toàn khả thi“, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis viết trên X, trước đây là Twitter.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng việc giao máy bay đã hoàn tất.

Lực lượng Không quân Ukraine không trả lời ngay khi Reuters đề nghị họ đưa ra bình luận.

Đan Mạch cam kết tặng tổng cộng 19 máy bay, trong khi Hà Lan hứa cung cấp 24 máy bay. Cả hai nước đều tích cực thúc đẩy một liên minh quốc tế cung cấp F-16 cho Ukraine. Na Uy cũng cho biết sẽ tặng 6 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Các phi công và nhân viên mặt đất đã được các đối tác phương Tây của Ukraine đào tạo trong nhiều tháng.

Quân đội Ukraine đã phải dựa vào một phi đội máy bay phản lực tương đối nhỏ có từ thời Liên Xô khi họ chiến đấu để ngăn chặn cuộc xâm lược toàn diện của Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Các quan chức Ukraine coi việc có thêm F-16 là một bước nâng cấp quan trọng cho Lực lượng Không quân của nước này.

Các nhà phân tích và giới quan chức cho rằng chỉ riêng những chiếc F-16 thôi sẽ không tạo ra được bước ngoặt trong cuộc chiến đã bắt đầu từ khi Nga đổ quân tổng lực để xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.


Mỹ cấp thêm 1,7 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraina (RFI)

Quan chức Mỹ hôm 29/07/2024, thông báo Washington sẽ cấp thêm 1,7 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraina, bao gồm các loại đạn cho hệ thống phòng không, các tên lửa chống tăng và chống hạm.

Trong gói viện trợ này, 1,5 tỷ đôla là tài trợ thông qua các hợp đồng dài hạn trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraina và sẽ được đặt hàng để sản xuất. 200 triệu đôla là viện trợ quân sự ngay lập tức, được trích trực tiếp từ kho vũ khí của Lầu Năm Góc. Bộ Quốc Phòng Mỹ nêu rõ là sẽ cung cấp cho Kiev các loại tên lửa như Himars, Javelin, hay hệ thống tên lửa địa đối không NASAMS.

Các vũ khí được viện trợ trong hợp đồng dài hạn bao gồm đạn tầm ngắn và tầm trung cho các hệ thống phòng không, cùng các thiết bị tác chiến điện tử, hệ thống liên lạc an toàn và dịch vụ hình ảnh vệ tinh thương mại. Tuy nhiên, do quá trình ký hợp đồng phức tạp, các vũ khí và phương tiện này phải đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mới được đưa ra chiến trường ở Ukraina.

Với gói viện trợ thứ 9 này, như vậy là Hoa Kỳ đã hỗ trợ Ukraina tổng tộng 55,4 tỷ đôla, tính từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào năm 2022. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Kirby, được AFP trích dẫn, nhận định « có nhiều lo ngại chính đáng về khả năng Nga đạt những bước đột phá chiến lược trên chiến trường vào mùa hè này, nhưng kể từ khi gói viện trợ cho Ukraina được thông qua cuối tháng Tư vừa qua, khả năng phòng thủ của Ukraina đã được tăng cường, lực lượng Ukraina cũng đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Matxcơva ».

Về hình hình chiến sự, hôm nay, bộ Quốc Phòng Nga thông báo đã chiếm thêm một làng ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina, sau khi hôm qua cho biết đã « giải phóng » một làng khác cũng tại vùng này. Quan chức Kiev cho biết lực lượng Nga đã tăng cường tấn công, tiến đến gần đô thị Pokrovsk chiến lược, tại mặt trận miền đông, đe dọa tuyến đường cung cấp hậu cần cho binh lính Ukraina.


Tấn công đáp trả Hezbollah Liban: Quốc tế kêu gọi Israel kiềm chế (RFI).

Sau vụ oanh kích bằng tên lửa khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng mà Israel và Mỹ cho là do lực lượng Hezbollah Liban tiến hành ở vùng Cao nguyên Golan, quốc tế ngày càng có nhiều lời kêu gọi Tel Aviv kiềm chế. Israel khẳng định lực lượng Hồi Giáo Liban Hezbollah đã “vượt qua lằn ranh đỏ”.

Theo Reuters, sáng hôm nay 29/07, một vụ tấn công bằng drone của Israel đã khiến hai người chết và 3 người bị thương ở miền nam Liban. Phía Liban cũng đang chuẩn bị đối phó với nguy cơ bị Israel tấn công.

Hôm qua 28/07, theo Reuters, nội các an ninh Israel đã cho phép chính phủ của thủ tướng Netanyahu đáp trả tổ chức khủng bố Hezbollah « theo cách thức và theo lịch trình » mà Tel Aviv muốn. Tờ báo lớn nhất của Israel, Yedioth Ahronoth, trích dẫn một quan chức ẩn danh, cho biết cuộc tấn công của Tel Aviv sẽ « được khoanh vùng nhưng mạnh mẽ », nhắm vào các cầu, nhà máy điện, cảng, kho đạn của Hezbollah, hoặc nhắm vào các chỉ huy cấp cao của lực lượng này.

Israel liên tục tấn công lực lượng Hezbollah Liban trong những ngày gần đây. Sáng sớm 29/03/2024, Israel oanh kích vùng Aleppo, phía bắc Syria, khiến ít nhất 42 lính Syria và chiến binh Hezbollah Liban thiệt mạng. Israel cũng hạ sát một lãnh đạo của Hezbollah khi người này đang di chuyển bằng ô tô ở miền nam Liban.

Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul cho biết thêm :

« Hiện giờ thì chỉ mới có những tuyên bố. Trong các cuộc tham vấn an ninh nối tiếp nhau, giọng điệu của phía Israel vẫn là đòi tấn công đáp trả mạnh mẽ. Trước hết, khi từ Hoa Kỳ trở về vào đầu giờ chiều (28/07), thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã tập hợp một số quan chức trong một nhóm nhỏ, nói cách khác là không bao gồm các bộ trưởng cực hữu Ben-Gvir và Smotrich. Nhưng sau đó, nội các an ninh đã được mở rộng. Phải nói là Israel ngày càng chịu áp lực đòi phải có một phản ứng ôn hòa sau vụ tấn công vào sân bóng ở làng Madj el Shams của tộc người druze ở Cao nguyên Golan.

Theo truyền thông, một quan chức Mỹ đã yêu cầu Israel không tiến hành các vụ oanh kích vào Beyrouth. Một nguồn tin chính trị cấp cao của Israel được trích dẫn khẳng định là cuộc đáp trả của Israel sẽ mạnh mẽ, nhưng sẽ không bùng nổ ra khu vực ».

Trước nguy cơ nổ ra các vụ oanh kích trả đũa của Israel, theo Reuters, để bảo đảm an ninh, nhiều hãng hàng không quốc tế như Lufthansa của Đức, Air France của Pháp, Transavia chi nhánh Air France, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ …, đã hủy hoặc lùi các chuyến bay đến sân bay Rafic Hariri ở Beyrouth, sân bay quốc tế duy nhất tại Liban. 


Israel thông báo đã tiêu diệt chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah Liban (RFI)

Quân đội Israel hôm 30/07/2024 khẳng định đã tiêu diệt Fouad Chokr, một chỉ huy cấp cao của lực lượng Hezbollah Liban thân Iran, trong một vụ oanh kích vào ngoại ô phía nam thủ đô Beyrouth của Liban.

Fouad Chokr

Đối với Tel Aviv, Fouad Chokr là chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah Liban và là cánh tay phải của Hassan Nasrallah, lãnh đạo phong trào này. Fouad Chokr cũng bị quân đội Israel xem là người phải chịu trách nhiệm về vụ oanh kích bằng tên lửa vào cao nguyên Golan ngày 27/07 khiến 12 thanh thiếu niên Israel thiệt mạng. Bộ trưởng Quốc Phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố trên tài khoản mạng X « Hezbollah đã vượt qua lằn ranh đỏ ».

Cho đến sáng hôm 31/07, Hezbollah vẫn không chính thức xác nhận Fouad Chokr đã chết, nhưng cho biết nhân vật này có mặt tại tòa nhà bị Israel oanh kích. Theo AFP, bộ Y Tế Liban thông báo có 3 thường dân thiệt mạng (1 phụ nữ, 2 trẻ em) và hơn 70 người bị thương trong vụ oanh kích của Israel vào khu vực được xem là thành trì của Hezbollah ở ngoại ô Beyrouth. Thông tín viên RFI Paul Khalifeh tại Beyrouth ghi nhận nhiều tiếng nổ tại thủ đô Liban và vùng phụ cận. Ít nhất 2 tên lửa đã phá hủy nhiều tầng của một chung cư gần một bệnh viện, cách sân bay quốc tế Beyrouth không xa.

Trong thông cáo, thủ tướng Liban Najib Mikatil tố cáo « một hành vi tội ác » và kêu gọi « cộng đồng quốc tế hành xử trách nhiệm và gây sức ép buộc Israel ngừng các hành động tấn công, đe dọa và ban hành các nghị quyết ». Bộ Ngoại Giao Nga cũng tố cáo Israel « vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran Nasser Kanani xem đây là tội ác  của « băng đảng tội phạm theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ».


Lãnh đạo chính trị của Hamas thiệt mạng trong vụ không kích được cho là Israel tiến hành (RFI)

Ismaïl Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas, được coi là nhân vật ôn hòa nhất của lực lượng Hồi Giáo Palestine, đã thiệt mạng trong một vụ không kích ở Teheran sáng 31/07/2024. Theo truyền thông Iran, « Haniyeh có mặt ở một trong những dinh thự đặc biệt dành cho cựu chiến binh ở phía bắc Teheran khi ông bị sát hại trong vụ không kích ».

Một quan chức cấp cao Hamas xác nhận Ismaïl Haniyeh là « mục tiêu trực tiếp » của Nhà nước Do Thái và « cách tiến hành đang được Iran điều tra ». Israel chưa lên tiếng về vụ tấn công.

Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :

Những thông tin chi tiết về bối cảnh xảy ra vụ tấn công nhắm vào nơi lưu trú của Ismaïl Haniyeh hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cần phải nhắc lại là có rất nhiều nhà lãnh đạo của « trục kháng chiến », gồm Iran, Syria, lực lượng Hamas, Hezbollah Liban, Nga, Yemen đều có mặt ở Teheran vào lúc đó và vẫn đang ở thủ đô của Iran. Họ tới dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Iran.

Ismaïl Haniyeh

Thế nhưng chỉ một mình Ismaïl Haniyeh bị nhắm đến. Hiện giờ vẫn chưa biết vụ tấn công được tiến hành bằng tên lửa hay drone. Nhưng đây rõ ràng là thất bại của cơ quan tình báo và lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, vì họ đã không ngăn được vụ tấn công vào đúng trung tâm của Teheran và nhắm vào một trong những lãnh đạo cấp cao của « trục kháng chiến ».

Iran không thể không đáp trả vụ tấn công này. Trên đài truyền hình từ sáng nay, nhiều chuyên gia được phỏng vấn khẳng định vụ tấn công do Israel tiến hành và Teheran phải đáp trả. Cũng không nên quên là Iran đã từng tấn công Israel, phóng hơn 300 tên lửa và drone vào Nhà nước Do Thái để đáp trả vụ Israel tấn công lãnh sự quán của Iran ở Damas (thủ đô của Syria). Do đó Iran có thể sẽ phản ứng rất mạnh mẽ trong những giờ hoặc những ngày tới .

« Báo thù cho Haniyeh »

Theo AFP, sáng 31/07, chính quyền Teheran thông báo « ba ngày quốc tang cho Ismaïl Haniyeh tử vì đạo ». Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei khẳng định Iran « phải có nghĩa vụ báo thù cho Haniyeh », người được ông tiếp chỉ trước đó vài tiếng, và « trừng phạt nghiêm khắc » Israel. Tổng thống Masoud Pezeshkian tuyên bố Iran sẽ « bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ».

Nga lên án « vụ tấn công chính trị là hoàn toàn không chấp nhận được và sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng ». Qatar và Trung Quốc cũng tố cáo « vụ ám sát ». Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đây là « vụ ám sát hèn hạ » nhắm vào « người anh em » Haniyeh. Người phát ngôn chính phủ Afghanistan thì coi đây là một « tổn thất lớn » cho lực lượng Taliban.

Phía Israel và Palestine phản ứng như thế nào ? Thông tín viên Alice Froussard tại Jerusalem cho biết thêm :

« Hiện giờ chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng mọi nghi ngờ dồn hết về Israel, bởi vì chính phủ Nhà nước Do Thái từng thề sẽ tiêu diệt thủ lĩnh chính trị của Hamas, cũng như những nhà lãnh đạo khác sau vụ thảm sát 07/10.

Sáng nay, lực lượng Hamas đã lên án « một cuộc tập kích của chủ nghĩa phục quốc Do Thái nham hiểm » vào nơi ở của thủ lĩnh Hamas ở Teheran và tố cáo sự leo thang nghiêm trọng. Đối với ông Moussa Abou Marzouk, một thành viên của Hội đồng Chính trị Hamas, đây là « một hành động đê hèn và sẽ không để yên ».

Về phía tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông lên án vụ ám sát, đánh giá là « hành động leo thang nguy hiểm », đồng thời kêu gọi người dân Palestine đoàn kết, kiên nhẫn và cứng rắn trước hành động xâm chiếm của Israel.

Ismaïl Haniyeh : Lãnh đạo ôn hòa nhất trong Hamas

Ismaïl Haniyeh là một nhân vật quan trọng của Hamas bên nhánh chính trị. Ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo thực tế nhất so với những thủ lĩnh khác của phong trào Hồi Giáo và rất nổi tiếng trong cộng đồng Palestine. Ông sinh ra trong một trại tị nạn, rời khỏi dải Gaza năm 2017 và sống lưu vong ở Qatar. Hôm qua, nhà lãnh đạo 61 tuổi đến Teheran để dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Iran.

Câu hỏi lớn nhất sáng nay là vụ ám sát gây ra những hệ quả nào ? Bởi vì với những vụ tấn công như vậy, Israel gửi đi thông điệp vô cùng rõ ràng là họ sẽ giết bất kỳ ai tấn công họ, không chỉ nhắm đến mỗi người Palestine mà toàn bộ khu vực. Sau vụ tấn công vào Beyrouth hôm qua (30/07) và vụ tấn công trên lãnh thổ Iran hôm nay, nguy cơ một cuộc chiến toàn diện ngày càng đến gần »


Nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga bị drone Ukraina nhắm trúng (RFI)

Trong đêm Chủ Nhật rạng sáng thứ Hai 29/07/2024, nhiều vụ tấn công của Ukraina bằng drone đã nhắm trúng các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga gần biên giới với Ukraina.

Một xưởng lọc dầu của Nga bị tấn công (Ảnh minh hoạ)

Theo kênh Telegram Pepel Belgorod, được báo Pháp Le Monde trích dẫn, một vụ hỏa hoạn đã bùng lên tại một trạm biến áp ở Tomarovka, gần Belgorod. Kênh Telegram Astra loan tin người dân cho biết đã nhìn thấy drone bay trong đêm và nghe thấy những tiếng nổ. Cũng trong đêm qua, Andrei Klitchkov, thống đốc vùng Oriol của Nga, thông báo các vụ tấn công bằng drone đã làm hư hại một nhà máy điện ở thành phố Glazunovka. Thống đốc vùng Koursk cho biết một kho chứa dầu đã bốc cháy vào sáng Chủ Nhật 28/07 sau một vụ tấn công bằng drone của Ukraina.

Bộ Quốc Phòng Nga thì thông báo đêm qua đã hạ được 19 drone của Ukraina trên bầu trời các vùng biên. Xin nhắc lại là các vụ tấn công bằng drone của các lực lượng Ukraina nhắm vào các kho dầu, nhà máy lọc dầu hoặc các cơ sở năng lượng ở Nga diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở các vùng biên.

Hôm nay, Le Monde cũng trích dẫn báo Mỹ Washington Post, theo đó, những chiến đấu cơ F-16 chuẩn bị được chuyển đến Ukraina, nhưng số lượng không được tiết lộ. Tổng cộng 80 chiến đấu cơ F-16 đã được các nước Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy hứa viện trợ cho Kiev, nhưng đa phần sẽ phải chờ vài năm mới được giao.

Washington Post nhấn mạnh các lãnh đạo Ukraina và phương Tây trước đây từng kỳ vọng là F-16 của Mỹ có thể giúp Kiev làm thay đổi cục diện, nhưng thực tế là sẽ có khó tác động ngay lập tức trên chiến trường, do số chiến đấu cơ hạn chế (dưới 20) và sẽ chỉ có 6 phi công Ukraina hoàn thành khóa huấn luyện ngay từ mùa hè này. Điều này có nghĩa là những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên Ukraina nhận được sẽ được dùng để tăng cường năng lực phòng không của Ukraina, bắn hạ các mục tiêu trên không như tên lửa, drone và phi cơ, chứ không phải để tấn công các lực lượng trên mặt đất của Nga và các nguồn lực quân sự khác của đối phương gần mặt trận.

Trong khi đó, hôm qua tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tổng kết trong tuần qua Nga đã tấn công Ukraina với khoảng 700 quả bom dẫn đường và hơn 100 drone Shahed. Ông Zelensky kêu gọi các nước đồng minh chuyển thêm cho Ukraina tên lửa tầm xa và các hệ thống phòng không.


Philippines hoàn tất chuyến tiếp tế đầu tiên ở Biển Đông kể từ thỏa thuận với Trung Cộng (27/7, VOA)

Philippines ngày thứ Bảy hoàn tất chuyến tiếp tế không bị cản trở cho binh sĩ của họ tại bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, bộ ngoại giao nước này cho biết. Đây là chuyến chở hàng đầu tiên như vậy theo một thỏa thuận mới với Trung Cộng nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Tàu Sierra Madre “mắc cạn” ở bãi Cỏ Mây, hiện có 2 tiểu đội thuỷ quân lục chiến Phi đồn trú.

Philippines và Trung Cộng tuần trước công bố một “thỏa thuận tạm thời” về các chuyến chở hàng tiếp tế của Manila cho toán binh sĩ của nước này đồn trú trên một tàu hải quân được cho mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), sau nhiều lần đụng độ giữa các tàu gây lo ngại trong khu vực về căng thẳng leo thang.

Philippines cố tình cho chiếc tàu cũ kĩ rỉ sét của Mỹ mắc cạn tại bãi cạn này vào năm 1999 trong nỗ lực tuyên bố đây là lãnh thổ của mình và kể từ đó đã duy trì sự hiện diện luân phiên với một toán nhỏ binh sĩ ở đó. Việc này đã khiến Trung Cộng, nước có lực lượng hải cảnh đồn trú trong khu vực, tức giận.

Chuyến chở hàng hôm thứ Bảy có sự tham gia của một tàu dân sự, được lực lượng tuần duyên Philippines hộ tống và không có sự cố đáng tiếc nào được báo cáo, bộ ngoại giao Philippines cho biết trong một phát biểu.

Các tàu của Trung Cộng giữ khoảng cách hợp lý và không có nguy cơ va chạm, bộ này nói, và cho biết thêm họ không thông báo trước cho Trung Cộng và nước này cũng không tìm cách kiểm tra các tàu.

Hải cảnh Trung Cộng nói họ giám sát toàn bộ quá trình, người phát ngôn Cam Vũ nói.

“Hi vọng rằng Philippines sẽ tôn trọng cam kết của mình, tương nhượng Trung Cộng, và cùng nhau quản lý tình hình hàng hải,” ông nói trong một phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Lào, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ông hài lòng là chuyến chở hàng đã thành công và hai nước đã có thể đạt được thỏa thuận.

“Chúng tôi hoan nghênh việc đó và hi vọng và mong đợi thấy rằng nó sẽ tiếp tục tiến triển,” ông nói.

Philippines và Trung Cộng đều nói thỏa thuận này sẽ không thay đổi quan điểm của họ về lãnh thổ.

Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và cách Trung Cộng đại lục 1.300 km (hơn 800 dặm).

Vào tháng 6, một quân nhân hải quân Philippines bị đứt một ngón tay trong một vụ việc mà Manila mô tả là “cố ý đâm tàu tốc độ cao” do hải cảnh Trung Cộng gây ra. Phía Trung Cộng nói tàu tiếp tế đã phớt lờ nhiều cảnh báo rời đi.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Một tòa án trọng tài năm 2016 đã phán quyết tuyên bố này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.


Hải Quân Nga huy động ba hạm đội cho cuộc tập trận quy mô lớn (RFI)

Truyền thông Nga hôm 30/07/2024 dẫn nguồn bộ Quốc Phòng của nước này cho biết, hải quân Nga đã bắt đầu, như dự kiến, cuộc tập trận huy động gần như tổng lực của binh chủng này.

Chiến hạm của hải quân Nga

Theo hãng tin Nga TASS, các cuộc diễn tập nhằm trắc nghiệm năng lực chỉ huy tất cả các cấp của ba trong số bốn hạm đội lớn của Nga là hạm đội Bắc Cực, hạm đội Thái Bình Dương và hạm đội Baltic. Tham gia thao dượt còn có hạm đội nhỏ ở biển Caspi. Hãng tin Nga cho biết khoảng 300 chiến hạm, tàu ngầm và các tàu hộ vệ, năm chục máy bay và hơn 200 « đơn vị thiết bị đặc biệt » tham gia vào cuộc tập trận. Các thông tin không nêu rõ cuộc thao dượt diễn ra trong vùng biển nào.

Theo bộ Quốc Phòng Nga, các hạm đội sẽ tiến hành « hơn 300 bài tập sử dụng vũ khí », bao gồm « bắn tên lửa phòng không, pháo kích vào các mục tiêu trên biển cũng như trên không ».

Hạm đội duy nhất không tham gia cuộc tập trận là hạm đội Biển Đen, đang tham chiến tại Ukraina, gần đây đã bị những thiệt hại nặng nề do các cuộc tập kích của Ukraina. Kiev khẳng định đã gây hư hại và phá hủy một phần ba số tàu chiến của hạm đội này khiến Nga gần đây đã phải dời các chiến hạm của hạm đội Biển Đen khỏi căn cứ Sebastopol tại bán đảo Crimée.

Từ khi tấn công xâm lược Ukraina tháng 02/2022, quân đội Nga đã tiến hành nhiều cuộc tập trận, trong đó có những cuộc tập trận chung với các nước như Trung Cộng, Nam Phi. Nhưng đây là cuộc tập trận trên biển với quy mô lớn nhất của riêng Nga.

Trong hai tháng gần đây, Nga đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm với « dàn phóng tên lửa hạt nhân cơ động », các bài tập triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời gia tăng các cuộc tập dượt với quân đội đồng minh Belarus, nước đã từng làm hậu cứ để Nga tấn công Ukraina. 


QUAD quan ngại về Biển Đông và cam kết tăng cường an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương (RFI)

Trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp tại Tokyo hôm 29/07/2024, các ngoại trưởng 4 nước trong bộ tứ QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) cam kết tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng. Tránh nêu đích danh Trung Cộng, các bên bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về tình hình ở Biển Đông và mạnh mẽ lên án « mọi hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng » tại các vùng biển ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa, Úc Penny Wong và Ấn Độ Subrahmayam Jaishankar trong tuyên bố chung nhấn mạnh nhóm Bộ Tứ QUAD, tên gọi chính thức là Đối Thoại An Ninh Bốn Bên, « tiếp tục bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các hành động quân sự hóa những vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền, trước những hành động cưỡng ép, hù dọa tại Biển Đông ».

Hãng tin Mỹ AP nhấn mạnh tại cuộc họp lần này ở Tokyo, Bộ Tứ cam kết tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng, đẩy mạnh các công cụ chống phổ biến thông tin giả. Những biện pháp nói trên đặc biệt nhằm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á và các hải đảo trong vùng Thái Bình Dương. Cụ thể, ngoại trưởng của bốn nước dự trù khởi động một cơ chế đối thoại hàng hải trên cơ sở Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển nhằm « duy trì trật tự trên biển và các vùng biển tự do và rộng mở » trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong lĩnh vực công nghệ kết nối, QUAD cam kết hỗ trợ Philippines và Ấn Độ về an ninh mạng, đồng thời mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng internet trong khu vực.

Trả lời báo chí, ông Blinken cho biết nhóm Bộ Tứ « huy động các nguồn lực tập thể để phục vụ người dân tại các quốc gia trong vùng mà nhóm QUAD có chung những lợi ích (…) QUAD tiếp tục cùng với các đối tác trong khu vực bảo đảm tự do trên biển, trên không, để giao thương trên biển tiếp tục được phát triển vì thịnh vượng chung ».

Trong cương vị chủ nhà, ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamlikawa ghi nhận an ninh hàng hải trong khu vực đang « càng lúc càng bất ổn, do vậy sự đoàn kết và hợp tác giữa các thành viên của Bộ Tứ để bảo đảm trật tự quốc tế là điều cần thiết hơn bao giờ hết ».

Hãng tin Pháp AFP nêu bật một chi tiết: Thông cáo chung sau cuộc họp 2+2 Mỹ-Nhật hôm qua đã mạnh mẽ lên án « hợp tác quân sự chiến lược giữa Nga và Bắc Kinh ngày càng được mở rộng và mang tính khiêu khích ». Washington và Tokyo cùng trực tiếp chỉ trích Trung Cộng hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraina. Thông báo cơ cấu một bộ chỉ huy chung được đặt tại Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng, giám sát và phối hợp tốt hơn về mặt quân sự trước hai mối đe dọa là Trung Cộng và Bắc Triều Tiên

Nhưng trong thông cáo của Bộ Tứ QUAD hôm nay, các bên tránh chỉ trích Nga, bởi Ấn Độ mua vũ khí của Nga và New Delhi duy trì một mối quan hệ đặc biệt với Matxcơva. Sau cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sang Manila để cùng với bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin dự đối thoại 2+2 với các đồng cấp Philippines.


Mỹ, Nhật, Nam Hàn siết chặt hợp tác quốc phòng để đối phó với đe dọa Nga – Bắc Triều Tiên (28/7, RFI)

Hôm 27/07/2024, theo hãng tin Nam Hàn Yonhap, bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik cùng hai đồng cấp Hoa Kỳ và Nhật Bản, Lloyd Austin và Minoru Kihara, đã ký kết bản ghi nhớ về “Khung hợp tác an ninh ba bên” (Trilateral Security Cooperation Framework – TSCF). Liên minh ba nước coi việc Bắc Triều Tiên tăng cường sức mạnh hạt nhân và tên lửa với hỗ trợ của Nga là mối đe dọa chính.

Các BT quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik (trái), Nhật Bản Minoru Kihara (giữa) và Hoa Kỳ Lloyd Austin

Theo bộ Quốc Phòng Nam Hàn, đây là văn bản đầu tiên thể chế hóa các hợp tác an ninh giữa các cơ quan quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn, nhằm đảm bảo các điều kiện duy trì hợp tác ba bên trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế đầy biến động hiện nay. Theo Khung hợp tác an ninh ba bên TSCF, ba quốc gia dự kiến đặc biệt sẽ tăng cường chia sẻ dữ liệu về tên lửa Bắc Triều Tiên ‘‘theo thời gian thực’’, thường xuyên tiến hành tập trận chung, bao gồm cuộc tập trận Freedom Edge đa binh chủng, vừa được tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 06/2024.

Trong cuộc họp lần đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng ba nước tại Tokyo, Mỹ, Nhật, Hàn bày tỏ lo ngại về hợp tác quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva, được thúc đẩy bởi hiệp ước ‘‘Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện’’ Nga – Triều, bao gồm cam kết về ‘‘phòng thủ chung’’, ký kết hồi tháng trước. Lãnh đạo Quốc Phòng ba nước lên án Bắc Triều Tiên đa dạng hóa các hệ thống tấn công hạt nhân và thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo, cũng như có các hành động leo thang căng thẳng khác trên bán đảo Triều Tiên.

Việc ký kết TSCF diễn ra sau khi Nam Hàn, hồi tháng 02/2024 vừa qua, đề xuất cần xác lập một văn bản cụ thể hóa hợp tác an ninh ba bên. Trong cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng ba nước bên lề Đối thoại an ninh Shangri-la, Singapore, hồi tháng 6, ba bên thỏa thuận sẽ ký kết văn bản này ngay trong năm nay.

Trả lời báo giới sau lễ ký kết, bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik cho biết ông tin tưởng cơ chế hợp tác an ninh ba bên sẽ tiếp tục được duy trì bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.

Theo lãnh đạo bộ Quốc Phòng Nam Hàn, vũ khí hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên là đe dọa lâu dài đối với an ninh của ba nước và đặt ra rất nhiều thách thức trong khu vực.

Lên án ‘‘thay đổi nguyên trạng’’ ở Biển Đông

Bản ghi nhớ về Khung hợp tác an ninh ba bên không trực tiếp nêu tên Trung Cộng, nhưng cho biết Mỹ, Nhật, Hàn ‘‘chia sẻ quan điểm về các hoạt động quân sự trên biển và trên không ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông, thời gian gần đây’’. Ba bên tái khẳng định lập trường ‘‘phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng’’ và ‘‘các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế’’.


TIN VIỆT NAM.

HRW yêu cầu chính phủ Úc gây sức ép để Việt Nam chấm dứt vi phạm nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 29/7 cho biết họ đã gửi một tờ trình cho chính phủ Australia và yêu cầu “gây sức ép” với chính quyền Việt Nam trong các cuộc gặp sắp tới tại sự kiện Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần thứ 19 diễn ra vào ngày 30/7 tại Canberra.

“Trong hai thập niên qua, Australia đã tổ chức 18 cuộc đối thoại nhân quyền hầu như vô hiệu với Việt Nam và cần có cách tiếp cận mới”, bà Daniela Gavshon, Giám đốc quốc gia Australia của HRW nói trong thông cáo. “Thay vì tiếp cận theo kiểu thụ động về nhân quyền, chính phủ Australia nên gây sức ép để có những cải tổ mang tính hệ thống, dựa trên các mốc đánh giá rõ ràng.”

Tổ chức theo dõi nhân quyền toàn cầu cũng nhắc lại những thành tích tiêu cực của Việt Nam về nhân quyền, bao gồm hơn 160 người đang bị giam giữ vì lên tiếng phê phán chính quyền, việc các nhà hoạt động môi trường đang trở thành đối tượng bị chính quyền nhắm tới, đứng thứ 3 thế giới về số lượng nhà báo bị cầm tù…

HRW khuyến nghị chính phủ Úc cần tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm: phóng thích các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ tùy tiện; chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động môi trường; tôn trọng quyền của người lao động; bảo đảm trình tự tố tụng công bằng đối với các nghi can và bị cáo hình sự; và chấm dứt đè nén quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia vừa được nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 3 khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến thăm Canberra theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ, hai bên “tái khẳng định cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy và đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ chế liên quan”, đồng thời cam kết “tiếp tục duy trì đối thoại chân thành, thẳng thắn và xây dựng, bao gồm thông qua cơ chế Đối thoại nhân quyền thường niên”, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

“Chính phủ Australia không cho biết nhiều về các vấn đề nhân quyền đã nêu với phía Việt Nam trong các cuộc đối thoại trước, nhưng rõ ràng những cuộc đối thoại đó không có tác động gì mấy”, bà Gavshon đưa ra nhận định trong thông cáo.

Đại diện của HRW đề nghị chính phủ của Thủ tướng Albanese hãy có cách tiếp cận hiệu quả hơn với Hà Nội về vấn đề nhân quyền bằng cách “đặt nhân quyền vào vị trí trung tâm trong tất cả các cuộc thương lượng với chính phủ Việt Nam” thay vì chỉ giới hạn trong một cuộc đối thoại song phương thường niên tách biệt và “không mấy quan trọng”.

Việt Nam thường xuyên bị một số chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền chỉ trích về tình trạng vi phạm nhân quyền.

Hôm 22/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền năm 2023, nói rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có thay đổi đáng kể nào về nhân quyền. Báo cáo của Mỹ ghi nhận vẫn có những vi phạm tại Việt Nam như tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện; thực hiện những hành động trả thù vì động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, hạn chế nghiêm trọng tự do Internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội…

Hà Nội sau đó lên tiếng bác bỏ vi phạm nhân quyền, nói rằng báo cáo của Mỹ “tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam” và khẳng định chính sách nhất quán của mình là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Việt Nam hiện đang kêu gọi các nước ủng hộ để tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026 – 2028. Tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 26/2, tại Geneva, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã đưa ra kêu gọi này và khẳng định những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người, trang tin của Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay. (VOA)


Gần 90.000 người Việt lao động cho nước ngoài trong 7 tháng đầu năm

Đài VOA dẫn tin từ truyền thông mậu dịch cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho hay hôm 30/7 rằng trong 7 tháng đầu năm nay, có tới gần 89.900 người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt gần 72% kế hoạch đề ra cho năm 2024. Hồi đầu năm nay, bộ nhắm mục tiêu đưa 125.000 người đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với việc Việt Nam đưa được nhiều người lao động đến các nước khác để làm việc, cũng có một vấn đề “hết sức nhạy cảm” được đưa ra, đó là tính đến cuối năm 2023, có hơn 46.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài và hơn 3.000 lao động sang Hàn Quốc không về nước, tờ Đầu Tư viết.

Báo này trích dẫn lời Phó cục trưởng Cục lao động ngoài nước Phạm Viết Hương nói rằng hai chính chủ Việt Nam và Hàn Quốc đã họp và đưa ra nhiều giải pháp từ năm 2016 đến nay để khắc phục nạn lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, với kết quả là số lượng lao động bỏ trốn đã giảm dần.

Ông Hương cho biết các giải pháp đã được hai nước triển khai gồm giáo dục nhận thức để người lao động hiểu phải thực hiện đúng điều khoản trong hợp đồng lao động; tiếp đến là việc phải “ký quỹ”, nếu người lao động phá hợp đồng, khoản tiền ký quỹ đó sẽ bị xử lý; và thứ ba là việc Hàn Quốc hạn chế tuyển chọn lao động ở một số tỉnh, thành phố, bên cạnh đó, họ tăng cường kiểm tra lao động hợp pháp và các đơn vị sử dụng lao động hợp pháp.

Ngoài ra, theo ông Hương, cứ 2 năm một lần, 2 nước lại ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Văn bản này có mục đích rà soát và góp phần giảm thiểu số lượng lao động bỏ trốn xuống đáng kể qua các năm.

Về người lao động Việt ở Nhật Bản, Đầu Tư viết rằng “tỷ lệ lao động bỏ trốn cũng giảm dần, chủ yếu do đồng yen mất giá”.

Theo một bài báo hồi cuối tháng 10 năm ngoái của đài VOV, tính đến thời điểm đó, Việt Nam có 650.000 công dân đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

Đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo tập trung đưa công dân của mình đi làm việc ở các thị trường được gọi là “ổn định, có thu nhập cao” như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Australia…


Việt Nam chi hơn 54 tỷ USD để nhập máy vi tính, điện tử và linh kiện phục vụ xuất khẩu

Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chi 54,3 tỷ USD để nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để phục vụ chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu.

Tổng Cục Hải quan Việt Nam công bố số liệu vừa nêu và truyền thông loan tin ngày 23/7. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng vừa nêu để phục vụ xuất khẩu tăng hơn 28%.

Trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 88 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước đó.

Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất của Việt Nam.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập số hàng thuộc nhóm vừa nêu từ Việt Nam với tổng kim ngạch xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc nhập gần 15 tỷ USD từ Việt Nam, tăng hơn 18% so với năm 2023.


7 tháng đầu năm, Việt Nam có hơn 6000 người chết do tai nạn giao thông

Bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 14.242 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.204 người, bị thương 10.976 người.

Đó là con số thống kê trong báo cáo của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (Ủy ban), được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 31/7.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ TNGT tăng 1.854 vụ, tuy nhiên số người tử vong giảm 717 người. Trong đó, đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất, xảy ra 14.125 vụ, làm chết 6.126 người, bị thương 10.953 người. Đường sắt xảy ra 84 vụ, làm chết 60 người, bị thương 18 người. Đường thủy xảy ra 30 vụ, làm chết 17 người, bị thương năm người. Hàng hải xảy ra ba vụ, làm chết một người.

Chỉ riêng trong tháng 7/2024, Việt Nam ghi nhận 1.889 vụ TNGT, làm chết 860 người và làm bị thương 1.424 người.

Trong số các vụ TNGT đường bộ phải kể đến tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xảy ra ngày 11/7 khiến 11 người thương vong. Tiếp theo đó là vụ tai nạn tại Hoài Đức (Hà Nội) khiến bốn mẹ con trên một xe máy tử vong. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng và thương tâm. Kết quả điều tra cho thấy tài xế gây tai nạn dương tính với ma túy, giấy tờ đăng kiểm xe không rõ thông tin. (RFA)


Lãnh đạo Việt Nam đề nghị Liên Âu sớm gỡ bỏ « thẻ vàng » đối với hải sản xuất khẩu

Hôm qua, 30/07/2024, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông theo lời mời của ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn. Trong buổi gặp, chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Ủy Ban Châu Âu sớm  gỡ bỏ « thẻ vàng » đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Theo báo chí trong nước, chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam đã có những nỗ lực và đạt nhiều kết quả về phòng chống khai thác hải sản trái phép.

Đề xuất Ủy Ban Châu Âu sớm gỡ bỏ «  thẻ vàng » đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam cũng đã được phó thủ tướng Lê Thành Long và bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đưa ra khi tiếp đón lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu.

Xin nhắc lại là ngày 23/10/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã phạt « thẻ vàng », cảnh cáo Việt Nam về những hoạt động đánh bắt cá mà Bruxelles xem là trái phép. Bruxelles khi đó tuyên bố chỉ dỡ bỏ lệnh cảnh cáo nếu Việt Nam cải thiện những thiếu sót mà Liên Âu đã chỉ ra.

Trong cuộc gặp với ông Borrell, các lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh Hà Nội đề cao sự phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với Liên Âu, đồng thời đề nghị Bruxelles thúc đẩy các thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn càng sớm càng tốt Hiệp định Bảo hộ Đầu Tư Việt Nam – Liên Âu (EVIPA). Theo bộ Công Thương Việt Nam, Liên Âu hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của khối 27 nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN.

Sau cuộc gặp với ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell hôm qua đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cũng như đề nghị hỗ trợ Việt Nam về an ninh trên biển và an ninh mạng.

Josep Borrell là quan chức cấp cao nhất của Liên Âu đến thăm Việt Nam kể từ sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi đầu tháng 06/2024.(RFI)


Trên 90% dân số Việt Nam thuê bao Internet di động

Trung bình, trong 100 người dân Việt Nam, có gần 92 thuê bao băng rộng di động, phần lớn họ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại một hội nghị hôm 29/7, VnExpress, Vietnambiz và một số trang tin trong nước đưa tin.

Điểm lại 6 tháng đầu năm, bộ đưa ra thông tin là số thuê bao băng rộng di động ở Việt Nam đã tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt trung bình 91,9 trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này cao hơn 90%, vượt mục tiêu là 87,5% mà bộ đề ra cho năm 2024, theo VnExpress, Vietnambiz và các báo trong nước.

phone

Về tỷ lệ người sử dụng internet nói chung ở Việt Nam, con số ước tính là 78,1%, VnExpress, Vietnambiz và báo chí trong nước tường thuật, trích dẫn số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với sự gia tăng ấn tượng về số thuê bao internet di động, lượng người sử dụng mạng băng rộng cố định cũng tăng mạnh, đạt mức 23,5 trên 100 dân, tăng 6,8% và đạt 96% kế hoạch của năm. Trong số này, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang là 82,2%.

Tuy nhiên, VnExpress, Vietnambiz và các báo dẫn thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay lượng người chưa sử dụng hạ tầng internet vẫn ở mức “tương đối lớn”.

Liên quan đến điều này, ít ngày trước, Cục Viễn thông nói hôm 18/7 rằng vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao sử dụng những chiếc điện thoại “chỉ hoạt động trên mạng 2G và chưa tiếp cận với internet băng rộng di động”.

Các bản tin trên báo chí Việt Nam hôm 29/7 viết rằng các cơ quan quản lý, nhà mạng và đại lý bán điện thoại nói họ “đang thực hiện các biện pháp nhằm phổ cập thiết bị 4G trước thời hạn tắt sóng 2G vào 15/9” nhưng không có thêm các chi tiết.

Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về lượng người sử dụng internet, theo trang Statista ở Đức, vốn chuyên thu thập dữ liệu về toàn cầu và các thông tin chuyên sâu về các doanh nghiệp.

Đứng đầu thế giới về “dân số kỹ thuật số”, theo cách gọi của Statista, là Trung cộng với 1,05 tỷ người, tiếp theo là Ấn Độ (692 triệu người) và Mỹ (311,3 triệu). Dưới 3 nước này, theo thứ tự, là Indonesia, Brazil, Nga, Nigeria, Nhật Bản, Mexico. Hai nước Philippines và Ai Cập lần lượt đứng thứ 10 và 11. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng