Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

TT Trump Đề Nghị Tranh Biện, Bà Phó TT Harris Từ Chối

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã sẵn sàng tranh biện với Phó Tổng thống Kamala Harris vào ngày 04/09 trên Fox News, nhưng phó tổng thống đã từ chối và khăng khăng muốn cuộc tranh biện diễn ra vào ngày 10/09 trên ABC, theo thỏa thuận trước đó với Tổng thống Joe Biden.

Ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 03/08 rằng, vì ông Biden đã rút khỏi cuộc tranh cử, nên thỏa thuận của họ cho cuộc tranh biện vào ngày 10/09 trên ABC không còn hiệu lực nữa. Thay vào đó, ông Trump đề nghị một cuộc tranh biện vào ngày 04/09 với bà Harris tại Pennsylvania, do Fox News tổ chức.

Bà Harris đã phản ứng lại thông điệp của ông Trump trong một bài đăng trên X, nói rằng bà sẽ “có mặt ở đó vào ngày 10/09, như ông ấy đã đồng ý. Tôi hy vọng sẽ gặp ông ấy ở đó”.

Ông Trump đưa ra tối hậu thư. Ông viết, “Tôi sẽ gặp bà ấy vào ngày 04/09 hoặc, tôi sẽ không gặp bà ấy nữa”.

Cựu tổng thống cho biết ông coi cuộc tranh biện ngày 04/09 về căn bản là sự thay thế cho cuộc hẹn ngày 10/09 đã được ấn định trước đó, vốn “đã bị chấm dứt” vì ông Biden đã rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, rồi đưa cho bà Harris thay thế, làm đề cử viên của đảng Dân Chủ.

Sau khi ông Biden tuyên bố rút lui, ông Trump đã kêu gọi thay đổi cuộc tranh biện ngày 10/09, nói rằng, cuộc tranh biện nên được tổ chức tại Fox News thay vì ABC.

Trong bài đăng mới nhất vào ngày 03/08, ông Trump giải thích rằng ông đang kiện ABC, cho rằng việc tổ chức cuộc tranh biện trên đài này sẽ cho thấy có một “sự xung đột lợi ích”.

Cựu tổng thống cũng đề xướng rằng những người điều hợp cuộc tranh biện ngày 04/09 sẽ là ông Bret Baier và bà Martha MacCallum, và các thể lệ tranh biện sẽ tương tự như những thể lệ đã được đồng thuận trong cuộc tranh biện đáng lẽ sẽ thực hiện với ông Biden, “nhưng phải có khán giả tại trường quay đầy đủ”.

Trước đây, cuộc tranh biện giữa ông Trump và ông Biden hôm 27/06 trên CNN ở Atlanta đã được tổ chức mà không có khán giả trong hội trường.

Hôm 25/07, bà Harris cho biết rằng bà đã đồng ý tranh biện với ông Trump tại cuộc tranh biện vào ngày 10/09 như đã được thỏa thuận trước đó, và cáo buộc ông Trump đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận trước đó. Điều này cho thấy một sự kiện không đúng sự thật. Chính ông Biden của đảng Dân Chủ mới là người rút lui, chứ không phải ông Trump.

Trong một cuộc gọi với giới báo chí hồi tuần trước, ông Trump đã trả lời câu hỏi của một phóng viên về tầm quan trọng của việc tranh biện với bà Harris và liệu ông có sẵn sàng tranh biện trên ABC hay không. Ông Trump cho biết,

“Tôi chưa đồng ý bất cứ điều gì. Tôi đã đồng ý tranh biện với ông Joe Biden… Tranh biện với bà ấy sẽ không khác gì, vì họ có cùng chính sách. Tôi nghĩ rằng tranh biện rất quan trọng đối với một cuộc tranh cử tổng thống, tôi thực sự nghĩ vậy…. Tôi nghĩ nếu là đề cử viên của đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa, thì quý vị thực sự có nghĩa vụ phải tranh biện, vì vậy tôi nghĩ tranh biện là rất quan trọng”.

Tại Căn cứ Andrews, phóng viên đã hỏi bà Harris rằng liệu bà có sẵn lòng tranh biện trên Fox News thay vì ABC hay không, bà đã bỏ đi mà không đưa ra câu trả lời.


Chính Sách Mới Dành Cho Người Vô Gia Ở San Francisco

Trong một hướng dẫn hành pháp được ban hành hôm 01/08, Thị trưởng San Francisco London Breed đã ra lệnh cho các sở và nhân viên thành phố ưu tiên các dịch vụ tái định cư cho người vô gia cư trước khi cung cấp các trợ giúp khác, trong đó có nhà ở và chỗ tạm trú.

Được gọi là chương trình Journey Home, những nỗ lực mới này kết hợp các nỗ lực tương tự trước đây, bao gồm các chương trình trợ giúp tái định cư Problem Solving & County Adult.

Bà cho biết trong một thông cáo báo chí, “San Francisco tiếp tục cam kết đầu tư vào các chương trình hiệu quả nhằm cung cấp các dịch vụ giúp những người sống trên đường phố kết nối lại với quê nhà của họ. Mặc dù chúng tôi sẽ luôn lãnh đạo bằng lòng trắc ẩn và chúng tôi đã mở rộng đáng kể nhà ở và chỗ tạm trú, nhưng chúng tôi không thể nào giải quyết nhu cầu nhà ở và sức khỏe hành vi của từng cá nhân”.

 Chỉ thị này có hiệu lực ngay lập tức, yêu cầu các viên chức trước ngày 01/09 phải khuyến khích và cung cấp trợ giúp tái định cư, có thể gồm có vé xe buýt hoặc vé máy bay.

Những người chọn tham gia chương trình sẽ được giúp đỡ việc đi lại và nơi ở tạm thời.

Được tiến hành hai năm một lần, dữ kiện của cuộc thống kê về người vô gia cư được công bố hồi tháng Năm cho thấy khoảng 2,900 người sống lang thang tại San Francisco—giảm 13% so với năm 2022 và là con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2015.

Nêu bật số liệu thống kê cho thấy 40% những người sống trên đường phố gần đây đã chuyển đến San Francisco từ các khu vực khác của tiểu bang và trên khắp cả nước, vị thị trưởng này cho biết số lượng ngày càng tăng những người vô gia cư không phải là cư dân của thành phố này, đang làm hao tổn nguồn lực của thành phố.

Thị Bà trưởng Breed cho biết, “Chúng ta không thể để lòng trắc ẩn của mình bị lợi dụng. Chúng ta sẽ không phải là một thành phố nổi tiếng vì có thể giải quyết nhu cầu nhà ở và sức khỏe hành vi của người dân trên khắp cả nước. Chúng ta không thể tiếp tục yêu cầu cư dân San Francisco trợ giúp cho nhu cầu của những người đến đây chỉ để được chăm sóc”.

Nhân viên của thành phố sẽ được đào tạo để tuân theo các quy trình ưu tiên trợ giúp tái định cư.

Những người từ chối dịch vụ chăm sóc [của thành phố] hiện có thể phải đối mặt với hậu quả, kể cả việc có thể bị buộc tội hình sự và mất hết đồ đạc.

Chỉ thị mới yêu cầu các ban ngành thiết lập một hệ thống theo dõi để đo lường số lượng người tham gia chương trình và số lượng người từ chối dịch vụ tái định cư. Dữ kiện sẽ được công bố để các viên chức có thể theo dõi hiệu quả của chương trình.

San Francisco đã cung cấp dịch vụ tái định cư kể từ năm 2005, với việc thiết lập chương trình Homeward Bound—cung cấp vé xe buýt cho những người vô gia cư.

Một viên chức cho biết chương trình này giúp kết nối những người vô gia cư với các dịch vụ có thể giúp họ vượt qua khó khăn.

Ông Trent Rhorer, giám đốc điều hành của Cơ quan Dịch vụ Nhân sinh San Francisco, cho biết trong thông cáo báo chí của thị trưởng, “Đôi khi, dịch vụ hiệu quả nhất mà HSA có thể cung cấp cho những khách hàng vô gia cư của chúng tôi là chi trả cho chuyến đi để họ kết nối lại với gia đình hoặc mạng lưới trợ giúp tại thành phố mà họ từng sinh sống”.


Hoa Kỳ Điều Động Thêm Chiến Đấu Cơ, Chiến Hạm Tới Trung Đông

Hôm thứ Sáu (02/08), Ngũ Giác Đài tuyên bố sẽ khai triển thêm ​​chiến hạm và chiến đấu cơ tới Trung Đông trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng Iran đáp trả Israel.

Hoa Kỳ đã tăng cường thế trận quân sự trong khu vực sau khi Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei thề sẽ “trả thù” vụ hạ sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở nước này hôm 31/07.

Phó Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh điều động thêm một phi đội chiến đấu cơ, các khu trục hạm, cùng tuần dương hạm có khả năng phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo, đến Trung Đông.

Bà Singh cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng ra lệnh cho Hàng Không Mẫu Hạm USS Abraham Lincoln thay thế USS Theodore Roosevelt, hiện đang được khai triển trong khu vực.

Bà nói thêm: “Bộ cũng đang thực hiện các bước để sẵn sàng khai triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo bổ sung trên đất liền”.

Những điều chỉnh về thế trận quân sự mới nhất nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ, tăng cường yểm trợ cho hoạt động phòng thủ của Israel, và bảo đảm tính sẵn sàng của quân đội Hoa Kỳ trong việc ứng phó với “các tình huống bất ngờ khác nhau”.

Bà Singh cho biết Hoa Kỳ vẫn “chăm chú tập trung” vào việc giảm căng thẳng trong khu vực và thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza để đổi lấy việc Hamas thả con tin, nhưng cũng “duy trì khả năng khai triển gấp rút trong thời gian ngắn để đáp ứng các mối đe dọa an ninh quốc gia ngày càng tăng”.

Israel chưa tuyên bố thừa nhận về vụ hạ sát ông Haniyeh. Ông Khamenei đã thề sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” và nói rằng “nghĩa vụ” của Iran là trả thù cho cái chết của Haniyeh vì vụ tấn công này đã diễn ra ở Iran.

Ông Haniyeh là giám đốc chính trị của Hamas, một tổ chức bị Hoa Kỳ xác định là khủng bố, từ năm 2017 cho đến khi ông bị ám sát ngày 31/07/2024. Ông 62 tuổi vào thời điểm bị ám sát.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang có thể xảy ra sau cái chết của ông Haniyeh nhưng cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy leo thang sắp xảy ra”.

Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant về các mối đe dọa gây bất ổn do Iran gây ra. Ông nhắc lại sự ủng hộ đối với Israel và thông báo cho ông Gallant về những thay đổi trong tư thế lực lượng phòng thủ của Hoa Kỳ.

Ông Austin nói với ông Gallant rằng “leo thang hơn nữa khó tránh khỏi và tất cả các nước trong khu vực sẽ được hưởng lợi từ việc giảm căng thẳng, bao gồm cả việc hoàn tất lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận thả con tin”.

Tuy nhiên, ông Austin nói thêm rằng sự trợ giúp “quy mô chưa từng có” của Hoa Kỳ dành cho Israel kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 07/10/2023 sẽ khiến Iran và đồng minh của họ hiểu rõ “về quyết tâm của Hoa Kỳ”.


Tỷ Lệ Thất Nghiệp Của Hoa Kỳ Tăng Lên Mức Cao Nhất

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo ra ít việc làm hơn dự định ​​trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, báo hiệu rằng thị trường lao động có thể đang trải qua quá trình suy giảm, trong bối cảnh Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang có thể sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), đã có 114,000 việc làm mới vào tháng Bảy, giảm so với mức 179,000 vào tháng Sáu. Con số này thấp hơn mức ước tính chung 175,000.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3%, tăng từ mức 4.1% và tăng cao hơn mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 4.1%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 10/2021.

Thu nhập trung bình giảm xuống mức thấp hơn dự định 3.6% so với cùng thời kỳ năm trước. Trên cơ sở hàng tháng, thu nhập trung bình tăng nhẹ 0.2%.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ lên 62.7%, từ 62.6%. Số giờ làm việc trung bình hàng tuần giảm xuống 34.2%, từ 34.3%.

Chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn số việc làm, với 55,000 việc làm mới được thêm vào tháng trước. Tiếp theo là việc xây dựng (25,000) và việc trong văn phòng chính phủ (17,000).

Ngành thông tin đã cắt giảm 20,000 việc làm trong khi bảng lương sản xuất không thay đổi nhiều.

Số lượng việc làm trong tháng Năm và tháng Sáu đã được điều chỉnh giảm lần lượt là 2,000 và 27,000.

Số người đảm nhận hai hoặc nhiều công việc tăng vọt lên 8.473 triệu, tăng từ 8.34 triệu. Số người làm việc toàn thời gian đã tăng 448,000, trong khi số người làm việc bán thời gian giảm 325,000.

Chênh lệch về xu hướng giữa nhân viên sinh ra ở Hoa Kỳ và nhân viên sinh ra ở ngoại quốc đã gia tăng so với một năm trước. Nhân viên sinh ra ở Hoa Kỳ đã giảm hơn 1.2 triệu người kể từ tháng 07/2023. Trong khi đó, nhân viên sinh ra ở ngoại quốc đã tăng khoảng 1.3 triệu người.


Hoa Kỳ Sắp Khai Triển Tàu Ngầm Hạch Tâm Đến Guam

Hoa Kỳ dự định sẽ sớm khai triển lực lượng tàu ngầm hạch tâm trú đóng dài hạn tại đảo Guam. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn đối với các trung tâm quân sự quan trọng của Hoa Kỳ trên chuỗi đảo thứ hai, và chắc chắn sẽ tạo uy thế và sức mạnh răn đe hướng đến khu vực chuỗi đảo thứ nhất.

Cùng với việc gần đây Hoa Kỳ tăng cường liên minh quân sự với Nhật Bản và Philippines, sự hiện diện và năng lực ứng phó của quân đội Hoa Kỳ tại chuỗi đảo thứ nhất cũng sẽ được tăng cường và nâng cấp. Những dấu hiệu này cho thấy Hoa Kỳ đang từng bước khai triển chiến lược tại chuỗi đảo thứ nhất nhằm kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động hàng hải và hàng không của Trung Cộng, trong trường hợp Trung Cộng phát động chiến tranh tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Theo Newsweek, tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạch tâm USS Minnesota lớp Virginia trang bị hỏa tiễn hành trình thông thường dự định sẽ thay đổi cảng chính từ Trân Châu Cảng ở Hawaii sang Guam, kể từ năm tài chính mới bắt đầu vào ngày 01/10 năm nay.

Thiếu tá Rick Moore, phát ngôn viên của cố vấn trưởng các vấn đề tàu ngầm thuộc Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói với Newsweek rằng, đây sẽ là tàu ngầm cùng cấp bậc đầu tiên đóng thường trực ngoài khơi Guam, hành động này sẽ “bổ sung một tàu ngầm tấn công thế hệ mới với những khả năng tân tiến cho lực lượng hải quân ở tuyến đầu”.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hải quân Trung Cộng đang nhanh chóng xây dựng và mở rộng các hoạt động quân sự ngoài khơi. Thiếu tá Moore cho biết: “Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên đánh giá việc khai triển lực lượng tại hải ngoại, bao gồm việc khai triển các tàu ngầm hải quân tại Guam. Chúng tôi cam kết sẽ khai triển các nền tảng có năng lực nhất của mình để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ cho biết, Trung Cộng đang tiến hành xây dựng quân đội quy mô lớn nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, với lực lượng thường xuyên hoạt động ngoài chuỗi đảo thứ nhất và gần đây đã vượt xa khỏi chuỗi đảo thứ hai: vào ngày 08/07/2024, hải quân Trung Cộng cùng một đội gồm bốn tàu và một đội tuần tra oanh tạc cơ liên hợp của Nga đã đến vùng biển Bering gần Alaska, Hoa Kỳ.

Guam là lãnh thổ cực tây của Hoa Kỳ, và là trung tâm quân sự chủ chốt trên chuỗi đảo thứ hai. Chuỗi đảo thứ hai lấy đảo Guam làm trung tâm, phía bắc kéo dài đến vùng trung bộ của Nhật Bản, phía nam kéo dài đến Papua New Guinea nằm phía bắc nước Úc. Chuỗi đảo thứ hai cùng với chuỗi đảo thứ nhất—bao gồm miền nam Nhật Bản, Đài Loan, và Philippines, kéo dài đến Singapore—là các cấp độ khác nhau của khái niệm phòng thủ từ thời Chiến Tranh Lạnh, nhằm hạn chế hoạt động hàng không và hàng hải của Trung Cộng trong thời chiến.

Guam cách eo biển Đài Loan và các vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông khoảng 1,500-1,700 dặm Anh (khoảng 2,400-2,700 km), trong khi khoảng cách từ Trân Châu Cảng đến các khu vực này là gấp hai lần rưỡi. Điều này làm cho Guam trở thành điểm tập trung lý tưởng để Hoa Kỳ khai triển sức mạnh hải quân đến chuỗi đảo thứ nhất.

Mặc dù Guam cũng nằm trong tầm bắn đạn đạo của quân đội Trung Cộng, nhưng cựu lính tàu ngầm Hoa Kỳ Bryan Herrin nói với Newsweek rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì các tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ có thể nhanh chóng phóng đạn đạo và ngư lôi.

Ông Herrin cho biết: “Vị trí chiến lược của Guam có ý nghĩa quân sự rất quan trọng đối với Hải Quân Hoa Kỳ, do đó có thể khai triển, bảo trì, và tái trang bị các tàu ngầm hiện đại nhất tại đây là điều thiết yếu”.

Tàu ngầm hạch tâm USS Minnesota nặng 7,800 tấn, dài 377 feet (115 mét), được trang bị ngư lôi Mark 48 và có thể phóng tới 12 hoả tiễn hành trình Tomahawk từ hệ thống phóng thẳng đứng.

Hải Quân Hoa Kỳ cho biết, các tàu ngầm hạch tâm lớp Virginia bắt đầu phục vụ từ đầu những năm 2000, đã được tăng cường khả năng chiến đấu, bao gồm các hoạt động ven biển để hỗ trợ chiến tranh chống tàu ngầm, chiến tranh chống tàu mặt nước, các nhiệm vụ tấn công và tình báo, giám sát và trinh sát.


Các Công Dân Mỹ Được Nga Trả Tự Do Trong Cuộc Trao Đổi Tù Nhân Đa Quốc Gia

HOA THỊNH ĐỐN—Ba người Mỹ và một người có thẻ xanh Hoa Kỳ bị giam giữ oan sai ở Nga đã về nhà sau khi kết thúc cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia.

Phóng viên Wall Street Journal Evan Gershkovich, ký giả Đài phát thanh Âu Châu Tự Do Alsu Kurmasheva, và cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến Paul Whelan đã đến Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland giữa chiều ngày 01/08.

Cả ba người này đều bị giam giữ tại Nga trong những hoàn cảnh không rõ ràng, với việc Nga cáo buộc anh Gershkovich và ông Whelan làm gián điệp và bà Kurmasheva phát tán thông tin sai sự thật về quân đội Nga.

Tổng cộng 16 người đã được Nga phóng thích trở về Hoa Kỳ, Đức, và Vương quốc Anh. Hoa Kỳ cùng các đồng minh đã trao trả 8 tù nhân cho Nga.

Cuộc trao đổi này là một phần của cuộc đàm phán 8 quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, trong đó có 24 tù nhân giữa một bên là Hoa Kỳ, Đức, Na Uy, Ba Lan, và Slovenia còn bên kia là Nga và Belarus.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói trong một cuộc họp báo rằng nỗ lực phức tạp này dựa trên sự hợp tác của các quốc gia đồng minh, và ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ đối tác quốc tế chặt chẽ để bảo đảm rằng các thỏa thuận như vậy có thể tiếp tục được thực hiện.

Tổng thống Biden cho biết, “Thỏa thuận giúp điều này trở thành hiện thực là một kỳ tích ngoại giao và tình hữu nghị. Nhiều quốc gia đã giúp đạt được thỏa thuận này”.

“Thỏa thuận này sẽ không thể thực hiện được nếu không có các đồng minh của chúng ta là Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy, và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả đều đã sát cánh cùng chúng ta, và họ đã đưa ra những quyết định táo bạo và dũng cảm”.

Ông cho biết nỗi thống khổ của các tù nhân và gia đình sắp kết thúc và việc xây dựng lòng tin với các đối tác quốc tế của quốc gia này vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ của ông.

Ông Biden nói, “Đây là một ví dụ mạnh mẽ về lý do tại sao chúng ta nên có những người bạn trên thế giới có thể tin tưởng… Các liên minh của chúng ta giúp người Mỹ an toàn hơn”.

Bất chấp sự phô trương rầm rộ này, thì vẫn còn những người Mỹ khác vẫn bị giam giữ ở Nga và việc họ tiếp tục bị giam cầm đang trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Đứng đầu trong số đó là ông Marc Fogel, người Pennsylvania. Ông không nằm trong số những người được Nga trả tự do, và điều này đã khiến một số thành viên trong Quốc hội lo ngại.

Các Thượng nghị sĩ Bob Casey (Dân Chủ-Pennsylvania) và John Fetterman (Dân Chủ-Pennsylvania), cùng các Dân biểu Mike Kelly (Cộng Hòa-Pennsylvania), Chris Deluzio (Dân Chủ-Pennsylvania), và Guy Reschenthaler (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng ông Fogel vẫn “bị giam giữ bất công” và kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden bảo đảm rằng “bất cứ cuộc trao đổi tù nhân tiềm năng nào cũng phải có ông Marc Fogel”.

Ông Fogel đã bị bắt tại Nga năm 2021 và bị kết án 14 năm tù vì cáo buộc buôn bán ma túy. Vào thời điểm bị bắt, ông sở hữu chưa đến một ounce (khoảng 28gr) cần sa được bác sỹ tại Hoa Kỳ kê đơn cho ông.

Mẹ của ông Fogel hiện đang kiện Ngoại trưởng Antony Blinken vì không xác định con trai bà là người “bị giam giữ sai trái”, do đó mà từ chối cung cấp thêm các nguồn lực có thể giúp ông Fogel được thả.

Tòa Bạch Ốc thừa nhận ông Fogel không có trong cuộc trao đổi tù nhân này và cho biết họ sẽ tiếp tục các nỗ lực để bảo đảm ông được phóng thích.


TT Trump Trở Lại Pennsylvania Sau Vụ Ám Sát

Mười tám ngày sau khi sống sót từ vụ ám sát ở Pennsylvania, hôm 31/07, cựu Tổng thống Donald Trump đã trở lại thực hiện một cuộc vận động tranh cử ở tiểu bang dao động được ước muốn này, một điểm quan trọng trong cuộc đua giành chức tổng thống năm 2024.

Trước đám đông reo hò tràn ngập cầu trường New Holland có sức chứa 7,318 chỗ ngồi tại Khu Triển lãm & Hội chợ Pennsylvania, ông Trump nói, “Quyết tâm của chúng ta không hề giảm sút, và ý chí của chúng ta không hề nao núng”.

Ông đưa ra tuyên bố đó khi ám chỉ đến vụ ám sát muốn tước đi mạng sống của mình hôm 13/07, trước khi so sánh thành tích với đối thủ mới của ông từ phía đảng Dân Chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris.

Ông Trump nói rằng bất kể đối thủ của ông là ông Biden hay bà Harris, thì “vấn đề không phải là về ông ấy hay bà ấy; mà là về các chính sách, và đều như nhau cả”.

Trong khi ông Biden và bà Harris tung hô số liệu thống kê về tạo việc làm, thì ông Trump cho rằng các chính sách của ông Biden và bà Harris đang làm gia tăng lạm phát và gây gánh nặng cho những người dân bình thường. Một bà mẹ đơn thân có bốn con, Tiffany Hall, đã cùng ông lên sân khấu để diễn tả việc bà bị ảnh hưởng như thế nào. Bà Hall nói rằng bà và gia đình đã khá giả hơn về tài chính khi ông Trump còn tại nhiệm.

Bà cho biết bà nghĩ rằng nhiều người hiện trải qua những gì bà trải qua khi ở các trạm xăng, tự nhủ rằng, “Trời ơi, đây là số tiền cuối cùng mà tôi có”.

Bà nghẹn ngào nói thêm, “Tôi muốn vào cửa hàng bách hóa và có đủ tiền để mua…”.

Ông Trump cho biết các chính sách của ông đã ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp và giúp kiểm soát giá cả hàng bách hóa, xăng dầu, và các mặt hàng thiết yếu khác.

Các cuộc thăm dò, trong đó có một cuộc thăm dò được công bố trong tuần này, đã liên tục cho thấy rằng hầu hết người Mỹ cảm thấy đất nước nói chung là đang đi sai hướng, rằng nhiều người đang bị tổn hại về kinh tế, và hầu hết mọi người phản đối các chính sách nhập cư “biên giới mở”.

Bà Harris thường được gọi là “sa hoàng biên giới” vì được giao nhiệm vụ giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng một số hãng truyền thông đang cố gắng “làm mới” hình ảnh của bà Harris. Ông nói, “Đột nhiên, bà ấy trở thành ‘Margaret Thatcher mới’”.

Ông Trump nói rằng tình trạng nhập cư bất hợp pháp gia tăng đã gây ra một loạt những vấn đề, trong đó có tội phạm và gánh nặng cho các dịch vụ của chính phủ.

Pennsylvania là một trong số ít những tiểu bang mà chiến thắng ở đó có thể giúp xác định ứng cử viên nào sẽ giành được chức tổng thống.

Cựu tổng thống nhấn mạnh các chính sách của ông sẽ cho phép khai thác dầu phiến đá, một vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với người dân Pennsylvania, ảnh hưởng đến nền kinh tế hàng tỷ dollar.


Ba Bị Cáo Trong Vụ Tấn Công Ngày 11/9 Nhận Tội Với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ

Ba bị cáo bị cáo buộc có liên quan đến các vụ tấn công khủng bố ngày 11/09 đã đạt được thỏa thuận nhận tội với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (DOD) sau nhiều năm bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo.

Gần 3,000 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương trong các cuộc tấn công tự sát có phối hợp của nhóm Hồi Giáo Cực Đoan do al-Qaeda thực hiện trên đất Hoa Kỳ vào năm 2001.

Theo tuyên bố hôm 31/07 của Bộ Quốc Phòng, bà Susan Escallier, Người có thẩm quyền triệu tập các Ủy Ban Quân Sự, đã ký kết các thỏa thuận trước khi xét xử với ba người là: Khalid Shaikh (Sheikh) Mohammad, Walid Muhammad Salih Mubarak Bin’ Attash, và Mustafa Ahmed Adam al Hawsawi.

Mohammad, một kỹ sư cơ khí người Kuwait-Pakistan, từng là giám đốc bộ phận tuyên truyền của al-Qaeda và bị cáo buộc là chủ mưu vụ các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09. Ông ta bị cáo buộc đã trình bày cho Osama bin Laden về ý tưởng cướp máy bay và đâm vào các tòa nhà của Hoa Kỳ, vào khoảng năm 1996, và sau đó đã giúp đào tạo một số tên không tặc.

Hawsawi bị cáo buộc trợ giúp tài chính và sắp xếp việc đi lại cho những tên không tặc. Attash bị cáo buộc trợ giúp huấn luyện chiến đấu cho những kẻ khủng bố.

Bộ Quốc Phòng chưa công khai các điều khoản và điều kiện cụ thể của thỏa thuận trước xét xử.

Ba bị cáo này, cùng với hai bị cáo khác là Ali Abdul Aziz Ali và Ramzi Bin al Shibh, lần đầu tiên bị buộc tội và truy tố chung vào tháng 06/2008. Họ bị buộc tội và truy tố lần tiếp theo vào tháng 05/2012.

Aziz Ali và al Shibh đã không tham gia vào thỏa thuận nhận tội này. Tháng Chín năm ngoái, một thẩm phán quân sự đã ra phán quyết rằng al Shibh bị bệnh tâm thần nên không thể ra tòa.

Liên Minh Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU), một nhóm bất vụ lợi tranh đấu cho quyền công dân, cho biết Mohammed là thân chủ của họ và thỏa thuận liên quan đến việc các bị cáo đồng ý nhận tội để đổi lấy án tù chung thân thay vì án tử hình.

Ông Anthony D. Romero, giám đốc điều hành của ACLU, cho biết trong một tuyên bố hôm 31/07 rằng thỏa thuận này là “lời kêu gọi đúng đắn” cho tất cả những người liên quan, đặc biệt là sau “gần hai thập niên kiện tụng”.

“Thỏa thuận nhận tội này càng nhấn mạnh thêm thực tế rằng án tử hình không phù hợp với các giá trị căn bản của hệ thống dân chủ của chúng ta. Ông cho biết, điều này là vô nhân đạo, không công bằng, và phi lý”.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng di chuyển những người đã được cho phép chuyển giao này, và chấm dứt sự giam giữ vô thời hạn tại Guantanamo”.

Theo ông Romero, “việc khép lại vấn đề về những vụ án này bằng một thỏa thuận nhận tội cũng sẽ mang lại một thước đo về tính minh bạch và công lý cho thân nhân của các nạn nhân trong sự kiện ngày 09/11”.

Trong một tuyên bố trên truyền thông về thỏa thuận nhận tội, ông Brett Eagleson, chủ tịch của tổ chức Công lý Ngày 09/11, một phong trào cấp cơ sở gồm những người sống sót sau các cuộc tấn công khủng bố và các thành viên gia đình của những người đã khuất, cho biết nhóm này “rất phiền muộn về những thỏa thuận nhận tội này”.

Ông nói, “Những thỏa thuận nhận tội này không nên duy trì một hệ thống các thỏa thuận bí mật, nơi thông tin quan trọng bị che giấu mà không cho gia đình các nạn nhân cơ hội biết được toàn bộ sự thật”.

Ông Eagleson cho biết nhóm Công lý Ngày 09/11 muốn tiếp cận nhiều hơn đến “những cá nhân này để lấy thông tin” nhằm đưa ra kết luận cho tất cả những người bị những cuộc tấn công khủng bố này ảnh hưởng.


Hoa Kỳ Cam Kết Tài Trợ 500 Triệu USD Để Tăng Cường Phòng Thủ Quân Sự Cho Philippines

Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp 500 triệu USD tài trợ cho quân đội và lực lượng tuần duyên Philippines khi quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với những căng thẳng liên tục với Trung Cộng tại Biển Đông đang tranh chấp gay gắt.

Hôm 30/07, Ngoại trưởng Antony Blinken công bố khoản tài trợ này trong một cuộc họp báo cùng với Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin tại trụ sở chính của Lực lượng Vũ trang Philippines ở Trại Aguinaldo, Manila.

Hai bộ trưởng đã tham gia cuộc họp báo cùng với những người đồng cấp Philippines là Ngoại trưởng Enrique A. Manalo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Gilberto Teodoro Jr.

Ông Blinken nhận định khoản tài trợ này là một “khoản đầu tư ngàn năm có một” để giúp “hiện đại hóa” quân đội và lực lượng tuần duyên của Philippines, khi họ “chuyển sang tập trung vào phòng thủ bên ngoài”.

Ông cho rằng Manila và Hoa Thịnh Đốn—cũng như các quốc gia khác trong khu vực này—có cùng mối lo ngại về “một số hành động mà Trung Cộng đã thực hiện”, bao gồm “các hành động leo thang ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và những nơi khác”.

Ông Blinken cho biết, “Chúng ta sẽ dựa trên nhiều sự tiến bộ mà Philippines đã đạt được để có được vị thế tốt hơn để bảo vệ chủ quyền của mình”.

Ông nói rằng Philippines từ lâu đã là một trong những nước nhận được nhiều tài trợ quân sự ngoại quốc nhất của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Austin gọi mức tài trợ này là “chưa từng có”, đồng thời nói thêm rằng việc này “gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ dành cho Philippines, từ chính phủ Biden-Harris, Quốc hội Hoa Kỳ, và người dân Mỹ”.

Những người đồng cấp Philippines hoan nghênh khoản tài trợ này, với việc ông Teodoro cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ vì đã tiếp tục trợ giúp “tăng cường các năng lực của chúng tôi”.


Vỡ Đê Trên Phạm Vi Lớn Ở Hồ Nam, Người Dân Vạch Trần Sự Che Giấu Của Trung Cộng

Gần đây, khu vực sông Tương ở huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam gặp phải mưa lớn. Chính quyền thông báo chỉ có bốn điểm vỡ đê, nhưng người dân vạch trần rằng Trung Cộng đang che giấu sự thật, chỉ riêng một thị trấn trong huyện Tương Đàm đã có hơn 10 điểm bị vỡ đê. Các chuyên gia tại Trung Quốc thừa nhận rằng hệ thống đê chống lũ ở sông Tương chẳng khác nào châu chấu đá xe.

Vào đầu tháng 07/2024, con đê bao quanh hồ Động Đình ở Hồ Nam cũng đã bị vỡ. Do sai lầm trong phương pháp đắp đê ngay từ ban đầu nên khu vực Đoàn Châu Hoàn đã bị ngập hoàn toàn. Nước ngập đến nay vẫn chưa rút, nhà cửa của người dân địa phương vẫn đang chìm trong nước.

Truyền thông Trung Cộng loan tin, khoảng 6 giờ tối ngày 28/07, tại vịnh Liễu Thụ Loan, thôn Long Đàm, thị trấn Hoa Thạch, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, xuất hiện điểm vỡ đê đầu tiên trên sông Tương với chiều dài hơn 10 mét. Đến khoảng 8 giờ tối, đê Tứ Tân tại thôn Tân Đường, Quách Gia Kiều, thị trấn Dịch Tục Hà xuất hiện điểm vỡ thứ hai. 4 giờ sáng ngày 29/07, miệng đê vỡ đã mở rộng đến 77 mét.

Khoảng 1 giờ 40 phút chiều ngày 29/07, thôn Hoa Trung, huyện Tương Đàm xuất hiện nguy cơ vỡ đê. Đến 3 giờ chiều, chiều dài đoạn đê đã bị vỡ đã lên tới hơn 30 mét.

Tối ngày 29/07, một người dân thông báo rằng đoạn đê tại thôn Sa Tuyền, thị trấn Hà Khẩu nơi họ đang sống cũng bị vỡ.

Tối ngày 30/07, một kỹ sư bảo trì cho biết, ít nhất có hơn mười điểm vỡ đê ở Tương Đàm.

Đêm ngày 30/07, một người am hiểu tình hình thủy lợi địa phương cho biết rằng người bên ngoài không hiểu về Tương Đàm, “thực tế là, nếu tính cả các ao cá bị sụp đổ, tổng cộng có hơn 100 điểm vỡ. Rất nhiều ao hồ bị vỡ đê, riêng thôn Mã Gia Yển đã có 10 điểm vỡ, chưa kể đến những nơi rộng lớn như Tương Đàm”.

Chuyên gia thủy lợi của Hồ Nam cho biết trong một chương trình rằng thảm họa trầm trọng ở huyện Tương Đàm, thành phố Tương Đàm có vài nguyên nhân gây nên. Lượng mưa đạt mức kỷ lục, mực nước sông Tương vượt quá mức an toàn 5 mét, gây áp lực lớn cho hệ thống đê. Đồng thời, đê sông Tương là đê nông thôn, chỉ có thể chống lại những cơn lũ 5 đến 10 năm một lần, nhưng không thể chịu nổi mưa lũ lớn lịch sử như lần này. Hiện tình hình đã có phần cải thiện, do mực nước sông Tương đang giảm, có lợi cho việc thoát nước lũ tại Tương Đàm.

Theo dữ kiện được công khai, huyện Tương Đàm nằm ở trung bộ tỉnh Hồ Nam, gồm 7 xã và 15 thị trấn, với tổng dân số 1.14 triệu người và diện tích 2,512 km vuông. Thôn Mã Gia Yển thuộc thị trấn Bạch Thạch, huyện Tương Đàm (trước đây là xã Mã Gia Yển).

Theo chia sẻ của người dân địa phương trên mạng xã hội, sông Tương chảy qua nhiều thị trấn của huyện Tương Đàm, chủ yếu dùng để tưới tiêu nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt. Đê tại địa phương là đê đất, hiện đã sụp đổ hoàn toàn. Chiều ngày 29/07, nhà cầm quyền thông báo người dân ở hạ lưu nhanh chóng di tản.

Người dân địa phương cho biết trên mạng xã hội rằng mực nước nhiều nơi ở huyện Tương Đàm có thể dùng để “đi thuyền”, đồng thời chỉ trích nhà cầm quyền cố ý giảm nhẹ mức độ thảm họa. Hiện tại, trên các nền tảng truyền thông xã hội như Weibo không có tin tức về lũ lụt, còn truyền thông chính thống thì đưa tin rất ít, chỉ có vài ngàn lượt truy cập mỗi giờ. Cư dân mạng cho rằng nhà cầm quyền đang kiểm soát lượng truy cập. “Lần trước [chúng ta] bị kiểm soát, đã bị tấn công trên mạng rồi, lần này lại tiếp tục sao?”. Người dân cũng lên tiếng kêu gọi truy cứu trách nhiệm.

Một cư dân mạng từ Hồ Nam chia sẻ: “Năm nay lúa bị ngập hai lần, đê sông bị phá hủy. Nếu đê được nâng cao và củng cố thì sẽ không bị ngập. Đê sông đã sửa ba lần, nhưng đều là công trình kém phẩm chất. Đập nước đã vỡ hai lần, nhưng đây là điều có thể phòng ngừa trước. Từ năm 2016 đến nay [Hồ Nam] đã bị ngập 9 lần”.

Ba tuần trước, vào ngày 05/07/2024, đê tại khu vực Đoàn Châu Hoàn, hồ Động Đình bị vỡ. Do phương pháp giải quyết sai lầm của nhà cầm quyền khiến việc đắp đê thất bại. Sau khi đê hồ Động Đình bị vỡ, nhà cầm quyền tuyên bố sẽ chờ mực nước trong và ngoài đê bằng nhau rồi mới sửa đê. Vài ngày sau, nhà cầm quyền thông báo đê đã được sửa chữa. Hiện tại, mặc dù mực nước hồ Động Đình đã rút, nhưng nước bên trong đê vẫn không thể thoát ra.

Sau khi đê hồ Động Đình bị vỡ, khu vực Đoàn Châu Hoàn và Bình Giang chịu thiệt hại nặng nề.

Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt