TIN THẾ GIỚI.

Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16 (RFI)

Ukraina chính thức đưa F-16 vào biên chế lực lượng không quân. Ngày 04/08/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đã nhận được những chiến đấu cơ đầu tiên từ các nước đồng minh. Thông tin này có ý nghĩa cổ vũ quan trọng cho Ukraina trong bối cảnh nhiều địa phương ở vùng Donetsk miền đông đã bị rơi vào tay quân Nga và nhiều gia đình buộc phải sơ tán trong những ngày gần đây.

Phát biểu tại buổi lễ triển khai phi cơ F-16, được tổ chức ở một địa điểm bí mật, tổng thống Zelensky nhấn mạnh điều tưởng « không thể thực hiện được » giờ đã thành hiện thực. Ông thừa nhận số chiến đấu cơ nhận được là « không đủ », dù không nêu con số cụ thể, nhưng tỏ ra lạc quan rằng « điều tích cực là chúng ta đang đợi thêm nhiều máy bay F-16 khác » và « rất nhiều phi công của chúng ta đang được đào tạo ».

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm :

« Thông tin được chính thức xác nhận : Một số máy bay F-16 được trông đợi từ lâu đã bay trên bầu trời Ukraina và theo truyền thông Ukraina, khoảng 10 chiến đấu cơ loại này đã được giao cho Kiev.

Sau tổng thống Volodymyr Zelensky, đến lượt tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Oleksandr Syrskyi xác nhận thông tin trên và đánh giá rằng những chiến đấu cơ này được đưa tới Ukraina đồng nghĩa với việc thêm nhiều máy bay và tên lửa Nga bị phá hủy. Trên thực tế, chiến đấu cơ F-16 giúp hiện đại hóa không quân Ukraina nhưng cũng sẽ phải cần thêm nhiều máy bay loại này hơn để hy vọng tạo khác biệt trên thực địa.

Theo chính quyền Kiev, Ukraina có lẽ cần ít nhất 130 chiến đấu cơ để đối phó với kẻ thù Nga một cách hiệu quả, có nghĩa là gần gấp đôi con số 79 chiến đấu cơ F-16 mà các đồng minh đã hứa chuyển giao. Ngoài việc tăng cường phòng không, Ukraina cũng hy vọng sử dụng F-16 trong tấn công, ví dụ tấn công vào các công trình hạ tầng và trang thiết bị Nga.

Nhưng để đạt được hiệu quả, Ukraina vẫn thiếu đủ thứ : không có đủ phi công được huấn luyện ở nước ngoài, Mỹ không cho phép sử dụng F-16 tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và các công trình hạ tầng của Nga, trong đó có những căn cứ không quân. Đây là nơi xuất phát của những chiến đấu cơ Nga vẫn oanh tạc Ukraina ».

Viện Nghiên cứu Chiến Tranh tại Washington cho rằng Ukraina sẽ sử dụng F-16 và vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công những phương tiện phòng không của Nga và tại những vùng đất bị Nga sáp nhập. Còn theo trang web Militarny của Ukraina, chiến đấu cơ F-16 được trang bị một hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện và chặn tên lửa của kẻ thù.

AFP nhắc lại ngày 10/07, ngoại trưởng Mỹ thông báo bắt đầu chuyển giao F-16 « từ Đan Mạch và Hà Lan ». Tuần trước, Nga tuyên bố chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất sẽ không « có tác động đáng kể » trên chiến trường và sẽ bị « bắn hạ ».

Về tình hình chiến sự, không quân Ukraina cho biết đã bắn hạ toàn bộ 24 drone tự sát Shahed trong đêm 05/08 được Nga phóng từ hai vùng biên giới Primorsko-Akhtarsk và Kursk.


Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội, mở đường cho cuộc bầu cử mới. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời.

Hôm 06/08/2024, tổng thống Bangladesh đã giải tán Quốc Hội, mở đường cho cuộc bầu cử mới để thay thế thủ tướng Sheikh Hasina vừa từ chức và chạy trốn khỏi đất nước, sau nhiều tuần xẩy ra các cuộc biểu tình phản đối, khiến đất nước lâm cảnh bạo loạn. Tổng thống Mohammed Shahabuddin cũng ra lệnh bãi bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với lãnh đạo phe đối lập Khaleda Zia.

Ngày 07/08/2024, phủ tổng thống Bangladesh thông báo ông Muhammad Yunus, giải Nobel Hòa Bình năm 2006, được giao thành lập chính phủ lâm thời. Theo thông cáo, « tổng thống đã đề nghị người dân giúp ông vượt qua khỏi khủng hoảng. Việc khẩn trương thành lập một chính phủ lâm thời là điều cần thiết để vượt qua khủng hoảng ».

Được biết kinh tế gia và khôi nguyên Nobel Yunus đã đưa hàng triệu người dân Bangladesh khỏi nghèo khó nhờ vào chương trình phát triển tài chính vi mô. Hiện được xem là khuôn mặt có khả năng tập hợp mà Bangladesh cùng với 175 triệu dân cần.

Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, tướng Waker-Uz-Zaman, hôm nay, 06/08/2024, có cuộc gặp với các lãnh đạo phong trào biểu tình sinh viên nhằm chuẩn bị cho việc thành lập một chính phủ lâm thời theo như cam kết, sau khi thủ tướng Sheikh Hasina chạy sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo Reuters, Nahid Islam, một trong những lãnh đạo phong trào sinh viên phản đối chính sách hạn ngạch tuyển công chức, được cho là ưu ái đối với con em của cán bộ chính quyền, nêu rõ chính quyền lâm thời mới phải bao gồm cả khôi nguyên Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus, nay đã 84 tuổi, đồng thời khẳng định « không chấp nhận một chính phủ nào do quân đội hậu thuẫn hay điều hành. »

Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin cho biết thêm tình hình tại chỗ :

« Đó không phải là một cuộc nổi dậy, mà là một cuộc cách mạng, và Sheikh Hasina cuối cùng đã thừa nhận điều đó. Vào lúc hàng trăm ngàn người đổ về thủ đô Dhaka, thủ tướng đã đầu hàng ngay trước khi phủ thủ tướng bị đám đông xâm chiếm.

Ông Muhammad Yunus, khôi nguyên Nobel Hòa Bình năm 2006

Sau một đêm không có bạo động, theo các phương tiện truyền thông, Bangladesh thức dậy với một trang sử mới. Nhiều bức tượng ông Sheik Mujibur Rahman, thân phụ của Sheikh Hasina, đã bị lật đổ ở nhiều nơi. Liên Hiệp Quốc kêu gọi chuyển tiếp ôn hòa trong lúc có nhiều lo ngại thanh trừng lẫn nhau.

Một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập nếu như quân đội và sinh viên đạt đồng thuận. Muhammad Yunus, kinh tế gia từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, rất được giới trẻ ủng hộ nắm quyền lãnh đạo.

Tổng thống Bangladesh, hiện vẫn tại vị, đã trả tự do cho cựu thủ tướng và nhà đối lập Khaleda Zia, biểu tượng cho sự trở lại của nền dân chủ như yêu cầu của người biểu tình.

Về phần mình, bà Sheikh Hasina, hiện đang ở Ấn Độ nhưng dự kiến sẽ không lưu lại đó. Vương Quốc Anh, quốc gia mà cô em gái bà đang sinh sống, cho biết sẽ không đón nhận bà chừng nào chưa có cuộc điều tra về vụ đàn áp khiến hơn 350 người thiệt mạng. »


Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội (VOA).

Nga ngày 7/8 cho biết đang giao tranh dữ dội với các lực lượng Ukraine xâm nhập biên giới phía nam của Nga gần một trung tâm truyền tải khí đốt tự nhiên lớn. Đây là một trong những cuộc xâm nhập lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Trong năm nay, Nga đã tiến tới trong lúc cuộc phản công 2023 của Ukraine không đạt được bất kỳ thành quả lớn nào. Nga đã chiếm được 420 cây số vuông lãnh thổ từ các lực lượng Ukraine kể từ ngày 14 tháng 6, các quan chức Nga cho biết.

Ukraine đã phản công hôm 6/8 và các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra trong đêm cho đến 7/8 khi các lực lượng Ukraine tiến về phía tây bắc của thị trấn biên giới Sudzha, cách Moscow 530 km về phía tây nam, Bộ Quốc phòng Nga nói.

Chế độ Kyiv đã phát động một hành động khiêu khích lớn khác”, Tổng thống Vladimir Putin nói với các thành viên của chính phủ Nga, ám chỉ đến cuộc tấn công ở khu vực Kursk của Nga.

Lực lượng Nga ly khai thường tổ chức các cuộc đột kích xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga trong các năm 2022-2023 (minh hoạ)

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valery Gerasimov, nói với ông Putin rằng lực lượng Nga đã chặn đứng một đợt tấn công của 1.000 binh lính Ukraine – gấp hơn ba lần con số mà Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm 6/8 – và sẽ đẩy họ trở lại biên giới.

“Cuộc tiến công của kẻ thù vào sâu trong lãnh thổ theo hướng Kursk đã bị chặn lại bởi các hành động của các đơn vị bảo vệ biên giới nhà nước cùng với lực lượng biên phòng và các đơn vị tăng viện, bằng các cuộc không kích, phi đạn và hỏa lực pháo binh”, ông Gerasimov cho biết trong các bình luận trên truyền hình.

Quân đội Ukraine dường như đã áp dụng chiến lược im lặng hoàn toàn về tình hình tại biên giới và Bộ Tổng tham mưu của họ không thừa nhận bất kỳ hoạt động nào đang diễn ra.

Bộ này cho biết trong bản cập nhật chiến trường hàng ngày rằng Nga đã tăng cường sử dụng máy bay chiến đấu chống lại khu vực Sumy của Ukraine bên kia biên giới từ khu vực Kursk, thả ít nhất 30 quả bom. Các quan chức quân sự khu vực Ukraine đã thông báo bắt buộc phải sơ tán dân thường khỏi hơn 20 khu định cư biên giới.

Vận chuyển khí đốt

Sudzha là điểm trung chuyển khí đốt tự nhiên cuối cùng của Nga sang châu Âu qua Ukraine: đường ống Urengoy–Pomary–Uzhhorod đã vận chuyển khoảng 14,65 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2023, tương đương khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang châu Âu.

Nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt của Ukraine cho biết khí đốt tự nhiên của Nga đang được vận chuyển bình thường đến người tiêu dùng châu Âu. Chỉ cách đó 60 km về phía đông bắc là nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga.

Các trận chiến xung quanh Sudzha diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột vốn được coi là cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai. Ukraine đang mất lãnh thổ và Kyiv vô cùng lo ngại rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ có thể giảm xuống nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tại Hoa Kỳ.

Ông Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh, vì vậy cả Nga và Ukraine đều muốn giành được vị thế mặc cả mạnh nhất có thể trên chiến trường. Ukraine muốn kìm chân lực lượng Nga và cho phương Tây thấy rằng họ vẫn có thể tiến hành các trận chiến lớn.

Trận chiến Kursk

Các blogger quân sự Nga đã đưa tin về những trận chiến dữ dội, một số người cho rằng Ukraine đã mở một mặt trận mới. Nga đã gửi quân dự bị để giúp củng cố phòng thủ.

Ông Gerasimov cho biết Nga đã gây ra tổn thất nặng nề cho những tay tấn công Ukraine về mặt nhân sự và trang thiết bị, đưa ra những con số mà Reuters không thể kiểm chứng độc lập.

Ông Putin cho biết lực lượng Ukraine đã bắn “bừa bãi” vào một loạt các mục tiêu dân sự trong khu vực.

Cả Kyiv và Moscow đều nói rằng họ không nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc chiến.

Các kênh Telegram của Nga đã phát sóng cảnh quay chưa được kiểm chứng về những ngôi nhà bị pháo kích. Ông Alexei Smirnov, quyền thống đốc khu vực Kursk, cho biết đã có thương vong nhưng không đưa ra con số chính xác và kêu gọi người dân hiến máu.

Các lực lượng tự nhận là lực lượng bán quân sự tự nguyện chiến đấu cho Ukraine đã xâm nhập vào một số khu vực của Kursk và khu vực Belgorod lân cận vào đầu năm nay, kích hoạt một đợt tấn công lớn của quân đội Nga nhằm tạo ra một vùng đệm ở đông bắc Ukraine.


Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt (RFI)

Một tuần sau khi thủ lĩnh Ismaïl Haniyeh bị hạ sát tại Teheran, Iran, Hamas đã chỉ định lãnh đạo kế tục. Phong trào Hồi giáo người Palestine tại Gaza, tối hôm 06/08/2024 thông báo ngắn gọn, Yahya Sinwar đã được chỉ định làm lãnh đạo chính trị của Hamas. Ngay lập tức Tel Aviv tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt thủ lĩnh mới của tổ chức mà Israel đang quyết tâm loại trừ đến cùng từ sau vụ khủng bố 07/10/2023.

Từ Jérusalem, thông tín viên Michel Paul tường trình :

Tân lãnh tụ Hamas Yahya Sinwar

Tại Israel, người ta nhận định đó là tin xấu cho những con tin và gia đình họ. Ông Israel Katz, ngoại trưởng Israel, đánh giá Yahya Sinwar là một kẻ khủng bố cực đoan. Trên mạng X, lãnh đạo ngoại giao Israel cho rằng việc chỉ định Yahya Sinwar thay thế Ismail Haniyeh là một lý do bổ sung cho việc phải loại trừ nhanh chóng nhân vật này và xóa sổ Hamas trên trái đất.

Phát ngôn viên quân đội Israel cũng có cùng giọng điệu. Tướng Daniel Hagari quả quyết chỗ duy nhất cho Sinwar là ở bên cạnh Mohamed Deif và các thủ lĩnh khác của Hamas đã bị Israel tiêu diệt. « Đó chính xác là số phận mà chúng ta đang dự tính cho ông ta », tướng Hagari nói thêm.

Các nhà bình luận ở Israel sáng nay nhấn mạnh Hamas từ giờ trở thành phong trào của độc nhất một người. Ông ta đại diện cho xu hướng cực đoan nhất trong tổ chức của Palestine. « Có lẽ ông ta là người tinh quái nhất và cũng tàn ác nhất trong Hamas », một cây viết xã luận của nhật báo Yediot Aharonot.

Nhiều nhà phân tích nhận định, từ giờ trở đi, hoạt động của Hamas sẽ được chỉ đạo từ Teheran. Dù sao thì việc chỉ định Sinwar đã được đón chào bằng một tràng rốc-két bắn đi từ dải Gaza chỉ vài phút sau khi có thông báo. Ngay sau đó, Lữ đoàn Ezzedine al Qassam, nhánh vũ trang của Hamas tại Gaza đã nhận trách nhiệm vụ oanh kích này.


Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế” Trung Cộng (RFI)

Kết thúc Hội Nghị Trung Ương 3, Khóa 20 của đảng Cộng Sản Trung Cộng, một thông cáo và một bản nghị quyết định hướng kinh tế cho tới năm 2029 được công bố ngay sau đó. Cả hai cùng “rỗng tuếch” và thể hiện một sự tê liệt trong nội bộ Đảng. Trên đây là nhận định của chuyên gia về Trung Cộng, Alex Payette, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Montréal, Canada về « Tầm nhìn mới phát triển kinh tế » cho giai đoạn 5 năm sắp tới.

Những hứa hẹn « cải tổ », « mở cửa và phát triển kinh bằng những phát minh về công nghệ cao » của Trung Cộng còn giá trị gì nữa hay không ? Tuần báo Anh The Economist (25/07/2024) nhắc lại, từ khi lên cầm quyền cuối 2012, ông Tập Cận Bình luôn hứa hẹn « để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bố các nguồn lực » và mở rộng vị trí cho các công ty tư nhân vào những lĩnh vực vốn vẫn được đặt dưới sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước. Hơn một chục năm sau, toàn cảnh kinh tế Trung Cộng đang ảm đạm.

Kinh tế ảm đạm

Theo các thống kê công bố hôm 15/07/2024, đúng ngày khai mạc Hội Nghị, tăng trưởng của Trung Cộng chỉ đạt 4,7 % trong một năm, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 %. Trong 5 quý liên tiếp, kinh tế nước này bị giảm phát và điều ấy phản ánh tiêu thụ nội địa bị đóng băng. Khối lượng xe hơi bán ra trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 6 % so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong lúc ngành địa ốc lún sâu thêm vào khủng hoảng. Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Hoa Lục trong trạng thái « chờ đợi », hoãn các kế hoạch mua thêm trang thiết bị sản xuất và ngừng tuyển dụng thêm nhân viên.

Trong bối cảnh này, nhiều người chờ đợi, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đề ra những biện pháp cụ thể nhanh chóng khởi động lại cỗ máy kinh tế. Thế nhưng thông cáo tổng kết nội dung 4 ngày họp và văn bản mang tên « Quyết định của Ban Chấp Hành Trung Ương về việc sâu sắc hóa toàn diện chính sách cải tổ và thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa theo kiểu của Trung Cộng » gây nhiều thất vọng. 

Bản nghị quyết kết thúc Hội nghị gồm 60 phần với danh sách tổng cộng 300 đề xuất nhằm cải thiện đời sống kinh tế và xã hội cho đất nước.

Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Trung Cộng, Alex Payette, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Montréal, Canada nói đến những khẩu hiệu trống rỗng : « đẩy mạnh tiến trình cải tổ »« nâng cao tiêu thụ nội địa », « phát huy tốt hơn vai trò của cơ chế thị trường » tạo môi trường « công bằng và có sức sống mạnh hơn », « tối ưu hóa năng suất và tối đa hóa hiệu quả phân phối các nguồn lực ». 

Alex Payette :« Có một số điểm thú vị. Văn bản này cho thấy giới lãnh đạo ở Bắc Kinh bắt mạch đúng tình hình, họ ý thức là có nhiều việc phải làm và có thiện chí để thay đổi tình thế. Tuy nhiên tất cả chỉ dừng lại ở đó, tức là các giới chức Trung Cộng ghi nhận vấn đề mà không đưa ra bất kỳ một giải pháp nào để khắc phục tình trạng này cả. Điều đó khiến các nhà quan sát thất vọng. Tôi xin đơn cử thí dụ Trung Cộng tuyên bố muốn đẩy mạnh hợp tác với quốc tế, cởi mở hơn để thu hút thêm đầu tư và doanh nhân nước ngoài, Trung Cộng cũng chủ trương đẩy mạnh các phát minh để tạo đà cho tăng trưởng, kích thích tiêu thụ nội địa… Nhưng đó là những mục tiêu được đưa ra sau Hội Nghị Trung Ương lần này, nhưng hoàn toàn không có gì mới mẻ bởi từng được đưa ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó kinh tế của Trung Cộng cần có những biện pháp mới để thích nghi với tình huống -mà theo tôi thì nhẽ ra Bắc Kinh cần đổi mới từ 4 hay 5 năm nay chứ không phải đợi đến bây giờ … »

Ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là an ninh

Vẫn theo Alex Payette vào lúc kinh tế Trung Cộng đang bị một cuộc khủng hoảng địa ốc, giảm phát, khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng đe dọa thì nghị quyết của Ban Chấp Hành Trung Ương năm nay lại tập trung vào vế « tăng cường an ninh quốc gia »

Alex Payette «Tôi nghĩ là Trung Cộng cần tạo một lực đẩy cho kinh tế. Bây giờ không phải là lúc để tiếp tục tập trung vào mục tiêu bảo vệ an ninh cho chế độ. Càng chăm lo vào vế an ninh, Trung Cộng càng gây khó khăn cho vế phát triển kinh tế. Hơn nữa Trung Cộng thực sự cần có những cơ cấu vững chắc để thu hút các doanh nhân nước ngoài, khuyến khích họ trở lại Hoa Lục. Bởi vì có như thế Bắc Kinh mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài mạnh dạn trở lại Trung Cộng, mở cơ sở kinh doanhChính đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài sẽ kéo lĩnh vực kinh tế tư nhân của Trung Cộng đi lên. Nhờ thế mới hy vọng là Trung Cộng lại có những tập đoàn lớn trỗi dậy, có những Alibaba hay ANT Financial khác nữa… Trong những điều kiện hiện tại không mấy ai muốn lao vào cuộc, mở doanh nghiệp… để rồi một ngày nào đó họ lại bị đưa ra trước vành móng ngựa hay là công ty của họ bị chia năm xẻ bảy…

Kinh tế tư nhân dưới sự kiểm soát của nhà nước

Vẫn đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius trụ sở đặt tại Montréal, ghi nhận bản nghị quyết kết thúc Hội Nghị Trung Ương 3 của Trung Cộng vừa qua đã dành hẳn 2 chương đề cao vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân và « quyết tâm hỗ trợ » các doanh nghiệp tư nhân nhưng ngay trong khổ đầu tiên của chương này, Bắc Kinh nhấn mạnh đó phải là một sự « phát triển dưới sự kiểm soát » của Đảng và Nhà nước.

Một điểm đáng chú ý khác là cụm từ « hiện đại hóa » đất nước theo mô hình Trung Cộng cũng đã được nhắc lại hầu như trong mỗi đoạn của văn bản chính thức kết thúc Hội Nghị Trung Ương 3. The Economist ghi nhận một lần nữa giới lãnh đạo ở Bắc Kinh bị mục tiêu phát triển công nghệ và dựa trên « phát minh » để hiện đại hóa cỗ máy kinh tế của nước này ám ảnh. Điều đó phản ánh « suy nghĩ » của ông Tập Cận Bình cho rằngTrung Cộng đang bị một cuộc « cách mạng về công nghệ của thế giới bao vây » và do vậy đảng Cộng Sản dưới sự lãnh đạo của ông phải thoát ra khỏi vòng vây đó.  

Theo Alex Payette, đảng Cộng Sản Trung Cộng như vậy muốn kiểm soát tất cả và đối với công luận ở trong và ngoài nước, đây không là một tín hiệu tốt.

Vào lúc mọi người chờ đợi Hội Nghị Trung Ương vừa qua thông báo những biện pháp kích thích tiêu thụ nội địa, ngăn chận hiện tượng giảm phát tai hại, thì tài liệu chính thức chỉ gián tiếp nói đến việc khắc phục hậu quả kèm theo từ khủng hoảng địa ốc, chẳng hạn như cam kết Trung Ương sẽ không ban hành thêm các khoản thuế khóa, tránh gây thêm gánh nặng cho các chính quyền ở cấp địa phương…

Đấu đá nội bộ và « cái Tôi » quá lớn của họ Tập

Về câu hỏi tại sao trước tình hình bị cho là khá cấp bách, Bắc Kinh lại chậm đưa ra những liều thuốc để vực dậy kinh tế, chuyên gia người Canada Alex Payette giải thích đây trước hết là một vấn đề chính trị, và hiện tại ở Trung Cộng, nhân vật quyền lực nhất là ông Tập Cận Bình dường như không có ý định thay đổi đường lối, tức là cần « kiên định không dời khỏi con đường phát triển chính trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Cộng, kiên trì và hoàn thiện chế độ chính trị căn bản » của quốc gia này. 

Alex Payette : « Đúng là Trung Cộng cần đưa ra những biện pháp cụ thể để vực dậy kinh tế nhưng đấy thường là những gì đi ngược lại với ý của ông Tập Cận Bình, thành thử khó để nói đến một chương trình cải tổ, theo mô hình kinh tế theo thị trường… Thay vào đó, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sau Hội Nghị Trung Ương vừa qua có khuynh hướng trở về với thời kỳ của Mao Trạch Đông. Trong lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn, báo cáo kết thúc hội nghị nhấn mạnh đến việc mở rộng vai trò của hợp tác xã, thúc đẩy và khuyến khích các văn phòng quản lý nông nghiệp nỗ lực hơn trong mục tiêu phát triển nông nghiệp Trung Cộng… Làm thế nào để giới tư bản nước ngoài tin tưởng để đầu tư vào Hoa Lục trước những biện pháp phi kinh tế thị trường như vậy ? Các doanh nghiệp nước ngoài thận trọng khi mà Bắc Kinh nói một đàng, làm một nẻo ».

Bản nghị quyết kết thúc Hội Nghị Trung Ương 3 vừa qua chỉ là một danh sách « những điều cần làm » và thể hiện những mâu thuẫn trong những mục tiêu mà Trung Cộng muốn hướng tới, và đã không trấn an các đối tác kinh tế tại Hoa Lục và các nhà đầu tư nước ngoài, theo Alex Payette, bởi Trung Cộng đang đứng trước « một vấn đề rất lớn » :

Alex Payette : « Đương nhiên là có một sự đấu đá ở bên trong, chính vì thế mà trong tài liệu được công bố sau Hội Nghị Trung Ương vừa qua đã có rất nhiều thứ, liên quan đến rất nhiều chủ đề, bao phủ lên nhiều lĩnh vực. Nhưng không có gì cụ thể cả. Khóa họp vừa rồi chỉ ghi nhận vấn đề, đưa ra những khẩu hiệu chung chung, tản mạn… mà không thể tìm ra được một tiếng nói chung, dù chỉ là trên một vài chủ đề cụ thể. Điều đó chứng tỏ là nội bộ đảng Cộng Sản Trung Cộng có nhiều ý kiến khác nhau và không ai dám lên tiếng vì họ sợ rằng ông Tập Cận Bình chưa sẵn sàng cho một cuộc cải tổ thực sự. Theo tôi thì đảng Cộng Sản Trung Cộng đang bị chia ra thành ba nhóm : nhóm thứ nhất ý thức được là kinh tế Trung Cộng đang gặp khó khăn và cần phải điều chỉnh lại chính sách, nhưng số này bất lực vì tiếng nói của họ không được lắng nghe. Nhóm thứ nhì, biết là có vấn đề nhưng không muốn thay đổi và còn nghe ngóng, đón bắt ý kiến chỉ đạo của Tập Cận Bình. Nhóm thứ ba cũng thừa biết là kinh tế đang bị trục trặc nhưng đối với họ thì sự tồn tại của Đảng mới là ưu tiên và họ vẫn tập trung mọi nỗ lực củng cố vị thế của Đảng. Không chắc đây là điều tốt cho kinh tế của Trung Cộng ở thời điểm này ».

Trong một bài tham luận đăng trên báo mạng Asialyst hôm 03/08/2024 Alex Payette nêu lên một điểm thú vị khác liên quan đến cá nhân ông Tập : từ khóa 19 Tập Cận Bình đã muốn gột tẩy tên người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình khỏi hai chữ Cải Tổ. Ông cũng không muốn đi vào sử sách như một người tiếp nối công cuộc cải tổ của họ Đặng mà muốn Tập Cận Bình phải là « trung tâm » của cuộc cải tổ kinh tế, hiện đại hóa đất nước. Do vậy trong tài liệu chính thức của đảng Cộng Sản Trung Cộng được công bố sau Hội Nghị Trung Ương 3, Trung Cộng nói đến tiến trình « Cải tổ của một thời đại mới ». 

Kinh tế, ưu tiên số 3 sau chính trị và địa chính trị

Báo Nhật Bản The Diplomate hôm 01/08/2024 cũng nêu bật nhiều lý do khiến mọi người cần thận trọng với những ý định của Trung Cộng sau hội nghị trung tuần tháng 7 vừa rồi : thứ nhất 60 chương và 300 cam kết để cải thiện tình hình kinh tế cho đất nước trong văn bản lần này không có gì mới mẻ so với những cam kết và mục tiêu cũng chính Tập Cận Bình đã đề ra nhân Hội Nghị Trung Ương 3 khóa 18 (năm 2013).

Điểm thứ nhì là văn bản này chỉ đưa ra những đường lối chung chung, những hứa hẹn và cam kết mà không có bất kỳ một điều gì bảo đảm là Trung Cộng thực hiện được một phần những mục tiêu đó trước năm 2029.

Sau cùng văn bản này có đầy những mâu thuẫn khi mà dưới thời đại Tập Cận Bình « cải tổ » và « mở cửa » không thu hẹp ở phạm vi kinh tế mà còn bao hàm cả chủ trương « tăng cường khả năng tự chủ của Trung Cộng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hay xung đột vũ trang ». Đó mới là mục tiêu chính của Hội Nghị Trung Ương 3 năm nay và trong mục tiêu đó « đại đa số người dân Trung Cộng và các doanh nghiệp tư nhân đừng hy vọng sớm được trông thấy điều kiện của họ được cải thiện ». Nói cách khác kinh tế chỉ đứng hạng thứ ba trong số những ưu tiên của đảng Cộng Sản Trung Cộng, sau những mục tiêu chính trị và địa chính trị.   


Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân (RFI)

Những tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống Venezuela tiếp tục gây xáo động ở đất nước nhiều dầu mỏ tại Nam Mỹ. Hôm 05/08/2024, ứng viên tổng thống thuộc phe đối lập Venezuela Edmundo Gonzalez Urrutia đã kêu gọi quân đội đứng về « phía người dân », để chống lại Nicolas Maduro và tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử được cho là gian lận hôm 28/07.

Từ Caracas, thông tín viên Alice Campaignolle cho biết thông tin cụ thể tại đất nước chủ yếu do quân đội lãnh đạo : 

Dân chúng biểu tình phản đối kết quả bầu cử gian lận của Maduro

Trong một bức thư dài đăng trên mạng xã hội hôm qua, ứng viên tranh cử tổng thống của phe đối lập Edmundo Gonzalez viết : « Chúng tôi kêu gọi lương tri của lực lượng quân sự và an ninh, hãy đứng về phía của người dân, về phía gia đình của họ ».

Quân đội có thể chìa khóa để ứng viên tổng thống phe đối lập nắm quyền. Sebastiana Barraez, nhà báo Venezuela, nắm rõ vấn đề này, cho biết : « Lực lượng quân đội phải chịu áp lực, và phải chọn lựa giữa việc bảo đảm vai trò chủ chốt là bên bảo vệ Hiến Pháp hoặc là tiếp tục phục tùng một cá nhân cố bám trụ vào quyền lực ».

Kể từ khi tư lệnh Hugo Chavez nắm quyền Nhà nước, Venezuela phần lớn do quân đội lãnh đạo và tình trạng này vẫn tiếp tục với tổng thống Maduro. Tuy nhiên, trong bức thư, ông Edmundo Gonzalez tự nhận mình là « tổng thống đắc cử » của Venezuela và đặc biệt nhắm vào những binh sĩ hơn là vào các quan chức cấp cao điều hành đất nước. Sebastiana Barraez giải thích : « Quân đội cũng gặp phải những vấn đề mà người dân gặp hàng ngày. Các quân nhân liệu có quay lưng lại với Maduro, với cấp trên của họ hay không ? Phe đối lập đánh cược nhưng lại không hiểu rõ thể chế đất nước ». 

Viện Công Tố Quốc Gia Venezuela hôm qua, đã có phản ứng và thông báo sẽ mở điều tra hình sự đối với hai lãnh đạo của hai phe đối lập là Edmundo Gonzalez Urrutia và Maria Corina Corina Machado về tội « chiếm đoạt chức vụ, phổ biến thông tin sai lệch, kích động phạm pháp, nổi dậy và phạm tội theo băng đảng ». Thông cáo của cơ quan này, được AFP trích dẫn, chỉ ra rằng « ông Gonzalez và bà Machado tự tuyên bố là bên chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, một cách sai lệch…, và kêu gọi các nhân viên cảnh sát, quân đội bất tuân ».

Được biết nhiều chính phủ Nam Mỹ như Chile, Peru, Argentina, Costa Rica, Panama, Uruguay, Columbia … đã không công nhận kết quả bầu cử đầy gian lận của Maduro.


Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines (RFI)

Trung Cộng hôm 07/08/2024 thông báo tập trận ở Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh kiểm soát nhưng Manila tuyên bố chủ quyền, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước gia tăng với hàng loạt sự cố trong những tháng qua. Philippines cũng bắt đầu 2 ngày luyện tập tuần tra chung trên biển và trên không trong khu vực với Hoa Kỳ, Canada và Úc.

Bãi cạn Scarborough

Trong thông cáo, hôm nay 07/08, Chiến khu miền nam của quân đội Trung Cộng cho biết đang « tiến hành một cuộc tuần tra chiến đấu chung trên biển và trên không gần đảo Hoàng Nham », tên Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Hoạt động này nhằm mục đích « thử nghiệm năng lực trinh sát và cảnh báo sớm, khả năng phản ứng nhanh và tấn công chung của các binh chủng ».

Quân đội Trung Cộng nhấn mạnh : « Mọi hoạt động quân sự gây rối tình hình Biển Đông, gây ra những điểm căng thẳng và làm tổn hại đến hòa bình, sự ổn định trong khu vực đều nằm trong tầm kiểm soát », ý nói đến các cuộc thao dượt của Philippines và các đồng minh phương Tây.

Theo Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển ở Manila, được AFP trích dẫn, khi tổ chức cuộc tập trận mới vào hôm nay, Trung Cộngmuốn phô trương lực lượng nhằm « răn đe ». Trên thực tế, những cuộc tập trận chính thức kiểu như vậy hiếm khi diễn ra quanh bãi cạn Scarborough.

Lần đầu tiên Philippines, Mỹ, Úc và Canada thao dượt tuần tra chung ở Biển Đông

Về phía Manila, một phát ngôn viên quân đội hôm nay cho biết các cuộc thao dượt của Philippines với Mỹ, Úc và Canada đang diễn ra ở Biển Đông nhưng không cho biết địa điểm cụ thể. Còn theo thông cáo của Hải quân Mỹ, cuộc luyện tập chung này nhằm « hỗ trợ » một « khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở », ngầm chỉ trích Bắc Kinh và các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông. Theo Reuters, cuộc luyện tập kéo dài hai ngày và đây là lần đầu tiên, Philippines, Mỹ, Úc và Canada diễn tập chung ở Biển Đông.


Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể, nhiều lãnh đạo bị cấm hoạt động (RFI)

Trong vụ án liên quan đến luật chống khi quân, nhà đối lập trẻ được nhiều người biết đến nhất tại Thái Lan, Pita Limjaroenrat, hôm 07/08/2024 bị tư pháp cấm hoạt động chính trị 10 năm. Đảng Move Forward mà ông lãnh đạo bị giải thể. Giới quan sát lo ngại bản án nhắm vào phe đối lập Thái Lan sẽ mở ra một giai đoạn chính trường bất ổn.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward, đảng đã giành được chiến thắng lịch sử về đầu trong cuộc bầu cử hạ viện năm ngoái.

Theo AFP, đảng Move Forward là đảng duy nhất đề cập đến việc cải cách luật khi quân, mà họ coi là ngoài tầm kiểm soát và đang bị những người có quyền lực lợi dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Do bị xem là có ý đồ lật đổ chế độ quân chủ, đảng Move Forward đã bị khởi tố.

Thẩm phán Punya Udchachon hôm nay 07/08 công bố phán quyết của Tòa Bảo Hiến Thái Lan « nhất trí thông qua việc giải tán đảng Move Forward và cấm các thành viên ủy ban điều hành từng giữ chức trong giai đoạn 23/03/2021-31/01/2024 hoạt động trong vòng 10 năm tới ».

Như vậy là 11 lãnh đạo của đảng đối lập Move Forward, trong đó có tổng thư ký Chaithawat Tulathon, và nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất Pita Limjaroenrat, mất chức dân biểu và sẽ không được tranh cử trước năm 2034. Theo phe ủng hộ dân chủ, phán quyết của Tòa Bảo Hiến Thái Lan duy trì sự kiểm soát của giới tinh hoa quân sự và kinh tế, vốn đề cao hoàng gia, gây hại đến quyền tự do biểu đạt của công chúng.

Như vậy là chỉ sau 1 năm giành thắng lợi lịch sử trong kỳ bầu cử Quốc Hội, đảng Move Forward bị loại khỏi chính trường Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều thành viên của đảng hứa sẽ tiếp tục tham gia các kỳ bầu cử tới đây. Trên báo chí Thái Lan trong những tuần qua lan truyền tin đồn về việc thành lập một đảng mới với sự tham gia của hơn 140 cựu dân biểu đảng Move Forward, những người không bị cấm hoạt động chính trị.

Trong thư gửi AFP trước khi Tòa Bảo Hiến ra phán quyết, Pita Limjaroenrat viết : « Về nguyên tắc, Tòa Bảo Hiến lẽ ra phải được sử dụng để bảo vệ nền dân chủ chứ không phải làm cho Thái Lan kém dân chủ hơn (…) Trong hai thập kỷ qua, 33 đảng đã bị giải tán, trong đó có 4 đảng lớn do người dân bầu chọn. Không nên bình thường hóa mô hình này hoặc chấp nhận việc sử dụng một tòa án bị chính trị hóa để phá hoại các đảng chính trị ».

Pita Limjaroenrat và các nhà lãnh đạo khác của đảng Move Forward dự kiến phát biểu với báo giới vào cuối giờ chiều hôm nay, giờ địa phương tại trụ sở đảng ở Bangkok.


Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng (VOA)

Một học giả người Mỹ gốc Hoa hôm 6/8 bị Mỹ kết án về tội danh lợi dụng danh tiếng của mình với tư cách là một nhà hoạt động dân chủ để thu thập thông tin về những người bất đồng chính kiến và chuyển cho chính phủ Trung Cộng.

Một bồi thẩm đoàn liên bang tại New York đã phán án ông Vương Thư Quân, người đã thành lập một nhóm cổ súy dân chủ ở New York.

Các công tố viên cho biết, theo lệnh của cơ quan tình báo chính của Trung Cộng là Bộ An ninh Nhà nước Trung Cộng, ông Vương đã sống hai mang trong hơn một thập niên qua.

Bị cáo đã giả đò phản đối chính phủ Trung Cộng để có thể tiếp cận những người thực sự phản đối chính phủ Trung Cộng”, Phụ tá Chưởng lý Hoa Kỳ Ellen Sise cho biết. “Và sau đó, bị cáo đã phản bội những người đó, những người tin tưởng ông ta, bằng cách báo cáo thông tin về họ cho Trung Cộng”.

Ông Vương Thu Quân ngồi bên phải, bên trái là ông Lý Tấn Cẩm, đứng giữa là ông Vương Quân Đào.(Nguồn: VOA)

Ông Vương bị kết tội về các cáo trạng bao gồm âm mưu hoạt động như một đặc vụ nước ngoài mà không thông báo cho tổng chưởng lý. Ông không nhận tội.

Một tin nhắn yêu cầu bình luận đã được gửi đến các luật sư của ông Vương.

Ông Vương đến New York vào năm 1994 để giảng dạy sau khi làm việc tại một trường đại học Trung Cộng. Sau đó, ông trở thành công dân Hoa Kỳ.

Ông đã giúp thành lập Quỹ tưởng niệm Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương có trụ sở tại Queens, được đặt theo tên của hai nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Cộng vào những năm 1980.

Theo các công tố viên, ông Vương đã soạn các email — coi như “nhật ký ghi chép” — tường thuật lại các cuộc trò chuyện, các cuộc họp và kế hoạch của nhiều nhà phê bình chính phủ Trung Cộng.

Một trong những email này là về các sự kiện kỷ niệm cuộc biểu tình năm 1989 và cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh, các công tố viên cho biết. Các email khác nói về những người lên kế hoạch biểu tình trong các chuyến thăm khác nhau của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ.

Các công tố viên cho biết thay vì gửi email để lại dấu vết kỹ thuật số, ông Vương đã lưu chúng dưới dạng bản nháp mà các sĩ quan tình báo Trung Cộng có thể đọc được bằng cách đăng nhập bằng mật khẩu chung.

Trong các thông điệp khác được mã hóa, ông Vương đã chuyển thông tin chi tiết về các sự kiện cổ súy dân chủ sắp tới và kế hoạch gặp một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Hong Kong khi người này ở Hoa Kỳ, theo một bản cáo trạng.

Trong một loạt các cuộc phỏng vấn của FBI từ năm 2017 đến năm 2021, ông Vương ban đầu nói rằng ông không hề có liên hệ nào với Bộ An ninh Nhà nước Trung Cộng, nhưng sau đó ông thừa nhận trên băng ghi hình rằng cơ quan tình báo Trung Cộng đã yêu cầu ông thu thập thông tin về những người cổ súy dân chủ và đôi khi ông đã làm như vậy, các nhân viên FBI đã ra khai chứng.


Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với hành động “cưỡng ép” của Trung Cộng (RFI)

Mỹ sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Úc. Vào năm 2025, Canberra sẽ cùng Washington sản xuất nhiều loại vũ khí hiện đại để tăng cường khả năng cung cấp cho các đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong buổi họp báo ngày 06/08/2024 sau hội nghị 2+2 (AUSMIN), được tổ chức tại Annapolis, Maryland, Hoa Kỳ, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Úc nhấn mạnh đến « sức mạnh phi thường của liên minh » cũng như « tầm nhìn chung về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Theo thông cáo chung được Reuters trích dẫn, từ năm 2025, Úc sẽ cùng Mỹ sản xuất nhiều loại tên lửa dẫn đường, trong đó có hệ thống phóng rôc-két hàng loạt (GMLRS) được sử dụng tại Ukraina. Ngoài ra, Úc cũng đang thử nghiệm tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM) với Hoa Kỳ. Loại vũ khí này được Canberra dự kiến triển khai làm vũ khí siêu thanh đầu tiên cho phi đội chiến đấu cơ.

Sau hội nghị, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ tăng cường lực lượng đồn trú luân phiên ở Úc. Trước đó, hai nước đã tiến hành hiện đại hóa một số căn cứ không quân ở miền bắc và tây Úc, nằm gần những điểm nóng tiềm tàng với Trung Cộng ở Biển Đông.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles, « sự hiện điện của quân đội Mỹ ở Úc tạo cơ hội lớn để hợp tác với các nước láng giềng trong vùng ». Còn đồng nhiệm Mỹ đánh giá hai nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh chung, trong đó có hành động « bắt chẹt » của Bắc Kinh, ví dụ hoạt động quân sự của Trung Cộng quanh đảo Đài Loan, « thái độ nguy hiểm và leo thang của Trung Cộng đối với tàu thuyền Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ».

Trong thông cáo chung, lần đầu tiên, hai nước nhắc đến quần đảo Cocos, được coi là vùng lãnh thổ chiến lược, cách phía tây Úc đến 3.000 km. Đây được coi là tiền đồn quan trọng giúp giám sát hoạt động hàng hải ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Cộng đang gia tăng hoạt động tàu ngầm. Úc đã khởi công mở rộng một sân bay trên đảo để có thể có thể đón máy báy trinh sát và phát hiện tàu ngầm P-8A Poseidon.

Canberra cũng phải cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Ngày 07/08, bộ trưởng Thái Bình Dương Pat Conroy kêu gọi Trung Cộng « minh bạch hơn » về các khoản viện trợ để các đảo quốc nhỏ « có thể thực thi chủ quyền của họ mà không bị ép buộc, phù hợp với luật pháp quốc tế ».


TIN VIỆT NAM.

Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản

Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 03/08/2024 cho biết, chủ tịch nước Tô Lâm được bổ nhiệm giữ chức tổng bí thư sau một phiên họp về nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quyết định này được đưa ra hai tuần sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Theo AFP, việc một cựu bộ trưởng công an trở thành lãnh đạo đảng không gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia. Ở tuổi 67, ông Tô Lâm, người gốc Hưng Yên, dưới vỏ bọc chống tham nhũng, từ nhiều năm qua đã tìm cách loại bỏ các đối thủ trong cuộc đua kế nhiệm cựu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2026.

Chiến dịch « đốt lò », cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam nhắm vào nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ từ chủ tịch nước, bộ trưởng và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, buộc họ phải từ nhiệm, đã làm xáo trộn chính trường Việt Nam trong thời gian gần đây.

Phát biểu ngay sau quyết định bổ nhiệm, ông Tô Lâm tuyên bố, « đây là một vinh dự », đồng thời cho rằng quyết định bổ nhiệm này đáp ứng « nhu cầu cấp thiết ». Ông khẳng định tiếp tục « thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng bất kể người bị nhắm đến là ai ».

Với « thắng lợi toàn diện » này của ông Tô Lâm, người được dự báo là sẽ nắm quyền lâu dài, Việt Nam có thể sẽ « trở lại nhịp sống bình thường ». Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Benoit de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (Irsem), cũng cảnh báo, ông Tô Lâm là hiện thân cho « sự tiếp nối, chứ không phải là một sự đoạn tuyệt ».

Điều đó có nghĩa là, ông Tô Lâm vốn « không sợ hạ bệ những nhân vật quan trọng » và do vậy, « ông ấy sẽ lại tiếp tục », theo như nhận định của giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales tại Úc với AFP.

Ngay sau thông báo của đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng đến ông Tô Lâm, theo như kênh truyền hình Nhà nước Trung cộng CCTV. (RFI)


Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức

Theo thông cáo do Văn phòng Trung ương Đảng phát đi chiều 3/8, trong phiên làm việc buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ của một số lãnh đạo cơ quan trung ương và địa phương.

4 UVTW bị gẫy ghế: (Từ trái) Chẩu văn Lâm, Đặng quốc Khánh, Lê minh khái, Nguyễn xuân Ký.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị điều hành hội nghị.

Tại hội nghị, 4 ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đã bị cho thôi chức, gồm:

  • Phó Thủ tướng, đặc trách Kinh Tế Lê Minh Khái,
  • Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh,
  • Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký,
  • Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm. (Trích BBC, 03/8)

Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên ‘nền kinh tế thị trường’

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từ chối nâng cấp Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường lên thành nền kinh tế thị trường.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm nay 2/8 đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Cùng ngày, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết “lấy làm tiếc” về quyết định của phía Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc nhà nước vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ nạn tham nhũng.

Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường từ năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Hiện chỉ có 12 quốc gia bị Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam. (Trích BBC, 02/8)


Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel ra khuyến cáo đề nghị cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Israel nâng cao tinh thần cảnh giác trước tình hình xung đột ngày càng phức tạp.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo công dân hạn chế đến nơi đông người, khu vực có nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của các lực lượng vào Israel, trước nguy cơ xung đột diễn biến ngày càng phức tạp sau khi các thủ lĩnh cấp cao của lực lượng Hamas và Hezbollah thiệt mạng, đồng thời ngày 4/8 đã xảy ra một vụ khủng bố đâm dao tại địa bàn khiến hai người thiệt mạng và ba người bị thương.

Qua đó, các cơ quan chức năng nhận định đây là vụ tấn công khủng bố và dự đoán các hoạt động tội phạm từ các nhóm thuộc cộng đồng người Ả Rập tại Israel sẽ gia tăng. Đồng thời, có thông tin dự đoán sẽ sớm xảy ra các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Israel.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng tuân thủ nghiêm các quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an ninh an toàn của chính quyền sở tại; Chủ động lên các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh an toàn cho bản thân và thân nhân trong bối cảnh chiến tranh; Thường xuyên giữ liên hệ và thông tin tình hình với các đầu mối của Đại sứ quán đề phòng trường hợp khẩn cấp, cần sự hỗ trợ.

Đây là lần thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Israel ra thông báo khuyến cáo cộng đồng như trên. Trước đó, hôm 30/7, thông báo lần thứ nhất của Đại sứ quán cũng yêu cầu người Việt sở tại thực hiện một số biện pháp nhằm đảm bảo an ninh an toàn sau khi quân đội Israel không kích nhằm vào một chỉ huy cấp cao của lực lượng Hezbollah ở Liban.

Ngày 1/8, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel (NSC) cũng đã ra cảnh báo công dân nước này tránh đi lại tới khoảng 40 quốc gia trên thế giới, do nguy cơ khủng bố.(RFA)


VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital, phải bồi thường 270 triệu USD

Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo vừa thua kiện trước tập đoàn đầu tư FitzWalter Capital và đối mặt với việc phải bồi thường 270 triệu đô la cũng như phải trả lại 4 máy bay, Fountain Court, The Australian Financial Review, ch-aviation và một số trang nước ngoài cho biết trong các ngày từ 1 đến 4/8.

Trong một thông cáo gửi đến VOA qua email vào sáng 6/8, VietJet “khẳng định sẽ kháng cáo” và bày tỏ “Hãng chắc chắn rằng công lý sẽ chiến thắng và quyết định cuối cùng sẽ công bằng cho hãng hàng không trong phiên tòa dự kiến đưa ra vào năm 2025”.

VietJet nói thêm rằng việc tranh chấp thương mại là điều thông thường trong hoạt động của doanh nghiệp và “không ảnh hưởng tới hoạt động của VietJet”.

Như VOA đã đưa tin, trong nhiều tháng nay, FitzWalter Capital có trụ sở ở London, Anh, đã kiện VietJet tại các tòa án ở London, Hà Nội và Singapore vì hai bên có tranh chấp về 4 chiếc máy bay Airbus.

Hồi tháng 2, Reuters tường thuật rằng hãng cho thuê máy bay FitzWalter Aviation (FWA), thuộc tập đoàn FitzWalter Capital, tuyên bố rằng VietJet “mất khả năng thanh toán tiền thuê máy bay” kể từ năm 2021.

Các vụ kiện trước thời điểm tháng 2 đã đi đến những phán quyết có lợi cho FitzWalter và ông chủ của tập đoàn này là Ben Brazil, theo The Australian Financial Review, ch-aviation và một số trang thông tin quốc tế. Nhưng VietJet và một số hãng liên quan đến nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã hành xử “không phù hợp” để cản trở các phán quyết đó.

Fountain Court, The Australian Financial Review và các trang tin nước ngoài cho biết rằng hôm 31/7, sau 2 tuần xét xử trong tháng 6, Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Anh Simon Picken cũng ra quyết định là FitzWalter thắng kiện. Ông Picken phát biểu rằng VietJet trong nhiều năm “đã dàn xếp và thực hiện một chiến dịch ở Việt Nam có chủ ý can thiệp vào” các nỗ lực của FitzWalter nhằm thu hồi các máy bay.

Vẫn The Australian Financial Review mô tả rằng ông Ben Brazil, người thành lập FitzWalter vào năm 2021, đã xuất hiện trong tư thế người chiến thắng khi bước ra khỏi tòa án.

Theo tường thuật của The Australian Financial Review, ch-aviation và một số trang tin, Thẩm phán Picken chỉ rõ thời điểm “bất thường” mà công ty Silva Star, do bà Thảo kiểm soát, đã tìm cách đề nghị nhà chức trách ngăn cản việc đưa máy bay rời khỏi Việt Nam. Ông Picken nhận thấy rằng để củng cố cho đề nghị của họ, Silva Star đã cung cấp các tài liệu mà “một cổ đông thiểu số của VietJet lẽ ra không được sở hữu, bao gồm cả các tài liệu bí mật/không công khai liên quan đến các máy bay”.

Sau khi vấn đề về mức độ liên kết với VietJet bị chỉ ra, Silva Star đã không tham gia tố tụng nữa mà thay bằng hai hãng khác là Công ty Bất động sản Universe Land Việt Nam và Mango Trading – đều có liên quan đến bà Thảo.

Tòa Thượng thẩm Anh cũng nhận được thông tin rằng hãng VietJet đã vận động các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam, hãng nói với các quan chức rằng sẽ không hợp pháp nếu cho phép 4 chiếc Airbus rời khỏi Việt Nam, dù trước đó hãng đã đồng ý để cho các máy bay lên đường và thừa nhận việc đó không trái pháp luật.

Ông Jonty Nel, giám đốc điều hành hãng cho thuê máy bay thuộc FitzWalter, nói rằng phán quyết mới nhất đã minh oan cho hãng của ông: “Với việc chiếc máy bay đầu tiên trong số 4 chiếc đã rời khỏi Việt Nam, sau khi được các cơ quan hữu quan của chính phủ Việt Nam cho phép, quyết định này của tòa án cho thấy hành động của VietJet kể từ khi chấm dứt hợp đồng thuê đã đi ngược lại với hệ thống quốc tế có hiệu lực, hợp pháp và phù hợp về việc sở hữu, cho thuê và vận hành máy bay”.

Về phía VietJet, hãng cho hay trong thông cáo gửi đến VOA rằng các luật sư của hãng “nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc”.

VietJet được nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thành lập năm 2007 và bắt đầu chuyến bay đầu tiên trong năm 2011, sau đó trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, có đường bay đến 5 thành phố ở Australia và một số nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, hãng gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch COVID-19, dẫn đến việc họ không thanh toán tiền thuê 4 chiếc máy bay Airbus và FitzWalter đã cố thu hồi chúng kể từ thời điểm đó.

VietJet nói qua bản thông cáo rằng họ “không đồng ý việc các ngân hàng đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng, đúng vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm”.

Thông cáo viết rằng “lấy cớ từ một khoản tiền thuê-mua chưa tới 7,4 triệu đô la Mỹ, là một kỳ thanh toán cho 4 tàu bay mà hãng đã đạt được thoả thuận giãn thanh toán, các ngân hàng đã đột ngột chấm dứt không hợp lệ hợp đồng thuê-mua ổn định, dài hạn đang có với hãng hàng không và bán các khoản vay cho FWA”.

Hãng hàng không của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng các ngân hàng “có dấu hiệu không ngay tình trong thủ tục bán nợ, thông đồng với bên mua nợ cũng là các cựu quan chức ngân hàng”.

Dưới con mắt của VietJet, các ngân hàng đã bán nợ cho FWA mà hãng cho rằng là một pháp nhân “không đủ tiêu chuẩn và xử lý tài sản bảo đảm là máy bay không qua đấu giá minh bạch, ảnh hưởng quyền lợi của bên đi vay”.

VietJet nhấn mạnh rằng luật sư của hãng “bác bỏ mọi cáo buộc từ FWA” và rằng thông qua luật sư, hãng khẳng định “luôn thiện chí trao đổi thương mại” cũng như “có khả năng tài chính”, đã “nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay”, nhưng FWA “không hợp tác”.

VietJet đã phục hồi sau đại dịch và hiện có giá trị vốn hóa thị trường là hơn 3,5 tỷ đô la trên sàn chứng khoán của thành phố Saigon.


Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng gần 20 tỷ đồng

Nhiều cầu thủ của Câu lạc bộ (CLB) Thanh Hóa đã dừng tập luyện, ký đơn khiếu nại gửi đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) yêu cầu được trả khoản lương, thưởng bị nợ gần 20 tỷ đồng.

CLB Thanh Hoá chiếm ngôi đầu bảng 2023

Đơn khiếu kiện đồng thời được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và CLB Thanh Hóa. Truyền thông loan trong ngày 6/8.

Nội dung đơn khiếu kiện thể hiện các cầu thủ CLB Thanh Hóa đang bị nợ tổng số tiền gần 20 tỷ đồng cộng với khoản tiền lương từ tháng 5/2024 đến tháng 7/2024.

Theo các cầu thủ, phía lãnh đạo CLB Thanh Hóa nhiều lần hứa hẹn, cam kết trả đủ nhưng đến đầu mùa giải 2024/2025 vẫn chưa thanh toán. Ngoài ra, CLB Thanh Hóa chưa thanh toán hết khoản tiền thưởng mùa giải 2023 sau khi đội bóng giành chiến thắng tại Cúp Quốc gia. Số tiền thưởng các trận thắng bán kết, chung kết đến từ Ban Tổ chức, tỉnh, thành và các nhà tài trợ cũng chưa được CLB thanh toán là 6,6 tỷ đồng. Ngoài ra còn có số tiền thưởng các trận thắng ở V.League nhưng các cầu thủ vẫn chưa nhận được, lên tới 1,3 tỷ đồng.

Với những khoản nợ trên, các cầu thủ Thanh Hóa nêu rõ trong đơn: “Chúng tôi quyết định tạm dừng tập luyện cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết. Kính mong các cấp lãnh đạo, Sở ban ngành có thẩm quyền vào cuộc sớm, giải quyết cho chúng tôi. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn”.

CLB Thanh Hóa đã xin rút lui, không đại diện Việt Nam tham dự AFC Champions League 2 (cúp C2 châu Á) do những khó khăn về tài chính.(RFA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 30/9, 1-2/10/2024
  • Tranh luận ứng viên phó tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua?
  • Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Cộng được bí mật cấp cho Nga
  • Trung Đông tăng nhiệt: Iran phóng phi đạn qua Israel
  • Giới phân tích dự đoán Israel sẽ phản ứng mạnh với Iran
  • Cựu bộ trưởng Ishiba chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản
  • Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan
  • Khủng hoảng Israel-Iran: Pháp điều tàu chiến, Đức cảnh báo, Ý sắp họp G7
  • Nam Hàn trình làng tên lửa “quái vật” nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội
  • Tàu Trung cộng tấn công ngư thuyền Việt Nam tại Hoàng Sa
  • Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?
  • Sản xuất ở Việt Nam suy yếu
  • Bị cáo buộc âm mưu "khủng bố" vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân
  • Báo cáo viên LHQ bày tỏ quan ngại việc TS Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
  • Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, nhà hoạt động người Thượng về Việt Nam
  • Mỹ áp thuế gần 300% trên pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 23-24-25/9/2024
  • Tổng thống Ukraina đến Mỹ trình bày “kế hoạch giành chiến thắng”
  • Tổng thống Ukraine nói với Liên Hiệp Quốc: Phải ép Nga chấp nhận hòa bình
  • Trong lần cuối phát biểu ở LHQ, ông Biden tìm cách xoa dịu căng thẳng Trung Đông
  • Trung Đông: Lần đầu tiên Hezbollah bắn tên lửa đạn đạo về phía Tel Aviv
  • Tổng thống Iran muốn thảo luận với phương Tây về chiến tranh Ukraina
  • Trung Đông: Israel oanh kích dữ dội miền nam Liban để trả đũa
  • Liên Hiệp Quốc thông qua hiệp ước xây dựng "tương lai tốt đẹp" cho nhân loại
  • Bộ Tứ - QUAD bày tỏ quan ngại về Biển Đông, lên án chương trình tên lửa Bắc Triều Tiên
  • Philippines tố trực thăng hải quân Trung Cộng bám đuôi máy bay trong khi tuần tra
  • Biển Đông: Số tàu Trung Cộng tại các vùng tranh chấp với Philippines cao nhất
  • Ông Tô Lâm chia sẻ tầm nhìn VN về xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng thế giới hoà bình
  • Ông Tô Lâm gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ
  • Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm
  • Việt Nam: Hai nhà hoạt động được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của Tô Lâm
  • Hoa Kỳ và Việt Nam củng cố hợp tác an ninh mạng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 16-17-18/9/2024.
  • Drone Ukraina tấn công một kho vũ khí lớn tại tỉnh Tver, giáp thủ đô Nga
  • Liban: Iran tố cáo Israel là thủ phạm vụ kích nổ đồng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
  • Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Cộng
  • Cuộc chiếm đóng kỳ lạ: Dân Nga ở Kursk thân thiện với lính Ukraina
  • Biển Đông: Philippines khẳng định duy trì hiện diện ở khu vực có tranh chấp
  • Bắc Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn
  • Ukraina mời Liên Hiệp Quốc đến vùng Kursk của Nga
  • Trung Cộng bám đuôi máy bay Mỹ trên Eo biển Đài Loan
  • Reuters: Ông Trump và tổng thống Ba Lan có thể gặp nhau tại bang chiến địa Pennsylvania
  • Ông Tô Lâm sẽ gặp Google và Meta trong chuyến thăm Mỹ vào tuần tới
  • Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 10
  • Bão số 4 sắp đổ vào miền Trung Việt Nam
  • Quỹ giúp nạn nhân bão số 3 hiện có trên 1.200 tỷ đồng
  • Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
  • Các tổ chức quốc tế kêu gọi hủy bản án tù đối với blogger Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam