Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

Phó TT Harris Từ Chối Tranh Biện Với Cựu TT Trump Trên FoxNews

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã sẵn sàng tranh biện với Phó Tổng thống Kamala Harris vào ngày 04/09 trên Fox News, nhưng phó tổng thống đã từ chối và khăng khăng muốn cuộc tranh biện diễn ra vào ngày 10/09 trên ABC, theo thỏa thuận trước đó với Tổng thống Joe Biden.

Ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 03/08 rằng, vì ông Biden đã rút khỏi cuộc tranh cử, nên thỏa thuận của họ cho cuộc tranh biện vào ngày 10/09 trên ABC không còn hiệu lực nữa. Thay vào đó, ông Trump đề nghị một cuộc tranh biện vào ngày 04/09 với bà Harris tại Pennsylvania, do Fox News tổ chức.

Bà Harris đã phản ứng lại thông điệp của ông Trump trong một bài đăng trên X, nói rằng bà sẽ “có mặt ở đó vào ngày 10/09, như ông ấy đã đồng ý. Tôi hy vọng sẽ gặp ông ấy ở đó”.

Điều này đã làm dấy lên một tối hậu thư từ ông Trump. Ông viết trong một bài đăng tiếp theo trên Truth Social, “Tôi sẽ gặp bà ấy vào ngày 04/09 hoặc, tôi sẽ không gặp bà ấy nữa”.

Cựu tổng thống cho biết ông coi cuộc tranh biện ngày 04/09 về căn bản là sự thay thế cho cuộc tranh biện ngày 10/09 đã được ấn định trước đó, vốn “đã bị chấm dứt” vì chính ông Biden đã tuyên bố rút lui rồi trao cho bà Harris làm đề cử viên của đảng Dân Chủ.

Sau khi ông Biden tuyên bố rút lui, ông Trump đã kêu gọi thay đổi cuộc tranh biện ngày 10/09, nói trong một bài đăng trên Truth Social rằng cuộc tranh biện nên được tổ chức tại Fox News thay vì ABC.

Trong bài đăng mới nhất vào ngày 03/08, ông Trump giải thích rằng ông đang kiện ABC và việc tổ chức cuộc tranh biện trên đài này sẽ cho thấy có một “sự xung đột lợi ích”.

Cựu tổng thống cũng đề xướng rằng những người điều hợp cuộc tranh biện ngày 04/09 sẽ là ông Bret Baier và bà Martha MacCallum, và các thể lệ tranh biện sẽ tương tự như những thể lệ đã được đồng thuận trong cuộc tranh biện đáng lẽ sẽ thực hiện với ông Biden, “nhưng phải có khán giả tại hội trường thu hình”.

Cuộc tranh biện giữa ông Trump và ông Biden hôm 27/06 trên CNN ở Atlanta đã được tổ chức mà không có khán giả trong trường quay.

Trong một cuộc gọi với giới báo chí hồi tuần trước, ông Trump đã trả lời câu hỏi của một phóng viên về tầm quan trọng của việc tranh biện với bà Harris và liệu ông có sẵn sàng tranh biện trên ABC hay không.

Ông nói, “Tôi đã đồng ý tranh biện với ông Joe Biden, tôi cũng muốn tranh biện với bà ấy, sẽ không khác gì, vì họ có cùng chính sách. Tôi nghĩ rằng tranh biện rất quan trọng đối với một cuộc tranh cử tổng thống, tôi thực sự nghĩ vậy…. Tôi nghĩ nếu là đề cử viên của đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa, thì quý vị thực sự có nghĩa vụ phải tranh biện, vì vậy tôi nghĩ tranh biện là rất quan trọng”.

Tại Căn cứ chung Andrews, phóng viên đã hỏi bà Harris rằng liệu bà có sẵn lòng tranh biện trên Fox News thay vì ABC hay không nhưng bà đã bỏ đi mà không đưa ra câu trả lời.


Các Quốc Gia Đang Tìm Cách Định Hình Và Tác Động Đến Cuộc Bầu Cử Ở Hoa Kỳ

Một bản cập nhật an ninh hôm 29/07 từ Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (ODNI) cảnh báo rằng, các địch thủ ngoại quốc của Hoa Kỳ sẽ chiêu mộ người Mỹ và sử dụng các chiến thuật khác để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào tháng Mười Một nhằm thúc đẩy các mối quan tâm lợi ích của họ.

Theo bản cập nhật của ODNI, “Các tác nhân ngoại quốc tiếp tục dựa vào những người Mỹ để gieo rắc, thúc đẩy, và tăng thêm độ tin cậy cho các câu chuyện phục vụ cho lợi ích của các tác nhân ngoại quốc này. Các tác nhân ngoại quốc này tìm cách lợi dụng những người Mỹ để lan truyền thông điệp qua các đường  và hoạt động của họ”.

Báo cáo cho biết cộng đồng tình báo tin rằng các tác nhân ngoại quốc sẽ điều chỉnh các hoạt đường dây gây ảnh hưởng của họ trước “những diễn biến trong tháng này để quảng bá các câu chuyện gây ảnh hưởng nhằm phá hoại các thể chế dân chủ, khích động bất hòa, và/hoặc thay đổi dư luận”.

Trong vài tuần qua, cuộc tranh cử vào Tòa Bạch Ốc đã có ​​những diễn biến quan trọng, trong đó có vụ ám sát bất thành cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua, và việc ông tán thành Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ. Các viên chức đã không đề cập cụ thể đến những diễn biến này trong bản cập nhật.

bầu cử

Bản cập nhật lưu ý rằng chính quyền cộng sản Trung Cộng, Nga, và Iran đang sử dụng các chiến dịch gây ảnh hưởng “để tác động đến nền chính trị và các chính sách của Hoa Kỳ để làm lợi cho mình và làm suy yếu nền dân chủ của Hoa Kỳ cũng như vị thế của Hoa Thịnh Đốn trên thế giới”. Các địch thủ này cũng cải tiến các chiến lược của họ để che giấu sự can thiệp.

Bản cập nhật của ODNI cảnh báo rằng nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ tìm cách làm mất uy tín các ứng cử viên mà họ xem là mối đe dọa đối với các lợi ích cốt lõi. Theo bản cập nhật, Bắc Kinh đã sử dụng các chiến thuật tương tự trong “một vài” cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, nhắm mục tiêu vào các ứng cử viên của cả hai đảng.

Bản cập nhật lưu ý rằng, “Cộng đồng tình báo cũng biết rằng các tác nhân của nhà cầm quyền Trung Cộng đang sử dụng mạng xã hội để gieo rắc sự chia rẽ ở Hoa Kỳ và mô tả các nền dân chủ là hỗn loạn”.

“Các tổ chức Chính phủ của Nhà cầm quyền Trung Cộng đã hợp tác với một công ty kỹ nghệ có trụ sở tại Trung Quốc để gia tăng các hoạt động gây ảnh hưởng trực tuyến bí mật của Nhà cầm quyền Trung Cộng, bao gồm cả việc sáng tạo hiệu quả hơn nội dung có tính kết nối với đối tượng khán giả địa phương”.

ODNI cho biết trong một báo cáo trước đó, rằng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ, bộ tuyên truyền của Bắc Kinh đã sử dụng các trương mục TikTok để gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên.

Bản đánh giá các mối đe dọa thường niên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, được công bố hồi tháng Hai, phát giác ra nhà cầm quyền Trung Cộng có thể sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử năm 2024 của Hoa Kỳ ở một mức độ nào đó để ngăn chặn những người chỉ trích và khuếch đại sự chia rẽ trong xã hội. Theo báo cáo này, các tác nhân của Trung Cộng đã cải thiện khả năng phát tán tin giả của họ.

Bản đánh giá nhận định, “Nhà cầm quyền Trung Cộng muốn gieo rắc nghi ngờ về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, phá hoại nền dân chủ, và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các chiến dịch thông tin của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào việc quảng bá các câu chuyện ủng hộ Trung Cộng, bác bỏ những câu chuyện do Hoa Kỳ quảng bá, và phản đối các chính sách của Hoa Kỳ và các quốc gia khác gây đe dọa đến lợi ích của Bắc Kinh, bao gồm cả đe dọa đến hình ảnh quốc tế của Trung Cộng, cũng như khả năng tiếp cận thị trường, và chuyên môn kỹ nghệ”.

Bản cập nhật cho biết cộng đồng tình báo cũng lưu ý rằng Nga là một mối đe dọa đối với cuộc bầu cử tháng Mười Một của Hoa Kỳ, vì Moscow tiếp tục sử dụng một loạt các chiến thuật và tác nhân gây ảnh hưởng để mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ra nội dung gây ấn tượng với khán giả Hoa Kỳ.

Báo cáo viết, “Ngoài việc tác động đến kết quả bầu cử Quốc hội, những tác nhân này đang tìm cách ủng hộ một ứng cử viên tổng thống, làm suy yếu niềm tin của công chúng vào quy trình bầu cử, và khiến những chia rẽ chính trị xã hội thêm phần trầm trọng”.


Ảnh Hưởng Dư Luận Tác Động Chính Sách Trung Quốc Của Canada

Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly cho biết trong tuần này rằng, do người dân Canada không tin tưởng Trung Cộng nên mối bang giao giữa Ottawa và Bắc Kinh không thể được “tái thiết lập”. Điều này diễn ra theo một xu hướng trong lịch sử, đó là những mối lo ngại của công chúng đã hạn chế các nhà lãnh đạo lấy lòng Bắc Kinh, bất chấp một số khu vực đã thúc đẩy.

Mặc dù ít thẳng thắng hơn, nhưng các nhà lãnh đạo khác của Canada trước đây đã từng bày tỏ những quan điểm tương tự như bà Joy.

Vào cuối nhiệm kỳ của mình vào năm 1993, cựu Thủ tướng Brian Mulroney đã tổ chức một bữa ăn tối riêng tư với phó chủ tịch nước Trung Cộng tại Ottawa. Chỉ mới vài năm trôi qua kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, khi cảnh sát Trung Cộng nổ súng vào những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ, và nhiều nền dân chủ đã xa lánh chế độ cộng sản này vào thời điểm đó.

Ông Mulroney nói trong cuốn sách “Memoirs” (Hồi Ký) xuất bản năm 2007 rằng bữa tối này là một “tín hiệu” gởi tới Bắc Kinh. Theo lời kể của ông, cộng đồng doanh nghiệp Canada gốc Hoa nói với ông rằng Trung Cộng đang trên đường trở thành một “tác nhân quan trọng về kinh tế”.

Ông Mulroney viết rằng, tín hiệu này cho thấy “Canada sẽ sẵn sàng hợp tác toàn diện với Trung Cộng trong những năm tới—với sự thận trọng trước những lo ngại về nhân quyền”.

Trong cuốn sách còn dang dở năm 2019 “Claws of the Panda” (tạm dịch: Móng Vuốt của Gấu Trúc), tác giả và ký giả Jonathan Manthorpe đã giải thích rằng phải tiến hành một cách “thận trọng” như thế là vì “các lý do chính trị trong nước” khi người Canada lo ngại về hành vi đàn áp nhân quyền của Trung Cộng.

Nhìn vào dữ kiện thăm dò lịch sử và các giai đoạn quan trọng trong mối bang giao giữa Canada và Trung Cộng cho thấy rằng vào lúc các cuộc thăm dò cho thấy công chúng ít lo ngại hơn về Trung Cộng, các nhà lãnh đạo đã đạt được những thỏa thuận quan trọng và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Còn vào lúc các cuộc thăm dò cho thấy mối lo ngại lớn hơn, thì các nhà lãnh đạo tỏ ra dè dặt.

Bà nói với The Globe và Mail sau chuyến công du từ ngày 18 đến 21/0/07, “Đó không phải do chính phủ, mà thiên về nhận thức tiêu cực của người Canada đối với Trung Cộng hiện nay. Và điều quan trọng là Trung Cộng phải hiểu điều đó”.

Những bình luận sau chuyến công du của bộ trưởng này đã được các đối thủ chính trị của bà giải thích rằng chính phủ của bà đang bị ngăn cản mối quan hệ với Trung Cộng do các lo ngại về các cuộc thăm dò.

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Leo Housakos nói trên nền tảng X hôm 22/07, “Bà ấy thực sự đã nói rằng bất chấp sự can thiệp của họ vào các cuộc bầu cử của chúng ta, bất chấp những lời đe dọa của họ đối với một nghị sĩ Canada đương nhiệm và gia đình ông ấy, bất chấp việc điều hành các đồn công an bất hợp pháp trên đất của chúng ta, bất chấp việc bắt cóc 2 công dân của chúng ta, bất chấp những vi phạm nhân quyền đang diễn ra, và bất chấp sự gây hấn quân sự gia tăng”.

“Bà ấy muốn nói rõ rằng không điều nào trong số này có thể đủ để ngăn chính phủ của bà ấy thực thi công việc như thường lệ với những tên côn đồ cộng sản ở Bắc Kinh, ngoại trừ những con số thăm dò khó chịu cho thấy họ không phải là người thắng cử”.

Một cách khác để có thể giải thích những nhận xét này đó là bà Joly muốn nhấn mạnh rằng chính phủ cần phải làm theo ý muốn của người dân.


Trung Cộng Do Thế Lực Ngoại Quốc Thành Lập Gây Ra Bi Kịch

Các xã hội tự do chỉ trích Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) thường bị tuyên truyền của Trung Cộng gắn nhãn là “thế lực ngoại quốc thù địch”. Tuy nhiên, lịch sử lại cho chúng ta thấy rằng các thế lực ngoại quốc đã tạo thuận tiện cho việc thành lập Trung Cộng.

Hơn một thế kỷ trước, đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Trung Cộng được tổ chức chỉ với 15 đại biểu, trong đó có hai người ngoại quốc.

Nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Cộng được bầu chọn, ông Chen Duxiu, sau đó đã bỏ đảng, đồng thời nói rằng ông nhận ra rằng một nền tảng chính trị như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến chế độ độc tài của đảng và các nhà lãnh đạo đảng. Ông cũng nói rằng lòng trung thành của Trung Cộng là với Liên Xô chứ không phải với nhân dân Trung Quốc.

Khoảng một nửa trong số 13 đại biểu Trung Quốc đã gặp phải kết cục bi thảm. Một số bị hành quyết, một số bị Trung Cộng bức hại, và một số công khai bỏ đảng.

Ông Li Yuanhua, một nhà sử học Trung Quốc, cho biết những người thành lập ban đầu của Trung Cộng là hai người Tây phương, Henk Sneevliet, còn được gọi là Maring, và Vladimir Abramovich Neiman Nikolsky.

Ông Maring, một người Hoà Lan, đang bị truy nã, cùng với ông Nikolsky, một điệp viên người Nga, đã được bí mật cử đến Trung Quốc vào năm 1921.

Ông Li cho biết, “Theo hồi ức của các đại biểu tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ Nhất của ĐCSTQ, hai người đàn ông này đã được Cục Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Trung Quốc để giúp thành lập ĐCSTQ. ĐCSTQ đã nhận được tài trợ trực tiếp từ họ, với mỗi đại biểu được cấp 100 lượng làm lộ phí và thêm 50 lượng làm quỹ khởi đầu sau cuộc họp”.

Theo ông Li, trong giai đoạn đầu, Quốc Tế Cộng Sản đã cung cấp tất cả các khoản tài trợ cho Trung Cộng, kể cả tiền thù lao cho các đảng viên đã ghi danh.

Ông Li Yuanhua nói,  “Từ các sự kiện lịch sử, có thể thấy rằng việc thành lập Trung Cộng thực chất là sự thành lập một chi nhánh của Cục Viễn Đông của Quốc Tế Cộng Sản, hoàn toàn phụ thuộc vào Quốc Tế Cộng Sản. Sau khi cuộc xung đột Trung-Xô nổ ra vào năm 1929, Trung Cộng đã hô vang khẩu hiệu ‘bảo vệ Liên Xô,’ hoàn toàn trái ngược với lợi ích của dân tộc Trung Hoa”.

Cuộc xung đột Trung-Xô năm 1929 khởi phát chủ yếu là do tranh chấp quyền kiểm soát Đường Hoả Xa miền Đông Trung Quốc ở Mãn Châu. Vào tháng 07/1929, các lực lượng Trung Quốc đã chiếm giữ các phần đường sắt do Liên Xô kiểm soát, kích khởi một sự đáp trả quân sự dữ dội từ Liên Xô. Hồng quân Liên Xô đã phát động một loạt các cuộc tấn công, đánh bại các lực lượng Trung Quốc và giành lại quyền kiểm soát tuyến hoả xa này. Cuộc xung đột kết thúc vào tháng 12/1929 bằng một thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời khôi phục lại nguyên trạng trước khi xảy ra xung đột.


Bắc Kinh Mở Rộng Liên Minh Chống Hoa Kỳ Với Thỏa Thuận Hamas–Fatah

Các phe phái Palestine, bao gồm Fatah và tổ chức khủng bố Hamas, đã đồng ý thành lập chính phủ sau các cuộc đàm phán do Bắc Kinh tổ chức. Các nhà phân tích tin rằng nhà cầm quyền Trung Cộng này đang xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn với các tổ chức khủng bố ở Trung Đông để mở rộng liên minh chống Hoa Kỳ.

Hôm 23/07, sau hai ngày hòa giải, 14 phe phái Palestine đã cùng ký một bản tuyên bố tại Bắc Kinh về “chấm dứt chia rẽ và củng cố sự thống nhất của người Palestine” và thành lập một “chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời” trong quá trình tái thiết Gaza sau chiến tranh.

Ông Wu Zuolai, một chuyên gia bình luận chính trị đang sống tại Hoa Kỳ, chuyên viết về các vấn đề Trung Cộng. Ông tin rằng Bắc Kinh hiện đang giúp thống nhất các tổ chức khủng bố, một hành động mang ý nghĩa quan trọng. Ông cho biết: “Cũng giống như việc Bắc Kinh công nhận Taliban ở Afghanistan là chính quyền hợp pháp, họ cũng đang mở rộng lực lượng ở Trung Đông theo cách tương tự”.

Ông nói thêm: “Trung Cộng đang thúc đẩy một mặt trận thống nhất với các lực lượng khủng bố ở Trung Đông, trong một âm mưu dài hạn và nham hiểm nhằm đối đầu với Hoa Kỳ và thế giới Tây phương”.

Vòng hòa giải mới này được Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) khởi xướng nhằm thỏa hiệp với các phe phái Palestine, đặc biệt là giữa các lực lượng đối địch Hamas và Fatah trong các cuộc xung đột lâu dài ở Gaza và Tây ngạn sông Jordan.

Hồi tháng Tư, Trung Cộng đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên giữa các bên thù địch, nhưng không mang lại kết quả thực chất. Sau đó, vòng đàm phán thứ hai, dự trù ​​diễn ra vào tháng Sáu, đã bị hoãn.

Kể từ khi Hamas chiếm Dải Gaza vào năm 2007 và trục xuất Fatah, người Palestine đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến kéo dài.

Cùng ngày công bố thỏa thuận, Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz đã đăng trên X rằng “Hamas và Fatah đã ký một thỏa thuận tại Trung Quốc để cùng kiểm soát Gaza sau chiến tranh. Thay vì từ chối chủ nghĩa khủng bố, lãnh đạo Fatah, ông Mahmoud Abbas lại ủng hộ những kẻ sát nhân Hamas, hé lộ bộ mặt thật của mình”.

Ông Shi Shan, một cộng tác viên kỳ cựu của The Epoch Times, cho biết Trung Cộng không quan tâm đến hòa bình khu vực. Ngược lại, họ đang giật dây các thế lực khác nhau ở Trung Đông.

Ông Shi cho biết, Trung Cộng đang nỗ lực gây ảnh hưởng lên các tổ chức khủng bố bằng cách viện trợ tài chính hoặc nhiều cách khác để sử dụng sau này.

Ông Wu đồng ý với nhận định này, đồng thời nói thêm rằng các tổ chức khủng bố đang sử dụng các nguồn lực tài chính và vật chất do Trung Cộng cung cấp để đạt được mục tiêu của họ.

Ông nói “Hiện tại, quân đội của Hamas đã bị suy yếu trầm trọng trong cuộc chiến với Israel và có thể bị xóa sổ bất cứ lúc nào, vì vậy Trung Cộng rất muốn hòa giải các phe phái Palestine này thành một lực lượng thống nhất chống lại Israel và Tây phương”.

“Mặt khác, Hamas cần sự tài trợ của ĐCSTQ để củng cố sức mạnh của mình, vì vậy họ lợi dụng lẫn nhau….”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Matthew Miller nhắc lại rằng Hoa Kỳ xác định Hamas là một tổ chức khủng bố và Hoa Thịnh Đốn tin rằng tổ chức này không nên tham gia vào việc quản trị Gaza hậu chiến tranh.

Ông Wu tin rằng các hành động nhằm củng cố các thế lực ở Trung Đông của Trung Cộng đã làm cho việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Oval Office trở nên cấp thiết hơn.


Hơn 20 Giám Mục Công Giáo Yêu Cầu Xin Lỗi

Hơn 20 hồng y và giám mục Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đã kêu gọi Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế (IOC) chính thức xin lỗi về buổi lễ khai mạc đã diễn ra hồi tuần trước (26/07), với sự tham gia của các diễn viên giả trang nữ (drag queen) trong những gì mà nhiều tổ chức Thiên Chúa Giáo cho là sự nhại lại bức tranh “Bữa Tiệc Ly” của họa sĩ Leonardo da Vinci.

Bức thư ngỏ viết, “Thế giới đã vô cùng sửng sốt khi chứng kiến ​​Thế Vận Hội mùa hè ở Paris khai mạc với hình ảnh kệch cỡm và báng bổ về Bữa Tiệc Ly. Thật khó hiểu khi đức tin của hơn 2 tỷ người lại có thể bị xúc phạm một cách cố ý và tùy tiện như vậy”.

Tiếp đến, bức thư đã yêu cầu ban tổ chức Thế Vận Hội “không công nhận” lễ khai mạc này và “xin lỗi tất cả những người có đức tin”.

Bức thư viết, “Mặc dù khó có thể tin rằng một sự chế giễu cố ý và đầy thù ghét như vậy đối với bất cứ tôn giáo nào khác lại được trình diễn trên sân khấu thế giới. Nhưng dù sao đi nữa thì hành động đáng khinh bỉ này vẫn đe dọa đến những người thuộc mọi tín ngưỡng và cả những người không theo tôn giáo nào, vì việc này sẽ mở đường cho những người có quyền lực làm bất cứ điều gì họ muốn đối với những người mà họ không thích”.

Một số người đồng ký tên trong bức thư đến từ Hoa Kỳ, trong đó có Tổng giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco, Tổng giám mục danh dự Charles Chaput của Philadelphia, và Tổng giám mục Samuel Aquila của Denver. Các giám mục từ Pháp, Nigeria, Peru, Vương quốc Anh, Argentina, và các quốc gia khác cũng đã ký vào bức thư này.

Trước đó, một ngày sau lễ khai mạc, phát ngôn viên Anne Descamps của Thế Vận Hội nói với các phóng viên rằng “chưa bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất cứ nhóm tôn giáo nào”, đồng thời nói thêm rằng buổi lễ khai mạc đã “muốn tôn vinh sự khoan dung của cộng đồng”.

Bà nói, “Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm thì chúng tôi thực sự xin lỗi”.

Trong các bình luận đăng trên mạng xã hội, một số nhà lãnh đạo Công Giáo đã từ chối lời xin lỗi của ban tổ chức.

Trong một video được đăng trên X hôm 29/07, Giám mục Robert Barron của Winona-Rochester, Minnesota, đã nhận xét rằng lời xin lỗi của ban tổ chức thế vận hội là “kiệt tác của sự gian dối theo khuynh hướng thức tỉnh”.

Ông nói, “Những tín hữu Cơ Đốc Giáo đã bị xúc phạm vì lời xin lỗi đó là mang tính xúc phạm và có chủ đích xúc phạm”.

Và Tổng giám mục người Ý Vincenzo Paglia, người đứng đầu Học viện Giáo Hoàng về Sự Sống của Vatican, đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào cuối tuần trước rằng “sự nhại lại Bữa Tiệc Ly” tại Thế Vận Hội Paris “bộc lộ một vấn đề lớn”.

Theo chương trình, lễ bế mạc Thế Vận Hội Paris ​​diễn ra vào ngày 11/08.

Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt