TIN THẾ GIỚI.

Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga (VOA).

Ukraine hôm 14/8 cho biết lực lượng của họ đã tiến sâu hơn vào khu vực Kursk của Nga trong cuộc tấn công của nước ngoài lớn nhất vào Nga kể từ Thế chiến II, mà theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Hàng nghìn binh sĩ Ukraine đã tràn qua biên giới Nga vào rạng sáng ngày 6/8 để tiến vào khu vực Kursk ở phía tây nước Nga, điều mà ông Putin gọi là một hành động khiêu khích lớn nhằm giành được ưu thế lớn hơn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể xảy ra trong tương lai.

Ukraine đã chia cắt một phần khu vực biên giới Kursk của Nga và mặc dù ông Putin nói rằng quân đội Nga sẽ đẩy lùi quân đội Ukraine, nhưng hơn một tuần giao tranh căng thẳng cho đến nay vẫn chưa thể đánh bật được họ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết lực lượng của Kyiv đang tiếp tục giành được thêm lãnh thổ ở khu vực Kursk và họ đã tiến thêm được 1km đến 2km vào ngày 14/8.

“Chúng tôi tiếp tục tiến xa hơn ở khu vực Kursk”, ông Zelenskyy viết trong một tuyên bố trên Telegram, “từ một đến hai kilomet ở nhiều khu vực khác nhau kể từ đầu ngày. Và hơn 100 tù binh chiến tranh Nga trong cùng thời gian”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 117 máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ trong lãnh thổ nước này chỉ sau một đêm, chủ yếu ở các khu vực Kursk, Voronezh, Belgorod và Nizhny Novgorod. Bộ này nói rằng tên lửa cũng đã bị bắn hạ và rằng máy bay ném bom Sukhoi Su-34 đã tấn công các vị trí của Ukraine ở khu vực Kursk.

Sau đó, Bộ cho biết lực lượng Nga đã đẩy lùi một loạt cuộc tấn công của Ukraine bên trong khu vực Kursk, bao gồm cả ở Russkoye Porechnoye, cách biên giới 18km, và các blogger chiến tranh thân Nga cho biết mặt trận đã ổn định.

Một nguồn tin an ninh Ukraine giấu tên nói với Reuters rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine bao gồm các cuộc tấn công vào 4 sân bay quân sự của Nga nhằm tìm cách làm suy yếu khả năng của Nga trong việc tấn công Ukraine bằng bom lượn.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga cho biết họ đang tăng cường an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm cách nơi giao tranh chỉ 35km.

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga đã thay đổi đáng kể kịch bản về cuộc chiến kéo dài hai năm rưỡi. Nga đã tiến quân ở miền đông Ukraine kể từ khi cuộc phản công năm 2023 của Kyiv thất bại trong việc giành được bất kỳ ưu thế lớn nào trước lực lượng Nga.

Nhưng sự xâm nhập chưa từng có của Ukraine cũng đi kèm với những rủi ro lớn đối với Nga, Ukraine và phương Tây, vốn muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, tổ chức đã giúp trang bị vũ khí cho Kyiv chống lại Moscow.

Ông Biden cho biết các quan chức Mỹ đã liên lạc thường xuyên với Ukraine về vụ xâm nhập, điều mà ông cho là đã “tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự” đối với ông Putin, người đã ra lệnh đưa hàng nghìn quân vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Nhà Trắng cho biết Ukraine không đưa ra thông báo trước về vụ xâm nhập và Mỹ không liên quan đến hoạt động này. Các quan chức Nga cho rằng các nước phương Tây ủng hộ Ukraine hẳn đã biết về vụ tấn công.

Chỉ huy cấp cao của Ukraine, Oleksandr Syrskyi, cho biết thị trấn Sudzha của Nga, một trung tâm trung chuyển khí đốt tự nhiên của Nga chảy vào châu Âu qua Ukraine, đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Khí đốt tự nhiên vẫn đang được bơm vào ngày 14/8.

Bằng cách đưa cuộc chiến vào Nga, Ukraine đã buộc gần 200.000 người Nga phải sơ tán khỏi các khu vực biên giới gần địa điểm mà trong Thế chiến thứ hai năm 1943, Hồng quân đã đánh bại lực lượng Đức Quốc xã trong một trong những trận chiến xe tăng lớn nhất thế giới.

Các blogger quân sự Nga cho biết họ dự kiến Ukraine sẽ thực hiện ít nhất một động thái lớn nữa trong những ngày tới. Tại khu vực biên giới Belgorod của Nga, thống đốc Vyacheslav Gladkov đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực.


Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga (VOA)

Ukraine nói hôm thứ Tư 14/8 rằng họ thực hiện cuộc tấn công lớn nhất từ đầu cuộc chiến tranh đến nay bằng máy bay không người lái (drone) tầm xa vào 4 sân bay quân sự của Nga trong đêm, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ca ngợi đây là đòn đánh “kịp thời” và “chính xác”.

Lực lượng drone của Ukraine (ảnh minh hoạ)

Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết trên Telegram rằng các căn cứ không quân “Khalino”, “Savasleyka”, “Borisoglebsk” và “Baltimor” ở các vùng Voronezh, Kursk và Nizhniy Novgorod đã bị tấn công.

Các mục tiêu chính là kho nhiên liệu, dầu mỡ và vũ khí không quân”, cơ quan quân sự này cho hay và nói thêm rằng kết quả của cuộc tấn công ra sao đang được làm rõ.

Một nguồn tin trong ngành an ninh ở Kyiv cho rằng cuộc tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng của Moscow trong việc sử dụng máy bay chiến đấu để ném bom lượn vào Ukraine.

Reuters không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố kể trên. Nguồn tin cho biết Ukraine vẫn đang đánh giá quy mô thiệt hại.

Xin cảm ơn về các đòn đánh chính xác, kịp thời và hiệu quả vào các sân bay của Nga. Máy bay không người lái của Ukraine hoạt động đúng như mong đợi“, ông Zelenskyy phát biểu với quân đội hôm 14/8.

Trước đó, bộ quốc phòng Nga nói rằng lực lượng phòng không của nước này đã tiêu diệt 117 máy bay không người lái và 4 tên lửa chiến thuật do Ukraine phóng tới một số khu vực, trong đó có Kursk.

Cuộc tấn công vào các sân bay diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang cố gắng tiến quân trong khu vực Kursk của Nga sau khi họ tiến hành một chiến dịch bất ngờ mang lại chiến thắng lớn nhất trên chiến trường kể từ năm 2022.

Thống đốc địa phương nói hôm 12/8 rằng kể từ cuộc tấn công vào tuần trước, lực lượng Nga đã giảm số vụ tấn công bằng bom có điều hướng vào các khu định cư vùng biên giới ở khu vực Kharkiv thuộc miền đông bắc Ukraine.


ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến (RFI)

Chiến dịch của Ukraina trên đất Nga có thực sự thay đổi chiều hướng cuộc chiến ? Le Figaro ngày 13/08/2024 đặt câu hỏi. Đây là lần đầu tiên kể từ 1941 một đội quân ngoại quốc tiến vào lãnh thổ Nga, một nước chỉ có vũ khí quy ước dám tấn công một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử.

Những tháng Tám xui xẻo cho Nga

Le Figaro nhắc lại, thường có những sự kiện chính trị quân sự tại Nga trong tháng Tám. Năm 1991, cuộc đảo chánh hụt do một nhóm lãnh đạo cộng sản bảo thủ tiến hành nhắm vào Mikhaïl Gorbatchev đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Đến tháng 8/2000 xảy ra vụ nổ tàu ngầm nguyên tử Kursk làm 118 thủy thủ tử nạn, là thách thức lớn đầu tiên cho Vladimir Putin vừa lên làm tổng thống. Tháng 8/2023, chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner bị rơi máy bay chết, vài tuần sau khi nổi dậy chống chính quyền. Và tháng Tám năm nay, rắc rối đến từ phía nam với cuộc tiến quân thần tốc của Ukraina vào tỉnh biên giới Kursk.

Dù hồi kết của chiến dịch này như thế nào đi nữa, Kiev đã bước qua một giai đoạn mới của cuộc chiến. Trước hết là tầm quốc tế, với sự ủng hộ trong im lặng của phương Tây. Cho đến nay, các đồng minh của Ukraina vẫn « thắng » bớt lại mỗi khi cái nhìn của bộ tham mưu Ukraina hướng về phía lãnh thổ của kẻ xâm lược. Sợ « leo thang », vượt « lằn ranh đỏ » dù lằn ranh này vẫn mù mờ, lâu nay họ vẫn cấm Ukraina tấn công vào đất Nga bằng vũ khí phương Tây. Nhà Trắng còn đòi Kiev không nhắm vào các cơ sở dầu khí của Nga, và cho đến 2023, đồng minh còn do dự trước việc Ukraina đánh vào cầu Kertch ở Crimée. Đó là thời kỳ mà Emmanuel Macron nói rằng không nên « sỉ nhục Nga ».

Lần đầu tiên một nước dám tấn công quốc gia có vũ khí nguyên tử

Nhưng chính sách này vừa tan tành như bọt nước. Sau xe tăng hạng nặng, phi cơ, hỏa tiễn, rốt cuộc một số nước đã bật đèn xanh cho Ukraina « tấn công vào sâu ». Ngoài Trung Quốc kêu gọi xuống thang, phương Tây không nói gì về sự kiện Ukraina đánh sang lãnh thổ Nga từ một tuần lễ qua.

Đành rằng Hoa Kỳ bận rộn với chiến dịch bầu cử, và tổng thống Pháp -nhiều tuần lễ phải đối mặt với những rối loạn từ việc giải tán Quốc hội, rồi 15 ngày Thế vận hội – muốn tránh những động thái ảnh hưởng đến thành công của Olympic. Nhưng ngoài tình trạng rề rà thường lệ trong tháng Tám, sự im lặng của đồng minh có vẻ như là một sự đồng ý ngầm. Le Figaro cho biết theo một viên chức Ukraina, Kiev đã báo trước việc sử dụng vũ khí phương Tây. Hoa Kỳ còn khẳng định « kiên quyết ủng hộ nỗ lực tự vệ của Ukraina trước hành động xâm lăng của Nga ».

Trừ việc Achentina chiếm quần đảo Falkland thuộc Anh năm 1982, đây là lần đầu tiên trên thế giới một nước chỉ có vũ khí quy ước dám tấn công vào lãnh thổ một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Trước đây đã có những vụ xâm nhập nho nhỏ vào Belgorod của các nhóm vũ trang Nga ly khai, nhưng lần này là quân đội chính quy Ukraina với quy mô chưa từng thấy. Hãy còn quá sớm để biết được chiến dịch quân sự Ukraina có thể quyết định được cuộc chiến hay không.

Chiếm 1.000 kilomet vuông đất, Kiev gây áp lực mạnh lên Kremlin

Sau nhiều ngày im lặng, Kiev đã nêu ra các mục tiêu « kéo giãn các vị trí địch », gây « thiệt hại tối đa », « làm bất ổn tình hình tại Nga », « chuyển chiến tranh sang đất Nga » trong khi người Nga bị ru ngủ bằng tuyên truyền của Kremlin. Ukraina đã chiếm được 1.000 cây số vuông lãnh thổ Nga, sẽ là thế mạnh một khi đàm phán. Như tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói : « Áp lực lên Nga càng mạnh thì hòa bình càng đến gần ». Một lần nữa Kiev chứng tỏ với các đồng minh là luôn có khả năng tiến hành những chiến dịch quy mô, và cần đến sự táo bạo.

Xe tăng của Ukraine đang tiến vào Kursk thuộc lãnh thổ Nga

The Economist dẫn lời một sĩ quan Ukraina cho biết Kiev đã gởi những đội quân thiện chiến nhất đến điểm yếu nhất ở biên giới, đè bẹp những vị trí Nga hầu hết do lính quân dịch trấn giữ, và lính Nga nhanh chóng đầu hàng, bắt giữ được rất nhiều tù binh. Chỉ trong vài ngày, một giàn khoan khí đốt ở Hắc Hải và một căn cứ không quân Nga đã bị các drone Ukraina tấn công, khiến giá khí đốt thế giới tăng lên. Một tàu chiến Nga bị đánh đắm bởi Sea Baby, một trong những drone hải chiến đã từng đuổi hạm đội Nga ra khỏi Hắc Hải. Một đoàn xe quân sự Nga cũng là mục tiêu của các drone Ukraina, rất nhiều lính Nga thiệt mạng.

Trong bài xã luận, Libération nhận định Ukraina được cho là đang tê liệt do khó tuyển được quân và chịu áp lực từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đã thành công trong việc tạo ra ngạc nhiên lớn giữa mùa hè. Nhân danh phòng vệ chính đáng được Hiến chương Liên Hiệp Quốc công nhận, Kiev đã phá vỡ điều cấm kỵ. Thời điểm được chọn lựa không phải ngẫu nhiên : dự kiến Nga và Mỹ sẽ thảo luận về tương lai Ukraina. Khó thể hình dung Kiev chấp nhận việc đứng ngoài. Hiện chưa biết Kiev có tham vọng nào khác hay không.

Bị lăng nhục, nhưng Putin phản ứng dè dặt như lúc Wagner nổi loạn

Phản ứng của Putin giống như hồi quân Wagner nổi loạn tiến về Matxcơva : lặng lẽ cho di tản dân, vài ngày sau mới dè dặt nhìn nhận là một số địa phương đã bị chiếm. Nhiều nhà quan sát dùng chữ « nhục nhã » cho Putin và quân Nga.Dù ở mức độ hạn chế, sự kiện Ukraina đánh sang đất Nga là cú sốc lớn, và hậu quả của vụ Yevgeny Prigozhin đối với quân đội vẫn còn, ông chủ điện Kremlin trở nên dễ tổn thương hơn. Có vẻ như FSB, lực lượng con cưng của Putin cũng như bản thân tổng thống Nga đều quá bất ngờ.

Đoàn xe quân sự của Nga bị tấn công và phá huỷ ở Kursk

Đối với Libération, trước cuộc tấn công của Ukraina trên lãnh thổ mình, Nga trong thế thủ. Tuy chế độ Putin khẳng định kiểm soát được tình hình, nhưng cư dân vùng chiến sự Kursk tiếp tục được ồ ạt tổ chức di tản, con số đã lên đến 121.000 người. Tổng cộng có 28 địa điểm đã đổi sang màu cờ Ukraina.

Theo nhà phân tích quân sự Emil Kastehelmi, tình hình chưa hẳn đã tốt đẹp, Ukraina vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được Korenevo lẫn Soudja và có thể quân Nga đã chận hướng bắc. Tuy nhiên Kiev giữ được hầu hết phần đất đã chiếm, và dù quân Nga đông hơn, Ukraina vẫn ở thế công. Cựu tướng Úc Mick Ryan hôm qua viết rằng Kiev có ba chọn lựa : củng cố tất cả các vị trí chiếm được trước khả năng đàm phán, lùi lại để bảo vệ những vùng quan trọng nhất mà không mất quá nhiều người, hoặc rút lui toàn bộ khỏi Nga – một cách để giảm thiểu thiệt hại và lăng nhục tối đa Putin.

Không nước nào chỉ trích Ukraina « xâm lăng » : Một bước ngoặt

Le Figaro ghi nhận tinh thần người Ukraina lên cao, còn người Nga đang hết sức hoang mang khi chiến sự diễn ra trước mắt. Phóng sự của Libération mô tả sự bất bình của người dân tỉnh Kursk. Không ít người chỉ trích « Nga bị xâm lăng, còn Putin vẫn ở trong boong-ke ». Phe dân tộc chủ nghĩa bất bình khi chính quyền chỉ lập chế độ « chống khủng bố » ở ba tỉnh biên giới thay vì tuyên chiến. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng có lẽ Kremlin muốn giảm thiểu tầm cỡ cuộc tiến công đối với công chúng, hạn chế những phản ứng tiêu cực. Theo trang mạng độc lập Nga Verstka, Putin tránh dùng những từ ngữ quân sự khi họp với thống đốc lâm thời Alexei Smirnov của Kursk hôm 08/08.

Diễn tiến còn tùy thuộc tác động của chiến dịch và phản ứng tiếp theo của Kremlin.Cuộc tấn công vào Kursk có gây chia rẽ trong chính quyền Nga, buộc Matxcơva phải đưa viện quân đến, làm giảm áp lực ở miền đông Ukraina ? Liệu Ukraina có đủ sức giữ được lâu dài mặt trận mới, và Nga có gia tăng mức độ trả đũa quân sự ? Những câu hỏi chờ đợi được trả lời trong những ngày, những tuần lễ tới.

Bài xã luận của Le Figaro nhận xét, cả tuần rồi Matxcơva phải chịu trận mà chưa thể đẩy lùi được lực lượng Ukraina. Chính quyền các tỉnh Kursk, Belgorod, Briansk mô tả tình hình là « khó khăn » thậm chí « báo động », phải sơ tán cả trăm ngàn dân. Chỉ riêng áp lực chưa từng thấy của David lên Goliah đã là một thành công của Ukraina. Kiev chứng tỏ với phương Tây rằng sự cấm đoán sử dụng vũ khí viện trợ lâu nay là không nên có.

Phía sau thách thức nhiều rủi ro này, còn là quyết tâm chiến lược : đối đầu trực diện đang trong ngõ cụt thì phải thử cách khác. Ngay cả nếu đây là một ván bài thất bại, Nga sẽ không quên. Thế nên Mỹ và châu Âu đang theo dõi sát sao. Không ai phản đối tính chính danh của việc đưa chiến tranh sang lãnh thổ Nga, và cũng không ai chỉ trích việc Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây. Với góc nhìn này, đây là bước ngoặt của cuộc chiến.


Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức (RFI)

Hôm 14/08/2024, thủ tướng Nhật Fumio Kishida thông báo sẽ rút khỏi cuộc đua tranh chức lãnh đạo đảng Dân Chủ Tự Do vào tháng 9, có nghĩa là ông sẽ rời bỏ chức thủ tướng chính phủ.

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Tokyo, ông Fumio Kishida cho biết : « Trong cuộc bầu chủ tịch đảng tới đây, cần phải cho nhân dân thấy rằng đảng PLD (Đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền) đang thay đổi… Tôi sẽ không ra tranh cử trong kỳ bầu chủ tịch đảng tới ».

Đảng Dân chủ Tự do (LDP), nắm quyền ở Nhật Bản gần như liên tục kể từ năm 1945, dự kiến ​​tổ chức cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng này vào tháng 09/2024. Fumio Kishida, 67 tuổi, nhậm chức từ tháng 10 năm 2021 và uy tín của ông bị suy giảm đáng kể do lạm phát trầm trọng ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình Nhật Bản và các vụ bê bối chính trị tài chính trong đảng. 

Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo cho biết thêm thông tin:

« Tuần trước, ông Fumion Kishida đã hủy chuyến công du Trung Á sau khi có cảnh báo động đất cực lớn có nguy cơ tàn phá một phần đất nước. Thực ra, thủ tướng Nhật Bản đã từ bỏ chuyến đi vì lý do chính trị. Mối quan tâm duy nhất của ông lúc đó là giữ được chiếc ghế thủ tướng.

Ban lãnh đạo đảng của ông, PLD (Đảng Dân Chủ Tự Do), độc quyền lãnh đạo trong chính trị Nhật, đánh giá ông quá mất lòng dân. Đảng này bị rúng động bởi một vụ lập quỹ đen, nhận tiền ủng hộ đảng mà không khai báo.

Scott Fosster, nhà phân tích của LightStream Research, trên trang Smartkarma đánh giá quyết định của ông Fumio Kishida gây ngạc nhiên, làm « thay đổi động lực của chiến dịch tranh chức chủ tịch đảng bảo thủ. Nhiều ứng viên giờ đây có cơ hội tốt nhất để trở thành thủ tướng. »

Đảng đang tìm một « nhân vật sạch ». Các biện pháp của chính phủ để hỗ trợ các hộ gia đình đối phó với lạm phát tăng cao không còn thuyết phục được người dân Nhật, kể cả việc hoàn lại cho môi người dân đóng thuế khoản tiền tương đương 300 euro ». 

Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Nhật NHK, tỷ lệ tín nhiệm của chính phủ Kishida ở mức khoảng 25% trong năm nay. Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới cũng đang chật vật để phục hồi sau đại dịch Covid, với sản lượng công nghiệp giảm 0,7% trong quý 1 năm 2024.


Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel (VOA).

Chỉ có một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza xuất phát từ các cuộc đàm phán được kỳ vọng trong tuần này mới có thể ngăn Iran trả đũa trực tiếp Israel vì vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh trên lãnh thổ của mình, ba quan chức cấp cao của Iran cho biết.

Iran đã tuyên bố sẽ đáp trả nghiêm khắc vụ ám sát ông Haniyeh, xảy ra khi ông đến thăm Tehran vào cuối tháng trước, và quy lỗi cho Israel. Israel không xác nhận hoặc phủ nhận sự liên quan của mình. Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai tàu chiến và một tàu ngầm đến Trung Đông để tăng cường phòng thủ cho Israel.

Một trong những nguồn tin, là một quan chức an ninh cấp cao của Iran, cho biết Iran, cùng với các đồng minh như Hezbollah, sẽ phát động một cuộc tấn công trực tiếp nếu các cuộc đàm phán ở Gaza thất bại hoặc họ nhận thấy Israel đang kéo dài các cuộc đàm phán. Các nguồn tin không nói rõ Iran sẽ để cho các cuộc đàm phán kéo dài trong bao lâu trước khi phản ứng.

Với nguy cơ gia tăng về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông sau vụ sát hại ông Haniyeh và chỉ huy Hezbollah Fuad Shukr, Iran đã tham gia vào cuộc đối thoại căng thẳng với các nước phương Tây và Hoa Kỳ trong những ngày gần đây về các cách xác định hành động trả đũa, các nguồn tin cho biết. Họ đều được giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

Trong các bình luận được công bố hôm 13/8, đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận Washington đang yêu cầu các đồng minh giúp thuyết phục Iran giảm căng thẳng. Ba nguồn tin của chính quyền khu vực đã mô tả các cuộc trò chuyện với Tehran để tránh leo thang trước các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza, dự kiến bắt đầu vào ngày 15/8 tại Ai Cập hoặc Qatar.

Chúng tôi hy vọng phản ứng của chúng tôi sẽ được tính toán thời gian và thực hiện theo cách không gây tổn hại đến lệnh ngừng bắn tiềm năng“, phái bộ Iran tại Liên hợp quốc cho biết hôm 9/8 trong một tuyên bố. Bộ ngoại giao Iran ngày 13/8 nói rằng các lời kêu gọi kiềm chế “trái ngược với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

Bộ ngoại giao Iran và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng của nước này đã không trả lời ngay các câu hỏi về vấn đề này. Văn phòng Thủ tướng Israel và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng không trả lời các câu hỏi.

“Một điều gì đó có thể xảy ra ngay trong tuần này bởi Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ… Đó là đánh giá của Hoa Kỳ cũng như đánh giá của Israel”, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên hôm 12/8.

“Nếu có điều gì đó xảy ra trong tuần này, thời điểm diễn ra chắc chắn có thể tác động đến các cuộc đàm phán mà chúng tôi muốn thực hiện vào thứ Năm (19/8)”, ông nói thêm. Cuối tuần qua, Hamas đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các cuộc đàm phán có diễn ra hay không. Israel và Hamas đã tổ chức một số vòng đàm phán trong những tháng gần đây mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng.

Tại Israel, nhiều nhà quan sát tin rằng một phản ứng sắp xảy ra sau khi Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Iran sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” Israel vì cuộc tấn công ở Tehran.

Chính sách khu vực của Iran do Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ thiết lập, và họ chỉ tuân lệnh lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei. Tổng thống mới theo lập trường tương đối ôn hòa của Iran, Masoud Pezeshkian, đã nhiều lần tái khẳng định lập trường chống Israel của Iran và sự ủng hộ của nước này đối với các phong trào kháng chiến trên khắp khu vực kể từ khi nhậm chức vào tháng trước.

Meir Litva, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Iran của Đại học Tel Aviv, cho biết ông nghĩ rằng Iran sẽ đặt nhu cầu của mình lên trước việc giúp đỡ đồng minh Hamas nhưng Iran cũng muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.

“Người Iran không bao giờ đặt chiến lược và chính sách của họ dưới nhu cầu của những người ủy nhiệm hoặc người được họ bảo trợ”, Litva nói. “Một cuộc tấn công có khả năng xảy ra và gần như là không thể tránh khỏi nhưng tôi không biết quy mô và thời điểm xảy ra”.

Nhà phân tích Saeed Laylaz ở Iran cho biết các nhà lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo hiện đang mong muốn làm việc hướng tới lệnh ngừng bắn ở Gaza, “để có được các động lực, tránh một cuộc chiến tranh toàn diện và củng cố vị thế của mình trong khu vực”.

Ông Laylaz cho biết Iran trước đây không tham gia vào tiến trình hòa bình ở Gaza nhưng hiện đã sẵn sàng đóng “vai trò chủ chốt”.

Hai nguồn tin cho biết Iran đang cân nhắc cử một đại diện đến các cuộc đàm phán ngừng bắn, và đây sẽ là lần đầu tiên họ tham gia thương lượng kể từ khi chiến tranh bắt đầu ở Gaza.

Đại diện này sẽ không trực tiếp tham dự các cuộc họp nhưng sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận hậu trường “để duy trì đường dây liên lạc ngoại giao” với Hoa Kỳ trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra. Các quan chức ở Washington, Qatar và Ai Cập đã không ngay lập tức trả lời các câu hỏi về việc liệu Iran có đóng vai trò gián tiếp trong các cuộc đàm phán hay không.

Hai nguồn tin cấp cao thân cận với Hezbollah của Lebanon cho biết Tehran sẽ cho các cuộc đàm phán một cơ hội nhưng sẽ không từ bỏ ý định trả đũa.

Một lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ tạo điều kiện cho Iran có một phản ứng “mang tính biểu tượng” nhỏ hơn, một trong những nguồn tin cho biết.

Israel đã phát động cuộc tấn công vào Gaza sau khi các chiến binh Hamas tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7/10, giết chết 1.200 người, chủ yếu là dân thường, và bắt giữ hơn 250 con tin, theo số liệu của Israel.

Kể từ đó, gần 40.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza, theo Bộ Y tế Gaza.


Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay khẩn trương tới Trung Đông (VOA)

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin ra lệnh cho một tàu ngầm có phi đạn dẫn đường đến Trung Đông và yêu cầu nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln di chuyển nhanh hơn đến khu vực này, Bộ Quốc phòng cho biết ngày 11/8.

Nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln

Động thái này diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ và các đồng minh khác thúc đẩy Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn có thể giúp xoa dịu căng thẳng gia tăng trong khu vực sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh ở Tehran và một chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở Beirut.

Các quan chức dự kiến sẽ có các cuộc tấn công trả đũa của cả Iran và Hezbollah vì hai vụ ám sát vừa kể và Hoa Kỳ đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Thiếu tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant sáng ngày 12/8 và tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ “sẽ thực hiện mọi bước đi có thể để bảo vệ Israel cũng như lưu ý đến việc tăng cường thế trận và năng lực của lực lượng quân sự Hoa Kỳ trên khắp Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang”.

Tàu sân bay Lincoln, vốn đã có mặt tại Châu Á – Thái Bình Dương, đã được lệnh đến khu vực này để thay thế nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, dự kiến sẽ bắt đầu rời Trung Đông. Tuần trước, ông Austin cho biết tàu Lincoln sẽ đến khu vực Bộ Tư lệnh Miền trung vào cuối tháng.

Vào ngày 11/8, vẫn chưa rõ lệnh mới nhất của ông có ý nghĩa gì hoặc tàu Lincoln sẽ đến Trung Đông nhanh hơn bao nhiêu. Tàu sân bay này có máy bay chiến đấu F-35 trên tàu, cùng với máy bay chiến đấu F/A-18.

Ông Ryder cũng không cho biết tàu ngầm phi đạn dẫn đường USS Georgia sẽ đến khu vực này nhanh như thế nào.

Ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Israel cũng đã thảo luận về các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza và tầm quan trọng của việc giảm thiểu thiệt hại cho dân thường.

Lời kêu gọi này được đưa ra một ngày sau khi một cuộc không kích của Israel sáng sớm ngày 10/8 tấn công một trường học vốn đã chuyển thành nơi trú ẩn ở Gaza, khiến ít nhất 80 người thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương, các cơ quan y tế Palestine cho biết. Đây là một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất trong cuộc chiến kéo dài 10 tháng giữa Israel và Hamas.


Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot (RFI)

Ngày 12/08/2024, Vacxava đã ký thêm một thỏa thuận quân sự trị giá 1,13 tỷ euro để sản xuất 48 bệ phóng tên lửa phòng không Patriot, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tại quốc gia giáp biên giới Nga và Ukraina.

AFP cho biết, thỏa thuận được ký kết giữa tập đoàn Raytheon của Mỹ và hãng Huta Stalowa Wola của Ba Lan. Theo đó, các bệ phóng M903 sẽ được sản xuất tại Ba Lan và sẽ phải được giao cho quân đội Ba Lan trong khoảng thời gian 2027 – 2029.

Hệ thống hoả tiễn Patriot

Phát biểu tại lễ ký kết, bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz, tuyên bố, hợp đồng này cho phép « củng cố an ninh của Ba Lan ».

Hợp đồng mới này được thực hiện, chỉ vài ngày sau khi Ba Lan ký một thỏa thuận mua khoảng vài trăm tên lửa không đối không AIM-120C AMRAAM, trị giá khoảng 783 triệu euro.

Truyền thông Ba Lan còn loan báo, vào thứ Ba tuần tới, 20/8, Vacxava và Washington sẽ còn ký một thỏa thuận khác mang tính quyết định về việc mua 96 trực thăng chiến đấu của Mỹ AH-64E Apache, ước tính trị giá lên đến hơn 9 tỷ euro.

Để thực hiện giao dịch này, trong tuần rồi, Ba Lan đã ký các thỏa thuận đối lưu công nghiệp với các hãng Boeing và General Electric, liên quan đến việc chuyển giao kỹ năng bảo trì trực thăng cho nhiều nhà xưởng của Ba Lan. Tổng trị giá các hợp đồng này ước tính lên đến 215 triệu euro.

Theo AFP, Ba Lan đang thúc đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa quân đội kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina. Quốc gia Đông Âu này đã dành đến hơn 4% của GDP cho quốc phòng, tức khoảng 33 tỷ đô la, cao gấp hai lần so với mức 2% như yêu cầu của NATO.

Hàng tỷ đô la đã được Ba Lan chi ra cho việc mua sắm nhiều loại trang thiết bị quân sự quan trọng, chủ yếu là từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc.


15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp (VOA)

Mười lăm tiểu bang hôm 8/8 đệ đơn kiện lên toà liên bang chống lại chính quyền Biden về một quy định dự kiến sẽ cho phép 100.000 người nhập cư vốn được đưa đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn là trẻ em được đăng ký bảo hiểm y tế theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng ACA của liên bang vào năm tới.

Các tiểu bang vừa kể đang tìm cách ngăn chặn quy định này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 11.

Các tiểu bang đã đệ đơn kiện tại North Dakota, một trong những tiểu bang có liên quan.

Vụ kiện cho rằng quy định này vi phạm luật cải cách phúc lợi năm 1996 và ACA. Họ cũng cho rằng quy định này sẽ khuyến khích nhiều người nhập cư đến Hoa Kỳ bất hợp pháp hơn, gây gánh nặng cho các tiểu bang và hệ thống trường công. Nhiều nhà kinh tế đã kết luận rằng di dân mang lại lợi ích kinh tế ròng và di dân dường như đã thúc đẩy tăng trưởng việc làm sau đại dịch COVID.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, là yếu kém trong việc hạn chế di dân bất hợp pháp. Số lượng người vượt biên đạt mức cao kỷ lục trong thời ông Biden làm tổng thống nhưng gần đây bắt đầu giảm.

Những di dân bất hợp pháp không nên được tự do vào đất nước chúng ta”, Tổng chưởng lý Kansas, Kris Kobach, nói trong một tuyên bố. “Họ không nên nhận được trợ cấp của người nộp thuế khi đến nơi và chính quyền Biden-Harris chớ nên được tự do vi phạm luật liên bang”.

Ông Kobach là một người theo đường lối cứng rắn về vấn đề di dân, người đã bắt đầu xây dựng hình ảnh cách đây hai thập niên bằng cách thúc đẩy các hạn chế nghiêm ngặt đối với những di dân sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và ông đã giúp soạn thảo luật “trình giấy tờ” của Arizona vào năm 2010. Bên cạnh Kansas và North Dakota, các tiểu bang khác liên quan đến vụ kiện là Alabama, Idaho, Indiana, Iowa, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, Ohio, South Carolina, South Dakota, Tennessee và Virginia.

Các quan chức của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận hôm 8/8 về vụ kiện. Nhưng ông Biden đã nói vào tháng 5 khi phác thảo quy định rằng ông “cam kết cung cấp cho Dreamers [các trẻ em được đưa sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ] sự hỗ trợ mà họ cần để thành công”. Chính quyền Biden đang bảo vệ họ khỏi bị trục xuất.

Những “Dreamers” và những người ủng hộ họ đã nói rằng họ là những người trẻ tuổi, những người hầu như không có lựa chọn nào khi đến Hoa Kỳ và nhiều năm sau đã hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng. Theo Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, ít nhất 25 tiểu bang, bao gồm Kansas, Nebraska và Virginia, cho phép các em này trả mức học phí thấp hơn đối với cư dân địa phương.

Vào tháng 5, ông Biden đã nói: “Tôi tự hào về những đóng góp của Dreamers cho đất nước chúng ta”.

Những “Dreamers” không đủ điều kiện tham gia các chương trình bảo hiểm y tế do chính phủ trợ cấp vì họ không đáp ứng được định nghĩa về “sự hiện diện hợp pháp” tại Hoa Kỳ. Các tiểu bang đệ đơn kiện cho biết việc tuyên bố sự hiện diện hợp pháp của họ theo quy định là “phi logic trên thực tế”, vì họ sẽ phải đối mặt với việc trục xuất nếu không có sự can thiệp của chính quyền Biden.

“Bảo hiểm y tế được trợ cấp thông qua ACA là một lợi ích công cộng có giá trị, khuyến khích những người thụ hưởng là người nước ngoài có mặt bất hợp pháp ở lại Hoa Kỳ”, đơn kiện cho biết.

Trong các vụ kiện trước đây chống lại chính quyền Biden, các tiểu bang đôi khi gặp khó khăn trong việc thuyết phục các thẩm phán rằng tác hại mà họ phải đối mặt từ một quy định mới là trực tiếp, cụ thể và đủ cụ thể để họ có quyền kiện. Trong số 15 tiểu bang tham gia vụ kiện, chỉ có Idaho và Virginia điều hành thị trường bảo hiểm y tế của riêng họ thay vì dựa vào thị trường liên bang.

Nhưng các tiểu bang lập luận rằng tất cả họ đều phải đối mặt với chi phí cao hơn do tình trạng nhập cư bất hợp pháp gia tăng. Họ dựa vào báo cáo năm 2023 của Liên đoàn Cải cách Di trú Hoa Kỳ, báo cáo này không chỉ lập luận cho việc ban hành luật chặt chẽ hơn chống lại tình trạng di dân bất hợp pháp mà còn hạn chế mạnh mẽ tình trạng di dân hợp pháp.


Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức vì vi phạm quy tắc đạo đức (RFI)

Ngày 14/08/2024, Tòa Bảo Hiến Thái Lan đã « chấm dứt » chức vụ của thủ tướng Srettha Thavisin với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống. Ông bị cáo buộc đã vi phạm quy tắc đạo đức được nêu trong Hiến Pháp vì đã bổ nhiệm một luật sư bị kết án tù năm 2008 làm bộ trưởng. Phán quyết của Tòa mở ra một thời kỳ bất ổn mới tại Thái Lan.

Thủ tướng Srettha Thavisin bị giải nhiệm

Trong phán quyết, được thẩm phán Punya Udchachon đọc tại Tòa, thủ tướng Srettha bị cáo buộc là « không trung thực khi bổ nhiệm vị bộ trưởng đó » vì ông phải biết được rằng luật sư Pichit Chuenban đã bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 với cáo buộc tham nhũng. Luật sư Pichit có liên quan đến gia đình cựu thủ tướng Thaksin, đối lập với tập đoàn quân sự và phe bảo hoàng.

Theo AFP, ông Pichit đã từ chức để cứu thủ tướng Srettha. Tuy nhiên, nhóm 40 thượng nghị sĩ do tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây bổ nhiệm đã đệ đơn kiện lên Tòa Bảo Hiến. Giữ chức chưa được một năm, ông Srettha là thủ tướng thứ ba của đảng Pheu Thai bị Tòa Bảo Hiến bãi chức. Phán quyết của tòa cũng có hiệu lực với toàn bộ nội các hiện nay. Quốc Hội Thái Lan sẽ phải họp để chọn thủ tướng mới.

Chính trường Thái Lan lại rơi vào bất ổn. Phán quyết của Tòa Bảo Hiến còn cho thấy những chia rẽ cố hữu trong chính trường Thái Lan giữa phe bảo thủ và các đảng cấp tiến, như đảng Pheu Thai và đối thủ mới là đảng Move Forward (MFP).

Tuy nhiên, ngày 08/08, đảng Move Forward (MFP) cũng bị chính Tòa Bảo Hiến giải thể vì đề xuất cải cách luật khi quân. Cựu lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat bị cấm tham gia chính trị trong vòng 10 năm. Một ngày sau phán quyết của tòa, ban lãnh đạo đảng thông báo thành lập Đảng Nhân Dân (PP – People’s Party).


TIN VIỆT NAM.

Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai ngày, từ 19-20/8, Reuters trích lời ba quan chức hôm 12/8.

Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Tô Lâm được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8.

Động thái này được cho là sẽ khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia cộng sản, vốn có quan hệ kinh tế và thương mại phát triển dù vẫn còn những xung đột ở Biển Đông.

Ông Tô Lâm dự kiến sẽ tới Trung Quốc vào ngày 18/8.

Sau đó, ông Tô Lâm sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác trong hai ngày tiếp theo, Reuters dẫn lời hai quan chức Việt Nam và một nhà ngoại giao tại Hà Nội ẩn danh do chuyến thăm chưa được chính thức công bố.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Trên cương vị chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã tới thăm Lào và Campuchia, theo truyền thống của những người tiền nhiệm.

Tháng 6/2024, ông Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội.

Ngày 8/8, năm ngày sau khi nhậm chức tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông Putin.

Ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư khoảng hai tuần sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời. (Trich BBC 12/8)


Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải ‘phục vụ kinh tế’

Sáng 14/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Tô Lâm yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án trọng điểm.

Những vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Xuyên Việt Oil, các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)… và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp đã được ông Tô Lâm – Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – nhấn mạnh trong cuộc họp.

Đặc biệt, ông Tô Lâm còn chủ trương phòng chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Câu nói của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về việc chiến dịch chống tham nhũng khiến quan chức, cán bộ sợ hãi không dám đưa ra quyết định, phần nào gây tê liệt bộ máy nhà nước và điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Ngày 13/8, trong cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14, ông Tô Lâm với tư cách là trưởng tiểu ban này đã chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”.

Tân tổng bí thư ví cuộc đốt lò như cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Ông bày tỏ quyết tâm đưa cuộc chiến chống tham nhũng tới “thắng lợi hoàn toàn”.

Kỷ luật gần 50 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại cuộc họp ngày 14/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên, tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ, cho thôi chức 14 lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 5 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có tới hai nhân vật thuộc Tứ Trụ xin thôi chức và rời chính trường gồm: Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Con số này chưa kể hai ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng xin thôi chức lần lượt vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Như vậy, Bộ Chính trị khóa 13 với con số đầu khóa là 18 đã hao hụt mất bảy ủy viên vì lý do “chịu trách nhiệm chính trị người đứng đầu” hoặc “vi phạm những điều Đảng viên không được làm”.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có 10 ủy viên Trung ương Đảng xin thôi chức, con số này chưa tính bốn người mới xin thôi vào ngày 3/8 gồm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Bảy ủy viên Bộ Chính trị thôi chức. Hàng trên từ trái qua: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Hàng dưới: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Chụp lại hình ảnh, Bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức. Hàng trên từ trái qua: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Hàng dưới: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, xử lý hơn 150 trường hợp do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 50 trường hợp.

Một số vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo đốc thúc đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử gồm: vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ FLC, Tân Hoàng Minh. Hiện vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đang được xét xử.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, ông Tô Lâm với cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng),… và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Các vụ việc nói trên đa phần đều liên quan tới các quan chức, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (đương nhiệm hoặc đã về hưu) bị khởi tố bắt giam. (Trích BBC, 14/8)


HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến

Hôm 14/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến.

HRW đưa ra lời kêu gọi trên chỉ một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông Tuyến tại Hà Nội theo dự kiến là vào ngày 15/8.

Ông Nguyễn Chí Tuyến

Nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông đã bày tỏ quan điểm trái ý họ”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của tổ chức HRW bày tỏ ý kiến trong thông cáo. “Chính quyền Việt Nam cần ngừng bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích ôn hòa, sửa đổi các điều luật hình sự hà khắc, và chấm dứt vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản”.

Chính quyền Việt Nam sẽ vẫn bị kẹt trong thế đàn áp nếu cứ tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến dám nói lên suy nghĩ của mình như ông Nguyễn Chí Tuyến”, bà Gossman nhận định.

“Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi giao dịch với chính quyền vi phạm nhân quyền này”, vị đại diện của HRW đưa ra lời kêu gọi.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Trong nhiều dịp khác nhau, bộ này và các quan chức Việt Nam vẫn thường nói rằng chính quyền của đất nước này tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cơ bản, những người bị bắt bớ, phải nhận án tù đều là những người vi phạm pháp luật, không phải vì họ thực thi các quyền tự do.

Công an bắt ông Nguyễn Chí Tuyến vào ngày 29/2/2024 ở Hà Nội vì ông chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội. Ông bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Theo HRW, ông Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), 50 tuổi, là một nhà vận động nhân quyền đã sử dụng YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Kênh YouTube chính của ông, Anh Chí Râu Đen, đăng hơn 1.600 đoạn video và có 98.000 người đăng ký trong khi kênh YouTube AC Media của ông, có hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký. (VOA)


Liên Hiệp Quốc công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền

Nhóm công tác về Kiểm điểm định kỳ phổ quát thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố bản báo cáo tổng hợp với 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia nhằm giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo tập hợp các khuyến nghị được nêu ra tại kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5 tại Geneva và yêu cầu chính quyền Việt Nam phản hồi trước khi diễn ra kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền, dự khiến diễn ra vào ngày 9/9 sắp tới, theo một thông cáo cáo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối tuần trước.

Hàng chục quốc gia đề nghị Việt Nam xóa bỏ án tử hình, trong đó có Pháp, Thụy Sĩ, Iceland, Malta, Uruguay, Bồ Đào Nha, Canada, trong khi một số nước khác đề nghị Việt Nam nên giảm áp dụng hình phạt này.

Liên quan đến hình phạt an ninh quốc gia khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bị giam cầm như Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, và Điều 331 quy định về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy sĩ, Bỉ… khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi hai điều này của bộ luật. Ngoài ra, Đức còn khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi Điều 109 quy định về tội “lật đổ chính quyền”.

“Chúng tôi khuyến nghị trước hết phải xóa bỏ những điều khoản rất mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam… Những điều luật này của Việt Nam không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, chia sẻ quan điểm với VOA. Bà là người đã vận động chính phủ các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) và tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Geneva để Việt Nam xóa bỏ các điều luật 117, 331, và 109.

Bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (trái), phát biểu trong kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5/2024. Photo UN WebTV.

Liên quan đến các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, chính phủ Mỹ khuyến nghị Việt Nam nên “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện nhân quyền, và hãy điều tra các cáo buộc về việc các quan chức xâm phạm thân thể những người này, đảm bảo quyền được đối xử công bằng cho họ”.

Tương tự, Thụy Sĩ khuyến nghị Việt Nam “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện quyền của họ về tự do ngôn luận, lập hội hoặc nhóm họp”.

Slovakia khuyến nghị Việt Nam tăng cường môi trường hoạt động của xã hội dân sự và xem xét trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị kết án.

Trong khi đó, Cộng hòa Czech nói rằng quốc gia Đông Nam Á này nên “tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập, quyền tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài đời, và sự độc lập của truyền thông”. Các nước Italy, Phần Lan, Romani, và Hàn Quốc cũng đưa ra khuyến nghị tương tự.

Chính phủ các nước Áo, Bỉ, Canada, Đức khuyến nghị Hà Nội sớm phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức.

Nước láng giềng Campuchia đề nghị Việt Nam thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong Hội đồng Nhân quyền về cơ sở tôn trọng và hiểu biết để đảm bảo mọi quyền con người.

Trong các khuyến nghị của mình, Trung Quốc đề nghị Việt Nam “tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách”.

Dự kiến tại kỳ họp 57 này, chính quyền Việt Nam sẽ trình bày quan điểm của mình đối với 320 khuyến nghị trên, theo thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt, người dẫn đầu phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 22 quan chức và 2 thông dịch viên dự kỳ UPR hồi tháng 5, cho biết rằng hầu hết các khuyến nghị “đều có nội dung tích cực và Việt Nam có thể chấp nhận”. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng một số vấn đề cần được xem xét thêm về tính tương thích với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi của Việt Nam.


Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam

Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Ai Cập, theo một công báo đăng trên cổng thông tin của Liên minh châu Âu (EU).

Công báo cho biết cuộc điều tra được khởi động từ ngày 8/8/2024, sau khi Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) đưa ra khiếu nại vào cuối tháng 6/2024, cáo buộc rằng các sản phẩm thép dẹt cán nóng có nguồn gốc từ 4 quốc gia này đang được bán phá giá vào thị trường EU và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp của khối.

Thông báo nói rằng cuộc điều tra về bán phá giá tập trung vào giai đoạn từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.

Theo thông báo, đương đơn khiếu nại cho rằng trong giai đoạn nêu trên, việc sử dụng giá nội địa ở Việt Nam trong tất cả các tháng là không phù hợp, vì có những giao dịch mua bán đã được thực hiện ở mức dưới giá thành trong một số tháng, và do đó, chúng bị xem là không nằm trong quá trình thương mại thông thường.

Ngoài ra, thông báo còn nêu ra thêm rằng bên khiếu nại đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy có thể có sai lệch về nguyên liệu thô liên quan đến sản phẩm từ Việt Nam và Ấn Độ đang bị điều tra .

Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng một năm, với thời gian gia hạn tối đa là 14 tháng.

Ngay sau khi EU thông báo khởi động cuộc điều tra này, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định.

Thép cán nóng (HRC) mà EC đang khởi xướng điều tra được biết là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác, truyền thông Việt Nam loan tin.

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho hay mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN, nhưng thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Malaysia, Indonesia…

“Các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ”, Cổng thông tin Chính phủ viết.

Trang này dẫn lời bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có đến 73 vụ (tức gần 30%) liên quan các sản phẩm thép.


Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam

Đài Loan đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi măng, clinker có xuất xứ từ Việt Nam, với bảy doanh nghiệp xuất cảng của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá.

Mạng báo Đầu tư ngày 13/8 dẫn nguồn Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam tin vừa nêu.

Tin cho biết Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan đệ đơn yêu cầu điều tra đối với xi măng và clinker từ Việt Nam theo mã hàng nhập là 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3.

Thời kỳ điều tra bán phá giá là từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024.

Biên độ phá giá cáo buộc đối với Việt Nam là 16,99%.

Cơ quan Điều tra Đài Loan gồm Cơ quan Quản lý Tài chính (MOF) và Cơ quan Quản lý Kinh tế (MOEA). MOF điều tra hành vi bán phá giá và MOEA điều tra về thiệt hại của ngành sản xuất tại Đài Loan. (RFA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng