Tin Hoa Kỳ & Thế Giới
Tổng Thống Biden Cho Biết Lý Do Dừng Tranh Cử
Hôm 24/07, từ Oval Office, Tổng thống (TT) Joe Biden đã có bài diễn văn gởi toàn quốc để giải thích lý do vì sao ông rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Trong bài diễn văn trên truyền hình, ông nói,
“Niềm vinh dự cả đời tôi chính là được phục vụ ở cương vị tổng thống của quý vị, nhưng xét đến việc bảo vệ nền dân chủ đang bị đe dọa, thì tôi nghĩ điều đó quan trọng hơn bất cứ chức danh nào”.
“Tôi có được sức mạnh và niềm vui khi phục vụ người dân Mỹ, nhưng nhiệm vụ thiêng liêng để hoàn thiện Hiệp Chủng Quốc của chúng ta không phải là vì tôi. Đó là vì quý vị, gia đình quý vị, tương lai của quý vị. Đó là vì chúng ta. Vì vậy, tôi đã quyết định chuyền ngọn đuốc cho thế hệ mới”.
“Đó là cách tốt nhất để đoàn kết đất nước chúng ta. Đến lúc cần có những tiếng nói mới, những tiếng nói mới mẻ, những tiếng nói trẻ hơn”.
Ông Biden đã thay đổi quan điểm sau nhiều lần cam kết với công chúng rằng ông vẫn sẽ là người được đảng Dân Chủ đề cử bất chấp áp lực ngày càng tăng từ một số thành viên dân cử đảng Dân Chủ cho rằng ông không thể tái đắc cử.
Trong tuyên bố hôm 21/07, TT Biden nói rằng “việc tôi rút lui để tập trung hoàn thành các nhiệm vụ Tổng Thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là vì lợi ích tốt nhất cho đảng và đất nước”.
Tổng thống Biden có bài diễn văn sau nhiều ngày có lời đồn đoán về sức khỏe của ông sau khi ông ta có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 17/07 và sau đó lui về tư gia ở bãi biển Rehoboth, Delaware, để dưỡng bệnh.
Trong buổi họp báo hôm 24/07, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã lên tiếng xua tan tin đồn TT Biden rút khỏi cuộc tranh cử là vì lý do sức khỏe.
Các Thị Trưởng Cho Biết Phát Triển Kinh Tế Là Ưu Tiên Hàng Đầu
Theo báo cáo về Tình Hình Các Thành Phố năm 2024 do Liên Đoàn các Thành Phố Quốc Gia (NLC) công bố, viết rằng, các thị trưởng trên khắp Hoa Kỳ cho biết phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của họ, nhưng lạm phát và sự thờ ơ của chính phủ liên bang khiến những thách thức mà họ phải đối phó thêm phần khó khăn.
Báo cáo này dựa trên phân tích 50 bài trình bày về tình hình thành phố do các thị trưởng đưa ra từ ngày 01/01 đến ngày 01/4/2024, và cuộc khảo sát với 202 thị trưởng từ 28/03 đến 26/04/2024.
Các thị trưởng của các thành phố Rochester ở Minnesota, Sunny Isles ở Florida, và Elaine ở Alabama là một số các thị trưởng đã liệt kê phát triển kinh tế và lực lượng nhân sự, cơ sở hạ tầng, cũng như nhà ở là những ưu tiên hàng đầu của họ. Các thị trưởng này tham gia cuộc thảo luận nhóm khi báo cáo được công bố trong cuộc họp trực tuyến hôm 24/07.
Trong cuộc thảo luận nhóm về báo cáo này, Thị trưởng Kim Norton của Rochester, Thị trưởng Larisa Svechin của Sunny Isles, và Thị trưởng Lisa Hicks Gilbert của Elaine cho biết họ đều phải đối mặt với những thách thức tương tự.
Họ nói rằng các vấn đề về hạ tầng cơ sở, an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng, và nhà ở đều phải được giải quyết để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế của họ.
Bà Norton là thị trưởng của Rochester kể từ năm 2018. Thành phố nhỏ này có dân số khoảng 125,000 người, và Mayo Clinic là nhà tuyển dụng chính của thành phố. Giống như những người tham gia thảo luận khác, bà cho biết thành phố của bà phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Rochester đã thực hiện các dự án tái sinh khu thương mại thành phố, thành lập một lực lượng chuyên trách công việc kinh doanh của khu thương mại, khảo sát cư dân để xác định nhu cầu của họ, và làm việc với các cơ quan của quận và tiểu bang về các vấn đề giao thông vận tải. Tuy nhiên, giống như các thành phố khác, bà cho biết lạm phát và việc thiếu sự trợ giúp của liên bang làm cho những cố gắng khó duy trì được.
Các thị trưởng cho biết phát triển kinh tế và lực lượng nhân sự phụ thuộc rất nhiều vào nhà ở giá rẻ, hạ tầng cơ sở vững chắc, và các dịch vụ đáng tin cậy của thành phố. Tuy nhiên, chi phí xây dựng tăng cao khiến việc đáp ứng những nhu cầu đó trở nên khó khăn.
Bà nói, “Chúng tôi có nhu cầu rất lớn về hạ tầng cơ sở. Đó là khó khăn mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt”.
Bà Gilbert nói rằng bà cũng rất hiểu sự khó khăn đó. Bà là thị trưởng của một thành phố nhỏ có 553 cư dân nằm bên sông Mississippi ở quận Phillips, phía đông Arkansas. Bà cho biết nhu cầu cơ sở hạ tầng quan trọng nhất ở thành phố của bà là cải thiện hệ thống nước đã già hơn 60 tuổi.
Trong cuộc thảo luận, bà nói rằng, hệ thống nước của thành phố được sửa chữa bằng cách dán băng keo và “Chúng tôi đã hết băng keo, và không có tiền để mua thêm băng keo”.
Mặc dù có quỹ tài trợ, nhưng bà cho hay quy trình nộp đơn xin tài trợ gặp nhiều thách thức. Công việc làm thị trưởng của bà là bán thời gian, nhưng bà nhận thấy mình thường đảm nhiệm các vai trò khác, chẳng hạn như thư ký thành phố, viên chức giám sát bảo trì, và trưởng phòng cấp nước. Bà cho biết việc tìm thời gian – và sự trợ giúp hữu hiệu – để nộp đơn xin tài trợ, là một thách thức rất lớn.
Cựu Tổng Thống Trump Khởi Động Chiến Dịch ‘Tín Hữu Và Lá Phiếu’
Một liên minh mới “Believers for Trump” (Tín hữu ủng hộ Trump) của các giáo phái nhà thờ nhằm thúc đẩy sự ủng hộ của những người có đức tin ủng hộ cựu Tổng thống (TT) Donald Trump, và chương trình “Believers and Ballots” (Tín hữu và Lá phiếu) đi kèm của nhóm, sẽ tập trung vào việc ghi danh cử tri và khuyến khích họ đi bỏ phiếu.
Hôm 26/07, cựu tổng thống đã công bố những sáng kiến đó trước hội nghị Cơ Đốc Giáo tại Trung tâm hội nghị West Palm Beach ở Florida.
Ông Trump mở đầu bài diễn văn tại Hội nghị Cao cấp The Believers bằng cách công nhận rằng ông đã sống sót sau vụ ám sát nhờ “sức mạnh của lời cầu nguyện và hồng ân của Chúa Toàn năng”.
Hội nghị diễn ra tại Florida này đánh dấu lần đầu tiên cựu TT Trump xuất hiện trước công chúng mà không còn băng vết thương do súng bắn. Ông nói với cử toạ, “Tôi vừa tháo miếng băng cuối cùng trên tai tôi”. Ông cũng cho biết ông sẽ “đàm luận về tôn giáo nhiều hơn thông thường một chút”.
Ông Trump cho biết các tín hữu Cơ Đốc ít khi thể hiện “quyền lực to lớn” của mình như một khối phiếu bầu. Ông Trump nói, Quý vị có thể bỏ phiếu khi đi lễ”. Ông Trump lưu ý rằng, North Carolina sẽ khởi động mùa bỏ phiếu sớm của đất nước vào ngày 06/09. Lần gần đây nhất, ông Trump đã đến thăm tiểu bang này là vào ngày 24/07, trong đó thu hút khoảng 11,000 người đến hội trường Bojangles Coliseum.
Trong cuộc bầu cử năm 2020 giữa TT Trump và ứng cử viên Joe Biden, các cuộc thăm dò của Gallup lưu ý “bản sắc tôn giáo của người Mỹ rõ ràng có liên quan đến phiếu bầu của họ”.
Những tín đồ Tin Lành người da trắng chiếm khoảng một phần tư số cử tri, “và họ đã bỏ phiếu dồn dập cho ông Trump”, Gallup cho biết. Khoảng 65% những người không theo tôn giáo, đã bỏ phiếu cho ông Biden, người cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ “hầu hết các nhóm không phải là tín đồ Cơ Đốc Giáo”.
Bây giờ, cựu tổng thống đang thúc giục những khán giả là tín hữu Cơ Đốc, giống như những người tại hội nghị cao cấp này: “Quý vị hãy đi bỏ phiếu”.
Ông Trump nêu rõ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cần phải lớn đến mức có thể vượt qua mọi sự bất thường có thể xảy ra, và cùng đám đông hô vang “Lớn đến mức không thể gian lận!”
Khán giả cũng hô vang “Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!” với nắm tay giơ cao, lặp lại những gì cựu TT Trump đã nói và làm khi ông đứng bật dậy sau khi bị bắn.
Có người không thích ông Trump nói rằng, ông Trump là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”. Tuy nhiên, cựu tổng thống Trump cho biết, “Tôi đã chịu một viên đạn vì nền dân chủ!”
Tổng Thống Biden Đề Nghị Cải Tổ Tối Cao Pháp Viện
Hôm 29/07, Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố một loạt đề xướng cải tổ Tối Cao Pháp Viện.
Những đề xướng của TT Biden đã nhận được sự ủng hộ của Phó TT Kamala Harris, người rất có thể sẽ được đảng Dân Chủ đề cử tranh cử tổng thống. Những đề xướng này cho thấy Pháp viện sẽ trở thành phần lớn trong những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Trong công bố, Tòa Bạch Ốc cho biết các thể chế dân chủ của nước Mỹ đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng niềm tin” và khẳng định các cải tổ của tổng thống là những cố gắng nhằm “khôi phục lòng tin và trách nhiệm giải trình”. Tòa Bạch Ốc cho biết trong tuyên bố, “Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã lật ngược các án lệ pháp lý lâu đời bảo vệ các quyền căn bản”.
Các thành viên đảng Dân Chủ tại Quốc Hội hoan nghênh các đề xướng này. Trong khi đó, ông Leonard Leo – người đứng đầu The Federalist Society, nhóm luật theo tư tưởng bảo tồn truyền thống – thì không đồng tình.
Ông Leo cho biết, “Không có thẩm phán bảo tồn truyền thống nào đã đưa ra bất cứ quyết định nào trong bất cứ vụ án lớn nào khiến bất cứ ai ngạc nhiên, vì vậy chúng ta hãy ngừng giả vờ rằng đây là sự quá đáng”. Ông nói, ông tin rằng đây là “việc phá hủy tòa án mà họ không đồng tình”.
Tổng thống Biden yêu cầu tu chính Hiến Pháp để làm rõ rằng tổng thống không được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự. Tối cao Pháp viện đã phán quyết trong vụ ông Trump kiện Hoa Kỳ rằng Hiến Pháp cung cấp quyền miễn trừ một phần không bị truy tố hình sự dựa trên các hành động theo thẩm quyền của tổng thống.
Ngay cả khi bản tu chính này có hiệu lực thì vẫn chưa rõ Tối Cao Pháp Viện sẽ diễn giải như thế nào đối với mâu thuẫn mà bản tu chính này tạo ra với quan điểm của Pháp viện về Hiến Pháp. Ý kiến của Pháp viện về quyền miễn trừ là dựa trên án lệ trước đó và một điều khoản khác của Hiến Pháp – Điều II – trao quyền đáng kể cho tổng thống.
Một trong những đề xướng khác của TT Biden là áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
Điều III từ lâu đã được xem là trao cho các thẩm phán nhiệm kỳ trọn đời. Hôm 29/07 trong bài xã luận trên The Washington Post, TT Biden cho biết rằng ông ủng hộ việc các thẩm phán “phục vụ” với nhiệm kỳ 18 năm.
Trong bài xã luận, TT Biden đã trích dẫn Ủy ban Tổng thống về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, được ông thành lập vào năm 2021. Báo cáo của ủy ban này đề xướng tu chính án Hiến Pháp thiết lập các nhiệm kỳ 18 năm, đồng thời nói thêm rằng “tu chính án có thể định nghĩa những vị đã qua 18 năm là ‘Thẩm phán Cao cấp’ (Senior Justice) – vẫn giữ chức vụ thẩm phán theo Điều III nhưng không còn tham gia vào hoạt động hàng ngày của Pháp viện nữa”.
Cuối cùng, Tổng thống đã đề xướng rằng Quốc Hội “thông qua các quy tắc ràng buộc, có thể thực thi về hành vi và đạo đức, yêu cầu các Thẩm phán phải tiết lộ quà tặng, kiềm chế hoạt động chính trị công khai, và từ chối tham gia các vụ án mà họ hoặc vợ/chồng của họ có xung đột lợi ích về tài chính hoặc các xung đột lợi ích khác”.
Sở Mật Vụ Thực Hiện Những Thay Đổi Về An Ninh
Giám đốc lâm thời của Sở Mật vụ thông báo hôm 30/07 rằng cơ quan này đang đưa ra những thông tin thay đổi sau vụ mưu sát bất thành cựu Tổng thống (TT) Donald Trump.
Giám đốc lâm thời Ronald Rowe Jr. cho biết ông đã đến địa điểm diễn ra cuộc vận động tranh cử hôm 13/07 tại Butler, Pennsylvania – nơi cựu tổng thống bị bắn – được cho là bởi một thanh niên bắn ra từ trên mái tòa nhà gần đó.
Ông Rowe nói rằng những gì ông nhìn thấy khi nằm sấp trên mái nhà đó khiến ông cảm thấy “xấu hổ”.
Ôn Rowe nói với hai Uỷ Ban Thượng Viện, “Là một nhân viên công lực chuyên nghiệp, và là một đặc vụ kỳ cựu với 25 năm làm việc cho Sở Mật vụ, tôi không thể biện hộ vì sao mái nhà đó không được bảo vệ”.
“Để ngăn ngừa những sai sót tương tự xảy ra trong tương lai, tôi đã chỉ thị nhân viên của chúng tôi bảo đảm mọi kế hoạch an ninh tại địa điểm tổ chức sự kiện đều được nhiều giám sát viên giàu kinh nghiệm kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tiến hành sự kiện”.
Ông Rowe nói, những gì đã xảy ra là “thất bại ở nhiều cấp độ”.
Ngoài cựu TT Trump bị một viên đạn bắn vào tai, ba người khác cũng bị trúng đạn. Cựu nhân viên cứu hỏa Corey Comperatore, 50 tuổi, bị thiệt mạng khi đang tìm cách bảo vệ vợ và con gái, và hai nạn nhân còn lại của vụ nổ súng được đưa đến bệnh viện cứu chữa.
Ông Rowe đảm nhận vị trí giám đốc lâm thời sau khi bà Kimberly Cheatle, người được tổng thống Biden bổ nhiệm giữ chức giám đốc, đã thôi việc hôm 23/07 giữa lúc có nhiều lời kêu gọi bà từ chức.
Bà Cheatle, trong phần trình bày trước Quốc Hội trước khi bà từ chức, cho biết vụ ám sát bất thành này là “một thất bại nghiệp vụ trầm trọng nhất của Sở Mật vụ trong nhiều thập niên”.
Hôm 30/07, lặp lại lời thừa nhận đó, ông Rowe cho biết ông đã mở cuộc điều tra nội bộ và sẽ buộc các nhân viên Sở Mật vụ phải chịu trách nhiệm nếu họ bị phát giác vi phạm các quy tắc của cơ quan này. Ông nói, “Họ sẽ phải chịu hình phạt, kể cả việc chấm dứt hợp đồng”.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhân viên Sở Mật Vụ nào bị cách chức, điều mà Nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa–Missouri) đã đặt câu hỏi.
Tin Tức Về Lạm Phát Của Trung Cộng
Số liệu lạm phát mới nhất của Trung Cộng có thể sẽ khiến các nhà chức trách ở Bắc Kinh phải thức trắng đêm. Việc hoàn toàn không có lạm phát tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang gặp phải những vấn đề sâu sắc hơn cả cuộc khủng hoảng địa ốc, mặc dù cuộc khủng hoảng này vốn dĩ đã rất tệ. Đồng thời, giá sản xuất giảm cho thấy bên cạnh các vấn đề mà người tiêu dùng đang gặp phải, các nhà hoạch định ở Bắc Kinh đã làm cho tình hình càng tệ hại hơn thông qua việc bóp méo nền kinh tế tại Trung Quốc.
Số liệu giá mới nhất từ Cục Thống Kê Quốc Gia của Bắc Kinh cho thấy những thông tin đáng lo ngại. Trong tháng Sáu giá tiêu dùng đã chỉ tăng 0.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng chung là tăng 0.4% và thậm chí là thấp hơn so với mức tăng 0.3% của tháng Năm.
Những số liệu như vậy có thể là rất đáng hoan nghênh đối với các quốc gia đang phải chịu lạm phát, nhưng trong một nền kinh tế như Trung Cộng, nơi đang rất cần kích thích chi tiêu, tiêu dùng, thì giá giảm cho thấy sự thất bại. Trong khi đó, giá tại nơi mà các nhà thống kê Trung Cộng gọi là “cổng nhà máy” và phần còn lại của thế giới gọi là giá sản xuất trong tháng Sáu đã giảm 0.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Do đó, tháng Sáu là tháng thứ 21 liên tiếp xảy ra mức giảm như vậy. Áp lực giảm giá liên tục này cho thấy tình trạng cung vượt cầu. Các nhà máy của Trung Cộng đang sản xuất nhiều hơn nhu cầu của cả người dân Trung Quốc và người ngoại quốc.
Những vấn đề này bắt nguồn từ sự thiếu nhiệt tình của người tiêu dùng tại Trung Quốc. Thái độ miễn cưỡng chi tiêu của họ không phải là điều gây bất ngờ. Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Cộng nhìn chung đã kìm hãm tiền lương, và dẫu cho tiền lương có không suy giảm toàn diện đi chăng nữa, thì mức lương hiện tại cũng đã làm nản lòng những kỳ vọng được hình thành trong thời kỳ tăng trưởng nhanh kéo dài của nền kinh tế. Những diễn biến này đã gây nên áp lực đè lên nhóm dân số có thu nhập trung lưu.
Di sản của các đợt phong tỏa và gián đoạn công việc trong suốt thời kỳ đại dịch và một thời gian dài sau đó khi Bắc Kinh áp dụng chính sách zero COVID chắc chắn đã khiến người lao động Trung Quốc cảm thấy họ không thể kiếm được nhiều tiền như họ từng nghĩ mình có thể, và do đó làm xói mòn hơn nữa niềm tin của người tiêu dùng.
Nếu như vậy còn là chưa đủ, thì cuộc khủng hoảng địa ốc đã làm giảm giá trị nhà ở. Theo China Real Estate Information Corp., 100 công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc đã ghi nhận các mức giá giảm khoảng 17% so với một năm trước. Vì hầu hết người dân Trung Quốc đều có tài sản gắn liền với ngôi nhà của họ, nên cảm giác về sự giàu có và mong muốn chi tiêu đã bị ảnh hưởng.
Giá sản xuất giảm cho thấy một câu chuyện thậm chí còn đáng ngại hơn. Năm ngoái, do thất vọng về chi tiêu hạn hẹp của người tiêu dùng, Bắc Kinh đã tìm cách kích thích nền kinh tế bằng cách tăng cường năng lực sản xuất trong các lãnh vực mà các nhà hoạch định của Bắc Kinh nghĩ rằng sẽ thống trị trong tương lai—chẳng hạn như thiết bị điện tử tinh vi, pin, xe điện (EV), pin mặt trời, v.v.
Tuy nhiên, vấn đề như vậy vẫn sẽ phát sinh trong mọi trường hợp, nhưng hậu quả đã trở nên đặc biệt trầm trọng vì các quốc gia Tây phương đã hành động để hạn chế các mặt hàng nhập cảng từ Trung Cộng. Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã áp dụng hàng loạt mức thuế quan đối với xe điện, pin, và pin quang năng do Trung Cộng sản xuất, trong đó Hoa Kỳ áp thuế rộng rãi và mạnh mẽ hơn châu Âu.
NATO Đối Diện Trung Cộng
Trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 10/07, một cách không thể vãn hồi, các quốc gia thành viên đã cùng nhau chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Cộng trên khắp thế giới bằng cách tuyên bố và xác định Bắc Kinh là bên trợ giúp và duy trì cho Nga.
Đây là hành động bất thường từ phía NATO, liên minh mà cho đến nay vẫn luôn dè dặt trong các vấn đề về Trung Cộng và thường chỉ can dự vào các khu vực bên ngoài phạm vi tiệm cận Âu Châu trong các trường hợp ngoại lệ – chẳng hạn như việc can dự vào Afghanistan được thực hiện theo sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, chứ không nhất thiết cần viện dẫn “Điều 5” trong đó cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Trong Mục 26 của thông cáo hôm 10/07, NATO đã nêu rõ quan điểm về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng): “Trung Cộng đã trở thành nhân tố quyết định trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine thông qua cái gọi là quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ và sự trợ giúp quy mô lớn của Trung Cộng cho cơ sở kỹ nghệ quốc phòng của Nga. Điều này làm tăng mối đe dọa mà Nga đặt ra cho các quốc gia láng giềng và an ninh của khu vực Âu Châu–Đại Tây Dương”.
NATO đã thiết lập một lằn ranh đỏ, và hiện tại việc khối này xem Trung Cộng là kẻ chủ mưu gây ra căng thẳng và xung đột trên thế giới đã không còn quá mơ hồ.
NATO đã chỉ trích Trung Cộng và nói thêm trong thông cáo rằng:
“Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chấm dứt mọi sự trợ giúp về vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Điều này bao gồm việc chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng, chẳng hạn như các phụ tùng vũ khí, thiết bị, và nguyên liệu thô làm đầu vào cho lãnh vực quốc phòng của Nga. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể tạo thuận lợi cho cuộc chiến tranh lớn nhất ở Âu Châu trong lịch sử gần đây mà không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và danh tiếng của mình”.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị đã phản bác và gọi tuyên bố của NATO là “những cáo buộc vô căn cứ”. Ông cảnh báo NATO không nên gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Thực tế là Trung Cộng hiện là quốc gia sản xuất đạn pháo 152 mm và 122 mm, đạn súng máy 7.62×39, phi cơ không người lái, phụ tùng thay thế lớn nhất cho tất cả phi cơ, hỏa tiễn, và các vật liệu chiến tranh quan trọng khác của Nga mà Nga cần để tiếp tục cố gắng chiến tranh ở Ukraine. Không có bên nào khác sản xuất các thiết bị, vũ khí, và vật tư thông thường mà Nga cần.
Theo Giám đốc Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ Avril Haines, sự trợ giúp mà Trung Cộng mang lại cho Nga là rất lớn.
Iran và Bắc Hàn là một phần của hoạt động sản xuất kỹ nghệ quốc phòng mang tính ủy nhiệm này và cung cấp nhiều trợ giúp, bao gồm cả cơ hội để Trung Cộng giả vờ như không can dự. Tuy nhiên, các nguồn lực sản xuất, công cụ máy móc cũng như kiến thức chuyên môn ở các “thuộc địa” Trung Cộng này đều do các cố vấn Trung Cộng cung cấp.
Hoa Kỳ Xem Việt Nam Là ‘Nền Kinh Tế Phi Thị Trường’
Hôm 02/08, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận, chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng nhà nước Việt Nam vẫn can thiệp sâu vào mọi phương diện của nền kinh tế.
Quyết định này được xem là một bước thụt lùi đối với nỗ lực thúc đẩy xuất cảng sang Mỹ, vốn là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Bộ Công Thương Việt Nam cho biết “lấy làm tiếc” về quyết định này của phía Hoa Kỳ.
Hiện nay, có 12 quốc gia được Hoa Kỳ xem là ‘nền kinh tế phi thị trường’.
Trước đó, từ năm 2002, Hoa Kỳ phân loại nền kinh tế Việt Nam là ‘phi thị trường’ do sự can thiệp của nhà nước vào thương mại, giá cả, và tiền tệ.
Và trong suốt 20 năm qua, Việt Nam vẫn chưa ra khỏi danh sách này. Do đó, Việt Nam phải chịu những biện pháp thuế quan chống bán phá giá, cùng các rào cản thương mại từ phía Hoa Kỳ.
Đầu năm 2024, ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói rằng nếu Tòa Bạch Ốc không cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam thì “sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước”.
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết trong một tuyên bố, rằng việc phân loại Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường không mang tính trừng phạt. Việc duy trì nguyên trạng đối với các vụ kiện chống bán phá giá chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1% hàng xuất cảng của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Và Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục tham gia vào các bước mà Việt Nam có thể thực hiện trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đạt được quy chế theo luật pháp Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục thuyết phục Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quyết định này.