TIN THẾ GIỚI.

TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh (RFI)

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm thứ Ba, 27/08/2024, khẳng định cuộc chiến với Nga cuối cùng sẽ kết thúc bằng đối thoại, nhưng Kiev phải ở thế vững chắc. Lãnh đạo Ukraina thông báo ông sẽ trình bày với tổng thống Joe Biden và hai ứng viên tổng thống Mỹ một kế hoạch chấm dứt chiến tranh với Nga.

Theo Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo, tổng thống Ukraina nhận định « mục đích chính của kế hoạch là buộc Nga chấm dứt chiến tranh » nhưng phải bảo đảm « công bằng cho Ukraina ». Ông Zelensky khẳng định việc Kiev đột kích, tấn công vùng biên Kursk của Nga từ 3 tuần nay là một phần của kế hoạch chấm dứt chiến tranh, nhưng kế hoạch này cũng gồm cả mặt trận kinh tế và ngoại giao.

Tổng thống Ukraina hy vọng sẽ đến dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, vào tháng 9/2024 và ông đang chuẩn bị cho cuộc gặp với tổng thống Mỹ Biden. Không nói rõ hơn về các bước tiếp theo, nhưng ông Zelensky cho biết cũng sẽ thảo luận về kế hoạch này với phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân Chủ, và có thể là cả với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa. 

Hội đồng NATO – Ukraina họp theo đề xuất của Kiev

Liên quan đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, theo AFP, hôm qua phát ngôn viên của NATO, Farah Dakhlallah, thông báo tổng thư ký Jens Stoltenberg hôm nay 28/08 tổ chức một cuộc họp của hội đồng NATO – Ukraina, theo đề xuất của Kiev. Đây là cuộc họp cấp đại sứ các nước thành viên tại NATO với đại diện của Kiev. Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Roustem Oumerov, dự kiến họp trực tuyến với đại diện các nước đồng minh về tình hình chiến sự và các nhu cầu khẩn cấp của Kiev.

Phát ngôn viên của NATO nhấn mạnh : « Các đồng minh trong NATO đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho phòng không Ukraina và sẽ tiếp tục củng cố hệ thống phòng thủ cho Ukraina ».

Ukraina dùng F-16 đẩy lui tên lửa và drone Nga

Cũng trong ngày hôm qua 27/08, tổng thống Zelensky cho biết lực lượng Ukraina đã sử dụng những chiến đấu cơ F-16 mà các đồng minh phương Tây cung cấp để đẩy lui các vụ oanh kích bằng tên lửa và drone của Nga. Tổng thống Zelensky cũng khẳng định quân đội đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ukraina chế tạo.


Ukraine: Nga không kích lớn nhất từ trước tới nay (Trích BBC).

Nga đã tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất vào Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu, theo lời của chỉ huy lực lượng không quân Ukraine.

Ít nhất bảy người thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi tên lửa và máy bay không người lái (drone) được Nga bắn vào nhiều vùng của Ukraine vào hôm 26/8 giờ địa phương.

Cơ sở hạ tầng về năng lượng bị tấn công gây mất điện trên diện rộng. Ukraine báo động về không kích lên toàn quốc và yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn.

Nga cũng xác nhận họ tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine – một trong những chiến thuật lâu dài – và cho biết tất cả các mục tiêu đều bị tấn công.

Vụ tấn công bằng tên lửa và drone của Nga được tiến hành trên khắp Ukraine vào đêm 26/8 và tiếp tục cho đến sáng hôm 27/8.

Tên lửa bắn trúng một tòa nhà dân sự ở thành phố Kryvyi Rih, miền đông Ukraine, khiến một phụ nữ thiệt mạng và năm người khác mất tích, theo ông Oleksandr Vilkul – lãnh đạo chính quyền quân sự địa phương.

Ông Mykola Oleshchuk, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, nói trên Telegram rằng Nga đã phóng 127 tên lửa và 109 drone vào đêm 26/8 và sáng 27/8. Trong đó, Ukraine đã bắn hạ 102 tên lửa và 99 drone.

Ông Oleshchuk gọi đây là cuộc không kích lớn nhất của Nga.

Ba Lan, thành viên NATO, cho biết một “vật thể” đã xâm nhập vào lãnh thổ của họ trong cuộc tấn công này. “Rất có thể đó là drone và chúng tôi cho rằng như vậy, bởi vì quỹ đạo và tốc độ cho thấy đó chắc chắn không phải là một quả tên lửa,” người phát ngôn quân đội Jacek Goryszewski nói với Reuters.

Người phát ngôn của NATO Farah Dakhlallah lên án các cuộc tấn công vào Ukraine và cho biết việc Nga vi phạm không phận NATO là “vô trách nhiệm và có khả năng gây nguy hiểm”.

Cuộc tấn công vào tháng 12/2023 với 158 tên lửa và drone bắn vào Ukraine được coi là cuộc không kích lớn nhất của Nga tính đến trước cuộc không kích lần này.

Mặc dù mục tiêu chính của cuộc tấn công lần này là cơ sở hạ tầng năng lượng, nhưng đây cũng là một nỗ lực của Moscow để tấn công vào nguồn lực quan trọng của Ukraine: tinh thần.

Người dân Ukraine đã rất phấn khích với cuộc xâm nhập thành công gần đây của quân đội họ vào sâu trong lãnh thổ Nga ở tỉnh Kursk.

Với cuộc tấn công này, Nga muốn dập tắt sự hưng phấn đó, đồng thời ngụ ý nhắc nhở người dân Ukraine cũng như các chính trị gia phương Tây rằng Điện Kremlin vẫn chiếm ưu thế trong cuộc chiến.

Thông điệp từ Moscow là đừng ảo tưởng, Nga vẫn có thể gây đau khổ cho người dân Ukraine bất cứ khi nào mình muốn.

Hàng chục người bị thương

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết khoảng 15 vùng của nước này đã trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích với drone, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh. “Có người bị thương, có người chết,” ông Shmyhal viết trên Telegram.

Các cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hạ tầng kỹ thuật, với tình trạng mất điện xảy ra ở nhiều thành phố – bao gồm thủ đô Kyiv – và nguồn cung cấp nước bị gián đoạn.

Một trong những nhà máy điện còn lại – nhà máy thủy điện phía bắc Kyiv – là một trong những mục tiêu gần đây nhất của Nga. Thiệt hại ở đó vẫn đang được trình đánh giá.


Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina (RFI)

Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm 25/08/2024 ghi nhận Belarus triển khai quân tại vùng Gomel, sát biên giới phía bắc với Ukraina. Kiev cảnh cáo chính quyền Minsk, một đồng minh của Matxcơva, trước những hành vi « không hữu hảo » và yêu cầu Belarus rút quân ra khỏi khu vực sát biên giới hai nước.

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Ukraina cho biết « phát hiện một số lượng đông đảo lính Belarus tập hợp tại vùng biên giới phía bắc Ukraina » với lý do đây là một trong những « hoạt động » của quân đội nước này. Kiev xem sự hiện diện và các cuộc diễn tập của quân đội Belarus là một « một đe dọa dọa đối với an ninh quốc tế ». Biên giới phía bắc Ukraina với Belarus là một khu vực « gần nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl ». Theo hãng tin Anh Reuters, Belarus còn điều cả « nhiều trang thiết bị quân sự » như xe tăng, hệ thống phòng không và pháo cối đến Gomel.

Quân lính Belarus đóng ở biên giới

Chính quyền Ukraina « cảnh báo các giới chức Belarus, dưới sức ép của Nga mà phạm một sai lầm nghiêm trọng », đồng thời yêu cầu Minsk « ngừng những hành vi thiếu thiện cảm đối với Ukraina, rút quân khỏi khu vực biên giới ». Kiev « chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có những hành vi bất hảo nhắm vào người dân Belarus ».

Cũng AFP nhắc lại là sau cuộc binh biến bất thành của lực lượng bán vũ trang Wagner hồi năm ngoái, Belarus đón nhận một số chiến binh từng được đặt dưới trướng của ông trùm Yevgeny Prigozhin.

Hôm 18/08/2024, tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko, khẳng định Kiev huy động 120.000 lính tại đường biên giới giữa hai quốc gia này. 

Alexandre Loukachenko lên cầm quyền từ năm 1994 và Belarus lệ thuộc cả về chính trị lẫn kinh tế vào Liên Bang Nga. Năm 2022, trước khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina, Minsk cho phép quân đội Nga đồn trú trên lãnh thổ Belarus dưới danh nghĩa đây là một cuộc tập trận chung.  Các sự kiện nói trên diễn ra vào lúc, từ đầu tháng hàng ngàn lính Ukraina tấn công vào Kursk trên lãnh thổ Nga, sát với biên giới hai nước. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua khẳng định tuy chậm nhưng quân Ukraina đã tiến sâu vào đến 3 km trên lãnh thổ của Nga.


Quan chức tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga (VOA)

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phản công để giành lại lãnh thổ ở khu vực Kursk bị quân đội Ukraine chiếm giữ nhưng lực lượng Nga sẽ phải đối mặt với “một cuộc chiến khó khăn”, Phó giám đốc CIA David Cohen nói hôm 28/8.

Ông Cohen phát biểu tại một hội nghị ngành an ninh quốc gia rằng vẫn chưa rõ về mức độ của cuộc xâm nhập của Ukraine, vốn đã tràn qua khoảng 777 km vuông của tỉnh này của Nga.

Lực lượng Ukraine đã đột kích qua biên giới phía tây của Nga vào khu vực Kursk hôm 6/8 trong một cuộc tấn công bất ngờ và hiện vẫn đang tiếp diễn.

Một chiếc cầu ở Kursk đã bị Ukraine phá huỷ

Trong khi Kyiv tuyên bố không có ý định sáp nhập khu vực đã chiếm được, nhưng theo ông Cohen cho biết tại hội nghị thượng đỉnh về tình báo và an ninh quốc gia, quân đội Ukraine đang xây dựng các tuyến phòng thủ và có vẻ như họ có ý định giữ lại “một phần lãnh thổ đó trong một khoảng thời gian”.

“Chúng ta có thể chắc chắn rằng ông Putin sẽ phản công để cố gắng giành lại lãnh thổ đó”, ông Cohen nói. “Tôi nghĩ đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn đối với người Nga”.

Theo phó giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ, ông Putin sẽ phải “đối phó với những phản ứng dữ dội trong xã hội của chính mình” về việc mất lãnh thổ của Nga.

Ukraine đã tuyên bố chiếm được 100 khu định cư trong cuộc xâm nhập vào khu vực Kursk của Nga, trong khi lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến lên ở khu vực Donetsk ở phía đông của Ukraine.

Hôm 27/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết cuộc chiến với Nga cuối cùng sẽ kết thúc bằng đối thoại, nhưng Kyiv phải ở vị thế vững chắc và ông sẽ trình bày một kế hoạch cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và hai người kế nhiệm tiềm năng của ông Biden.

Ông Putin cho biết bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần bắt đầu bằng việc Ukraine chấp nhận “thực tế trên thực địa”, vốn sẽ giúp Nga sở hữu các phần đáng kể của bốn khu vực của Ukraine cũng như Crimea. Hiện tại, Ukraine cho biết họ kiểm soát hơn 1.200 km vuông của khu vực Kursk của Nga.


Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập (VOA)

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận về việc tổ chức các cuộc đàm phán mới giữa các nguyên thủ quốc gia của họ trong tương lai gần, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 28/8, sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, họp với cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tại Bắc Kinh.

Cả hai bên cũng đồng ý tổ chức các cuộc gọi trực tuyến giữa các tư lệnh chiến trường “vào thời điểm thích hợp”, theo thông tin từ Trung Quốc về các cuộc họp, một động thái mà Washington hy vọng có thể ngăn chặn xung đột ở các khu vực như Eo biển Đài Loan.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan gặp Vương Nghị tại Bắc Kinh

“Chìa khóa để phát triển suôn sẻ tương tác Trung Quốc-Hoa Kỳ nằm ở việc đối xử với nhau như những người bình đẳng”, ông Vương nói với ông Sullivan, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.

Đây là ngày đàm phán thứ hai của ông Sullivan với ông Vương và những quan chức khác, nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường trước cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11.

Các cuộc họp sẽ kéo dài đến ngày 29/8 và dự kiến sẽ đề cập đến nhiều lĩnh vực mà hai nước đang bất đồng, bao gồm thương mại, Trung Đông, Ukraine và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc từ Đài Loan đến Biển Đông.

Ông Vương nói với ông Sullivan rằng Hoa Kỳ nên “ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ ‘thống nhất’ hòa bình của Trung Quốc”, đồng thời nói thêm rằng “Đài Loan thuộc về Trung Quốc và ‘độc lập của Đài Loan’ là rủi ro lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”.

Theo bản tin của Trung Quốc, ông Vương cũng bày tỏ sự không chấp thuận của Bắc Kinh đối với thuế quan của Hoa Kỳ đối với một loạt hàng hóa sản xuất và kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các nhà sản xuất chip của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng Washington nên “ngừng gây nguy hiểm cho các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”.

Biển Đông

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đã nhiều lần đụng độ với tàu Philippines ở Biển Đông, nói Hoa Kỳ “không được làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc… cũng như không được ủng hộ ‘hành vi xâm phạm’ của Philippines“.

Manila và Washington có một hiệp ước phòng thủ chung và Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ Philippines chống lại các cuộc tấn công vũ trang vào tàu thuyền và binh lính của nước này ở Biển Đông.

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy ngoại giao trực tiếp để gây ảnh hưởng đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm giúp kiềm chế căng thẳng. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ chạy đua trong cuộc bầu cử vào tháng 11, có thể sẽ theo đuổi một chiến lược tương tự nếu bà kế nhiệm ông Biden.

Vào tháng 4, ông Biden và ông Tập đã giải quyết những bất đồng của hai nước trong một cuộc điện đàm, sau khi quyết định cải thiện đáng kể quan hệ song phương tại một hội nghị thượng đỉnh ở San Francisco vào tháng 11 năm ngoái sau một thời gian chia rẽ sâu sắc về thương mại và đại dịch COVID.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích ủng hộ cựu tổng thống của đảng Cộng hòa, Donald Trump, cho rằng cách tiếp cận đó là quá mềm mỏng trước chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc. Ông Trump một lần nữa là ứng cử viên tổng thống của đảng mình trong cuộc bầu cử vào tháng 11 ở Mỹ.

Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc hành động nhiều hơn ở trong nước để ngăn chặn sự phát triển của các loại hóa chất có thể được chế tạo thành fentanyl, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng dùng thuốc quá liều ở Hoa Kỳ, và đạt được sự hiểu biết về các tiêu chuẩn an toàn cho trí tuệ nhân tạo.


Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram (RFI)

Lệnh tạm giữ ông chủ của mạng Telegram, Pavel Durov, với 12 cáo buộc hình sự liên quan đến tội phạm có tổ chức, hết hiệu lực ngày hôm nay, 28/2028 và có thể tiếp nối bằng một quyết định khởi tố. Điều này có nguy cơ làm dấy lên nhiều phản ứng phẫn nộ trên thế giới.

Ông Durov bị bắt giữ hôm 24/08 tại phi trường Le Bourget, ngoại ô Paris. Theo luật của Pháp, việc giam giữ kéo dài tối đa 96 giờ và hết hiệu lực ngày hôm nay. Các thẩm phán thụ lý vụ việc phải quyết định, hoặc trả tự do hoặc chuyển ông qua tòa tư pháp để khởi tố.

Pavel Durov

Vụ bắt giữ Pavel Durov đã làm dấy lên những phản ứng gay gắt trên thế giới. Ông chủ Telegram đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng như Edward Snowden, người tố giác hệ thống theo dõi thông tin của an ninh Mỹ hiện định cư tại Nga, hay Elon Musk, ông chủ của mạng X.

Vụ bắt giữ  Pavel Durov được chính quyền Nga đặc biệt quan tâm với những lo ngại nhất định. Thông tín viên RFI tại Matxcơva Jean-Didier Revoin cho biết thêm thông tin :

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, các cáo buộc nhằm vào Pavel Durov là cực kỳ nghiêm trọng. Dmitri Peskov hy vọng Pháp có thể đưa ra nhưng chi tiết chứng cứ đúng với các cáo buộc nhắm vào người sáng lập, ông chủ của mạng Telegram. Nếu không có thì theo quan điểm của ông, đây chỉ là vụ bắt giữ mang động cơ chính trị, điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phủ nhận.

Nhìn chung, điều mà chính quyền Nga dường như lo ngại đó là các quốc gia khác có thể lấy được các khóa mã hóa tin nhắn, vì về mặt chính thức, Mastxcơva cũng chưa bao giờ có được. Thách thức lớn là nhân viên của toàn bộ cơ quan chính quyền đều sử dụng Telegram để trao đổi các tin nhắn cá nhân cũng như trong công việc.

Từ khi nổ ra cuộc xung đột với Ukraina, mạng tin nhắn đã trở nên hữu ích để thu thập các thông tin từ mặt trận hai phía. Tin nhắn qua Telegram là một mỏ thông tin mà hàng chục blogger quân sự khai thác và chỉ cần thêm vào hình ảnh của riêng họ. Do đó, người ta có thể tưởng tượng rủi ro phát sinh khi xóa bỏ tính bảo mật của việc trao đổi tin nhắn.

Có lẽ vì lý do đó mà từ khi xảy ra vụ bắt giữ ông chủ của Telegram, Matxcơva nhắc đi nhắc lại sẵn sàng mọi hỗ trợ cần thiết cho Pavel Durov, nếu ông cần.

Ấn Độ mở điều tra

Vụ bắt giữ Pavel Durov tại Pháp cũng đã gây tác động đến tận Ấn Độ. Trên cơ sở sự kiện diễn ra tại Pháp, bộ Nội Vụ Ấn Độ thông báo mở cuộc điều tra về ứng dụng nhắn tin được mã hóa để tìm hiểu xem liệu Telegram có vi phạm luật pháp nước này hay không. Chính phủ của Narendra Modi, vốn thường xuyên tìm cách kiểm soát mạng xã hội, đã không loại trừ việc cấm Telegram.


Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa Trung Quốc và Philippines (BBC)

Một điểm nóng mới đã xuất hiện trong tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines, khi hai nước lại xảy ra va chạm tại một khu vực khác trên Biển Đông.

Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với nhiều đảo và khu vực trên vùng biển này, và mâu thuẫn ngày càng leo thang trong những năm qua với nhiều vụ va chạm tàu, xô xát và cáo buộc đe dọa bằng vũ lực.

Nhưng tuần trước, tình hình đã căng thẳng hơn khi tàu của Bắc Kinh và Manila va chạm gần bãi cạn Sa Bin – cả hai bên đều cáo buộc tàu của bên kia cố tình đâm vào tàu của mình.

Bãi Sa Bin, tên tiếng Anh là Sabina Shoal, được Trung Quốc gọi là Rạn Tiên Tân (Xianbin Jiao) và phía Philippines gọi là Escoda, nằm cách bờ biển phía tây của Philippines khoảng 75 hải lý (gần 140km) và cách Trung Quốc 630 hải lý (gần 1.170km).

Việt Nam cũng tuyên bố bãi cạn này thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chuyện gì đã xảy ra ở bãi Sa Bin?

Vào ngày 19/8/2024, một số tàu của Trung Quốc và Philippines đã va chạm gần bãi cạn ở quần đảo Trường Sa, khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt mà cả hai nước đã tranh chấp trong nhiều năm.

Hải cảnh Trung Quốc cho biết tàu Philippines đã “cố tình va chạm”, trong khi Philippines cho biết các tàu của Bắc Kinh đã thực hiện “các hành động hung hăng”.

Một đợt va chạm thứ hai đã diễn ra hôm 25/8, với việc cả hai bên một lần nữa đổ lỗi cho nhau. Một số quốc gia khác bao gồm Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, cũng như Liên minh châu Âu (EU), đã chỉ trích hành động của Trung Quốc.

Ngày 26/8, Philippines cho biết 40 tàu Trung Quốc đã ngăn cản hai tàu của họ thực hiện một “nhiệm vụ nhân đạo” để tiếp tế cho tàu Teresa Magbuana, một tàu tuần tra của Philippines đã được triển khai đến bãi cạn từ vài tháng trước.

Philippines nghi ngờ Trung Quốc đang cố gắng khai phá đất tại bãi cạn Sa Bin. Manila đã chỉ ra những đống san hô bị nghiền nát trên các bãi cát ở bãi cạn Sa Bin, được lực lượng tuần duyên của họ quay phim lại, nói rằng Bắc Kinh đang sử dụng những vật liệu đó để mở rộng bãi cạn. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gọi những cáo buộc này là “vô căn cứ”.

Nhà chức trách Philippines đã đưa tàu Teresa Magbuana đến bãi cạn Sa Bin vào tháng 4/2024 như một phần của sự hiện diện lâu dài mà họ có kế hoạch duy trì tại đây. Manila coi đây là chìa khóa trong nỗ lực thăm dò dầu khí tại quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó, Trung Quốc coi sự hiện diện của con tàu Teresa Magbuana là bằng chứng cho thấy Philippines có ý định chiếm bãi cạn này.

Một bình luận gần đây của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã nhắc đến con tàu BRP Sierra Madre cũ nát từ thời Thế chiến II của Philippines bị mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal, còn Trung Quốc là Rạn Nhân Ái – Ren’ai Jiao) vào năm 1999.

Một số binh lính vẫn đồn trú ở đó và cần được tiếp tế thường xuyên. Trong nhiều năm, con tàu này là nguồn gốc của căng thẳng liên tục giữa hai nước, với việc Trung Quốc thường xuyên tìm cách ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Manila cho con tàu.

“25 năm sau, con tàu này vẫn ở đó. Rõ ràng, Philippines đang cố gắng lặp lại kịch bản này tại Bãi Sa Bin,” bài bình luận cho biết.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ bị Philippines lừa dối nữa”, Tân Hoa Xã viết thêm.

Leo thang tranh chấp?

Đã có một loạt các cuộc chạm trán nguy hiểm trong những tháng gần đây khi hai bên tìm cách thực thi các yêu sách của mình đối với các rạn san hô và bãi đá tranh chấp, bao gồm Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough.

Các vụ va chạm thường phát sinh từ trò mèo vờn chuột giữa các tàu, khi bên này tìm cách xua đuổi bên kia đi.

Trung Quốc ngày càng bắn nhiều vòi rồng và tia laser mạnh vào các tàu của Philippines, trong khi phía Manila cũng cáo buộc Bắc Kinh lên tàu của họ dẫn đến xô xát, cũng như tịch thu các vật phẩm và đâm thủng các tàu phao của họ.

Một trong những cáo buộc mới nhất từ Manila là hải cảnh Trung Quốc được trang bị dao, giáo và kiếm đã lên một trong những tàu quân sự của họ và đe dọa thủy thủ Philippines.

Chúng ta đang phải đấu tranh với một đối thủ mạnh hơn,” Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố ngày 27/8, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “lên án mạnh mẽ Trung Quốc”.

Cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận từ những vụ tranh chấp, mặc dù Philippines cho biết một số thủy thủ của họ đã bị thương. Nhưng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã cảnh báo rằng bất kỳ binh sĩ Philippines nào thiệt mạng do hành động của Trung Quốc gây ra đều được coi là “hành động chiến tranh”.

Các nhà quan sát lo ngại rằng tranh chấp giữa hai nước cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu lớn hơn trên Biển Đông.


Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga (24/8, VOA).

Hôm thứ Sáu 23/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quốc gia này áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 400 pháp nhân và cá nhân vì họ tiếp tay cho nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine, bao gồm cả những công ty Trung Cộng mà các quan chức Mỹ tin rằng đang giúp Moscow lách lệnh trừng phạt của phương Tây và tăng cường sức mạnh của quân đội.

Theo trang thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ nói tóm tắt về các lệnh trừng phạt đối với 190 mục tiêu, các lệnh này bao gồm các biện pháp nhằm vào các hãng ở Trung Cộng tham gia vận chuyển máy công cụ và đồ vi điện tử đến Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cho hay họ cũng đang nhắm mục tiêu vào các mạng lưới xuyên quốc gia tham gia mua đạn dược và các vật tư khác cho Nga.

Chính quyền của Tổng thống Biden cũng bổ sung 123 pháp nhân vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, có tên tiếng Anh là Entity List. Danh sách này buộc các nhà cung cấp phải xin giấy phép trước khi vận chuyển hàng đến các công ty bị đưa vào tầm ngắm. Những pháp nhân bị bổ sung hôm 23/8 bao gồm 63 ở Nga và 42 ở Trung Cộng.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng họ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số công ty công nghệ tài chính, chứng khoán, cho vay bất động sản và các công ty tài chính khác của Nga, nhưng chưa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng nước ngoài hỗ trợ các giao dịch góp phần tiếp sức cho nỗ lực chiến tranh của Nga.

Bộ Tài chính đã cảnh báo với các ngân hàng kể từ tháng 12/2023 rằng nếu vẫn cứ tiếp tục giao dịch trong nền kinh tế thời chiến của Nga có thể làm cho họ bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính dựa trên đồng đô la.

Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm cả các động thái nhằm kìm hãm ngành năng lượng của Nga và đánh vào các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và các nền kinh tế Trung Á mà Mỹ tin rằng đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao nói.

Các mục tiêu bao gồm bộ phận xuất nhập khẩu của Tập đoàn máy công cụ Đại Liên ở Trung Cộng, mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng hãng này đã cung cấp các mặt hàng lưỡng dụng dân sự-quân sự trị giá 4 triệu đô la cho các công ty Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào hơn 20 công ty có trụ sở tại Hong Kong và Trung Cộng mà họ nói là đã cung cấp hàng hóa cho cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ cũng bao gồm các hành động nhằm vào các công ty cung cấp linh kiện được lắp trong loại máy bay không người lái Orlan mà Nga đang sử dụng ở Ukraine.

Washington cũng muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây khó cho các dự án năng lượng trong tương lai ở Nga và việc vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này. Theo trang thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, họ nhắm mục tiêu vào dự án Arctic LNG 2 trị giá 21 tỷ đô la của Nga và các công ty khác tham gia vào các dự án năng lượng trong tương lai ở Nga. Dự án Arctic LNG 2 đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo đó đã hạn chế việc Nga được sử dụng tàu chở dầu có thể đi qua băng.

Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các công ty tham gia vận chuyển LNG, như White Fox Ship Management có trụ sở tại UAE, mà Mỹ nói rằng gần đây đã mua 4 con tàu để vận chuyển LNG.


Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á (VOA)

Hàng nghìn quân nhân từ Indonesia, Hoa Kỳ và 8 nước khác hôm 26/8 bắt đầu hai tuần tập trận tập trung vào năng lực chung ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Khu vực này, đặc biệt là ở Biển Đông, đã chứng kiến căng thẳng gia tăng trong năm nay với các điểm nóng giữa các quốc gia ven biển tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và tuyến đường thủy đang tranh chấp.

Cuộc tập trận thường niên — được gọi là Super Garuda Shield — bắt đầu tại Sidoarjo, Đông Java, Indonesia triển khai hơn 4.400 quân tham gia.

Quân đội Indonesia cho biết khoảng 1.800 quân nhân Hoa Kỳ và hàng trăm quân nhân từ các quốc gia khác cũng sẽ tham gia.

Cuộc tập trận này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007, đã phát triển thành một sự kiện chung, đa quốc gia, đẳng cấp thế giới hầu nâng cao năng lực chung.

Chương trình bao gồm các cuộc trao đổi chuyên gia học thuật, hội thảo phát triển chuyên môn, bài tập chỉ huy và kiểm soát, và huấn luyện thực địa kết thúc bằng một sự kiện bắn đạn thật.

Chương trình huấn luyện sẽ bao gồm các bài tập về nhân viên và mạng, hoạt động không vận, các cuộc không kích chung, bài tập đổ bộ và các hoạt động mô phỏng trên bộ.

Ông Charles Flynn, tướng chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng các cuộc tập trận sẽ thể hiện cam kết đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, ổn định và an ninh.

Cuộc tập trận kéo dài hai tuần, sẽ được tổ chức cho đến ngày 6 tháng 9 tại nhiều địa điểm trên khắp cả nước Indonesia, còn có sự tham gia của Úc, Nhật Bản, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Canada, New Zealand và Pháp.

Brazil, Đức, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Hà Lan, Đông Timor và Papua New Guinea đang tham gia cuộc tập trận với tư cách là quan sát viên.


Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản (RFI)

Tokyo hôm nay 27/08/2024 tố cáo một máy bay quân sự của Trung Cộng đã xâm nhập không phận Nhật Bản. Tokyo lên án « một vụ vi phạm nghiêm trọng » chủ quyền quốc gia.

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết một máy bay « trinh sát loại Y-9 » của quân đội Trung Cộng đã bay vào không phận của Nhật vào hôm thứ Hai 26/08 lúc 11h29, giờ địa phương (02h29 giờ quốc tế) trong vòng 2 phút, trên vùng trời các đảo Danjo, thuộc tỉnh Nagasaki, ở biển Hoa Đông.

Máy bay trinh sát Y-9 (minh hoạ)

Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshimasa Hayashi, hôm nay 27/08 nhấn mạnh : « Việc một máy bay quân sự Trung Cộng vi phạm không phận của chúng tôi không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia, mà còn là một mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi, và điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Trong cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên chính phủHayashi cũng nói thêm đây là lần đầu tiên Tokyo xác nhận và thông báo một vụ xâm nhập của một máy bay quân sự Trung Cộng vào không phận Nhật kể từ khi Tokyo triển khai các biện pháp đối phó với những hành vi xâm nhập kiểu như vậy.

Cho dù Tokyo chưa nắm được cụ thể mục đích hành động của máy bay quân sự Trung Cộng, nhưng phát ngôn viên của chính phủ Nhật lưu ý là « các hoạt động quân sự gần đây của Trung Cộng gần Nhật Bản có xu hướng mở rộng và ngày càng mạnh hơn » và khẳng định, Tokyo sẽ « tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động quân sự của Trung Cộng » và sẽ thực hiện mọi biện pháp cảnh giác cao độ.

Ngay từ hôm qua 26/08, vụ trưởng Ngoại Giao Nhật Bản, Masataka Okano, đã triệu đại sứ lâm thời Trung Cộng đến để bày tỏ sự « phản đối cứng rắn » của Tokyo, kêu gọi Bắc Kinh có các biện pháp để tránh việc tương tự lặp lại.

Phản ứng của Bắc Kinh

Vài giờ sau phản ứng của Tokyo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Lâm Kiếm (Lin Jian), thông báo Bắc Kinh đang cho tìm hiểu và « xác minh » vụ việc và nhấn mạnh là Trung Cộng « không hề có ý định xâm nhập không phận của bất kỳ quốc gia nào ». Vẫn theo ông Lâm Kiếm, Bắc Kinh và Tokyo vẫn duy trì thông tin qua các kênh liên lạc đã có sẵn.


TIN VIỆT NAM.

Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT

Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Thứ trưởng Ngoại giao Uzra Zeya phụ trách An ninh dân sự, Dân chủ và Nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam thúc đẩy chính quyền độc đảng trả tự do cho các tù nhân lương tâm (TNLT).

Văn bút Hoa Kỳ hôm 26/8 chia sẻ lại bài viết của bà Zeya trên mạng xã hội X về lịch trình chuyến đi sắp tới, đồng thời bày tỏ:

Thứ trưởng Ngoại giao Uzra Zeya

Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya thúc đẩy việc trả tự do cho các tác giả/nhà văn bị cầm tù và kêu gọi Chính phủ Việt Nam cung cấp dịch vụ điều trị y tế cần thiết cho các tù nhân chính trị.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Allison Peters sẽ tháp tùng Thứ trưởng Zeya trong chuyến thăm  Maylaysia và Việt Nam trong thời gian từ 25/8 đến 31/8.

Tại Hà Nội, Thứ trưởng Zeya sẽ nêu bật sức mạnh và sự năng động của mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Thông cáo báo chí công bố ngày 26/8 cho hay, trong các cuộc họp với các quan chức cấp cao của Việt Nam, Thứ trưởng sẽ nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, bao gồm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hỗ trợ cho các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, và phối hợp để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm nạn buôn người và các tội phạm xuyên quốc gia khác.

Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại thành phố New York nhân dịp này tiếp tục kêu gọi trả tự do cho các tác giả/nhà văn bị cầm tù tại Việt Nam, bao gồm cả Phạm Đoan Trang, người được trao giải thưởng Tự do Viết lách 2023 và Lê Hữu Minh Tuấn, biên tập viên của Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

“Chúng tôi lo ngại về tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi của các tù nhân chính trị như Tuấn, người không được điều trị y tế đầy đủ,”  Văn but Hoa Kỳ nói về ông Lê Hữu Minh Tuấn đang thi hành án tù 11 năm về tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền trong khi sức khỏe ngày càng xấu đi.

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Văn bút Hoa Kỳ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. (Trích RFA)


Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu

Hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng internet, trong số đó có 360.000 camera có nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng dễ bị khai thác tấn công, chiếm quyền điều khiển.

Số liệu trên được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 28/8 qua báo cáo từ hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ảnh minh hoạ

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, nhận định trên tờ Thanh Niên rằng, hiện nay đa phần các camera giám sát đang sử dụng tại VN là camera đơn giản, chỉ cho phép ghi lại hình ảnh, kết nối internet, truy cập từ xa nhưng vấn đề bảo mật không được coi trọng, các tính năng chống trộm đã được tinh giảm hết, vì vậy giá thành rất rẻ. Người tiêu dùng cũng chưa có ý thức bảo mật, chỉ khi nào thấy hình ảnh của mình xuất hiện trên mạng thì mới biết là camera “phản chủ”.

Trong năm năm qua, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 16 triệu camera giám sát, thuộc nhiều chủng loại khác nhau và 96,3% là từ Trung cộng.

Tại Việt Nam, vẫn theo thống kê, chưa có vụ việc tấn công dữ liệu lớn, nhưng theo ông Thắng, thực trạng trên rất đáng báo động.

Năm ngoái, truyền thông loan, một số hacker đã rao bán quyền truy cập camera tại VN, có những hệ thống lên tới hơn 100.000 camera. Còn theo báo cáo mới nhất của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) về tình hình an ninh mạng trong nửa đầu năm 2024, số thông tin cá nhân của người dùng trong sáu tháng đầu năm 2024 bị tin tặc đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin bị lọt lộ nhiều nhất là thông tin khách hàng, thông tin mua bán của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, tiếp theo là thông tin eKYC, thông tin của nhiều trường đại học và tổ chức giáo dục.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, vấn đề an toàn, bảo mật liên quan đến camera giám sát đang trở thành một vấn đề nhức nhối khi nhiều vụ lộ lọt thông tin cá nhân, dữ liệu hình ảnh camera riêng tư bị thu thập trái phép và tung lên mạng xã hội “gây bất an cho người sử dụng và làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội”.


Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Hãng năng lượng khổng lồ Equinor do nhà nước Na Uy kiểm soát vừa hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam, một phát ngôn viên của hãng nói với Reuters. Đây được xem là một bước thụt lùi đối với tham vọng về năng lượng xanh của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về các kế hoạch năng lượng tái tạo vì có nguồn gió mạnh ở vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư ven biển, nhưng sự chậm trễ trong cải cách quy định gần đây đã khiến một số nhà đầu tư cân nhắc lại kế hoạch của họ.

Ông Magnus Frantzen Eidsvold, người phát ngôn của Equinor, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã quyết định ngừng phát triển kinh doanh ở Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội”.

Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa một văn phòng quốc tế tập trung vào phát triển điện gió ngoài khơi.

Ảnh minh hoạ

Trước đây, trong vài năm qua, hãng này đã rời khỏi hơn chục quốc gia nơi họ có hoạt động dầu khí để tập trung vào năng lượng tái tạo và các hệ thống phát thải carbon thấp.

Sự rút lui của Equinor giáng thêm một đòn nữa vào Việt Nam sau khi công ty gió ngoài khơi Orsted của Đan Mạch, một công ty lớn khác trong ngành, cho biết hồi năm ngoái họ sẽ tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại gió lớn ngoài khơi của Việt Nam.

Việt Nam hiện không có dự án điện gió ngoài khơi nhưng muốn lắp đặt các trang trại gió có công suất 6 gigawatt (GW) vào năm 2030, bằng 4% công suất kế hoạch, như một phần trong kế hoạch giảm than và đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Tuy nhiên, kế hoạch của Việt Nam đã nhiều lần bị trì hoãn do những xáo trộn chính trị gần đây đã làm tê liệt các cải cách và dự án.

Ngành công nghiệp này cũng được chính quyền Việt Nam coi là nhạy cảm vì các dự án sẽ được phát triển ở Biển Đông đang có tranh chấp, là tuyến đường vận tải biển quan trọng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ.

Bộ công nghiệp ở quốc gia do Cộng sản cai trị đang nỗ lực giao cho các công ty nhà nước dự án thí điểm đầu tiên về gió ngoài khơi, một động thái mà các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng sẽ làm chậm sự phát triển của ngành vì các công ty trong nước không đủ năng lực.

Bộ Công thương Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Hai giám đốc điều hành ngành công nghiệp ngoài khơi có trụ sở tại Việt Nam, những người từ chối nêu tên vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông, cho biết trong kịch bản tốt nhất, Việt Nam chỉ có thể lắp đặt khoảng 1 GW công suất vào cuối thập kỷ này vì những rào cản pháp lý.

Họ cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để thuyết phục chính phủ cho phép đối tác nước ngoài cùng phát triển dự án thí điểm.

Ông Eidsvold cho biết Equinor đã quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi thường xuyên xem xét danh mục đầu tư tái tạo của mình.

Ông nói thêm: “Lĩnh vực điện gió ngoài khơi gần đây đang phải đối mặt với những cơn gió ngược đáng kể và chúng tôi cần phải có kỷ luật trong cách tiếp cận của mình”.

Theo trang web của Equinor, Equinor đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào tháng 5/2022, thủ đô của Việt Nam, mô tả quốc gia 100 triệu dân này có “tiềm năng cao để trở thành thị trường tăng trưởng thú vị cho năng lượng gió ngoài khơi”.

Trang web này cho biết: “Đất nước này có nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á”. (VOA)


World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng xuất khẩu sản xuất của Việt Nam sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay nhưng tăng vừa phải trong giai đoạn 2025-2026.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 26/8 dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm nay là 6,1%, nhưng cảnh báo rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là mối quan tâm, Reuters đưa tin.

Quốc gia Đông Nam Á, một trung tâm công nghiệp của khu vực, đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay nhờ sự phục hồi bên ngoài như dự kiến và đầu tư công tăng từ mức tăng 5,05% của năm ngoái.

Theo Ngân hàng Thế giới, “với sự tăng trưởng xuất khẩu liên tục và dấu hiệu phục hồi của bất động sản, nhu cầu trong nước sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện”.

Ngân hàng này đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,1% trong năm 2024, cao hơn so với mức 5% năm 2023, sau đó tăng lên mức 6,5% trong các năm 2025, 2026.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới giả định rằng tăng trưởng xuất khẩu sản xuất sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay, sau mức tăng trưởng phục hồi 16,9% trong nửa đầu năm và nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2024, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo World Bank, tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng vừa phải trong giai đoạn 2025-2026 khi triển vọng thương mại toàn cầu và nhu cầu bên ngoài từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc cải thiện đôi chút.

Tuy nhiên, tổ chức này cho biết chất lượng tài sản đã trở thành mối quan tâm đáng kể của ngành ngân hàng giữa bối cảnh nợ xấu và phạm vi bảo hiểm mất vốn vay ngày càng tăng, vì mức nợ xấu đã tăng đáng kể từ 1,9% vào năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ vào năm 2023.

Ngân hàng này cho biết tổng số nợ có vấn đề có thể lên tới 7,9% nếu bao gồm các khoản vay được tái cấu trúc và nợ của công ty quản lý tài sản Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam là 4,5% trong năm nay, so với mức lạm phát là 3,2% vào năm ngoái, vì giá lương thực cao hơn dự kiến sẽ tiếp tục.

Trong các báo cáo gần đây, HSBC, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 có thể đạt lần lượt là 6,5%, 6,3% và 6%.(VOA)


Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi

Phụ huynh được khuyến cáo chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

Thành phố Saigon hôm 27/8 chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố khi các ca bệnh gia tăng nhanh chóng với hơn 500 ca nhiễm và 3 trẻ tử vong vì căn bệnh này.

Tuổi Trẻ dẫn quyết định của UBND TP Saigon cho biết thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024 với quy mô trên toàn thành phố và nguyên nhân do vi rút sởi gây ra.

Dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp, và người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, đặc biệt là trẻ em. Người mắc bệnh có thể có biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Đây là lần đầu Saigon công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này, theo Tiền Phong.

Quyết định công bố dịch được đưa ra theo kiến nghị của Sở Y tế Saigon, sau khi thành phố này trở thành tỉnh thành có số ca mắc bệnh sởi cao nhất cả nước, với hơn 500 ca trong tổng số hơn 2.000 ca mắc bệnh trên toàn quốc kể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam.

Ông Hoàng Minh Đức, cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, cho biết từ cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông báo về nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam về dịch sởi có thể bùng phát.

Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tại một hội nghị hôm 22/8 cho biết WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi – rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất của Việt Nam. Số vaccine được chính phủ Australia tài trợ thông qua WHO.

Đại diện WHO tại Việt Nam nói tình trạng hàng trăm nghìn trẻ em không được tiêm chủng từ năm 2021 đã tạo nên sự suy giảm chưa từng thấy trong tiêm chủng, và kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như: bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay, theo Sức Khoẻ & Đời Sống.

Bà Pratt khuyến nghị các khu vực có số ca mắc bệnh gia tăng nhanh chóng nên công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời.

Hiện Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp với WHO và UNICEF tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi trên 18 tỉnh thành nằm trong nhóm nguy cơ bùng phát dịch, bao gồm các tỉnh thành như: Saigon, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau…

Tại Saigon, chiến dịch tiêm vaccine bổ sung sởi – rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine này trước đó được thực hiện cho tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống tại thành phố.

Thành phố ước tính sẽ tiêm bổ sung vaccine sởi cho khoảng 517.250 trẻ theo hình thức tiêm tại trường học, trạm y tế, bệnh viện trong chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến 9/2024.

Các phụ huynh được khuyến cáo chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng