TIN THẾ GIỚI.
Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết (RFI)
Ngày hôm 03/09/2024, Nga oanh kích thành phố Poltava, miền trung Ukraina, cách xa tiền tuyến, khiến hơn 50 người chết và khoảng 200 người bị thương. Đây là một trong các cuộc tấn công gây tổn thất nặng nề nhất cho Ukraina kể từ đầu chiến tranh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ tấn công ‘‘với những lời lẽ nghiêm khắc nhất’’, lên án ‘‘các nỗ lực của Putin nhằm bẻ gẫy ý chí của của một dân tộc tự do’’, và tái khẳng định Washington sẽ tiếp tục hậu thuẫn Ukraina, đặc biệt về ‘‘các hệ thống phòng không’’.
Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết về vụ oanh kích này:
Nga tiến hành thêm các cuộc oanh kích gây nhiều thiệt hại. Lần này là tại thành phố Poltava, cách Kiev khoảng 340 km về phía đông. Poltava không ở khu vực tiền tuyến nhưng nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm xa Nga. Tại thành phố khoảng 300 nghìn dân này, có rất nhiều người dân di tản khỏi các vùng miền đông.
Một trung tâm đào tạo và một bệnh viện đã bị oanh kích, theo tổng thống Zelensky. Bộ trưởng Nội Vụ Ihor Klymenko thông báo các vụ oanh kích diễn ra ngay sau khi báo động phòng không tại khu vực. Điều có nghĩa là người dân đã không kịp chạy đến nơi trú ẩn trong trường hợp có mối đe dọa từ trên không.
Theo bộ trưởng Nội Vụ, hỏa hoạn đã được khống chế, nhưng thiệt hại về vật chất và nhân mạng là rất lớn. Thống đốc vùng đã tuyên bố ba ngày để tang ở Poltava, bắt đầu từ ngày mai. Đây là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc oanh kích. Chính quyền địa phương cũng kêu gọi hiến máu cho những người bị thương.
Lviv, thành phố giáp Ba Lan, bị oanh kích
Tiếp theo vụ tấn công Poltava, trong đêm hôm qua rạng sáng nay, quân Nga oanh kích thành phố Lviv, cách biên giới Ba Lan khoảng 70 km, và cách mặt trận khoảng 1.000 km. Loạt oanh kích khiến ít nhất 7 người chết, trong đó có ba trẻ nhỏ, và 40 người bị thương.
Theo cơ quan công tố Lviv, nhiều tòa nhà dân ở trung tâm lịch sử của thành phố bị oanh kích, trong đó có nhiều cơ sở giáo dục và y tế. Trung tâm lịch sử của Lviv là khu vực được UNESCO xếp hạng ‘‘di sản thế giới’’.
TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh (VOA)
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm 4/9 rằng Ukraine cần “năng lượng mới”, khi ông ra lệnh một cuộc cải tổ chính phủ lớn tại thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Nga.
Tổng cộng có sáu bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, đã nộp đơn từ chức và quốc hội đã chấp nhận đơn từ chức của bốn người.
Các nhà lập pháp cho biết trong số đó có đơn từ chức của một phó thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu, bộ trưởng công nghiệp chiến lược giám sát sản xuất vũ khí của Ukraine và hai bộ trưởng khác.
“Giờ đây chúng tôi cần năng lượng mới và những bước đi này chỉ liên quan đến việc củng cố nhà nước của chúng tôi theo những hướng khác nhau”, ông Zelenskyy nói với giới truyền thông trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Simon Harris, người đang có chuyến thăm Ukraine.
Các nhà lập pháp cho biết quốc hội Ukraine dự kiến sẽ xem xét đơn từ chức của ông Kuleba vào ngày 5/9.
Sau ông Zelenskyy, ông Kuleba, 43 tuổi, là gương mặt nổi tiếng nhất của Ukraine ở nước ngoài, vì đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới và vận động bằng tiếng Anh lưu loát để có được sự hỗ trợ về quân sự và chính trị cho Ukraine.
Theo các nhà phân tích, việc cải tổ chính phủ đã được lên kế hoạch trong một thời gian nhưng đã bị hoãn lại vì ông Zelenskyy đã tập trung vào các cuộc đàm phán với các đối tác phương Tây của Kyiv trong suốt mùa hè để xin viện trợ quân sự và tài chính.
“Đây là một cuộc cải tổ nhân sự theo kế hoạch của chính phủ”, Volodymyr Fesenko, một nhà phân tích chính trị tại Kyiv cho biết.
“Bây giờ một nửa chính phủ sẽ được đổi mới. Đây là phong cách của ông Zelenskyy. Ông ấy tin rằng bộ trưởng mới mang lại năng lượng mới, cách tiếp cận mới, làm việc tích cực hơn. Ông ấy mong đợi chính xác hiệu ứng này”.
Chính sách đối ngoại không thay đổi
Ông Fesenko không mong đợi một sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại sau khi ông Kuleba thôi chức.
Ông Zelenskyy dự kiến sẽ đề cử một bộ trưởng ngoại giao mới vào ngày 4/9, với một trong những ứng cử viên hàng đầu là thứ trưởng ngoại giao thứ nhất Andrii Sybiha.
Điện Kremlin nói rằng những thay đổi trong chính phủ ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hòa bình theo bất kỳ cách nào, mặc dù các cuộc đàm phán như vậy có vẻ là viễn cảnh xa vời khi hai bên tham chiến có mục tiêu cách xa nhau.
Vài tháng tới là thời điểm quan trọng đối với ông Zelenskyy khi ông tìm cách giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ phương Tây và giành lại thế chủ động trong cuộc chiến với Nga, sau khi Nga xâm lược nước này vào tháng 2/2022.
Cuối tháng này, ông Zelenskyy sẽ tới Mỹ, nơi ông hy vọng sẽ trình bày một “kế hoạch chiến thắng” với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, một đồng minh chủ chốt của Ukraine.
Các lực lượng Nga đang tiến vào miền đông Ukraine trong khi quân đội Ukraine đã thực hiện một cuộc xâm nhập táo bạo vào khu vực Kursk của Nga.
Moscow đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trong những tuần gần đây, trong khi Kyiv đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hàng loạt vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga vào cuối tuần qua.
Hôm 3/9, ít nhất 50 người, bao gồm cả binh lính, đã thiệt mạng do hai tên lửa ở thị trấn Poltava, miền trung Ukraine trong cuộc tấn công đơn lẻ chết chóc nhất của cuộc chiến trong năm nay.
Các nhà phân tích cho biết nguồn nhân tài của ông Zelenskyy bị hạn chế và dự kiến một số bộ trưởng sắp mãn nhiệm sẽ được bổ nhiệm lại vào các vai trò mới.
Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược sắp mãn nhiệm Oleksandr Kamyshin, người giám sát nỗ lực gia tăng sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine, cho biết hôm 3/9 rằng ông sẽ vẫn làm việc trong lĩnh vực quốc phòng với một vai trò khác.
Nhà lập pháp Yaroslav Zheleznyak cho biết quốc hội sẽ tiếp tục xem xét các đơn từ chức và bổ nhiệm mới vào ngày 5/9. Hiện tại, 10 trong số 21 danh mục bộ trưởng đang bỏ trống.
“Ngày mai, nội các sẽ được thiết lập lại, như đã lên kế hoạch”, ông viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (VOA)
Các hoạt động hàng hải và hàng không gần đây của Trung Cộng gần Philippines, Nhật Bản và Đài Loan là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đánh giá cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo giới phân tích, và rằng hoạt động gia tăng này diễn ra khi Tokyo và Washington chuẩn bị sắp có bầu cử.
“Trung Cộng nhìn thấy cơ hội để thử thách cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực rộng lớn hơn. Vì vậy, họ đang gửi tín hiệu tới Washington rằng nếu họ cố gắng đầu tư nhiều hơn vào Philippines và các mối quan hệ khác ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ cố gắng làm phức tạp cấu trúc an ninh của họ và khả năng quản lý nhiều vấn đề cùng một lúc”, ông Stephen Nagy, chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Nhật Bản, nói.
Các tàu cảnh sát biển Trung Cộng và Philippines đã va chạm ít nhất hai lần kể từ tháng trước gần Bãi cạn Sa Bin ở Biển Đông. Bãi cạn Sa Bin nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, hay EEZ, nhưng Bắc Kinh nói rằng rạn san hô chìm một phần này là một phần lãnh thổ của họ.
Vụ va chạm mới nhất xảy ra ngay sau buổi trưa ngày 31 tháng 8. Các video do cả đài truyền hình nhà nước Trung Cộng CCTV và lực lượng cảnh sát biển Philippines công bố cho thấy một tàu cảnh sát biển Trung Cộng đâm vào một tàu Philippines. Mỗi bên đều cáo buộc bên kia “cố ý” gây ra vụ va chạm.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một máy bay quân sự Trung Cộng đã vi phạm không phận của nước này lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 8 và một tàu khảo sát của Trung Cộng đã xâm phạm vào vùng biển lãnh thổ phía tây nam của Nhật Bản vào ngày 31 tháng 8.
Tokyo đã chính thức gửi kháng thư tới Tòa đại sứ Trung Cộng tại Nhật Bản, mô tả loạt xâm phạm này là “không thể chấp nhận được”, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 2/9 rằng hoạt động của tàu khảo sát Trung Cộng là “hoàn toàn hợp pháp và chính đáng”.
Ngoài các khu vực gần Philippines và Nhật Bản, Trung Cộng đã triển khai ít nhất 172 máy bay quân sự và 87 tàu hải quân đến các khu vực xung quanh Đài Loan kể từ ngày 26 tháng 8. Một số chuyên gia cho biết các hoạt động phối hợp của Trung Cộng tại ba địa điểm này nhằm mục đích “trừng phạt những kẻ thù lớn tiếng nhất” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Có vẻ như Trung Cộng tin rằng họ có một lượng sức mạnh áp đảo và sự thống trị leo thang nhất định, vì vậy họ đang cố gắng lấy một số quốc gia từ chối chấp nhận sự thống trị của Trung Cộng ở nước ngoài gần họ làm ví dụ”, ông Ray Powell, giám đốc Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, trả lời phỏng vấn qua điện thoại với VOA.
Cảnh báo là chưa đủ
Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác, bao gồm Nhật Bản, Úc và Liên hiệp Châu Âu, đã đưa ra tuyên bố lên án hành vi hung hăng trên biển của Trung Cộng sau vụ va chạm mới nhất giữa tàu Trung Cộng và Philippines gần bãi cạn Sa Bin. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hành vi xâm lược dai dẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông cho thấy những cảnh báo này là không đủ để buộc họ phải mềm mỏng hơn.
“Trong năm qua, Trung Cộng đã phớt lờ mọi cảnh báo từ Hoa Kỳ và các đồng minh và tiếp tục làm những gì họ đã làm ở Biển Đông”, ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, trả lời phỏng vấn qua điện thoại với VOA.
Hai ông Koh và Nagy đều cho rằng Hoa Kỳ và các đồng minh cần triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại hành động xâm lược hàng hải dai dẳng của Trung Cộng trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Họ cho rằng những biện pháp này bao gồm tiến hành nhiều chuyến đi qua vùng biển khu vực hơn, tăng cường sự hiện diện của các tàu hải quân trong khu vực và khởi xướng tham vấn về hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines.
“Nhiều quốc gia cần tiến hành các chuyến đi quốc tế qua Eo biển Đài Loan và Biển Đông, điều chỉnh sự hiện diện của các tàu hải quân của họ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tăng tần suất huấn luyện chung giữa các nước Đông Nam Á và các đồng minh khác, và cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Cộng”, ông Nagy trả lời VOA qua điện thoại.
Theo các báo cáo, hai tàu chiến của Đức, khinh hạm Baden-Württemberg và tàu tiếp tế Frankfurt am Main, đang chờ lệnh về khả năng đi qua Eo biển Đài Loan trong quá trình quá cảnh từ Hàn Quốc đến Philippines.
Kể từ đầu năm 2024, các tàu hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện ít nhất bốn lần đi qua vùng biển quốc tế ở Eo biển Đài Loan, vùng biển rộng 180 km nằm giữa Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Cộng. Các tàu hải quân từ Canada và Hà Lan cũng đã đi qua eo biển này trong năm nay.
Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ đã tái khẳng định thiện chí hỗ trợ các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tới các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông trong khi triển khai các phi đạn không đối không tầm cực xa tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều mà các chuyên gia cho rằng có thể xóa bỏ lợi thế về tầm bắn trên không của Trung Cộng.
Trong khi Trung Cộng đang cố gắng thử thách quyết tâm của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và gia tăng các hoạt động quân sự ở Tây Thái Bình Dương, một số nhà phân tích cho rằng không rõ Bắc Kinh có thể duy trì cường độ hoạt động hàng hải của mình trong bao lâu.
“[Mặc dù Trung Cộng] vẫn có thể chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng và thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, nhưng họ có thể làm được bao nhiêu trong tương lai vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải khi nền kinh tế của họ trưởng thành và nhân khẩu học của họ gây sức ép nhiều hơn đến tăng trưởng”, ông Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, trả lời VOA trong một phản hồi bằng văn bản.
Tuần trước, hãng thông tấn Reuters đưa tin rằng Trung Cộng đã chi 15 tỷ đô la vào năm 2023, tương đương 7% ngân sách quốc phòng, cho các hoạt động quân sự ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía bắc và Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết dữ liệu này dựa trên nghiên cứu nội bộ chưa từng được công bố trước đây do lực lượng vũ trang Đài Loan thực hiện.
Với việc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản chuẩn bị bầu nhà lãnh đạo mới vào cuối tháng này và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang bước vào những tuần cuối cùng, ông Powell tại Stanford dự kiến Trung Cộng sẽ duy trì mức độ hung hăng trên biển tương tự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những tháng tới.
“Nếu Trung Cộng thấy có cửa cho họ thúc đẩy các mục tiêu của họ khi các chính phủ dân chủ tập trung vào các cuộc bầu cử, họ sẽ thích tận dụng điều đó”, ông nói với VOA, đồng thời khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong vài tháng tới.
Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga (VOA)
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, khi trả lời câu hỏi về khả năng Hoa Kỳ cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine hôm 4/9, đã cảnh báo Mỹ rằng không được đùa giỡn về “lằn ranh đỏ” của Nga.
Ông Lavrov nói Hoa Kỳ đang mất đi tầm nhìn về ý thức răn đe lẫn nhau vốn đã củng cố sự cân bằng an ninh giữa Moscow và Washington kể từ Chiến tranh Lạnh, và rằng điều này rất nguy hiểm.
Ông đã bình luận về một bản tin của Reuters nói rằng Hoa Kỳ sắp đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa JASSM có thể vươn tới sâu bên trong nước Nga – điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lâu nay đã vận động Washington.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên về bất cứ điều gì – người Mỹ đã vượt qua ngưỡng mà họ tự đặt ra cho mình. Họ đang bị thúc đẩy, và ông Zelenskyy tất nhiên nhìn thấy điều này và tận dụng nó“, ông Lavrov nói với một người phỏng vấn trên truyền hình Nga.
“Nhưng họ nên hiểu – họ đang đùa về lằn ranh đỏ của chúng tôi ở đây. Họ không nên đùa về lằn ranh đỏ của chúng tôi.”
Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây kể từ khi phát động cái mà ông gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine vào năm 2022 là đừng tìm cách ngăn chặn Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nhưng Washington và các đồng minh đã tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng, tên lửa tiên tiến và máy bay chiến đấu F-16.
Điều đó đã khiến một số chính trị gia phương Tây cho rằng tuyên bố về hạt nhân của ông Putin chỉ là lời nói suông và rằng Hoa Kỳ và NATO nên làm hết sức mình để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến. Theo ông Zelenskyy, cuộc đột kích của Ukraine vào Nga, được phát động vào ngày 6/8, đã chế giễu lằn ranh đỏ của ông Putin.
Ông Lavrov nói rằng Washington biết những giới hạn này nằm ở đâu nhưng đã sai nếu tin rằng hậu quả của bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ chủ yếu do châu Âu gánh chịu.
“Họ có một niềm tin di truyền rằng không ai có thể chạm vào họ”, ông Lavrov nói. Ông cho biết điều này đã làm suy yếu mọi nguyên tắc đã củng cố sự ổn định chiến lược với Washington kể từ thời Liên Xô.
“Cảm giác răn đe lẫn nhau này – vì một lý do nào đó, họ đang bắt đầu đánh mất nó. Điều này thật nguy hiểm”, ông nói.
Cảnh báo
Ông Lavrov ám chỉ đến những phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby, người cho biết vào tháng 6 rằng Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nói rằng Washington không muốn “Chiến tranh Thế giới thứ Ba”.
Ông Kirby nói rằng một cuộc leo thang lớn của cuộc chiến tranh Ukraine có thể gây ra “hậu quả thảm khốc, có khả năng xảy ra trên khắp lục địa châu Âu” và sẽ không tốt cho lợi ích của Hoa Kỳ.
Đây là lần thứ hai chỉ trong hơn một tuần, ông Lavrov cảnh báo Hoa Kỳ rằng một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ không chỉ giới hạn ở châu Âu.
Điện Kremlin cho biết hôm 4/9 rằng Nga đang thực hiện những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của mình vì Washington và các đồng minh đang đe dọa Nga bằng cách leo thang chiến tranh ở Ukraine và chà đạp lên những gì mà họ gọi là lợi ích an ninh hợp pháp của Moscow.
Nước này vẫn chưa cho biết họ dự định cập nhật tài liệu chính sách nêu rõ các trường hợp có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như thế nào hoặc khi nào những thay đổi sẽ có hiệu lực.
Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản (RFI)
Tính đến hôm 01/09/2024, trong chưa đầy một tuần, quân đội Trung Cộng đã lần thứ hai xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản. Từ đầu năm 2024, đã hơn một chục lần các loại tàu của Hải Quân Trung Cộng xâm nhập vào các vùng biển của Nhật Bản.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn thông cáo hôm 31/08/2024 của bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết, Tokyo phát hiện một tàu khảo sát của Hải Quân Trung Cộng trong vùng biển thuộc thủ quyền của Nhật ở phía tây đảo Kuchinoerabu vào khoảng 6 giờ sáng (giờ địa phương). Gần hai tiếng đồng hồ sau đó, tàu của Trung Cộng tiếp tục tiến về phía nam trước khi ra khỏi vùng biển thuộc phía tây nam đảo Yakushima.
Lãnh đạo đặc trách hồ sơ châu Á và châu Đại Dương của bộ Ngoại Giao Nhật, Hiroyuki Namazu đã « phản đối và bày tỏ quan ngại sâu sắc » với phía đại sứ quán của Trung Cộng tại Tokyo. Đây là lần thứ nhì trong vòng một tuần lễ Nhật Bản phản đối Trung Cộng xâm phạm chủ quyền quốc gia. AFP nhắc lại hôm thứ Hai đầu tuần (26/08/2024), máy bay do thám Y-9 của Trung Cộng đã thâm nhập không phận Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo Danjo, thuộc tỉnh Nagasaki. Ngay lập tức Tokyo mạnh mẽ lên án một hành vi « không thể chấp nhận được » khi mà Trung Cộng vi phạm chủ quyền quốc gia của Nhật Bản. Đồng thời chính quyền của thủ tướng Fumio Kishida ra lệnh tăng cường khả năng phòng thủ nhằm ngăn Bắc Kinh sử dụng các phương tiện quân sự để khẳng định chủ quyền trong khu vực biển Hoa Đông.
Sứ quán Trung Cộng tại Tokyo từ chối bình luận với Reuters về các sự cố nói trên. Đài truyền hình Nhật NHK lưu ý, từ đầu năm đến nay đã hơn một chục lần Bắc Kinh cho tàu, kể cả tàu ngầm và tàu khảo sát, thâm nhập vào hải phận của Nhật Bản.
Bất chấp lệnh bắt của CPI, tổng thống Putin chính thức thăm Mông Cổ (RFI)
Tối hôm 02/09/2024, ông Vladimir Putin đã tới Mông Cổ bắt đầu chuyến công du chính thức. Lần đầu tiên, tổng thống Nga tới thăm một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI), định chế đã phát lệnh bắt ông với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Rõ ràng lệnh bắt giữ quốc tế đó không ngăn cản chuyến thăm với trọng tâm phát triển quan hệ hữu nghị với nước láng giềng châu Á.
Hôm nay, tổng thống Vladimir Putin đã được người đồng cấp Mông Cổ, Ukhnaa Khurelsukh đón tiếp theo nghi lễ long trọng ở quảng trường lớn Thành Cát Tư Hãn của thủ đô Ulan-Bator. Chuyến thăm của tổng thống Nga diễn ra vào dịp kỷ niệm 85 năm quân đội Mông Cổ và Liên Xô chiến thắng phát xít Nhật.
Thông tín viên Jean-Didier Revoin từ Matxcơva cho biết thêm thông tin:
Quân phục duyệt binh đỏ và xanh, những thanh kiếm lấp lánh trong đêm : Một đội danh dự thực sự chào đón Vladimir Putin khi tổng thống Nga bước xuống máy bay, ngay trên đường băng. Sau đó ông lên xe riêng rời phi trường Ulan-Bator cùng với đoàn xe mô tô cảnh sát hộ tống.
Chính quyền Mông Cổ không bắt tổng thống Nga, bất chấp việc Tòa Hình Sự Quốc Tế đã phát lệnh truy nã ông. Yêu cầu của Kiev, Liên Hiệp Châu Âu hay của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch đã không có hiệu quả như mong đợi. Cần phải nói là ông Vladimir Putin đã nhận lời mời của người đồng cấp Mông Cổ, nên không thể có việc mời tổng thống Nga đến để bắt.
Matxcơva cũng nhấn mạnh không lo chuyện bắt giữ có thể xảy ra vì mối quan hệ hữu nghị gắn kết hai nước. Điều đó có nghĩa là Kremlin chắc chắn đã có được bảo đảm trước. Ông Vladimir Putin sẽ ở thăm Mông Cổ 2 ngày và sẽ đề cập đến việc phát triển quan hệ Nga – Mông Cổ trong tương lai, những vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay. Nhiều văn kiện song phương sẽ được ký kết trong dịp này.
Ông Putin đến thăm Mông Cổ
Thách thức quốc tế ?
Chuyến công du của tổng thống Nga tới Ulan-Bator được giới quan sát nhìn nhận như là một thách thức đối với CPI, với Ukraina, cũng như đối với nhiều nước phương Tây và các tổ chức bảo vệ nhân quyền yêu cầu tòa phát lệnh bắt giữ ông Hồi tháng 03/2023, tổng thống Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) phát lệnh bắt vì trách nhiệm liên quan đến vụ cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraina đến Nga. Mông Cổ là quốc gia thành viên CPI từ năm 2002, theo quy chế hoạt động của Tòa Án, Mông Cổ sẽ phải thực hiện lệnh bắt giữ trên.
Kiev đã tức giận phản ứng. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraina, Georguii Tykhii, chỉ trích Mông Cổ đã « cho phép một tội phạm thoát khỏi công lý, tức là phải chia sẻ trách nhiệm với những tội ác chiến tranh của ông Putin ».
Tuần trước, CPI, đóng trụ sở tại La Haye, Hà Lan, đã nhắc lại rằng các nước thành viên phải « có nghĩa vụ » bắt giữ các đối tượng bị Tòa truy nã.
Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin (VOA)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 2/9 đã đẩy lùi làn sóng áp lực mới nhằm buộc ông phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza sau khi hàng trăm nghìn người Israel biểu tình phản đối và đình công trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Netanyahu cần phải làm nhiều hơn nữa sau gần 11 tháng chiến tranh.
Trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ hôm 2/9, vốn cho thấy phản ứng giận dữ của nhiều người Israel trước việc phát hiện thêm sáu con tin đã chết, ông Netanyahu cho biết ông sẽ tiếp tục nhấn mạnh vào một yêu cầu được xem là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán, đó là việc Israel tiếp tục kiểm soát cái gọi là hành lang Philadelphi, một dải hẹp dọc biên giới Gaza với Ai Cập, nơi Israel cáo buộc Hamas đưa lậu vũ khí vào Gaza. Ai Cập và Hamas phủ nhận điều đó.
Ông Netanyahu gọi hành lang này là nơi quan trọng để đảm bảo Hamas không thể tái vũ trang qua các đường hầm. Ông nói: “Đây là oxy của Hamas”.
Và ông nói thêm: “Không ai quyết tâm giải thoát con tin hơn tôi… Sẽ không có ai rao giảng cho tôi về vấn đề này”.
Người Israel đã đổ ra đường vào cuối ngày 1/9 trong nỗi đau buồn và tức giận trong cuộc biểu tình được cho là lớn nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Các gia đình và phần lớn công chúng đổ lỗi cho ông Netanyahu, nói rằng các con tin có thể đã sống sót trở về nếu có một thỏa thuận với Hamas. Một cuộc tổng đình công hiếm hoi đã được tổ chức trên khắp đất nước hôm 2/9.
Cuối ngày 2/9, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài nhà riêng của ông Netanyahu ở trung tâm Jerusalem, hô vang “Thỏa thuận. Ngay lúc này.” và mang theo những chiếc quan tài phủ quốc kỳ Israel. Đụng độ nổ ra khi cảnh sát giật quan tài và một số người biểu tình đã bị bắt giữ. Hàng nghìn người khác đã tuần hành bên ngoài văn phòng Đảng Likud của ông Netanyahu ở Tel Aviv, theo truyền thông Israel.
Nhưng những người khác ủng hộ nỗ lực của ông Netanyahu nhằm tiếp tục chiến dịch ở Gaza, vốn xảy ra sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel và cuộc chiến sau đó đã làm hàng chục nghìn người Palestine thiệt mạng.
Ông Netanyahu nói rằng cuộc tấn công sẽ buộc các chiến binh phải nhượng bộ trước các yêu cầu của Israel, có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu người và cuối cùng là tiêu diệt nhóm này.
Đồng minh chủ chốt của Mỹ đang tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Ông Biden đã nói chuyện với các phóng viên khi trở về Nhà Trắng để tham dự cuộc họp tại Phòng Tình huống với nhóm hòa giải của Mỹ trong các cuộc đàm phán. Khi được hỏi liệu ông Netanyahu đã làm đủ chưa, ông Biden trả lời: “Chưa”.
Ông nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán vẫn “rất gần” với một thỏa thuận, đồng thời nói thêm, “Sự hy vọng là vĩnh cửu”.
Hamas đã cáo buộc Israel kéo dài nhiều tháng đàm phán bằng cách đưa ra các yêu cầu mới, bao gồm cả việc Israel giành quyền kiểm soát lâu dài đối với hành lang Philadelphi và hành lang thứ hai chạy qua Gaza. Hamas đã đề nghị thả tất cả con tin để đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh, việc rút quân hoàn toàn của lực lượng Israel và việc thả một số lượng lớn tù nhân Palestine, bao gồm cả các chiến binh nổi tiếng – nói chung là các điều khoản được yêu cầu trong bản thảo thỏa thuận được ông Biden đưa ra vào tháng Bảy.
Ông Netanyahu đã cam kết giành “chiến thắng hoàn toàn” trước Hamas và đổ lỗi cho tổ chức này về sự thất bại của cuộc đàm phán. Hôm 2/9, ông cho biết sẵn sàng thực hiện giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn – một kế hoạch bao gồm việc thả một số con tin, rút một phần quân đội Israel và thả một số tù nhân do Israel giam giữ. Tuy nhiên, ông bác bỏ việc rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, nói rằng ông không thấy bên nào khác có thể kiểm soát biên giới của Gaza.
Truyền thông Israel đưa tin rằng có sự khác biệt sâu sắc giữa Thủ tướng Netanyahu và các quan chức an ninh hàng đầu, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, người nói rằng thời điểm đã chín muồi để ngừng bắn.
Khoảng 250 con tin đã bị bắt vào ngày 7/10. Hơn 100 người đã được thả trong lệnh ngừng bắn vào tháng 11 để đổi lấy việc thả những người Palestine bị Israel giam giữ. Tám người đã được lực lượng Israel giải cứu. Quân đội Israel đã vô tình giết chết ba người Israel trốn thoát khỏi nơi giam cầm vào tháng 12.
Khoảng 100 con tin vẫn còn ở Gaza, một phần ba trong số đó được cho là đã thiệt mạng. Các chiến binh do Hamas cầm đầu đã giết khoảng 1.200 người, chủ yếu là thường dân, khi họ tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7/10. Cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza đã giết chết hơn 40.000 người Palestine, theo các quan chức y tế địa phương, những người không nói rõ có bao nhiêu người là chiến binh.
Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi (RFI)
Ngày 02/09/2024, Trung Cộng long trọng đón tiếp các lãnh đạo của toàn châu Phi đến dự Diễn đàn Hợp tác Trung Cộng – Châu Phi (FOCAC), diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 04/9 và kéo dài trong năm ngày.
Cùng ngày, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã tiếp một số đồng cấp trong khuôn khổ chiến lược rộng lớn của Trung Cộng nhằm thắt chặt quan hệ với châu lục, tăng cường hợp tác kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và hợp tác song phương.
Thông tín viên đài RFI, Cléa Broadhurst tường thuật từ Bắc Kinh :
« Lịch trình làm việc buổi sáng của chủ tịch Tập Cận Bình dày dặc : ông lần lượt tiếp các đồng cấp Djibouti, Togo, Comore… Nhưng trước hết, cuộc gặp của ông với Félix Tshisekedi, tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, đã giúp hai nước có thể đề cập đến mối hợp tác song phương quan trọng về một mối quan hệ đối tác kinh tế, cũng như là tăng cường năng lực hải quan và truyền thông.
Về phần mình, tổng thống Mali chú trọng đến một mối hợp tác có lợi liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và khai thác mỏ cùng với an ninh.
Nhưng chắc chắn, cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình với Cyril Ramaphosa mới là điểm nhấn trong ngày. Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh rằng việc giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Nam Phi và Trung Cộng là điều cần thiết. Ông kêu gọi những khoản đầu tư bền vững hơn có thể tạo ra việc làm và hỗ trợ vực dậy kinh tế đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghiệp chế biến.
Diễn đàn FOCAC lần thứ 9 cũng sẽ đề cập đến vai trò của Trung Cộng với tư cách là nhà tài trợ chính cho châu Phi, khu vực có nhiều quốc gia đang phải vật lộn với khoản vay nợ ngày càng lớn ».
‘Gián điệp Trung Cộng’: thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa (BBC)
Sau nhiều tuần chạy trốn do bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Cộng, cựu Thị trưởng Philippines Alice Guo đã bị bắt ở Indonesia vào đêm ngày 3/9. Cùng thời gian tại Mỹ, một phụ nữ khác bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Cộng.
“Diễn biến mới này đã được đồng nghiệp của chúng tôi tại Cục Di trú xác minh. Họ đã xác định được rằng bà Guo hiện đang bị đội Jatanras Mabes Polri của Cảnh sát Indonesia giam giữ,” Bộ Tư pháp Philippines cho biết trong một thông cáo.
Jatanras Mabes Polri là tên gọi của Tiểu ban Phòng chống Tội phạm Bạo lực của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia.
Bà Alice Guo đã biến mất khỏi Philippines vào tháng Bảy sau khi bị điều tra với các cáo buộc phạm tội.
Kể từ đó, giới chức Philippines đã truy lùng bà Guo qua bốn quốc gia.
Bà Guo bị buộc tội bảo vệ các sòng bạc trực tuyến vốn là vỏ bọc cho các trung tâm lừa đảo và các tổ chức buôn người tại Bamban – một thị trấn ngái ngủ với nhiều trang trại lợn.
Bà Guo phủ nhận các cáo buộc.
Quan chức Philippines cho biết họ đang phối hợp với chính quyền Indonesia để đưa bà Guo trở về Philippines “sớm nhất có thể”.
Bà Guo nói rằng mình lớn lên tại một trang trại cùng với cha người Trung Cộng và mẹ người Philippines.
Tuy nhiên, những thượng nghị sĩ tham gia công tác điều tra các hoạt động của trung tâm lừa đảo nói trên lại cáo buộc bà Guo là công dân Trung Cộng, có tên là Guo Hua Ping, và đồng thời là một gián điệp “bảo kê” cho các băng nhóm tội phạm.
Trước đó, vào ngày 21/8, bà Shiela Guo (chị gái của bà Alice Guo) và bà Cassandra Li Ong (trợ lý kinh doanh của bà Alice Guo) đã bị bắt với cáo buộc liên quan đến vụ việc.
Về hành trình chạy trốn của bà Guo, giới chức Philippines cho rằng sau khi vượt biên vào tháng Bảy, bà đã sử dụng thuyền để di chuyển sang các quốc gia láng giềng, bao gồm Malaysia và Singapore, sau đó hướng về phía Indonesia – nơi bà bị bắt tại biên giới phía tây thủ đô Jakarta.
Cũng vào ngày 3/9, bà Linda Sun (41 tuổi, công dân Mỹ gốc Trung Cộng), cựu phó chánh văn phòng của Thống đốc New York Kathy Hochul, phải hầu tòa với cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Cộng.
‘Hàng triệu đô la tiền lại quả’
Trong khoảng 14 năm, bà Sun đã thăng tiến qua nhiều chức vụ và trở thành phó chánh văn phòng của thống đốc New York.
Theo các công tố viên liên bang, bà Sun đã lợi dụng vị trí của mình để hỗ trợ các quan chức chức Trung Cộng, bao gồm việc ngăn cản các nhà ngoại giao Đài Loan liên hệ với chính quyền New York và bí mật chia sẻ các tài liệu nội bộ với Bắc Kinh.
Đổi lại, Trung Cộng được cho là đã trả cho bà Sun và chồng bà, ông Christopher Hu, hàng triệu đô la tiền lại quả, giúp họ mua một căn nhà 4,1 triệu USD ở New York, và một số đãi ngộ khác, bao gồm cả việc giao vịt muối tận nhà.
Các công tố viên cáo buộc bà Sun đã làm “điệp viên bí mật của chính phủ Trung Cộng”, trong khi chồng bà “hỗ trợ việc chuyển giao hàng triệu đô đô la tiền lại quả để phục vụ lợi ích cá nhân”.
Hầu tòa vào ngày 3/9, vợ chồng bà Sun ông Hu đã tuyên bố vô tội trước các cáo buộc, bao gồm việc không đăng ký làm nhân viên đại diện của nước ngoài, gian lận thị thực và rửa tiền.
Theo luật của Mỹ, các cá nhân hoạt động vì lợi ích của các quốc gia khác, hoặc đảng phái ngoại bang, sẽ phải đăng ký làm nhân viên đại diện của nước ngoài.
Bà Sun chưa bao giờ làm điều này – và theo các công tố viên, bà “đã chủ động che giấu việc thực hiện các hành động theo lệnh, yêu cầu hoặc chỉ đạo” của các quan chức và đại diện của chính phủ Trung Cộng.
Bà Sun bị cáo buộc đã tìm cách để các quan chức lãnh sự quán Trung Cộng “tiếp cận” các lãnh đạo bang New York vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp bang này.
Hành động của bà Sun trắng trợn đến mức, có một lần, bà Sun đã bí mật đưa thêm một quan chức Trung Cộng vào cuộc gọi nội bộ của chính quyền bang New York bàn về giải pháp y tế công cộng liên quan tới Covid-19, theo các công tố viên.
‘Mọi chuyện đã được xử lý ổn thỏa’
Theo cáo trạng, bà Sun đã nhiều lần ngăn cản các đại diện của Đài Loan liên lạc hoặc gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ.
“Mọi chuyện đã được xử lý ổn thỏa,” bà Sun bị cáo buộc đã khoe như vậy trong tin nhắn gửi cho một quan chức lãnh sự Trung Cộng vào năm 2016, sau khi thành công ngăn cản một chính trị gia cấp cao nhất của New York tham dự một sự kiện do Đài Loan tổ chức.
Vào năm 2019, khi Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là bà Thái Anh Văn tới thành phố New York, có những bức ảnh chụp cho thấy bà Sun đã tham gia một cuộc biểu tình của phe thân Trung Cộng phản đối chuyến thăm.
Vào thời điểm tháng 1/2021, bà Sun âm thầm tác động để chính quyền New York không đề cập đến việc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương.
Bà Sun sau đó đã nói với một quan chức Trung Cộng khác rằng bà đã có một cuộc tranh luận với người viết diễn văn của Thống đốc New York Kathy Hochul để loại bỏ chi tiết đề cập đến “tình hình người Duy Ngô Nhĩ” khỏi bản nháp bài phát biểu của bà Hochul.
Khi các quan chức Trung Cộng hỏi rằng liệu Thống đốc Kathy có thể ghi hình một video chúc Tết Nguyên đán hay không, bà Sun đã hỏi họ muốn “điểm chính” là gì.
“Chủ yếu là những lời chúc mừng năm mới, cũng như hy vọng về quan hệ hữu nghị và hợp tác,” các quan chức Trung Cộng viết. “Đừng chính trị quá.”
Vào năm 2023, khi làm việc tại Sở Lao động New York, bà Sun đã có được một thông điệp chúc Tết Nguyên đán chính thức của Thống đốc Kathy Hochul và trao nó cho một quan chức Trung Cộng.
Thông điệp này đã được công bố trên các các kênh phi chính thống và thậm chí còn không có sự cho phép của văn phòng bà Hochul.
Bà Sun cũng soạn thảo các thư giả mạo mời các chính trị gia Trung Cộng đến Mỹ và viết một lá thư tuyển dụng, dù không được ủy quyền, để bổ sung một đồng hương vào Hội đồng Tư vấn người Mỹ gốc Á của thống đốc New York.
Tháng 3/2023, bà Sun đã bị đuổi việc.
Văn phòng Thống đốc New York cho biết bà Sun đã được chính quyền trước đây của ông Andrew Cuomo tuyển dụng.
Ông Cuomo đã từ chức vào tháng 8/2021 sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục.
“Người này [bà Sun] được một ban điều hành tuyển dụng từ hơn một thập kỷ trước,” một người phát ngôn của văn phòng thống đốc nói với BBC.
‘Chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động của bà Sun vào tháng 3/2023 sau khi phát hiện ra bằng chứng cho thấy có sai phạm, và ngay lập tức báo cáo hành vi của bà ấy cho cơ quan thực thi pháp luật, [đồng thời] hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật trong suốt quá trình này.’”
Bà Christie Curtis, quyền trợ lý giám đốc FBI, cho biết bà Sun đã “lợi dụng chức vụ của mình… để âm thầm thúc đẩy” chương trình nghị sự của Trung Cộng, “đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của đất nước chúng ta [Mỹ]”.
Ông Howard Master, cựu công tố viên New York, nói với BBC rằng các cáo buộc đối với bà Sun phản ánh một xu hướng “đáng lo ngại” của việc quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cựu Thượng nghị sĩ New Jersey, Bob Menendez, nhận quà hối lộ từ các chính phủ nước ngoài.
TIN VIỆT NAM.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi ‘thể chế chính trị’
Mới đây, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, cựu ủy viên Trung ương Đảng, đã đăng tâm thư gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi thay đổi thể chế.
Cụ thể, ông Bin nói Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện “đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để”, vì hệ thống chính trị hiện hành đang rơi khủng hoảng trầm trọng sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Ông Nguyễn Đình Bin là một nhà ngoại giao kỳ cựu. Ông sinh năm 1944 và vừa nhận huy hiệu 55 tuổi đảng.
Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 8 (1996-2001).
Ông giữ chức thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao từ năm 2000 đến năm 2008, dưới hai thời bộ trưởng Nguyễn Dy Niên và Phạm Gia Khiêm. Ông từng làm chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, đại sứ Việt Nam tại Nicaragua, Pháp và nổi tiếng với biệt danh “con nuôi Chủ tịch Fidel Castro”.
Tâm thư của ông Nguyễn Đình Bin xuất hiện đầu tiên trên trang Facebook tên Nguyễn Đình Bin vào đúng ngày Quốc khánh 2/9/2024. Một số người quen của ông đã xác nhận với BBC đây là Facebook của cựu Thứ trưởng thường trực Nguyễn Đình Bin.
Đồng thời, với sự cho phép của ông Nguyễn Đình Bin, BBC đã có được bốn văn bản có đầy đủ nội dung các bức tâm thư mà ông viết và gửi đi trong những ngày cụ thể sau:
- Thư ngỏ ngày 2/9/2024 gửi các lãnh đạo, nguyên lãnh đảo Đảng và toàn thể đồng bào trong và ngoài nước
- Tâm thư ngày 4/8/2024 gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
- Tâm thư ngày 19/5/2024 gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tâm thư ngày 19/5/2020 gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Nội dung các bức thư gửi vào những thời điểm khác nhau, đến các đối tượng khác nhau, có nhiều điểm tương đồng, với ý tưởng nổi bật là “hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng”.
Do đó, “Đảng phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để” và những hiến kế chi tiết của ông đều xuất phát từ quyết tâm “bảo vệ Đảng trước các nguy cơ, thách thức sống còn” và mong rằng Đảng sẽ “tự cứu lấy chính mình”.
(Trích BBC 04-09-2024)
Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối tân TBT Tô Lâm
Ông Lê Trọng Hùng, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An), bắt đầu tuyệt thực từ ngày 04/9 để đòi công lý trong vụ án của ông cũng như phản đối việc ông Tô Lâm trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Hùng, 45 tuổi, là nhà báo độc lập, bị bắt vào ngày 27/3/2021 sau khi tuyên bố ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử cùng năm.
Trong phiên toà sơ thẩm vào cuối năm 2021, ông bị kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về kế hoạch tuyệt thực của chồng qua tin nhắn ngày 4/9:
“Chồng tôi dự kiến tuyệt thực, chỉ uống nước lọc trong 50 ngày nhưng tôi đang thuyết phục anh giảm xuống 30 ngày vì ngày 4/10 năm nay là kỉ niệm 15 năm ngày cưới của chúng tôi. Tuy nhiên, anh Hùng chưa đồng ý.”
Thông tin này được ông Hùng nói lại với vợ trong cuộc thăm gặp ngày 16/7 và cho biết thêm cuộc tuyệt thực lần này có “liên quan đến Quốc hội và ông Tô Lâm” và “có lẽ phản đối ông ấy ngồi sai chỗ,” trước khi bị cán bộ trại giam chặn không cho nói tiếp.
Tô Lâm, người đứng đầu ngành công an từ năm 2016, trở thành Chủ tịch nước vào cuối tháng 5 vừa qua, và sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông lại được bầu làm người kế nhiệm vào ngày 03/8.
Trong cuộc gọi điện về nhà theo định kỳ hàng tháng vào ngày 16/8, cán bộ trại giam nhắc nhở không cho đề cập đến chuyện tuyệt thực, do vậy, ông Hùng lợi dụng lúc họ xao nhãng mới vội vàng nói ra.
Bà hy vọng sẽ có thể hỏi rõ hơn về cuộc tuyệt thực trong cuộc gọi điện của chồng về nhà sắp tới, tuy nhiên, việc tuyệt thực có thể khiến ông bị cán bộ quản giáo kỷ luật, cắt thăm nuôi và không cho gọi điện về nhà.
Bà bày tỏ sự ủng hộ việc tuyệt thực của chồng vì đây “gần như là cách duy nhất trong thời điểm này để anh bày tỏ sự kiên định với mục đích cùng con đường mình đã chọn.”
Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam số 6 qua số điện thoại công khai trên Internet để hỏi về vụ tuyệt thực của ông Hùng.
Năm ngoái, ông Hùng tuyệt thực 30 ngày, cũng bắt đầu từ ngày 04/9, với mục tiêu yêu cầu toà án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của ông, do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo.
Ông cũng yêu cầu cán bộ Trại giam số 6 tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân, và đề nghị đại biểu Quốc hội vào gặp vì bản thân đang đề nghị thành lập Tòa Bảo Hiến. Tuy nhiên, các yêu cầu của ông không được đáp ứng.
Ông Hùng là một cựu giáo viên của Trường Câm điếc Xã Đàn (Hà Nội), được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có tên CHTV. Nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai (RFA)
Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
Tàu tuần tra USCGC Mellon loại biên của Tuần duyên Mỹ đang đi vào ụ khô ở Seattle, bang Washington, để chuẩn bị chuyển giao cho Hải quân Việt Nam, theo thông tin và hình ảnh từ các trang tin quân sự của Mỹ hôm 28/8 vừa qua.
Đây là tàu lớp Hamilton và là tàu tuần duyên thứ ba mà Mỹ sẽ chuyển giao cho Việt Nam kể từ năm 2017 đến nay trong nỗ lực nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng an ninh biển.
Hai tàu tuần duyên loại biên lớp Hamilton khác được Mỹ bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: Morgenthau bàn giao vào tháng 5/2017 và được đổi thành tàu CSB 8020; tàu John Midgett bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam vào năm 2021 và được đổi tên thành tàu CSB 8021.
Trong chuyến thăm của đoàn nghị sĩ và dân biểu Mỹ tới Việt Nam hồi tháng 4 năm ngoái, ngay trước khi hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, phía Mỹ đã công bố thông tin về việc sớm chuyển giao tàu tuần duyên thứ ba cho Việt Nam.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley nói với báo chí về cam kết của Mỹ trong việc giúp Việt Nam củng cố an ninh biển vào khi có những diễn biến mới ở Biển Đông và đó là lý do Mỹ đã chuyển giao các tàu tuần duyên cho Việt Nam và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Các tàu tuần duyên của Mỹ đều là các tàu hiện đại có trang bị các công nghệ định vị và liên lạc cũng như hệ thống vũ khí tiên tiến.
Quyết định chuyển giao các tàu tuần duyên của Mỹ cho Việt Nam nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm làm sâu thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vào khi có căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Đây cũng được xem là cách mà Mỹ đối phó với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc trong khu vực, nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông.
Tàu USCGC Mellon được hạ thủy vào năm 1966 và được chính thức đưa vào hoạt động vào năm 1968. Tàu đã từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, giai đoạn từ 1969 đến 1972 và được loại biên vào năm 2020.
Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
Dự báo bão số 3 (Yagi) có thể đạt cường độ cấp 14, giật cấp 17 ở trên Biển Đông và có hai kịch bản đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
Tối 3-9, ông Vũ Anh Tuấn – phó trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – thông tin diễn biến, nhận định khả năng tác động của bão số 3 tới nước ta.
Theo ông Tuấn, sau khi vào Biển Đông, bão số 3 dần đổi hướng sang hướng tây và di chuyển chậm lại, cường độ bão bắt đầu có dấu hiệu tăng dần.
Tính đến thời điểm 19h tối 3-9, cường độ bão đang ở cấp 10, tăng 2 cấp so với sáng cùng ngày. “Theo nhận định đến thời điểm hiện tại (chiều 3-9) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khi di chuyển sâu vào trong Biển Đông, bão tiếp tục tăng cấp và có khả năng đạt đến cường độ cực đại cấp 14, giật cấp 17 ở khu vực phía bắc của Bắc Biển Đông.
Trung tâm dự báo cảnh báo rủi ro thiên tai trên vùng biển cấp 4″, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh bão số 3 có ba đặc điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, bão liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông. Tính từ thời điểm bão vào Biển Đông tới khi đạt cấp cường độ cực đại, bão tăng 6 cấp (từ cấp 8 lên cấp 14).
Thứ hai, phạm vi gió mạnh trong bão rộng và tăng theo mức độ tăng cấp của cơn bão. Điều này thể hiện rõ nhất là vùng nguy hiểm do bão gây ra mở rộng theo hướng di chuyển của bão.
Thứ ba, đặc biệt phải lưu ý các ổ mây dông mạnh có khả năng xuất hiện trước ảnh hưởng của cơn bão. Những ổ mây dông có khả năng gây ra lốc xoáy và gió giật mạnh trên biển.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, đến thời điểm này, những dự báo trong 2 ngày qua đến bây giờ cơ bản là chính xác, dựa theo số liệu quan trắc, số liệu đo đạc, dự báo đối chứng của các cơ quan Khí tượng quốc gia.
Đồng thời, Bộ trưởng nhận định cơn bão số 3 có tốc độ di chuyển nhanh, cường độ cao và có khả năng nâng lên mức siêu bão, sức ảnh hưởng rất lớn trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, phải có biện pháp để giảm thiểu thiệt hại cho đất liền.
Với những giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ chú trọng việc ưu tiên cho công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp các thông tin nhanh, kịp thời và chính xác về cơn bão số 3. Đưa ra các kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị với ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương liên quan đến việc vận hành liên hồ chứa, xả lũ. (Tổng hợp)