TIN THẾ GIỚI.

Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay (VOA)

Ukraine hôm 10/9 đã tấn công khu vực Moscow trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay vào thủ đô của Nga, giết chết ít nhất một phụ nữ, phá hủy hàng chục ngôi nhà và buộc khoảng 50 chuyến bay phải chuyển hướng khỏi các sân bay xung quanh Moscow.

Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, cho biết họ đã phá hủy ít nhất 20 máy bay không người lái tấn công của Ukraine khi chúng bay qua khu vực Moscow, nơi có dân số hơn 21 triệu người, và 124 máy bay không người lái khác ở tám khu vực khác.

Ít nhất một người đã thiệt mạng gần Moscow, chính quyền Nga cho biết. Ba trong số bốn sân bay của Moscow đã phải đóng cửa trong hơn sáu giờ và gần 50 chuyến bay đã bị chuyển hướng.

Cao ốc chung cư ở Moscow bị tấn công. Ảnh Reuter

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một lời nhắc nhở khác về bản chất thực sự của giới lãnh đạo chính trị Ukraine, mà ông nói là gồm các kẻ thù của Nga.

“Không đời nào các cuộc tấn công vào ban đêm vào các khu dân cư có thể liên quan đến hành động quân sự”, ông Peskov nói.

“Chế độ Kyiv tiếp tục thể hiện bản chất của mình. Họ là kẻ thù của chúng tôi và chúng tôi phải tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ mình khỏi những hành động như vậy”, ông nói, sử dụng cách diễn đạt mà Moscow dùng để mô tả cuộc chiến của mình ở Ukraine.

Trong khi đó Kyiv cho biết Nga, nước đã triển khai hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, đã tấn công Ukraine vào ban đêm bằng 46 máy bay không người lái, trong đó có 38 máy bay đã bị phá hủy.

Người dân nói với Reuters rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Nga hôm 10/9 đã gây hư hại cho các tòa nhà chung cư cao tầng ở quận Ramenskoye thuộc vùng Moscow, khiến các căn hộ bốc cháy.

Một phụ nữ 46 tuổi đã thiệt mạng và ba người bị thương ở Ramenskoye, thống đốc vùng Moscow Andrei Vorobyov cho biết.

Người dân cho biết họ bị đánh thức vì tiếng cháy nổ.

“Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy một quả cầu lửa”, Alexander Li, một cư dân của quận nói với Reuters. “Cửa sổ bị thổi bay bởi sóng xung kích”.

Georgy, một cư dân từ chối cho biết họ của mình, cho biết ông nghe thấy tiếng máy bay không người lái vo ve bên ngoài tòa nhà của mình vào sáng sớm. “Tôi kéo rèm lại và nó đánh trúng vào tòa nhà ngay trước mắt tôi, tôi đã nhìn thấy tất cả”, ông nói. “Tôi đưa gia đình mình chạy ra ngoài”.

Quận Ramenskoye, cách Điện Kremlin khoảng 50 km về phía đông nam, có dân số khoảng một phần tư triệu người, theo dữ liệu chính thức.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 70 máy bay không người lái cũng đã bị bắn hạ trên vùng Bryansk của Nga và hàng chục máy bay khác trên các vùng khác. Không có thiệt hại hoặc thương vong nào được báo cáo ở đó.

Trong khi Nga tiến lên ở miền đông Ukraine, Kyiv đã đưa cuộc chiến sang Nga bằng một cuộc tấn công xuyên biên giới vào vùng Kursk phía tây của Nga bắt đầu vào ngày 6/8 và bằng cách thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày càng lớn vào sâu trong lãnh thổ Nga.


Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga (VOA)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã đến Kyiv trong chuyến thăm chung hôm 11/9, giữa lúc Ukraine gây sức ép với phương Tây để cho phép họ sử dụng tên lửa tầm xa chống lại Nga.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Anh đến thủ đô Ukraine bằng tàu hỏa từ Ba Lan, vài giờ sau cuộc tranh luận tổng thống Hoa Kỳ, trong đó Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Trump đã đấu khẩu về cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraine.

Ông Blinken đã đi từ London, nơi ông cáo buộc Iran cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fath-360, và gọi động thái này là “sự leo thang đáng kể” của cuộc chiến.

TT Zelensky tiếp Ngoại trưởng Blinken (trái) và Ngoại trưởng Lammy (phải) tại Kyev

Trong nhiều tháng, Ukraine đã yêu cầu Mỹ và các đồng minh phương Tây chấp thuận cho sử dụng vũ khí tầm xa trong việc tấn công các mục tiêu ở Nga và dự kiến sẽ gây sức ép mạnh hơn nữa sau việc Nga mới đây được cho là được chuyển giao vũ khí.

Chúng tôi hy vọng tiếp cận được thiết bị tầm xa để tấn công vào lãnh thổ của kẻ thù và chúng tôi sẽ có nó”, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói với ông Lammy. “Chúng tôi hy vọng nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ của các bạn trong vấn đề này”.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 10/9, ông Shmyhal nói “nếu chúng tôi được phép phá hủy các mục tiêu quân sự hoặc vũ khí do kẻ thù chuẩn bị để tấn công Ukraine, thì chắc chắn nó sẽ mang lại nhiều sự an toàn hơn cho dân thường, người dân và trẻ em của chúng tôi”.

“Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới điều này và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc này mỗi ngày”.

Đề cập đến tên lửa từ Iran, ông Shmyhal nói thêm: “Việc Nga sử dụng vũ khí từ các đồng minh khủng bố của mình để tấn công Ukraine là tiếp tục cuộc chiến diệt chủng và chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi phải có khả năng đáp trả chủ nghĩa khủng bố như vậy bằng cách phá hủy các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ của họ để đảm bảo an toàn hơn cho công dân của chúng tôi”.

Chuyến thăm vào ngày 11/9 diễn ra trước thềm chuyến đi sắp tới của Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Washington, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 13/9. Yêu cầu xin phép tấn công các mục tiêu ở Nga của Ukraine dự kiến sẽ được thảo luận.

Ông Biden đã cho phép Ukraine bắn tên lửa do Hoa Kỳ cung cấp qua biên giới vào Nga để tự vệ nhưng phần lớn bị hạn chế khoảng cách vì lo ngại xung đột sẽ leo thang hơn nữa.

Chuyến thăm chung hiếm hoi của các nhà ngoại giao hàng đầu của Anh và Mỹ, một cách bất thường, đã được thông báo trước – cho thấy một tín hiệu công khai về sự ủng hộ của Mỹ và Anh đối với Ukraine trước những gì có thể là một mùa đông tàn khốc với các cuộc tấn công của Nga.

Các cuộc không kích của Nga, chủ yếu nhắm mục đích làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đã tăng cường trong những tuần gần đây với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào ban đêm.

Trong khi ông Blinken và ông Lammy đến Kyiv, Vương quốc Anh đã tuyên bố sẽ cấm 10 tàu thương mại, mà họ cáo buộc vận chuyển dầu bất hợp pháp của Nga, vì vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế. Chính phủ Anh cho biết các tàu này sẽ bị cấm vào các cảng của Anh và có thể bị giam giữ nếu chúng đi vào.


Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (RFI)

Philippines vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại một số khu vực đang đối đầu căng thẳng với Trung Cộng tại Biển Đông, vừa có thêm các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

Đại sứ Philippines tại Mỹ hôm qua, 10/09/2024, cho biết ít nhất 20 nước dự tính tham gia một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín này. Mục tiêu là tìm cách đưa Trung Cộng vào bàn ‘‘đối thoại’’, tránh xung đột bùng phát.

Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Jose Manuel Romualdez, theo đó, ‘‘càng có nhiều nước liên kết với nhau và gửi đến Trung Cộng một thông điệp là những gì họ đang làm chắc chắn không phải là điều đúng đắn thì chúng ta càng có cơ hội tốt hơn khiến họ không thực hiện các hành động sai lầm, mà tất cả chúng ta đều đang lo ngại”.

Tàu Teresa Magbanua neo đậu tại bãi cạn Sabina đã bị tàu hải cảnh của TC tấn công

Đại sứ Philippines không nêu chi tiết kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ông cho biết hội nghị sẽ diễn ra bên lề Đại Hội Đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc ở New York, diễn ra ngày 22/09 tới. Bộ Ngoại Giao Mỹ và Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về kế hoạch này.

Trao đổi với trung tâm tư vấn New America ở Washington, đại sứ Philippines cho biết “chưa bao giờ Manila phải đối mặt với thách thức như thế này kể từ Thế Chiến Hai”. Có đến khoảng 240 tàu công vụ hoặc tàu dân quân Trung Cộng hiện diện tại các khu vực tranh chấp, và tình hình này tiếp tục kéo dài ‘‘từ ngày này qua ngày khác”.

Hôm 09/09, truyền thông Nhà nước Trung Cộng kêu gọi Philippines “nghiêm túc xem xét tương lai” của mối quan hệ song phương “hiện đang ở ngã ba đường”. Cùng ngày, đại tá Xerxes Trinidad, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Công chúng của quân đội Philippines, đã vạch ra một lằn ranh với Bắc Kinh: Trung Cộng không thể dùng vũ lực di dời tàu thuyền của Philippines tại các khu vực thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó có bãi cạn Sabin, cách đảo Palawan của Philippines 146km về phía tây.

Căng thẳng Philippines – Trung Cộng lên đến đỉnh điểm hồi tháng 6/2024, với cuộc đụng độ khiến một nhân viên tuần duyên Philippnes bị đứt một ngón tay. Hải cảnh Trung Cộng xông lên tàu công vụ Philippines tước đoạt vũ khí. Tại diễn đàn an ninh Shangri-La đầu tháng 6/2024, tổng thống Philippines tuyên bố việc Trung Cộng giết hại một người Philippines đồng nghĩa với hành động ‘‘tuyên chiến’’.

Hồi tuần trước, Úc và Nhật Bản đã chỉ trích Trung Cộng về điều mà họ gọi là hành động ‘‘nguy hiểm và cưỡng bức’’ chống lại Philippines ở Biển Đông, trong lúc Ấn Độ và Singapore kêu gọi giải quyết hòa bình mọi tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.

Trong chuyến công du Philippines cuối tháng 8, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị cùng với đồng minh Philippines về các biện pháp để đối phó với các thủ đoạn gây hấn của Trung Cộng trong ‘‘chiến thuật vùng xám’’, tức các hành động tấn công ‘‘dưới ngưỡng chiến tranh’’, như phun vòi rồng, chặn và đâm tàu ​​đối phương…, vốn không cho phép Manila và Washington kích hoạt Hiệp định phòng thủ chung.


Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga (RFI)

Quân đội Ukraina có thể sử dụng vũ khí do Hà Lan cung cấp, để oanh kích các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Điều này cũng sẽ được áp dụng cho cả loại chiến đấu cơ F-16 mà Amsterdam sắp chuyển giao cho Kiev.

Theo báo Pháp Le Monde ngày 10/09/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan, Ruben Brekelmans, trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) cho rằng « Kiev có quyền tự vệ. Và nếu đất nước bị tấn công từ các vùng biên giới hay từ các sân bay quân sự Nga, Ukraina có thể nhắm bắn vào các mục tiêu đó. Điều này cũng tương tự cho tên lửa của kẻ thù : Chúng cũng có thể bị bắn chặn bằng vũ khí của chúng ta trên lãnh thổ Nga ».

F-16

Bộ trưởng Brekelmans khẳng định, luật quốc tế không giới hạn khoảng cách, « quyền tự vệ hợp pháp không dừng lại ở 100 km cách biên giới » và Ukraina có thể sử dụng cả chiến đấu cơ F-16 mà Hà Lan sắp chuyển giao cho.

Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Hà Lan còn kêu gọi các nước đồng minh khác của Ukraina nên có quyết định tương tự.

Ukraina oanh kích vùng Matxcơva, nhiều chuyến bay bị hủy

Hãng tin Anh Reuters dẫn truyền thông Nga hôm 10/09/2024, cho biết không quân Nga đã bắn hạ 144 drone do Ukraina phóng đi trong suốt đêm qua nhằm vào 9 vùng của Nga, trong đó có 20 chiếc tại vùng Matxcơva. Chính quyền vùng cho biết ít nhất hai tòa nhà dân cư bị cháy, một phụ nữ thiệt mạng, nhiều chuyến bay tại thủ đô Nga bị hủy.

Tại Ukraina, bộ Năng Lượng xác nhận nhiều cơ sở hạ tầng tại 8 vùng đã bị oanh kích trong vòng 24 giờ trước đó. Đồng thời, các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại đường dây cao thế và trạm biến áp điện ở một số khu vực.

Ngoài ra, truyền thông Ukrraina dẫn nhiều nguồn tin quân sự khẳng định một tầu Nga đã vận chuyển « hơn 200 tên lửa đạn đạo Fath-360 » của Iran tới một cảng ở vùng biển Caspi hôm 04/09. Các chuyên gia quân sự Iran sẽ hướng dẫn binh sĩ Nga cách sử dụng tên lửa tại trường bắn Ashulouk, cách biên giới Kazakhstan 45 km. Hoa Kỳ hôm nay cho biết sắp ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.


Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng (VOA)

Làm sao để kiềm chế và chống lại ảnh hưởng và quyền lực của Trung Cộng — thông qua các công ty công nghệ sinh học, máy bay không người lái và xe điện — sẽ là trọng tâm chiếm lĩnh Hạ viện Mỹ trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ hè của các nghị sĩ. Các nhà lập pháp Mỹ đang đưa ra một loạt các biện pháp nhắm vào Bắc Kinh.

Washington coi Bắc Kinh là đối thủ địa chính trị lớn nhất của mình và Mỹ sẽ có các luật lệ để đảm bảo Hoa Kỳ sẽ thắng thế trong cuộc cạnh tranh. Nhiều dự luật dự kiến được biểu quyết trong tuần này dường như nhận được sự ủng hộ của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, phản ánh sự đồng thuận mạnh mẽ rằng cần có hành động của Quốc hội để chống lại Trung Cộng.

Dân biểu Cộng hòa John Moolenaar, chủ tịch Ủy ban Hạ viện chuyên trách về đảng Cộng sản Trung Cộng cho biết, dự luật “sẽ có những bước đi có ý nghĩa để chống lại mối đe dọa về quân sự, kinh tế và ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Cộng”. “Có một mục tiêu lưỡng đảng là giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này”.

Các nhóm vận động lo ngại về tác động, cảnh báo chống lại lời lẽ gây tổn thương cho người Mỹ gốc Á và có thể tạo ra “bầu không khí tội lỗi do liên đới hoặc thúc đẩy sự chia rẽ”, bà Christine Chen, giám đốc điều hành của Asian & Pacific Islander American Vote cho biết.

Tòa đại sứ Trung Cộng tại Washington gọi luật này là “chủ nghĩa McCarthy mới” thổi phồng căng thẳng trong năm bầu cử. Nếu được thông qua, dự luật “sẽ gây ra sự can thiệp nghiêm trọng đến quan hệ Trung Cộng-Hoa Kỳ và sự hợp tác cùng có lợi, và chắc chắn sẽ gây tổn hại đến lợi ích, hình ảnh và uy tín của chính Hoa Kỳ”, phát ngôn viên Lưu Bằng Vũ nói trong một tuyên bố.

Trong số các dự luật có những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các công ty công nghệ sinh học của Trung Cộng, cấm xe điện và máy bay không người lái của Trung Cộng, hạn chế công dân Trung Cộng mua đất nông nghiệp tại Mỹ, thắt chặt các hạn chế xuất khẩu và khôi phục chương trình xóa bỏ tình trạng do thám sở hữu trí tuệ.

Nếu được chấp thuận, các biện pháp này vẫn cần phải được Thượng viện thông qua.

Nhắm mục tiêu vào công nghệ sinh học có liên quan đến Bắc Kinh

Một dự luật tìm cách cấm một nhóm năm công ty công nghệ sinh học có quan hệ với Trung Cộng không được phép làm việc với bất kỳ bên nào nhận tiền của liên bang Hoa Kỳ.

Các công ty này bao gồm những công ty làm việc để giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân di truyền gây ung thư hoặc nghiên cứu và sản xuất cho các nhà sản xuất thuốc của Mỹ, được coi là một bước quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc mới.

Các công ty công nghệ sinh học của Mỹ cho biết dự luật này sẽ phá vỡ quan hệ đối tác của họ với các nhà thầu Trung Cộng, dẫn đến sự chậm trễ trong các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc mới và chi phí cao hơn.

Những người ủng hộ cho rằng luật này là cần thiết để bảo vệ dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng đối với chuỗi cung ứng y tế của mình.

Bệnh nhân Hoa Kỳ không thể ở trong tình thế phải phụ thuộc vào Trung Cộng để xét nghiệm bộ gen hoặc vật tư y tế cơ bản”, dân biểu Brad Wenstrup, một đảng viên Cộng hòa, người bảo trợ cho dự luật, cho biết. Ông gọi đây là “bước đầu tiên” trong việc bảo vệ dữ liệu di truyền của người Mỹ.

BGI, một trong những công ty Trung Cộng được nêu tên trong dự luật, nói việc này là “cảnh báo giả hiệu nhắm vào các công ty với lý do an ninh quốc gia”. Công ty này, cung cấp dịch vụ giải trình tự gen cho mục đích nghiên cứu tại Hoa Kỳ, cho biết họ tuân thủ luật pháp và không được phép truy cập vào dữ liệu cá nhân của người Mỹ.

Cấm máy bay không người lái của Trung Cộng

Một dự luật khác coi máy bay không người lái do công ty DJI của Trung Cộng sản xuất, công ty thống trị thị trường máy bay không người lái toàn cầu, là “nguy cơ không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ” và cắt sản phẩm của công ty này ra khỏi các mạng lưới truyền thông của Hoa Kỳ vì lo ngại về an ninh dữ liệu.

Dân biểu Elise Stefanik của Đảng Cộng hòa, người đã giới thiệu dự luật, cho biết dự luật sẽ bảo vệ dữ liệu và cơ sở hạ tầng quan trọng của người Mỹ. “Quốc hội phải sử dụng mọi công cụ có trong tay để ngăn chặn” “quyền kiểm soát độc quyền của Trung Cộng đối với thị trường máy bay không người lái”, bà cho biết.

DJI lập luận rằng người dùng phải “chọn tham gia” để chia sẻ dữ liệu như nhật ký chuyến bay, ảnh và video với công ty. Nếu người dùng không làm như vậy, công ty cho biết họ sẽ không có dữ liệu để chia sẻ với bất kỳ chính phủ nào khi bị ép buộc. Công ty cũng đã bác bỏ cáo buộc rằng họ là một công ty quân sự của Trung Cộng và đã hỗ trợ cho cuộc đàn áp các thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo.

Ông Adam Bry, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nhà sản xuất máy bay không người lái lớn của Hoa Kỳ Skydio, đã nói với một ủy ban quốc hội vào tháng 6 về việc mất doanh nghiệp vào tay Trung Cộng, nơi “chính phủ Trung Cộng đã cố gắng kiểm soát ngành công nghiệp máy bay không người lái, đổ nguồn lực vào các công ty quốc gia và nhắm vào các đối thủ cạnh tranh ở Hoa Kỳ và phương Tây, làm thay đổi sân chơi có lợi cho Trung Cộng”.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Một thách thức có thể xảy ra đối với nỗ lực khôi phục một chương trình thời ông Trump được mô tả là một cách để ngăn chặn các nỗ lực của Trung Cộng nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và do thám ngành công nghiệp và nghiên cứu.

Dự luật sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp hạn chế hoạt động do thám của Bắc Kinh đối với tài sản trí tuệ và các tổ chức học thuật của Hoa Kỳ và truy tố những người tham gia vào hành vi đánh cắp bí mật thương mại, tin tặc và gián điệp kinh tế.

Chương trình thời ông Trump, được gọi là Sáng kiến Trung Cộng, đã kết thúc vào năm 2022 sau nhiều lần truy tố không thành công các nhà nghiên cứu và sau những lo ngại rằng chương trình này đã thúc đẩy việc phân biệt chủng tộc và sắc tộc. Những người chỉ trích cũng cho biết chương trình này đã làm giảm sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm mang lại lợi ích chung.

“Các đồng nghiệp của chúng tôi trong Đảng Cộng hòa đã tìm cách khôi phục chương trình thất bại này vì họ muốn tỏ ra như thể họ đang giải quyết vấn đề. Nhưng trên thực tế, họ chỉ khơi dậy nỗi sợ hãi và lòng căm thù”, một số nhà lập pháp Dân chủ cho biết trong một tuyên bố vào tháng 3, khi họ phản đối một nỗ lực khác nhằm khởi động lại chương trình.

Hạn chế bán trang trại

Một dự luật khác, trong đó nêu rõ sẽ bảo vệ đất nông nghiệp của Hoa Kỳ khỏi các đối thủ nước ngoài, đã làm dấy lên lo ngại về sự phân biệt đối xử.

Dự luật sẽ bổ sung bộ trưởng nông nghiệp vào Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ, nơi xem xét các tác động đến an ninh quốc gia của các giao dịch nước ngoài. Dự luật quy định các giao dịch mua bán đất liên quan đến công dân Trung Cộng, Triều Tiên, Nga và Iran là những giao dịch cần phải báo cáo.

An ninh lương thực là an ninh quốc gia, và trong thời gian quá dài, chính phủ liên bang đã cho phép Đảng Cộng sản Trung Cộng gây nguy hiểm cho an ninh của chúng ta bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước việc họ liên tục mua đất nông nghiệp của Mỹ”, dân biểu Dan Newhouse, một đảng viên Cộng hòa, người đã giới thiệu dự luật, cho biết.

Trung tâm Luật Nông nghiệp Quốc gia ước tính 24 tiểu bang đã cấm hoặc hạn chế người nước ngoài và các doanh nghiệp hoặc chính phủ nước ngoài sở hữu đất nông nghiệp tư nhân ở Mỹ. Mối quan tâm này xuất hiện sau khi một tỷ phú Trung Cộng mua hơn 130.000 mẫu Anh gần một căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Texas và một công ty Trung Cộng tìm cách xây dựng một nhà máy ngô gần một căn cứ Không quân ở Bắc Dakota.


Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga (VOA)

Bộ ngoại giao Anh hôm 11/9 triệu tập đại biện lâm thời Iran, nhà ngoại giao cấp cao nhất của nước này tại London, về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga.

“Hôm nay, phối hợp với các đối tác châu Âu và theo chỉ thị của Bộ trưởng Ngoại giao, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Iran tại London đã được triệu tập đến Văn phòng Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển”, Bộ ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố.

Hoả tiễn đạn đạo Sejjil của Iran

“Chính phủ Anh đã nêu rõ rằng bất kỳ việc chuyển giao tên lửa đạn đạo nào cho Nga đều sẽ bị coi là hành động leo thang nguy hiểm và sẽ phải đối mặt với phản ứng đáng kể”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 10/9 trong chuyến thăm London rằng Nga đã nhận được tên lửa đạn đạo từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng trong cuộc chiến tranh ở Ukraine trong vài tuần nữa.

Anh, Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu hôm 10/9 đều lên án động thái này.

Anh đã trừng phạt các cá nhân và tổ chức Iran có liên quan đến việc chế tạo máy bay không người lái và tên lửa, cũng như các tàu chở hàng của Nga mà nước này cho là có liên quan đến việc vận chuyển tên lửa từ Iran đến Nga.


Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm (RFI)

Hai tàu chiến Đức dự kiến đi qua eo biển Đài Loan vào giữa tháng 09/2024. Đây sẽ là những tàu đầu tiên của hải quân Đức đi qua eo biển Đài Loan tính từ 22 năm trở lại đây, theo tiết lộ của báo Đức Spiegel hôm 07/09.

Báo Đức Spiegel trích dẫn một số nguồn tin không xác định cho biết Berlin sẽ không thông báo chính thức cho Bắc Kinh về việc tàu chiến của Đức đi qua eo biển Đài Loan, để nhấn mạnh rằng chính quyền Đức coi đây là một chuyến đi bình thường. Bộ Quốc Phòng Đức hiện từ chối bình luận.

Tàu chiến Đức Quốc trong một cuộc tập trận

Xin nhắc lại là hãng tin Anh Reuters hồi tháng 08 đã đưa tin là các tàu chiến Đức đang chờ lệnh từ chính quyền Berlin để đi qua eo biển Đài Loan. Theo chỉ huy nhóm tác chiến hải quân Đức, chuẩn đô đốc Axel Schulz, một chuyến đi như vậy thể hiện cam kết của Đức bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp và giải pháp hòa bình cho các xung đột lãnh thổ.

Thông tin nói trên khiến Bắc Kinh tức giận. Bắc Kinh vốn dĩ chỉ coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Cộng, cần được thu hồi, kể cả bằng cách dùng vũ lực, đồng thời khẳng định Trung Cộng có quyền tài phán đối với tuyến đường biển rộng gần 180 km (110 dặm) nằm giữa hai bờ.

Eo biển Đài Loan là tuyến đường thương mại chính mà khoảng một nửa số tàu container của thế giới đi qua. Cả Hoa Kỳ và Đài Loan đều xem đây là tuyến đường biển quốc tế. Mỹ và một số nước khác, trong đó có Canada, trong những tuần qua cũng đã điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.

Hai tàu của Đức hiện đang tham gia các cuộc tập trận trong khu vực với Pháp, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Philippines và Hoa Kỳ, những nước muốn mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực để đáp trả tham vọng lãnh thổ ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Chuẩn đô đốc Axel Schulz nhấn mạnh tàu chiến Đức hướng đến mục tiêu bảo đảm lưu thông tại các tuyến đường biển ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran (RFI)

Iran bị Mỹ cáo buộc cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để oanh kích Ukraina. Quan hệ giữa Teheran và Matxcơva sẽ được thắt chặt hơn, với thỏa thuận hợp tác song phương mới sắp được ký kết. Ngày 10/09/2024, thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, được hãng tin Nga TASS trích dẫn, cho biết « các thủ tục nội bộ cuối cùng đang được hoàn thiện để chuẩn bị văn kiện cho hai tổng thống ký kết ».

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng Nga « nóng lòng đúc kết một thỏa thuận cơ bản song phương mới ». Theo Reuters, từ lâu Nga đã có ý định ký một thỏa thuận đối tác quan trọng với nước Cộng hòa Hồi Giáo nhưng tuyên bố của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nga là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một thỏa thuận sắp được ký.

Thông tin được đưa ra vào lúc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định « Nga đã nhận được nhiều tên lửa đạn đạo (từ Iran) và có thể sẽ sử dụng chúng tấn công Ukraina trong những tuần tới ». Ngày 09/09, Teheran phủ nhận cáo buộc trên, trong khi Matxcơva không bác bỏ.

Bốn nước phương Tây trừng phạt Iran cung cấp tên lửa cho Nga

Để trừng phạt Iran, ngày 10/09, Mỹ và 3 nước đồng minh châu Âu, Anh, Pháp và Đức, thông báo trừng phạt 6 công ty Iran sản xuất drone và tên lửa đạn đạo cung cấp cho Nga theo hợp đồng ký cuối năm 2023, cũng như 10 cán bộ, nhân viên của những công ty này. Hãng hàng không Iran Air cũng nằm trong danh sách trừng phạt mới vì bị cáo buộc vận chuyển số vũ khí nói trên. Theo bộ Tài Chính Mỹ, « các đối tác quốc tế (của Mỹ) thông báo nhiều biện pháp cấm Iran Air hoạt động trên lãnh thổ của họ trong tương lai ».

Anh Quốc đã ngừng các tuyến bay trực tiếp với Iran. Trước đó, trong một thông cáo chung, 3 nước Anh, Pháp và Đức cho biết « đã có xác nhận rằng Iran đã chuyển giao (tên lửa) » cho Nga, đồng thời lên án « hành động leo thang này, do Iran và Nga đồng thời gây ra, là một mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của châu Âu ». Liên Hiệp Châu Âu sẽ đưa ra « biện pháp đáp trả mạnh mẽ », theo phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borrell.

Ngay tối 10/09, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Iran, Nasser Kanani, ra thông cáo lên án « chính sách thù nghịch của phương Tây và chủ nghĩa khủng bố kinh tế nhắm vào người dân Iran ». Theo AFP, chính quyền Teheran khẳng định sẽ có « những biện pháp đáp trả » tương xứng.


TIN VIỆT NAM.

Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội

Hôm 11/9, Chính phủ Việt Nam cho biết rằng nước lũ đang khiến mực nước sông Hồng dâng cao nhanh chóng và có nguy cơ làm ngập các quận trung tâm thủ đô Hà Nội, Reuters đưa tin.

Lụt tại Hà Nội sau cơn bão Yagi

Mưa lớn do cơn bão Yagi gây ra đã gây ra lở đất và lũ lụt chết người trên khắp miền bắc Việt Nam, khiến hơn 100 người thiệt mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và khiến hoạt động kinh doanh và công nghiệp bị đình trệ.

Một số trường học ở Hà Nội đã yêu cầu học sinh ở nhà trong thời gian còn lại của tuần do lo ngại lũ lụt, trong khi hàng nghìn người dân sống ở các vùng trũng thấp đã được sơ tán, theo các nguồn tin, chính phủ và truyền thông nhà nước. (VOA)


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung (VOA)

Hôm 9/9, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Lầu Năm Góc và hai bên sẽ ký tuyên bố tầm nhìn chung mới về quốc phòng trong nỗ lực tăng cường quan hệ song phương.

Trong bài phát biểu sau lễ đón ông Giang, ông Austin gửi lời chia buồn đến Việt Nam về những người thiệt mạng trong cơn bão Yagi cuối tuần qua và mở lời trợ giúp cho phía Việt Nam.

Chúng tôi khen ngợi quý vị về công việc tuyệt vời mà Việt Nam đã làm để ứng phó với thảm kịch khủng khiếp này. Xin cho chúng tôi biết nếu Hoa Kỳ có thể hỗ trợ bằng bất kỳ cách nào cho quý vị”, ông Austin nói, theo bài phát biểu của ông trong thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ nhắc lại chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 năm ngoái và hai bên đã nâng quan hệ lên tầm Đối tác Chiếc lược Toàn diện.

Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy động lực đó bằng cách ký một tuyên bố tầm nhìn chung mới, trong đó vạch ra cách thức hai nước chúng ta sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong những năm tới”, vẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ tầm nhìn chung mới này đề cập đến những nội dung cụ thể gì.

Trong một thông cáo ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời ông Austin nói rằng Hoa Kỳ “vẫn tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh” khi hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ Mỹ-Việt vừa được nâng cấp.

Bộ Quốc phòng Việt Nam và truyền thông nước này hôm 9/9 đưa tin về chuyến thăm Mỹ của tướng Giang, nói rằng ông thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 11/9 theo lời mời của ông Austin.

Trang Quân đội Nhân dân tường thuật rằng hai bộ trưởng đã ký bản cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về hợp tác quốc phòng.

“Cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ về hợp tác quốc phòng đánh dấu một dấu mốc mới trong quan hệ quốc phòng song phương, qua đó, đóng góp tích cực cho quan hệ chung giữa hai nước và góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”, tờ báo QĐND viết.

“Hôm nay chúng ta cũng sẽ thảo luận về các sáng kiến mới, bao gồm nỗ lực cải thiện khả năng phục hồi của cơ sở công nghiệp quốc phòng”, vẫn theo lời ông Austin.

Trước đó, cũng hôm 9/9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký thỏa thuận với Đại học Quân y Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác quân y, ông Austin cho biết thêm.

Trong phần phát biểu của mình được Bộ Quốc phòng Mỹ đăng tải, ông Giang không đề cập đến việc ông và ông Austin ký kết tuyên bố tầm nhìn chung mới giữa hai bộ quốc phòng. Tuy nhiên, ông cho biết đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm một năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện “vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Hồi năm 2015, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết tầm nhìn chung về quốc phòng dựa trên Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương được ký vào năm 2011, bao gồm hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh (tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn vật liệu nổ còn sót lại); trao đổi đoàn; đối thoại, tham vấn; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, an ninh biển; đào tạo; quân y; tham vấn lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.


Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”

Hôm 10/09/2024, Đài VOA đã tổng hợp lời kể của dân chúng về bão số 3 “mạnh chưa từng thấy” bao trùm khắp miền bắc Việt Nam. Sau khi bão và mưa lớn đã để lại khung cảnh tan hoang ở các thành thị đồng bằng, gây sạt lở, ngập lụt ở các tỉnh miền núi, trung du và thậm chí một cây cầu đã sập:  

Bão Yagi, mà Việt Nam gọi là bão số 3, đã đổ bộ vịnh Bắc Bộ và miền bắc Việt Nam vào thứ Bảy ngày 7/9 với sức gió lên đến gần 150km/h ở vùng tâm bão là Hải Phòng-Quảng Ninh và đạt trên 100km/h khi đến thủ đô Hà Nội, theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh lớn, thậm chí có cả cây cổ thụ ở các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long.., làm tốc mái, bay mái tôn, vỡ cửa kính hàng trăm ngàn ngôi nhà. Trong khi đó, mưa lớn làm ngập lụt nhiều tuyến đường, khiến nước sông dâng cao tràn bờ nhấn chìm các khu dân cư. Ở một số tỉnh miền núi, sạt lở đất do mưa lớn đã chôn vùi người dân trong khi có người bị nước lũ cuốn trôi, theo tường thuật của truyền thông trong nước.

Đến sáng ngày 9/9, nước lũ cuồn cuộn trên sông Hồng đã kéo đổ một trụ cầu làm sập hai nhịp chính cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ. Khi cầu sập, trên cầu có một số ô tô và xe máy đang lưu thông, theo Tuổi Trẻ.

Tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Thái Nguyên, nhiều phường, xã ven sông Cầu bị ngập sâu và bị cô lập, người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ, theo trang mạng VnExpress.

Lụt tại Yên Bái sau cơn bão Yagi

Tính đến 17h ngày 9/9 con số thương vong là 71 người chết và mất tích, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai được báo Lao Động dẫn lại. Đó là chưa kể 8 người mất tích trên cầu Phong Châu và 16 người trên một chiếc xe khách bị cuốn trôi ở tỉnh Lào Cai, cũng theo tờ báo này.

Các nạn nhân tử vong và mất tích do bão, bị lũ cuốn hay do bị sạt lở đất chôn vùi, trải dài khắp các tỉnh thành từ ven biển cho đến trung du và miền núi, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…

Về thiệt hại vật chất, đã có 1 triệu hectare rừng bị gãy đổ, trong đó Hạ Long bị gãy đổ 90% còn Hà Nội là 10%, toàn bộ nhà thấp tầng ở các địa phương bão quét qua bị tốc mái, 100.000 hectare lúa bị ngập trong đó có đến 30.000 hectare bị mất trắng, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hồng Hiệp, thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại cuộc họp sáng 9/9 với các tổ chức cứu trợ quốc tế và đại sứ quán các nước. Đó là còn chưa kể đến số lượng gia súc, hoa màu, cây ăn quả và lồng bè nuôi thủy sản bị mất trong bão.

Chiều ngày 9/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn cách khắc phục thiệt hại của cơn bão, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết, trong lúc chính quyền Việt Nam cũng đã kêu gọi quốc tế cứu trợ.

Từ Hải Phòng, chủ một quán ăn ở phường Đông Hải, quận Hải An, cho biết gia đình ông đang tất bật dọn dẹp, lau chùi lại quán sau bão để có thể mở cửa trở lại.

Ông cho biết quán của ông trong bão đã bị tốc mái ‘theo từng mảng’ và ‘bay từ nhà nọ sang nhà kia’ khiến ông ‘muốn thót tim’.

“Mái nhà tốc hết. Xung quanh hàng xóm đều bị tốc hết,” người chủ quán Lá chỉ nêu tên là Long nói với VOA và cho biết chi phí sửa chữa quán của ông có thể lên đến ‘cả trăm triệu’.

Theo lời ông Long thì đây là trận bão ‘lịch sử’ mà ông mô tả là ‘to nhất từ trước đến giờ’. Ông cho biết cây cối trong thành phố ‘100% ngã đổ hết, trong đó có cả cổ thụ mấy chục năm như xà cừ’.

Khi được hỏi về tình hình cuộc sống sau bão, ông trả lời: “Vất vả lắm. Điện nước đã mất 3, 4 ngày nay rồi. Đường phố cây cối đổ đầy, ngồn ngang. Nói chung cuộc sống vất vả lắm.”

Hiện giờ một số công sở bị tốc mái, bị hư hại vẫn đang sửa chữa và một số trường học vẫn đang dọn dẹp nên công nhân viên vẫn chưa đi làm và học sinh vẫn chưa đi học trở lại, cũng theo lời người chủ quán ăn này. Trong khi đó, hàng hóa nhu yếu phẩm ‘khan hiếm hơn’ và ‘một tuần nữa mới trở lại bình thường’.

“Bây giờ sinh hoạt cả thành phố ô tô đâu cũng tắc, người ta gọi xe suốt ngày đêm,” ông cho biết.

Từ thành phố Thái Nguyên, ông Chiến, chủ tiệm sửa xe gắn máy Văn Chiến trên đường Hoàng Văn Thụ, nói với VOA chỉ trong hai ngày từ ngày 8/9 đến nay nước sông Cầu đã ‘dâng rất cao, nhiều vùng ngập lụt rất sâu’.

“Mưa thì gần như không có mưa, không đáng kể. Nhưng toàn nước miền ngược chảy về nhiều,” ông Chiến nói và cho biết lần đầu tiên ông thấy nước sông Cầu dâng cao vượt các mốc lịch sử vào các năm 1986 và 2001.

Theo lời ông thì người dân trong vùng ngập đã bị cắt hoàn toàn điện nước trong khi nhiều người bị mắc kẹt không ra khỏi vùng lũ được. Về đi lại thì từ Thái Nguyên đi về xuôi xuống các tỉnh đồng bằng ‘thì vẫn được’, nhưng đi ngược lên các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Bắc Cạn thì ‘bị tắc không đi được’.

Ông kể bên ngoài ‘hối hả đi cứu trợ’ và ‘tàu, thuyền, ca nô đi cứu trợ rất nhiều để đưa lương thực, thực phẩm đến cho người dân bị mắc kẹt’.

Cảnh đổ nát tại Hà Nội sau cơn bão

Hiện giờ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, học sinh dù vừa mới khai giảng năm học mới đã nghỉ học còn công nhân viên chức cũng nghỉ làm, cũng theo lời người chủ tiệm sửa xe này.

Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chủ tiệm bánh mì Thắng Lợi ở phường Hà Tu cho VOA biết nhà ông chỉ một hư hại nhẹ do mái tôn bị tốc trong cơn bão mà ông mô tả là ‘to nhất mà tôi chứng kiến từ bé đến giờ’.

Bên cạnh cây cối ngã đổ vẫn còn chưa đốn xong, người chủ tiệm bánh mì không cho biết danh tính này nói bão còn quật đổ rất nhiều cột điện mà ‘không biết bao giờ mới sửa chữa được’.

“Chưa có điện thì chưa làm được gì cả. Tất cả đều ngưng hoạt động. Mất điện là chịu chết,” ông nói. (9:30)

Còn tại Hà Nội, người dân ở đây cũng cho biết trong ký ức của họ, họ chưa từng thấy có cơn bão nào mạnh như bão Yagi.

Bà Nguyễn Thị Chiên, chủ cửa hàng hoa quả ở số 46 Hàng Gai ngay giữa phố cổ, cho VOA biết nhà bà nằm trong một dãy 4 căn nhà bị gió bão làm nghiêng sang một bên, bây giờ đã bị chính quyền niêm phong không cho ra vào vì sợ nguy sập đổ.

“Chắc là phải xây lại thôi chứ không thể sửa chữa gì được,” bà Chiên nói và cho biết hậu quả lớn nhất của bão ở Hà Nội là ‘mất cây xanh’.

“Tôi từ bé đến lớn, những người già tính đến nay đã 70 tuổi người ta bảo là chưa thấy trận bão nào để lại hậu quả mà cây xanh của Hà Nội, những cây sưa, những cây đa cổ thụ của ngày xưa gần như bị bật gốc siêu nhiều,” bà nói.

Về cuộc sống tại Hà Nội, bà cho biết giữa phố cổ không hề có chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm và chính quyền đã tranh thủ ngày chủ nhật để dọn dẹp lại sau bão nên đến thứ hai ‘mọi thứ gần như đã trở lại bình thường’.

“Hôm qua di chuyển còn khó khăn, nhưng đến hôm nào phường nào phường nấy đã huy động tất cả mọi người từ công an, bộ đội, sinh viên tình nguyện, dân thường để dọn dẹp cho xong.”


Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động (VOA)

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 9/9 lên tiếng chỉ trích việc chính quyền một số quốc gia đã bóp nghẹt các quyền tự do căn bản, trong đó nêu đích danh chính quyền Việt Nam “đàn áp giới hoạt động”.

Trong phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhận định rằng “chúng ta chứng kiến những nỗ lực nhằm bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do báo chí, kể cả trong bối cảnh bầu cử”.

Ông Volker Turk, Cao Uỷ Trưởng Cao ủy Nhân quyền LHQ

“Những quyền tự do như vậy rất quan trọng cho các cuộc tranh luận mang tính phê phán, nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho xã hội và tìm ra giải pháp cho những vấn đề đa dạng mà chúng ta gặp phải”, ông nhấn mạnh.

Bài phát biểu của ông Turk được kênh UN Web TV tường thuật trực tiếp và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đăng toàn văn.

Ông dẫn chứng cho nỗ lực bóp nghẹt các quyền nêu trên là việc giam giữ các nhà báo ở Azerbaijan; bắt giữ, giam giữ và quấy rối các đối thủ chính trị ở Mali, Uganda và Venezuela; bắt giữ và giam giữ các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động ở Tunisia; đàn áp các đối thủ chính trị và nhà báo ở Nicaragua; và đàn áp các nhà hoạt động ở Việt Nam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về phát biểu trên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhưng chưa được phản hồi.

Thông Tấn xã Việt Nam và các trang báo nhà nước của Việt Nam hôm 9/9 có bài tường thuật về bài phát biểu của ông Turk, nhưng không đề cập đến việc ông nêu đích danh Việt Nam về việc ông chỉ trích nỗ lực của Hà Nội trong việc đàn áp giới hoạt động.

Trong bài phát biểu của mình, ông Turk cũng nhắc đến Trung Cộng, nơi có những hạn chế quá mức đối với không gian dân sự, tiếp tục được áp đặt dưới danh nghĩa của an ninh quốc gia và ổn định xã hội.

Người đứng đầu Văn phòng Nhân quyền của LHQ cũng cảnh báo về tình trạng lan truyền thông tin sai lệch, sự thật bị che giấu và khả năng đưa ra những lựa chọn tự do và sáng suốt.

Ông Turk cũng đề cập tới những vấn đề mà thế giới đối mặt trong tương lai, như leo thang căng thẳng, sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc và tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhân quyền, bao gồm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, phải được đặt lên hàng đầu và trung tâm trong nỗ lực quản lý công nghệ kỹ thuật số, đồng thời giúp đảm bảo ngăn chặn bạo lực trực tuyến, thông tin sai lệch, lời nói căm thù và kích động hận thù”, ông Turk nói.


Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam

Công ty Enel của Ý đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam, ba người được thông báo về vấn đề này cho Reuters biết, đây sẽ là động thái mới nhất của một công ty phương Tây nhằm hủy bỏ các dự án điện tái tạo tại quốc gia đang phải vật lộn để thực hiện các kế hoạch phi carbon hóa của mình.

Công ty sản xuất điện của Ý đã tuyên bố vào năm 2022 rằng họ muốn đầu tư vào các nhà máy ở Việt Nam để tạo ra tới sáu gigawatt (GW) năng lượng tái tạo, tuy không nêu rõ loại năng lượng tái tạo nào nhưng lưu ý đến tiềm năng của quốc gia này về năng lượng gió và mặt trời.

Hai trong số ba người cho biết động thái này là một phần trong quá trình tổ chức lại hoạt động kinh doanh toàn cầu rộng lớn hơn của Enel.

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc rời khỏi quốc gia Đông Nam Á này có được công bố hay không và khi nào. Công ty dự kiến ​​sẽ trình bày kế hoạch chiến lược hàng năm vào tháng 11.

Enel từ chối bình luận với Reuters. Các nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính vì thông tin này không được công khai.

Bộ công thương Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Việc Enel rút khỏi Việt Nam sẽ là đòn giáng mới nhất vào chiến lược năng lượng của quốc gia Đông Nam Á này, vốn phụ thuộc vào việc tăng cường đầu tư vào điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo và khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào than.

Tháng trước, Reuters đưa tin rằng Equinor của Na Uy đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam, trong khi Orsted của Đan Mạch cho biết năm ngoái họ sẽ tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió lớn ngoài khơi tại quốc gia này.

Theo trang web của công ty, nhánh năng lượng tái tạo của Enel, Enel Green Power, quản lý hơn 1.300 nhà máy và có khoảng 64 GW công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên toàn thế giới.

Trong số 6 GW công suất mà Enel dự kiến ​​lắp đặt tại Việt Nam, khoảng 1 GW “đã ở giai đoạn nâng cao” vào giữa năm 2022, với nhà máy điện đầu tiên chưa được xác định dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, theo các trang web của công ty về Việt Nam.

Một giám đốc điều hành ngành năng lượng tại Việt Nam nói với Reuters rằng “Tôi nghĩ các công ty đang cảm thấy mệt mỏi vì phải đầu tư vốn vào một thị trường đóng băng”, nhưng từ chối nêu tên vì nhận xét này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng và tránh tình trạng thiếu điện khiến các nhà đầu tư lo sợ vào năm ngoái, quốc gia này đã tăng mạnh mức tiêu thụ than. (RFA)

Tháng 9, công ty Enel của Ý chuyên ngành điện gió và mặt trời, loan báo huy bỏ kinh doanh tại Việt Nam do “cảm thấy mệt mỏi vì phải đầu tư vốn vào một thị trường đóng băng”. Tháng 8 năm 2024, Reuters đưa tin rằng Equinor của Na Uy đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam, trong khi Orsted của Đan Mạch cho biết năm ngoái họ sẽ tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió lớn ngoài khơi tại quốc gia này.


Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình 

Hôm 10/9, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên phạt nhà báo Nguyễn Vũ Bình 7 năm tù, đồng thời hối thúc Hà Nội trả tự do cho ông.

Bản án 7 năm tù dành cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ là một sự bất công trầm trọng”, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, viết trên trang X ngày 10/9.

Ông Nguyễn Vũ Bình bị bỏ tù chỉ vì nói lên sự thật về tham nhũng và các vấn đề khác ở Việt Nam. Nhà chức trách phải trả tự do cho ông ta ngay lập tức”, Thượng nghị sĩ Cardin nhấn mạnh.

Cũng hôm 10/9, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nhận định trong một thông cáo: “Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị bắt và bị kết án 7 năm tù vì đăng tải quan điểm độc lập, điều mà chính quyền Việt Nam tiếp tục coi là tội hình sự”.

“Ông Bình phải được trả tự do ngay bây giờ, cùng với tất cả các nhà báo khác bị giam giữ oan trái ở Việt Nam,” vẫn ông Crispin.

Các tổ chức Văn Bút Quốc tế, Văn Bút Mỹ, Trung tâm Văn Bút người Việt Hải ngoại và Đài Á Châu Tự Do (RFA), cùng ra tuyên bố chung “lên án mạnh mẽ” bản án 7 năm tù đối với blogger Nguyễn Vũ Bình. Nhóm này lập luận rằng bản án 7 năm tù này là một ví dụ nữa về “sự đàn áp bất công” của Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận.

Cũng hôm 10/9, Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Hoa Kỳ (USAGM), cơ quan chủ quản của Đài RFA, lên án bản án 7 năm tù đối với ông Bình, theo trang X của USAGM.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu và lời kêu gọi trên, nhưng chưa được trả lời.

Hôm 10/9, như VOA đã đưa tin, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã kết án nhà báo Nguyễn Vũ Bình 7 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Tại phiên tòa, ông Bình không nhận tội.

Một ngày trước phiên xử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ cáo buộc nhắm vào ông Bình, đồng thời nói rằng “hành vi bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa của ông Bình không phải là tội hình sự”.

Kể từ năm 2015, ông Bình thường xuyên viết bài cho ban tiếng Việt của Đài Á Châu Tự do (RFA) về các vấn đề tham nhũng, quyền đất đai, tình trạng lạm quyền của cảnh sát, môi trường và nhân quyền. Bài viết cuối cùng của ông Bình trước khi bị bắt chỉ trích sự đàn áp dai dẳng của chính phủ đối với các nhà hoạt động dân chủ, theo tuyên bố của CPJ.

Ông Bình đã hai lần được vinh danh Giải thưởng Hellman-Hammett của tổ chức Theo dõi Nhân quyền dành cho các tác giả bị đàn áp chính trị và đã bị giam giữ trước khi xét xử kể từ khi bị bắt tại nhà riêng ở thủ đô Hà Nội vào tháng 2/2024.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng