TIN THẾ GIỚI.
Tranh luận ứng viên phó tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua? (Tổng hợp)
Cuộc tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống JD Vance của Đảng Cộng hòa và Tim Walz của Đảng Dân chủ đã diễn ra trong bầu không khí tương đối kiềm chế, tập trung vào các vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu trước thềm cuộc bầu cử ngày 5/11/2024.
Cuộc tranh luận vào tối 1/10 (sáng 2/10 tại Việt Nam) không giống các cuộc tranh luận tổng thống trước đó giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump hồi tháng Sáu và sau đó là giữa bà Kamala Harris và ông Trump vào tháng Chín.
Trong hơn 90 phút tranh luận trực tiếp trên sân khấu của đài CBS News ở New York, hai ứng viên phó tổng thống dành thời gian để công kích ông Trump và bà Harris, người đồng hành của đối phương thay vì nhắm vào nhau.
Ông Walz, người được bà Harris chọn làm phó tướng, đã có một khởi đầu khó khăn nhưng sau đó đã thể hiện tốt khi nói về vấn đề phá thai và cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận có phần ôn hòa, tập trung vào chính sách, với ít đòn công kích chính trị, có lẽ mang lại lợi thế cho JD Vance – phó tướng của ông Trump và là một diễn giả lão luyện trước công chúng.
Nếu ông Vance được ông Trump chọn vì mang lại chiều sâu tư tưởng cho chủ nghĩa dân túy bảo thủ của ứng viên Đảng Cộng hòa, thì trong cuộc tranh luận hôm 2/10, ông cũng đã thể hiện một bộ mặt lịch sự và khiêm tốn cho điều đó.
“Những người này thường đưa ra rất nhiều tuyên bố rằng nếu Donald Trump trở thành tổng thống, sẽ có nhiều hậu quả khủng khiếp xảy ra,” ông JD Vance phát biểu. “Nhưng thực tế là, Donald Trump đã từng là tổng thống. Khi đó, lạm phát thấp. Lương thực lĩnh cao hơn.”
Có những lúc ứng cử viên Đảng Cộng hòa tỏ ra khó chịu vì những gì ông cho là kiểm chứng thông tin không công bằng từ hai người điều phối của đài CBS, và tại một thời điểm, micro của cả hai ứng cử viên đều bị tắt tạm thời.
Nhưng phần lớn thời gian, các cuộc tranh luận trên sân khấu đều diễn ra một cách ôn hòa.
Và có một vài khoảnh khắc, hai phó tướng đã nhất trí về các vấn đề – và đã nói ra điều đó.
“Có rất nhiều điểm chung ở đây,” ông Walz nói vào cuối buổi tranh luận.
Khi ông Walz nói về việc cậu con trai 17 tuổi của ông từng chứng kiến một vụ xả súng tại một trung tâm cộng đồng, ông Vance tỏ ra thực sự lo lắng.
“Tôi rất tiếc về điều đó và tôi hy vọng cậu ấy ổn,” ông nói. “Lạy Chúa, thật kinh khủng.”
Thân thiện – nhưng có vài xung đột
Những bất đồng gay gắt nhất diễn ra vào cuối cuộc tranh luận, liên quan đến việc ông Trump lặp đi lặp lại tuyên bố sai sự thật rằng ông đã bị đối thủ “đánh cắp” chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Khi được hỏi liệu ông Trump có thua cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất không, ông Vance đã né tránh câu hỏi và chỉ trích điều mà ông gọi là sự kiểm duyệt của bà Kamala Harris.
Đối thủ Tim Walz nhanh chóng chỉ ra rằng đó là một “câu trả lời không thỏa đáng”.
“Việc phủ nhận những gì đã xảy ra vào ngày 6/1/2021, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ hoặc bất kỳ ai cố gắng đảo ngược một cuộc bầu cử, điều này phải chấm dứt,” ông Walz nói. “Điều đó đang làm đất nước chúng ta tan rã.”
Ông Vance không trả lời câu hỏi đó, nhấn mạnh rằng mặc dù ông có vẻ thân thiện và dễ chịu, nhưng ông sẽ không tách rời khỏi quan điểm của ông Trump.
Hai phong cách khác nhau
Hai phó tướng JD Vance và Tim Walz bước vào cuộc tranh luận này với những kỹ năng khác nhau. Ông Vance đã có kinh nghiệm tranh luận với các phóng viên trên truyền hình trong những cuộc trao đổi căng thẳng. Trong khi đó, ông Walz lại khá thoải mái, sử dụng lối diễn đạt dân dã để tạo sự khác biệt.
Vào đầu cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đứng sau bục phát biểu trong trường quay ở thành phố New York, ông Vance có vẻ thoải mái hơn nhiều. Câu trả lời của ông trôi chảy và luôn đúng trọng tâm, liên tục nhắc nhở khán giả rằng với tất cả những lời hứa của Phó Tổng thống Kamala Harris, Đảng Dân chủ đã nắm giữ Nhà Trắng trong ba năm rưỡi qua.
“Nếu Kamala Harris có những kế hoạch tuyệt vời như vậy về cách giải quyết các vấn đề của tầng lớp trung lưu, thì bà ấy nên thực hiện ngay bây giờ,” ông nói.
Về phần mình, ông Tim Walz có vẻ ngập ngừng và không chắc chắn trong phần mở đầu, khi đề cập đến cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10 và liệu các ứng cử viên có ủng hộ một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran hay không. Thống đốc bang Minnesota hiếm khi nói về chính sách đối ngoại, và sự khó chịu của ông về vấn đề này được thể hiện rõ ràng.
Ông Vance đã bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã khuếch đại những tuyên bố sai sự thật về việc người nhập cư Haiti ăn trộm và ăn thịt thú cưng ở bang Ohio.
“Những người mà tôi lo lắng nhất ở Springfield, Ohio là những công dân Mỹ có cuộc sống đã bị các chính sách biên giới của Kamala Harris hủy hoại,” ông nói.
Ông JD Vance cho biết tình trạng nhập cư không có giấy tờ gây ra gánh nặng cho các nguồn lực của thành phố, đẩy giá cả lên cao và đẩy tiền lương xuống thấp.
Trong khi đó, ông Tim Walz chỉ ra sự phản đối của ông Trump đối với luật nhập cư lưỡng đảng được đề xuất vào đầu năm nay.
Khi chủ đề chuyển sang quyền phá thai – một lĩnh vực mà theo các cuộc thăm dò là thế mạnh của Đảng Dân chủ – thì ông Vance là người phải phòng thủ, thừa nhận rằng Đảng Cộng hòa phải làm nhiều hơn nữa để giành được lòng tin của cử tri Mỹ.
“Tôi muốn chúng ta, với tư cách là một Đảng Cộng hòa, trở thành đảng ủng hộ gia đình theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này,” ông nói. “Tôi muốn chúng ta tạo điều kiện giúp các bà mẹ đủ khả năng sinh con dễ dàng hơn. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm trong lĩnh vực chính sách công chỉ để mang đến cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn.”
Ông Walz phản bác bằng cách nói rằng quan điểm của Đảng Dân chủ về quyền phá thai rất đơn giản: “Chúng tôi ủng hộ phụ nữ. Chúng tôi ủng hộ quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng bạn.”
Nếu ông Walz có phần nhấn mạnh hơn về vấn đề phá thai, ông đã không đẩy mạnh công kích khi chủ đề chuyển sang kiểm soát súng.
Sau khi ông Vance nói rằng điều quan trọng là phải tăng cường an ninh trong trường học, làm cho cửa ra vào và cửa sổ “chắc chắn hơn”, ông Walz đã nói về việc kiểm tra lý lịch thay vì ủng hộ các yêu cầu của Đảng Dân chủ về việc cấm vũ khí tấn công và các hạn chế khác đối với súng.
Trong tư cách là một dân biểu liên bang, ông Walz đã thường xuyên bỏ phiếu ủng hộ quyền sở hữu súng và phản đối nhiều biện pháp kiểm soát súng, giành được lời khen ngợi của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).
Trong cuộc tranh luận, ông Walz cho biết quan điểm của ông về kiểm soát súng đã thay đổi sau vụ xả súng tại trường học Sandy Hook năm 2012, nhưng một số đảng viên Dân chủ có thể thất vọng vì ông không gây sức ép nhiều hơn với ông Vance.
Tranh luận phó tổng thống có ảnh hưởng đến cuộc đua tổng thống không?
Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy các cuộc tranh luận phó tổng thống không thực sự quan trọng.
Năm 1988, ứng viên Đảng Dân chủ Lloyd Bentsen đã đánh bại ứng viên Đảng Cộng hòa Dan Quayle. Vài tháng sau, ông Quayle tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống sau khi đảng của ông giành chiến thắng áp đảo.
Có thể cuộc tranh luận này cũng không có ý nghĩa nhiều đối với kết quả của cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, trừ khi có một cuộc tranh luận bất ngờ vào phút chót, thì đây sẽ là lần cuối cùng mà cả hai đảng có cơ hội tranh luận trước ngày bầu cử.
Nhưng màn trình diễn mạnh mẽ của ông JD Vance có khả năng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Đảng Cộng hòa trong những ngày tới.
Và tác động lâu dài của cuộc tranh luận có thể là thuyết phục các thành viên trong Đảng Cộng hòa rằng thượng nghị sĩ mới 40 tuổi của bang Ohio có một tương lai trong đảng chính trị bảo thủ quốc gia, với khả năng truyền đạt rõ ràng các ưu tiên tư tưởng của họ trên các sân khấu lớn nhất.
Theo Washington Post, ông Vance đã chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận. Nhận xét của USA Today, ông Vance đã thành công rõ ràng, trình bày đầy đủ chính sách của ông Trump trên hầu hết các hồ sơ, và đã cho thấy vượt trội so với ông Walz.
Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Cộng được bí mật cấp cho Nga (RFI)
Truyền thông Anh Quốc dường như đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh liên quan đến các cáo buộc doanh nghiệp Trung Cộng bí mật trợ giúp Nga về vũ khí trong cuộc xâm lược Ukraina. Theo báo Anh The Times, ngày 27/09/2024, nhiều giới chức cao cấp phương Tây đã có trong tay các bằng chứng đáng tin cậy về việc này.
Cụ thể là IEMZ Koupol, một chi nhánh của công ty sản xuất vũ khí Nga Almaz-Antey, do Nhà nước sở hữu, đã phát triển một loại drone quân sự mới, có tên gọi Garpiya-3 (G3) tại Trung Cộng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước này. Drone G3 có tầm hoạt động 2.000 km và có thể chuyên chở đến 50 kg.
The Times có trong tay một báo cáo của chi nhánh IEMZ của công ty Nhà nước Nga gửi đến bộ Quốc Phòng về dự án sản xuất drone G3 trên quy mô lớn tại Trung Cộng, và các sản phẩm sẽ được sử dụng trong ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’, tên gọi chính thức mà Matxcơva dùng để chỉ cuộc xâm lăng Ukraina.
Phát ngôn viên sứ quán Trung Cộng tại Anh bảo đảm ‘‘không biết chi tiết về các cáo buộc này’’, nhưng riêng về drone, nhà ngoại giao này cam đoan Trung Cộng ‘‘luôn duy trì chế độ kiểm tra chặt chẽ đối với việc xuất khẩu drone, luôn kiểm tra chặt các drone quân sự hay các hàng hóa lưỡng dụng’’.
Theo The Times, các giới chức NATO đã ‘‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’’ sau khi nhận được hai báo cáo về chủ đề này, trong đó có báo cáo về chi nhánh của công ty sản xuất vũ khí của Nhà nước Nga, và cho biết các đồng minh NATO hiện đang tìm hiểu kỹ hơn. Theo Fabian Hinz, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trung tâm tư vấn về quốc phòng có trụ sở tại Luân Đôn, nếu chính quyền Trung Cộng biết thì điều này cho thấy Bắc Kinh ‘‘đã nâng mức độ ủng hộ đối với nỗ lực chiến tranh của Nga’’.
Trung Đông tăng nhiệt: Iran phóng phi đạn qua Israel (VOA)
Iran ngày 1/10 bắn hàng loạt phi đạn đạn đạo qua Israel, trả đũa chiến dịch của Israel chống lại các đồng minh Hezbollah của Iran tại Li Băng.
Còi báo động vang lên khắp Israel và có thể nghe thấy tiếng nổ ở Jerusalem và thung lũng Sông Jordan, người dân Israel đổ xô vào hầm trú bom. Các phóng viên trên truyền hình nhà nước nằm dài trên mặt đất trong khi đang phát sóng trực tiếp.
Các nhà báo của Reuters nhìn thấy phi đạn bị đánh chặn trong không phận của láng giềng Jordan. Báo chí Israel đưa tin có tới 180 phi đạn đã được phóng.
Trước đó, quân đội Israel đã yêu cầu người dân trú ẩn trong các phòng an toàn trong trường hợp bị tấn công.
Iran đã thề sẽ trả đũa sau các cuộc ám sát lãnh đạo cấp cao của đồng minh Hezbollah của Iran tại Li Băng.
Hành động trả đũa diễn ra sau khi Israel cho biết quân đội của họ đã tiến hành các cuộc đột kích trên bộ vào Li Băng, mặc dù mô tả chúng là có giới hạn. Chiến dịch của Israel tại Li Băng là sự leo thang lớn nhất của chiến tranh khu vực kể từ khi giao tranh nổ ra ở Gaza một năm trước.
Tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị giúp Israel tự vệ trước các cuộc tấn công bằng phi đạn của Iran. “Chúng tôi đã thảo luận về cách Hoa Kỳ chuẩn bị giúp Israel tự vệ trước các cuộc tấn công này và bảo vệ nhân sự Hoa Kỳ trong khu vực”, ông Biden nói trên X về cuộc họp được tổ chức với Phó Tổng thống Kamala Harris và nhóm an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc vào đầu ngày.
Giới phân tích dự đoán Israel sẽ phản ứng mạnh với Iran (VOA)
Cuộc tấn công phi đạn táo bạo của Iran vào Israel đã làm gia tăng căng thẳng trên khắp Trung Đông; một số nhà phân tích dự đoán Israel sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Điều chưa chắc chắn là liệu đây có phải là một cuộc trả đũa qua lại một lần hay sẽ châm ngòi cho một loạt các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng có thể nhấn chìm toàn bộ Trung Đông trong xung đột.
“Có thể xảy ra theo cả hai cách”, ông Shaan Shaikh, một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói. “Trong mọi cuộc trả đũa qua lại, các bên – Iran và Israel – đều có các lựa chọn để leo thang hoặc hạ nhiệt. Không có con đường nào được định sẵn mà họ phải lựa chọn”.
Ông James Jeffrey, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, lưu ý rằng Israel có lợi thế quân sự rõ rệt so với Iran và chắc chắn sẽ “đáp trả mạnh mẽ”.
Ông Jeffrey, chủ tịch chương trình Trung Đông tại Trung tâm Wilson, trả lời VOA qua email rằng “Khả năng leo thang của Iran để tấn công Israel bị hạn chế về mặt kỹ thuật”. “Đổi lại, Israel có khả năng leo thang rất lớn đối với Iran. Chung cuộc, sức mạnh quân sự có thể mang tính quyết định.”
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 1/10, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết họ đã thực hiện cuộc tấn công này để trả đũa cho vụ Israel ám sát ba nhân vật chủ chốt của họ: thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và một chỉ huy người Iran.
Với gần 200 phi đạn đạn đạo, đây là cuộc tấn công trực tiếp thứ hai và lớn nhất của Iran vào Israel từ lãnh thổ của mình. Vào tháng 4, Iran đã bắn hơn 300 phi đạn và máy bay không người lái vào Israel để đáp trả một cuộc tấn công của Israel vào một căn cứ ngoại giao của Iran tại Syria.
Trong cả hai cuộc tấn công, hệ thống phòng thủ của Israel, được lực lượng Hoa Kỳ hỗ trợ, đã đánh chặn hầu hết các phi đạn, ngăn chặn thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, không giống như phản ứng có chừng mực của mình vào tháng 4, Israel dự kiến sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với cuộc tấn công mới nhất. Trong một tuyên bố video, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết các nhà lãnh đạo Iran đã phạm phải một “sai lầm lớn” và cảnh báo rằng họ sẽ “trả giá cho điều đó”.
Tại sao lại là bây giờ?
Trước cuộc tấn công mới nhất, phản ứng im lặng của Iran đối với một loạt các cuộc không kích của Israel vào các quan chức và đại diện của Iran trong những tháng gần đây đã làm dấy lên nghi ngờ về mong muốn của Tehran trong việc đối đầu với một đối thủ mạnh hơn.
Có thể là như vậy, nhưng các quan chức Iran không thể ngồi yên và chứng kiến một trong những đồng minh chủ chốt của họ, Hezbollah, bị Israel triệt hạ, ông Shaikh nói.
“Họ cần phải giáng trả để bảo vệ Hezbollah ở Li Băng và cũng để cho các nhóm ủy nhiệm và đồng minh khác của họ trên khắp khu vực thấy rằng họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình”, ông Shaikh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
Cuộc không kích của Iran diễn ra sau cuộc tấn công trên bộ của Israel vào miền nam Li Băng vào ngày 30/9, sau nhiều tuần không kích khiến hơn 1.000 người ở Li Băng thiệt mạng và làm tê liệt ban lãnh đạo của Hezbollah.
Israel mô tả hoạt động này là “có giới hạn, cục bộ và có mục tiêu”, nhằm mục đích đẩy lực lượng Hezbollah ra khỏi khu vực biên giới và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của họ. Các chuyên gia cho biết Hezbollah đã báo cáo về các cuộc đụng độ với lực lượng Israel vào ngày 2/10, chứng minh năng lực chiến đấu của họ mặc dù lãnh đạo của họ đã bị hạ gục.
Trong khi đó, sự không chắc chắn đang bao trùm về việc liệu tình hình có tiếp tục leo thang hay không. Sau cuộc tấn công của Iran vào tháng 4, chính quyền Biden đã thuyết phục Israel phản ứng một cách kiềm chế. Các chuyên gia cho biết liệu một nỗ lực ngoại giao tương tự có được tiến hành hay không.
Lần này, rủi ro có vẻ cao hơn. Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã chỉ đạo quân đội Hoa Kỳ giúp Israel bắn hạ phi đạn của Iran, đồng thời nói thêm, “Đừng nhầm lẫn: Hoa Kỳ hoàn toàn, hoàn toàn, hoàn toàn ủng hộ Israel”.
Ông Jeffrey, cựu đại sứ, cho biết sau cuộc tấn công vào tháng 4, sự hiểu biết giữa Israel, Hoa Kỳ và Iran là: “Đây là lần cuối cùng, anh bạn. Nếu bạn làm điều này một lần nữa, sẽ có một sự trả đũa nghiêm trọng”.
Câu hỏi bây giờ là mỗi bên sẽ thử thách giới hạn chịu đựng của bên kia đến mức nào.
Ông Shaikh, nhà phân tích của CSIS, cảnh báo rằng cuộc xung đột càng kéo dài, thì mỗi bên sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị lớn hơn để “giao chiến với nhiều hỏa lực hơn, và đó là một mối lo ngại”.
Ông Joshua Landis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, nói cuộc tấn công của Iran “sẽ được coi là nỗ lực tương đối bất lực của Iran nhằm giữ thể diện”.
Thủ tướng Netanyahu có thể coi đây là cơ hội để tấn công mạnh vào Iran, nhưng khả năng xung đột tiếp tục vẫn chưa chắc chắn, ông Landis cho biết.
“Tuy nhiên, rất khó để biết hai bên tính toán như thế nào trong vấn đề này và liệu có thể tránh được sự leo thang hay không”, ông Landis nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
Một cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực nhưng không có quốc gia nào khác có khả năng tham gia vào cuộc chiến, làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực, ông cho biết.
“Tôi nghĩ mọi người đều cực kỳ lo lắng và bồn chồn”, ông Landis nói.
Cựu bộ trưởng Ishiba chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản (RFI)
Cựu bộ trưởng Shigeru Ishiba hôm 01/10/2024, chính thức được Quốc Hội bầu làm tân thủ tướng Nhật Bản.
Cuộc bỏ phiếu hôm nay ở hai viện của Quốc Hội Nhật chỉ mang tính hình thức sau khi ông Ishiba đắc cử chức chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do, đảng đã cầm quyền gần như liên tục từ năm 1955 đến nay. Ông là một chính khách dày dặn kinh nghiệm, từng giữ nhiều chức bộ trưởng, trong đó có bộ trưởng Quốc Phòng.
Tân thủ tướng sẽ nhanh chóng công bố thành phần nội các. Theo báo chí Nhật Bản, cựu tổng thư ký của chính phủ, ông Katsunobu Kato, sẽ được giao giữ chức bộ trưởng Tài Chính, ông Gen Nakatani sẽ nắm bộ Quốc Phòng, còn tân ngoại trưởng sẽ là ông Takeshi Iwaya.
Nhưng để củng cố tính chính danh của chính phủ mới, ông Ishiba hôm qua thông báo sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn ngày 27/10 tới.
Theo nhận định của chuyên gia Yuko Nakano, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, tân thủ tướng Nhật phải đối đầu với nhiều thách thức về kinh tế, chính trị và quốc tế.
Về mặt kinh tế, mức tiêu dùng quá yếu và mức tăng lương quá thấp là hai yếu tố cản trở tăng trưởng của Nhật Bản. Ông Ishiba còn phải tìm giải pháp cho tình trạng láo hóa của dân số Nhật Bản, do tỷ lệ sinh đẻ rơi xuống mức rất thấp.
Về đối ngoại, tân thủ tướng Nhật sẽ phải đối mặt với các căng thẳng quốc tế, trong bối cảnh dưới thời người tiền nhiệm, Tokyo đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các nước khác lo ngại trước thế lực đang lên của Trung Cộng cũng như những hành động của Nga và Bắc Triều Tiên. Trước những mối đe dọa đó, ông Ishiba chủ trương thành lập một liên minh quân sự cho châu Á, dựa trên nguyên tắc phòng thủ chung, theo mô hình NATO.
Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan (RFI)
Chính quyền Hoa Kỳ thông báo tổng thống Joe Biden, hôm 29/09/2024, đã phê duyệt gói viện trợ trị giá hơn nửa tỷ đô la để hỗ trợ quốc phòng Đài Loan.
Hãng tin AFP dẫn lại thông cáo của Nhà Trắng cho biết, tổng thống Biden đã yêu cầu ngoại trưởng Antony Blinken gửi “các thiết bị và dịch vụ quốc phòng trị giá lên tới 567 triệu đô la để hỗ trợ Đài Loan”.
Gói hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ quy mô lớn được Quốc Hội Mỹ thông qua hồi tháng 04/2024, với hơn 8 tỷ đô la được huy động để giúp Đài Loan có thể đương đầu với quân đội Trung Cộng, bằng cách đầu tư vào tàu ngầm. Washington cũng hỗ trợ Đài Bắc về mặt kinh tế, giúp cạnh tranh với các dự án lớn của Bắc Kinh ở những nước đang phát triển.
Trung Cộng đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị với Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên điều tàu chiến và máy bay quân sự di chuyển vòng quanh hòn đảo. Bắc Kinh thường xuyên phản đối việc Washington hỗ trợ Đài Bắc và cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Cộng.
Về tình hình tại chỗ, chính quyền Đài Loan, hôm qua, tuyên bố đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi phát hiện “sóng” tên lửa được phóng bên trong lãnh thổ Trung Cộng, vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan ghi nhận các tên lửa hoạt động ở khu vực Nội Mông, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương, đồng thời nhấn mạnh “lực lượng phòng không của Đài Loan duy trì mức cảnh giác cao độ” và cho biết “bất kỳ hành động đe dọa và khiêu khích nào của Trung Cộng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định trong khu vực”.
Khủng hoảng Israel-Iran: Pháp điều tàu chiến, Đức cảnh báo, Ý sắp họp G7 (VOA)
Pháp hôm 2/10 cho biết họ đã huy động các nguồn lực quân sự của mình ở Trung Đông để đẩy lùi điều mà họ gọi là mối đe dọa từ Iran trong khi Đức cảnh báo khu vực này có nguy cơ bùng cháy sau khi Tehran phóng một loạt tên lửa vào Israel.
Iran cho biết vào đầu ngày 2/10 rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của họ vào Israel đã kết thúc trừ khi có thêm hành động khiêu khích, trong khi Israel và Hoa Kỳ thề sẽ trả đũa cuộc tấn công của Tehran, trong lúc nỗi lo về một cuộc chiến tranh trên diện rộng đang gia tăng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp vào cuối ngày để thảo luận về tình hình leo thang. Trong một dấu hiệu cho thấy các quốc gia phương Tây đang tìm cách đón đầu tình hình đang xấu đi, Síp cho biết họ đã kích hoạt một cơ chế mở hành lang an toàn để cho phép công dân của các nước thứ ba di tản khỏi Trung Đông đi qua hòn đảo này.
“Pháp lên án cuộc tấn công vào Israel bằng tên lửa đạn đạo được phóng từ Iran. Pháp tái khẳng định cam kết tuyệt đối của mình đối với an ninh của Israel. Pháp đã tham gia chống lại mối đe dọa từ Iran thông qua các biện pháp quân sự của mình ở Trung Đông“, Bộ ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố.
Cơ quan này không đưa thêm chi tiết về vai trò của Pháp trong việc đẩy lùi cuộc tấn công của Iran, nhưng một quan chức cho biết Pháp đã tham gia chặn tên lửa của Iran vào đêm ngày 1/10.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot đã trao đổi với người đồng cấp Hoa Kỳ Antony Blinken để phối hợp các nỗ lực ngoại giao và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tại Berlin với người đồng cấp của mình vào ngày 2/10.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni sẽ chủ trì cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm G7 vào cuối ngày 2/10 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, văn phòng của bà cho biết.
“Ý sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao, bao gồm cả với tư cách là chủ tịch của G7. Tôi đã triệu tập một cuộc họp cấp lãnh đạo vào chiều nay“, Thủ tướng Meloni được trích dẫn khi nói với nội các của bà.
Pháp đưa tàu chiến đến Địa Trung Hải
“Iran đang có nguy cơ đẩy toàn bộ khu vực vào biển lửa – điều này phải được ngăn chặn bằng mọi giá. Hezbollah và Iran phải ngay lập tức ngừng các cuộc tấn công vào Israel“, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.
Tuần trước, Paris và Washington đã cố gắng đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời ở Lebanon, chỉ vài giờ trước khi Israel tiến hành các cuộc không kích giết chết thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah. Pháp, Anh, Đức, Ý và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán vào tối ngày 2/10.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết họ đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về tình hình ở Trung Đông vào chiều ngày 2/10.
Phủ tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ rằng họ sẽ sớm tổ chức một hội nghị ủng hộ Lebanon và đã yêu cầu bộ trưởng ngoại giao công du đến khu vực này. Theo văn phòng Phủ tổng thống, Paris cũng đang thực hiện mọi biện pháp để giúp đỡ công dân của mình trong khu vực.
Paris đã cử một tàu chiến đến phía đông Địa Trung Hải vào ngày 1/10 sau khi một tàu sân bay trực thăng của Pháp khởi hành vào ngày 30/9 để vào vị trí sẵn sàng trong trường hợp phải sơ tán hàng loạt.
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào cần sự hỗ trợ của Síp để sơ tán dân thường trên diện rộng, nhưng chính quyền Síp đã tạo điều kiện để di chuyển nhân sự và các nhóm dân bị cô lập qua ngả Síp trong những ngày gần đây, người phát ngôn Konstantinos Letymbiotis cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình, hoàn toàn chuẩn bị để hỗ trợ các hoạt động sơ tán trong khi tình hình đang tiếp diễn”, ông Letymbiotis cho biết.
Nam Hàn trình làng tên lửa “quái vật” nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội (RFI)
Nam Hàn hôm 01/10/2024, lần đầu tiên cho phô diễn tên lửa đạn đạo uy lực nhất, Hyunmoo-5, tại lễ kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội. Một lời cảnh báo ẩn ý trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ phía Bắc Triều Tiên.
Theo Yonhap, tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5, lá chủ bài trong hệ thống Korea Massive Punishment & Retaliation (KMPR) của Nam Hàn, được chở trên hai xe chở-phóng tự hành (TEL).
Tên lửa địa đối địa này, có biệt danh là “quái vật” do kích cỡ khổng lồ, đã được giữ bí mật vì tầm quan trọng chiến lược. Hyunmoo-5 có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân nặng từ 8-9 tấn và có thể công phá hầm trú ẩn nằm sâu dưới lòng đất.
Trong khuôn khổ biểu dương sức mạnh, một oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ B-1B đã bay qua căn cứ không quân Nam Hàn, được hộ tống bởi hai chiếc tiêm kích F-15K, nhằm chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với an ninh Nam Hàn.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên có nguy cơ chứng kiến ngày tàn của chế độ nếu nước này tìm cách sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo trong tình huống này, liên minh Mỹ – Hàn sẽ có hành động đáp trả « quyết liệt và áp đảo ».
Nguyên thủ Nam Hàn còn chỉ trích Bình Nhưỡng vì những lời dọa dẫm chống Seoul với các vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như là những hành động khiêu khích trong khi phớt lờ nỗi thống khổ của người dân.
Tổng thống Yoon hối thúc Bắc Triều Tiên từ bỏ « ảo tưởng » rằng vũ khí hạt nhân là « thành trì » bảo đảm an ninh. Ông cam kết tăng cường các biện pháp an ninh dựa trên mối quan hệ đồng minh vững chắc với Mỹ cũng như là hợp tác ba bên Mỹ – Nhật – Hàn về an ninh. Trong năm thứ hai mừng ngày thành lập quân đội, Seoul nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Chỉ huy Chiến lược mới, chuyên trách chống vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt Bắc Triều Tiên. Bộ Chỉ huy này sẽ bao gồm các năng lực quy ước tiên tiến của quân đội Nam Hàn cùng với năng lực răn đe mở rộng của Hoa Kỳ.
Biển Đông: Trung Cộng “bao vây hoàn toàn” bãi cạn Scarborough (RFI)
Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông dường như hoàn toàn bị Trung Cộng “bao vây”, theo các hiệp hội ngư dân Philippines, trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post. Về phía Việt Nam, báo chí trong nước hôm 30/09/2024, đưa tin 1 tàu cá thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị “một tàu nước ngoài”, tấn công khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong vòng 4 tháng (01/05-16/09) của Trung Cộng tại Biển Đông đã kết thúc từ 2 tuần qua, nhưng theo ghi nhận của chủ tịch của hiệp hội đánh cá New Masinloc của Philippines, Leonardo Cuaresma, trả lời South China Morning Post hôm nay, cho biết “kể từ ngày 15/06, bãi cạn Scarborough đã bị canh giữ nghiêm ngặt và không ai có thể tiếp cận”. Một nhóm ngư dân từ Subic của Philippines đã đến đánh bắt cá gần bãi cạn nhưng “đã bị ngăn chặn và đe dọa bằng vũ khí”.
Leonido Moralde, ngư dân Philippines, trả lời báo Inquirer, cho biết thêm : “Chúng tôi không thể đến gần, nhưng từ xa, chúng tôi có thể nhìn thấy các tàu ở đó. Chúng tôi thấy một chiếc tàu màu xám, ban đầu chúng tôi nghĩ là của Philippines, nhưng khi thấy lá cờ đỏ, chúng tôi mới nhận ra đó là của Trung Cộng”.
Về phía Việt Nam, báo chí trong nước cho biết, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi (QNg 95739TS), đã báo cáo bị một tàu nước ngoài tấn công vào hôm qua, khiến 10 ngư dân bị thương. Chính quyền Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể.
TIN VIỆT NAM.
Tàu Trung cộng tấn công ngư thuyền Việt Nam tại Hoàng Sa
Bản tin tổng hợp của RFI, hôm mùng 02 tháng 10 thuật rằng: Bốn ngày sau khi một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, miền nam Việt Nam, bị « tàu nước ngoài » tấn công một cách bạo lực, hôm nay, 02/10/2024, Bắc Kinh xác nhận « sự cố » đã xảy ra với tàu của Việt Nam, nhưng khẳng định là « đã kiềm chế », « không làm ai bị thương ».
Báo chí trong nước mô tả vụ tấn công bạo lực của hai tàu sắt nước ngoài, hôm 29/09, tấn công một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, số hiệu QNg 95739 TS khi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa mà hai bên tranh chấp chủ quyền.
Theo các ngư dân, tàu nước ngoài có gắn cờ Trung cộng. Khoảng 40 người « mặc đồ rằn ri », lên thuyền của họ, cầm que sắt « gặp đâu đánh đó ». 4 thuyền viên Việt Nam đã bị thương nặng. Các ngư dân cũng cho biết những người này đã lấy đi các ngư cụ và vật dụng giá trị, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Theo trang Geointasia, chuyên theo dõi các tàu hoạt động tại Biển Đông qua PLA tracking, hai tàu nước ngoài được xác nhận là của Trung cộng : Sansha Zhifa 101 và Sansha Zhifa 301.
Các tàu này được cho là đã dùng ba xuồng hơi, (RHIB) đuổi theo tàu cá Việt Nam QNg 95739 TS. Vào khoảng 10 giờ sáng, ngày 29/09, ba xuồng đã bao vây tàu cá Việt Nam và các nhân viên Trung cộng đã lên tàu.
Trả lời AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng thừa nhận sự cố đã xảy ra, nhưng khẳng địnhy các thông tin nêu trên không đúng tình tiết. Theo Bắc Kinh, « các tàu cá Việt Nam đã đánh bắt trái phép ở vùng biển quần đảo Tây Sa » theo tên gọi của Trung cộngc, do vậy, « lực lượng Trung cộng đã áp dụng các biện pháp bắt giữ theo quy định của pháp luật, được thực hiện một cách có kiềm chế », không để ai bị thương.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 2/10 lên tiếng phản đối hành vi “thô bạo” và gây thương tích của hải cảnh Trung Quốc đối với các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, nơi mà cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ cáo buộc về gây thương tích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã “trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản” của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS của tỉnh Quảng Ngãi khi con tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 29/9.
“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam”, trang Tuổi Trẻ Online dẫn lời bà Hằng nói.
Năm 1974, Trung cộng đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý.
Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao? (VOA)
Google, hãng khổng lồ về công nghệ của Mỹ, tuyên bố liên tiếp trong hai ngày nay về việc đầu tư tổng cộng 3 tỷ đô la vào Malaysia và Thái Lan để xây các trung tâm dữ liệu, thay vì chọn Việt Nam, dù hãng đã cân nhắc về đất nước có chính quyền cộng sản cách đây hơn 1 tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy nói với VOA rằng Việt Nam bị bất lợi khi cạnh tranh với 2 nước láng giềng trong trường hợp cụ thể này về các mặt gồm chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng và niềm tin của doanh nghiệp về mức độ can thiệp của chính quyền vào hoạt động kinh doanh.
Reuters và nhiều báo đài nước ngoài cho biết Google và chính quyền Malaysia làm lễ động thổ xây dựng một trung tâm dữ liệu kiêm vùng lưu trữ dữ liệu đám mây (cloud region) trị giá 2 tỷ đô la hôm 1/10. Google nói rằng khoản đầu tư này sẽ tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn 3 tỷ đô la vào nền kinh tế Malaysia trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Trước đó 1 ngày, Google khẳng định sẽ đầu tư 1 tỷ đô la vào một trung tâm tương tự ở Thái Lan, tạo ra trung bình 14.000 việc làm mỗi năm từ nay đến năm 2029.
Chỉ cách đây hơn 1 tháng, hôm 29/8, Reuters và các báo đài nước ngoài đưa tin rằng Google “cân nhắc việc xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam”, có thể là tại một nơi gần thành phố Hồ Chí Minh, và nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là dự án đầu tiên thuộc dạng này ở Việt Nam do một hãng công nghệ lớn của Mỹ đầu tư.
Nhưng cho đến nay, theo quan sát của VOA, chưa có thêm thông tin về việc Google có thực sự đầu tư gì vào Việt Nam hay không. VOA liên lạc với Google để tìm hiểu thêm nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Một trong những lý do Việt Nam để tuột mất khoản đầu tư của Google, theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, là chất lượng nhân lực ở Việt Nam không bằng hai nước láng giềng nêu trên:
“Các trường đại học của họ từ lâu đã dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai rồi. Người kỹ sư hay người quản lý trình độ cao thì dễ tìm. Khả năng, chất lượng làm việc của họ cao hơn hẳn Việt Nam. Đó là lợi thế của Malaysia với lại Thái Lan”.
Lời nhận xét của Tiến sĩ Vũ là một thực tế mà báo chí Việt Nam đã nhiều lần nói đến cả trước đây lẫn hiện nay, theo quan sát của VOA.
Trang VnEconomy và một số trang tin trong nước từng cảnh báo Việt Nam sẽ thiếu từ 150.000 đến 200.000 người làm trong ngành công nghệ thông tin mỗi năm. Trong khi đó, Lao Động và các báo khác từng phản ánh về số người có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam “đông như quân Nguyên” nhưng “không tinh nhuệ”, các hãng nước ngoài vẫn gặp khó khăn để tuyển được đúng người.
Yếu tố thứ hai mà Việt Nam kém Malaysia và Thái Lan là cơ sở hạ tầng, Tiến sĩ Vũ nói với VOA. Ông cho rằng đường cao tốc, mạng internet và những cơ sở vật chất khác của hai nước tốt hơn nhiều so với Việt Nam.
Điều này cũng đã được báo chí Việt Nam và ngay cả các phiên thảo luận tại quốc hội của đất nước nêu ra. Cổng thông tin của quốc hội Việt Nam đăng bài hồi tháng 11/2023 thừa nhận “chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển”, còn tại các thời điểm khác nhau, báo chí cho biết các nhà đầu tư nước ngoài “than phiền” hoặc “chê” về hạ tầng, về thủ tục hành chính rườm rà…
Nguyên nhân thứ ba được Tiến sĩ Vũ chỉ ra khi Việt Nam để lỡ dự án của Google là cơ chế dân chủ ở Malaysia và Thái Lan dù chưa hoàn hảo như các nước phương Tây song vẫn hơn Việt Nam.
Hai nước này có quốc hội tách bạch với chính phủ, có lực lượng đối lập, chính quyền tôn trọng thông tin của người dân và doanh nghiệp, không có việc chính quyền ép doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin khi chính quyền muốn theo dõi người dân, ông Vũ đưa ra bức tranh khái quát.
“Bởi vì 3 lý do đó, các công ty công nghệ sẽ chọn Malaysia hay Thái Lan hơn là Việt Nam. Về con người, về hạ tầng, về chính sách, về môi trường xã hội, về chính trị, họ thua những nước như Malaysia hay Thái Lan trong cuộc đua để giành các khoản đầu tư chất lượng cao”, ông Vũ tổng kết, đồng thời lưu ý thêm rằng mức lương công nhân và kỹ sư Việt Nam giờ đây cao hơn trước nhiều và không rẻ hơn hai nước láng giềng.
VOA liên lạc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Ngoại giao để hỏi về phản ứng của họ liên quan đến quyết định mới đây của Google, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Theo Tiến sĩ Vũ, Việt Nam cần phải làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh mới mong giành được các khoản đầu tư lớn, đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, và giảm kiểm soát của chính phủ với nguồn thông tin trong khi cho phép doanh nghiệp được độc lập hơn về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị này cho rằng Việt Nam đối mặt với những cản trở không dễ vượt qua, đó là nền giáo dục lạc hậu và vấn đề lớn hơn nữa là cơ chế chính trị không tạo đất sống cho tự do ngôn luận, tự do học thuật, tự do sáng tạo…
Ông Vũ phân tích thêm: “Đảng cộng sản duy trì quyền lực đẩy xã hội đến một ngưỡng không thể vượt ra được để phát triển. Chẳng hạn như muốn có các trường đại học tốt, chính quyền phải để cho các trường có sự tự trị nhất định trong đào tạo, đổi mới cách giáo dục, bổ nhiệm giáo sư… Hiện nay, điều này không có ở Việt Nam, nên các trường không phát triển được, không đào tạo được những người ra trường có khả năng”.
Về mối liên quan của sự tự do, Tiến sĩ Vũ chỉ rõ: “Sinh viên ra trường muốn sáng tạo phải có tự do trong tư tưởng. Nhưng điều đó không có ở Việt Nam, do cách giáo dục nhồi sọ, định hướng, kể cả môi trường truyền thông định hướng, dẫn đến sự bế tắc. Vì vậy, khi công ty công nghệ cao cần tuyển người kỹ sư có sự sáng tạo, độc lập, họ kiếm không ra ở Việt Nam”.
Kiểm soát ngôn luận và thông tin, kể cả thông tin ở dạng dữ liệu, là nét đặc trưng của đất nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo với lý do duy trì an ninh quốc gia, Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh, nhưng điều này mâu thuẫn với nhu cầu độc lập của các công ty công nghệ và vì vậy họ không thấy thoải mái khi hoạt động ở Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,5 tỷ đô la, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 8%, báo chí trong nước cho biết.
Nhưng các báo cũng dẫn lời một số chuyên gia trong nước đánh giá rằng chưa có nhiều dự án FDI về công nghệ cao, hay công nghệ xanh, cũng như còn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, vì vậy, chưa có những tác động lan tỏa về công nghệ đến các doanh nghiệp trong nước.
Sản xuất ở Việt Nam suy yếu
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm trong tháng 9, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào thời điểm cuối quý 3 của năm sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh, báo cáo cho biết.
Số lượng đơn đặt hàng mới cũng được ghi nhận giảm ở mức tương tự, và nguyên nhân cũng được cho là do ảnh hưởng của bão.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói trong thông cáo báo chí rằng: “Mức độ nghiêm trọng của cơn bão Yagi đã tác động lớn đến ngành sản xuất của Việt Nam khi mưa lớn và lũ lụt gây ra việc đóng cửa kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ của cả chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Cơn bão đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất”.
Báo cáo của S&P Global cũng cho biết thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài đáng kể khi lũ lụt làm gián đoạn việc vận tải, dẫn đến tồn kho hàng mua bị giảm nhanh và mạnh thứ hai trong lịch sử chỉ số, chỉ kém mức của tháng 4/2020, là tháng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm xuống trong tháng 9.
Ngoài ra, tình trạng gián đoạn dây chuyền sản xuất và đóng cửa hoạt động kinh doanh vì bão cũng khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng. Theo báo cáo, mức tăng lượng công việc chưa thực hiện trong kỳ này là mạnh nhất trong thời gian hai năm rưỡi.
Tuy nhiên theo ông Andrew Harker, tình hình nhu cầu mạnh lên sẽ vẫn có lợi cho tăng trưởng.
“Và điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy sự bật dậy nhanh chóng của ngành khi thời kỳ phục hồi sau bão bắt đầu”, ông Andrew Harker nói trong báo cáo.
Kỳ vọng tích cực và tình trạng tăng đáng kể của đơn đặt hàng mới trong những tháng trước đã khiến các nhà sản xuất tăng nhẹ số lượng nhân sự trong tháng 9, sau khi giảm trong tháng trước. Việc làm đã tăng suốt ba trong bốn tháng qua.
Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ công bố dữ liệu về sản xuất công nghiệp và GDP trong tháng 9 và ba quý đầu năm nay vào cuối tuần này. (VOA)
Bị cáo buộc âm mưu “khủng bố” vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân
Hai người gồm ông Nguyễn Viết Tú – 51 tuổi, ngụ huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và Trịnh Bá Hạnh -37 tuổi, ngụ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vừa bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt và khởi tố theo cáo buộc “chống phá Nhà nước”.
Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Công an tỉnh Đồng nai vào ngày 1/10 thông báo về các biện pháp đối với hai người vừa nêu.
Cụ thể, theo cơ quan ANĐT thuộc Công an tỉnh Đồng Nai hai ông Nguyễn Viết Tú và Trịnh Bá Hạnh bị cáo buộc tham gia tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời (CPQGVNLT)” có trụ sở tại Hoa Kỳ mà Việt Nam quy kết là ‘tổ chức khủng bố’.
Căn cứ kết tội đối với hai ông Nguyễn Viết Tú và Trịnh Bá Hạnh là trong dịp lễ Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) 2/9 vừa qua, cả hai có ý đồ ‘khủng bố’ khi sở hữu hàng trăm cờ của Việt Nam Cộng Hòa.
Hôm 20/9, Công an thành phố Saigon thông báo bắt giữ hai người gồm Nguyễn Thị Hường và Trần Văn Lĩnh, ngụ tại quận Gò Vấp, theo cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ liên quan tổ chức CPQGVNLT.
Công an Saigon nêu rằng hai người này khi bị bắt đang chuẩn bị 1.000 tờ truyền đơn có nội dung “kích động tuần hành, gây rối an ninh, trật tự” nhân dịp 2/9.
Công an Việt Nam suốt thời gian qua đã bắt giam nhiều người bị cho là thành viên của tổ chức khủng bố do ông Đào Minh Quân cầm đầu. Hôm 29 và 30/8, Bộ Công an đã bắt giữ hai người ngụ tại Nam Định và Hậu Giang cũng liên quan đến tổ chức CPQGVNLT.
Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, một toà án ở Tiền Giang kết án tù hai người khác với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Hai người này cũng bị cáo buộc đã tham gia tổ chức CPQGVNLT.
Vào tháng 4/2024, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm và tuyên án tù đối với 10 người tại nhiều địa phương khác nhau bị cáo buộc tham gia tổ chức CPQGVNLT.
Tổ chức CPQGVNLT do ông Đào Minh Quân tự xưng là tổng thống có trụ sở tại Hoa Kỳ và ra đời vào năm 1991.
Báo cáo viên LHQ bày tỏ quan ngại việc TS Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
Bà Mary Lawlor, một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A bị các cơ quan chức năng Việt Nam quấy rối.
Hôm 27/9, bà Lawlor nêu nhận định trên trang X chính thức của bà rằng:
“Tôi quan ngại trước các tin tức từ Việt Nam rằng Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu, đã bị công an ‘mời’ làm việc, để thẩm vấn liên quan đến các bài đăng và cuộc phỏng vấn trên mạng xã hội của ông. Tiến sĩ Nguyễn đã bị thẩm vấn và quấy rối nhiều lần do vận động nhân quyền – ông phải được phép tự do bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, theo ảnh chụp giấy mời được luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đăng trên Facebook cá nhân của ông hôm 26/9, đã bị Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao – Công an thành phố Hà Nội gửi giấy mời yêu cầu có mặt để làm việc lần thứ nhất vào ngày 25/9 với nội dung “hỏi về việc tham gia hội luận trên mạng xã hội YouTube”.
Hai ngày sau, ông tiếp tục nhận được thư mời lần hai với cùng nội dung “hỏi về việc tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội”.
Trong ngày 29/9, RFA đã nhận được tin trả lời của Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông xác nhận nội dung hai tờ giấy mời trên là đúng. Tuy nhiên ông không đưa ra thêm bất kỳ nhận định nào về vụ việc trên.
Hồi tháng 5/2023, TS Nguyễn Quang A, một trong những lãnh đạo xã hội dân sự của Việt Nam, đã bị cơ quan chức năng Việt Nam chặn xuất cảnh với lý do “an ninh” khi ông rời Hà Nội đi du lịch Thái Lan.
Vị học giả nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) lúc đó cho RFA biết ông có visa với thời hạn năm năm vào khối Schengen (ở Châu Âu) nhưng chưa sử dụng trong hai năm vừa qua vì đại dịch COVID nên đợt này ông muốn thực hiện một chuyến du lịch ở châu Âu. Tuy nhiên ông quyết định mua vé đi du lịch Thái Lan trước khi đi Châu Âu và đã bị chặn xuất cảnh.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay thực hiện những hành vi nhằm vào người bảo vệ nhân quyền. Hà Nội thường khẳng định các “chính sách nhất quán” về việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thường xuyên lên tiếng về những sự việc liên quan đến nhân quyền, sách nhiễu của cơ quan chức năng cũng như có những nhận định sắc bén về tình hình chính trị, an ninh, xã hội ở Việt Nam. Ông từng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong bối cảnh một số học giả bị bắt, các luật sư bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu.
“Mình không những cảm thất rất lo ngại về chuyện họ bắt các học giả mà là họ còn quấy rầy và thậm chí sách nhiễu các luật sư nữa. Đó là bước rất là nghiêm trọng.”
Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, nhà hoạt động người Thượng về Việt Nam
Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/ rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông đối mặt với bản án 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố”.
Phóng viên RFA tại Bangkok theo dõi phiên tòa qua hệ thống truyền hình nội bộ hôm 30/9 cho biết, thẩm phán khẳng định yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh là “có cơ sở”. Thẩm phán tuyên bố:
“Tòa án thấy rằng việc dẫn độ (Y Quynh Bdap) có thể được thực hiện…
Không có lệnh cấm nào đối với việc này.
Chính phủ có quyền thực hiện dẫn độ trong vòng 90 ngày, bất kể phán quyết của tòa án là gì.”
Tuy nhiên, tòa án cho biết thêm ông Y Quynh có 30 ngày để kháng cáo bản án, nhưng nếu chính phủ Thái Lan không có động thái nào được thực hiện trong vòng 90 ngày thì ông Y Quynh phải được trả tự do.
Nhà hoạt động người Thượng mặc đồng phục tù màu nâu, tỏ ra bình tĩnh và được chuyển đến Trại tạm giam Bangkok.
Luật sư Nadthasiri Bergman, người bào chữa cho nhà hoạt động vì quyền của người Thượng, cho hay ông Y Quynh đã thề sẽ chống án.
“Chúng tôi thất vọng với phán quyết. Chúng tôi đang làm việc để kháng cáo”, bà nói.
Bà Nadthasiri khẳng định rằng việc dẫn độ phải được chính phủ chấp thuận khi tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng.
“Tôi hy vọng chính phủ, thủ tướng, sẽ ban hành lệnh hành pháp không dẫn độ ông ấy.”
Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) nói quyết định này của tòa án Thái Lan là “kinh hoàng và vô lý”, và không hiểu rằng ông Y Quynh chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự tra tấn nếu bị buộc phải trở về Việt Nam.
Trong tuyên bố gửi Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn, ông Robertson cho rằng tòa án ở Bangkok đã bỏ qua bản chất của phán quyết ban đầu của tòa án Việt Nam là giả mạo và gian lận. Ông khẳng định:
“Đây là một vụ án thử nghiệm cho luật chống tra tấn và cưỡng bức mất tích mới của Thái Lan, và tòa án đã thất bại thảm hại trong cuộc thử nghiệm đó.
Bây giờ chính phủ Thái Lan phải chống lại áp lực công khai của Bộ Công an Việt Nam, nơi đã cử các quan chức đến tòa án để đe dọa những người tham gia vào quá trình tố tụng, và thừa nhận rằng Thái Lan có nghĩa vụ thiêng liêng là phải duy trì sự bảo vệ người tị nạn.”
Chuyên gia nhân quyền có nhiều năm quan sát tình hình nhân quyền Việt Nam cho hay, những gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn nằm trong tay chính phủ Thái Lan và họ nên làm điều đúng đắn bằng cách để nhà hoạt động người Thượng được tái định cư ở một quốc gia thứ ba, nơi ông có thể nhận được sự bảo vệ thực sự.
Ông Robertson nói danh tiếng của Thái Lan là một quốc gia có quan tâm đến nhân quyền hay không phụ thuộc vào quyết định đó.
Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những lời lên án mạnh mẽ, toàn diện về sự xuyên tạc công lý của tòa án Thái Lan và gây sức ép buộc Bangkok cho phép Y Quynh được tái định cư ở một quốc gia thứ ba. (RFA)
Mỹ áp thuế gần 300% trên pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam.
Hôm 1/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thuế chống trợ cấp (CVD) đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ các công ty ở Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan, sau khi có kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các thiết bị này đang được hưởng lợi từ trợ cấp bất hợp pháp của các chính phủ, theo cái hãng tin Reuters and Bloomberg. Riêng tại Việt Nam có 4 công ty bị áp thuế lên gần 300%.
Trong thời gian qua, Bộ Thương mại Mỹ đã cân nhắc về việc áp thuế này sau khi có Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ xác định chắc chắn vào tháng 6/2024 rằng ngành sản xuất tấm pin mặt trời của Hoa Kỳ đang bị tổn hại nghiêm trọng do việc nhập khẩu pin và tấm pin mặt trời bằng silicon từ 4 quốc gia Đông Nam Á nói trên.
Quyết định đánh thuế chống trợ cấp mới này đánh dấu một chiến thắng cho các nhà sản xuất tấm pin của Mỹ, là các doanh nghiệp đưa ra cáo buộc rằng hàng nhập khẩu giá rẻ gây tổn hại cho hoạt động của họ và đe dọa tới các khoản đầu tư nhằm phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời của Mỹ.
Nguyên đơn là các doanh nghiệp Hanwha Qcells của Hàn Quốc, First Solar có trụ sở tại bang Arizona và một số công ty nhỏ hơn đang tìm cách bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ, theo Reuters.
Các công ty này yêu cầu chính phủ áp đặt thuế, cho rằng các thiết bị nhập khẩu được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng của nước ngoài và đang được bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất trong nước.
Nhóm này, có tên là Liên minh Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời của Hoa Kỳ (AASMTC), cáo buộc các công ty Trung Quốc có nhà máy ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan xuất khẩu tràn lan vào thị trường Hoa Kỳ với các tấm pin có giá thấp hơn chi phí sản xuất và nhận trợ cấp không công bằng khiến sản phẩm của Mỹ không thể cạnh tranh.
Theo một trang thông tin đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này đã tính toán mức thuế chống trợ cấp chung là 2,85% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam; 9,13% đối với hàng nhập khẩu từ Malaysia, 8,25% đối với hàng nhập khẩu từ Campuchia, và 23,06% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Riêng bốn công ty của Việt Nam bao gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) GEP NEW ENERGY Việt Nam (GEP New Energy Viet Nam Company Limited), Công ty TNHH HT Solar Việt Nam (HT Solar Vietnam Limited Company), Công ty TNHH Năng lượng mới Thịnh Thiên Việt Nam (Shengtian New Energy Vina Co., Ltd), và Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Năng lượng Xanh Việt Nam (Vietnam Green Energy Commercial Services Company Ltd), bị áp thuế lên đến 292.61%, theo trang Solar Power World Online và Solar Builder.
Các doanh nghiệp này của Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận.
Reuters dẫn lời luật sư Tim Brightbill, cố vấn chính của Liên minh Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ nói rằng những phát hiện của Bộ Thương mại Mỹ phù hợp với mong đợi và quyết định cuối cùng có thể mang lại mức thuế cao hơn.
Ông Brightbill nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại: “Một số tỷ suất lợi nhuận này chắc chắn chưa phản ánh toàn bộ mức độ trợ cấp của chính phủ đang diễn ra trong ngành năng lượng mặt trời”.
Các bản tin cho hay Liên minh AASMTC đã nộp đơn khiếu nại trong thời gian trước đây của năm nay và đã có dự báo là Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ đưa ra phán quyết sơ bộ vào tháng 11/2024. Phán quyết cuối cùng có thể sẽ công bố vào tháng 4/2025.
VOA đã liên lạc Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về thông báo trên của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng chưa được trả lời.
Trong nhiều năm qua, Bộ Thương mại Mỹ vẫn không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này vào Mỹ, trong đó có thép, tấm pin năng lượng, các sản phẩm gỗ bị đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng mức thuế mới có nguy cơ làm chậm tốc độ chuyển đổi năng lượng của Mỹ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vụ việc đã thu hút sự phản đối từ một số nhà sản xuất nước ngoài và các nhà phát triển năng lượng tái tạo trong nước, họ cho rằng loại thuế quan này có thể mang lại lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất lớn hơn của Mỹ trong khi làm tăng chi phí của các dự án năng lượng mặt trời, theo Bloomberg.
Trang này dẫn lời bà Abigail Ross Hopper, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, đưa ra nhận định: “Chúng tôi cần các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ, đồng thời giúp chúng tôi triển khai năng lượng sạch ở quy mô và tốc độ cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phục vụ nhu cầu điện ngày càng tăng ở Hoa Kỳ”.(VOA)