Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Bầu Cử Sớm Được Bắt Đầu Tại North Carolina
Cử tri trên khắp tiểu bang North Carolina bắt đầu đến các phòng phiếu vào ngày 17 tháng 10 khi thời gian bỏ phiếu sớm của tiểu bang bắt đầu.
Công dân sẽ có thời gian cho đến 3 giờ chiều ngày 2 tháng 11 để bỏ phiếu trực tiếp sớm và tránh xếp hàng dài như thường lệ trong Ngày Bầu Cử.
Với việc tiểu bang vẫn đang vật lộn với cơn bão Helene, thách thức là làm thế nào để chính quyền tiểu bang giúp cho những người bị ảnh hưởng có thể bỏ phiếu.
Chủ tịch Hội đồng bầu cử tiểu bang North Carolina, tại một cuộc họp báo ngày 15 tháng 10, bà Karen Brinson Bell cho biết, “Người dân phía tây North Carolina sẽ bỏ phiếu. Trước cơn bão, 80 địa điểm đã được lên kế hoạch, vì vậy chúng tôi chỉ mất một vài địa điểm, mặc dù thiệt hại lớn, mất điện, mất nước, mất internet và dịch vụ điện thoại, và đường sá bị cuốn trôi trên khắp khu vực”.
Hai mươi lăm quận của North Carolina đã được chỉ định là khu vực thiên tai sau cơn bão Helene, một cơn bão cấp 4 đổ bộ vào Florida vào ngày 26 tháng 9 và tiếp tục tàn phá vùng Đông Nam với mức lũ lụt lịch sử. Ít nhất 230 người đã thiệt mạng.
Cơn bão tấn công mạnh nhất vào vùng núi phía tây North Carolina, trong một số trường hợp đã cuốn trôi toàn bộ thị trấn không chuẩn bị cho cơn bão.
Bà Bell thông báo rằng 76 địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa cho hơn 1,2 triệu cử tri đã đăng ký tại các khu vực đó.
Bà Bell nói thêm rằng tiểu bang hy vọng sẽ có ít nhất một địa điểm bỏ phiếu sớm mở cửa ở mỗi quận trong thời gian bỏ phiếu sớm, với lịch trình được điều chỉnh ở một số khu vực.
Những thay đổi đó chỉ là một trong những thay đổi về luật bầu cử mà tiểu bang cho phép sau cơn bão Helene.
Các sửa đổi khác đã được phê duyệt vào đầu tháng này bao gồm cho phép các nhóm tiếp cận tại 13 quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nơi trú ẩn thiên tai để giúp người dân bỏ phiếu. Một số quy tắc bỏ phiếu vắng mặt cũng đã được thay đổi.
Tính đến ngày 10 tháng 10, hơn 47.000 lá phiếu vắng mặt đã được gửi qua đường bưu điện đến cử tri tại các quận bị ảnh hưởng; cho đến nay, chưa đến 5.700 lá phiếu được gởi trả lại.
Với gần 19 bưu điện trong tiểu bang vẫn đóng cửa do thiệt hại từ cơn bão Helene, việc trả lại lá phiếu qua đường bưu điện có thể không phải là lựa chọn của một số người.
Theo các quy định mới, những người ở các khu vực thảm họa được chỉ định có thể nhận lá phiếu vắng mặt của mình tại các văn phòng bầu cử địa phương và trả lại cho bất cứ văn phòng bầu cử quận hoặc địa điểm bỏ phiếu sớm nào. Những cử tri bị ảnh hưởng cũng có thể bỏ phiếu tại văn phòng bầu cử địa phương của họ cho đến 5 giờ chiều ngày 4 tháng 11.
Tất cả các lá phiếu vắng mặt phải được nhận trước 7:30 tối ngày 5 tháng 11.
Florida Kiện Chính Phủ Liên Bang, Về Việc Truy Tìm Dữ Kiện Cử Tri Không Phải Công Dân
Nhà chức trách tiểu bang Florida đứng đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 16 tháng Giêng, cáo buộc các viên chức liên bang từ chối hợp tác với Florida nhằm xóa tên những người không phải công dân Hoa Kỳ ra khỏi danh sách cử tri.
Luật của tiểu bang yêu cầu các cơ quan phải duy trì hồ sơ đăng ký cử tri chính xác. Luật liên bang yêu cầu chính phủ liên bang phải trả lời các yêu cầu từ các cơ quan chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương “xác minh tình trạng công dân hoặc nhập cư của bất cứ cá nhân nào trong phạm vi quyền hạn của cơ quan đó”.
Nhưng khi Bộ Ngoại giao Florida yêu cầu Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) cung cấp dữ kiện về những cá nhân mà chính quyền Florida xác định là có thể không phải công dân đã đăng ký đi bầu; giám đốc của USCIS đã trả lời rằng cơ quan này không thể cung cấp bất cứ thông tin nào.
Theo đơn kiện, chính quyền Florida có quyền truy cập vào chương trình, nhưng không đủ để kiểm tra tất cả những người không phải công dân, vì chương trình yêu cầu các viên chức phải có thông tin tiểu sử và số nhận dạng nhập cư để kiểm tra tình trạng công dân của một người.
“Nếu không có thêm thông tin từ DHS, Florida không thể hoàn thành nghĩa vụ theo luật định là bảo đảm tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử và duy trì hồ sơ đăng ký cử tri chính xác”. Bộ trưởng Tư Pháp Florida Ashley Moody và các luật sư tiểu bang cho biết, “Việc Florida không thực hiện các nghĩa vụ theo luật định có thể gây ra tổn hại cho chủ quyền của tiểu bang”.
Đơn khiếu nại đã được đệ trình lên tòa án liên bang ở Pensacola.
Chính quyền Florida đang yêu cầu tòa án tuyên bố việc USCIS từ chối cung cấp thông tin về các cá nhân là bất hợp pháp, buộc các viên chức liên bang Hoa Kỳ cung cấp thông tin và trang trải phí tổn luật sư.
Đơn kiện này chống lại Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS)—cơ quan mẹ của USCIS—và bộ trưởng DHS.
Bà Moody tuyên bố, “Quyền bỏ phiếu là quyền được trao cho công dân Hoa Kỳ—không phải người nhập cư bất hợp pháp hay những người không phải công dân. Chính quyền Biden-Harris đã cho phép hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước. Chúng ta phải bảo đảm rằng chỉ có công dân mới có tên trong danh sách cử tri của chúng ta. Tôi đang thực hiện hành động pháp lý chống lại Bộ An Ninh Nội Địa và Bộ trưởng Mayorkas để bảo đảm Florida có thể duy trì tính toàn vẹn của danh sách cử tri của tiểu bang chúng ta”.
Vụ kiện không nêu rõ chính quyền Florida đã xác định được bao nhiêu người không phải là công dân Hoa Kỳ. Chính quyền Florida cho biết rằng, họ sẽ không công khai tiết lộ thông tin về những cá nhân này nhưng “nếu cần thiết để giải quyết vụ án này, Florida sẵn sàng nộp thông tin trong đơn khiếu nại hoặc cung cấp thông tin cho Bị đơn và Tòa án theo lệnh toà”.
DHS và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, chưa có lời nào lên tiếng cho vụ kiện này.
Hoa Kỳ Trừng Phạt Trung Cộng Vì Phát Triển Máy Bay Không Người Lái Cho Nga
Hoa Kỳ đã trừng phạt hai công ty Trung Cộng vì vai trò của họ trong dự án máy bay không người lái bí mật của Nga tại Trung Quốc.
Theo Bộ Tài Chính, các công ty, Xiamen Limbach Aircraft Engine Co. Ltd. và Redlepus Vector Industry Shenzhen Co. Ltd., đã bị nhắm mục tiêu vì tham gia vào việc phát triển và sản xuất máy bay không người lái tấn công tầm xa, thuộc loại Garpiya của Nga.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trừng phạt các công ty Trung Cộng chịu trách nhiệm phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí, hợp tác với các công ty Nga.
Bản báo cáo cho biết bất cứ tài sản nào mà họ có tại Hoa Kỳ hoặc do người Hoa Kỳ kiểm soát sẽ bị đóng băng và báo cáo cho Văn phòng Kiểm Soát Tài Sản Nước Ngoài của Bộ Tài Chính, và người Hoa Kỳ bị cấm cung cấp hoặc nhận tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ cho hoặc từ các công ty bị trừng phạt.
Bất cứ công ty nào làm chủ 50% trở lên cũng phải chịu các biện pháp này.
Bộ Tài Chính cho biết, máy bay không người lái Garpiya đã được Nga khai triển tại Ukraine, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và gây ra thương vong hàng loạt.
Hoạt động sản xuất máy bay không người lái tại các nhà máy Trung Cộng được điều phối bởi Công ty Cổ Phần Nhà Máy Cơ Điện Tử Izhevsk Kupol, một công ty con của công ty vũ khí nhà nước Nga JSC Aerospace Defense Concern Almaz-Antey. Cả hai đều đã bị Hoa Kỳ trừng phạt trước đó.
Trong một báo cáo vào tháng 9, Reuters đã phát giác ra dự án máy bay không người lái của Kupol tại Trung Cộng và cho biết công ty đã phát triển và thử nghiệm một mẫu mới, Garpiya-3, tại Trung Cộng với sự trợ giúp của các chuyên gia địa phương.
Theo các tài liệu mà Reuters xem được, mẫu máy bay này có thể bay được khoảng 1.200 dặm với tải trọng tối đa là 110 pound. Kupol đã nói với Bộ Quốc Phòng Nga rằng họ có thể sản xuất hàng loạt máy bay không người lái ở Trung Quốc và sử dụng chúng trong cái gọi là hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Vào thời điểm đó, Tòa Bạch Ốc bày tỏ lo ngại về báo cáo nhưng không có bằng chứng nào cho thấy chế độ Trung Cộng tham gia trực tiếp vào việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, bị Hoa Kỳ xem Bắc Kinh là mục tiêu của các lệnh trừng phạt quốc tế.
Các nhà sản xuất Trung Cộng từ lâu đã bị cáo buộc bán các bộ phận, cho quân đội Nga.
Vladyslav Vlasiuk, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đã nói với các phóng viên vào tháng trước rằng khoảng 60% các bộ phận nước ngoài được tìm thấy trong vũ khí của Nga ở Ukraine đến từ Trung Cộng.
Phát ngôn viên của Bộ Tài Chính và Bộ Ngoại Giao, Matthew Miller nói rằng, Hoa Kỳ trước đây đã trừng phạt các công ty Trung Cộng vì “cung cấp vật liệu quan trọng cho kỹ nghệ quân sự của Nga”, thì đây là lần đầu tiên các công ty Trung Cộng bị trừng phạt vì “trực tiếp phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí, hợp tác với các công ty Nga”.
Trong một tuyên bố, Quyền Thứ trưởng Bộ Tài Chính phụ trách Khủng Bố và Tình Báo Tài Chính Bradley T. Smith cho biết, “Nga ngày càng dựa vào chuyên môn của các chuyên gia nước ngoài và việc nhập cảng các kỹ nghệ tinh vi để duy trì chương trình vũ khí và thúc đẩy chiến tranh chống lại Ukraine”.
Smith cho biết Bộ Tài Chính sẽ “tiếp tục phá vỡ các mạng lưới bán cho Nga các loại vũ khí tiên tiến này”.
Ủy Ban Độc Lập Kêu Gọi Cải Cách Cơ Quan Mật Vụ
Một ủy ban độc lập đang kêu gọi cải tổ Cơ Quan Mật Vụ Hoa Kỳ sau khi xem xét cách cơ quan này xử lý vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump vào ngày 13 tháng 7.
Trong báo cáo dài 52 trang được công bố vào thứ Năm, ủy ban gồm các chuyên gia do Bộ trưởng An Ninh Nội Địa Alejandro Mayorkas ủy quyền đã chỉ trích Cơ quan Mật Vụ vì thói “làm ít mà đòi kết quả lớn” và “thiếu lập luận phản biện” nói chung. Trong một lá thư kèm theo báo cao, Uỷ Ban cho biết, “Cơ quan Mật vụ đã trở nên quan liêu, tự mãn và trì trệ mặc dù rủi ro đã tăng lên gấp bội”.
“Công việc của Ủy ban Độc lập không chỉ phát giác ra nhiều sai lầm dẫn đến các sự kiện ngày 13 tháng 7 tại Butler, Pennsylvania, mà còn phát giác ra các vấn đề sâu sắc hơn, có hệ thống, cần phải được giải quyết khẩn cấp”.
Ủy ban lưỡng đảng bao gồm Mark Filip, phụ tá bộ trưởng tư pháp dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush; Janet Napolitano, bộ trưởng An Ninh Nội Địa dưới thời chính quyền Obama; Frances Townsend, cố vấn An Ninh Nội Địa của Bush; và cựu giám đốc cảnh sát tiểu bang Maryland David Mitchell.
Cuộc điều tra của nhóm phát giác ra rằng một số biến cố an ninh và thất bại của Cơ quan Mật vụ đã tạo điều kiện cho nỗ lực ám sát ông Trump. Trong số những thất bại đó có việc không có nhân viên của cơ quan bảo vệ tòa nhà AGR—nơi mà kẻ ám sát Thomas Matthew Crooks đang ẩn náu—và không giảm thiểu được mối đe dọa từ tầm nhìn của tòa nhà đối với sân khấu của cuộc biểu tình.
Các vấn đề khác bao gồm việc cô lập thông tin liên lạc của Cơ Quan Mật Vụ khỏi thông tin liên lạc của cơ quan công lực địa phương, kỹ nghệ phát giác máy bay không người lái của cơ quan này không hoạt động, các đặc vụ và cơ quan công lực không đối đầu với Crooks trước khi hắn nổ súng và thực tế là đội an ninh của Trump không được thông báo về Crooks và mối đe dọa mà hắn có thể gây ra.
Cơ quan công lực đã phát giác ra Crooks hơn 90 phút trước khi hắn bắn tám phát về phía Trump, sượt qua tai phải của cựu tổng thống và giết chết người tham gia cuộc biểu tình Corey Comperatore. Hai người tham dự khác, James Copenhaver và David Dutch, bị thương nặng.
Khi tiếng súng vang lên, đội an ninh của Trump chạy đến sân khấu và bao vây ông để tạo ra một “hầm trú ẩn”, theo giao thức của Mật Vụ.
Trong khi khen ngợi các đặc vụ vì phản ứng nhanh chóng của họ, hội đồng lưu ý rằng trong quá trình đưa Trump ra khỏi sân khấu, phần thân trên của ông vẫn bị lộ “trong những giây quan trọng” tại thời điểm không rõ liệu có những tay súng khác trong khu vực hay không.
Hội đồng cho biết những thất bại về an ninh như vậy đã làm lộ ra những lo ngại nhiều hơn về các hoạt động của Mật Vụ. Những lo ngại đó bao gồm đào tạo không đầy đủ, “thái độ văn hóa gây xói mòn” liên quan đến nguồn lực và thời điểm lên tiếng và chia sẻ thông tin quan trọng, và thiếu rõ ràng về cơ quan nào có quyền về tình trạng an ninh chung tại nơi người được bảo vệ.
Để khắc phục những vấn đề này, các chuyên gia đã khuyến nghị “làm mới lãnh đạo” với một giám đốc Mật Vụ mới, được lựa chọn từ bên ngoài cơ quan chứ không phải từ bên trong.
Tối Cao Pháp Viện Arizona Bác Bỏ Yêu Cầu Giữ Kín Hồ Sơ Ly Hôn
Tòa án tối cao Arizona vào ngày 16 tháng Giêng đã bác bỏ yêu cầu của một nghị sĩ đang tranh cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ về việc giữ kín hồ sơ ly hôn của mình.
Dân biểu Ruben Gallego (D-Ariz) và vợ cũ của ông, Katharine Gallego, đã yêu cầu Tối Cao Pháp Viện Arizona giữ kín hồ sơ ly hôn của họ sau khi hai tòa án cấp dưới ra phán quyết có lợi cho Washington Free Beacon, một ấn phẩm tìm kiếm hồ sơ.
Luật sư của Gallegos nói với tòa án, “Nếu không có lệnh của Tòa án này trước ngày 17 tháng 10, tiếp tục hoãn quyết định của Tòa án cấp cao trong khi Gallegos tìm cách niêm phong hồ sơ, có thể gây tổn hại đến quyền riêng tư và an toàn cho bản thân và đứa con của họ”.
Các thẩm phán cho biết, Gallegos đã không chứng minh được rằng họ có khả năng thắng kiện hoặc họ có thể bị tổn hại để ngăn cản các thẩm phán phúc thẩm Arizona ra lệnh mở niêm phong hồ sơ.
Toà cho rằng, “Gallegos đã không chứng minh họ gặp khó khăn”.
Theo các lệnh trước đó trong vụ án, hồ sơ sẽ được công khai vào ngày 17 tháng 10.
Eliana Johnson, tổng biên tập của Free Beacon, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng, “@freebeacon đã thắng kiện chống lại @RubenGallego, trong đó chúng tôi đã tìm cách mở niêm phong hồ sơ ly hôn của anh ấy”.
Ruben Gallego, người đã ly hôn với Katharine Gallego vào năm 2016 ngay trước khi cô sinh con trai và sau đó đã tái hôn, dường như không bình luận về lệnh của Tối Cao Pháp Viện Arizona.
Ruben và Katharine Gallego trong một tuyên bố chung vào đầu tháng đã cáo buộc Kari Lake, đảng viên Cộng hòa đang tranh cử cùng ghế Thượng viện với Ruben Gallego, là người đứng sau nỗ lực công khai các tài liệu.
Sử Dụng Máy Bay Không Người Lái Để Chuyển Fentanyl Có Thể Bị Tù Chung Thân
Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ tại Los Angeles cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, một người đàn ông Nam California đã bị bắt vào ngày 16 tháng Giêng vì bị tình nghi sử dụng máy bay không người lái để thả fentanyl và các chất ma túy khác cho người mua, một trong số họ đã tử vong do dùng quá liều fentanyl.
Christopher Patrick Laney, 34 tuổi, còn được gọi là “Cranky”, đến từ Lancaster bị cáo buộc chín tội danh hình sự.
Các tội danh bao gồm một tội danh phân phối fentanyl dẫn đến tử vong, bốn tội danh điều khiển máy bay không đăng ký để thực hiện tội phạm ma túy, một tội danh sở hữu và phân phối methamphetamine, hai tội danh sở hữu với mục đích phân phối fentanyl và một tội danh sở hữu vũ khí trong một tội phạm buôn bán ma túy.
Một bồi thẩm đoàn đã trả lại bản cáo trạng vào ngày 17 tháng 9 và được công khai vào thứ Tư.
Laney dự định sẽ hầu tòa vào thứ năm tại thành phố Los Angeles, cách Lancaster khoảng một giờ về phía nam.
Theo cáo trạng, Laney bị tình nghi sử dụng máy bay không người lái chưa đăng ký vào ngày 17 tháng 1 năm 2023 để vận chuyển fentanyl từ nhà mình đến bãi đậu xe của một nhà thờ gần đó, nơi có người đến đó để nhận.
Các công tố viên cho biết, “Laney đã phân phối fentanyl cho một người rồi bán cho nạn nhân, được xác định trong cáo trạng là ‘J.K.’, đã chết vào ngày hôm sau sau khi cô ta dùng thuốc quá liều và tử vong”.
Các công tố viên cho biết, video do máy bay không người lái quay được cho thấy Laney đã sử dụng cùng một máy bay không người lái để vận chuyển và phân phối ma túy ít nhất ba lần khác vào tháng 12 năm 2022 và tháng 1 năm 2023. Vào tháng 2 năm 2023, Laney cũng có nhiều loại súng tại nhà, bao gồm một khẩu súng trường kiểu AR-15 không có số, thường được gọi là “súng ma” và hai khẩu súng lục 9 mm, cũng không số.
Nếu bị kết tội về tất cả các tội danh, Laney sẽ phải bị bản án tối thiểu là 25 năm tù liên bang và có thể là chung thân.
Quân Đội Israel Báo Cáo Lãnh Đạo Hamas Yahya Sinwar Đã Chết
Quân đội Israel báo cáo rằng lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar đã bị giết trong cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza.
Sinwar, 62 tuổi, bị Israel coi là kẻ chủ mưu đằng sau cuộc xâm lược ngày 7 tháng 10 năm 2023, trong đó những kẻ khủng bố do Hamas cầm đầu đã tiến hành một cuộc thảm sát trên lãnh thổ Israel, giết chết khoảng 1.200 người và bắt 251 người làm con tin.
Ông ta đã tiếp quản Hamas sau khi thủ lĩnh trước đó, Ismail Haniyeh, bị giết vào tháng 7 trong một vụ nổ tại một khách sạn ở thủ đô Tehran của Iran.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết hôm thứ Năm trong một bài đăng trên X: “Trong các hoạt động của IDF ở Gaza, 3 tên khủng bố đã bị tiêu diệt. IDF và ISA đang kiểm tra xem có phải một trong những tên khủng bố là Yahya Sinwar. Ở giai đoạn này, danh tính của những tên khủng bố vẫn chưa được xác nhận. Trong tòa nhà nơi những tên khủng bố bị tiêu diệt, không có dấu hiệu nào cho thấy có con tin. Các lực lượng đang hoạt động trong khu vực vẫn tiếp tục hoạt động với sự thận trọng cần thiết”.
Một họa đồ cho thấy có hình thi thể của Sinwar, đã lan truyền trên mạng xã hội vào thứ năm và có tin tức ông ta đã chết trong một cuộc tấn công của Israel ở Gaza.
Người ta tin rằng Sinwar đã sống trong mạng lưới đường hầm bên dưới Dải Gaza, cùng với các chiến binh Hamas vẫn tiếp tục chống lại lực lượng Israel.
Hamas đã dành hơn một chục năm để xây dựng một hệ thống đường hầm rộng lớn.
Vào tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói trên X, “Chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi chúng ta tìm thấy ông ta”.
Sinwar là viên chức cấp cao nhất của nhóm khủng bố tại Gaza kể từ năm 2017, nhưng Haniyeh vẫn là cấp trên của ông ta cho đến tháng 7 năm 2024.
Sinh ra trong một trại tị nạn ở thành phố Khan Younis, phía nam Gaza, Sinwar gia nhập Hamas vào cuối những năm 1980, trở nên nổi tiếng với tư cách là người sáng lập ra nhánh tình báo của nhóm, được gọi là Majd.
Năm 1989, Sinwar bị kết án với 4 bản án chung thân liên tiếp vì bắt cóc và giết hại hai binh sĩ Israel.
Ông ta ở trong một nhà tù của Israel cho đến năm 2021, khi Israel thả hơn 1.000 tù nhân Palestine để đổi lấy binh sĩ Israel Gilad Shalit, người đã bị Hamas bắt giữ và giam giữ tại Gaza trong năm năm.
Kể từ khi ra tù, Sinwar đã tham gia vào nhiều cuộc tấn công chống lại Israel, bao gồm cả cái gọi là Chiến tranh 11 ngày vào tháng 5 năm 2021, trong đó Hamas và nhóm khủng bố Jihad Hồi giáo Palestine đã bắn hỏa tiễn vào Israel và khiến Israel phải trả đũa bằng các cuộc không kích ở Gaza.
Năm 2015, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chỉ định Sinwar là một tên khủng bố toàn cầu. Việc chỉ định này có nghĩa là công dân Hoa Kỳ không được cung cấp cho hắn bất cứ sự hỗ trợ tài chính hoặc vật chất nào và bất cứ tài sản nào hắn có thể có tại Hoa Kỳ đều phải bị đóng băng.
Vào tháng 2, quân đội Israel đã công bố một đoạn video được cho là cho thấy cảnh Sinwar đi qua một đường hầm bên dưới Khan Younis vào ngày 10 tháng 10 cùng với một số thành viên gia đình.
“Cuộc truy đuổi Sinwar sẽ không dừng lại cho đến khi chúng tôi bắt được hắn, dù còn sống hay đã chết”, phát ngôn viên của IDF Daniel Hagari cho biết trong một cuộc họp báo sau khi công bố đoạn phim, lưu ý rằng đoạn video được quay từ một camera giám sát bên trong đường hầm, nơi những người lính đã truy đuổi Sinwar.
Tin Việt Nam
Hai Trong Số Ba Tù Nhân Lương Tâm Tiếp Tục Tuyệt Thực
Ông Đặng Đình Bách đã ăn trở lại khi không bảo đảm sức khỏe, hai tù nhân lương tâm (TNLT) khác là ông Bùi Văn Thuận và Trịnh Bá Tư tiếp tục cuộc tuyệt thực của mình sang ngày thứ 19 trong Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An).
Cả ba ông bắt đầu cuộc tranh đấu của mình từ ngày 28/9 vừa qua để phản đối hình thức giam giữ TNLT trong “chuồng cọp” ở Phân trại 1, cũng như đòi trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến đang trong lao tù ở Việt Nam.
Ngày 16/10, ông Trịnh Bá Khiêm, bố của ông Trịnh Bá Tư, cùng con gái là Trịnh Thị Thảo, đã đến trại giam để thăm gặp nhà hoạt động trẻ tuổi này, người đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Trên đường trở về nhà trong chiều cùng ngày, bà Thảo nói với đài phát thanh RFA:
“Anh Bách đồng hành với Tư và anh Thuận được 10 ngày tuyệt thực. Do sức khỏe của anh Bách yếu nên anh Bách dừng tuyệt thực sau 10 ngày, và sau hai ngày thì sức khoẻ dần ổn định.
Tư và anh Thuận sẽ vẫn tiếp tục tuyệt thực và chưa nói sẽ dừng ngày nào”.
Bà Thảo cho biết thêm sức khỏe của ông Tư tạm ổn dù có bị hoa mắt và chóng mặt, cân nặng giảm 9 kg (từ 68 kg xuống còn 59 kg). Riêng ông Thuận bị đau khớp nặng và không đi lại được trong khoảng 5-6 ngày nhưng hai ngày nay có thể đi lại nhẹ nhàng.
Bà Thảo nói rằng trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, dưới sự giám sát chặt chẽ của nhiều an ninh, ông Tư cho biết, ngày 14/10, đại diện trại giam là trung uý Nguyễn Ngọc Thuận đến làm việc với hai người đang tuyệt thực. Bà thuật lại:
“Phía trại giam có nói là sẽ mở cửa ‘chuồng cọp,’ một vài tiếng trong ngày chủ nhật để các anh em tù chính trị có thể ra tập thể dục ở sân chung. Họ nói là có đề xuất lên trên để chấm dứt cái tình trạng ‘chuồng cọp’ đối với các tù nhân chính trị và họ nói là sẽ trả lời sau”.
Tuy nhiên, hai ông Tư và Thuận vẫn tiếp tục tranh đấu cho đến khi được đáp ứng yêu sách là mở cửa “chuồng cọp” trong tất cả các ngày trong tuần.
Trước đó, vào ngày 9/10, cán bộ trại giam đưa người vào buồng giam để khám xét nhưng không tìm được gì vì hai ông đã đem toàn bộ thực phẩm dự trữ của mình cho các bạn tù khác.
Cựu TNLT Trần Huỳnh Duy Thức Kêu Gọi Xoá Bỏ Hình Thức “Chuồng Cọp”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị kết án 16 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, bị giam trong cùng phân trại với ba tù nhân nói trên trước khi được phóng thích vào cuối tháng trước.
Ông là người trải nghiệm bị giam giữ trong “chuồng cọp” từ giữa tháng 4 cho đến khi được trả tự do.
Trên trang Facebook cá nhân, ông đã công bố thư gửi Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch Nước Tô Lâm với đề nghị cựu bộ trưởng công an dùng quyền lực của mình để xoá bỏ chế độ giam giữ chuồng cọp vô nhân đạo.
Trong thư đề ngày 13/10, ông viết:
“Chế độ giam cầm bằng chuồng cọp không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn vi phạm luật pháp Việt Nam hiện hành. Điều này ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và đi ngược lại những cam kết mà ông đã phát biểu.
Mọi người không thể hiểu được trong thế giới văn minh ngày nay lại có thể tồn tại những chế độ tù đày tàn ác và phi nhân tính đến như vậy”.
Ông Thức đề nghị ông Tô Lâm “xem xét và chấm dứt ngay chế độ giam giữ chuồng cọp ở Trại giam số 6, nhằm bảo đảm rằng các tù nhân được đối xử nhân đạo và công bằng dựa trên cơ sở pháp luật”.
Trước đó, ông Thức mô tả “chuồng cọp” trong Phân trại 1 là những ô vuông bằng song sắt chỉ có một mét vuông, ngăn cách buồng giam với sân chung, không đủ cho một người thoải mái di chuyển.
Từ buồng giam, tù nhân chính trị không thể ra ngoài khu vực sân chung để tập thể dục hoặc làm vườn do phó Giám thị trại giam Thái Văn Thủy yêu cầu khóa cửa “chuồng cọp” từ tháng 4. (RFA)
Việt Cộng – Trung Cộng Ký 10 Hợp Tác Nhân Chuyến Thăm Của Thủ Tướng Trung Cộng
Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Trung cộng Lý Cường, hai nước đã ký kết 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận về kết nối đường sắt, khai triển dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR.
Vào buổi tối 12/10, sau khi vừa đặt chân đến Hà Nội, ông Lý Cường đã có cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chuyến thăm lần này của ông Lý Cường diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo lịch trình dự định, sau khi hội đàm với ông Chính, ông Lý Cường sẽ có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Cộng-Trung Cộng trước khi về nước vào ngày 14/10.
Thời gian gần đây, các lãnh đạo của Việt Cộng và Trung Cộng đã có nhiều cuộc tiếp xúc.
Vào tháng 6/2024, ông Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Cộng.
Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch Việt Cộng Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Cộng.
Từ ngày 9-12/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã có chuyến thăm Trung Cộng, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Cộng Tập Cận Bình và hội đàm với Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Sáng 13/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Cường và chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Tại đây, Việt cộng và Trung cộng đã ký kết 10 thỏa thuận, đáng chú ý là những văn kiện về kết nối đường sắt, nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, khai triển dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR…
Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung cộng về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Cộng và Tổng cục Hợp Tác Phát Triển Quốc Tế Quốc Gia Trung Cộng về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.
Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Cộng và Tổng cục Hải quan Trung cộng về thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh Nghiệp ưu tiên của Hải Quan Việt Cộng và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung cộng.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt cộng và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung cộng.
Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh, Trung cộng.
Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Cộng chuyển hướng một số hoạt động sản xuất hàng xuất cảng sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung cộng và Mỹ.
Giới chức hai nước đánh giá đây là lãnh vực có ý nghĩa to lớn để kết nối chiến lược hai nền kinh tế, kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt cộng-Trung cộng với sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung cộng.
Việt cộng-Trung cộng Chính Thức Cho Thăm Thác Bản Giốc Biên Giới
Việt cộng và Trung cộng vừa chính thức mở cửa thác Bản Giốc-Đức Thiên cho khách du lịch tham quan xuyên biên giới, ngay sau khi Thủ tướng Lý Cường thăm Hà Nội nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng.
Tuyên bố chung giữa ông Lý và Thủ tướng Việt cộng Phạm Minh Chính, được đưa ra hôm 14/10, nói rằng hai nước “tuyên bố chính thức vận hành khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung cộng), khuyến khích các du khách hai bên tham quan nước bên kia, thúc đẩy ngành du lịch, hợp tác hàng không phục hồi và phát triển lành mạnh”.
Các tờ báo nhà nước của cả Việt cộng và Trung cộng đưa tin rằng lễ vận hành chính thức khu du lịch xuyên biên giới này đã diễn ra hôm 15/10, do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cao Bằng của Việt cộng và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung cộng tổ chức.
Báo nhà nước cho biết, đây là khu hợp tác xuyên biên giới hai nước trên cơ sở Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc-Đức Thiên. Theo tờ báo chính thức của Cộng sản Việt Nam, hai bên đã khai triển thí điểm khai thác khu cảnh quan này trong hơn một năm qua trước khi chính thức mở cửa.
Tuyên bố của hai thủ tướng Việt cộng và Trung Cộng trong cuộc gặp hôm 13/10, được VnExpress trích dẫn, nói rằng khu hợp tác xuyên biên giới hai nước này có diện tích 400 ha với 200 ha ở mỗi bên.
Trích dẫn số liệu của Trung tâm thông tin du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt cộng, báo Chính phủ cho biết trong giai đoạn thí điểm từ ngày 15/9/2023 đến 11/10/2024, tổng lượng khách qua lại tham quan du lịch tại khu thác Bản Giốc-Đức Thiên là hơn 16.000 người, trong đó có gần 5.200 người từ Việt Nam sang khu cảnh quan phía Trung cộng và hơn 10.900 người từ Trung cộng sang khu cảnh quan phía Việt Nam.
Khu vực thác Bản Giốc từng được xem là “nhạy cảm” và có lịch sử tranh chấp lâu đời cũng như được dư luận hai nước Việt Nam và Trung cộng đặc biệt quan tâm.
Nhưng theo Tiến sỹ Trần Công Trục, người từng công tác tại Ban Biên giới Chính phủ, nói với báo Thanh Niên của cộng sản Việt Nam hồi tháng 10/2021 rằng “không có chuyện Việt Nam đã để mất thác Bản Giốc vào tay Trung cộng, như một số người, do vô tình hay cố ý, viện dẫn các tư liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, thậm chí cả Sách Trắng của Bộ Ngoại giao công bố vào những năm 1970 để khẳng định rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam”.
TS Trục cho biết, vấn đề này “đã được giải quyết cực kỳ công bằng, khách quan và cầu thị, hoàn toàn phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế”.
Việt Nam và Trung cộng vào tháng 8/2015 đã ký Hiệp định về Thác Bản Giốc sau 7 năm đàm phán. Theo Dân Trí đưa tin lúc đó, việc ký kết hiệp định này đã khép lại hoàn toàn giai đoạn đàm phán đường biên giới trên bộ và là “bài học lớn để hai bên tiếp tục đàm phán giải quyết những tranh chấp khác trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Việt Nam và Trung cộng vẫn tiếp diễn trong nhiều năm qua.
Hơn 1 tuần trước khi ông Lý đến Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt cộng đã đưa ra phản đối việc tàu hải cảnh Trung cộng tấn công và làm ngư dân Việt Nam đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa bị thương dù Bắc Kinh phủ nhận việc này. Ông Chính và ông Lý, trong cuộc gặp ở Hà Nội, đã trao đổi “thẳng thắn về vấn đề trên biển” cũng như nhất trí xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông.(VOA)
Việt Cộng Xây Dựng Đảo Nhân Tạo Ở Biển Đông Để Đối Trọng Với Trung Cộng
Các lực lượng vũ trang Việt cộng đang xây dựng một mạng lưới đảo nhân tạo ở Biển Đông để đối trọng lại phía quân đội Trung cộng.
Một nghiên cứu của báo Wall Street Journal (WSJ) sử dụng các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động này. Cụ thể, những đảo nhân tạo của phía cộng sản Việt Nam xây dựng tăng gấp 10 lần trong vòng ba năm qua. Những đảo đó là nơi nước này có kế hoạch bố trí chiến đấu cơ, các hệ thống phòng không. Và thực tế tăng cường mở rộng đảo nhân tạo của Việt Nam bao gồm công cuộc xây dựng các bến cảng, hào phòng thủ, và có thể những phi đạo cho mục tiêu quân sự.
Theo WSJ, hầu hết các đảo nhân tạo của phía cộng sản Việt Nam được xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa.
WSJ dẫn lại số liệu mà Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) công bố hồi tháng 6 vừa qua là Việt Nam đã bổ sung thêm 2,8 kilomet vuông tại 10 khu vực thuộc quyền quản lý của nước này ở Trường Sa kể từ tháng 11 năm 2023. Như thế tổng diện tích nạo vét và bồi lấp lên đến gần 9,5 kilomet vuông.
Còn phía Trung cộng, tổng diện tích mở rộng thêm được cho biết lên đến 18,8 kilomet vuông và trên đó đã có những cơ sở quân sự, gồm cả sân bay cho chiến đấu cơ, được xây dựng.
WSJ cho biết phía Trung cộng chưa lên tiếng về hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của cộng sản Việt Nam tại Trường Sa như vừa nêu.
Tại khu vực này, Trung cộng, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và cộng sản Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền; tuy nhiên Trung cộng tuyên bố gần trọn Biển Đông trong đường đứt khúc mà họ tự vạch ra cũng như là nước tích cực nhất trong hoạt động chiếm cứ ở nơi có tuyến đường biển quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên dầu khí, hải sản. (RFA)
Việt Cộng Đối Mặt Với Một Loạt Các Vụ Kiện Chống Bán Phá Giá
Việt Nam đối mặt với một loạt các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp mới các container tại cảng Tân Vũ ở Hải Phòng hôm 29/8/2023
Các sản phẩm thép cán nóng và sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại các thị trường lớn gồm Úc và Mỹ.
Truyền thông Nhà nước hôm 15/10 dẫn tin từ Bộ Công Thương cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc mới đây vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thanh cốt thép cán nóng (Hot rolled deformed steel reinforcing bar in lengths) nhập cảng/có xuất xứ từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Nguyên đơn là Công ty Infrabuild NSW Pty Limited của Úc. ADC dự định ban hành kết luận sơ bộ vào ngày 25/11/2024 (có thể gia hạn) và đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 26/2/2025.
Theo truyền thông của cộng sản Việt Nam, Việt Nam là quốc gia xuất cảng thép hình cán nóng chủ lực sang thị trường Úc, thường nằm trong nhóm các nước xuất cảng chính với 6,03% thị phần. Tổng kim ngạch xuất cảng thép hình cán nóng của Việt Nam sang Úc đã tăng mạnh trong các năm qua từ mức 2,87 triệu đô la vào năm 2021 lên 15,94 triệu đô la vào năm 2023.
Sản phẩm thép cán nóng của Việt Nam gần đây cũng liên tục bị điều tra chống bán phá giá tại EU và Ấn Độ.
Bộ Công Thương trước đó đã cảnh báo rủi ro sản phẩm này sẽ bị Úc điều tra phòng vệ thương mại và lưu ý doanh nghiệp tránh dùng nguyên liệu từ Trung cộng.
Trong khi đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, mới đây cũng cho báo chí biết về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đúc bằng sợi nhập cảng từ Việt Nam và Trung cộng. Có tám doanh nghiệp sản xuất và xuất cảng của cộng sản Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá và nhận trợ cấp của nhà nước trong vụ kiện này.
Giai đoạn điều tra thiệt hại là ba năm (2021 – 2023).
Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất cảng sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam bán phá giá với biên độ 328-602%. Nguyên đơn cho rằng nhà nước cộng sản Việt Nam cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho các nhà sản xuất và nhà xuất cảng gồm 22 chương trình trợ cấp từ nhà nước, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa ở Mỹ.
Các mặt hàng xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ trong các năm qua liên tục bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào khi Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Kim ngạch xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2023 đã đạt 97 tỷ đô la.
Để tránh các tác động tiêu cực trong các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp, Việt Nam thời gian qua cũng tích cực đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định tiếp tục xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường. Điều này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập cảng của Việt Nam vào Mỹ vẫn như cũ.