TIN THẾ GIỚI.

Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ (RFI)

Chính quyền Ukraina, hôm 29/10/2024, công bố một chiến dịch động viên mới trong cuộc chiến chống Nga. Cụ thể, Kiev muốn huy động thêm 160.000 binh sĩ. Tuy nhiên, dường như đây không phải là điều đơn giản vì hơn một triệu người đã được huy động vào quân đội.

Trong phiên họp Quốc Hội, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina hôm nay đã công bố kế hoạch huy động thêm 160.000 binh sĩ, cho phép quân đội đạt 85% quân số trong các đơn vị.

Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh Kiev tìm nhiều cách mới để thu hút những người trong độ tuổi chiến đấu vào quân đội, nhằm bù đắp những tổn thất, như người chết hay bị thương, trong khi hơn 1 triệu người đã được huy động kể từ khi quân đội Nga tiến hành cuộc xâm lược quy mô lớn.

Đầu năm nay, nam giới trong độ tuổi chiến đấu cũng như nhân viên y tế đã phải cập nhật thông tin cá nhân qua một ứng dụng tuyển quân, có dữ liệu của hơn 4,5 triệu người.

Những ai muốn tự nguyện nhập ngũ có thể nộp đơn trực tiếp vào các đơn vị họ ứng tuyển và chọn lĩnh vực chuyên môn sau đó, nhưng do không có nhiều ứng viên, việc tuyển mộ trực tiếp hay thông qua lệnh động viên vẫn còn chậm, trong khi nhu cầu của quân đội rất cấp bách.


Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina (RFI)

Lãnh đạo Ukraina và Nam Hàn thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác an ninh, gia tăng liên lạc giữa hai nước ở mọi cấp để đối phó với quân Bắc Triều Tiên tham chiến bên cạnh quân Nga ở Ukraina.

Theo hãng tin Reuters, trên mạng X, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong cuộc điện đàm hôm qua, 29/10/2024, với tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, lãnh đạo hai nước cũng đã quyết định sẽ tăng cường trao đổi tin tình báo.

Ông Zelensky còn thông báo Kiev chia sẻ cho Seoul những dữ liệu về việc triển khai khoảng 3.000 lính Bắc Triều Tiên tại các quân trường gần vùng chiến sự. Theo dự báo của tổng thống Ukraina, số quân Bắc Triều Tiên đến Nga để được huấn luyện sẽ tăng lên thành 12.000 người.

Hôm qua, Lầu Năm Góc xác nhận là một số binh lính Bắc Triều Tiên đã có mặt tại vùng Kursk ở biên giới Nga, nơi mà quân Ukraina đã đột kích từ tháng 8 và đã đánh chiếm được hàng trăm km vuông lãnh thổ của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện của quân Bắc Triều Tiên tại vùng Kursk và tuyên bố là Kiev phải đánh trả nếu lực lượng Bắc Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ Ukraina.

Vào lúc phương Tây lên án Bình Nhưỡng gởi quân đến tham chiến ở Ukraina, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui hôm qua đã đến vùng Viễn Đông Nga và đến Matxcơva hôm nay để thăm chính thức nước Nga. Chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Bắc Triều Tiên diễn ra sau khi các dân biểu Viện Douma ( Hạ Viện Nga) tuần trước, đã thông qua ” hiệp ước về đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước, trước khi đưa lên Thượng Viện Nga để xem xét. Hiệp ước đã được ký kết nhân chuyến thăm của tổng thống Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng vào tháng 6/2024, đánh dấu việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Hiệp ước quy định hai nước hỗ trợ quân sự cho nhau ngay lập tức nếu một bên bị một quốc gia thứ ba tấn công.


Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza nhưng Israel phải rút quân (VOA)

Một viên chức cấp cao của Hamas ngày 29/10 tuyên bố Hamas đang nghiên cứu các đề nghị mới từ các nhà hòa giải để chấm dứt chiến tranh ở Gaza nhưng nhắc lại rằng các đề nghị này phải bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi vùng đất này.

Lực lượng võ trang Hamas

Phong trào đã xác nhận rằng họ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hoặc ý tưởng nào chấm dứt nỗi thống khổ của người dân chúng tôi ở Gaza và đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, cũng như việc quân chiếm đóng rút khỏi toàn bộ Dải Gaza”, ông Sami Abu Zuhri phát biểu trên truyền hình.

Ông cũng nói một thỏa thuận phải chấm dứt lệnh phong tỏa do Israel đứng đầu đối với vùng đất ven biển này, cho phép cứu trợ không hạn chế và tái thiết Gaza, đồng thời đạt được thỏa thuận trao đổi con tin Israel ở Gaza lấy tù nhân Palestine ở Israel.

Tuyên bố của ông Abu Zuhri không báo hiệu bất kỳ thay đổi nào đối với các điều kiện còn tồn tại của phe này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cuộc chiến chỉ có thể kết thúc khi Hamas bị xóa sổ.

Qatar sẽ làm trung gian hòa giải cùng với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden “cho đến phút cuối cùng” trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 5 tháng 11 để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Qatar cho biết ngày 29/10.

“Chúng tôi không thấy bất kỳ kết quả tiêu cực nào của cuộc bầu cử Mỹ đối với chính quá trình hòa giải. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đang giải quyết với các thể chế, và ở một quốc gia như Hoa Kỳ, các thể chế đang đầu tư vào việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này,” phát ngôn viên Majed Al-Ansari nói tại một cuộc họp báo.


Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga (RFI)

Bộ Quốc Phòng Mỹ, hôm 28/10/2024, tuyên bố sẽ không áp đặt những giới hạn mới với Ukraina trong việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, nếu binh sĩ Bắc Triều Tiên hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc xâm lăng Ukraina.

Theo hãng tin Anh Reuters, việc binh lính Bắc Triều Tiên xuất hiện ở Nga khiến phương Tây lo ngại cuộc xung đột, vốn đã kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraina, có thể sẽ lan rộng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy điện Kremlin đang cố gắng bù đắp những tổn thất ngày càng gia tăng trên chiến trường.

Hoả tiễn tầm trung ATACMS do Mỹ viện trợ

Theo Lầu Năm Góc, dường như có 10.000 binh sĩ Bắc Triều Tiên được triển khai tới miền đông nước Nga, tăng 7.000 người so với ước tính trước đó, cách đây gần một tuần.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

« Tình hình rất nguy hiểm. » Đó là nhận định của tổng thống Mỹ Joe Biden khi được hỏi về sự hiện diện của binh lính Bắc Triều Tiên ở Nga. Tuần trước, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ ước tính có 3.000 lính Bắc Triều Tiên trong các trại huấn luyện trên lãnh thổ Nga. Theo thống kê của Lầu Năm Góc, công bố hôm qua, con số này đã tăng lên 10.000 người. Và thậm chí là 12.000 người, theo tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Ông cũng cho biết một số binh sĩ này có thể sẽ ra mặt trận trong vài ngày tới.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh hoạt động này dường như được thực hiện ở khu vực Kursk của Nga, nơi quân đội Ukraina đã tiến vào từ nhiều tháng qua. Cách đây mấy hôm, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby giải thích nếu binh sĩ Bắc Triều Tiên thực sự xuất hiện trên chiến trường, thì đương nhiên họ sẽ trở thành mục tiêu. Theo ông Kirby, đó cũng là dấu hiệu bộc lộ điểm yếu của Nga.

Ngoài ra, nếu thông tin lính Bắc Triều Tiên có mặt tại Nga được xác nhận, điều đó sẽ đồng nghĩa với sự lan rộng nguy hiểm của xung đột. Ngành ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại với Trung Cộng, được biết đến là một trong những quốc gia hiếm hoi được các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên lắng nghe. Washington kêu gọi Bắc Kinh nên tỏ ra quan ngại trước hành động gây bất ổn của hai nước láng giềng và đồng minh.


Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel (RFI)

Theo AFP, hôm 27/10/2024, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi đã đề xuất ngừng bắn hai ngày ở dải Gaza để phóng thích các con tin Israel bị giam giữ trên lãnh thổ Palestine, nơi mà cuộc chiến giữa Hamas và quân đội Israel đã kéo dài hơn một năm nay.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi

Ai Cập là một trong những nước tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Hamas và Israel. Tổng thống Ai Cập nói thêm, đây là điều kiện tiên quyết trước khi bắt đầu « các cuộc đàm phán trong vòng 10 ngày tới » nhằm đạt được « thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn và đưa viện trợ nhân đạo » vào lãnh thổ Palestine bị bao vây và đang đối mặt với thảm họa nhân đạo.

Thông tín viên Alexandre Buccianti từ Cairo cho biết thêm về đề xuất của Ai Cập :

Sáng kiến của Ai Cập do tân lãnh đạo Tổng cục Tình báo Ai Cập, cơ quan phụ trách hồ sơ Gaza, soạn thảo. Tướng Hassan Mahmoud Racha, người dành toàn bộ sự nghiệp trong ngành tình báo, vừa được bổ nhiệm vào chức vụ này cách nay chục ngày.

Ông đã gặp giám đốc Shin Bet, cơ quan tình báo nội địa Israel và đã tiếp xúc với các quan chức tình báo trong khu vực cũng như quốc tế.

Sáng kiến được đưa ra vào lúc Ai Cập đang ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế do cuộc xung đột ở Gaza. Thu nhập từ kênh đào Suez đã bị giảm 60% do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhắm vào tàu bè trên Hồng Hải để thể hiện sự ủng hộ người Palestine. Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng. Tình hình này đã khiến tổng thống Ai Cập phải tuyên bố Cairo sẽ không thể tôn trọng các cam kết với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) về cải cách kinh tế.

Tổng thống Ai Cập không nói rõ ông có đã trình bày kế hoạch nói trên với Hamas và Israel hay không. Trong khi đó, Israel hôm nay vẫn tiến hành các cuộc oanh kích vào Gaza và Liban nhằm tiêu diệt Hamas và Hezbollah, hai phong trào Hồi Giáo được Teheran hỗ trợ.


Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah (VOA)

Nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon cho biết hôm 29/10 rằng họ đã bầu phó thủ lĩnh Naim Qassem làm tân thủ lĩnh, kế nhiệm Tổng thư ký Hassan Nasrallah, người đã bị ám sát trong một cuộc không kích của Israel vào vùng ngoại ô phía nam Beirut hơn một tháng trước.

Tân thủ lĩnh Naim Qassem

Nhóm này cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng Hội đồng Shura của họ đã bầu ông Qassem, 71 tuổi, theo cơ chế đã được thiết lập để lựa chọn một tổng thư ký.

Ông Qassem được bổ nhiệm làm phó thủ lĩnh của Hezbollah vào năm 1991 bởi tổng thư ký của nhóm vũ trang khi đó là Abbas al-Musawi, người đã bị ám sát trong một cuộc tấn công bằng trực thăng vũ trang của Israel sau đó 1 năm.

Ông Qassem vẫn giữ vai trò của mình khi ông Nasrallah trở thành thủ lĩnh và từ lâu đã là một trong những người phát ngôn hàng đầu của Hezbollah, trả lời phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nước ngoài, bao gồm cả khi các cuộc giao tranh xuyên biên giới với Israel diễn ra dữ dội trong năm qua.

Ông Nasrallah bị giết vào ngày 27/ 9, và nhân vật cấp cao của Hezbollah là Hashem Safieddine – được coi là người có nhiều khả năng kế nhiệm nhất – đã bị giết trong các cuộc không kích của Israel một tuần sau đó.

Kể từ khi ông Nasrallah bị giết, ông Qassem đã có 3 bài phát biểu trên truyền hình, bao gồm 1 bài phát biểu vào ngày 8/10, trong đó ông cho biết nhóm vũ trang này ủng hộ các nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn cho Lebanon.

Nhiều người ở Lebanon coi ông là người không có sức hút và uy tín như ông Nasrallah.

Tài khoản tiếng Ả Rập chính thức của chính phủ Israel trên X đăng tải rằng “nhiệm kỳ của ông ở vị trí này có thể là ngắn nhất trong lịch sử của tổ chức khủng bố này nếu ông đi theo bước chân của những người tiền nhiệm Hassan Nasrallah và Hashem Safieddine.

Không có giải pháp nào ở Lebanon ngoại trừ việc tổ chức giống một lực lượng quân sự này bị giải thể“, tài khoản này viết.


Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về “gian lận” quy mô lớn (RFI)

Kết quả bầu cử Quốc Hội Gruzia ngày 26/10/2024, với chiến thắng của đảng cầm quyền Giấc Mơ Gruzia, bị đối lập phản đối. Hôm nay, 30/10, cơ quan Công tố Gruzia thông báo mở điều tra về « các nghi ngờ gian lận ».

Người dân Georgia biểu tình ủng hộ việc gia nhập Liên Âu

Theo AFP, từ trưa hôm qua, việc kiểm lại phiếu bầu tại 14% phòng phiếu đã bắt đầu được tiến hành. Hiện tại chưa rõ khi nào kết quả sẽ được công bố. Ngày mai, 31/10, tổng thống Salomé Zourabichvili được triệu mời lên cơ quan Công tố để trình bày về vấn đề này. Theo cơ quan Công tố, tổng thống « có thể nắm giữ nhiều bằng chứng về khả năng gian lận bầu cử ».

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, các đảng phái đối lập, trước hết là tổng thống Zourabichvili, đã lên án đảng cầm quyền « thao túng hoàn toàn » cuộc bầu cử. Trả lời AFP hôm thứ Hai 28/10, tổng thống Gruzia đã tố cáo một hệ thống gian lận « tinh vi » theo « phương pháp Nga », đã cho phép đảng Giấc mơ Gruzia giành chiến thắng, đặc biệt qua việc « mua phiếu bầu », hay gây áp lực với cử tri.

Thông tín viên Regis Gente từ Tbilisi cho biết việc thu thập các bằng chứng về gian lận phiếu bầu và các hành động thao túng khác là thách thức hàng đầu với đối lập Gruzia hiện tại: 

« Đây chính là điều ưu tiên.   Một phần là do báo cáo của phái đoàn quan sát viên của OSCE, đã chỉ ra sự bất bình đẳng rất lớn giữa phe cầm quyền và các đối thủ, áp lực đối với cử tri hoặc những điều bất thường mà cuối cùng sẽ « làm mất niềm tin vào kết quả ». Mặc dù vậy, báo cáo rất được mong đợi này được xem như là một đòi hỏi phải có thêm bằng chứng về các gian lận bị tố cáo.

Đây là nhiệm vụ mà phe đối lập và hàng chục tổ chức phi chính phủ trong nước đặt ra hôm Chủ nhật nhờ các video, ảnh chụp màn hình, tin nhắn, lời chứng… Trong thời gian tranh cử, đã có nhiều áp lực từ đảng cầm quyền đặc biệt thông qua hệ thống quản lý nơi làm việc, nhất là đối với các nhân viên Nhà nước.

Cá nhân tôi cũng đã thu thập được những lời chứng như vậy. Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy, các tổ chức phi chính phủ của Gruzia, chẳng hạn như hiệp hội « Phiếu bầu của tôi », đã vạch ra thủ đoạn tịch thu giấy tờ tùy thân của hàng nghìn cử tri với mục tiêu bỏ phiếu thay. Trên cơ sở đó, tổ chức phi chính phủ này đã yêu cầu hủy kết quả của gần 200 điểm bầu cử, nơi có hơn 300.000 người dân Gruzia bỏ phiếu, chiếm 10% tổng số cử tri.

Các tổ chức phi chính phủ khác ghi nhận các hành vi vi phạm bí mật bầu cử, các vấn đề về danh sách cử tri, áp lực và bạo lực xung quanh một số phòng bỏ phiếu hôm thứ Bảy. »

Hiện tại đối lập Gruzia chưa đưa ra thông báo thời điểm biểu tình tiếp theo, sau cuộc tập hợp lớn tối thứ Hai, 28/10.


Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của Trung Cộng (RFI)

Thêm một vố đau đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Cộng: Hôm 28/10/2024, Brazil tuyên bố không tham gia BRI và trở thành nước thứ hai trong khối BRICS, sau Ấn Độ, quay lưng với dự án của Bắc Kinh.

Celso Amorim, cố vấn đặc biệt của tổng thống Lula da Silva về các vấn đề quốc tế, cho biết muốn tìm kiếm những cách thức khác để hợp tác với các nhà đầu tư Trung Cộng và muốn “đưa mối quan hệ với Bắc Kinh lên một tầm cao mới”, nhưng không nhất thiết phải tham gia BRI.

Tuần trước, Amorim và chánh văn phòng tổng thống Rui Costa đã tới Bắc Kinh để thảo luận về sáng kiến này. Theo các nguồn thạo tin, các đề nghị của Trung Cộng dường như “không thuyết phục và không gây ấn tượng” đối với các quan chức Brazil.

Báo Hồng Kông South China Morning Post, dẫn lời ông Amorim, nhấn mạnh điều quan trọng là Brazil có những dự án đã được xác định là ưu tiên từ trước, bất luận có được Trung Cộng chấp thuận hay không.

Ngoài ra, nhiều quan chức ở Brazil đánh giá việc tham gia dự án của Trung Cộng không những không mang lại bất kỳ lợi ích cụ thể nào cho Brazil trong ngắn hạn, mà còn có thể khiến mối quan hệ với chính quyền Hoa Kỳ trở nên xấu đi trong trường hợp Donald Trump tái đắc cử.

Quyết định của quốc gia Nam Mỹ đi ngược lại kế hoạch của Bắc Kinh muốn thuyết phục Brazil tham gia BRI, vốn được coi là chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm Brazil cấp Nhà nước ngày 20/11 sắp tới của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn từ chối tham gia sáng kiến của Trung Cộng. Và New Delhi đã phản đối Bắc Kinh xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Cộng – Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ đô la trong khuôn khổ dự án BRI.


Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của Trung Cộng (RFI)

Bộ Tài Chính Mỹ hôm thứ Hai 28/10/2024 công bố các quy định hạn chế đầu tư của các công ty hoặc cá nhân Mỹ vào các công ty công nghệ tiên tiến của Trung Cộng. Các quy định này có hiệu lực từ đầu tháng 01/2025.

Các biện pháp hạn chế này dựa trên sắc lệnh mà tổng thống Mỹ Joe Biden ký hồi tháng 08/2023, với danh nghĩa bảo đảm « an ninh quốc gia » của Hoa Kỳ. Những công ty hoặc cá nhân Mỹ vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tiền và có thể được thông báo cho bộ Tư Pháp.

Văn bản đặc biệt nêu tên Trung Cộng đại lục, Hồng Kông và Ma Cao. Tuy nhiên, Bộ Tài Chính cho biết không có kế hoạch công bố danh sách các công ty Trung Cộng bị nhắm tới.

Theo một thông cáo, các lĩnh vực có liên quan là chất bán dẫn, tin học lượng tử và trí tuệ nhân tạo. AFP cho biết là theo bộ Tài Chính Mỹ, văn bản được công bố hôm thứ Hai 28/10 nhắm đến việc « ngăn chặn các đầu tư của Mỹ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ và các sản phẩm nhạy cảm ở những quốc gia gây lo ngại » cho Washington.

Đối với Paul Rosen, trợ lý bộ trưởng Tài Chính, chuyên trách an ninh đầu tư, Washington muốn ngăn chặn những ai sử dụng các công nghệ này để « đe dọa an ninh quốc gia » của Mỹ, nhất là liên quan đến « các thiết bị quân sự, giám sát, tình báo (…) và giải mã » thế hệ sắp tới.

Bên cạnh việc hạn chế nghiêm ngặt đầu tư của Mỹ vào Trung Cộng, Washington hồi năm ngoái đã áp đặt một loạt hạn chế đối với việc xuất khẩu các thiết bị bán dẫn tiên tiến nhất sang Trung Cộng, cũng nhằm ngăn chặn việc sử dụng chúng vào mục đích quân sự.


Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức (RFI).

Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đã mất đa số tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn ngày Chủ nhật 27/10/2024. Đây là thất bại nặng nề nhất của đảng Dân Chủ Tự Do (PLD) kể từ 15 năm nay.

Tân Thủ tướng Shigeru Ishiba

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, kênh truyền hình Nhật Bản NHK khẳng đình liên minh của đảng PLD và đảng Komeito (trung hữu) đã mất đa số tại Hạ Viện. Trong kỳ bầu cử trước vào năm 2021, đảng Dân Chủ Tự Do đã giành được đa số tuyệt đối với 259 trên 465 ghế tại Hạ Viện. Komeito khi đó được 32 ghế. Lần này, liên minh PLD và Komeito có thể không có được 233 ghế cần thiết để lập chính phủ nếu không thương lượng được với các đảng khác, theo đài NHK.

PLD cầm quyền tại Nhật Bản gần như liên tục từ 55 năm qua. Sự lãnh đạo của đảng này chỉ bị gián đoạn sau thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử năm 2009, nhưng PLD đã nhanh chóng trở lại nắm quyền vào năm 2012.

Hiện tại, đảng Dân Chủ Lập Hiến (PDC), lực lượng đối lập chính, giành được 143 ghế so với 98 ghế ở kỳ bầu cử trước.

Ngay sau thất bại nói trên, sáng nay, 28/10, quan chức phụ trách bầu cử của đảng Dân Chủ Tự Do, ông Shinjiro Koizumi, đã nộp đơn xin từ chức và nhận trách nhiệm về kết quả bầu cử. Về phần mình, thủ tướng Shigeru Ishiba hôm nay khẳng định sẽ không từ chức, bất chấp thất bại nặng nề của đảng. Ông Ishiba tuyên bố : « Tôi muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình là bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo vệ nước Nhật. »

Ông Shigeru Ishiba kế nhiệm thủ tướng Fumio Kishida, đã phải từ chức sau hàng loạt bê bối trong đảng PLD. Người dân Nhật thì bất bình vì chính phủ không giải quyết được tình trạng lạm phát, khiến đời sống đắt đỏ. Ngay sau khi được bầu làm lãnh đạo PLD và lên làm thủ tướng hồi cuối tháng 9, ông Shigeru Ishiba đã tuyên bố tổ chức bầu cử Hạ Viện trước thời hạn với hy vọng có được đa số tuyệt đối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, thất bại này sẽ khiến nhiệm kỳ của thủ tướng Shigeru Ishiba trở nên bất trắc.


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS

Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS, đó là tuyên bố của thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua, 24/10/2024, khi lần đầu tiên một lãnh đạo của Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS mở rộng tại thành phố Kazan của Nga. Trong dịp này, thủ tướng Việt Nam đã có các cuộc gặp với lãnh đạo Tầu và Nga. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, trong cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga, ngày 24/10/2024. AP – Alexander Nemenov

Theo hãng tin Reuters, ông Phạm Minh Chính không nói rõ mối quan tâm của Việt Nam trong việc gia nhập nhóm BRICS, một hành động sẽ đưa Việt Nam xích lại gần hơn với Nga và Tầu, nhưng có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Hoa Kỳ. 

Theo Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam hôm nay, ông Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước BRICS và cộng đồng quốc tế “để hiện thực hóa ý tưởng cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.

Trước hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa kết thúc hôm qua, một quan chức Việt Nam nói với Reuters rằng Hà Nội quan tâm đến việc gia nhập khối này, nhưng chưa nói rõ về thời điểm và mức độ tham gia. Một quan chức từ một quốc gia thành viên BRICS thì cho biết Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành đối tác, một bước để có thể trở thành thành viên của khối này. 

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Kazan cho biết các thành viên đã thông qua “các phương thức của Danh mục quốc gia đối tác BRICS”, mà không nêu chi tiết. Theo lời tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh, hơn 30 nước đã bày tỏ mong muốn gia nhập khối BRICS, nhưng không rõ là trong những điều kiện nào. 

Cho dù chưa chính thức nộp đơn xin gia nhập, quan hệ của Việt Nam với một số nước BRICS đã rất chặt chẽ: Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam, còn Trung cộng là đối tác kinh tế hàng đầu. Chính phủ Việt Nam cho biết thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp song phương tại Kazan với tổng thống Putin và lãnh đạo tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga để thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước, vào lúc Việt Nam đang xem xét việc khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân. (RFI)


Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam (VOA)

Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg vừa kêu gọi chính phủ Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 quan chức và hai cơ quan chính phủ Việt Nam do vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng”, bao gồm việc “đàn áp xuyên quốc gia”.

Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg, với tư cách là Đồng Chủ tịch Liên minh Trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, vừa đệ trình một khuyến nghị trừng phạt toàn diện lên Bộ Ngoại giao Canada, kêu gọi chính phủ có hành động trừng phạt 16 pháp nhân Việt Nam do có các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Có 14 cá nhân và 2 cơ quan bị đề nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt nhân quyền có chủ đích. Danh sách này bao gồm các quan chức cấp cao, quan chức cấp trung và cấp thấp, kể cả trong Bộ Công an và cơ quan tư pháp, những người đã có hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn”, bà Kimberly Lenz, Điều phối viên của Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg (RWCHR), chia sẻ với VOA.

“Đảng Cộng sản Việt Nam, theo sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo, đã có hành vi ngược đãi nghiêm trọng đối với các nhà báo, các blogger, các nhà hoạt động dân chủ và môi trường, những người bảo vệ quyền đất đai, các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, các nhóm bản địa và những người xin tị nạn”, Trung tâm RWCHR, tổ chức nhân quyền có văn phòng ở thành phố Montreal, Canada, cho biết trong thông cáo báo chí ngày 2/10.

RWCHR cho biết họ phối hợp với tổ chức nhân quyền BPSOS ở bang Virginia của Mỹ, gửi đề xuất trừng phạt này lên chính phủ Canada.

“Chúng tôi đã đề nghị một số đơn vị công an như lực lượng Cảnh sát Cơ động, là lực lượng đã tấn công vào Đồng Tâm, bắn chết cụ Lê Đình Kình, và rất nhiều vụ biểu tình khác đã bị lực lượng này đàn áp đẫm máu”, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của tổ chức BPSOS, chia sẻ với VOA về một pháp nhân của chính quyền Việt Nam bị đề nghị chế tài.

Báo cáo của chúng tôi nêu bật những hành vi vi phạm nghiêm trọng, bao gồm giết hại và giam giữ tùy tiện, đàn áp xuyên quốc gia, tra tấn và đàn áp các quyền tự do cơ bản tại Việt Nam, theo thông cáo của RWCHR.

“Tôi rất lo ngại rằng chính phủ đang trấn áp mọi hình thức chỉ trích, bất đồng chính kiến hoặc đối lập. Họ đã triệt bỏ hiệu quả các nhóm truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội dân sự, nhắm vào những công dân bình thường đang thúc đẩy dân chủ và đấu tranh cho nhân quyền, quyền đất đai và quyền môi trường”, bà Lenz nhận định.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm được liệt kê, không chỉ nhằm thúc đẩy lợi ích và giá trị quốc gia mà còn để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy các quyền con người được quốc tế công nhận và bảo vệ các cá nhân Việt Nam đang bị bức hại vì các lý do khác nhau, thực hiện các quyền tự do và quyền tự do cơ bản”, vẫn thông cáo của RWCHR.


UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam

Đại diện Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 29/10 bày tỏ với Thủ tướng Phạm Minh Chính về mong muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho cả khu vực, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết, một ngày sau khi hai bên ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), mở đường cho mục tiêu thương mại song phương 20 tỷ đô la.

Đề xuất được Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ cao của UAE, Saltan Bin Ahmed Al Jaber, đưa ra trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam sáng 29/10 khi ông Chính đang có chuyến thăm chính thức UAE và ký kết hiệp định thương mại tự do đầu tiên với một quốc gia Trung Đông.

Bộ trưởng Saltan Bin Ahmed Al Jabervà TT Chính

Bộ trưởng Saltan Bin Ahmed Al Jaber, cũng là CEO của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), cho biết UAE mong muống thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực năng lượng như các dự án lọc dầu, khí hoá lỏng LNG, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… và mong muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho cả khu vực, trang tin của chính phủ Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, bộ trưởng của UAE cũng đề cập đến năng lực phát triển các ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo… của quốc gia Trung Đông, vốn là những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm và ưu tiên phát triển trong thời gian gần đây.

Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc hợp tác khoa học, công nghệ Việt Nam – UAE là “không có giới hạn” và việc UAE quan tâm vào việc hợp tác, đầu tư vào Việt Nam là “hết sức kịp thời, cụ thể hoá Hiệp định CEPA vừa ký kết”, vẫn theo báo Chính phủ.

Ông Chính cũng đề nghị phía UAE hợp tác với Việt Nam bằng các dự án cụ thể, bao gồm dự án xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu.

Thủ tướng Chính cũng cho biết Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE, được thành lập 1971, là một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tập đoàn này dự định đầu tư 150 tỷ USD trong 5 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu, và Việt Nam được coi là một trong những thị trường trọng điểm.

ADNOC hiện đang làm việc với Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc để cùng đầu tư các dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD trong các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu máy bay bền vững, năng lượng sạch, trung tâm dữ liệu và hóa dầu, trang tin chính phủ Việt Nam cho biết thêm.

Thỏa thuận CEPA vừa được ký kết giữa Việt Nam và UAE là nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính, bao gồm ngoại giao, quốc phòng, an ninh, hợp tác pháp lý và tư pháp, thương mại, đầu tư và nông nghiệp.

Theo các điều khoản của CEPA, UAE sẽ dần xóa bỏ thuế quan đối với 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% hàng xuất khẩu của UAE, Reuters đưa tin trích dẫn một tuyên bố từ Bộ Công thương Việt Nam.

Cả hai quốc gia cũng cam kết kích hoạt một nhóm công tác chung về hợp tác kinh tế và thương mại và khám phá các cơ chế mới cho hợp tác kinh tế thông qua nhiều hội đồng doanh nghiệp, lực lượng đặc nhiệm và quỹ đầu tư.

Hai nước cũng sẽ thúc đẩy khu vực tư nhân mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm năng lượng xanh và tái tạo, LNG, sản xuất dầu khí, lọc dầu và hóa dầu.

Hiệp định giữa UAE và Việt Nam hướng đến mục tiêu thương mại song phương 20 tỷ đô la. Năm ngoái, thương mại giữa hai nước đạt 4,7 tỷ đô la, tăng 6% so với năm 2022.


Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa (VOA)

Giới hoạt động cho rằng việc các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong các văn bản chính thức gần đây xác nhận rằng người Thượng ở Việt Nam là người bản địa “có ý nghĩa quan trọng”, mặc dù chính quyền Việt Nam khăng khăng từ chối công nhận.

Việc xác nhận này diễn ra chỉ vài tháng sau khi các chuyên gia của nhóm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) nêu một số câu hỏi vì sao Hà Nội không công nhận sự tồn tại của người dân tộc bản địa ở Việt Nam và việc một số trường hợp các nhà hoạt động bản địa bị khởi tố vì truyền đạt thông tin liên quan đến quyền của người bản địa.

Từ vụ bạo động ở Đắk Lắk

Khi các nhóm các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên tiếng quan ngại về phiên tòa lưu động xét xử 100 người ở Đắk Lắk, ít hai lần trong cùng một thông cáo cáo chí họ đã gọi người Thượng là dân tộc bản địa (indigenous people).

Hình ảnh người dân bản địa bị trấn áp trong vụ bạo động Tây nguyên Đắk Lắk

“Các chuyên gia nhân quyền độc lập hôm nay bày tỏ tình trạng báo động về việc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lạm dụng luật chống khủng bố – có tính chất phân biệt đối xử – đối với các sắc dân bản địa người Thượng và các nhóm tôn giáo thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên”, nhóm chuyên gia LHQ viết trong thông cáo ngày 28/8/2024.

“Phiên tòa của chính quyền Việt Nam dường như liên quan đến việc bắt giữ và giam giữ tùy tiện, bao gồm cả việc kích động lực lượng dân phòng thuộc một nhóm dân tộc đa số để truy lùng những nghi phạm được cho là người Thượng bản địa”, vẫn lời các chuyên gia LHQ.

Trước đó, trong thư tố giác ngày 14/6/2024, các chuyên gia LHQ cũng công nhận rằng hầu hết 100 người bị xét xử nói trên là “người Thượng bản địa (hay cũng được gọi là ‘người miền núi’, ‘người Thượng’, hay ‘người Degar’)”.

Các chuyên gia LHQ đề cập đến các cáo buộc bắt giữ và giam cầm “bất hợp pháp” liên quan đến vụ án, tra tấn và ngược đãi các nghi phạm người Thượng, những cái chết không rõ nguyên nhân khi bị giam giữ, cáo buộc khủng bố, hạn chế quyền tự do ngôn luận và tham gia truyền thông, phân biệt đối xử với người bản địa và đàn áp người Thượng vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng.

Bà H’Biap Krong, một người Thượng sống lưu vong ở châu Âu, một nhà bảo vệ nhân quyền cho người Thượng, nói với VOA hôm 25/10 rằng việc các chuyên gia LHQ lên tiếng xác nhận người Thượng là người bản địa có ý nghĩa rất quan trọng.

“Việc các chuyên gia nhân quyền dùng từ người Thượng bản địa trong thông cáo báo chí nhằm nhấn mạnh với nhà nước Việt Nam cũng như quốc tế biết rằng cộng đồng yếu thế này của người bản địa ở Việt Nam đang được quốc tế quan tâm; sự tồn tại của họ được quốc tế công nhận; nhấn định một điều rằng Việt Nam cần phải công tâm và công bằng trong việc đối nhân xử thế đối với người Thượng bản địa”.

“Từ lúc các vụ xung đột xảy ra ở Tây Nguyên và rất nhiều người quan tâm đến vấn đề này và các báo cáo vi phạm được cung cấp thường xuyên, cộng đồng quốc tế và các cơ quan của Cao ủy Nhân quyền LHQ chú trọng hơn đến các vấn đề của người Thượng bản địa ở Việt Nam”, bà Krong, người thường xuyên vận động tại diễn đàn LHQ về quyền của người Thượng, nêu quan điểm cá nhân.


Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống

Mô hình bắt giữ tùy tiện tại Việt Nam đang trở thành một vấn đề hệ thống, có thể vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, theo một cơ quan thuộc cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc (LHQ).

Nhóm công tác của LHQ về vấn đề Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) vừa công bố văn bản khẳng định việc chính quyền giam giữ nhà báo Phạm Chí Dũng là tùy tiện, đồng thời đề nghị một chuyến thăm quốc gia đến Việt Nam sau lần cuối cùng cách đây 30 năm.

Một nhóm năm chuyên gia của LHQ có nhiệm vụ điều tra các trường hợp tước đoạt tự do một cách tùy tiện hoặc không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra kết luận trên trong bản ý kiến được thông qua tại phiên họp thứ 100 vào ngày 30/8.

TS Phạm Chí Dũng trong một cuộc biểu tình chống TC hoành hành đàn áp ngư dân Việt ở Biển Đông

Đến ngày 29/10 Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền của LHQ công bố cho báo giới sau khi không được Chính phủ Việt Nam phản hồi. 

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, sinh năm 1966, là Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông bị bắt giữ vào tháng 11/2019 và đến tháng 1/2021 bị tuyên án 15 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Theo WGAD, việc cơ quan an ninh bắt giữ ông Dũng thiếu cơ sở pháp lý, có nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng và xét xử, khẳng định rằng việc cầm tù ông là do các hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị và bất đồng chính kiến của ông.

Nhóm công tác cho rằng chính quyền cần có biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Dũng, trao cho ông quyền được bồi thường và các khoản đền bù khác theo luật pháp quốc tế.

Cơ quan này lưu ý họ nhận được nhiều báo cáo tương tự liên quan đến việc tước đoạt quyền tự do tùy tiện của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền ở quốc gia độc đảng.

Nhiều trường hợp trong số này tuân theo mô hình bắt giữ quen thuộc như không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ trong thời gian dài mà bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với luật sư, biệt giam, truy tố theo các tội hình sự được diễn đạt mơ hồ chỉ vì thực thi quyền con người một cách ôn hoà, xét xử kín và nhanh chóng mà quy trình xử án không được giám sát, mức án nặng nề so với hành vi và bị cách ly với thế giới bên ngoài.

Nhóm công tác lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện tại Việt Nam, nếu tình trạng này tiếp diễn, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về ý kiến của WGAD nhưng chưa nhận được phản hồi.


Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín

    Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 30/10 đã kết án blogger Đường Văn Thái 12 năm tù giam và ba năm quản chế trong một phiên tòa xử kín, không có sự tham dự của gia đình. Một nguồn tin biết rõ về phiên tòa không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn cho RFA biết kết quả của phiên xử bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào chiều cùng ngày.

    Ông Đường Văn Thái

    Ông Đường Văn Thái (hay còn được biết đến với tênThái Văn Đường) là người nổi tiếng vì đã đưa tin về tình trạng tham nhũng của các quan chức trong Đảng, Chính phủ Việt Nam và đưa các tin này lên mạng xã hội.

    Theo nguồn tin, tại phiên tòa, ông Thái bị kết tội đăng tải hàng chục video clips và bài viết trên Facebook và YouTube có nội dung “chống phá Đảng và Nhà nước” theo khoản 2 “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” của Điều 117 “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Bộ luật Hình sự.

    Ông Thái, 42 tuổi, đào thoát sang Thái Lan tị nạn vào đầu năm 2019 và đã được Cao uỷ LHQ về người tị nạn cấp quy chế. Ngay sau khi được phỏng vấn để định cư ở nước thứ ba vào giữa tháng 4/2023, ông bị mất tích ở gần Bangkok. Những bạn bè và một số tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ngay trên đất Thái Lan.

    Báo chí Việt Nam nhiều ngày sau đăng thông tin cho biết công an bắt giữ ông khi đang định xâm nhập từ Lào vào Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công an sau đó thông báo điều tra ông về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

    Truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng về vụ xử kín nói trên.


    Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 30/9, 1-2/10/2024
  • Tranh luận ứng viên phó tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua?
  • Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Cộng được bí mật cấp cho Nga
  • Trung Đông tăng nhiệt: Iran phóng phi đạn qua Israel
  • Giới phân tích dự đoán Israel sẽ phản ứng mạnh với Iran
  • Cựu bộ trưởng Ishiba chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản
  • Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan
  • Khủng hoảng Israel-Iran: Pháp điều tàu chiến, Đức cảnh báo, Ý sắp họp G7
  • Nam Hàn trình làng tên lửa “quái vật” nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội
  • Tàu Trung cộng tấn công ngư thuyền Việt Nam tại Hoàng Sa
  • Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?
  • Sản xuất ở Việt Nam suy yếu
  • Bị cáo buộc âm mưu "khủng bố" vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân
  • Báo cáo viên LHQ bày tỏ quan ngại việc TS Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
  • Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, nhà hoạt động người Thượng về Việt Nam
  • Mỹ áp thuế gần 300% trên pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 23-24-25/9/2024
  • Tổng thống Ukraina đến Mỹ trình bày “kế hoạch giành chiến thắng”
  • Tổng thống Ukraine nói với Liên Hiệp Quốc: Phải ép Nga chấp nhận hòa bình
  • Trong lần cuối phát biểu ở LHQ, ông Biden tìm cách xoa dịu căng thẳng Trung Đông
  • Trung Đông: Lần đầu tiên Hezbollah bắn tên lửa đạn đạo về phía Tel Aviv
  • Tổng thống Iran muốn thảo luận với phương Tây về chiến tranh Ukraina
  • Trung Đông: Israel oanh kích dữ dội miền nam Liban để trả đũa
  • Liên Hiệp Quốc thông qua hiệp ước xây dựng "tương lai tốt đẹp" cho nhân loại
  • Bộ Tứ - QUAD bày tỏ quan ngại về Biển Đông, lên án chương trình tên lửa Bắc Triều Tiên
  • Philippines tố trực thăng hải quân Trung Cộng bám đuôi máy bay trong khi tuần tra
  • Biển Đông: Số tàu Trung Cộng tại các vùng tranh chấp với Philippines cao nhất
  • Ông Tô Lâm chia sẻ tầm nhìn VN về xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng thế giới hoà bình
  • Ông Tô Lâm gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ
  • Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm
  • Việt Nam: Hai nhà hoạt động được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của Tô Lâm
  • Hoa Kỳ và Việt Nam củng cố hợp tác an ninh mạng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 16-17-18/9/2024.
  • Drone Ukraina tấn công một kho vũ khí lớn tại tỉnh Tver, giáp thủ đô Nga
  • Liban: Iran tố cáo Israel là thủ phạm vụ kích nổ đồng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
  • Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Cộng
  • Cuộc chiếm đóng kỳ lạ: Dân Nga ở Kursk thân thiện với lính Ukraina
  • Biển Đông: Philippines khẳng định duy trì hiện diện ở khu vực có tranh chấp
  • Bắc Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn
  • Ukraina mời Liên Hiệp Quốc đến vùng Kursk của Nga
  • Trung Cộng bám đuôi máy bay Mỹ trên Eo biển Đài Loan
  • Reuters: Ông Trump và tổng thống Ba Lan có thể gặp nhau tại bang chiến địa Pennsylvania
  • Ông Tô Lâm sẽ gặp Google và Meta trong chuyến thăm Mỹ vào tuần tới
  • Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 10
  • Bão số 4 sắp đổ vào miền Trung Việt Nam
  • Quỹ giúp nạn nhân bão số 3 hiện có trên 1.200 tỷ đồng
  • Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
  • Các tổ chức quốc tế kêu gọi hủy bản án tù đối với blogger Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình