_________________________

Tổng Bí Thư Tô Lâm công khai nhìn nhận thể chế là “điểm nghẽn” khiến kinh tế xã hội không thể phát triển, trong khi chế độ đầy rối rắm âm ỷ ở nội cung. Còn trong lòng dân chúng thì tràn ngập nỗi khát khao tự do, dân chủ. . . Sự thể này bao trùm khắp nước vào lúc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới đang chực chờ để kích hoạt ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam ngay từ đầu năm 2025, lúc nhiệm kỳ 4 năm của Tổng Thống Danald Trump khởi đầu.

Việt Nam ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh từ chính trị, kinh tế đến các đại dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn (đường ray Stephenson) trong tương lai. Mới 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam phải chi ra tới 117,7 tỷ Mỹ kim để mua đủ loại hàng hóa của Tầu. Trong cùng thới gian, Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Tầu cộng đã lên đến 66,9 tỷ Mỹ kim. Trong khi Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại song phương 90 tỷ Mỹ kim. [1]

Chiến thắng của ông Trump có thể làm sống lại các vấn đề từ nhiệm kỳ Tổng Thống giai đoạn 2017-2021, khi đó ông Trump theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung cộng. Do vậy sau khi ông Trump đắc cử Tổng Thống Mỹ hôm mùng 5 tháng 11, các công ty chế tạo pin năng lượng mặt trời của nước “4 tốt, 16 chữ vàng” vội loan báo “bỏ bạn vàng Việt Nam” chỉ vì sợ thuế quan của Mỹ sẽ nhằm vào Việt Nam và ba quốc gia Đông Nam Á khác.

Về phía các công ty công nghệ Hoa Kỳ, hôm mùng 6 tháng 11 đã cảnh báo csVN rằng dự thảo luật thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và giới hạn chuyển dữ liệu ra nước ngoài sẽ hạn chế các nền tảng truyền thông xã hội và các nhà điều hành trung tâm dữ liệu tăng trưởng làm ăn tại Việt Nam. Trong số các điều khoản của dự thảo luật có việc phải xin phép trước khi chuyển ra nước ngoài “dữ liệu cốt lõi” và “dữ liệu quan trọng” vốn đang được Việt Nam định nghĩa mơ hồ.

Một ngày sau khi ông Trump thắng cử, TBT Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng mà trong lòng hoài tưởng, theo dẫn thuật của Reuters, thì csVN từng ước vọng “chính sách thương mại ổn định từ Tổng Thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump”.

Trước đó, csVN mất trên một năm đem hết năng lực để xin chính phủ Biden cấp cho quy chế kinh tế thị trường, nhưng bị từ chối vào đầu tháng 8, trước ngày bầu cử 3 tháng.

Xem ra tầm nhìn của đảng csVN về thời sự quốc tế có nhiều phần ngược với lòng dân mong ước, khi 3 tờ báo quốc doanh lớn gồm: Vietnamnet, Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã thực hiện một cuộc trung cầu dân ý trước ngày bầu cử, mùng 5 tháng 11, xem ứng cứ viên nào sẽ trở thành Tổng Thống của nước Mỹ. Thì như biểu đồ từ các báo trong nước công bố, có đến 75% độc giả ở Việt Nam đã nghĩ là Danald Trump. Riêng VietnamNet, tìm hiểu cùng sự việc với 1800 độc giả, thì có đáp số đến 79%.

Người Việt trong nước thiện cảm với ông Trump, theo tường thuật cùa Đài VOA hôm mùng 08 tháng 11, vì ông Trump thân thiện với Việt Nam, ngoài ra là quan điểm của ông về hòa bình thế giới, cứng rắn với Trung cộng và thúc đẩy kinh tế[2]. Tầm nhìn của dân Việt Nam, qua sự kiện này, xem ra “trí tuệ” hơn đảng csVN nhiều!

Cho đến hiện nay, nội cung Ba-Đình vẫn còn vô vàn rối rắm:  Đang có nhiều đồn đoán về việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, có thể sẽ không còn được hưởng quy chế bất khả xâm phạm, như các “tứ trụ” đã hạ cánh an toàn trước đây. Vì báo Nhà Nước vào đầu tháng này đã đăng nhiều bản tin liên quan đến ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị khai trừ khỏi đảng và là bị cáo về tội “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khai rằng, ông được cấp trên khi đó là Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc giao chỉ thị giải quyết các đơn thư của công ty Sài Gòn Đại Ninh về sai phạm đất đai thuộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, gồm: 4 vụ phá rừng, tổng diện tích lên đến 3.500 m2, và 20 vụ lấn chiếm đất trái phép, với diện tích 37.600 m2.

Một vụ án lớn khác cũng đang được dư luận nói đến mang tính “GATO(*)” trong hàng ngũ cấp cao của đảng csVN. Khi Bộ Công An từng quyết tâm bắt bằng được bà Nguyễn thi Thanh-Nhàn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Tính đến đầu tháng 11 năm 2024, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã là bị cáo vắng mặt liên quan đến (5) vụ án đã xét xử hoặc truy tố trong khi bị truy nã trong nước và quốc tế. Tổng số tiền bà Nhàn gây thiệt hại chỉ trong 4 vụ án được tòa xác định đến nay là gần 350 tỷ đồng. Vụ bà Nhàn được dư luận trong nước đồn thổi là có liên quan đến những vị chóp bu trong hàng ngũ đương kim lãnh đạo của Ba-Đình (?).

Theo một bài báo vào tháng 8 năm 2023 trên tờ Taz của Đức quốc,  bà Nhàn hiện đang ở Đức và Chính phủ Đức đã cảnh báo nhà cầm quyền Việt Nam về hậu quả ngoại giao nghiêm trọng nếu Hà Nội bắt cóc bà Nhàn trên đất Đức, giống như từng bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngày 23 tháng 7 năm 2017.

Cuối tháng 10 vừa qua (22-29/10), Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã có chuyến thăm Tây Ban Nha và Đức. Dịp này, theo báo Taz, Việt Nam mong muốn đưa ông Trịnh Xuân Thanh trả lại cho Đức để đổi lấy bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về nước, nhưng chưa rõ Đức quyết đinh ra sao. [3]

Truyền thông quốc doanh dẫn lời, TBT Tô Lâm hôm 31 tháng 10 than phiền tại cuộc thảo luận nhóm ở Quốc Hội: “Bộ máy Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, do đó phải sắp xếp, phải tinh gọn lại. TBT Tô Lâm nhìn nhận, ngân sách nhà nước đang chi khoảng gần 70% chỉ để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho bộ máy hoạt động. Ngân sách đã nuôi nhau hết, còn 30% thì tiền đâu để phát triển, lo củng cố quốc phòng, an ninh, và an sinh xã hội”.

Tô Lâm theo gót Phú Trọng?

Nhưng TBT Tô Lâm không đưa ra chỉ dấu sẽ “tinh gọn” ra sao, trong lúc tiền dân đóng thuế phải nuôi hai hệ thống đảng và chính quyền song hành từ trung ương xuống đến Xã, Ấp, bên cạnh đó còn có các đoàn thể râu ria, như: Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Phụ Nữ, Hội Nhà Văn, Hội Văn Nghệ. . . Và cả chục ngàn dư luận viên, an ninh chìm nổi . . .

Nếu dân chúng chờ mãi mà không thấy dấu hiệu đổi mới, tinh gọn cơ chế để chống “giặc nội xâm”, “lãng phí”, như những lời của TBT Tô Lâm, thì việc này chỉ được gợi ra như “chiêu trò” nhằm “làm sạch” con đường cho Tô Đại Tướng nắm trọn quyền hành ở đại hội XIV, nhiệm kỳ 2025-2030.

Việc ngổn ngang lớn nhất, cũng là điều đảng csVN lo âu hơn cả là khát vọng về quyền tự quyết của toàn dân: Bảy tổ chức xã hội dân sự trong nước và 32 cá nhân hôm mùng 03 tháng 11 đồng ký thư kêu gọi đảng csVN xây dựng một lộ trình, tạo điều kiện cho công chúng và các tổ chức xã hội có thể giám sát, ủng hộ và đồng hành cùng chế độ để Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau cải cách kinh tế năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng.

Trước mắt, đảng csVN phải chuẩn bị để thích ứng với Khát Vọng Tự Do, Dân Chủ của toàn dân, đồng thời phải điều chỉnh chính sách ngoại giao liên quan đến ngoại thương với Bắc Kinh để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại quá lớn với Mỹ – nơi Việt Nam bán được nhiều hàng hóa thì mới có Đôla.

Trần nguyên Thao
Nov 08, 2024

[1] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/suyt-soat-100-ty-usd-my-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-20241107041914052.htm

[2] https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-gan-80-phan-tram-doc-gia-viet-binh-chon-trump-tong-thong-my-ky-vong-gi/7856242.html

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-hanoi-actively-pursuing-nguyen-thi-thanh-nhan-dt-11012024092159.html

 

(*) GATO là từ ngữ trong nước, rút gọn của nguyên ngữ “Ghen Ăn, Tức Ở”

Bài liên quan:
  • “Tinh Gọn” đưa đến “Ba Đào”, “Mập mờ thương chiến” lẽ nào lại ngưng (?)
    Trần nguyên Thao
  • Tập không có câu trả lời cho vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc
    Lizzi C. Lee
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/12/2024. Khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn: Những thách đố của một nền dân chủ non trẻ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tham vọng Trung Đông của Nga đối diện thách thức lớn
    Hanna Notte
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/12/2024. Nội chiến Syria: Cuộc nổi dậy như vũ bão, TT Assad tuyệt vọng! Nga và Iran bất lực!
    BS Nguyễn Trọng Việt