Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Người Ủng Hộ Quyền Sống Phản Đối Sắc Lệnh Của San Diego
Luật sư của người Ủng Hộ Quyền Sống (Pro-Life) cho biết họ sẽ yêu cầu tòa án liên bang chặn một sắc lệnh mới của San Diego hạn chế quyền tự do ngôn luận bên ngoài các cơ sở phá thai.
Nhà hoạt động lâu năm, Roger Lopez, là một vị cao niên đã nghỉ hưu, là vị cố vấn thường ở bên ngoài các phòng khám phá thai của địa phương trong 15 năm qua.
Luật sư của Lopez, Paul Jonna, đã nói với báo chí rằng ông sẽ sớm đệ đơn xin lệnh toà để ngăn chặn luật địa phương, mà ông cho là vi hiến. Jonna là cố vấn đặc biệt tại Thomas More Society, một công ty luật vì lợi ích công cộng phi lợi nhuận và là đối tác của LiMandri & Jonna ở Rancho Santa Fe, California.
Jonna nhận thấy sắc lệnh này “lạm dụng hiến pháp một cách trầm trọng” và nói rằng, “Chúng tôi tin rằng nó sẽ bị bãi bỏ”.
Sắc lệnh có hiệu lực vào tháng Sáu, hạn chế tiếng hô hào trong phạm vi 30 thước tính từ lối vào của cơ sở chăm sóc sức khỏe, trường học hoặc nhà thờ và áp đặt thêm các hạn chế khu vực rộng khoảng 2 thước rưỡi xung quanh, gọi là khu vực bong bóng.
Sắc lệnh còn cho phép nạn nhân kiện đòi bồi thường thiệt hại 2.500 Đô La cho mỗi lần vi phạm. Lần kết án đầu tiên theo luật này cũng có thể dẫn đến ba tháng tù giam và khoản tiền phạt 500 đô la.
Lopez lập luận trong đơn khiếu nại pháp lý, được đệ trình vào ngày tháng 9 tại Tòa án Quận ở phía Nam của California, rằng sắc lệnh này vi phạm quyền ghi trong Tu Chính Án Thứ 14, rằng, xâm phạm khả năng cung cấp thông tin về các phương pháp thay thế phá thai và vi phạm quyền Tu Chính Án Thứ Nhất của phụ nữ được nhận thông tin khi vào phòng khám.
Một sắc lệnh trước đó của thành phố đã đặt gánh nặng lên những cá nhân đến gần địa điểm được bảo vệ, để nói rằng họ không muốn giao tiếp với người biểu tình. Nhưng sắc lệnh mới đặt gánh nặng lên người biểu tình phải xin phép để đến gần người bên trong phạm vi 2 thước rưỡi, tính từ vị trí được bảo vệ trong phạm vi 30 thước.
Đơn khiếu nại viết rằng, đặt ra phạm vi khu vực là vi hiến, theo phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Schenk kiện Pro-Choice Network (1997), vì chúng cản trở khả năng bảo vệ lập trường của người biểu tình bằng cách liên tục di chuyển để duy trì khoảng cách cho phép thay vì tập trung vào thông điệp của họ.
Văn phòng luật sư thành phố San Diego trước đây đã có quan điểm rằng các khu vực bong bóng là vi hiến và “chưa bao giờ phủ nhận kết luận của mình rằng các khu vực bong bóng là vi hiến”.
Ông cho biết cuộc trò chuyện giữa người biểu tình và một người phụ nữ bên ngoài phòng khám không được vượt quá 55 decibel, “tương đương với mức độ tiếng ồn của tủ lạnh”. Ông nói thêm rằng tiếng ồn trên đường phố thường cao hơn nhiều so với mức đó.
Theo khiếu nại pháp lý, sắc lệnh cấm người biểu tình tạo ra “bất cứ tiếng ồn nào gây khó chịu, hoặc phiền nhiễu cho bất cứ người bình thường nào có sự nhạy cảm”.
Luật này cũng cấm “bất cứ tiếng ồn nào gây ảnh hưởng đến hoạt động của” một cơ sở.
Hai Phụ Nữ Bị Bắt Vì Âm Mưu Ăn Gian Bầu Cử
Hai phụ nữ, trong đó có một nhân viên Bưu điện Hoa Kỳ (USPS), đã bị bắt tại Quận Mesa của Colorado vì bị cáo buộc ăn cắp phiếu bầu qua thư và làm giả phiếu bầu để “thử nghiệm” hệ thống xác minh chữ ký trên lá phiếu.
Các điều tra viên từ Văn phòng Biện lý Quận Tư Pháp số 21 của Colorado đã thực hiện vụ bắt giữ vào ngày 6 tháng Giêng, theo thông báo từ Biện lý Quận Daniel Rubinstein, tuyên bố rằng cuộc điều tra bắt đầu sau khi nhân viên bầu cử đưa ra báo cáo về việc nộp phiếu bầu.
Vicki Stuart và Sally Maxedon, hai phụ nữ bị bắt giữ, đã bị buộc tội ăn cắp danh tính, tìm cách tác động một công chức và làm giả phiếu bầu.
Trưởng nhóm điều tra James Cannon đã viết trong bản tuyên thệ rằng cuộc điều tra bắt đầu sau khi nhân viên bầu cử của Quận Mesa nhận được báo cáo về các lá phiếu bị từ chối do chữ ký không ăn khớp. Những cử tri bị ảnh hưởng tuyên bố rằng họ chưa bao giờ nhận được lá phiếu, làm dấy lên nghi ngờ về hành vi trộm cắp thư và giả chữ ký trên phiếu bầu.
Các lá phiếu đang được đề cập đã được gửi từ văn phòng Thư ký Quận Mesa vào ngày 11 tháng 10 và dự định sẽ được chuyển đến một khu phố cụ thể do USPS phục vụ. Tuy nhiên, một số cử tri trong khu vực đó đã báo cáo rằng lá phiếu của họ chưa bao giờ được gởi đến, mặc dù hệ thống bầu cử của Quận Mesa đã xác nhận là đã gửi đi.
Cannon lưu ý rằng chữ ký giả mạo trên các lá phiếu được trả lại, trông rất khác, đáng kể so với chữ ký thật trong hồ sơ. Cuộc điều tra sâu hơn cho thấy các lá phiếu bị đánh cắp có nguồn gốc từ ít nhất hai cụm hộp thư USPS khác nhau trong cùng một phân khu. Không có dấu hiệu đột nhập, cho thấy rằng một người được uỷ quyền được phép truy cập, chẳng hạn một nhân viên USPS, có thể đã chặn thư.
Theo Cannon, Stuart một nhân viên giao thư của USPS, đã thay thế cho nhân viên giao thư thường xuyên trên tuyến đường mà các lá phiếu bị mất được báo cáo. Các nhà điều tra đã liên kết Stuart với tuyến đường đang bị nghi ngờ sau khi phát giác ra cô đã sở hữu một số phong bì đựng phiếu bầu sau đó được xác định là bị đánh cắp.
Trong quá trình thẩm vấn, Maxedon thừa nhận đã làm giả các lá phiếu với sự giúp đỡ của Stuart. Ban đầu, Maxedon tìm cách đổ lỗi, tuyên bố rằng cô đã được một người đàn ông lạ mặt mà cô tình cờ gặp tại một trung tâm thương mại địa phương, tuyển dụng cô tham gia vào kế hoạch này. Tuy nhiên, sau đó cô đã thú nhận rằng cô và Stuart đã âm mưu thử nghiệm hệ thống xác minh phiếu bầu bằng cách đánh cắp và làm giả các lá phiếu.
Theo bản cung khai có tuyên thệ, Maxedon đã nêu chi tiết cách Stuart cung cấp cho cô các lá phiếu bị đánh cắp, cô đã điền vào và trả lại cho Stuart để nộp.
Bản cung khai cũng cho biết, một diễn biến quan trọng trong cuộc điều tra là trên các phong bì đựng phiếu bầu có dấu vân tay của Maxedon. Điều này xác nhận lời thú nhận của cô và liên kết cô trực tiếp với những gian lận.
Ít nhất 16 nạn nhân của vụ trộm phiếu bầu đã được xác định, với khả năng còn nhiều hơn nữa khi cuộc điều tra tiếp tục. Cả Stuart và Maxedon đều phải đối mặt với nhiều tội danh trầm trọng, bao gồm trộm cắp danh tính, làm giả và tìm cách tác động đến một viên chức bưu điện.
Phụ Nữ Texas Bị Bỏ Tù Vì Bất Chấp Lệnh Phong Tỏa COVID-19
Một người phụ nữ Texas bị bỏ tù vì bất chấp lệnh phong tỏa COVID-19 bằng cách mở cửa tiệm của mình, đã được bầu vào Hạ viện Quận 62 của tiểu bang.
Ballotpedia đưa tin, đảng viên Cộng hòa Shelley Luther đã giành được 77,7% số phiếu bầu, đánh bại đảng viên Dân chủ Tiffany Drake, nhận được 22.3%.
Luther cho biết bà đã buộc phải đóng cửa tiệm của mình vào tháng 3 năm 2020 và không được đưa ra ngày rõ ràng để có thể mở cửa trở lại. Một thẩm phán quận địa phương tiếp tục trì hoãn ngày đó.
Luther nói, “Cuối cùng, ông ấy hoãn lại lần cuối, tôi vừa thức dậy vào một ngày. Tôi nói, ‘Tôi phải mở cửa; thợ của tôi đang gọi cho tôi”.
Bà đã cửa hàng vào tháng 4, nhưng bà đã bị bắt và bị giam giữ trong bảy ngày và bị phạt phải trả 500 đô la cho mỗi ngày tiệm mở cửa.
Thẩm phán Quận Dallas Eric Moyé cho biết ông sẽ cân nhắc mức án nhẹ hơn nếu Luther thừa nhận bà đã sai và xin lỗi vì những gì bị xem là hành động “ích kỷ”.
Luther trả lời, “Tôi không đồng ý với ông, khi ông nói rằng tôi ích kỷ, vì việc cho thợ làm việc kiếm gạo nuôi con, không phải là ích kỷ. Tôi có những người thợ làm tóc đang phải cần tiền mua gạo cho con ăn. Vì vậy, thưa ông, nếu ông nghĩ rằng luật pháp quan trọng hơn việc cho trẻ em ăn, thì xin hãy tiếp tục đưa ra quyết định của mình, nhưng tôi sẽ không đóng cửa tiệm”.
Thống đốc Cộng hòa Texas Greg Abbott đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu mọi người ở nhà, cấm những doanh nghiệp khi đó được phân loại là “không thiết yếu” hoạt động, để ngăn chặn sự lây lan của loại vi-rút gây ra COVID-19.
Abbott sau đó đã xóa án tù đối với những người bị kết tội vi phạm lệnh.
“Việc bỏ tù những người Texas đã phải đóng cửa doanh nghiệp mà không phải do lỗi của họ là vô nghĩa, và tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra”, Abbott cho biết.
Tối Cao Pháp Viện tiểu bang đã ra lệnh thả Luther sau khi các viên chức tiểu bang, bao gồm cả Tổng chưởng lý Ken Paxton, lên tiếng ủng hộ bà.
Thị Trưởng New York Cho Biết Sẽ Thay Đổi Luật
Thị trưởng thành phố New York, Eric Adams cho biết ông muốn thay đổi luật của thành phố trú ẩn (sanctuary city) ngăn cản chính quyền thành phố hợp tác với chính quyền di trú liên bang. Nhưng ông không ủng hộ việc trục xuất hàng loạt.
Ông Adams tuyên bố trong một cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 11, “Các quy định của thành phố rất rõ ràng. Không được sử dụng bất cứ nguồn lực nào của thành phố để hợp tác hoặc cộng tác với ICE [Cơ Quan Di Trú và Hải Quan].
Ông cho biết, “Quy định đã thay đổi trong chính quyền trước và chúng tôi phải tuân thủ các quy định đó. Tôi nghĩ rằng điều đó nên được sửa đổi”.
Luật của thành phố trú ẩn ngăn cản cảnh sát và nhân viên thành phố hợp tác với các yêu cầu của ICE trong hầu hết các trường hợp, để bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị trục xuất.
Trong cuộc họp báo, thị trưởng đã bị hỏi tới tắp các câu hỏi liên quan đến bất cứ thay đổi nào trong việc xử lý những người nhập cư bất hợp pháp trong thành phố.
Tổng thống vừa đắc cử, ông Donald Trump tuần này đã công bố Tom Homan là người đứng đầu cơ quan kiểm soát biên giới. Homan, cựu giám đốc tạm quyền của ICE, nổi tiếng với các chính sách biên giới cứng rắn và ủng hộ việc trục xuất, đặc biệt là đối với bọn tội phạm nhập cư bất hợp pháp và những người đã bị thẩm phán liên bang ban hành lệnh trục xuất.
Adams nói, “Tôi không phải là người ủng hộ việc trục xuất hàng loạt. Tôi ủng hộ việc bảo đảm an ninh biên giới của chúng ta; bất cứ ai được ân xá vào đất nước này đều có con đường đến với việc làm, để họ có thể tự lo cho bản thân, [và] chính phủ sẽ giải quyết vấn đề nhập cư, để chúng ta không phải chứng kiến hàng ngàn người ngồi bên trong HERC [Trung Tâm Ứng Phó Và Cứu Trợ Nhân Đạo], không thể đi ra ngoài làm việc”.
Adams cho biết ông muốn giúp những người nhập cư trong thành phố có việc làm. Luật hiện hành yêu cầu những người xin tị nạn nhập cư bất hợp pháp phải đợi sáu tháng trước khi nộp đơn xin giấy phép lao động.
Thị trưởng chưa bao giờ xác nhận rõ ràng liệu các cuộc trục xuất hàng loạt có diễn ra ở Thành phố New York hay không, nhưng ông cho biết, “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng mọi người phải được tôn trọng và nhân đạo”.
Khi được hỏi về tương lai gần, Adams trả lời rằng không có kế hoạch ngay lập tức và nhóm của ông đang đưa ra các chiến lược cho mọi tình huống.
Thành phố đã phải vật lộn để xử lý lượng người nhập cư bất hợp pháp 220.000 người. Adams cho biết điều này đã khiến thành phố thiệt hại hàng tỷ đô la trong khi nhận được viện trợ không đáng kể từ chính phủ liên bang.
Ông nói, “Chúng tôi thực sự không biết chính sách thất bại đó đã gây ra hậu quả gì cho thành phố này, hàng tỷ đô la mà chúng tôi phải chi cho một vấn đề quốc gia. Tác động lâu dài của nó là gì? Đó là hàng tỷ đô la mà đáng lẽ chúng tôi phải chi cho các dịch vụ cần thiết khác”.
Vụ Kiện Bắt Nạt Của Người Ủng Hộ Trump
Một trẻ vị thành niên tố cáo em bị bắt nạt vì là người da trắng và ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Em đã không chứng minh được mình bị quấy rối vì lý do chủng tộc. Một tòa phúc thẩm liên bang ra phán quyết vào ngày 14 tháng 11 với một số ý kiến bất đồng.
Cậu bé Texas, được xác định trong hồ sơ tòa án là Jon Doe hoặc B.W., cho biết mình bị các bạn học và giáo viên bắt nạt từ tháng 10 năm 2017, khi cậu đội chiếc mũ “Make America Great Again” và sự bắt nạt kéo dài cho đến mùa xuân năm 2020.
Việc bắt nạt bao gồm một vụ mà cậu bị đánh nhiều lần, theo đơn khiếu nại do cậu bé và cha mẹ cậu đệ trình lên Học khu Độc lập Austin. Đơn khiếu nại viết, “Máy tính của B.W. có dán nhãn dán Trump trên vỏ máy. Một học sinh khác, I.L., vẽ chữ vạn trên lưng học sinh đó rồi đi đến chỗ B.W. và tuyên bố, ‘Tao sẽ đánh mày [chửi thề]’—và điều tiếp theo B.W. nhớ là đang nằm trên mặt đất, chảy máu. B.W. không nhớ mình đã bị đánh bao nhiêu lần nhưng anh ấy biết rằng nó đã lặp lại. Anh ấy nhớ mình đã phải kiểm tra miệng để xem mình có bị mất răng không vì bị đấm quá nhiều lần”.
Yêu cầu giúp đỡ từ các viên chức nhà trường không mang lại kết quả, khiến cha mẹ cậu bé phải đưa cậu bé ra khỏi quận.
Một thẩm phán quận của Hoa Kỳ vào năm 2022 đã bác bỏ đơn khiếu nại, nhận thấy rằng không có vi phạm hiến pháp nào vì không có chính sách hoặc quy định chính thức nào đóng góp cho tình hình.
Chín thẩm phán tại Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ cho vòng thứ năm đã giữ nguyên quyết định. Một số thẩm phán đó đã không nêu rõ lý do của họ.
Đơn khiếu nại của B.W. “nêu rõ tình trạng bắt nạt dữ dội và thậm chí là hành hung mà anh ấy phải chịu đựng trong suốt nhiều năm học tại các trường công lập ở Austin. Thật kinh tởm và đáng trách khi một học sinh trung học cơ sở và sau đó là trung học phổ thông phải chịu đựng những gì B.W. nói rằng anh ta phải chịu đựng và các viên chức nhà trường đã không hành động để chấm dứt tình trạng bắt nạt và quấy rối”.
Thẩm phán Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ Priscilla Richman đã viết trong một bản ý kiến, bày tỏ đồng tình có sự tham gia của các thẩm phán Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ Leslie H. Southwick, Dana M. Douglas và Irma Carrillo Ramirez.
Đơn khiếu nại của B.W., dài ba mươi chín trang, nêu rõ rằng động lực cho hành vi quấy rối và bắt nạt là niềm tin, hành động và biểu hiện chính trị của anh ta và của các bạn cùng lớp. Những bình luận tương đối ít dựa trên chủng tộc được kể lại trong Đơn Khiếu Nại, đang có hiệu lực, không phải là loại quấy rối có thể bị kiện theo Đạo luật VI, một luật dân quyền liên bang.
Theo đơn khiếu nại, B.W. thường xuyên chịu sự phân biệt chủng tộc ở trường. Đơn khiếu nại cho biết một học sinh trong lớp toán liên tục gọi B.W. là “da trắng”; một giáo viên đã nói với anh ta rằng “Tôi sẽ không để một người đàn ông da trắng nói chuyện với tôi về các vấn đề giới tính”. Vị giáo viên tỏ ra lo lắng, một học sinh đã đánh anh ta vì vấn đề chủng tộc của anh ta. Một học sinh khác nói rằng, “Nước Mỹ chỉ dành cho người da trắng”; và một học sinh thứ ba đã tạo ra một meme mô tả cậu bé là thành viên của Ku Klux Klan, một nhóm người cực đoan.
Richman trích dẫn từ một phán quyết, cho rằng mô hình này cho thấy hành vi quấy rối chủ yếu dựa trên chính trị và không đạt đến mức “trầm trọng, lan rộng và xúc phạm, đủ để dẫn đến nguyên nhân hành động bồi thường thiệt hại”.
Điều Gì Xảy Ra Với Các Bị Cáo Ngày 6 Tháng Giêng ?
Sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, nhiều bị cáo buộc tội nổi dậy trong sự kiện ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Họ đã yêu cầu hoãn các vụ án vì họ mong đợi được Trump ân xá.
Nhiều người đã bị từ chối, nhưng mỗi người vẫn đặt ra câu hỏi về cách Trump sẽ xử lý các vụ án.
Theo dữ kiện do NPR thu thập, hơn 1.500 người đã bị buộc tội liên quan đến ngày 6 tháng Giêng, với gần 1.000 người nhận tội.
Ít nhất một chục vụ án đã bị bác bỏ, trong khi nhiều vụ án vẫn tiếp tục có những thay đổi sau cuộc bầu cử của Trump. Vào đầu tháng 11, Luật sư Hoa Kỳ tại Quận Columbia đã công bố nhiều bản án và phán quyết có tội.
Nhiều yếu tố khác nhau có thể quyết định liệu những cá nhân này có tránh được án tù hay không, nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất là quyền kiểm soát cuối cùng của Trump đối với Bộ Tư pháp (DOJ) và ai sẽ lãnh đạo bộ đó.
Vào ngày 13 tháng 11, Trump đã công bố Dân biểu Matt Gaetz (đảng Cộng Hòa-Fla) sẽ được ông cử giữ chức Bộ Trưởng Tư Pháp. Ông Gaetz đã chỉ trích các vụ truy tố và đã đưa ra một dự luật vào tháng 7 nhằm ngăn chặn các công tố viên trả đũa các bị cáo ngày 6 tháng Giêng vì đã tìm cách tuyên án lại. Gaetz cũng đã đặt câu hỏi về sự tham gia của liên bang, tuyên bố rằng ngày 6 tháng Giêng “không phải là một cuộc nổi loạn” nhưng “rất có thể là một cuộc rối loạn của liên bang”.
Giả sử chức tổng thống cũng trao cho Trump quyền ân xá đáng kể theo Hiến pháp: Trump đã chỉ ra rằng ông sẵn sàng ân xá cho những người bị buộc tội nhưng vẫn để ngỏ khả năng một số người sẽ phải đối mặt với hình phạt.
Ông Trump đã từng nói trước đây, “Chúng tôi sẽ đối xử công bằng với họ. Và nếu cần phải ân xá, chúng tôi sẽ ân xá cho họ, vì họ đang bị đối xử quá bất công”.
Gần đây hơn, trong một sự kiện vào tháng 7, ông đã được hỏi về những cá nhân đã tấn công các cảnh sát viên. Ông cho biết, ông sẽ ân xá cho các bị cáo “nếu họ vô tội” và nói thêm rằng “họ đã bị kết án theo một hệ thống rất nghiêm ngặt”.
Theo dữ kiện của NPR, hơn 70 bị cáo đã nhận được phán quyết hỗn hợp và cho đến nay, hơn 1.000 người đã bị kết án, trong đó 64% phải ngồi tù. Một số bị cáo cũng đã nhận thỏa thuận nhận tội.
Robert Ray, cựu luật sư luận tội Trump, nói rằng, “Theo tôi, sẽ có một cuộc xét lại hoàn toàn đối với các vụ truy tố”, đồng thời lưu ý đến số lượng lớn các vụ án được đưa ra. Ông nói thêm rằng việc xét lại sẽ không “nhất thiết mang lại kết quả có lợi cho từng bị cáo, nhưng tôi nghĩ sẽ có một việc khá căng thẳng về quyền ân xá và giảm nhẹ để giải quyết tình trạng vượt quá thẩm quyền [của các công tố viên]”.
John Pierce, một luật sư đại diện cho các bị cáo vào ngày 6 tháng Giêng, nói với The Epoch Times rằng, ông mong đợi một “lệnh ân xá toàn diện”, trong khi người phát ngôn của nhóm chuyển giao Trump-Vance, Karoline Leavitt, cho biết tổng thống Trump “sẽ đưa ra quyết định ân xá theo từng trường hợp cụ thể”.
Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Cho Phép Hầu Hết Các Trường Phổ Biến Mười Điều Răn
Một tòa phúc thẩm liên bang tại New Orleans đã tạm thời thu hẹp phạm vi của phán quyết bãi bỏ luật của Louisiana yêu cầu các trường công lập phải trưng bày Mười Điều Răn trong lớp học, cho phép luật được thực hiện tại phần lớn các trường của tiểu bang.
Tòa Phúc Thẩm Liên bang Khu vực 5 của Hoa Kỳ đã ban hành lệnh hoãn hành chính vào ngày 15 tháng 11, tạm thời dừng một điều khoản yêu cầu các viên chức giáo dục thông báo cho tất cả 72 quận rằng luật đã bị vô hiệu. Điều này có nghĩa là yêu cầu pháp lý về việc trưng bày Mười Điều Răn trong lớp học hiện đã bị chặn tại năm trường Louisiana liên quan đến vụ kiện và có thể được thực hiện tại 67 quận còn lại, trong khi chờ kháng cáo.
Bộ trưởng Tư Pháp Louisiana Liz Murrill hoan nghênh quyết định này, được đưa ra để đáp lại thái độ khẩn cấp do các luật sư tiểu bang đệ trình, lập luận rằng Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ John deGravelles đã vượt quá thẩm quyền của mình với phán quyết ngày 12 tháng 11, trong đó yêu cầu thông báo trên toàn tiểu bang về tính vi hiến của luật.
Murrill cho biết trong một bài đăng trên X,“Tòa phúc thẩm liên bang số 5 chấp thuận hành động NGĂN CHẶN nỗ lực của tòa án quận cho ban hành luật Mười Điều Răn trên toàn tiểu bang. Tôi mong muốn được làm việc ngay lập tức với tất cả các hội đồng trường học của chúng tôi để sớm thực hiện luật này”.
Các luật sư của tiểu bang có kế hoạch kháng cáo toàn bộ lệnh của deGravelles, lệnh này vẫn còn nguyên vẹn đối với năm khu vực trường học được nêu tên trong vụ kiện.
Luật do Cơ Quan Lập Pháp Louisiana ban hành và được Thống đốc Jeff Landry ký vào tháng 6, yêu cầu phải trưng bày một phiên bản cụ thể của Mười Điều Răn trong tất cả các lớp học công lập từ mẫu giáo đến lớp 12 và tại các trường đại học công lập trước ngày 1 tháng 1 năm 2025. Luật này yêu cầu phải trưng bày Mười Điều Răn trên một tấm áp phích 11×14 inch hoặc tài liệu đóng khung bằng phông chữ lớn, dễ đọc. Luật cũng yêu cầu phải có một tuyên bố ngữ cảnh dài 200 từ nêu bật vai trò lịch sử của chúng trong nền giáo dục công lập của Hoa Kỳ.
Luật này đã bị thách thức tại tòa án, với các nguyên đơn cáo buộc trong đơn khiếu nại của họ rằng luật này vi phạm quyền của họ theo Điều khoản thành lập và Điều khoản tự do thực hiện của Tu chính án thứ nhất đối với Hiến pháp Hoa Kỳ.
“Mười điều răn được yêu cầu theo luật tiểu bang sẽ tạo ra một môi trường học đường không chào đón và áp bức đối với trẻ em, như con chúng tôi, những người không tin vào phiên bản kinh thánh chính thức của tiểu bang”, Darcy Roake, một mục sư trong phong trào tôn giáo tự do Unitarian Universalism và là nguyên đơn trong vụ kiện, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng không có trẻ em nào nên cảm thấy bị loại trừ ở trường công vì truyền thống đức tin của gia đình chúng, và chúng tôi lạc quan rằng tòa án sẽ chấp thuận hành động của chúng tôi”.
Trong phán quyết ngày 12 tháng 11, đứng về phía các nguyên đơn, deGravelles mô tả luật này là “rõ ràng là tôn giáo” và “vi hiến trên bề mặt”. Ông đã cấm Giám đốc Sở Giáo dục tiểu bang Cade Brumley và hội đồng giáo dục tiểu bang thực hiện luật này và chỉ đạo họ thông báo cho tất cả các hội đồng trường học về tính vi hiến của luật này.
Hoa Kỳ Kêu Gọi Thận Trọng Với Đầu Tư Trung Cộng Ở Peru
Brian Nichols, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Châu Mỹ Latinh, đã kêu gọi các quốc gia trên khắp Tây bán cầu cảnh giác với các khoản đầu tư của Trung Cộng sau khi Bắc Kinh mở một cảng nước sâu lớn ở Peru. Nichols nói với các phóng viên vào ngày 14 tháng 11, “Chúng tôi tin rằng điều cần thiết là các quốc gia trên khắp bán cầu phải bảo đảm rằng các hoạt động kinh tế của nhà cầm quyền Trung Cộng tôn trọng luật pháp địa phương cũng như bảo vệ nhân quyền và bảo vệ môi trường”.
Nichols lưu ý rằng Hoa Kỳ đã tập trung vào hợp tác với Peru và “bảo đảm rằng người Peru hiểu được sự phức tạp khi giao dịch với một số nhà đầu tư khác của họ trong tương lai”.
Nichols đưa ra bình luận này khi được hỏi về cảng Chancay, một cảng do Trung Cộng làm chủ nằm cách Lima khoảng 48 dặm về phía bắc.
Cảng Chancay đã được khánh thành vào ngày 14 tháng 11, với sự tham gia của nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình và Tổng thống Peru Dina Boluarte qua liên kết video. Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Peru và tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), nơi ông cũng đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Trong một bài xã luận được đăng trên tờ báo nhà nước El Peruano của Peru, Tập Cận Bình đã ca ngợi cảng nước sâu 15, bến này là “cảng thông minh đầu tiên ở Nam Mỹ” và là dự án chủ chốt trong Sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Tàu, một chương trình trị giá hàng tỷ đô la nhằm củng cố ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.
Với việc ra mắt Chancay, thời gian vận chuyển từ Peru đến Trung Cộng dự định sẽ được rút ngắn xuống còn 23 ngày, do đó giảm chi phí hậu cần xuống 20 phần trăm. Tập Cận Bình đồng thời cho biết thêm rằng, dự án này dự định sẽ tạo ra 4,5 tỷ đô la doanh thu hàng năm và tạo ra hơn 8.000 việc làm trực tiếp, mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương.
Từng là một làng chài nhỏ với dân số 60.000 người, thị trấn này đã phải chịu thiệt hại rất lớn trong năm năm qua do việc xây dựng cảng phụ thuộc rất nhiều vào thuốc nổ. Theo một bản ghi nhớ từ cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan, điều này không chỉ gây hư hại cho những ngôi nhà gần đó, ảnh hưởng đến hạnh phúc của các gia đình – đặc biệt là phụ nữ và trẻ em – mà còn khiến hệ sinh thái đánh bắt cá địa phương trở nên hỗn loạn, làm gián đoạn sinh kế của cộng đồng phụ thuộc các nghề có liên quan.