TIN THẾ GIỚI.

Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga (RFI)

Báo chí Mỹ ngày 17/01/2024 tiết lộ: tổng thống Joe Biden, vài tuần trước khi mãn nhiệm, đã thỏa mãn yêu cầu của Ukraina, dùng tên lửa chiến thuật ACTACMS với tầm bắn 300 km để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vì muốn tránh để bị lôi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Matxcơva, đến nay Washington từ chối cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ của Nga. 

Hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho rằng quyết định này là hệ quả của việc Bắc Triều Tiên đưa hàng ngàn quân sang tiếp tay với quân đội Nga và nhất tình hình chiến sự tại Ukraina đang xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua. Rời thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Peru sang Brazil chuẩn bị dự thượng đỉnh G20 tổng thống Mỹ Biden chưa chính thức lên tiếng về tin trên.

Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin.

« 300 km là tầm bắn của các tên lửa Mỹ ATACMS. Đến nay Hoa Kỳ chỉ cung cấp một cách nhỏ giọt cho Ukraina và Kiev không được phép dùng để nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trên lãnh thổ của Nga. Trước hết Nga cảnh báo sẽ coi đây là một bước leo thang quan trọng. Hơn nữa  giới quân sự của Mỹ cho biết là không có nhiều loại tên lửa này. Thế nhưng rồi tình hình chiến trường đã thay đổi. Nga vừa tiến hành một loạt các đợt không kích có phối hợp.

Tiếp theo là tại vùng Kursk, mà Ukraina đã chiếm đóng từ mùa hè vừa qua, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn để giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Để đạt được mục tiêu này, Nga đã được 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp tay. Kursk là nơi đầu tiên tên lửa tầm xa ACTAMS của Mỹ sẽ được sử dụng với mục đích bắt buộc phía Nga phải tái triển khai lực lượng.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không tiết lộ bất cứ bình luận gì về quyết định của Mỹ và chỉ nói rằng tên lửa sẽ « nói lên nhiều điều hơn là những tuyên bố ». Bản thân tổng thống Biden cũng không bình luận về quyết định này. Hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đây là một thông điệp rõ ràng thể hiện sự ủng hộ Ukraina. Trong khi đó viện trợ quân sự cho Ukraina đang bị phe của ông Donald Trump chống đối và tổng thống tân cử thì cam kết nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ». 

Tên lửa Mỹ : Nga tố cáo Biden « châm dầu vào lửa »

Hôm 18/11/2024, Matxcơva đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng sự quyết định của chủ nhân Nhà Trắng, về bản chất là « châm dầu vào lửa ». Điều này có nguy cơ « dẫn đến một diện mạo mới về mặt cơ bản liên quan đến sự can dự của Mỹ trong xung đột ».

Về phía Trung Cộng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lin Jian, trong buổi họp báo hôm nay, nhận định, « một lệnh ngưng bắn nhanh chóng và một giải pháp chính trị là trong lợi ích của các bên », đồng thời kêu gọi « điều khẩn cấp nhất hiện nay là tìm cách hạ nhiệt tình hình càng nhanh càng tốt ».

Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói thêm rằng, « Trung Cộng luôn kêu gọi và ủng hộ tất cả các nỗ lực đi đến một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng », và Bắc Kinh « sẵn sàng tiếp tục duy trì vai trò xây dựng theo cách của mình » trong chiều hướng này.


Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân (RFI)

Vào ngày thứ 1.000 của cuộc xâm lược Ukraina, ngày 19/11/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa do Mỹ cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Theo sắc lệnh, được AFP trích dẫn, « trong số các điều kiện biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân là phóng tên lửa chống Nga ». Còn theo giải thích từ phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, « việc điều chỉnh các cơ sở (học thuyết) của Nga trước tình hình hiện nay là cần thiết » trước điều mà Vladimir Putin xem như là « những mối đe dọa » xuất phát từ phương Tây đối với an ninh của Nga.

Văn bản tổng thống Nga ký còn nhắc đến một khả năng khác sử dụng vũ khí hạt nhân, là « việc cho sử dụng lãnh thổ và các nguồn lực nhằm gây hấn chống lại Nga ».

Cũng theo ông Peskov, chính quyền Nga theo dõi sát tình hình trên chiến trường và nhất là khả năng Ukraina dùng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cấp tại vùng Kursk của Nga, đang bị quân đội Ukraina chiếm đóng một phần.

Tổng thống Putin hồi cuối tháng 9/2024 từng cảnh báo rằng Nga kể từ giờ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị không kích ồ ạt hay bất kỳ cuộc tấn công nào từ một nước phi hạt nhân như Ukraina nhưng được hậu thuẫn từ một cường quốc có trang bị vũ khí nguyên tử như Mỹ chẳng hạn. Nga xem đấy như là một hành động gây hấn « chung », và do vậy việc dùng đến vũ khí hạt nhân là cần thiết.

Vào lúc Nga tăng cường các chiến dịch không kích chết chóc và hủy diệt tại Ukraina, tổng thống Joe Biden cách nay vài ngày đã bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ cấp trên lãnh thổ Nga theo như xác nhận từ một quan chức Mỹ với AFP.

Về tình hình chiến trường, quân đội Ukraina loan báo đã phá hủy một kho đạn lớn của Nga tại thành phố Karatchev tại vùng Briansk cách biên giới với Ukraina 110 km.


Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến (VOA)

Ukraine hôm 19/11 đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga, theo Moscow cho biết, trong một cuộc tấn công bị Nga coi là một sự leo thang lớn vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến.

Nga nói rằng lực lượng của nước này đã bắn hạ năm trong số sáu tên lửa được phóng vào một cơ sở quân sự ở khu vực Bryansk, trong khi các mảnh vỡ của một tên lửa đã rơi trúng cơ sở này, nhưng không gây thương vong hoặc thiệt hại.

Ukraine cho biết lực lượng của họ đã tấn công một kho vũ khí của Nga nằm sâu khoảng 110 km trong lãnh thổ của Nga và gây ra các vụ nổ. Họ không nêu rõ họ đã sử dụng loại vũ khí nào.

Tổng thống Joe Biden trong tuần này chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm trung của Mỹ cho các cuộc tấn công như vậy, mà Moscow mô tả là một sự leo thang, biến Washington thành bên tham chiến trực tiếp trong cuộc chiến và sẽ nhanh chóng trả đũa.

Vụ phóng tên lửa này được tiến hành trong bối cảnh một lễ cầu nguyện để đánh dấu 1.000 ngày chiến tranh được lên kế hoạch, trong khi các binh sĩ mệt mỏi ở tiền tuyến, Kyiv hứng chịu các cuộc không kích và những nghi ngờ về sự ủng hộ của phương Tây trong tương lai, khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa của Hoa Kỳ có thể giúp Ukraine bảo vệ một khu vực mà họ đã chiếm được để sử dụng như một con bài mặc cả bên trong nước Nga nhưng không có khả năng thay đổi đường hướng của cuộc chiến đã kéo dài 33 tháng qua.

Ông Putin hôm 19/11 đã ký một học thuyết hạt nhân mới, dường như nhằm cảnh báo Washington, khi hạ thấp ngưỡng mà Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để bao gồm cả việc đáp trả các cuộc tấn công đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Người ta chờ đợi các thay đổi quan trọng trong tư thế của Hoa Kỳ khi ông Trump trở lại nắm quyền trong hai tháng nữa, sau khi ông đã cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh mà không nói rõ bằng cách nào.

Trong bài phát biểu trước quốc hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng “những khoảnh khắc quyết định” của cuộc chiến sẽ đến vào năm tới.

Vào giai đoạn này của cuộc chiến, có thể sẽ quyết định ai sẽ thắng thế. Liệu chúng ta sẽ chiến thắng kẻ thù, hay kẻ thù sẽ chiến thắng chúng ta, người Ukraine… và người châu Âu. Và tất cả mọi người trên thế giới muốn sống tự do và không phải chịu sự cai trị của một kẻ độc tài”, ông nói.

Một lễ thắp nến tưởng niệm đã được lên kế hoạch vào cuối ngày 19/11.

Hàng ngàn công dân Ukraine đã thiệt mạng, hơn sáu triệu người sống tị nạn ở nước ngoài và dân số đã giảm một phần tư kể từ khi ông Putin ra lệnh xâm lược bằng đường bộ, đường biển và đường không, mở đầu cho cuộc xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II.

Tổn thất quân sự được cho là thảm khốc, mặc dù số liệu thương vong vẫn được giữ bí mật. Các ước tính của phương Tây dựa trên các báo cáo tình báo cho biết hàng trăm nghìn người đã bị thương hoặc tử vong ở mỗi bên.


Chiến tranh Ukraina: Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa (RFI)

Theo truyền thông phương Tây, trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng đã cung cấp hàng chục hệ thống tên lửa vào pháo tầm xa, và một số đã được chuyển đến tỉnh Kursk (giáp biên với Ukraina), để tham chiến cùng các đơn vị Bắc Triều Tiên, với mục tiêu đẩy lùi quân Ukraina khỏi các vùng lãnh thổ của Nga.

Theo báo Anh Financial Times, hôm 17/11/2024, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Matxcơva khoảng 50 pháo tự hành M1989 170mm, sản xuất trong nước, và 20 dàn phóng tên lửa 240mm. Các hệ thống vũ khí hạng nặng này có tầm bắn tới 60km. Các quan chức Ukraina đã cung cấp thông tin về các loại vũ khí này sau khi một bức ảnh cho thấy các cỗ pháo Bắc Triều Tiên cung cấp bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội hồi tuần trước. Bức ảnh, được các nhà phân tích thẩm định, cho thấy một số khẩu pháo, ở khu vực Krasnoyarsk ở miền trung nước Nga, được phủ lưới ngụy trang và đang được vận chuyển bằng đường sắt về phía tây, tức về hướng Ukraina.

Việc chuyển giao vũ khí nói trên diễn ra vào thời điểm bản lề, khi quân đội Ukraina và Nga đang gia tăng chiến đấu để giành lợi thế về lãnh thổ trước khi Donald Trump, người tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần ba năm, chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Theo chuyên gia Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Bắc Triều Tiên đang tham gia ngày một sâu hơn vào cuộc chiến của Nga chống Ukraina, « từ việc gửi một lượng lớn đạn dược, vũ khí và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này ». 

Về quân số Bắc Triều Tiên tham chiến trong hàng ngũ Nga, hãng tin Bloomberg hôm qua, dẫn lời một quan chức cấp cao của Ukraina, cho hay, Bình Nhưỡng có thể gửi khoảng 100.000 quân hỗ trợ Matxcơva, con số cao gấp đôi so với dự đoán trước đó.


Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah ‘trong tầm tay’ (VOA)

Một nhà trung gian cấp cao của Hoa Kỳ hôm 19/11 nói rằng có một “cơ hội thực sự” để chấm dứt xung đột giữa Israel và Hezbollah và khoảng cách đang thu hẹp lại, báo hiệu sự tiến triển trong nỗ lực của Washington nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.

Đặc phái viên của Nhà Trắng Amos Hochstein đã phát biểu tại Beirut sau các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, một ngày sau khi chính phủ Lebanon và Hezbollah được Iran hậu thuẫn đồng ý với đề xuất ngừng bắn của Hoa Kỳ, mặc dù có một số bình luận về nội dung.

“Tôi trở lại vì chúng ta có cơ hội thực sự để chấm dứt cuộc xung đột này”, ông Hochstein phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm. “Giờ đây, nó nằm trong tầm tay chúng ta. Vì cơ hội là bây giờ, tôi hy vọng những ngày tới sẽ dẫn tới một quyết định chắc chắn”.

Chuyến đi của ông Hochstein đánh dấu nỗ lực cuối cùng của chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm nhằm đạt được lệnh ngừng bắn trong khi nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza dường như hoàn toàn bế tắc.

Bộ trưởng Năng lượng Israel Eli Cohen cho biết hôm 19/11 rằng “có các cuộc đàm phán về một thỏa thuận với Lebanon” nhưng nhắc lại rằng Israel sẽ chỉ đồng ý nếu tất cả các yêu cầu của họ được đáp ứng, bao gồm cả việc đẩy Hezbollah ra khỏi biên giới.

Các nỗ lực ngoại giao diễn ra cùng lúc với tình trạng leo thang chiến tranh, khi Israel tăng cường các cuộc không kích vào các vùng ngoại ô phía nam của Beirut mà Hezbollah kiểm soát và tấn công 3 lần vào chính thủ đô này trong 3 ngày qua.

Cuộc xung đột đã leo thang thành chiến tranh toàn diện vào tháng 9 khi Israel oanh kích các khu vực rộng lớn của Lebanon, đưa quân vào phía nam và giết chết nhiều chỉ huy Hezbollah, bao gồm cả thủ lĩnh Hassan Nasrallah.

Ông Hochstein, người đã nỗ lực nhưng không thành công trong việc làm trung gian ngừng bắn nhiều lần trong năm ngoái, nói rằng “đây là thời điểm ra quyết định”, nhưng cho biết thêm rằng “cuối cùng thì quyết định đi đến kết thúc cuộc xung đột này là của các bên trong cuộc xung đột“.

Hezbollah đã đồng ý cử đồng minh lâu năm Berri làm người đàm phán của Lebanon. Ông Hochstein đã bay đến Beirut sau khi Lebanon gửi phản hồi bằng văn bản cho đề xuất ngừng bắn của Hoa Kỳ mà ông Berri đã nhận được vào tuần trước từ đại sứ Mỹ.

Israel đã phát động cuộc tấn công sau gần một năm thù địch xuyên biên giới với Hezbollah, lực lượng đã nổ súng để đoàn kết với đồng minh Palestine Hamas sau cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023 của nhóm này dẫn đến sự khởi đầu của cuộc chiến tranh Gaza.

Mục tiêu được tuyên bố của Israel là phá hủy năng lực của Hezbollah và đảm bảo sự trở lại của hàng chục nghìn người Israel đã sơ tán khỏi miền bắc đất nước.

Ít nhất 35 quả đạn và pháo đã được bắn vào Israel từ Lebanon hôm 19/11, một số trong số đó đã bị chặn lại, theo tuyên bố của quân đội Israel. Quân đội cho biết lực lượng không quân Israel cũng đã chặn được hai máy bay không người lái bay vào Israel từ Lebanon.

Các cường quốc thế giới cho biết lệnh ngừng bắn phải dựa trên Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn đã chấm dứt cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và Hezbollah. Các điều khoản của nghị quyết này yêu cầu Hezbollah phải di chuyển vũ khí và chiến binh về phía bắc Sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30 km về phía bắc.

Chiến dịch của Israel đã giết chết 3.481 người ở Lebanon kể từ khi bắt đầu các cuộc giao tranh, hầu hết là kể từ cuối tháng 9, theo chính quyền Lebanon cho biết. Các số liệu không phân biệt giữa những người tham chiến và thường dân.

Còn số liệu của Israel cho thấy các cuộc không kích của Hezbollah đã giết chết 43 thường dân ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan mà Israel chiếm đóng, trong khi 73 binh sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc không kích ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan và trong khi chiến đấu ở miền nam Lebanon.


An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina (RFI)

Ngày 16/11/2024, ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya đến Kiev và khẳng định « sát cánh » với Ukraina. Ông lên án việc lính Bắc Triều Tiên tham chiến với Nga vì « điều này không chỉ làm trầm trọng tình hình ở Ukraina mà cũng sẽ có tác động vô cùng lớn đến an ninh ở Đông Á ». Hợp tác quân sự Matxcơva-Bình Nhưỡng khiến Tokyo và Seoul quan ngại. Trong khi đó, Trung Cộng cũng được đề nghị đóng vai trò « xây dựng » hơn trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Zelensky đốn tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya

Theo AFP, khi tiếp đồng nhiệm Nhật Bản ở Kiev, ngoại trưởng Ukraina Andriy Sybiga đánh giá việc lực lượng Bắc Triều Tiên tham chiến với Nga là « bằng chứng cho thấy tương lai kiến trúc an ninh, không chỉ nằm ở tầm châu Âu mà ở quy mô toàn tầu, đang diễn ra ở Ukraina ». Chính quyền Kiev ước tính khoảng 11.000 lính Bắc Triều Tiên đã được triển khai ở Nga và đã giao tranh với quân Ukraina ở nhiều khu vực hiện do Ukraina kiểm soát ở vùng biên giới Kursk.

Cùng ngày 16/11, tại Lima, Peru, trong cuộc họp song phương bên lề thượng đỉnh APEC, tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ « vô cùng quan ngại » về thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng, trong đó có việc lính Bắc Triều Tiên được triển khai ở Nga. Điều này khiến « tình hình trong vùng trở nên nghiêm trọng hơn ». Do đó, theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc, được Yonhap trích dẫn, cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh « phải tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc » và « sự phối hợp chặt chẽ song phương giờ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết ».

Vấn đề Bắc Triều Tiên cũng được tổng thống Hàn Quốc đề cập với chủ tịch Trung Cộng trong cuộc gặp ngày 15/11 bên lề APEC. Ông Yoon Suk Yeol đề nghị ông Tập Cận Bình đóng vai trò « xây dựng » trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông cũng « hy vọng hai nước (Hàn Quốc, Trung Cộng) sẽ hợp tác để thúc đẩy ổn định và hòa bình trong khu vực nhằm đáp lại những hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên, cuộc chiến ở Ukraina và hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên ».


Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu “ủng hộ” trái phiếu quốc phòng (RFI)

Trước viễn cảnh Donald Trump quay lại Nhà Trắng, các nước châu Âu đang nỗ lực tăng cường lĩnh vực quốc phòng. Ngày 19/11/2024, bốn nước lớn nhất Liên Hiệp Châu Âu và Anh đã họp tại Vacxava, Ba Lan, và tuyên bố ủng hộ phát hành trái phiếu quốc phòng châu Âu.

Các ngoại trưởng, Pháp Jean-Noël Barrot, Ý Antonio Tajani, Ba Lan Radoslaw Sikorski và Đức Annalena Baerbock tại Vacxava, Ba Lan, ngày 19/11/2024.

Sau cuộc họp với bốn đồng nhiệm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh, ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định ý tưởng « phát hành trái phiếu quốc phòng » là « điều gì đó nghiêm túc ». Còn theo ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, « chiến lược được soạn thảo » là nhằm « hỗ trợ quốc phòng của châu Âu ». Trước đó, vào tháng 06, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo Liên Hiệp Châu Âu cần đầu tư 500 tỉ euro trong thập niên tới để tăng cường quốc phòng.

Thông tín viên RFI Adrien Sarlat tại Vacxava cho biết thêm thông tin :

« Bối cảnh đặc biệt thì phải có một cuộc họp đặc biệt. Cuộc họp cấp cao sáng 19/11 là sự kiện chưa từng có, được Vacxava coi là phản ứng trước việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Vào lúc tổng thống đắc cử Mỹ thông báo ý định giảm viện trợ cho NATO, cuộc gặp lần này có mục đích chuẩn bị cho các cường quốc thành viên NATO một thế cân bằng mới.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu : « Chúng tôi nhất trí về việc châu Âu phải gánh trọng trách lớn hơn cho chính an ninh của mình và điều này được thực hiện thông qua việc phân bổ trách nhiệm tài chính giữa các nước thành viên NATO. Nhưng việc tăng cường chi tiêu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu phải đi đôi với việc Mỹ duy trì cam kết đối với an ninh của chúng ta ».

Ba Lan quốc gia đứng đầu châu Âu về đầu tư quân sự, dành 2,4% GDP cho quốc phòng, trong khi NATO khuyến nghị tối thiểu là 2%.

Ngoại trưởng Sikorski cho biết : « Tôi nhận thấy rằng các quốc gia lớn ở châu Âu ngày càng sẵn sàng đảm nhận một phần gánh nặng hỗ trợ quân sự trong trường hợp Mỹ hạn chế các cam kết hơn ».

Theo các ngoại trưởng, một cam kết tài chính sẽ giúp tránh được nguy cơ Putin hóa châu Âu và bảo vệ sự toàn vẹn của các quốc gia thành viên ».


Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga (RFI)

Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS, do Washington cung cấp, tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp châu Âu (EU), Josep Borrell, hôm nay 19/11/2024, kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nên làm tương tự. Tuy nhiên, nhiều thành viên vẫn tỏ ra thận trọng.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :

Josep Borrell than phiền : “Lần nào chúng ta ra quyết định hỗ trợ Ukraina cũng đều mất rất nhiều thời gian.” Đối với lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, những cuộc oanh kích mạnh mẽ của Nga nhắm vào Ukraina hôm Chủ Nhật là câu trả lời của Vladimir Putin đối với “mọi nỗ lực thảo luận hay đàm phán”. Đây là một lời lên án rõ ràng của Josep Borrell nhắm vào cuộc điện đàm của thủ tướng Đức với tổng thống Nga cách đây một tuần và ông nói thêm rằng nếu châu Âu muốn bày tỏ “lập trường cứng rắn”, thì phải đoàn kết.

Tuy nhiên, hôm qua, các quốc gia thành viên EU đã không tỏ ra đoàn kết. Ngoài Đức, vẫn luôn từ chối cho phép Ukraina sử dụng các tên lửa Taurus tấn công vào lãnh thổ Nga, Ý cũng giữ nguyên lập trường tương tự : “Vũ khí do Roma cung cấp chỉ có thể được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraina”, ngoại trưởng Antonio Tajani, hôm qua, nhấn mạnh như trên. Người đồng cấp Pháp, Jean-Noël Barrot, lặp lại rằng việc cho phép Ukraina sử dụng vũ khí do Paris cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga là một khả năng mà chính phủ “đang xem xét”, ngụ ý rằng nếu Pháp bật đèn xanh cho Ukraina thì thông tin này sẽ không được công khai.


Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu (RFI)

Thượng đỉnh G20 đã khép lại hôm qua, 19/11/2024 tại Rio de Janeiro, Brazil. Các nước thành viên đã thông qua một tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu, trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, từ chiến tranh Ukraina cho đến xung đột ở Trung Đông.

Trong bài phát biểu kết thúc thượng đỉnh, được NHK trích dẫn, tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định : “ Chúng tôi đã nỗ lực, mặc dù chúng tôi nhận thức được là chỉ mới chạm đến bề mặt của những thách thức to lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Chúng ta hãy tiếp tục xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững.”

Từ Rio de Janeiro, thông tín viên Sarah Cozzolino cho biết thêm thông tin :

Tổng thống Brazil Lula Da Silva đã thành công trong việc đóng vai trò là cầu nối giữa phương Tây và các nước phía nam. Brazil mong muốn đưa những chủ đề về xã hội thành ưu tiên tại thượng đỉnh lần này. Việc ký kết một liên minh toàn cầu chống nạn đói là một thắng lợi.

Bất chấp sự khác biệt của những nước trong nhóm chiếm khoảng 85 % GDP toàn cầu, Brazil đã thành công đạt được đồng thuận về một tuyên bố chung. Đặc biệt là văn bản này đề cập đến nhu cầu đánh thuế các nhà tỷ phú hoặc triển khai các biện pháp tham vọng hơn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.

Mặc dù quan hệ giữa ông Lula và tổng thống Achetina Javier Milei nguội lạnh, nhưng văn bản cuối cùng đã được tất cả các thành viên của G20 ký.

Bên lề thượng định của G20, xã hội dân sự đã phản kháng ở Rio de Janeiro, kêu gọi các nước ủng hộ Palestine trong cuộc xung đột ở Trung Cận Đông, và có những cam kết cụ thể hơn trong việc bảo vệ rừng Amazon.

Thượng đỉnh quốc tế này được xem là màn khởi động đối với Brazil, cho những sự kiện sắp tới. Quốc gia này sẽ tổ chức Hội nghị Khí hậu quốc tế COP-30 ở Belém, vùng Amazon vào năm 2025. 10 năm sau khi Thỏa thuận Khí hậu Paris được thông qua, các kỳ vọng được nâng cao, cũng như là những thách thức đối với vấn đề khí hậu trước việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng có nguy cơ cản trở các cuộc đàm phán về khí hậu. » 

Trong lĩnh vực thương mại, theo NHK, tuyên bố chung của thượng đỉnh năm nay, không nêu rõ ràng là “ngăn cản chủ nghĩa bảo hộ” như năm ngoái, mà thay vào đó, nhấn mạnh nhu cầu cần bảo đảm một hệ thống trao đổi thương mại đa phương, công bằng và cởi mở.

Tuyên bố chung của G20 cũng thừa nhận các mối đe dọa liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thông tin, kêu gọi quản lý công nghệ này và thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp đảm bảo tính minh bạch, hay sự giám sát của con người và bảo vệ bản quyền, … Một số tổ chức như Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã hoan nghênh quyết định này.

Theo AFP, hôm nay, một ngày sau khi thượng đỉnh khép lại, tổng thống Brazil Lula đã tiếp lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Hai bên muốn tăng cường quan hệ vốn đã bền chặt giữa hai nước lớn mới nổi, lần lượt là quốc gia đông dân thứ hai và thứ bảy của thế giới.

Nếu như Brazil muốn tăng cường hợp tác với Trung Cộng về kinh tế, thì chủ tịch Tập Cận Bình, trước sự trở lại của Donald Trump vào Nhà Trắng, được cho là muốn khẳng định vị trí của Bắc Kinh, lấp khoảng trống mà chính quyền của tân tổng thống có thể để lại trong các tổ chức, định chế quốc tế..


Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm vùng biển Philippines (RFI)

“Rất nhiều” tàu chiến của Trung Cộng được ngụy trang thành tàu cá hoặc tàu hải cảnh để xâm chiếm các vùng biển của Philippines. Ngày 19/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro nhấn mạnh thực tế này khi cùng đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin đến thăm một căn cứ ở đảo Palawan, trên tuyến đầu trong cuộc xung đột lãnh hải với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro

Hai bộ trưởng đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Miền Tây (Western Command) ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh các tàu của Trung Cộng « ngày càng hung hăng hơn » khi « dàn cả một số lượng lớn tàu quân sự được cải trang thành tàu của lược lượng Hải cảnh và tàu dân quân biển, ngăn tàu Philippines vào các vùng biển phía tây của Philippines ». Chiến thuật này được Trung Cộng sử dụng rộng rãi và được gọi là « chiến thuật vùng xám ».

Ông Lloyd Austin « hoàn toàn đồng tình » với đánh giá của đồng nhiệm Teodoro, đồng thời lên án « thái độ (của Trung Cộng) ngày càng đáng quan ngại… Họ sử dụng nhiều biện pháp nguy hiểm và leo thang để khẳng định các yêu sách lãnh hải ở Biển Đông ».

Theo trang Philstar, tuyên bố « thẳng thắn » của hai bộ trưởng Quốc Phòng được đưa ra vào lúc hai nước đồng minh công bố nhiều dự án hợp tác quân sự mới, trong đó có việc Washington giao cho Manila drone hải chiến trong chương trình hỗ trợ an ninh trị giá 500 triệu đô la để giúp Philippines tăng cường năng lực hàng hải « để bảo vệ quyền và chủ quyền trong các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines », theo bộ trưởng Lloyd Austin.

Đây là lần thứ tư, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Philippines và cũng là chuyến cuối cùng trước khi bàn giao lại cho chính quyền của tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông bày tỏ « tin tưởng rằng Philippines sẽ luôn là một đất nước quan trọng cho Hoa Kỳ trong nhiều năm tới ». Dưới thời bộ trưởng Lloyd Austin, Philippines đã mở cửa thêm bốn căn cứ cho lực lược Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2023. Ba căn cứ nằm trên đảo Luzon, đối diện với Đài Loan và một căn cứ trên đảo Palawan.


TIN VIỆT NAM.

Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024 (Tổng hợp)

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (MLNQVN) ngày 18/11 đã công bố ba khôi nguyên của Giải Nhân quyền Việt Nam 2024, là các tù nhân lương tâm (TNLT) Đỗ Nam Trung, Bùi Văn Thuận, và Đặng Đăng Phước.

Cả ba đều đã bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” trong các vụ án riêng rẽ, với mức án tổng cộng cho cả ba là 26 năm tù.

Ba khôi nguyên của Giải NQVN 2024 (từ trái): Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước, và Đỗ Nam Trung. Nguồn: RFA

Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận, nói với RFA ngay sau khi được tin về giải thưởng:

Đây là một món quà tinh thần to lớn dành cho anh Thuận cùng với gia đình. Phần thưởng này như một sự công nhận những đóng góp của anh Thuận cùng hai khôi nguyên khác trong những năm qua. 

Chúng tôi vui vì những tổ chức, anh chị em ở trong nước và hải ngoại luôn quan tâm và hướng về các tù nhân lương tâm.”

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, ông Thuận cùng với hai bạn tù tuyệt thực để đòi cán bộ Trại giam số 6 xóa bỏ hình thức giam giữ chuồng cọp.

Giải thưởng được công bố với mức hiện kim 3.000 USD cho mỗi giải, dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng – trưởng ban điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trong buổi công bố qua video phát trực tiếp trên Facebook cho biết việc trao giải mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về việc MLNQVN trao giải thưởng cho ba người hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Giải Nhân quyền Việt Nam trong 22 năm qua đã bầu chọn và trao giải thưởng cho tổng cộng 63 cá nhân và 6 tổ chức vì có những đóng góp vào sự thăng tiến nhân quyền cho người dân trong nước.

Các tờ báo Nhà nước gọi việc trao giải thưởng này là “một trò lố.” Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) trong bài viết hồi tháng 11/2023 cho rằng, việc trao giải thưởng nhân quyền cho các đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước là một hành động bất chấp những tiêu chuẩn và quy định của pháp luật quốc tế khi họ chọn những đối tượng có tư tưởng bất mãn, định kiến, chống lại một nhà nước, chống lại sự bình yên, phát triển của một quốc gia…

MLNQVN, một tổ chức tranh đấu cho quyền của người dân Việt Nam có trụ sở ở California của Mỹ, công bố quyết định trao giải thưởng thường niên này hôm 18/11 qua một buổi họp báo được truyền trực tiếp trên mạng xã hội.

Giải thích lý do chọn 3 tù nhân lương tâm này cho giải thưởng năm nay, ông Vũ Hoàng Hải, phó trưởng ban điều hành MLNQVN cho VOA biết rằng tổ chức muốn “tuyên dương những tinh thần đấu tranh bất khuất” cũng như “vinh danh những công lao đóng góp của họ” trong cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.


      Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng

      Lãnh đạo cao nhất của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vừa ra tuyên bố ủng hộ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một cộng tác viên của đài, đồng thời lên án việc chính quyền Việt Nam giam cầm ông suốt gần 5 năm qua.

      VOA sát cánh cùng ông Phạm Chí Dũng, nhà báo Việt Nam và cộng tác viên của VOA, và lên án việc giam cầm ông đầy bất công chỉ vì ông thực hiện quyền tự do ngôn luận”, ông Mike Abramowitz, Giám đốc VOA, nêu rõ trong một tuyên bố chính thức.

      Ông Phạm Chí Dũng bị chính quyền Việt Nam bắt giam năm 2019 và đang thụ án 15 năm tù vì các bài viết của ông, trong đó có các bài gửi cho VOA Tiếng Việt, và vai trò của ông trong Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN).

      Trong nhiều thập kỷ, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã hành động với một sứ mệnh rõ ràng là cung cấp thông tin dựa trên thực tế cho người dân ở các xã hội bị đóng kín, không tự do và bảo vệ quyền tự do báo chí trên toàn thế giới”, ông Abramowitz nhấn mạnh.

      Nhà báo Phạm Chí Dũng

      Tuyên bố của lãnh đạo VOA được đưa ra sau kết luận hồi tháng trước của nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về giam giữ tùy tiện (UNWGAD), trong đó xác định rằng ông Dũng bị giam cầm bất hợp pháp vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Ngoài ra, nhóm công tác này cũng kêu gọi trả tự do cho ông.

      VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố của giám đốc VOA và kết luận của UNWGAD, nhưng chưa được phản hồi.

      Ông Michael Abramowitz, một nhà báo kỳ cựu và cựu chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Freedom House, đã chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc của VOA sau buổi lễ tuyên thệ được tổ chức tại trụ sở của cơ quan truyền thông thuộc chính phủ Hoa Kỳ ở thủ đô Washington vào tháng 6/2024.

      Kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Abramowitz luôn nỗ lực vận động và kêu gọi trả tự do cho các nhà báo của VOA bị cầm tù và nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như sức mạnh của tự do báo chí.

      Ông Dũng sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) hồi năm 2014. Đến ngày 21/11/2019, ông bị nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh bắt giam vì những bài ông viết chỉ trích tình trạng nhân quyền và tệ tham nhũng của quan chức chính phủ.

      Bà Annie Nguyễn ở Hà Lan, một thành viên của IJAVN, nhận định với VOA rằng chính những bài viết của ông Dũng trên VOA và những chỉ trích, kiến nghị của ông đối chính quyền khiến nhà chức trách bắt giam ông để trả thù.

      “Việc anh Dũng bị bắt có ba lý do chính: các bài viết của anh đụng chạm đến rất nhiều người, nhiều tầng lớp, trong đó có những bài anh ấy gửi cho VOA; anh là chủ tịch của một hội nhà báo, một hội nghề nghiệp trong khi Việt Nam không đồng ý cho tự do thành lập hội, đó là điều khiến chính quyền Việt Nam không hài lòng; sự trả thù của chính phủ Việt Nam đối với anh Dũng sau khi anh viết thư cho Liên hiệp châu Âu (EU) trước khi EU và Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA)”, bà Annie phân tích các lý do khiến chính quyền Việt Nam bắt giam ông Dũng.

      Anh Dũng có những bài bình luận rất sắc sảo với những dẫn chứng rất cụ thể, thuyết phục lên các báo chí tự do như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Anh có lối phân tích rất tốt về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) trước khi bị bắt”, nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thời báo.de ở Đức, đánh giá về các bài viết của ông Dũng.

      Nhà cầm quyền Việt Nam dĩ nhiên là không muốn những điều đó được phơi bày lên trên công luận quốc tế cho nên họ đã có hành động trả thù và giam giữ anh một cách tùy tiện với một bản án rất nặng và rất dài như vậy”, ông Khoa đưa ra nhận định cá nhân.

      Trong những tuần trước khi bị bắt, các bài báo của ông Dũng viết cho VOA đã chỉ trích gay gắt hiệp định EVFTA đã được ký kết nhưng chưa được phê chuẩn, theo Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

      Vụ bắt giữ ông Dũng diễn ra ngay sau khi ông đưa ra kiến nghị vào ngày 10/11/2019 mà CPJ đã xem được. Trong kiến nghị này, với tư cách là chủ tịch IJAVN, ông Dũng kêu gọi các nhà lãnh đạo EU hoãn phê chuẩn hiệp định này cho đến khi Việt Nam cải thiện tình hình tự do báo chí và nhân quyền.

      Ngày 5/1/2021, ông Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

      Trước đó, vào năm 2012, ông cũng bị bắt với tội danh tương tự và bị giam tùy tiện trong 6 tháng mà không được xét xử, theo CPJ.


      Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.

      Đài VOA loan tin, Bộ Tài chính Hoa Kỳ mới đưa ra thông cáo xác nhận Việt Nam và các đối tác thương mại lớn của Mỹ không thao túng tiền tệ trong năm tính đến ngày 30/6, trong một báo cáo bán niên cuối cùng của chính quyền Biden trước khi chuyển giao việc kiểm soát các hoạt động ngoại hối cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.

      Trong báo cáo về tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã xem xét và đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 78% thương mại hàng hóa và dịch vụ nước ngoài của Hoa Kỳ. Bộ này đưa ra kết luận rằng “không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của mình và đô la Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc giành được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế” trong bốn quý tính đến tháng 6/2024.

      Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong “Danh sách giám sát” để kiểm tra ngoại hối chặt chẽ hơn của Mỹ, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Đức, do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hòa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.

      Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 6 năm qua, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng trong thương mại hàng hóa, dẫn đầu là điện tử và máy móc.

      Thặng dư hàng hóa và dịch vụ song phương là 111,7 tỷ USD trong 4 quý tính đến tháng 6 năm nay. Trong cùng kỳ, thặng dư thương mại hàng hóa song phương là 113,3 tỷ USD, cao hơn 7 tỷ đô la so với mức của bốn quý trước.

      Việt Nam tiếp tục có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Hoa Kỳ. Việt Nam có thương mại dịch vụ song phương khiêm tốn với Hoa Kỳ và từ lâu đã thâm hụt thương mại dịch vụ song phương nhỏ. Trong bốn quý tính đến tháng 6/2024, thâm hụt dịch vụ đó là 1,6 tỷ USD.

      Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt 5% GDP trong 4 quý tính đến tháng 6/2024. Doanh số bán ngoại hối ròng từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP. Con số này tương đương khoảng 6 tỷ USD. Theo số liệu công khai mới nhất, dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD tính đến tháng 5 năm nay.

      Trong thông cáo ngày 15/11, Bộ Tài chính Mỹ xác nhận không có đối tác thương mại lớn nào đáp ứng cả ba tiêu chí để cần “phân tích nâng cao” về các hoạt động tiền tệ của họ trong 4 quý kết thúc vào tháng 6/2024. Quá trình phân tích nâng cao này sẽ dẫn đến các cuộc tham vấn chuyên sâu và cuối cùng có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại.

      “Chính quyền Biden phản đối mạnh mẽ các nỗ lực của các đối tác thương mại của Hoa Kỳ nhằm thao túng giá trị tiền tệ một cách giả tạo để giành được lợi thế không công bằng đối với người lao động Mỹ”, Bộ Tài chính Mỹ nói trong báo cáo cuối cùng trước khi Tổng thống đắc cử Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2025.

       Ông Trump, người thường xuyên phàn nàn rằng đồng đô la mạnh đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh thương mại của Hoa Kỳ, đã kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng với tuyên bố của Bộ Tài chính vào tháng 12/2020 rằng Việt Nam và Thụy Sĩ là những nước thao túng tiền tệ vì các can thiệp thị trường của họ nhằm làm suy yếu giá trị đồng tiền của họ.

      Ông Trump cũng chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính khi đó là Steven Mnuchin dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019, một động thái được thực hiện vào thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm. Bộ Tài chính đã hủy bỏ chỉ định này vào tháng 1/2020 khi các quan chức Trung Quốc đến Washington để ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

      Tuy nhiên, theo Reuters, trong phần lớn 4 năm qua, các biện pháp can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại Hoa Kỳ đã diễn ra theo hướng ngược lại, nhằm đẩy giá trị đồng tiền của họ lên so với đồng đô la, chủ yếu là để chống lạm phát.

      Nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sẽ kết thúc khi Bộ Tài chính không đưa ra bất kỳ tuyên bố thao túng nào, nhưng thường xuyên nêu lên mối lo ngại về các hoạt động ngoại hối của Trung cộng trong các báo cáo tiền tệ bán niên của mình.


      Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh

      Báo South China Morning Post hôm 16 tháng 11 đưa tin về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc về vai trò của Đá Chữ Thập, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

      Công trình nghiên cứu trên do một nhóm các nhà khoa học, thuộc Viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, công bố trong tháng này theo thông tin từ tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông.

      Kết quả nghiên cứu cho thấy căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập đã giúp nước này rút ngắn thời gian tiếp cận quần đảo Trường Sa từ 33 tiếng, xuống còn khoảng 15 tiếng.

      Điều này biến Trung Quốc trở thành nước có khả năng triển khai lực lượng tới quần đảo Trường Sa nhanh nhất, hơn cả Việt Nam, Philippines, lẫn Malaysia.

      Đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Đá Chữ Thập cũng cho phép các lực lượng của nước này bao quát được 99 phần trăm quần đảo Trường Sa.

      Đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm vào đầu năm 1988 bất chấp sự phản đối từ Việt Nam.

      Từ năm 2014, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động bồi đắp và biến bãi đá này trở thành đảo nhân tạo, và được quân sự hóa với các cơ sở hạ tầng quân sự như sây bay, nhà chứa máy bay, hệ thống radar, và nhà chứa tên lửa.

      Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á còn cho biết Trung Quốc đã bố trí pháo phòng không và các hệ thống phòng thủ khác ở đây.

      Đảo nhân tạo này được đánh giá có triển vọng trở thành căn cứ quân sự hiện đại bậc nhất của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông, và còn có thể được mở rộng thêm.

      Tuy phía các nhà khoa học Trung Quốc nhấn mạnh vào vai trò tìm kiếm cứu nạn của căn cứ trên Đá Chữ Thập, do từ năm 2019, Bắc Kinh đã cho thiết lập trung tâm cứu hộ tại đây, nhưng năng lực quân sự là điều không thể loại trừ.


      Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện

      Năm máy bay huấn luyện phi công được Mỹ đóng mới hoàn toàn đã về đến Việt Nam, được cho sẽ góp phần vào quá trình hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công cho không quân nước này trong bối cảnh 1 máy bay huấn luyện do Nga sản xuất gặp trục trặc kỹ thuật và rơi ở tỉnh Bình Định.

      Hôm 18/11, một kênh YouTube chuyên theo dõi máy bay cất và hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất đăng tải video cho thấy, năm chiếc máy bay cánh quạt mang số hiệu: N2786B, N2789B, N2811B, N2770B, N2850B đã lần lượt đáp ở phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon vào trưa cùng ngày.

      Các máy bay này sơn màu xanh dương, hai ghế ngồi và đều có phù hiệu Không quân nhân dân Việt Nam trên thân và cánh máy bay, mang các số hiệu lần lượt là 601, 602, 603, 604 và 605.

      Những hình ảnh đăng tải trong một nhóm kín của Facebook của những người chuyên chia sẻ các hình ảnh về hàng không Việt Nam cho thấy, 5 chiếc máy bay tung cánh trên bầu trời Việt Nam dường như thuộc dòng T-6C Texan II.

      Đây là máy bay huấn luyện cơ bản một động cơ, hai chỗ ngồi được thiết kế để huấn luyện các học viên phi công quân sự do hãng Textron Aviation có trụ sở tại tiểu bang Kansas chế tạo.

      Dữ liệu từ các trang chuyên theo dõi lịch trình di chuyển của các chuyến bay như flightradar24.com cho thấy, 5 chiếc máy bay này cất cánh từ phi trường quốc tế Don Mueang, Thái Lan vào sáng 18/11 và mất hai giờ bay để đến thành phố phía Nam Việt Nam.

      Thạc sĩ luật Hoàng Việt cho biết, việc Mỹ chuyển giao các máy bay huấn luyện phi công quân sự cho Việt Nam cho thấy quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển và tin cậy nhau hơn. Ông nói với RFA qua tin nhắn: 

      “Trước đây Việt Nam ít khi dùng vũ khí Mỹ và Mỹ cũng mới bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chưa lâu. Dưới thời Tổng thống Trump có lẽ việc mua vũ khí của Mỹ sẽ tăng lên, do Việt Nam đang muốn cân bằng quan hệ mậu dịch.” 

      Hồi tháng 12/2022, chuẩn tướng không quân Mỹ Sarah Russ trong khi tham dự hội chợ vũ khí của Việt Nam tại Hà Nội tiết lộ, Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 hoàn toàn mới trong giai đoạn 2024 – 2027.

      Kế hoạch là sẽ chuyển giao ba chiếc đầu tiên trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc nữa sẽ được giao vào cuối năm đó. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027.

      Phóng viên Đài Á Châu Tự Do hôm 19/11 đã gửi email cho Đại sứ Quán Mỹ tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị xác nhận thông tin về việc chuyển giao 5 máy bay huấn luyện nêu trên nhưng chưa lập tức nhận được câu trả lời.

      Hồi tháng 8 năm nay, báo Bình Thuận cho biết Trung đoàn 920 thuộc Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng – Phòng không -Không quân đã chuyển quân từ sân bay Cam Ranh đến tiếp quản và đóng quân ở sân bay Phan Thiết.

      Lãnh đạo Trung đoàn 920 được dẫn lời cho biết đơn vị này đang chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng tiếp nhận, khai thác và đưa vào huấn luyện đào tạo học viên trên loại máy bay mới (máy bay T-6C của Mỹ).

      Trong một bài viết của Tạp chí Quốc phòng Úc (ADM) hồi tháng 10/2024 dẫn lời Tiến sĩ Stephen Burgess, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hàng không Hoa Kỳ cho rằng nhu cầu về một máy bay huấn luyện hiện đại của Không quân Nhân dân Việt Nam là rất lớn. Ông nói:

      “Các phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam thường xuyên bay qua đảo Phú Lâm (Woody Island) do Bắc Kinh kiểm soát ở Hoàng Sa (nhưng theo đường thẳng) và không thể bay trong thời tiết khắc nghiệt hoặc vào ban đêm.

      Những vấn đề này chứng minh những hạn chế của không quân trên Biển Đông và nhu cầu về T-6 và đào tạo phi công chuyên sâu”.

      Năm máy bay Beechcraft T-6C Texan II hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 18/11, lần đầu tiên sau Chiến tranh Việt Nam, nhà nước Việt Nam cộng sản nhận một lô máy bay huấn luyện quân sự do đối thủ cũ là Mỹ sản xuất, các trang Army Recognition, Main Battle Tank và Saigon Aviation đưa tin.

      “Các nhân chứng đã quan sát những chiếc máy bay mang phù hiệu của Không quân Việt Nam tại sân bay dân sự này trước khi chuyển sang căn cứ không quân theo lịch trình”, trang Army Recognition tường thuật.

      Trang này dẫn các dữ liệu theo dõi chuyến bay của Flightradar24 chỉ ra rằng chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng giữa trưa ngày 18/11 sau chuyến bay kéo dài hai giờ từ Sân bay Don Mueang ở Bangkok, Thái Lan, nơi các máy bay quá cảnh.

      Trước đó, trang Airliner dẫn dữ liệu bay Flightradar24 cho hay sau khi khởi hành từ bang Kansas, Mỹ, các máy bay này đã quá cảnh ở các quốc gia châu Âu như Scotland, Anh, Pháp, các nước Trung Đông, sau đó đến Ấn Độ, Thái Lan để tiếp nhiên liệu.

      Trang YouTube Saigon Aviation cho biết 5 chiếc T-6 đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18/11 có các số đăng bạ là N2786B, N2789B, N2770B, N2811B, N2850B.


      Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành

      Nhiều người dân ở Hà Nội lo lắng trước kế hoạch hạn chế xe máy chạy xăng vào nội thành trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại.

      Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được lấy ý kiến người dân và dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp Hội đồng nhân dân vào tháng 12/2024 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới.

      Trong đó, định nghĩa vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao, do đó các phương tiện giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt để được phép đi vào. Các phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí cao hơn để vào khu vực này.

      Có 12 quận trung tâm hiện nay đáp ứng sáu tiêu chí xác định vùng phát thải thấp và năm quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 cũng đạt các tiêu chí này.

      Trong thời gian đầu, Hà Nội khuyến cáo các quận huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên xe cộ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên, vốn được các nước Liên minh Châu Âu áp dụng từ năm 2005 và tiêu chuẩn hiện giờ là Euro 6.

      Việt Nam từ năm 2017 đến nay chỉ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 cho các xe được bán ra thị trường nên phần lớn trong số sáu triệu xe máy đang lưu hành ở Hà Nội là đối tượng bị hạn chế vào các khu vực nội thành từ năm tới và cấm hẳn từ năm 2030.

      Ông Trần Nam (không nêu tên thật vì lý do an toàn), một nhân viên văn phòng di chuyển hàng ngày bằng xe máy từ Hà Đông đến quận Đống Đa, cho biết việc thành phố hạn chế xe máy sẽ ảnh hưởng lớn đến ông. Ông nói:

      Hiện tại khu vực nội thành đường xá chật chội cho nên đa phần chúng tôi đi vào làm việc chủ yếu bằng xe máy. Nếu bị hạn chế thì không biết sẽ phải đi bằng các phương tiện gì để đi lại, làm việc đúng giờ. Bản thân tôi chưa có phương án gì cả.”

      Ông băn khoăn liệu các phương tiện công cộng có thay thế được xe cá nhân khi chính quyền Hà Nội áp dụng việc hạn chế xe vào vùng phát thải thấp.

      Bà Trần Thị Thu Thuỷ có nhà riêng ở quận Ba Đình cho rằng việc hạn chế xe xăng ngay lập tức là “hành động duy ý chí của tầng lớp lãnh đạo có lợi ích nhóm” làm lợi cho nhà sản xuất xe điện trong nước và những công ty nhập xe điện của Trung cộng, trong khi việc sử dụng xe điện hiện nay vẫn gặp bất tiện. (RFA)


      Bài liên quan:
    • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/12/2024.
    • Trump kêu gọi 'ngừng bắn ngay lập tức' ở Ukraine sau khi gặp ông Zelensky ở Paris
    • Hoa Kỳ công bố gần 1 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine
    • Lý giải chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria
    • Syria: Thủ tướng lâm thời cam kết bảo đảm ổn định và yên bình cho đất nước
    • Tổng thống Biden kêu gọi đưa ra chiến lược mới nhắm vào Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran
    • Nga trả giá đắt với chiến thuật 'cối xay thịt' ở Ukraine
    • Israel và Mỹ oanh kích nhiều mục tiêu tại Syria sau khi chế độ Assad sụp đổ
    • Thủ tướng Ba Lan: Khả năng có các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine vào mùa đông này
    • Trung Cộng tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan
    • Quân đội Đài Loan “sẵn sàng chiến đấu” sau khi Trung Quốc áp đặt 7 “khu vực không phận hạn chế”
    • 2 quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục 2 nữ bồi bàn ở New Zealand
    • CSVN không giải thể Ban Kinh tế Trung ương
    • Việt Nam khẳng định ‘ưu tiên hàng đầu’ quan hệ với Trung cộng
    • CsVN lập thêm “Cục Phòng, chống lãng phí”
    • Bốn trong năm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã đến Mỹ tị nạn chính trị
    • Thánh TRƯƠNG BỬU DIỆP được tôn kính khắp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
      Trần Nguyên Thao
    • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 25-26-27/11/2024.
    • NATO, Ukraina họp tại Bruxelles sau vụ Nga bắn tên lửa đạn đạo vào Ukraina
    • Paris và Luân Đôn lập liên minh điều lính sang Ukraina ?
    • Liban: Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực
    • Hoa Kỳ: Công tố viên đặc biệt hủy hai vụ truy tố Donald Trump
    • Nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông
    • Đội ngũ của Trump ký thỏa thuận chuyển giao với Nhà Trắng của Biden
    • Trung Cộng: Bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân bị điều tra vì tham nhũng ?
    • Task Force Ayungin: Mỹ ngầm ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây
    • Trump chọn một nhân vật chống Trung Cộng làm Đại diện Thương mại
    • Mỹ nghiên cứu bố trí tên lửa tại Nhật Bản trong trường hợp khủng hoảng Đài Loan
    • Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom
    • VinFast báo lỗ 550 triệu USD trong quý 3
    • Việt Nam là cửa ngõ của hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ cấm vận
    • Gần 4 tháng Kon Tum hứng chịu hơn 60 trận động đất
    • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
    • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
    • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
    • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
    • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
    • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
    • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
    • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
    • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
    • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
    • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
    • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
    • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
    • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
    • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
    • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
    • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
    • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
    • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
    • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
    • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
    • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
    • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
    • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
    • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
    • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện