TIN THẾ GIỚI.

NATO, Ukraina họp tại Bruxelles sau vụ Nga bắn tên lửa đạn đạo vào Ukraina (RFI)

Hôm 26/11/2024, đại sứ các nước thành viên NATO và Ukraina họp tại Bruxelles sau vụ Nga bắn thử tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Ukraina, làm dấy lên căng thẳng giữa các nước đồng minh của Kiev với Matxcơva.

TT Zelensky tiếp ông TTK NATO Mark Rutte ở Kiev nhân chuyến viếng thăm đầu tiên của ông Rutte sau khi nhậm chức TTK NATO (Ảnh minh hoạ)

AFP cho biết, cuộc họp của Hội đồng NATO – Ukraina, một cơ chế được thành lập vào năm 2023 để tạo thuận lợi cho đối thoại giữa Kiev và Liên minh Bắc Đại Tây Dương, được tổ chức theo yêu cầu của Kiev, nhằm thảo luận về « tình hình Ukraina ».

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh ngày 21/11, Nga oanh kích Ukraina bằng tên lửa đạn đạo tầm trung đời mới nhất và không mang đầu đạn hạt nhân, đồng thời tuyên bố sẽ có các cuộc không kích kiểu này nếu Ukraina sử dụng tên lửa phương Tây bắn vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Vladimir Putin còn đe dọa trả đũa những nước cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí như thế, cho rằng xung đột đã mang tính chất « toàn cầu ».

Ngay ngày hôm sau vụ bắn thử tên lửa của Nga, Ukraina đã kêu gọi các nước đồng minh phương Tây cung cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống phòng không tối tân hơn, vào lúc Matxcơva khẳng định tên lửa « Orechnik » là loại khó thể bắn chặn.

Theo ghi nhận của AFP, các nhà ngoại giao của NATO tỏ ra thận trọng về kết quả cuộc họp. Đại sứ của Liên minh sẽ tái khẳng định vũ khí mới này của Nga sẽ không ngăn cản các nước thành viên « tiếp tục hậu thuẫn Ukraina ».

Căng thẳng gia tăng vào lúc các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu quan ngại là với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Washington có thể sẽ ngừng hỗ trợ quân sự cho Kiev và đạt một thỏa thuận với Matxcơva gây bất lợi cho Kiev.

Trong bối cảnh đó, nhật báo Pháp Le Monde dẫn nhiều nguồn tin cho biết Pháp và Anh Quốc đang thảo luận về khả năng gởi binh sĩ và các tập đoàn quân sự tư nhân đến Ukraina. Hôm 22/11, ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot, trả lời phỏng vấn đài BBC, kêu gọi các nước đồng minh phương Tây « không nên vạch ra các lằn ranh đỏ » trong việc hậu thuẫn Ukraina.


ĐIỂM BÁO. Paris và Luân Đôn lập liên minh điều lính sang Ukraina ? Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga (RFI)

Chiến tranh Ukraina vẫn là đề tài được báo Le Monde quan tâm. Hôm nay, tờ báo nói về khả năng châu Âu lập một liên minh, đứng đầu là Paris và Luân Đôn, để điều binh sĩ và cử các công ty tư nhân về phòng thủ sang Ukraina.

Theo các nguồn tin của báo Le Monde, Pháp và  Anh đang tái khởi động các cuộc thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt với mục đích lập một nhóm đồng minh cốt lõi ở châu Âu, tập trung vào chiến tranh Ukraina và nhìn rộng hơn nữa là về an ninh châu Âu, để đề phòng khả năng Mỹ ngưng hỗ trợ Kiev sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống ngày 20/01/2025.

Về phía Pháp, bộ Quân Lực Pháp cũng như phủ tổng thống hiện vẫn chưa chính thức bật đèn xanh cho việc điều động quân đội hay các công ty tư nhân. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, một số đề xuất rõ ràng đã được đưa ra thảo luận, chẳng hạn đề xuất để công ty Défense Conseil International (DCI) Quốc phòng Tư vấn Quốc tế, cơ quan điều hành chính của bộ Quân Lực, theo dõi, giám sát các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Pháp và chuyển giao công nghệ quân sự liên quan, trong đó nhà nước là cổ đông nắm giữ 34% cổ phần.

Với 80% là cựu quân nhân, DCI dường như sẵn sàng tiếp tục huấn luyện binh sĩ Ukraina ngay tại nước này, giống như họ đã làm ở Pháp và Ba Lan. Nếu cần thiết, công ty DCI cũng có thể bảo đảm việc bảo trì các thiết bị quân sự Pháp chuyển cho Kiev. Theo chiều hướng này, Babcock, một công ty tương tự của Anh, có mặt tại Ukraina, tiếp cận với DCI của Pháp để sau này chia sẻ cơ sở vật chất sẵn có. Hồi tháng 05, trong báo cáo thường niên, Babcock từng thông báo công việc đang được « tiến hành » để lập một địa điểm hỗ trợ kỹ thuật cho Ukraina, « bao gồm cả sửa chữa và trùng tu các xe quân sự ».

Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga

Nhìn ra quốc tế, chuyên mục Kinh tế của báo Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nga qua hai bài viết : « Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga »  « Đối phó với mức sinh giảm : Những thất bại của ‘‘chiến dịch đặc biệt về dân số’’ ».

Trong khi tổng thống Vladimir Putin tiếp tục quảng bá hình ảnh một quốc gia bất khả xâm phạm, đã có thể cản trở các biện pháp trừng phạt của quốc tế, trên thực tế, theo Le Figaro, tình trạng lạm phát hiện nay tại Nga khó có thể bị ngó lơ, ngay cả đối với giới truyền thông Nga vốn bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tuần trước, nhật báo Kommersant đưa tin giá bơ và khoai tây đã tăng 30% và 65% so với năm 2023. Giá cước taxi cũng tăng bùng nổ.

Một nhà báo, không thể công khai đổ lỗi cho chiến tranh Ukraina, cuộc chiến mà điện Kremlin gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt », phân tích lý do là tình trạng thiếu nhân lực, thời gian sửa chữa xe kéo dài và các quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo Le Figaro, ví dụ về giá cước taxi phản ánh tác động trực tiếp của chiến tranh Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã làm chậm việc cung ứng các phụ tùng thay thế và tác động đến các lĩnh vực chiến lược như ô tô và hàng không.

Việc huy động quân sự và nỗ lực chiến tranh tiêu tốn tài sản và các nguồn lực sẵn có, làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động ở một quốc gia vốn đang bị khủng hoảng dân số kéo dài, chưa kể đến tình trạng nhân tài rời bỏ đất nước. Theo một số ước tính, 2% đàn ông Nga trong độ tuổi lao động đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng kể từ đầu chiến tranh Ukraina, đẩy tiền lương tăng và lạm phát cũng lên đến 9%/năm, vượt xa mức 4% mà ngân hàng trung ương đề ra hồi tháng 06/2024.

Để kiềm chế giá cả tăng vọt, vào cuối tháng 10, ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 21%, mức cao kỷ lục, trong khi đồng rúp mất 30% giá trị so với đồng đô la. Elvira Nabioullina, chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, cảnh báo : « Khi một nền kinh tế đạt đến giới hạn về năng lực sản xuất, mà nhu cầu vẫn tăng … thì lạm phát đình trệ (sự kết hợp giữa trì trệ kinh tế và lạm phát dai dẳngsẽ xảy ra », có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Hiện tại, việc thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu đè nặng lên các doanh nghiệp. Ngoài ra còn có sự mất cân đối trong tăng trưởng, hiện giờ các lĩnh vực đều trì trệ, chỉ có ngành công nghiệp quân sự là phát triển. Vào năm 2025, chi tiêu quân sự sẽ chiếm 40% ngân sách nhà nước (tăng 25%). Thêm vào đó là các biện pháp tốn kém để tuyển quân và hỗ trợ gia đình họ.


Liban: Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực (RFI)

Sau gần hai tháng Liban liên tục bị tấn công, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hồi Giáo Liban Hezbollah có hiệu lực từ 4 giờ sáng nay, 27/11/2024, giờ địa phương. Thỏa thuận, đạt được dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ và Pháp, quy định phía Israel có 60 ngày để rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Liban và đổi lại Hezbollah rút khỏi phía bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 20 km.

Cụ thể, trong hai tháng tới, quân đội Liban từng bước được triển khai ở khu vực biên giới sát với Israel, nơi mà lực lượng Hezbollah bắt đầu rút đi. Lực lượng Lính Mũ Xanh Liên Hiệp Quốc tại Liban FINUL sẽ được tăng cường trong khu vực và một ủy ban giám giát đặt dưới sự chỉ đạo của Mỹ và Pháp sẽ được thành lập để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.

Trước mắt, thỏa thuận hưu chiến là một tin vui với tất cả các bên liên quan. Thường dân Liban tại các vùng chiến sự, chẳng hạn như ở miền nam Liban và một số khu vực ở phía nam thủ đô Beyrouth đã bắt đầu trở về nhà sau nhiều tháng tị nạn chiến tranh. Từ 14 tháng qua, lực lượng Hezbollah liên tục nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel và đòi Nhà nước Do Thái chấm dứt xung đột tại dải Gaza. Từ tháng 9 đến nay, Israel mở một « cuộc chiến toàn diện tiêu diệt Hezbollah », khiến 3.800 thường dân Liban thiệt mạng.

Từ Jerusalem, thông tín viên RFI từ Sami Boukhelifa cho biết thêm  :

« Đối với thủ tướng Israel, đây không chỉ là hưu chiến. Tối qua, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố : Tôi đã hứa mang lại chiến thắng và chúng ta sẽ giành được chiến thắng này. Đây là một thành công quan trọng, vì thỏa thuận ngừng bắn tại Liban cho phép tách biệt hai mặt trận khác nhau. Cho đến nay lực lượng Hezbollah luôn nhắc đi nhắc lại là sẽ chỉ ngừng bắn phá vào Israel một khi Nhà nước Do Thái ngừng cuộc chiến tại Gaza. Về điểm này, phong trào Hồi Giáo Shia ở Liban đã thất bại.

Nhưng tại Israel, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được cũng bị coi là một hình thức đầu hàng, bởi vì thủ tướng Netanyahu từng cam kết tiêu diệt Hezbollah tận gốc rễ, nhưng ông đã thất bại.

Do vậy, thủ tướng Israel tìm cách trấn an những người trong nội bộ vẫn tỏ ra hoài nghi về chính sách của ông. Bằng giọng điệu cứng rắn, Benjamin Netanyahu đe dọa : Tôi cam kết buộc phe Hezbollah phải tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và sẽ không ngần ngại tấn công Liban trở lại nếu như thỏa thuận bị vi phạm. Thời gian hưu chiến cho phép Israel tái vũ trang và tập trung vào những mục tiêu khác. Trong tầm ngắm của thủ tướng Israel vẫn là Gaza và đặc biệt là Iran. Netanyahu cam kết ông sẽ ngăn cản Teheran trang bị vũ khí hạt nhân ».

Liban cho biết quân đội nước này đang được triển khai tại miền nam sát biên giới Israel để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Iran, điểm tựa của Hezbollah, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, cho biết Teheran hoan nghênh « việc nhà nước Do Thái chấm dứt cuộc  tấn công » vào Liban. Thổ Nhĩ Kỳ thì « hy vọng ngừng bắn tại Liban sẽ vĩnh viễn » nhằm bảo đảm « hòa bình và ổn định trong khu vực ». Ankara đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực đòi Israel « đền bù những thiệt hại đã gây ra cho Liban ». 

Đối với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đây là cơ hội cho « Liban củng cố an ninh và ổn định trong nước nhờ thu hẹp ảnh hưởng của Hezbollah ». Anh Quốc cũng kỳ vọng tìm được « một giải pháp chính trị bền vững cho Liban và khu vực ». 


Hoa Kỳ: Công tố viên đặc biệt hủy hai vụ truy tố Donald Trump (RFI)

Dù chưa chính thức nhậm chức, Donald Trump đã thể hiện quyền uy của tổng thống. Hôm 25/11/2024, công tố viên đặc biệt đã đề nghị ngừng các vụ truy tố ông Trump, đặc biệt là vụ truy tố về cáo buộc tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, dẫn đến bạo loạn tại Hoa Kỳ. Yêu cầu này đã được tư pháp Hoa Kỳ chấp thuận.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith, vốn được bổ nhiệm để phụ trách hai trong số bốn thủ tụng tố tụng hình sự đối với ông Trump, giải thích « sau khi tham vấn, bộ Tư Pháp đồng ý cho ông Trump được hưởng quyền miễn trừ tư pháp của một tổng thống đương nhiệm».

Công tố viên đặc biệt Jack Smith

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin :

« Đây là vụ án nghiêm trọng nhất mà Donald Trump phải đối mặt, liên quan đến kế hoạch của ông Trump nhằm ngăn chặn việc công nhận chiến thắng của Joe Biden vào năm 2020, cũng như vai trò của ông trong việc chuẩn bị cho cuộc tấn công vào đồi Capitol.

Đích thân công tố viên đặc biệt Jack Smith đã yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc, theo đúng chính sách của bộ Tư Pháp là không truy tố các tổng thống đương nhiệm. Thẩm phán phụ trách vụ án đã chấp nhận yêu cầu, để ngỏ khả năng khởi động lại vụ án, một khả năng sẽ không thể xảy ra khi mà Donald Trump còn là tổng thống. Phe của Trump đã tuyên bố hoàn toàn chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, và họ đã không sai. Trong quá trình tố tụng, tổng thống đã được Tòa Án Tối Cao công nhận quyền miễn trừ của tổng thống, chưa tồn tại trước đó.

Công tố viên cũng yêu cầu hủy bỏ các các buộc liên quan đến việc lưu trữ tài liệu mật, bị tịch thu tại Mar-a-Lago. Vụ này đã bị tạm hoãn lại theo quyết định của thẩm phán do Donald Trump bổ nhiệm. Quyết định này đã bị kháng cáo, nhưng không có lý do gì để thay đổi kết quả. Cuối tuần trước, Donald Trump đã nhận được lệnh đình chỉ vô thời hạn việc tuyên án ông trong vụ Stormy Daniels.

Đối với các thủ tục tố tụng liên quan đến mưu toan đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 tại bang Georgia, cho đến nay thậm chí không có công tố viên phụ trách hồ sơ này. »


Nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông (RFA)

Nhóm tàu tấn công của hải quân Mỹ dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Abraham Lincoln vừa vào vùng Biển Đông và ghé thăm một số quốc gia hồi tuần trước.

Trang Newsweek và mạng xã hội X của tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã đăng tin, bản đồ và hình ảnh cho thấy hoạt động của nhóm tàu tại vùng nước đang có tranh chấp ở khu vực châu Á.

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln

Biển Đông là vùng nước quan trọng nơi có các tuyến đường vận chuyển thương mại quốc tế đi qua. Trung Cộng là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này bất chấp những phản đối của các quốc gia láng giềng và bác bỏ của Tòa Trọng tài quốc tế đối với đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên biển.

Theo Newsweek, có ba tàu khu trục hộ tống tàu sân bay USS Abraham Lincoln – một trong 11 tàu sân bay chạy bằng hạt nhân đang còn hoạt động của hải quân Mỹ. Tàu sân bay đã đến cảng Klang của Malaysia hồi thứ bảy tuần trước. Trang X của tàu này cũng có dòng trạng thái và video cho biết tàu đã đến cảng Klang vào buối sáng ngày 23/11, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ đến thành pố này trong vòng 12 năm qua.

Trong khi đó, ba tàu khu trục khác trong nhóm tàu cũng đã ghé thăm hai quốc gia khác trong khu vực. Tàu USS Frank E. Petersen Jr. thăm Singapore, trong khi tàu USS Spruance và tàu USS Michael Murphy ghé Thái Lan.

Malaysia là một trong số những quốc gia có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Cộng, trong khi Singapore và Thái Lan không có tranh chấp liên quan.

Newsweek trích dẫn thông báo của hải quân Hoa kỳ cho biết nhóm tàu tấn công đang cho thấy sự linh hoạt vốn có của nhóm tàu bằng cách thăm ba quốc gia trong khu vực cùng lúc. Những tàu còn lại trong nhóm tàu này hiện vẫn đóng ở Trung Đông.

Chuyến thăm của tàu Abraham Lincoln đến khu vực được cho là sự trở lại của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, nơi căng thẳng vẫn tiếp tục lên cao xung quanh những tranh chấp về chủ quyền ở các đảo và thực thể trong khu vực thời gian gần đây giữa Trung Cộng, Philippines, Malaysia và các nước khác, theo Newsweek.

Theo một bức hình gần đây của hải quân Mỹ, một tàu sân bay khác của Mỹ đã ghé Biển Đông hôm 20/9 là tàu USS Theodore Roosevelt. Tàu này sau đó đã quay về căn cứ ở California hôm 15/10.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, hải quân Trung Cộng đã có cuộc diễn tập ở Biển Đông với tàu sân bay.


Đội ngũ của Trump ký thỏa thuận chuyển giao với Nhà Trắng của Biden sau vài lần trì hoãn (VOA)

Đội ngũ tiếp quản quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa ký một biên bản ghi nhớ với Nhà Trắng mở đường cho ông Trump chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, chánh văn phòng sắp nhậm chức của ông cho biết hôm 26/11, sau nhiều tuần trì hoãn, Reuters đưa tin.

Động thái này sẽ cho phép bộ máy của ông Trump phối hợp trực tiếp với các cơ quan liên bang và tiếp cận các tài liệu. Sự chậm trễ bất thường trong việc ký kết văn bản thỏa thuận sau cuộc bầu cử ngày 5/11 đã làm dấy lên mối lo ngại của một số nhà bình luận về những trục trặc tiềm ẩn trong hoạt động của chính phủ hoặc về sự xung đột lợi ích.

Bà Susie Wiles, Đổng lý văn phòng của TT Trump

Bà Susie Wiles, chánh văn phòng của ông Trump, cho biết trong một tuyên bố: “Sự vào cuộc này cho phép các ứng cử viên Nội các dự định của chúng tôi bắt đầu những bước chuẩn bị quan trọng, bao gồm việc triển khai các nhóm tiếp quản đến tất cả các bộ và các cục, đồng thời hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự”.

Ông Trump, đảng viên Cộng hòa, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Theo Nhà Trắng, trong những ngày trước đây, đội ngũ của ông Trump đã từ chối làm theo lời đề nghị từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ về việc nhanh chóng ký một bản ghi nhớ và họ đã phản đối một số điểm trong bản thỏa thuận chuyển giao vốn có theo truyền thống.

Theo thỏa thuận được ký hôm 26/11, đội ngũ của ông Trump đã tránh ký một cam kết về đạo đức của chính phủ, nói rằng họ có bộ tiêu chuẩn đạo đức riêng sẽ “đáp ứng các yêu cầu về nhân sự để chuyển tiếp vào chính quyền Trump một cách liền mạch”.

Bản cam kết riêng về đạo đức sau đó đã được đăng lên trang web của Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA). Cam kết này bao gồm những lời hứa rằng các thành viên trong đội ngũ tiếp quản sẽ tránh xung đột lợi ích, sẽ bảo vệ thông tin mật và sẽ không được tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào nếu họ đã tham gia vận động hành lang về lĩnh vực đó trong 12 tháng trước.

Ngoài ra, đội ngũ tiếp quản của ông Trump chưa ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Tư pháp để cho phép FBI tiến hành kiểm tra lý lịch của những người được đề cử và cũng chưa gửi cho FBI tên của các nhân viên an ninh quốc gia tiềm năng sẽ có quyền truy cập vào các thông tin mật.

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng mặc dù thỏa thuận với Bộ Tư pháp chưa được ký kết nhưng đã có tiến bộ trong việc đạt được thỏa thuận như vậy.

Đội ngũ của ông Trump cũng phá vỡ truyền thống và không ký thỏa thuận với Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), nơi lo cung cấp mặt bằng văn phòng để sử dụng. Đội ngũ này nói họ không muốn lãng phí tiền của người đóng thuế bằng cách sử dụng các văn phòng chính phủ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Saloni Sharma cho hay chính quyền Biden không đồng ý với quyết định của đội ngũ bên Trump về việc không ký một số thỏa thuận thông thường nhưng Nhà Trắng sẽ tiếp tục quá trình chuyển giao để tránh chậm trễ thêm nữa.

Đội ngũ của ông Trump cho biết quá trình tiếp quản của ông sẽ sử dụng nguồn tài trợ tư nhân thay vì tiền của chính phủ để trang trải chi phí chuyển giao. Đội ngũ này nói rằng các nhà tài trợ cho quá trình chuyển giao này sẽ được công bố trước công chúng.


Trung Cộng: Bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân bị điều tra vì tham nhũng ? (Tổng hợp)

Họp báo sáng 27/11/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Mao Ninh bác bỏ những « tin đồn » của báo chí về việc bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân ( Dong Jun ) bị điều tra về tham nhũng. Tuy nhiên, bà không đi sâu thêm vào chi tiết về thông tin này.

Báo tài chính Anh Financial Times cùng ngày 27/11/2024 trích dẫn nhiều quan chức Mỹ thạo tin cho biết ông Đổng Quân « đang bị điều tra trong một vụ án tham nhũng liên quan đến quân đội » Trung Cộng. Nếu như tin trên được kiểm chứng thì đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp lãnh đạo bộ Quốc Phòng Trung Cộng bị thất sủng.

Bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Đổng Quân mới vừa được chỉ định vào chức vụ này hồi tháng 12/2023, thay thế ông Lý Thượng Phúc chỉ đứng đầu bộ Quốc Phòng trong vỏn vẹn 7 tháng. Ông Lý Thượng Phúc đã bị khai trừ khỏi đảng vì « nghi ngờ tham nhũng » và bị cáo buộc đã nhận « những khoản tiền rất lớn », theo như thông tin từ các đài truyền hình chính thức của Bắc Kinh. Từ đó đến nay tướng Lý Thượng Phúc không còn xuất hiện trước công chúng.

Được biết Bộ trưởng Quốc phòng ở Trung Cộng không phải là nhân vật quân sự quyền lực nhất trong hệ thống quân đội. Thay vào đó, bộ trưởng quốc phòng đóng vai trò là gương mặt của PLA trên trường quốc tế.

Vị trí bộ trưởng thường kiêm chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Cộng, Chủ tịch Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, là vị trí quyền lực nhất trong hệ thống quốc phòng.

Theo truyền thống, bộ trưởng quốc phòng có chân trong Quân ủy Trung ương và Quốc vụ viện.

Đầu năm nay, ông Đổng Quân đã không được bổ nhiệm vào Quân ủy Trung ương gồm 6 thành viên như mong đợi. Đây được xem là một diễn biến bất thường làm xuất hiện nghi vấn liên quan đến nhiệm kỳ của ông.

Hồi tháng 3, ông Đổng Quân cũng không được bổ nhiệm làm ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng.

Phó giáo sư Đại Học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore Dylan Loh, được AFP trích dẫn, giải thích nếu ông Đổng Quân là vị bộ trưởng Quốc Phòng thứ ba của Trung Cộng bị điều tra vì tham nhũng, thì đây thực sự là một « cú sốc lớn, vì trên nguyên tắc người được đề cử vào chức vụ này phải có lý lịch trong sáng ». Một chuyên gia về tình hình Trung Cộng tại học viện quốc tế S. Rajaratnam cũng tại Singapore, Benjamin Ho, đưa ra ba giả thuyết về trường hợp của Đổng Quân : hoặc việc chỉ định ông vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng đã « bị trục trặc », hoặc có thể ông bị thất sủng « vì một tai tiếng về mặt chính trị hay do bị vạ lây ».  

Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch « đả hổ diệt ruồi » để chống tham nhũng. Giới phân tích coi đây là công cụ để loại các đối thủ chính trị của ông. Đầu tháng 11/2024, lãnh đạo Trung Cộng nhắc lại mục tiêu « trong sạch hóa guồng máy trong quân đội ». Các nhà quan sát Mỹ được hãng tin Bloomberg trích dẫn cho rằng nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh lo sợ rằng nạn tham nhũng đang làm suy yếu « khả năng của quân đội Trung Cộng để tiến hành một cuộc chiến ».

Quân Chủng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng đặc biệt trong tầm ngắm của ông Tập, do đây là « một chi nhánh hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật » đặc trách quản lý tên lửa chiến lược quy ước và hạt nhân của Trung Cộng. Tháng 7/2024 lãnh đạo quân chủng này là ông Tôn Kim Minh (Sun Jinming) đã bị kỷ luật và khai trừ khỏi Đảng, hai cấp dưới của ông cũng bị điều tra vì tham nhũng.


Task Force Ayungin: Mỹ ngầm ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông (RFI).

Washington âm thầm tăng cường can thiệp vào Biển Đông. Ngày 19/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo sự tồn tại của Task Force Ayungin – Lực lượng đặc nhiệm Ayungin, đóng tại căn cứ trên đảo Palawan. Điều đáng chú ý nhất là lực lượng đặc nhiệm này mang tên « Ayungin », tên gọi theo tiếng Philippines của Bãi Cỏ Mây (Thomas Second Shoal), nơi đang có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Trung Cộng và nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố toàn bộ chủ quyền.

Ủng hộ chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây

Theo giới chuyên gia, được báo mạng Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 26/11, việc triển khai Task Force Ayungin đồng nghĩa với việc Washington công nhận chủ quyền của Philippines đối với Bãi Cỏ Mây. Mỹ cũng gửi « một tín hiệu rõ ràng đến Trung Cộng », theo nhà phân tích Derek Grossman, thuộc tổ chức Rand Corporation, khi bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đến thăm trụ sở của lực lượng đặc nhiệm này tại Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát (C2) trên đảo Palawan và thông báo chuyến thăm trên mạng X ngày 19/11.

Trung tâm C2 cũng là biểu tượng của sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines. Theo giải thích của Kanishia Gangophadhyay, người phát ngôn đại sứ quán Mỹ tại Manila, đây là « một không gian chung, nơi mà Mỹ và Philippines có thể chia sẻ thông tin và điều phối với nhau về các chiến dịch, hoặc tập trận chung theo thời gian thực và ở cùng một địa điểm ».

Phối hợp hành động

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro (P) và đồng nhiệm Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (WESCOM) ở Palawan, Philippines, ngày 19/11/2024. AP

Ngoài ý nghĩa biểu tượng, Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin, « gồm quân đội Mỹ, có nhiệm vụ cung cấp cho đồng minh Philippines sự hợp tác và khả năng tương tác nâng cao cho các hoạt động hàng hải », theo giải thích của người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ Pete Nguyen, cụ thể là « hỗ trợ lập kế hoạch và đào tạo cho Lực lượng vũ trang của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines ».

Trang USNI News nhắc lại hải quân và không quân Philippines trong Bộ Tư lệnh này thường xuyên chạm trán với Trung Cộng ở Biển Đông, trong đó có Bãi Cỏ Mây, nơi Manila vẫn tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn và trở thành tiền đồn bảo vệ chủ quyền của Philippines từ năm 1999. Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan 193 km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Cộng gần 1.000 km nhưng Bắc Kinh đòi toàn bộ chủ quyền, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016. Rất nhiều sự cố đã xảy ra giữa hai bên trong hai năm gần đây.

Viện trợ quân sự giúp Manila bảo vệ chủ quyền

Không dừng ở đó, Washington còn giúp Manila củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền trong khuôn khổ ngân sách 500 triệu đô la được công bố tháng 07. Theo DefenseScoop, được USNI News trích dẫn, có 4 drone hải chiến Mantas T-12 và ít nhất một T-38 Devil Ray được bộ trưởng Lloyd Austin thông báo trong chuyến thăm Philippines. Mục đích được nêu rõ trong thông cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ : « T-12 là lực lượng chủ đạo được Philippines sử dụng để bảo vệ chủ quyền và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông ». Đội drone hải chiến này được đưa vào biên chế của Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin.

Tuy nhiên, lực lượng của Mỹ « không can dự trực tiếp » vào thực địa mà chỉ hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, như tình báo, giám sát, nhận dạng và nhận thức hàng hải. Ngày 22/11, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano khẳng định mọi hoạt động tiếp viện cho Bãi Cỏ Mây « chỉ do Philippines tiến hành ».

Chính quyền Manila muốn tránh xảy ra sự cố với Trung Cộng trong khu vực vốn đã rất căng thẳng. Sau vụ đối đầu nghiêm trọng ngày 17/06 ở Bãi Cỏ Mây, hai nước đã đi đến một « thỏa thuận sơ bộ » về hoạt động tiếp viện của Philippines. Có lẽ vì thế mà hiện vẫn chưa biết chính xác Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin được thành lập khi nào. Tuy nhiên, theo USNI News, Mỹ đã triển khai hoạt động hợp tác về tình báo, giám sát tại Philippines từ năm 2023 để giúp Manila tăng cường năng lực quốc phòng.

Theo người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ, « Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin là bước tiếp theo trong mối quan hệ có từ lâu vì lợi ích chung của cả hai nước trong vấn đề an ninh ». Liệu chính phủ mới của Donald Trump có sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden hay không, vì Trung Cộng cũng là mối bận tâm hàng đầu của tổng thống Mỹ thứ 47 ?


Trump chọn một nhân vật chống Trung Cộng làm Đại diện Thương mại (RFI)

Tổng thống tân cử Donald Trump hôm 26/11/2024 thông báo chọn một nhân vật có lập trường chống Trung Cộng mạnh mẽ, luật sư Jamieson Greer, làm Đại diện Thương Mại tương lại của Hoa Kỳ, thay thế bà Katherine Tai trong chính quyền Biden.

Luật sư Jamieson Greer

Jamieson Greer từng là chánh văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong giai đoạn 2017-2021. Trong cương vị này luật sư Greer từng trực tiếp tham gia vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong thông cáo hôm qua, ông Donald Trump đề ra lộ trình làm việc của Đại diện Thương mại Mỹ trong tương lai : « Jemieson sẽ tập trung vào những nỗ lực thu hẹp nhập siêu, bảo vệ nền công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của Hoa Kỳ, và sẽ mở rộng các thị trường xuất khẩu của Hoa Kỳ ở khắp thế giới ».

Reuters nhắc lại, trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Trump, Jamieson Greer từng là một trong những nhân vật chủ chốt trong « cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng ». Ông đã trực tiếp tham vào các vòng đàm phán với Trung Cộng, để hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 ». Văn bản đã được ký vào năm 2020.

Theo thỏa thuận này Bắc Kinh cam kết mua thêm  200 tỷ đô la hàng của Mỹ trong hai năm. Nhưng Reuters nhắc lại « mục tiêu đó chưa bao giờ được hoàn thành », một phần do « tác động từ đại dịch Covid-19 ». Tháng 5/2024 ông Greer chủ trương Hoa Kỳ cần tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Cộng để cân bằng lại trao đổi thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới. 

Lãnh đạo tương lai của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình đàm phán lại về Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ giữa Hoa Kỳ, Mêhicô và Canada.


Mỹ nghiên cứu bố trí tên lửa tại Nhật Bản trong trường hợp khủng hoảng Đài Loan (RFI).

Quân đội Hoa Kỳ sẽ thiết lập các căn cứ tạm thời dọc theo chuỗi đảo Nansei phía tây nam Nhật Bản và tại Philippines, để bố trí các đơn vị tên lửa trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp ở Đài Loan.

Theo nhiều nguồn tin được hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo ngày 24/11/2024, dẫn lại, việc bố trí các đơn vị tên lửa sẽ được đưa vào kế hoạch tác chiến chung đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản để ứng phó với nguy cơ xảy ra khủng hoảng với Trung Cộng. Kế hoạch này phải được triển khai trong tháng 12/2024.

Một trung đoàn Thủy quân Lục chiến, đơn vị sở hữu Hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao (HIMARS), sẽ được triển khai dọc theo chuỗi đảo trải dài từ các tỉnh Kagoshima và Okinawa của Nhật Bản về hướng Đài Loan.

Cũng theo nguồn tin trên, ngay từ giai đoạn đầu, khi tình hình ở Đài Loan trở nên cấp bách, các căn cứ tạm thời sẽ được thiết lập trên các đảo có người ở của quần đảo Nansei. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chủ yếu sẽ hỗ trợ hậu cần như cung cấp nhiên liệu và đạn dược.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sẽ triển khai tại Philippines nhiều đơn vị tên lửa tầm xa, thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền, có thể hoạt động trong môi trường đa dạng, bao gồm không quân, lục quân, hải quân, không gian mạng và truyền tin.

AFP cho biết hiện bộ Quốc Phòng Nhật Bản và Philippines chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin nói trên, trong khi đại sứ Trung Cộng ở Manila cho biết đã « ghi nhận » bản tin của Kyodo.

Hôm nay, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, một bóng bay Trung Cộng, chiếc đầu tiên tính từ tháng 04/2024, đã lại xuất hiện tối hôm qua, 24/11, ngoài khơi phía tây bắc đảo Đài Loan.


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom

Hôm 26/11, một tòa án ở tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 9 người vì họ lên tiếng bảo vệ quyền của người Khmer Krom với án tù tổng cộng hơn 26 năm theo tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “bắt giữ người trái phép”. Phiên tòa này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ.

Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra và các bị cáo tại phiên xét xử ở Vĩnh Long hôm 26/11/2024.

Truyền thông trong nước tường thuật rằng nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị phạt 6 năm tù, nhà sư Dương Khải bị tuyên 5 năm 9 tháng tù; trong khi hai phật tử Kim Khiêm 3 năm tù và Thạch Ve Sanal 2 năm 6 tháng tù.

Các nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp, và các phật tử Kim Khu, Thạch Nha cùng nhận mức án mỗi người 2 năm tù.

Báo Vĩnh Long cho hay “tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng, bày tỏ sự hối hận và mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt”.

Giới hoạt động dẫn lời thân nhân bị cáo cho VOA biết rằng tất cả 9 người bị xét xử trong phiên tòa kéo dài một ngày tại Vĩnh Long hôm 26/11 mà không có luật sư bào chữa.

“Không có luật sư và không có tư vấn pháp lý và gia đình cũng không được thăm gặp họ. Như vậy làm sao mà là một phiên tòa công bằng cho được!”, ông Moni Mau, phó chủ tịch tổ chức Liên đoàn Khmer Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA sau phiên xử.


VinFast báo lỗ 550 triệu USD trong quý 3 (VOA)

Nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast báo lỗ ròng 550 triệu USD trong quý 3, ít hơn cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh công ty ghi nhận doanh số tăng.

Hãng xe điện đầu tiên của nhà nước cộng sản đang đặt mục tiêu cạnh tranh với các công ty xe điện khổng lồ toàn cầu như Tesla của Mỹ.

Cổ phiếu VinFast đã biến động mạnh kể từ khi ra mắt trên Nasdaq vào tháng 8/2023, trong đó có thời điểm tăng vọt lên mức giá trị thị trường lớn hơn cả Ford và General Motors trước khi lao dốc.

Vào cuối ngày 26/11, VinFast cho biết khoản lỗ ròng trong quý 3 của công ty đã giảm 14,8% so với cùng kỳ từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái, theo kết quả tài chính chưa được kiểm toán.

Doanh thu trong quý đạt 511 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ kết thúc năm 2024 một cách mạnh mẽ và đạt được mục tiêu 80.000 xe được giao”, Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết trong một tuyên bố.

Công ty, có trụ sở tại Hải Phòng, cho biết họ đã giao gần 22.000 xe trong quý này, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm nay, công ty đã giao 44.773 xe, đạt hơn 55% mục tiêu 80.000 xe của năm nay. VinFast cho biết rằng khoảng 1% trong số các lô hàng này được giao cho các bên liên quan.

Nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã báo cáo hoạt động bán hàng phá kỷ lục tại Bắc Mỹ vào tháng 9 nhờ vào mạng lưới đại lý mở rộng của mình. Tuy nhiên, họ không cung cấp số liệu bán hàng cụ thể hoặc thông tin chi tiết về hiệu suất tại Bắc Mỹ.

Cổ phiếu của VinFast đã tăng 4,3% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa của Nasdaq hôm 25/11, giao dịch ở mức 4,1 USD. Kể từ tháng 1, cổ phiếu của VinFast đã giảm hơn 50%.

Theo dữ liệu tổng hợp của LSEG, doanh thu quý 3 của công ty tăng vọt 42% lên 511,6 triệu USD so với cùng kỳ ba tháng trước, vượt qua mức ước tính là 499,37 triệu USD.

Năm ngoái, VinFast báo cáo khoản lỗ ròng là 2,39 tỷ USD, một mức tăng 14,7% so với năm 2022.

Với 173 phòng trưng bày trên toàn cầu, hãng xe Việt Nam đang tìm cách thâm nhập vào các thị trường ở Châu Á, Trung Đông, Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.

Công ty dự kiến sẽ mở các nhà máy tại Subang, Indonesia và tại tiểu bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ vào năm tới.

Đầu tháng này, Tổng giám đốc điều hành Phạm Nhật Vượng và tập đoàn mẹ Vingroup cho biết họ sẽ bơm 3,5 tỷ USD tiền tài trợ mới vào công ty.

Mục tiêu của công ty là đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2026.


Việt Nam là cửa ngõ của hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ cấm vận

3,6 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc Trung cộng bị chặn khi tìm cách vào thị trường Mỹ, điều đáng chú ý là hầu hết những mặt hàng này đều đi qua ngả Việt Nam.

Thông tin trên được báo Nikkei Asia đưa trong bản tin hôm 23 tháng 11, về việc chính quyền Mỹ liệt thêm 29 công ty Trung cộng vào danh sách cấm vận, dưới cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương.

Chính quyền Mỹ bắt đầu cấm vận hàng hóa từ vùng Tân Cương từ năm 2022, sau khi Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ có hiệu lực.

Luật này được quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng 12 năm 2021, nhằm phản ứng lại các báo cáo về việc chính quyền Trung cộng giam giữ người Duy Ngô Nhĩ  trong các trại tập trung, và ép buộc những người thuộc sắc dân này phải lao động trong các nhà máy.

Chính quyền Mỹ có nhiệm vụ tìm ra các công ty Trung cộng sử dụng lao động cưỡng bức và áp đặt cấm vận lên hàng hóa mà các công ty này bán.

Kể từ khi đạo luật trên có hiệu lực, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ đã ngăn chặn 4,500 lô hàng thuộc diện bị cấm nhập vào Mỹ, và hầu hết những lộ hàng này đều được trung chuyển qua ngả Việt Nam trước khi tới Mỹ.

Việt Nam được cho là đang trở thành một trong những điểm trung chuyển chính của hàng hóa Trung cộng có mục đích xuất vào Mỹ, đây là mánh khóe các công ty Trung Quốc sử dụng để  luồn lách khỏi các lệnh cấm vận và chính sách thuế quan của chính phủ Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ đã đánh tiếng về khả năng mở lại cuộc chiến thương mại với Trung cộng. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có nguy cơ bị vạ lây vì để cho các công ty Trung cộng sử dụng mình như công cụ để lách luật Mỹ.  

Trong bài viết trên tờ ThinkChina, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cảnh báo tổng thống Donald Trump có thể sẽ không “nhân nhượng” với Việt Nam như tổng thống Biden đã thể hiện.  (RFA)


Gần 4 tháng Kon Tum hứng chịu hơn 60 trận động đất

Tỉnh Kon Tum của Việt Nam hôm 26/11 lại xảy ra 11 trận động đất trong vòng 12 giờ, chưa đầy 4 tháng sau khi khu vực này chứng kiến hơn 60 trận động đất dồn dập vào cuối tháng 7, khiến người dân hoang mang, lo lắng, theo truyền thông trong nước.

Theo thông báo của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, thuộc Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, được báo Thanh Niên và Dân Trí trích dẫn, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong ngày 26/11 đã xảy ra 11 trận động đất. Trận động đất đầu tiên xảy ra vào 2h22 với độ lớn 3.8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Những trận động đất xảy ra liên tiếp sau đó có độ lớn từ 2.7 đến 3.7 độ Richter.

Thủy điện Thượng Kon Tum, được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây ra nhiều đợt động đất gần đây.

Một số cư dân địa phương được truyền thông trong nước phỏng vấn cho biết rằng họ cảm nhận được sự rung lắc mạnh do động đất gây ra trong đêm.

Trong thời gian qua, theo Dân Trí, huyện Kon Plông liên tục ghi nhận các trận động đất xảy ra. Đáng chú ý nhất là hơn 60 trận động đất mà Viện Vật lý địa cầu ghi nhận được trong thời gian chưa đầy 5 ngày, bắt đầu từ ngày 28/7, khiến trường học và trạm y tế tại huyện Kon Plôngbị nứt tường.

Viện Vật lý Địa cầu được trang tin chính thức của Chính phủ Việt Nam trích dẫn cho biết rằng các trận động đất ở huyện Kon Plông là “động đất kích thích”, do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Trả lời báo chí trong nước, một số chuyên gia tại Việt Nam cũng khẳng định nguyên nhân tương tự. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Kon Tum vào cuối tháng 7 nói chưa thể kết luận về nguyên nhân này, theo lời ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, nói với báo Tuổi Trẻ vào ngày 31/7. Ông cho biết tỉnh đang đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu để ra kết luận cuối cùng.

Đối với các trận động đất mới nhất vào ngày 26/11, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nói với báo Sức khoẻ & Đời sống của Bộ Y tế rằng hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi, và động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn.

Chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm rằng động đất kích thích ở khu vực này có thể kéo dài cả chục năm, như động đất kích thích từng xảy ra tại thuỷ điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam, do hai khu vực này nằm cùng một hệ thống đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất tương đối giống nhau.

Người đứng đầu Viện Vật lý địa cầu khuyên người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất…

Động đất ở Kon Tum bắt đầu xảy ra từ năm 2021 và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, với nhiều đợt động đất liên tiếp, có ngày xảy ra trên 20 trận, theo báo Chính phủ.

Sau các trận động đất vào cuối tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi ra công điện yêu cầu Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng