Tin Thế Giới


Viên chức Cấp Cao Ukraine Đến Mỹ Để Gặp Nhóm Của Ông Trump (VOA)

Một viên chức cấp cao của Ukraine đã bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến của Nga tại Ukraine khi nhậm chức, theo truyền thông Ukraine dẫn lời bộ trưởng ngoại giao nước này cho biết hôm 4/12.

chánh văn phòng tổng thống Ukraine – Andry Yermak

Hãng thông tấn Interfax Ukraine đưa tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Andriy Sybiha nói với các phóng viên tại Brussels rằng Chánh văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã có mặt tại Hoa Kỳ.

“Cuộc tiếp xúc ở cấp độ người đứng đầu văn phòng (tổng thống) này rất quan trọng để thiết lập, trong số những thứ khác, mối quan hệ với các đại diện của chính quyền mới”, ông Sybiha được Interfax Ukraine trích lời nói.

Cho đến nay, ông Trump vẫn tránh đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch của mình nhằm chấm dứt cuộc xâm lược kéo dài 33 tháng, nhưng 3 kế hoạch do những người thân cận với ông đưa ra đều loại bỏ triển vọng gia nhập NATO mà Kyiv mong muốn từ lâu.

Các cố vấn của ông Trump cũng đã đưa ra các đề xuất, trong đó nêu ra những nhượng bộ lãnh thổ lớn cho Nga, quốc gia hiện đang chiếm giữ một phần sáu lãnh thổ của Ukraine.


Nga Sử Dụng Hỏa Tiễn Đạn Đạo Bắc Triều Tiên Để Tấn Công Ukraina (RFI)

Ban lãnh đạo tình báo quân sự của Ukraina cho biết Nga dường như đã sử dụng 60 hỏa tiễn đạn đạo KN-23 được chế tạo tại các nhà máy của Bắc Triều Tiên để tấn công Ukraina. Thông tin nói trên được hãng tin Ukraina RBC-Ukraine đăng tải hôm thứ Hai 02/12/2024 và được hãng tin Nam Hàn Yonhap hôm nay 03/12 dẫn lại.

Theo hãng tin Ukraina RBC-Ukraine, ông Andrii Chernyak, đại diện ban lãnh đạo tình báo của bộ Quốc Phòng Ukraina, hôm qua khẳng định các hỏa tiễn này được chế tạo theo “những kỹ nghệ đã lỗi thời “nên không có độ chính xác cao. Cũng theo cơ quan này, Nga đã nhận được « một số lượng lớn “đạn pháo của Bắc Triều Tiên.

Về viện trợ quân sự cho Kiev, theo AFP, chính quyền tổng thống Mỹ Biden hôm qua thông báo giải ngân khoản viện trợ quân sự bổ sung 725 triệu đô la cho Ukraina, chủ yếu gồm hỏa tiễn và mìn sát thương.

Trong lãnh vực ngoại giao, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua đã cảnh báo đồng nhiệm Trung Cộng là sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Matxcơva sẽ tác động đến các quan hệ và thúc giục Trung Cộng giúp chấm dứt xung đột Ukraina. Ngoại trưởng Baerbock kêu gọi một tiến trình hòa bình quốc tế cho Ukraina và nhấn mạnh đó là lý do bà đến Bắc Kinh. Ngoại trưởng Đức cho rằng mọi thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều phải có “trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh trên thế giới “.

Về phía Nga, nhân ngày họp của các ngoại trưởng khối NATO tại Bruxelles, trong khi Kiev gây sức ép để Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mời Ukraina gia nhập khối, điện Kremlin hôm nay cảnh báo việc Ukraina trở thành thành viên NATO sẽ cấu thành một mối đe dọa “không thể chấp nhận được đối với Matxcơva”.


Chỉ Mất Ba Ngày Để Chiếm Aleppo, Quân Nổi Dậy Syria Có Lật Đổ Được Assad? (RFI)

Les Echos ngày 02/12/2024 nhận xét, tiếng súng vừa lắng ở Liban sau 13 tháng xung đột giữa Israel và Hezbollah, thỏa thuận ngưng bắn nhìn chung được tôn trọng, thì lửa chiến tranh lại bùng lên ở nước láng giềng Syria.La Croix đặt câu hỏi, tương quan lực lượng ở Trung Đông sẽ như thế nào. Cuộc nội chiến đã hồi sinh, liệu phe nổi dậy có lật đổ được Bachar Al Assad ?

Les Echos tóm tắt tình hình: Quân nổi dậy Hồi giáo và các nhóm liên kết sáng thứ Sáu đã chiếm được Aleppo, trừ các khu vực của người Kurdistan. Phi trường Aleppo rơi vào tay phe nổi dậy, phi trường Damas đóng cửa, các trục đường nối Aleppo và vùng tây bắc Syria với thủ đô bị cắt đứt. Quân nổi dậy cũng chiếm được mấy chục địa điểm chiến lược ở tỉnh Idleb và Hama, tịch thu nhiều chiến lợi phẩm như phi cơ quân sự, trực thăng, xe tăng, đạn dược.

Libération ghi nhận nhiều video trên mạng xã hội cho thấy tượng Bassel Al-Assad, người cha quá cố của tổng thống Syria, đặt ở một quảng trường, đã bị kéo đổ, hay các tù nhân được trả tự do. Nỗi xúc động càng tăng khi nhiều gia đình của người tù không có tin tức gì về họ trong nhiều năm trời. Hai ngoại trưởng Serguei Lavrov của Nga và Hakan Fidan của Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn bạc với nhau, và bày tỏ quan ngại về « diễn biến nguy hiểm “ở Syria. Iran khẳng định « các phần tử khủng bố “đã tấn công lãnh sự quán của họ ở Aleppo, ngoại trưởng Abbas Araghtchi kêu gọi Matxcơva phối hợp và hôm Chủ nhật đã sang Syria.

Được biết Aleppo nằm gần Idlib, nơi tập trung các nhóm vũ trang cuối cùng đối lập với Bachar Al-Assad, và những người tản cư do những trận bom của chế độ. Idleb và vùng tây bắc Syria từ 2011 nằm trong tay Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo đã chia tay với Al Qaida và chống lại quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).

Le Figaro cho biết người dân Aleppo vẫn trong cú sốc, vì họ lại phải sống dưới quyền của phe nổi dậy. Hàng triệu người Syria khi thấy hình ảnh những lá cờ của đối lập phấp phới ở Aleppo cứ ngỡ như sống lại thời kỳ 2011, theo La Croix. Vào những giờ đầu tiên, nhiều người chạy khỏi thành phố, số khác trốn trong nhà. Rồi khi bắt đầu ra đường, họ thấy quân nổi dậy canh gác ở các rào chắn, kiểm tra giấy tờ, nhưng không tỏ ra hung hăng.

Thiểu số Công giáo ngạc nhiên với vẻ ngoài khá ôn hòa nơi những ông chủ mới của thành phố lớn thứ nhì Syria. Một người dân nói với nhật báo Pháp qua WhatsApp rằng khi quân Hồi giáo chiếm Idleb cách đây mười mấy năm, họ đàn áp người Công giáo, nhưng hiện nay thì không. Họ nói chỉ muốn lật đổ chế độ, nhưng dân chúng vẫn nghi ngại. Quân nổi dậy có danh sách những người cần tìm kiếm. Thống đốc Aleppo và đa số viên chức đã trốn thoát được, nhưng số khác, như giám đốc tình báo quân sự, đã bị cắt cổ. Cuộc tấn công bất ngờ đã sắp lại những lá bài trong cuộc xung đột tưởng chừng đã đóng băng.

thủ lãnh HTS, Mohammed Al-Joulani

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc thông thạo hồ sơ Syria lý giải với Le Figaro: Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh bóng hình ảnh phe nổi dậy trước đây, thế nên cho đến nay phe này không hà hiếp người Công giáo. Thủ lãnh HTS, Mohammed Al-Joulani, có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc, đang được Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đẩy lên làm thủ lãnh phe đối lập. Libération nói thêm Al-Joulani khoảng 40 tuổi, sinh tại Deraa, thành phố nơi khởi đầu phong trào nổi dậy.

Oussama Chourbagi, giám đốc tổ chức nhân đạo Mars cho biết, từ sáu, bảy năm qua, Al-Joulani cố gắng tạo ra hình ảnh mới văn minh hơn. Chiếc áo galabieh truyền thống được thay bằng bộ vét. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Charles Lister, phe HTS những năm gần đây đã tạo dựng tại Idlib một chính quyền bán kỹ trị, với lực lượng cảnh sát, chương trình y tế…Họ làm việc trực tiếp với Liên Hiệp Quốc trong chương trình viện trợ cho 2 triệu người di tản, sửa đường sá, lập bưu điện… Chourbagi nhận xét các tuyên bố của họ cũng cởi mở hơn trước: “Đó là quân thánh chiến chứ không phải các chiến binh dân chủ, nhưng hiện thời không phải họ đến để áp dụng luật Hồi giáo charia”.

Nói về việc “chiến tranh quay lại với Syria”, La Croix đặt câu hỏi, tương quan lực lượng ở Trung Đông sẽ được đặt lại như thế nào? Liên minh các nhóm nổi dậy chỉ trong ba ngày đã kiểm soát được hầu hết Aleppo, thành phố lớn thứ nhì của Syria. Hồi năm 2016, chế độ Bachar Al Assad phải mất bốn năm mới đạt được mục tiêu này. Chiến thắng chớp nhoáng trên cho thấy tương quan lực lượng khu vực đã thay đổi như thế nào.

Quân đội Syria không còn động lực sau nhiều năm chiến tranh. Theo chuyên gia Fabrice Balanche, những người lính đã quá chán ngán với đồng lương chết đói, chỉ muốn được về nhà. Trong khi đó các đồng minh là Hezbollah và Iran đã yếu hẳn đi từ khi Israel tấn công vào nam Liban. Nga, đồng minh quan trọng khác của Damas, tuy cho phi cơ can thiệp nhưng hạn chế hơn trước. Bên cạnh đó là khoảng trống quyền lực ở Hoa Kỳ, đối thoại giữa Erdogan và Assad không có tiến bộ. Thế nên đây là cơ hội cho lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) từ căn cứ địa Idlib, với sự trợ giúp của Quân đội Quốc gia Syria (ANS), các phe thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Khó thể đoán được chiều hướng sẽ ra sao. Tám năm sau thất bại, sự quay lại của phe đối lập vừa tạo ra hy vọng vừa gây sợ hãi ở Aleppo, nhất là 20.000 người Công giáo ở thành phố này. Các trận đánh quy mô đầu tiên kể từ 2020 còn làm rõ thêm sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc áp đặt tiến trình chính trị cho cuộc nội chiến Syria, sau 13 năm chiến tranh và nửa triệu người chết. La Croix trong bài xã luận mong rằng rốt cuộc quốc tế sẽ tỉnh thức, giúp người dân Syria không còn cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc chiến vô vọng.

Sự đột phá của phe nổi dậy làm trổi dậy một cuộc nội chiến chưa bao giờ bị dập tắt, liệu có thể lật đổ được Bachar Al Assad hay không ? Chuyên gia Fabrice Balanche trên La Croix cho rằng chế độ tuy yếu kém nhưng không dễ gì sụp đổ. Aleppo vốn là chiến thắng lớn của Putin, nên Matxcơva có thể không kích để đe dọa “nếu không rút khỏi Aleppo, sẽ san bằng Idlib”. Ngược lại, cuộc tấn công này có lợi cho Israel. Syria là giao điểm chiến lược của việc hỗ trợ hậu cần và vũ khí của Iran cho Liban và các nhóm vũ trang Palestine. Trên lý thuyết, sự kiện này giúp phá vỡ trục Iran: Hezbollah không còn được tiếp tế và nếu quay lại chiến đấu ở Syria thì phải giảm lực lượng ở Liban. Tây phương cũng được lợi nên tạm thời không còn gọi là phe “thánh chiến” mà là “nổi dậy“.

Trả lời Libération, chuyên gia Joseph Daher, giáo sư thỉnh giảng đại học Lausanne, cho rằng “Cuộc phản công của chế độ lệ thuộc vào sự trợ giúp của Nga và Iran “. Sức mạnh chính của Nga tại đây là về không quân. Nga oanh tạc thì được,nhưng ai sẽ chiến đấu trên thực địa? Hồi 2016, Aleppo được tái chiếm bởi nhiều nhóm dân quân liên quan đến Iran và với sự hiện diện tượng trưng của quân đội Syria. Matxcơva sẽ phải hợp tác theo kiểu khác với Teheran. Iran có thể huy động nhiều loại dân quân và hỗ trợ về chuyên môn. Về phía Damas, lực lượng tinh nhuệ nhất đang do Maher Al-Assad chỉ huy để bảo vệ thủ đô, nhưng không có khả năng chiếm lại Aleppo.Le Figaro lưu ý, tuy Teheran khẳng định tiếp tục ủng hộ Assad, nhưng các ăng-ten của Iran tại Syria có vẻ như đã biến mất.

Le Monde nhận định, “Syria là trung tâm của chiến dịch Israel nhằm ngăn cản Hezbollah tạo dựng lại kho vũ khí”. Từ hai tháng qua, Nhà nước Do Thái không ngừng oanh tạc các kho đạn và các tuyến đường buôn lậu tại nước láng giềng, để vũ khí không thể chuyển sang, khi 3/4 số rốc-kết và hỏa tiễn của Hezbollah tại Liban đã bị phá hủy. Hồi tháng Chín, một chiến dịch trực thăng vận đã tiêu hủy nhà máy Hair Abbas ở bắc Syria chuyên sản xuất hỏa tiễn chính xác của Vệ binh Cách mạng Iran, sau khi oanh tạc trung tâm nghiên cứu vũ khí Masyaf cũng liên quan đến Iran. Đó là nhờ Israel có được nguồn tin tình báo dồi dào.

Theo chuyên gia Navvar Saban của Thổ Nhĩ Kỳ, tại Syria, phe Hezbollah phải phối hợp với nhiều nhóm khác nhau, chẳng có lý tưởng gì và dễ dàng nhảy sang phía khác vì tiền.


Tổng Thống Nam Hàn Ban Bố Thiết Quân Luật Khẩn Cấp, Quốc Hội Bác Bỏ (BBC)

Tối 3/12, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã bất ngờ lên truyền hình và ban bố thiết quân luật khẩn cấp.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình không được báo trước, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết động thái này là cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng cộng sản của Triều Tiên và loại bỏ các phần tử chống phá chính phủ được Triều Tiên hậu thuẫn. Tổng thống nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng thiết quân luật.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập Lee Jae-myung đã tuyên bố việc ban bố thiết quân luật là vi hiến.

Yonhap cũng cho biết Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền mà Tổng thống Yoon Suk-yeol là thành viên, cũng cam kết sẽ ngăn chặn tuyên bố này và gọi đó là “sai lầm”.

Tới nửa đêm, Quốc hội Nam Hàn đã bỏ phiếu để ngăn chặn động thái tuyên bố thiết quân luật của tổng thống, theo thông tin từ các hãng tin Yonhap và Reuters.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik đã đệ trình một nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật vào khoảng 1 giờ sáng giờ địa phương (ngày 4/12). Nghị quyết đã được thông qua với sự tham gia của 190 nghị sĩ có mặt, trong tổng số 300 thành viên của cả đảng cầm quyền và đối lập, tất cả đều bỏ phiếu thông qua.

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật tại Văn phòng Tổng thống vào lúc 4 giờ 27 phút sáng nay, theo yêu cầu của Quốc Hội.

Ông Yoon đã trở thành một tổng thống “vịt què” kể từ cuộc bầu cử quốc hội gần đây, khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong quốc hội. Ông không thể thông qua các luật mà mình mong muốn, thay vào đó buộc phải cố gắng phủ quyết các dự luật do phe đối lập đưa ra.

Ông Yoon hiện cũng đang vướng vào một loạt bê bối, chủ yếu liên quan đến vợ ông, người bị cáo buộc tham nhũng và lợi dụng quyền lực để trục lợi. Phe đối lập đã tìm cách khởi động một cuộc điều tra đặc biệt đối với bà này.

Tuần này, phe đối lập đã cắt giảm ngân sách mà chính phủ và đảng cầm quyền đề xuất – và dự luật ngân sách này không thể bị phủ quyết.

Cũng trong tuần này, phe đối lập đang tiến hành các bước để luận tội các thành viên nội các, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan kiểm toán chính phủ, vì không điều tra đệ nhất phu nhân.

Ông Yoon đã chọn phương án quyết liệt nhất – ông tuyên bố rằng hành động này là để khôi phục trật tự trước các “lực lượng chống phá nhà nước” mà ông cho là đang cố gắng làm tê liệt đất nước.

Các đảng đối lập ở Nam Hàn hôm 4/12/2024, thông báo đã đệ trình kiến nghị truất phế tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông bất ngờ ban bố thiết quân luật vào đêm qua, 03/12/2024 nhưng đã buộc phải dỡ bỏ vài giờ sau đó dưới áp lực của Quốc Hội. Kiến nghị truất phế tổng thống có thể được đưa ra biểu quyết ngay từ thứ sáu tuần này.


Hamas Đe Dọa ‘Vô Hiệu Hóa’ Các Con Tin Nếu Israel Tiến Hành Chiến Dịch Giải Cứu (VOA)

Hamas cho biết họ có thông tin rằng Israel có ý định tiến hành một chiến dịch giải cứu con tin tương tự như chiến dịch đã thực hiện tại trại Nuseirat ở Gaza vào tháng 6 và đe dọa sẽ “vô hiệu hóa” những con tin đang bị bắt giữ nếu có bất cứ hành động nào như vậy xảy ra, theo một tuyên bố nội bộ mà Reuters xem được hôm 4/12.

chiến binh Hamas

Trong tuyên bố đề ngày 22/11, Hamas đã yêu cầu các đặc vụ của mình không cần cân nhắc đến hậu quả của việc tuân theo các chỉ dẫn và nói rằng họ buộc Israel phải chịu trách nhiệm về số phận của các con tin.

Một nguồn tin cấp cao của Hamas nói với Reuters rằng tuyên bố này đã được đơn vị tình báo của cánh quân sự Izz el-Deen al-Qassam của nhóm này chuyển đến các phe phái của họ, trong đó không nêu rõ thời điểm diễn ra bất cứ chiến dịch nào của Israel.

Không có phản hồi ngay lập tức nào từ phía Israel đối với tuyên bố này. Hôm 4/12, truyền thông Israel đã trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz nói rằng áp lực lên Hamas đang gia tăng và lần này “chúng ta thực sự có thể thúc đẩy một thỏa thuận con tin”.

Trong chiến dịch giải cứu Nuseirat vào ngày 9/6, lực lượng Israel đã giải thoát 4 con tin, những người đã bị Hamas giam giữ từ tháng 10/2023, trong một cuộc đột kích mà các viên chức Palestine cho biết đã làm hơn 200 người thiệt mạng, khiến đây trở thành một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất của Israel trong cuộc chiến.

Trong tuyên bố của Hamas, nhóm này đã yêu cầu các đặc vụ của mình “thắt chặt” điều kiện sống của những con tin và nói rằng điều này phải được thực hiện theo các hướng dẫn được ban hành sau chiến dịch Nuseirat.

Trong một phần có tiêu đề “khuyến nghị”, Hamas cũng chỉ thị cho các đặc vụ của mình “kích hoạt lệnh vô hiệu hóa … như một phản ứng ngay lập tức và nhanh chóng đối với bất cứ cuộc phiêu lưu nào của kẻ thù”.


Mỹ Thông Qua Hợp Đồng Bán Vũ Khí Cho Đài Loan, Trung Cộng Sẽ Có “Biện Pháp Đối Phó Quyết Liệt” (RFI)

Hôm 01/12/2024, bộ Ngoại Giao Trung Cộng bày tỏ phẫn nộ trước việc Hoa Kỳ vừa thông qua một hợp đồng bán thiết bị quân sự mới cho Đài Loan và tổng thống Đài Loan được tiếp đón trọng thể tại Hawaii trong vòng công du nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương.

tổng thống Đài Loan – Lại Thanh Đức
được đón tiếp tại Hawaii

AFP trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Cộng ngày 01/12 khẳng định sẽ “quyết liệt đối phó “trước việc bộ Quốc Phòng Mỹ vừa phê duyệt kế hoạch bán thiết bị quân sự cho Đài Loan, trị giá hợp đồng 385 triệu đô la. Theo thỏa thuận này Đài Loan được phép mua phụ tùng cần thiết cho việc bảo trì máy bay tiêm kích F-16 và hệ thống radar mua của Mỹ.

Bắc Kinh xem hợp đồng vũ khí giữa Hoa Kỳ và Đài Loan là một “tín hiệu sai lệch” và kêu gọi Washington “lập tức ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, ngừng khuyến khích và ủng hộ các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, ngừng tăng cường khả năng quân sự (cho hòn đảo này) vì mục tiêu đó”. Trung Cộng nhấn mạnh “sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ và quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ”. Hãng tin Pháp nhắc lại, không chính thức thiết lập bang giao với Đài Bắc, nhưng Washington là nguồn cung cấp vũ khí “lớn nhất” cho Đài Loan.

Trung Cộng phẫn nộ không chỉ vì hợp đồng quân sự vừa nêu, mà còn vì việc tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức được tiếp đón trọng thể tại Hawaii, trên lãnh thổ Mỹ nơi ông dừng lại hai đêm trên hành trình công du nhiều quốc đảo ở vùng Thái Bình Dương. Trong một thông cáo thứ nhì cùng ngày 01/12 bộ Ngoại Giao Trung Cộng “mạnh mẽ lên án việc tổ chức để ông Lại Thanh Đức dừng chân “trên lãnh thổ của của Hoa Kỳ. Thật vậy, hôm 30/11/2024 tại Honolulu, thủ phủ Hawaii, thống đốc Jos Green và giám đốc văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Bắc, bà Ingrid Larson (tương đương với đại sứ Hoa Kỳ tại Đài Bắc) đã tiếp đón trọng thể tổng thống Lại Thanh Đức. Chủ tịch viện nghiên cứu American Institute tại Đài Bắc, bà Laura Rosenberger đánh giá “mối đối tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan vững như bàn thạch”.

Lãnh đạo Đài Loan đã viếng thăm tượng đài tử sĩ USS Arizona, nơi các chiến binh trong trận đánh Trân Châu Cảng năm 1941 yên nghỉ. Tại đây ông Lại Thanh Đức nhắc lại “Hòa bình là vô giá và chiến tranh không bao giờ có bên thăng cuộc. Chúng ta cần sát cánh, tránh để chiến tranh nổ ra”.

Trong một phát biểu khác,tổng thống Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ giúp ông thực hiện vòng công du các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Ngoài Hawaii, tổng thống Đài Loan sẽ dừng lại trên đảo Guam trên lộ trình đến thăm quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau.


Trung Cộng Và Philippines Cáo Buộc Nhau Về Vụ Va Chạm Ở Biển Đông (RFI)

Ngày 04/12/2024, Philippines tố cáo tuần duyên Trung Cộng sử dụng vòi rồng, chặn đường và “va quệt” tầu tuần tra của Philippines ở Biển Đông. Nhà cầm quyền Bắc Kinh tức thì đáp trả, khẳng định họ “chỉ thực thi quyền kiểm soát theo luật pháp”.

tàu tuần duyên của Phi Luật Tân bị Trung Cộng tấn công

Trong một thông cáo, chuẩn đô đốc Jay Tarriela của lực lượng tuần duyên Philippines cho biết tàu tuần duyên Trung Cộng số hiệu 3302 đã 2 lần tấn công bằng vòi rồng cũng như “cố tình va quệt vào mạn phải của tầu BRP Datu Pagbuaya” của Philippines. Sự việc xảy ra ở cách bãi cạn Scarborough khoảng 16 hải lý về phía nam.

Trung Cộng, qua lời phát ngôn viên lực lượng tuần duyên, đã phản bác các cáo buộc nói trên, tố cáo nhiều tầu tuần tra của Philippines « tìm cách xâm nhập vào vùng lãnh hải của Trung Cộng xung quanh đảo Hoàng Nham”, tên mà Trung Cộng gọi bãi cạn Scarborough.

Cũng theo phát ngôn viên nói trên, tầu Philippines đã “tiến gần một cách nguy hiểm đến đội tầu tuần tra của Trung Cộng”, và thực hiện một số thao tác như “quay đầu một góc lớn, lùi tầu và cố tình đâm vào “tầu của Trung Cộng. Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Trung Cộng còn cáo buộc Manila “bóp méo sự thật” và đưa ra những “cáo buộc giả dối” nhằm đánh lừa công luận quốc tế.

AFP nhắc lại, hôm thứ Năm, 26/11/2024, quân đội Trung Cộng thông báo đã điều “đội tuần tra “đến gần bãi cạn Scarborough nhằm “bảo vệ mạnh mẽ” quyền chủ quyền vào lúc căng thẳng giữa hai nước gia tăng.


Trung Cộng Hạn Chế Xuất Cảng Nhiều Kim Loại Hiếm Sang Mỹ Để Trả Đũa Loạt Trừng Phạt Mới (RFI)

Gallinium, germanium, antimoine, cùng nhiều kim loại hiếm khác, sẽ bị hạn chế xuất sang Mỹ. Trên đây là quyết định của Bắc Kinh, hôm 03/12/2024, nhằm trả đũa việc chính quyền mãn nhiệm Mỹ đưa ra loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn xuất sang Trung Cộng nhiều loại chip điện tử và thiết bị sản xuất chip, với lý do an ninh quốc gia.

Theo AFP, Bắc Kinh sẽ ngăn chặn hoàn toàn các kim loại hiếm có thể được sử dụng vì “mục tiêu quân sự”.  Thông cáo của bộ Thương Mại Trung Cộng cho biết các kim loại hiếm xuất sang Mỹ có thể được sử dụng cho các kỹ nghệ “lưỡng dụng”, tức vừa dân sự, vừa quân sự, sẽ phải xin giấy phép.

Trung Cộng sản xuất đến 94% lượng gallinium toàn cầu, loại nguyên liệu được sử dụng nhiều để chế tạo pin mặt trời, radar hay transistor và 83% germanium, kim loại hiếm được dùng để sản xuất cáp quang.Năm ngoái Bắc Kinh đã siết chặt việc kiểm soát, yêu cầu các công ty xuất cảng cung cấp thông tin về những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu này để chế tạo các thành phẩm (utilisateurs finaux).

Trả lời AFP, Chong Ja Ian, giáo sư chính trị học Đại học Quốc gia Singapore, dự báo quyết định này « có thể gây trở ngại cho các chuỗi cung ứng, làm giá cả gia tăng”. Theo ông Brady Wang, văn phòng tư vấn Couterpoint, nhiều nhà sản xuất trung gian đã bắt đầu tích trữ các kim loại hiếm nói trên.

Về quyết định của bộ Thương Mại Mỹ hôm qua, theo AFP, 140 doanh nghiệp Trung Cộng là đối tượng của loạt trừng phạt mới, vì bị xem là công cụ của Bắc Kinh nhằm thực thi các mục tiêu chế tạo chip điện tử tiên tiến, “có thể đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh”.  Tổng cộng 24 loại thiết bị sản xuất chip bán dẫn sẽ bị cấm xuất sang Trung Cộng.


Đại Sứ Nga Tại Liên Hiệp Quốc Cáo Buộc Ukraina Hỗ Trợ Phiến Quân Syria (RFI)

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc hôm 03/12/2024, đã cáo buộc các cơ quan tình báo Ukraina hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống chính quyền tổng thống Syria Bachar al-Assad.

Hãng tin AFP, dẫn lời đại sứ Nga Vassili Nebenzia, khẳng định các phần tử nổi dậy chiến đấu cùng nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) “không những không che giấu việc được Ukraina hỗ trợ, mà còn công khai khoe khoang điều này”.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm chi tiết:

Đại sứ Nga tại Liên Hiêp Quốc quả quyết rằng chính các quân nhân phụ trách đào tạo và chiến binh người Ukraina đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo, lực lượng đã chiếm khu vực tây bắc Syria cách đây một tuần. Tất cả điều này diễn ra với sự hỗ trợ của Tây phương, đã không có can đảm lên án các cuộc tấn công khủng bố này khi họp tại New York.

Đại sứ Vassili Nebenzia nói: “Quan hệ hợp tác giữa những kẻ khủng bố Ukraina và phiến quân Syria, bị thúc đẩy bởi sự căm thù Nga và Syria, chủ yếu thể hiện qua việc lực lượng vũ trang Ukraina tuyển mộ binh lính và tổ chức các cuộc tấn công chống quân đội Nga và Syria ở nước này. Những cộng tác viên của các cơ quan tình báo Ukraina cung cấp vũ khí cho các chiến binh ở Idleb, chủ yếu thông qua drone. Ukraina giờ đây đã trở thành một “vườn ươm khủng bố quốc tế, thể hiện qua các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga, cũng như ở Sahel hay Syria”.

Về phần mình, lãnh đạo lực lượng cứu hộ Mũ trắng Syria cũng đã cáo buộc cộng đồng quốc tế bỏ rơi người dân Syria. Ông cũng yêu cầu Nga ngừng hỗ trợ chính phủ Syria và ngừng phát tán thông tin sai lệch”.

Đại diện Liên Hiệp Quốc hôm qua cũng lên án các cuộc tấn công nhắm vào dân thường và cơ sở y tế ở tây bắc Syria là “rất đáng lo ngại”. Trong vài ngày, xung đột đã khiến hơn 500 người thiệt mạng và gần 50.000 người phải tản cư.


Phát Giác Một Tàu Ngầm Nga Ngoài Khơi Philippines Ở Biển Đông (RFI)

Quân đội Philippines hôm 02/12/2024, thông báo đã phát giác một tàu ngầm Nga ngoài khơi bờ biển Philippines ở Biển Đông. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã bày tỏ quan ngại về vụ xâm nhập này, gọi đây là một sự kiện “rất đáng lo ngại”.

Tàu ngầm UFA 490 được phát giác hôm 28/11 tại một nơi cách Cape Calavite, trên đảo Mindoro, khoảng 148 km. Nguyên thủ quốc gia Philippines nhấn mạnh bất cứ sự xâm nhập nào vào vùng biển của nước này, đặc biệt là vào vùng đặc quyền kinh tế, đều “rất đáng lo ngại”.

tàu ngầm UFA 490

Chính quyền Manila đã điều một máy bay và một tàu tuần duyên đến theo dõi hoạt động của tàu ngầm Nga. Thủy thủ đoàn của tàu ngầm cho biết đang chờ cho điều kiện thời tiết tốt hơn để trở lại Vladivostok, Nga.

Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Philippines, chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, mô tả tình hình “không đáng báo động”, nhưng cũng lưu ý đây là một tàu ngầm “hết sức đặc biệt”, khiến hải quân Philippines ngạc nhiên. Theo hãng thông tấn Nga TASS, tàu ngầm UFA, dài 74 mét, được trang bị hỏa tiễn Kalibr-PL với tầm bắn lên đến 12.000 km.Cả Tòa Đại sứ Nga tại Manila lẫn bộ Ngoại Giao Philippines đều chưa đưa ra bình luận về vụ này.


Tin Việt Nam

Mỹ Và Việt Nam Tìm Cách Tăng Cường Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp đón Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung tại thủ đô Washington hôm 2/12 khi hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ mới được nâng cấp giữa Việt Nam và Mỹ cũng như tìm kiếm phương cách để phát triển hơn nữa đối tác Chiến lược Toàn diện.

“Tôi nghĩ rằng sức mạnh của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của chúng ta phản ảnh tầm quan trọng và giá trị mà cả hai chúng ta dành cho mối quan hệ này và cho nhiều điều mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Blinken nói với ông Trung tại cuộc gặp ở trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc gặp diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng trước khi Tổng thống Joe Biden rời Tòa Bạch Ốc.

Trong thông báo về chi tiết cuộc gặp do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, ông Trung nói với ông Blinken rằng ông nhất trí về “những tiến bộ quan trọng trong quan hệ” Việt-Mỹ mà hai bên đã đạt được.

“Các nhà lãnh đạo của hai nước, Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng, đã nhất trí thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”, ông Trung nói. “Và tôi đến đây để thảo luận với ngài cùng các đồng nghiệp khác và thúc đẩy mối quan hệ song phương”.

Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý không đưa tin về cuộc gặp của ông Trung và ông Blinken tại Washington.

Ông Trung hồi tháng 6 năm ngoái cũng đã gặp ông Blinken tại Washington chỉ vài tháng trước khi diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hà Nội, tại đó người đứng đầu Tòa Bạch Ốc và Tổng bí thư Việt Nam lúc đó Nguyễn Phú Trọng đã nâng cấp quan hệ hai nước lên cấp đối tác cao nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, cho biết rằng ông Blinken và ông Trung đã “thảo luận về nhu cầu duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và ổn định”.

“Ngoại trưởng (Blinken) và Trưởng ban (Trung) nhất trí tiếp tục tìm kiếm các biện pháp để tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta”, ông Miller nói.

Mỹ sẽ có một chính quyền mới khi ông Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 để trở lại nắm quyền nhiệm kỳ 2. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đón tiếp Thủ tướng Việt Nam lúc đó Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc. Ông Phúc đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á được Tổng thống Trump tiếp đón sau khi nhậm chức.

Trong cuộc gặp với ông Trung, ông Blinken nói rằng ông tin tưởng những gì mà hai bên “đã làm để thực sự xây dựng lên một tầm cao lịch sử cho quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong tương lai”, ông Blinken, người sẽ chấm dứt nhiệm kỳ ngoại trưởng khi ông Trump nhậm chức, nói.

Ông Trump đã chọn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio làm ngoại trưởng trong nội các của ông, một vị trí sẽ cần có sự chẩn thuận của Thượng viện Mỹ.

Ông Trung nói với ông Blinken rằng Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, vốn là siêu cường hàng đầu cũng như là thị trường xuất cảng quan trọng nhất của quốc gia Đông Nam Á.


Không Chỉ Dừng Lại Ở Xử Lý Kỷ Luật Ông Vương Đình Huệ

Ông Tô Lâm cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri vào sáng 3/12 với tư cách Đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, các báo khi tường thuật chỉ nhắc đến phát biểu của ông với tư cách Tổng bí thư Đảng CSVN.  Báo Lao động dẫn nguyên văn phát biểu của ông Tô Lâm cho hay: 

“Cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ chủ chốt của Đảng. Không có gì dừng lại mà phải tiếp tục”. 

Ông Tô Lâm không nhắc trực tiếp đến nhân vật nào nhưng cựu Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ là người bị kỷ luật cảnh cáo gần đây nhất, trong khi ông Võ Văn Thưởng bị Bộ Chính trị nêu tên nhưng không kỷ luật do đang điều trị bệnh. 

Sau tiền lệ một trong các tứ trụ bị xử lý kỷ luật sau khi đã rời chức vụ, mạng xã hội đặc biệt nhắc tên cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cấp trên của cựu Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng – người bị bắt và truy tố vì những sai phạm trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh. 

Ông Phúc trong phát biểu trước khi rời chức vụ hồi tháng 2/2023 khẳng định “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á”.

Ông Tô Lâm cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn đang được tiến hành quyết liệt, triệt để không có vùng cấm, không có ngoại lệ để “công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân”.

Đặc biệt sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định đưa thêm nội dung chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. (RFA)


Hà Nội Chặn Cửa Các Báo Cáo Viên Đặc Biệt Của LHQ Dù Khẳng Định Tôn Trọng Nhân Quyền (RFA)

“Việt Nam, hãy mời tôi. Tôi rất muốn được trở lại Việt Nam!”

Bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ) về Người bảo vệ nhân quyền nói trước Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở Geneva trong một video đăng tải trên mạng xã hội X hôm 27/11.  Bà nói thêm:

bà Mary Lawlor,
báo cáo viên đặc biệt của LHQ

“Nhưng quý vị biết không, quý vị đến đây và nói tất cả những thứ này và quý vị không cho bất cứ ai trong chúng tôi vào (Việt Nam) thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì quý vị đã nói”?.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về Người bảo vệ nhân quyền của LHQ không phải là trường hợp duy nhất bị từ chối dù nhiều lần đề nghị được thị sát Việt Nam.

Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc hôm 27/11 đưa ra một cập nhật cho hay,Chính phủ Việt Nam chỉ trong năm 2024 từ chối hai đề nghị thăm quốc gia của Báo cáo viên đặc biệt về Xu hướng tính dục và bản dạng giới, cùng với Báo cáo viên đặc biệt về Chất độc và Nhân quyền.

Hà Nội cũng chưa đưa ra lời mời thường trực đến Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện dù cơ quan này thường xuyên bày tỏ sự quan tâm và yêu cầu thăm quốc gia vào năm 2025.

Chính phủ độc đảng cũng từ chối đề nghị viếng thăm của sáu Báo cáo viên đặc biệt trong các năm 2020-2023 về các chuyên đề như: người bản địa, buôn bán trẻ em, nô lệ, buôn bán người, người bảo vệ nhân quyền, và về các vụ hành quyết ngoài tư pháp, tùy tiện.

Báo cáo viên đặc biệt là những chuyên viên độc lập của LHQ hoạt động về một số quốc gia hay một số chuyên đề liên quan đến nhân quyền. Công việc của họ bao gồm đáp ứng những thông tin khẩn cấp về các trường hợp đặc biệt và thực hiện những chuyến thăm đến các quốc gia nơi có vi phạm.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thông tin trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển Surya Deva là người thăm Việt Nam gần đây nhất. Trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày của tháng 11/2023, ông gặp nhiều viên chức chính phủ và thăm một số địa phương, nhưng không gặp trực tiếp đại diện các tổ chức xã hội dân sự độc lập mà chỉ gặp trực tuyến một số gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) trước khi đến Việt Nam.

Báo cáo viên đặc biệt Mary Lawlor nói vừa chân thành, vừa thể hiện sự giận dữ:

“Quý vị biết đấy, bất cứ khi nào tôi nói về việc có ai đó bị bắt vì bảo vệ nhân quyền, quý vị đều trả lời tôi bằng cùng một câu trả lời.

Việt Nam là nước có nhiều nhà bảo vệ nhân quyền nhất phải thụ án hơn 10 năm tù, hơn bất cứ nước nào khác và tôi có thông tin về chuyện này. Nếu quý vị muốn tham gia với tôi, thì hãy làm ơn thực hiện bởi vì tôi rất muốn làm như vậy”.


Hơn Một Nửa Công Ty Hàn Quốc Ở Việt Nam Bị Nhân Viên Ăn Cắp Kỹ Nghệ

Hơn một nửa công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam bị rò rỉ kỹ nghệ trong năm nay. Nguyên nhân là nhân viên công ty ăn cắp kỹ nghệ. Viện nghiên cứu thuộc chính phủ Hàn Quốc là Korea Institute for Industrial Economics & Trade (KIET) công bố một nghiên cứu mới đây cho biết như vậy. Hãng tin Yonhap Hàn Quốc loan tin hôm 2/12.

KIET đã thực hiện một điều tra với 335 công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 vừa qua.

Kết quả cho thấy, gần 55% các công ty tham gia điều tra cho biết họ đã bị rò rỉ kỹ nghệ và đe doạ bởi các nhân viên nước ngoài và Hàn Quốc, các công ty cạnh tranh và các công ty khác ở Việt Nam.

Trong số những người đánh cắp kỹ nghệ và có các đe doạ, nhân viên nước ngoài chiếm 28,3%, tiếp đó là các công ty đối tác và các công ty đối thủ – chiếm 22,1%, nhân viên người Hàn chiếm 20,4%.

Tính theo lãnh vực, phần lớn các công ty xe hơi và phụ tùng và 42,9% các công ty hoá dầu cho biết nhân viên nước ngoài có liên quan đến những vụ rò rỉ kỹ nghệ.

Ngược lại, 40% các công ty bán dẫn nói nhân viên Hàn Quốc đánh cắp kỹ nghệ và tống tiền họ.

Hơn 50% các công ty chỉ ra vấn đề về an ninh trong nhân sự và quản lý hồ sơ được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. (RFA)


Bà Trương Mỹ Lan Bị Tuyên Y Án Tử Hình Nhưng Có Cơ Hội Giảm Xuống Chung Thân

Tòa án nhân dân cấp cao tại Saigon hôm 3/12 tuyên giữ nguyên án tử hình đối với bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan sau khi bác đơn kháng cáo của bà về tội tham ô tài sản và đưa hối lộ trong một vụ lừa đảo 12 tỷ đô la gây chấn động.

bà Trương Mỹ Lan

Bà Lan, chủ tịch của Tập đoàn phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát, đã bị kết án tử hình vào tháng 4 vì vai trò của bà trong vụ án gian lận tài chính lớn nhất Việt Nam từng được ghi nhận.

Theo báo VnExpress, tòa án nhân dân cấp cao tại Saigon đã xác định không có cơ sở để giảm án tử hình cho bà Lan.