Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới
Muốn Kiềm Chế Lạm Phát Phải Giảm Chi Phí Năng Lượng
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, Tổng thống Donald Trump nói rằng lời cam kết của ông trong lúc thời gian tranh cử là phải giải quyết chi phí năng lượng và sửa chữa các chuỗi cung ứng “bị hỏng”.
Tạp chí Time đã vinh danh ông Trump là “Nhân Vật Trong Năm 2024”, cũng là dịp tạp chí Time thực hiện cuộc phỏng vấn. Câu hỏi cho ông Trump là, liệu ông cho rằng, nếu nhiệm kỳ của ông bị xem là “thất bại” hay không nếu ông không thực hiện lời hứa quan trọng, là làm giảm giá sinh hoạt cho người dân Mỹ.
TT Trump thừa nhận sẽ “rất khó” để giảm giá từ mức cao. Ông tin rằng, điều này có thể đạt được trongnhiệm kỳ của ông bằng cách áp dụng một hỗn hợp chính sách toàn diện. Ngoài chương trình nghị sự “khoan dầu” của Trump về việc giải quyết vấn đề năng lượng trong nước dựa trên việc bãi bỏ quy định và cấp phép nhanh hơn, tổng thống Trump xác định việc khắc phục các khúc mắc của chuỗi cung ứng là một phần quan trọng của phương trình giảm lạm phát.
Ông Trump nói, “Tôi nghĩ, năng lượng sẽ giúp giảm lạm phát. Tôi cũng nghĩ rằng chuỗi cung ứng tốt cũng sẽ hạ giảm tình trạng lạm phát”.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng được cho là một yếu tố chính thúc đẩy lạm phát trong hai năm sau mùa đại dịch COVID-19. Nó tác động đến sự lạm phát giác.
Một nghiên cứu năm 2023 của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang San Francisco ước tính rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng chiếm khoảng 60% lạm phát vào năm 2021 và 2022, giai đoạn lạm phát đạt lên tới điểm cao nhất ở mức 9%. Tương tự như vậy, một nghiên cứu của Cleveland Fed xác định sự gián đoạn chuỗi cung ứng là động lực quan trọng nhất của lạm phát từ tháng Giêng năm 2020 đến tháng 12 năm 2022.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2023 Của Cục Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia (NBER) xác định các cú sốc về phía cung là động lực chính của lạm phát trong giai đoạn bắt đầu đại dịch và thời kỳ hậu đại dịch. Ở các giai đoạn sau, chuyển sang sự thống trị của phía cầu trong động lực lạm phát do chi tiêu lớn của chính phủ thúc đẩy sự kết hợp của nhu cầu của người tiêu dùng, sự thắt chặt của thị trường lao động và áp lực tăng lương.
Một báo cáo gần đây, dựa trên Chỉ Số Áp Lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) của Cục Dự Trữ Liên Bang, theo dõi các yếu tố như chi phí vận chuyển và vận tải bằng đường hàng không, cung cấp thêm thông tin chi tiết. Chỉ số GSCPI cho thấy áp lực chuỗi cung ứng cực độ trong năm 2021 và 2022, với các chỉ số vượt quá +4, cao hơn nhiều so với phạm vi thông thường từ +1 đến -1 được quan sát từ năm 2010 đến đầu năm 2020. Bắt đầu từ tháng 2 năm 2023, GSCPI chuyển sang âm, cho thấy áp lực chuỗi cung ứng đang giảm bớt và hầu hết vẫn ở mức dưới 0 một chút kể từ đó.
Tòa Bạch Ốc Phác Thảo Danh Sách Việc Cần Làm Cho TT Biden Trong Những Ngày Cuối Nhiệm Kỳ
Trong một bản ghi nhớ mới vào ngày 15 tháng 12, Tòa Bạch Ốc đã phác thảo các ưu tiên của Tổng thống Joe Biden để hoàn thành các mục tiêu đã nêu trước khi rời nhiệm sở vào tháng tới.
Theo bản ghi nhớ mới của Ben LaBolt, cố vấn cấp cao của tổng thống và giám đốc truyền thông, các ưu tiên của tổng thống bao gồm mở rộng chế độ khoan hồng và ân xá, thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến khí hậu, cung cấp cứu trợ nợ cho sinh viên và giải quyết các mối lo ngại về trí tuệ nhân tạo (AI). TT Biden cũng sẽ ưu tiên phân bổ thêm tiền từ các luật đặc trưng của mình bao gồm Đạo Luật Giảm Lạm Phát (IRA) và Đạo Luật CHIPS.
LaBolt ghi trong bản ghi nhớ, “Tổng thống đã nói rằng chúng ta cần phải tận dụng từng ngày và phát huy những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được. Trong những tuần tới, người Mỹ sẽ chứng kiến ông Biden sẽ làm những gì”.
Vào ngày 12 tháng 12, Biden đã ân xá cho 39 người bị kết tội về các tội phi bạo lực và giảm án cho gần 1.500 người khác, được xem là đợt ân xá lớn nhất trong lịch sử.
Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, TT Biden đã giảm án nhiều hơn so với những người tiền nhiệm. Ông cũng là người đầu tiên ban hành lệnh ân xá tuyệt đối cho những người bị kết tội sử dụng cần sa và cựu quân nhân bị kết tội về hành vi liên quan đến tình dục.
LaBolt cho biết, trong những tuần tới, tổng thống Biden sẽ “có thêm những lệnh ân xá và khoan hồng”.
TT Biden từng đặt vấn đề khí hậu thành điểm trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ta qua cả các biện pháp hành pháp và luật pháp, chẳng hạn như IRA.
Theo thông tư của Toà Bạch Ốc, trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ, tổng thống sẽ duy trì trọng điểm này bằng cách “cho bảo vệ đất đai và vùng biển và tiếp tục tham vọng về khí hậu cùng với các nhà lãnh đạo tiểu bang, các doanh nghiệp và các vùng đất của các bộ lạc”.
Ngoài ra, TT Biden cũng sẽ có các biện pháp về AI, nhưng chưa cho biết chi tiết cụ thể.
Vào ngày 24 tháng 10, TT Biden đã ban hành bản ghi nhớ an ninh quốc gia về việc sử dụng AI. Bản ghi nhớ viết, “Hoa Kỳ phải dẫn đầu thế giới trong việc ứng dụng AI một cách có trách nhiệm vào những việc có liên quan đế an ninh quốc gia”. Ông Biden đã từng cảnh báo về mối đe dọa do sự phát triển của AI.
TT Biden Thành Lập Lực Lượng Đặc Nhiệm Để Giám Sát Sự Quấy Rối Của Trung Cộng
Vào ngày 12 tháng 12, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm để “giám sát và giải quyết hậu quả” của bất cứ nỗ lực nào của Trung Cộng nhằm kiểm duyệt hoặc đe dọa bất cứ ai hoặc doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Hành động này là để đáp trả những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh nhằm bịt miệng những người đang sống tại Hoa Kỳ mà lại lên tiếng chỉ trích Trung Cộng.
Theo các nhóm nhân quyền, đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), chế độ cai trị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), đang tiến hành những chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia một cách tinh vi và rộng khắp trên thế giới.
TT Biden đã ban hành một bản ghi nhớ để giải quyết vấn đề này bằng cách thành lập “Nhóm hành động và giám sát kiểm duyệt Trung Cộng” trong văn phòng hành pháp. Ông đã chỉ đạo trợ lý của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia và giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm.
Theo bản ghi nhớ, nhóm sẽ xây dựng “chiến lược giám sát và giải quyết tác động của bất cứ nỗ lực nào của nhà cầm quyền Trung Cộng nhằm kiểm duyệt hoặc đe dọa bất cứ ai đang sống tại Hoa Kỳ, bất cứ công dân Hoa Kỳ nào, bao gồm các công ty Hoa Kỳ đang kinh doanh tại Trung Cộng, thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình”.
Nhóm đặc nhiệm sẽ bao gồm đại diện từ nhiều bộ và cơ quan khác nhau và thu thập ý kiến đóng góp từ các cơ quan liên quan trong khu vực tư nhân và truyền thông. Nhóm sẽ báo cáo thường niên cho tổng thống và các ủy ban quốc hội có thẩm quyền.
Michael Sobolik, thành viên cấp cao về Nghiên cứu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Hội Đồng Chính Sách Đối Ngoại Hoa Kỳ, đã viết trên truyền thông xã hội X, “Đây là một khởi đầu tốt. Chính quyền Trump nên tiếp tục nhóm đặc nhiệm này. TT Trump nên mở rộng các quyền hạn của nhóm để kiểm tra Trung Cộng, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở Trung Quốc. Đó là nơi mà đảng Trung Cộng rất sợ quyền tự do ngôn luận. Đó là điểm yếu nhất của Trung Cộng”.
Trung Cộng từ lâu đã kiểm duyệt những người trong nước chỉ trích chính phủ trong những năm gần đây, đã tăng cường nỗ lực mở rộng sự kiểm duyệt đó trên toàn cầu, nhằm mục đích ngăn chặn tất cả những chỉ trích Trung Cộng đang vi phạm nhân quyền.
Trong một báo cáo vào tháng 10, Ủy Ban An Ninh Nội Địa (CHS) của Hạ Viện đã nêu chi tiết các trường hợp về hoạt động gián điệp và đàn áp xuyên quốc gia của Trung Cộng tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch CHS Mark Green (R-Tenn), tuyên bố, “Bắc Kinh liên tục xâm phạm chủ quyền của Hoa Kỳ để do thám, đe dọa và quấy rối không chỉ đàn áp những người đào tẩu mà còn cả công dân Hoa Kỳ. Nói rõ hơn, kẻ thù của chúng ta không phải là người dân Trung Hoa, mà là mối đe dọa đến từ chế độ chuyên chế áp bức tại Trung Quốc, đàn áp chính người dân Trung Quốc, phạm tội diệt chủng, kiểm duyệt lời nói và tìm cách phá hoại chính phủ đại diện”.
Một vụ án gần đây liên quan đến nỗ lực hối lộ Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ của một điệp viên Trung Cộng để thúc đẩy hoạt động đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh đối với Đoàn Nghệ Thuật Biểu Diễn Shen Yun có trụ sở tại New York. Shen Yun từ lâu đã nằm trong danh sách mục tiêu của Trung Cộng vì đã vạch trần các hành vi vi phạm nhân quyền của họ.
Các Viên Chức Liên Bang Sẽ Ban Hành Kế Hoạch Kiểm Soát Máy Bay Không Người Lái
Thống đốc New York Kathy Hochul tuyên bố rằng chính phủ liên bang sẽ gửi “một hệ thống hiện đại, phát giác máy bay không người lái” đến tiểu bang của bà sau một số lần nhìn thấy máy bay không người lái trên khắp không phận New York và New Jersey trong những ngày gần đây.
Mặc dù bà không nói rõ về hệ thống sẽ được khai triển, nhưng bà cho biết trong một tuyên bố vào sáng ngày 15 tháng 12 rằng hệ thống này “sẽ hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật của tiểu bang và liên bang trong các cuộc điều tra của họ”.
Bà Thống Đốc viết trên X, “Tôi rất biết ơn vì sự hỗ trợ này, nhưng chúng tôi cần nhiều hơn nữa. Quốc Hội phải thông qua một đạo luật cho chúng tôi quyền xử lý trực tiếp các máy bay không người lái”. Bà kêu gọi Quốc Hội thông qua Đạo Luật An Ninh, An Toàn và Tái Thẩm Quyền. Đạo luật này sẽ trao cho các tiểu bang “quyền hạn và nguồn lực cần thiết để ứng phó với những tình huống như chúng ta đang gặp trong vài ngày nay”.
Không rõ liệu chính quyền liên bang có gửi một hệ thống tương tự đến New Jersey, nơi xuất hiện các máy bay không người lái (drone), hay đến các tiểu bang khác hay không. Vào cuối tuần, nhiều đàn máy bay không người lái đã được phát giác ở các tiểu bang khác dọc theo Bờ biển phía Đông, bao gồm cả Maryland.
Vào ngày 14 tháng 12, Hochul cho biết một vụ nhìn thấy máy bay không người lái đã khiến Sân bay quốc tế Stewart, một sân bay nhỏ nằm ở Orange County trong Thung lũng Hudson, phải đóng cửa.
Thống đốc cho biết, “Đêm qua, phi đạo Sân bay Stewart đã bị đóng cửa trong khoảng một tiếng đồng hồ do sự xuất hiện drone trong không phận. Điều này đã đi quá xa”.
Sau đó, Hochul kêu gọi chính quyền liên bang hỗ trợ xử lý các drone này, đồng thời nói thêm rằng, vì các quy định của liên bang đã khiến tiểu bang khó xử lý máy bay không người lái.
Thống đốc cho biết,“Việc mở rộng các quyền hạn này cho Tiểu bang New York và các tiểu bang khác là điều cần thiết. Cho đến khi các quyền hạn đó được trao cho các viên chức tiểu bang và địa phương, chính quyền Biden phải vào cuộc bằng cách đưa thêm nhân viên công lực liên bang đến New York và khu vực xung quanh để bảo đảm an toàn cho cơ sở hạ tầng và người dân của chúng tôi”.
Các viên chức liên bang trong tuần qua đã nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy máy bay không người lái gây ra mối đe dọa về an ninh hoặc an toàn công cộng đối với Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định máy bay không người lái không được điều hành bởi kẻ ngoại thù như Iran hoặc Trung Cộng.
Vào sáng ngày 15 tháng 12, Bộ trưởng An Ninh Nội Địa Alejandro Mayorkas đã nói một cuộc phỏng vấn của ABC News rằng, các máy bay không người lái cũng không bay xung quanh các địa điểm quân sự nhạy cảm.
Bất chấp sự bảo đảm từ các viên chức liên bang, nhiều vị dân cử đã kêu gọi chính phủ bắn hạ các máy bay không người lái.
Tổng thống Donald Trump đã viết trên mạng X, “Liệu điều này có thực sự xảy ra mà không được phép của chính phủ hay không. Tôi không nghĩ vậy! Hãy cho công chúng biết, ngay bây giờ. Nếu không, hãy bắn hạ chúng”.
Một số nhà lập pháp, bao gồm cả Dân biểu Chris Smith (R-N.J)., đã đưa ra những gợi ý tương tự. Một đảng viên Dân chủ, Nghị sĩ Richard Blumenthal (D-Conn)., đã nói với các phóng viên vào tuần trước rằng các máy bay không người lái nên bị “bắn hạ, nếu cần thiết”. Ông nói, “Chúng ta nên tiến hành một số phân tích tình báo khẩn cấp và không cho chúng nó bay qua các sân bay hoặc căn cứ quân sự”.
Hoa Kỳ Cần Chuyển Sang Tấn Công Mạng
Theo lời của Dân biểu Mike Waltz (đảng Cộng Hòa-Fla.), cố vấn An Ninh Quốc Gia rằng, Hoa Kỳ cần thay đổi từ chiến lược phòng thủ mạng thuần túy sang chiến lược tấn công mạng, và các công ty kỹ nghệ Mỹ có thể giúp ích.
Ông Waltz phát biểu trên chương trình “Face the Nation” của CBS vào Chủ Nhật rằng “Chúng ta cần bắt đầu thay đổi hành động, thay vì cứ để đối thủ leo thang tấn công và phòng thủ”.
Ông Waltz cho biết Tổng thống Donald Trump cũng như nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa-Fla.), có cùng quan điểm về việc bắt đầu “áp đặt bên kia buộc họ phải từ bỏ điều này”.
Các viên chức và cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã nhiều lần gọi Trung Cộng là mối đe dọa mạng dai dẳng và hàng đầu đối với Hoa Kỳ.
Ông Waltz chỉ ra một số vụ việc nổi bật như các cuộc tấn công bằng nhu liệu tống tiền và chiến dịch “Volt Typhoon” mà FBI cho biết tin tặc được Trung Cộng hậu thuẫn đã xâm nhập hạ tầng cơ sở quan trọng như lưới điện và hệ thống nước.
Với các chiến dịch quy mô lớn như “Volt Typhoon” và “Salt Typhoon” tương tự, trong đó tin tặc được Trung Cộng hậu thuẫn, tiếp cận được mạng lưới viễn thông của Mỹ để đánh cắp thông tin liên lạc từ những cá nhân bị nhắm mục tiêu, và tin tặc vẫn có thể tiếp tục xâm nhập.
Ông Waltz cho biết Hoa Kỳ không chỉ cần củng cố khả năng phòng thủ mà còn phải áp đặt những biện pháp cụ thể. Ông nói, “Chúng ta cần bắt đầu tấn công và bắt đầu áp đặt chi phí và hậu quả cao hơn. Chúng ta có một khu vực tư nhân to lớn. Ngành kỹ nghệ của chúng ta có thể giúp chúng ta bảo vệ Hoa Kỳ, nhưng cũng khiến đối thủ của chúng ta bị tổn thương”.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị một phản ứng mạng mạnh mẽ hơn. Thượng Viện đã tổ chức phiên điều trần về hoạt động gián điệp mạng của Trung Cộng vào ngày 11 tháng 12, trong đó các chuyên gia chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã không trừng phạt các tác nhân nước ngoài vì hoạt động mạng độc hại của họ.
Giám đốc FBI sắp mãn nhiệm Christopher Wray – người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chiến dịch “Volt Typhoon” vào năm ngoái và kể từ đó đã có bài phát biểu quốc tế về vấn đề này và làm chứng trước Quốc Hội về mối đe dọa mạng của Trung Cộng – cho biết mặc dù FBI đã gỡ bỏ được nhu liệu độc hại Volt Typhoon khỏi các hệ thống quan trọng, nhưng tin tặc vẫn có khả năng gây ra thiệt hại trên diện rộng. Ông cũng làm chứng rằng các tác nhân mạng của Trung Cộng đông hơn FBI gấp 50 lần.
Các viên chức tình báo và các công ty tư nhân cũng lưu ý rằng trong khi chế độ Trung Cộng dốc toàn lực nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ, trong khi các công ty và chính phủ Hoa Kỳ lại hoạt động độc lập. Trong một số trường hợp, các chiến dịch do nhà cầm quyền Trung Cộng hậu thuẫn tập trung vào các mục tiêu dân sự.
Tuần trước, Bộ Ngoại Giao đã đưa ra phần thưởng 10 triệu đô la cho tin tức tố cáo những cá nhân đã tham gia vào các hoạt động mạng độc hại nhắm vào hạ tầng cơ sở quan trọng của Hoa Kỳ theo chỉ đạo của một nhà cầm quyền nước ngoài.
Nghị Sĩ Mike Lee Đã Chỉ Trích Mạnh Mẽ Liz Cheney Hiếu Chiến
Người hiếu chiến thề không bao giờ ủng hộ Trump là Liz Cheney đã ẩn náu kể từ sau cuộc bầu cử, nhưng một số lời lẽ cũ của bà liên quan đến J6 (vụ nổi dậy hồi 6.Jan.2021) đang quay trở lại ám ảnh bà.
Báo cáo của Jim Hoft cho biết, Tổng thanh tra David Horowitz đã công bố báo cáo rất nhiều người chờ đợi, vào ngày 6 tháng Giêng của mình vào thứ năm. Báo cáo cho thấy Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (DOJ) thừa nhận có 26 điệp viên chính phủ hpajt động ngầm bên trong đám đông vào ngày định mệnh đó.
Hơn nữa, DOJ thừa nhận rằng 4 người đã vào Điện Capitol Hoa Kỳ và 13 người đã vào khu vực hạn chế. Điều này rất có thể không chính xác. Hơn nữa, họ có thể hàng chục hoặc hàng trăm phần tử hoạt động bên trong đám đông khổng lồ vào ngày hôm đó.
Gateway Pundit trước đây đã đưa tin về nhiều nhân viên tình báo được xác nhận đã xâm nhập vào đám đông ủng hộ Trump vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021.
Mặc dù có những thiếu sót trong báo cáo của Tổng thanh tra, nhưng ít nhất báo cáo đã bác bỏ lời nói dối rằng FBI không tham gia vào vụ J6.
Bà Cheney là một trong những nhân vật khét tiếng nhất trong vụ lừa dối người Mỹ này. Như độc giả của Gateway Pundit biết, Cheney được cho là đã che giấu bằng chứng quan trọng cho thấy Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu quân đội Vệ Binh Quốc Gia túc trực trong cuộc mít-tinh ở Điện Capitol.
Mục đích duy nhất của bà là sử dụng vị trí của mình trong Ủy ban J6 để tìm cách đưa ông Trump vào tù. Bà Cheney đã chỉ trích một số người bảo thủ, bao gồm Nghị sĩ Mike Lee (R-UT), người đã dám đặt câu hỏi về nguồn gốc câu chuyện. Một trong những dòng tweet cũ của bà nhắm vào Lee đã quay trở lại ám ảnh bà.
Vào tháng 11 năm 2023, Cheney gọi Lee là “kẻ theo thuyết âm mưu điên rồ” vì đã đặt câu hỏi về sự tham gia của FBI vào J6 sau khi ông chế giễu đoạn phim tài liệu mang tính thiên vị, phô diễn sự kiện do truyền thông thổ tả lan truyền.
Nghị sĩ Mike Lee viết trên X, nhắc lại rằng, “Liz Cheney gọi tôi là ‘kẻ theo thuyết âm mưu điên rồ’ vì đã đặt câu hỏi về sự tham gia của FBI vào ngày 6 tháng Giêng. Báo cáo của Tổng thanh tra DOJ đã xác nhận rằng tôi có lý do chính đáng để đặt những câu hỏi này. Vậy mà Christopher Wray đã nhiều lần né tránh”.
Chính những dòng Tweet của bà Liz Cheney do chính bà phổ biến trên mạng X, nay được nghị sĩ Mike Lee nhắc lại đã làm cho bà Cheney nghẹn lời. Đó cũng là lý do để báo chí nói rằng, bà Liz Cheney bị ám ảnh bởi chính những lời bà đã nói.
FBI Công Bố Lệnh Truy Nã 14 Nhân Viên Bắc Triều Tiên
Vào ngày Thứ Năm, thông cáo báo chí của FBI đã công bố lệnh truy nã, có hình 14 người Bắc Triều Tiên bị truy tố vì tội gian lận và trộm cắp đối với các công ty và tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ. Tiền thưởng lên tới 5 triệu Đô La.
Đây là một khoản tiền nhỏ so với 88 triệu Đô La mà những tên tội phạm bị cáo buộc đã đánh cắp, nằm trong kế hoạch kéo dài sáu năm.
14 kẻ chủ mưu là công dân Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, tức là cộng sản Bắc Triều Tiên, đóng giả là nhân viên kỹ nghệ thông tin người Mỹ.
Họ làm việc cho các công ty do Cộng sản Bắc Triều Tiên kiểm soát là Yanbian Silverstar và Volasys Silverstar, có trụ sở tại Trung Quốc và Nga.
Các nhân viên Bắc Triều Tiên đánh cắp danh tính của người Mỹ để có được việc làm từ xa từ các công ty Hoa Kỳ. Một số công nhân được lệnh kiếm ít nhất 10.000 Đô La mỗi tháng. Để tăng thêm thu nhập, họ cũng sẽ dùng đến biện pháp tống tiền. Các nhân viên Bắc Triều Tiên đánh cắp thông tin nhạy cảm của công ty và đe dọa sẽ tiết lộ thông tin hoặc chủ công ty đồng ý trả tiền tống tiền.
Phó Bộ Trưởng Tư Pháp Lisa Monaco cho biết, “Để chống đỡ cho chế độ tàn bạo của mình, nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên chỉ đạo các nhân viên Bắc Triều Tiên kiếm việc bằng gian lận, đánh cắp thông tin nhạy cảm từ các công ty Hoa Kỳ và chuyển tiền trở lại Bắc Triều Tiên”.
Monaco cho biết, “Bản cáo trạng này đối với 14 công dân Bắc Triều Tiên đã vạch trần hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt bị cáo buộc của họ nên đóng vai trò là lời cảnh báo cho các công ty trên toàn cầu — hãy cảnh giác với hoạt động ác ý này của chế độ Bắc Triều Tiên”.
Một tòa án liên bang ở St. Louis, Missouri, hôm Thứ Tư, đã truy tố những người này. Bản cáo trạng là hành động gần đây nhất chống lại những kẻ chủ mưu trong nỗ lực kéo dài hai năm nhằm phá vỡ đường dây này. Nhưng cũng chỉ là một trong rất nhiều nhóm khác.
Vào tháng Giêng, FBI đã tịch thu 320.000 Đô La từ nhóm này, sau đó là 444.800 Đô La khác vào tháng 7. Trước đó, FBI đã tịch thu 1,5 triệu Đô La, cùng với 29 tên miền internet của nhóm được sử dụng trong các kế hoạch.
Theo thông cáo của FBI, tất cả 14 người Bắc Triều Tiên đều bị buộc tội vi phạm Đạo Luật Quyền Hạn Kinh Tế Khẩn Cấp Quốc Tế, âm mưu thực hiện gian lận chuyển tiền, âm mưu rửa tiền và âm mưu thực hiện hành vi trộm cắp danh tính, căn cước cá nhân.
Tám kẻ âm mưu bị buộc tội trộm cắp danh tính trầm trọng.
Mỗi người phải đối mặt với mức án tối đa là 27 năm tù nếu bị kết tội.
FBI kêu gọi ai có bất cứ tin tức gì liên quan đến những cá nhân này, xin liên lạc với văn phòng FBI địa phương, Tòa Đại Sứ hoặc Lãnh Sự Hoa Kỳ gần nhất hoặc có thể gửi trực tiếp đến tips.fbi.gov.