TIN THẾ GIỚI
TT Ukraina muốn thống nhất với Trump về “kế hoạch hòa bình” trước khi đàm phán với Nga (RFI)
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 05/01/2025, cho biết, ông muốn gặp tổng thống Mỹ tương lai Donald Trump để nhất trí về một kế hoạch hòa bình trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với nguyên thủ Nga Vladimir Putin.
AFP trước hết lưu ý, cuộc phỏng vấn được ghi âm vào cuối tháng 12/2024 tại Kiev, liên quan đến nhiều chủ đề, do nhà báo Mỹ Lex Fridman thực hiện bằng tiếng Nga và tổng thống Zelensky trả lời bằng tiếng Ukraina. Phiên bản ban đầu của video được lồng bằng tiếng Anh, và được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.
Trong cuộc phỏng vấn dài ba giờ đồng hồ này, nguyên thủ Ukraina khẳng định muốn thảo luận với tân chủ nhân Nhà Trắng về cách thức chấm dứt chiến tranh, « làm thế nào ngăn chặn ông Putin », đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc « châu Âu phải có một tiếng nói chung » trong các đàm phán.
Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ tin tưởng khả năng tân tổng thống Mỹ đạt được một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh và mang đến « các bảo đảm mạnh mẽ về an ninh với châu Âu » trước khi đối thoại với tổng thống Nga. Cũng theo ông Zelensky, Donald Trump có đủ ảnh hưởng và thế mạnh để gây áp lực đối với Vladimir Putin.
Một ngày trước khi bài phỏng vấn được đăng, tổng thống Ukraina hôm thứ Bảy, 04/01/2024, cho biết, thứ Năm 08/01, cuộc họp nhóm Ramstein bao gồm Ukraina và hàng chục nước đối tác sẽ diễn ra tại căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Nhân cuộc họp này, ông sẽ lại kêu gọi các nước hỗ trợ tăng cường năng lực phòng không, « chống tên lửa, bom dẫn đường và không quân Nga ».
Về tình hình chiến sự, quân đội Nga hôm qua khẳng định đã đẩy lui nhiều đợt tấn công mới của Ukraina, hiện đang diễn ra ở phía đông bắc thành phố Sudzha, vùng Kursk của Nga.
Thông tín viên Emmanuelle Chaze tường trình từ Kiev :
« Tình hình khá đáng lo cho Nga để mà Matxcơva nói đến và khẳng định đã đẩy lui hai trong số loạt tấn công mới của Ukraina đánh vào vùng Kursk, trong khi Kiev đã mất kiểm soát một nửa vùng lãnh thổ mà họ chiếm được từ hồi tháng 8/2024.
Quân đội Ukraina vẫn kiểm soát một phần đáng kể vùng này của Nga, có thể sẽ được sử dụng, không phải để chiếm đất vì Ukraina không có mục tiêu bành trướng lãnh thổ, mà như là một món đổi chác nếu diễn ra đàm phán với Nga, nhằm thu hồi những phần lãnh thổ Ukraina bị quân Nga chiếm đóng bất hợp pháp.
Nếu như quân đội Ukraina không bình luận gì về các chiến dịch đang diễn ra, cuộc tấn công mới này mà chúng ta còn chưa biết rõ kết cục đã làm dấy lên phản ứng chính trị. Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống xem chiến dịch này tại vùng Kursk là “những tin tốt lành, Nga nhận được những gì họ xứng đáng phải nhận”.
Quả thật, cách nay vài ngày, những báo cáo đầu tiên của phương Tây nêu số lính Bắc Triều Tiên chết nhiều khi đến chi viện cho quân Nga tại vùng Kursk. »
Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Trump
Quốc hội Hoa Kỳ chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử đảng Cộng hòa Donald Trump trước Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, trong cuộc bầu cử tháng 11 mở đường cho ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Việc xác nhận kết quả bầu cử vào ngày 6/1 trên 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC đã được thực hiện trong một buổi lễ ngắn gọn, trang trọng trong phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện. Buổi lễ do bà Harris chủ trì, bà giữ vai trò phó tổng thống với tư cách là chủ tịch Thượng viện.
“Quốc hội chứng nhận chiến thắng bầu cử vĩ đại của chúng ta hôm nay – một khoảnh khắc lớn trong lịch sử. MAGA!” ông Trump đã viết trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình vào ngày 6/1.
Phiên họp chung của Quốc hội diễn ra cho dù cơn bão mùa đông đang bao trùm thủ đô của quốc gia, với khoảng 15 cm tuyết và gây cản trở giao thông.
Chứng nhận cuối cùng đã củng cố những phát hiện ban đầu rằng ông Trump đã giành được 312 phiếu đại cử tri so với 226 phiếu của bà Harris.
Đảng Cộng hòa nắm cả Tòa Bạch Ốc lẫn Quốc hội
Đảng Cộng hòa cũng giành được đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ và giữ một lợi thế sít sao tại Hạ viện trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua, mang lại cho Tổng thống Trump sự ủng hộ của đảng mà ông cần để thực hiện chương trình nghị sự đã lên kế hoạch về cắt giảm thuế và trấn áp di dân bất hợp pháp.
An ninh bên trong và bên ngoài Điện Capitol đã được tăng cường để chuẩn bị cho việc chứng nhận và dự kiến an ninh nghiêm ngặt sẽ được duy trì cho đến khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Khuôn viên xung quanh cách Điện Capitol hàng trăm mét được bao quanh bởi hàng rào kim loại và chỉ có thể tiếp cận thông qua các trạm kiểm soát do cảnh sát mặc đồng phục canh gác.
Các đoàn xe cảnh sát màu đen đã có mặt. Lực lượng tăng cường của Sở Cảnh sát New York cũng đang tuần tra khu vực này.
Bên trong, các đội cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ mặc đồng phục kiểm tra thẻ căn cước tại các địa điểm ra vào bao gồm các cửa ra vào và đường hầm ngầm dẫn đến các phòng họp Hạ viện và Thượng viện.
Do cuộc hỗn loạn năm 2021 tại Điện Capitol, Quốc hội đã thông qua luật vào cuối năm 2022 nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ để đảm bảo rằng quá trình chứng nhận được thực hiện theo cách hợp pháp, đồng thời khẳng định rằng vai trò của phó tổng thống chủ yếu mang tính nghi lễ.
Khủng hoảng chính trị Canada: Thủ tướng Justin Trudeau từ chức sau 9 năm cầm quyền (RFI)
Sau 9 năm cầm quyền, thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 06/01/2025 đã thông báo từ chức. Vị thủ tướng 53 tuổi quyết định ra đi vào lúc khủng hoảng chính trị trong nước ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh tổng thống đắc cử Mỹ Doanld Trump dọa sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt thương mại đối với Canada.
Theo AFP, trước báo giới tại thủ đô Ottawa, thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo ý định từ chức chủ tịch đảng Tự do cầm quyền, tức là ông sẽ từ bỏ chức thủ tướng Canada sau khi đảng của ông bầu chọn được tân lãnh đạo. Nhiều bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh bang đã ca ngợi quyết định của Trudeau và bày tỏ lòng biết ơn ông.
Trong khi đó, lãnh đạo các đảng đối lập yêu cầu tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt, theo tường trình của thông tín viên Pascale Guéricolas từ Quebec :
« Tạm thời các đảng đối lập không thể lật đổ chính phủ của Justin Trudeau, bởi vì các hoạt động của Quốc Hội đang phải tạm ngừng cho đến ngày 24/03/2025. Nhưng điều này không ngăn cản Yves-François Blanchet, người lãnh đạo đảng Khối Quebec ( Bloc québécois), đưa ra lời cảnh báo đối với tân chủ tịch đảng Tự Do cầm quyền ở Canada : « Điều không thể để xảy ra, đó là gây chậm trễ, dù chỉ là một chút, hoặc khiến mọi người có cảm giác là cuộc bầu cử sẽ diễn ra rất chậm trễ. Phải tổ chức tổng tuyển cử vào giữa mùa xuân năm 2025. Rõ ràng là phải làm như vậy ».
Về phần mình, đảng bảo thủ, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, đặc biệt không muốn nhà lãnh đạo mới của đảng cầm quyền chiếm được ưu thế. Đây là lý do tại sao trong một video đăng tải trên mạng X, lãnh đạo của đảng này, Pierre Poilièvre, đã lưu ý : « Tất cả các chính trị gia của đảng Tự Do đã tích cực giúp đỡ Justin Trudeau tăng thuế. Tất cả họ đều đã bỏ phiếu hoặc tích cực ủng hộ những khoản chi tiêu không thể kiểm soát, những khoản nợ không thể kiểm soát và tình trạng nhập cư không thể kiểm soát ».
Một số lãnh đạo các tỉnh bang của Canada đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Justin Trudeau, như thủ hiến tỉnh New Brunswick ở miền đông. Bà cũng đã khen ngợi quyết định của thủ tướng Justin Trudeau từ chức nhằm làm giảm căng thẳng chính trị ở Canada ».
Tại nước Mỹ láng giềng, trong khi Nhà Trắng ca ngợi « một người bạn trung thành của Hoa Kỳ », tổng thống đắc cử Donald Trump hôm qua đã một lần nữa đề nghị Canada nên « sáp nhập » vào nước Mỹ.
Liên Hiệp Châu Âu lên án chiến tranh hỗn hợp của Nga tại Moldova (RFI)
Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu, hôm 07/01/2025, đã tố cáo Nga « sử dụng khí đốt như là vũ khí » và tiến hành cuộc « chiến tranh hỗn hợp » tại Moldova, nơi mà Transnistria, lãnh thổ ly khai thân Nga, từ đầu năm nay bị cắt nguồn cung cấp khí đốt.
Theo AFP, trên mạng X, lãnh đạo Ngoại Giao EU bà Kaja Kallas lên án « Nga tiếp tục sử dụng khí đốt như là vũ khí và Moldova một lần nữa là mục tiêu của cuộc chiến tranh hỗn hợp». Bà Kallas cho biết đã trao đổi với thủ tướng Moldova, Dorin Recean để khẳng định lại tình đoàn kết của EU với Moldova và Moldova sẽ được kết nối với mạng lưới năng lượng của châu Âu.
Moldova là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Chính quyền thân châu Âu hiện nay có nguyện vọng Moldova được hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu.
Phần lớn nhu cầu điện của Moldova phụ thuộc vào nhà máy nhiệt điện chạy khí đốt Cuciurgan ở trong vùng Transnistria, lãnh thổ ly khai thân Nga. Cơ sở năng lượng này cung cấp 80% sản lượng điện của toàn nước Moldova, từ ngày 01/01/2025 không còn được cung cấp khí đốt, buộc phải chuyển sang dùng than đá, nhưng nguồn dự trữ than cũng chỉ bảo đảm đến hết tháng này.
Từ đầu năm nay, nguồn cung khí đốt cho Transnistria bị cắt, do có sự bất đồng về cách tính khoản nợ mua khí đốt của Moldova với nhà cung cấp Nga, tập đoàn Gazprom.
Thủ tướng Moldova từng tuyên bố với báo chí nước ngoài rằng « Nga chỉ có mục đích duy nhất là gây mất ổn định trong vùng và nhất là gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử lập pháp » dự trù vào mùa thu 2025.
Tàu Trung Cộng bị tình nghi làm hỏng cáp ngầm gần Đài Loan (VOA)
Đài Loan đang điều tra một tàu do Trung Cộng sở hữu bị tình nghi cắt đứt một tuyến cáp quang ngầm ở phía bắc Đài Loan. Mặc dù vụ này chỉ gây gián đoạn tối thiểu cho các dịch vụ internet, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó phản ánh sự dễ bị tổn thương của Đài Loan và cơ sở hạ tầng ngầm của nước này trong trường hợp bị quân đội Trung Cộng tấn công hoặc phong tỏa.
“Đây là điểm yếu chung của nhiều quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa”, ông Drew Thompson, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore và là cựu quan chức Ngũ Giác Đài, nói.
“Thách thức thực sự đối với Đài Loan là làm thế nào để họ tăng khả năng phục hồi của mình khi ngày càng có nhiều nhận thức rằng họ có thể bị cố tình làm tổn thương thông qua các cuộc tấn công trực tiếp khó có thể quy cho một tác nhân cụ thể”, ông nói với VOA qua điện thoại.
Nhà điều hành viễn thông do chính phủ Đài Loan kiểm soát Chunghwa Telecom đã nhận được cảnh báo về thiệt hại đối với một tuyến cáp ngầm gần Cảng Cơ Long ở phía bắc Đài Loan vào sáng ngày 3/1.
Chunghwa Telecom cho biết việc gián đoạn, không ảnh hưởng đến dịch vụ internet trên toàn đảo, có thể là do một tàu kéo neo dọc theo đáy biển nơi đặt cáp ngầm.
Trong vòng vài giờ, lực lượng cảnh sát biển Đài Loan đã điều tàu ra và phát hiện tàu Shunxin-39 treo cờ Cameroon ở vùng biển phía bắc Đài Loan. Chính quyền Đài Loan đã ra lệnh cho tàu quay trở lại vùng biển ngoài khơi Cảng Cơ Long để kiểm tra nhưng không lên tàu do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Đài Bắc đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hàn Quốc để điều tra con tàu đang đi về phía thành phố Busan của Hàn Quốc. Lực lượng cảnh sát biển Đài Loan cho biết trong một tuyên bố chia sẻ với VOA rằng con tàu thuộc sở hữu của một công ty Hong Kong do một công dân Trung Cộng đứng đầu. Bảy thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đều là công dân Trung Cộng.
Ngoài việc treo cờ Cameroon, chính quyền Đài Loan cho biết con tàu cũng được đăng ký tại Tanzania và dường như hoạt động theo hai bộ thiết bị Hệ thống Nhận dạng Tự động vốn cho thấy thông tin cơ bản và tọa độ của tàu.
Lực lượng cảnh sát biển cho biết trong khi ý định của tàu Trung Cộng vẫn chưa rõ ràng, vụ việc có thể là một phần trong các hoạt động vùng xám của Trung Cộng nhằm gây áp lực lên Đài Loan thông qua các chiến thuật bất thường không liên quan đến chiến đấu.
Trung Cộng coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã nhiều lần tuyên bố sẽ thống nhất với hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Cộng đã tăng tần suất các hoạt động vùng xám xung quanh Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên triển khai máy bay quân sự, tàu hải quân và tàu cảnh sát biển đến không phận và vùng biển gần Đài Loan.
Ông Ray Powell, giám đốc dự án Sealight của Đại học Stanford, nơi theo dõi các hoạt động hàng hải của Trung Cộng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói với VOA rằng tàu Trung Cộng đã hoạt động giữa các vùng biển gần Cảng Cơ Long của Đài Loan, Busan của Hàn Quốc và dọc theo bờ biển Trung Cộng dưới hai tên khác nhau, hai lá cờ khác nhau và sáu số nhận dạng khác nhau trong sáu tháng qua.
“Có ít nhất sáu số đăng ký khác nhau cho thấy con tàu này chuyên hoạt động độc lập hoặc khó theo dõi”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Ông Powell cho biết con tàu có thể đang tiến hành một hoạt động vùng xám chống lại cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan trong khu vực.
“Lý do chúng tôi phân loại sự kiện này là hoạt động tiềm ẩn trong vùng xám là vì nó ẩn sau một công ty tư nhân có trụ sở tại Hong Kong với chủ sở hữu ở Trung Cộng và treo cờ các nước châu Phi, để thể hiện là chính phủ Trung Cộng không dính dáng tới các hoạt động của tàu”, ông nói với VOA.
Tòa đại sứ Trung Cộng tại Washington trả lời VOA bằng văn bản rằng họ không biết về việc cắt đứt cáp ngầm gần phía bắc Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh “luôn hoan nghênh và ủng hộ các quốc gia và công ty viễn thông khác lắp đặt cáp ngầm quốc tế tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Cộng”.
Vụ này xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều thiệt hại đối với cáp ngầm và đường ống, do tàu của Trung Cộng và Nga gây ra ở Biển Baltic kể từ năm 2023.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên một tàu Trung Cộng bị nghi ngờ cắt cáp ngầm gần Đài Loan. Vào tháng 2 năm 2023, chính quyền Đài Loan đã tìm ra bằng chứng cho thấy hai tàu Trung Cộng đã cắt hai cáp internet gần đảo Mã Tổ xa xôi của Đài Loan, gây ra tình trạng mất internet kéo dài một tháng trên hòn đảo nhỏ này.
Kể từ đó, Đài Loan đã đổ nhiều nguồn lực hơn vào việc chuẩn bị cho khả năng mất internet do hư hỏng cáp ngầm dưới biển. Tháng 10 năm ngoái, Chunghwa Telecom thông báo rằng tín hiệu từ các vệ tinh quỹ đạo Trái Đất thấp sẽ phủ sóng toàn bộ hòn đảo. Đây là một phần trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Đài Loan vào cáp ngầm dưới biển để liên lạc ra bên ngoài.
Trong khi Chunghwa Telecom cho biết cáp sẽ được sửa vào cuối tháng này, Bộ Các vấn đề Kỹ thuật số của Đài Loan đã cam kết sẽ bảo đảm thêm kinh phí để giúp công ty mạng viễn thông này xây dựng thêm cơ sở vật chất nhằm tăng cường kết nối của hòn đảo này với các tuyến cáp ngầm quốc tế.
Một số nhà lập pháp Đài Loan cũng kêu gọi lực lượng cảnh sát biển tăng cường năng lực giám sát các hoạt động tại các khu vực tập trung nhiều cáp ngầm và cập nhật các giao thức để đề phòng các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.
Một số nhà phân tích cho rằng lực lượng cảnh sát biển cần tăng cường năng lực để giải quyết những thách thức do Trung Cộng gây ra, vốn đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây.
Ông Shen Ming-shih, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết điều đó bao gồm việc giám sát “các hoạt động bất thường do tàu đánh cá hoặc tàu thương mại thực hiện ở vùng biển gần cáp ngầm của Đài Loan”.
Ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng Đài Loan cũng nên nâng cao hiệu quả trong việc sửa chữa “các tuyến cáp ngầm bị hư hỏng trong thời gian ngắn nhất”.
Donald Trump muốn các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng (RFI)
Gần đến ngày nhậm chức, tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 07/01/2025 tuyên bố, các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO phải tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, sau nhiều lần phàn nàn rằng các nước này không nỗ lực để tự bảo vệ mình.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Mar-a-Lago, bang Florida, tổng thống đắc cử Donald Trump, chính thức nhậm chức vào ngày 20/01 tới, đã khẳng định các nước thành viên NATO, chủ yếu là các nước châu Âu, phải tăng ngân sách quốc phòng của mình lên 5% chứ không phải 2%. Khi cho rằng mức chi tiêu quân sự hiện nay của các thành viên châu Âu là quá ít so với Hoa Kỳ, ông Trump nói : « Tại sao chúng tôi phải chi hàng tỷ, hàng tỷ đô la nhiều hơn châu Âu ? »
Đây không phải lần đầu tiên Donald Trump đặt vấn đề về ngân sách quốc phòng của một số thành viên mà ông cho là đã chi phí quân sự không đủ, chỉ muốn dựa vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông đã từng gây kinh ngạc khi tuyên bố sẽ không bảo vệ các thành viên NATO khi bị Nga tấn công nếu họ không chi đủ cho ngân sách quốc phòng.
Từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, các thành viên NATO đã hứa dành tối thiểu 2% GDP cho chi tiêu quân sự. Hiện có 23 trên 32 thành viên duy trì cam kết này. Tháng 12/2024, tổng thư ký của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Mark Rutte đã dự trù châu Âu sẽ phải « tăng chi tiêu hơn nữa » để tự bảo vệ.
Tại cuộc họp báo ngày 07/01, ông Donald Trump cũng đã chỉ trích chính chủ trương của tổng thống Joe Biden muốn Ukraina gia nhập NATO đã góp phần khiến Nga phát động cuộc xâm lược Ukraina hồi tháng 02/2022.
Thực tế, các nước NATO, ngay từ năm 2008 đã hứa sẽ có ngày Ukraina phải là thành viên NATO. Tuy nhiên, đến giờ Hoa Kỳ cũng như Đức đều tỏ ra dè dặt vì không muốn đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga.
Teheran lên án tổng thống Pháp Macron có những bình luận vô căn cứ về Iran (RFI)
Chính quyền Iran hôm 08/01/2025 cho rằng những bình luận của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, coi Teheran là « thách thức an ninh và chiến lược chính » ở Trung Đông, là « vô căn cứ ».
Xin nhắc lại, trong bài phát biểu thường niên trước các đại sứ Pháp tại điện Elysée, tổng thống Pháp Macron hôm 07/01 tuyên bố « Iran là thách thức an ninh và chiến lược chính đối với Pháp, châu Âu, toàn bộ khu vực và còn hơn thế nữa ».
Ông Macron cũng tố cáo Teheran can dự vào « cuộc chiến của Nga chống Ukraina », « hỗ trợ cho các nhóm nguy hiểm trong mọi cuộc đối đầu ở Trung Đông », thậm chí là triển khai ý đồ ở châu Phi. Tổng thống Macron kết luận Iran là một trong những chủ đề chính trong các cuộc đối thoại của Paris với tân chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, Esmaeil Baqaei, tuyên bố, những bình luận của tổng thống Pháp Emmanuel Macron là « vô căn cứ, mâu thuẫn và mang tính suy đoán ». Ông kêu gọi Pháp xem xét lại cách tiếp cận mà Teheran đánh giá là « không mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định » trong khu vực.
Liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, những phát biểu của tổng thống là « đáng thất vọng » và chương trình hạt nhân của Teheran có mục đích « hòa bình và nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ».
Mỹ coi tập đoàn Tencent là “công ty quân sự”, Trung Cộng lên án “đàn áp phi lý” (RFI)
Bộ Quốc Phòng Mỹ hôm qua, 06/01/2025, quyết định xếp Tencent và CALT, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Cộng, vào danh sách « các công ty quân sự », góp phần vào việc « hiện đại hóa quân đội Trung Cộng ». Hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Cộng lên án hành động « đàn áp phi lý ».
Hai công ty Tencent ( Đằng Tấn ) và CALT được thêm vào danh sách « Section 1260H » của bộ Quốc Phòng Mỹ, hiện bao gồm tổng cộng 134 công ty có mặt « trực tiếp hay gián tiếp » trên đất Mỹ, cung cấp cho quân đội Trung Cộng « các sản phẩm và dịch vụ lưỡng dụng », tức là có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự.
Theo AFP, việc bị xếp vào danh sách « các công ty quân sự » (Section 1260H) không có các hệ quả pháp lý « ngay lập tức » đối với Tencent và CALT, nhưng trước mắt ảnh hưởng đến uy tín của các công ty nói trên. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, việc bị xếp vào danh sách này có thể mở đầu cho một loạt biện pháp trừng phạt. Cụ thể là Tencent và CALT sau đó có thể bị đặt vào « Entity List », tức danh sách các công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ, bị bộ Thương Mại Mỹ cấm doanh nghiệp Mỹ cung cấp hàng.
Tencent, thành lập năm 1998, có trụ sở tại Thâm Quyến, là một trong những tập đoàn công nghệ tin học lớn nhất của Trung Cộng, với doanh thu 86 tỉ đô la năm 2023. Tencent đứng hàng đầu thế giới về các trò chơi điện tử, và sở hữu mạng WeChat, ứng dụng tin nhắn được sử dụng nhiều nhất tại Trung Cộng. Còn tập đoàn CALT sản xuất hơn một phần ba bình điện cho xe ô tô trên toàn cầu, trong đó có Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen, Toyota, Honda hay Hyundai, và hiện là công ty đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Hôm nay, 07/01, sau quyết định nói trên của bộ Quốc Phòng Mỹ, cổ phiếu của Tencent vào lúc mở cửa sàn chứng khoán tại Hồng Kông đã sụt giảm 7%, trong lúc cổ phiếu của CALT tại Thâm Quyến sụt hơn 5%.
AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Quách Gia Côn (Guo Jiakun), cho biết Bắc Kinh « đã yêu cầu phía Mỹ điều chỉnh ngay lập tức các hành xử sai trái này », đồng thời đe dọa « sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Trung Cộng ». Tencent và CALT cũng ngay lập tức phản đối quyết định nói trên.
Quyết định của bộ Quốc Phòng Mỹ có thể bị đảo ngược, nếu bị tư pháp Mỹ ra phán quyết bác bỏ. Hồi 2021, tập đoàn Trung Cộng Xiaomi, bị xếp vào danh sách « doanh nghiệp quân sự », đã khởi kiện. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã phải rút Xiaomi khỏi danh sách sau quyết định của một tòa án Mỹ.
Hamas giữ nguyên yêu sách khi thời hạn ông Trump đặt ra đang đến gần (VOA)
Hamas hôm 7/1 vẫn giữ nguyên yêu sách đòi Israel phải chấm dứt hoàn toàn cuộc tấn công vào Gaza trong bất kỳ thỏa thuận nào về con tin, và nói rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã hấp tấp khi nói rằng Hamas sẽ ‘trả giá rất đắt’ trừ khi các con tin được trả tự do trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1.
Các quan chức của nhóm Hamas và Israel đã tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập trong nỗ lực quyết liệt nhất trong nhiều tháng để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ đã kêu gọi nỗ lực cuối cùng để đạt thỏa thuận trước khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở, và nhiều người trong khu vực hiện coi lễ nhậm chức của ông Trump là thời hạn chót không chính thức.
Nhưng với thời gian đang gần cạn, cả hai phía đều cáo buộc phía kia ngăn chặn thỏa thuận bằng cách vẫn giữ nguyên các điều kiện vốn đã phá hỏng tất cả các nỗ lực hòa bình trước đó trong hơn một năm.
Hamas nói rằng họ sẽ trả tự do cho các con tin còn lại chỉ khi nào Israel đồng ý chấm dứt chiến tranh và rút hết quân khỏi Gaza. Israel nói rằng họ sẽ không kết thúc chiến tranh cho đến khi Hamas bị giải tán và tất cả các con tin được tự do.
“Hamas là trở ngại duy nhất đối với việc thả con tin”, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Israel, Eden Bar Tal, phát biểu trong một cuộc họp báo và nói rằng Israel hoàn toàn cam kết đạt được thỏa thuận.
Osama Hamdan, quan chức Hamas đã tổ chức cuộc họp báo ở Algiers, nói rằng phá hoại các nỗ lực để đạt được thỏa thuận là lỗi của Israel.
Mặc dù ông nói ông sẽ không nêu chi tiết về vòng đàm phán mới nhất, nhưng ông nhắc lại các điều kiện của Hamas về ‘chấm dứt hoàn toàn cuộc xâm lược và rút lui hoàn toàn khỏi các vùng đất mà quân chiếm đóng xâm lược’.
Bình luận về lời đe dọa của ông Trump rằng sẽ Hamas ‘sẽ phải trả giá rất đắt’ trừ khi tất cả các con tin được trả tự do trước ngày ông nhậm chức, ông Hamdan nói: “Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ phải có những tuyên bố nguyên tắc và ngoại giao hơn’.
Israel đã cử một nhóm quan chức cấp trung đến Qatar để tham gia cuộc đàm phán do các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập làm trung gian. Một số tin tức trên truyền thông Ả Rập cho biết ông David Barnea, người đứng đầu Mossad và đã dẫn đầu các cuộc đàm phán, dự kiến sẽ tham gia cùng họ. Văn phòng Thủ tướng Israel không bình luận.
Trong một bước đáng chú ý hướng tới thỏa thuận, một quan chức Hamas nói với Reuters hôm 5/1 rằng nhóm này đã đồng ý với một danh sách do Israel đưa ra mà trong đó có 34 con tin có thể được trả tự do trong giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn, cùng với các tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Danh sách bao gồm các nữ binh sĩ Israel cùng với thường dân lớn tuổi, nữ và vị thành niên. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel cho đến nay vẫn chưa được xác nhận liệu những người có tên trong danh sách có còn sống hay không.
TIN VIỆT NAM
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức kỷ lục mới
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã vượt quá 110 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, theo số liệu mới nhất của Hoa Kỳ, trong lúc xuất khẩu từ quốc gia vốn là trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á cũng tăng cao khi tiền đồng giảm giá kỷ lục so với đồng đô la.
Số liệu mới nhất do cơ quan thống kê Hoa Kỳ đưa ra hôm 7/1 cho thấy Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ lượng hàng hóa trị giá hơn 124,8 tỷ USD trong khi chỉ nhập khẩu lượng hàng trị giá gần 10,9 tỷ USD từ Mỹ tính đến hết tháng 11/2024. Theo thống kê của US Census Bureau, mức thâm hụt thương mại vượt hơn 113 tỷ USD là mức cao nhất trong 11 tháng của một năm so với bất kỳ năm nào trước đây kể từ khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu giao thương vào năm 1992.
Mức thâm hụt này chỉ thấp hơn so với hơn mức 116 tỷ USD mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Mỹ trong cả năm 2022.
Số liệu của Mỹ cho thấy mức thâm hụt của 11 tháng đầu năm 2024 tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước đó. Với đà tăng trưởng xuất hàng sang Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dự kiến mức thâm hụt thương mại cho cả năm 2024 sẽ đạt mức kỷ lục mới.
Khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1 năm 2017, mức thâm hụt của Mỹ với Việt Nam chỉ là 38,3 tỷ USD, tức khoảng gần 1/3 so với con số của 11 tháng đầu năm 2024. Gần cuối nhiệm kỳ đó, ông Trump đã đe dọa đánh thuế lên hàng hóa của Việt Nam và gọi quốc gia Đông Nam Á là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.
Dữ liệu mới nhất của US Census Bureau xác nhận Việt Nam tiếp tục đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, về mức thặng dư thương mại cao nhất với Mỹ. Trung Quốc có mức thặng dư thương mại với Mỹ đạt hơn 270 tỷ USD trong khi Mexico là hơn 157 tỷ USD. Thống kê cho thấy Việt Nam đứng thứ 30 trên thế giới về lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo Reuters, các nhà phân tích coi khoảng cách lớn này là một rủi ro cao đối với quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Trump, người sẽ trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, đã đe dọa áp thuế lên đến 20% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Rủi ro đó đã trở nên trầm trọng hơn do đồng tiền của Việt Nam giảm mạnh trong những tháng gần đây khi tiền đồng giao dịch gần mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng đô la Mỹ, theo phân tích của hãng tin Anh.
Washington đang theo dõi chặt chẽ vì Việt Nam nằm trong “Danh sách giám sát” của Mỹ để kiểm tra ngoại hối. Việc kiểm soát các hoạt động nhằm theo dõi việc thao túng tiền tệ này sẽ được chuyển giao cho chính quyền Trump khi ông lên nắm quyền vào cuối tháng này.
Việt Nam có các hoạt động công nghiệp tập trung vào xuất khẩu lớn của các công ty đa quốc gia Mỹ như Apple, Google, Nike và Intel.
Số liệu thương mại chưa điều chỉnh theo mùa mới nhất của US Census Bureau cho thấy vào tháng 11/2024, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng thêm hơn 12,1 tỷ USD, cao hơn gần 2 tỷ USD so với tháng cùng kỳ của năm trước đó.
Việc tiền đồng yếu có thể là yếu tố hỗ trợ cho thâm hụt thương mại tăng cao, theo Reuters.
“Nếu Mỹ nhận thấy rằng Việt Nam cố tình giữ tiền đồng yếu để đạt được lợi thế thương mại không công bằng thì điều này có thể gây ra những cáo buộc mới về thao túng tiền tệ,” Leif Schneider, giám đốc công ty luật quốc tế Luther tại Việt Nam nói với hãng tin Anh.
Trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là những nước thao túng tiền tệ vì các can thiệp vào thị trường nhằm làm suy yếu giá trị đồng tiền của họ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối trong trường hợp có tác động kinh tế bất lợi từ các động thái tiền tệ và trong quá khứ đã bán đô la để tăng giá tiền đồng.
Trước khi những dữ liệu mới của Mỹ được đưa ra, SBV hôm 7/1 cho biết họ sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát trong khi các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chính sách của ông Trump để điều chỉnh trong nước cho phù hợp.
SBV vào năm ngoái đã bơm 24 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) trong vụ giải cứu được xem là chưa từng có đối với ngân hàng đã bị Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan rút ruột trong suốt 1 thập kỷ. (VOA)
Mời quý độc giả đọc bài liên quan: Bói Kinh tế: Vận hạn Ba-Đình năm Ất Tỵ https://vanhoimoi.org/?p=23851
Mỹ và Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền lần thứ 28
Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội, cũng như cải thiện thượng tôn pháp luật, đồng thời kêu gọi trả tự do cho những nhà hoạt động bị giam cầm bất công.
Vào ngày 6-7 tháng 1, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Dafna Rand đã tới Hà Nội, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 28.
Tháp tùng bà Rand là Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain cũng như các nhân viên quốc hội, thể hiện sự ủng hộ tại Quốc hội đối với việc thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong thông cáo hôm 7/1.
Trong cuộc đối thoại, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thảo luận nhiều vấn đề nhân quyền, bao gồm việc thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong khuôn khổ Rà soát Định kỳ Phổ quát của Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam.
“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội; cải thiện thượng tôn pháp luật; thúc đẩy cải cách pháp lý; và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền của các thành viên thuộc nhóm dân cư yếu thế”, thông cáo viết.
HRW: Việt Nam kết tội luật sư Trần Đình Triển vì chỉ trích ông Nguyễn Hòa Bình
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 7/1 kêu gọi chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc đối với luật sư Trần Đình Triển, người sắp bị đưa ra xét xử chỉ vì chỉ trích nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Vào ngày 9 /1/ 2025, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến xét xử luật sư Trần Đình Triển, người bị bắt ngày 1/6/2024 và bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự. Nếu bị kết án, ông Triển có thể phải đối mặt với án tù 7 năm.
“Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 23/4 đến ngày 9/5 năm 2024, ông Triển đã đăng ba bài viết trên Facebook chỉ trích những việc làm của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Hòa Bình”, HRW cho biết trong thông cáo.
Trước đó, hôm 12/12/2024, báo Công an Nhân dân (CAND) dẫn cáo trạng đối với ông Trần Đình Triển viết: “Thông tin đăng tải có nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống Tòa án nhân dân và cá nhân lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao. Việc này đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Trong một bài viết, ông Trần Đình Triển lưu ý rằng dưới sự giám sát của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các tòa án đã ngăn cản thành viên gia đình của các bị cáo tham dự các phiên tòa, và ông chỉ trích quyết định cấm các nhà báo và luật sư quay video tại các phiên tòa công khai, theo HRW.
Theo bản cáo trạng được luật sư Nguyễn Duy Bình, một người bào chữa cho ông Triển, công bố trên Facebook hôm 29/12, ba bài viết của ông bị cáo buộc có tựa đề: “Nguyễn Hòa Bình – những cái nhất khi làm Chánh án”, “Cần mở rộng điều tra vụ án Lê Đức Thọ, có liên quan con trai Nguyễn Hòa Bình hay không?”, và bài “Nguyễn Hòa Bình nói đúng hay sai?!”
Ngoài ra, ông Trần Đình Triển còn viết bài chỉ trích vị chánh án vì đã ra phán quyết đối với tử tù Hồ Duy Hải, bất chấp có nhiều bằng chứng về những sai phạm trong quá trình điều tra vụ án, vẫn theo HRW.
Ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao vào tháng 4/2016 và được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2024. Trước đó, vào tháng 7/2011, ông đảm nhận chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Theo quan sát của HRW, chính quyền Việt Nam ngày càng sử dụng Điều 331 để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ, với việc các tòa án kết án và tuyên án ít nhất 24 người theo điều khoản này chỉ trong năm 2024.
“Chính phủ nên ngay lập tức bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông Trần Đình Triển và trả tự do cho ông và những người khác bị truy tố vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa”, HRW, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ, kêu gọi.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về thông cáo trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Bộ Công an tinh gọn bộ máy, sẽ bỏ công an huyện?
Nhiều báo Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang về phương án ”không tổ chức công an cấp huyện”, một phương án tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương. Tuy nhiên, sau đó hàng loạt tờ báo đã đục bỏ nội dung này.
Bài viết do báo Thanh Niên đăng tải tối 7/1 với nhan đề ‘Bộ Công An đề xuất không tổ chức công an cấp huyện’ từng có đoạn dẫn nhập viết là ”xây dựng công an 3 cấp (bộ, tỉnh, xã), không tổ chức công an cấp huyện; bảo đảm lãnh đạo trực tiếp, xuyên suốt từ bộ đến địa phương”.
Thông tin mà tờ báo này dẫn là theo phát biểu của ông Quang tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức cán bộ trong Công an nhân dân năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 diễn ra vào ngày 7/1.
Không lâu sau đó, phát ngôn với nội dung “giảm cơ quan công an cấp huyện” đã bị gỡ bỏ trên Thanh Niên cũng như hầu hết các mặt báo, thay vào đó là chi tiết “giảm cấp trung gian ở địa phương”.
Dù vậy, từ khóa ”không tổ chức công an cấp huyện” vẫn hiện lên ở cuối bài trên trang Thanh Niên.
BBC News Tiếng Việt đã kiểm tra các báo đưa tin về hội nghị trên như VnExpress, VTC, Tuổi Trẻ, Công an nhân dân… thì nhận thấy thông tin về việc bỏ cấp công an huyện vẫn hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Google, nhưng khi bấm vào thì nội dung này đều đã bị gỡ bỏ.
Cho đến 15 giờ 30 phút chiều ngày 8/1, báo Hải Dương là tờ báo hiếm hoi vẫn để nguyên nhan đề và nội dung “bỏ công an cấp huyện”.
Cùng thời điểm đó, nội dung tương tự vẫn được tìm thấy trên trang Facebook của Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam – VOVTV và Cổng thông tin Quốc hội, thu hút hàng ngàn lượt thích và chia sẻ.
Theo báo Hải Dương, tại hội nghị được tổ chức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã ”yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện Đề án, phương án về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Bộ Công an và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sớm có kế hoạch triển khai thực hiện theo hướng giảm cấp trung gian ở địa phương, tăng cường cơ sở, sắp xếp lại lực lượng, xây dựng công an 3 cấp (bộ, tỉnh, xã), không tổ chức công an cấp huyện; bảo đảm lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp, nhanh nhất, xuyên suốt từ bộ đến địa phương.”
Đây là một chính sách vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam. Nó được đưa ra giữa bối cảnh có nhiều câu hỏi đặt ra về việc Bộ Công an có nằm trong chiến dịch tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm hay không, một chiến dịch được dự kiến là sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 100.000 người và cần 130.000 tỷ đồng để thực hiện.
Đây không phải lần đầu tiên chính sách này gây sự chú ý. Hôm 25/12/2024, Công an tỉnh Bình Dương đã bác bỏ thông tin thí điểm bỏ công an cấp huyện, nói rằng đó là thông tin ”không chính xác”, sau khi thông tin này được phát tán trên mạng.
Năm 2020, khi còn là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã ký ban hành Chỉ thị số 05 về tiếp tục xây dựng công an cấp huyện vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.
Việc ông Quang, người kế nhiệm của ông Tô Lâm, công khai kế hoạch xây dựng công an ba cấp và bỏ công an cấp huyện rồi sau đó bị các báo nhà nước kiểm soát gỡ bỏ đặt câu hỏi liệu kế hoạch này có được thực hiện hay không.
Sức ép phải tinh gọn?
Thời kỳ nắm quyền ở Bộ Công an, ông Tô Lâm đã thực hiện tinh giản biên chế trong ngành công an. Kết quả là số cơ quan ở cấp trung ương và cấp tỉnh được rà soát và tinh giản, giảm bớt số tướng tá cấp trung ương.
Hôm 26/12/2024, Thiếu tướng Phạm Quang Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, cho biết từ năm 2018 đến thời điểm phát biểu, bộ này đã giảm 6 Tổng cục, 1 đơn vị tương đương cấp Tổng cục, 55 đơn vị cấp Cục, 7 trường công an nhân dân, 20 cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh, gần 1.200 đơn vị cấp phòng, trên 3.500 đơn vị cấp đội, theo cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
Trong sáu năm đó, Bộ Công an đã giảm hơn 30.000 biên chế, trong đó nghỉ hưu hơn 19.000 người, thôi phục vụ trước thời hạn 4.100 người, thực hiện chính sách tinh giản hơn 5.100 người, tinh giản theo nghị định của Chính phủ hơn 1.400 người, báo VietnamNet ngày 8/6/2023 dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, lúc bấy giờ là người phát ngôn Bộ Công an.
Tuy nhiên, lực lượng công an cấp cơ sở lại phình to.
Cụ thể, theo Luật Công an nhân dân 2018, “Công an xã là một bộ phận trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân Việt Nam”. Nghị định 42/2021 có hiệu lực từ ngày 16/5/2021 quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, đã hình thành cơ sở pháp lý cho lực lượng này.
Như vậy, từ lực lượng bán chuyên trách, Bộ Công an đã xây dựng một lực lượng hơn 48.000 công an viên cấp xã chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc, theo báo Nhân Dân.
Bên cạnh đó, cuối năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, ba lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội dân phòng được hợp thức hóa và được quản lý bởi Bộ Công an.
Lực lượng này được phát phù hiệu, trang phục và những công cụ, thiết bị cần thiết khác cũng như có kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, thời điểm đó, toàn quốc 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, với ngân sách hằng năm khoảng 3.570 tỷ đồng.
Dự kiến cần ít nhất 254.163 người tham gia để triển khai ba lực lượng này và tổng kinh phí cần chi cho hoạt động của họ là 3.505 tỉ đồng/năm.
Việt Nam ‘theo dõi chặt chẽ’ các đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở Trung cộng
Bộ Y tế Việt Nam hôm 5/1 cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan đến đợt bùng phát bệnh viêm phổi do virus mới gây ra ở người tại Trung cộng. Trong một tuyên bố ngày 6/1, Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết sẽ cập nhật và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin chính xác, toàn diện, Straits Times và truyền thông trong nước cho biết.
Theo Cục Y tế Dự phòng, ngày 2/1, một số nền tảng trực tuyến nước ngoài đã báo cáo về một đợt bùng phát ở Trung cộng với nhiều ca virus gây viêm phổi trên người (HMPV).
Các báo cáo chỉ ra rằng căn bệnh này lây lan nhanh chóng, biểu hiện các triệu chứng tương tự như cúm và Covid-19.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tiềm ẩn khác sau đợt bùng phát dịch Covid-19, vốn đã trở thành vấn đề toàn cầu trong cùng thời kỳ vào năm 2020.
Ngoài ra, hình ảnh các bệnh viện quá tải ở Trung cộng do nhiễm virus và các báo cáo về tình trạng khẩn cấp và các lò hỏa táng quá tải đã được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, theo Straits Times.
Sau khi nhận được thông tin này, Cục Y tế Dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Trung cộng (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung cộng).
Bộ này cho biết cho đến nay, WHO vẫn chưa cung cấp thông tin chính thức về dịch bệnh ở Trung cộng, cũng như chưa xác minh độ tin cậy và tính hợp pháp của các tin tức được lan truyền trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Cục Y tế Dự phòng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus gây ra ở Trung cộng.
Cục sẽ hợp tác chặt chẽ với WHO và đầu mối IHR tại Trung cộng để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp thông tin chính xác và toàn diện nhằm ngăn ngừa sự hoảng loạn không cần thiết đồng thời đảm bảo cảnh giác và thận trọng trong giai đoạn đông xuân hiện tại, thời điểm thuận lợi cho sự lây lan của các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Hiện tại, Trung cộng đang vào mùa đông, thời điểm thường xảy ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp gia tăng. Các tác nhân gây bệnh chính bao gồm virus cúm theo mùa, virus hợp bào hô hấp ở trẻ em và HMPV.
Vào ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói rằng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không phải là sự kiện y tế bất thường.
“Nhiễm trùng đường hô hấp có xu hướng đạt đỉnh vào mùa đông ở Bắc bán cầu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại cuộc họp báo ngày 3/1, và cho rằng “các bệnh có vẻ ít nghiêm trọng hơn và lây lan ở quy mô nhỏ hơn so với năm trước”.