________________

Trong những điều làm cho cha mẹ cảm thấy đau lòng và thất vọng, là tình trạng đứa con của mình bỏ nhà đi hoang. Một đứa trẻ ở nhà với cha mẹ mà đôi khi còn lười biếng, bê bối học hành, cãi trả cha mẹ, thiếu hòa khí với anh chị em, sống thiếu kỷ luật thì khi nó ra khỏi gia đình sẽ sống như thế nào? Câu trả lời rõ ràng là đứa trẻ ấy sẽ không được bảo vệ và bị dụ dỗ, lôi kéo vào những tệ nạn xã hội. Nếu không tìm đường trở về, tương lai của nó sẽ gắn liền với những tội phạm. Nơi nó tới là nhà tù hoặc nghĩa địa.

Đứa trẻ có thể vì nông nổi trốn khỏi nhà một vài ngày, một vài tuần rồi trở về đã để lại trong nó nhiều vết thương tâm lý, nói gì đến những đứa trẻ bỏ nhà đi hoang và không còn biết đường về! Trong một kết quả khảo cứu cho thấy 70% trẻ vị thành niên bỏ nhà đi hoang vì bồng bột và nhất thời. Nhiều em không chuẩn bị gì cho cuộc sống ngoài gia đình, cũng không biết mình đi đâu, ở đâu và ngủ ở đâu. Nhưng để đưa một đứa trẻ đi hoang trở về đòi hỏi sự cộng tác và thiện chí lắng nghe từ cả hai phía: cha mẹ và con cái.

Dựa vào kinh nghiệm trong thời gian còn làm việc tại văn phòng tâm lý, thì việc một nhà chuyên môn đưa đứa trẻ đi hoang trở về dễ hơn việc giúp phụ huynh đón nhận đứa trẻ ấy trở về. Điều này càng khó khăn hơn đối với văn hóa Việt Nam coi trọng sĩ diện, mặt mũi.

Những đứa trẻ bỏ nhà đi hoang thường ở vào tuổi từ 13-17 với những lý do khác nhau từ khủng giáo dục, môi trường gia đình, ảnh hưởng của cha mẹ, và sức ép của bạn bè. Một trong lý do chung chung khác khiến chúng đi hoang là dùng xì ke, ma túy. Nhiều phụ huynh thường ngày không quan tâm đến cuộc sống và những giao du bên ngoài của con cái. Họ sẽ không ngờ rằng đứa con mà họ cưng chiều, đặt nhiều hy vọng, và ngoan ngoãn kia lại dính vào con đường nghiện hút. Đây là một kinh nghiệm rất đắng đót cho những cha mẹ bỏ bê, không dành thời gian cho con cái, cũng như không quan tâm đến những nhu cầu tâm lý, tâm linh của chúng.

NHỮNG LÝ DO ĐI HOANG

Tuổi trẻ đi hoang với nhiều lý do, thông thường là để trốn khỏi môi trường khó khăn của gia đình, có những vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoặc muốn sống tự lập. Ngoài những lý do ấy ra, một số khác bị rơi vào tình trạng bạo hành hoặc bị bỏ rơi, bạo lực, và bị bạn bè dụ dỗ.  

1 .Trốn thoát khỏi môi trường khó khăn gia đình:

Bị lạm dụng hoặc bị ruồng bỏ:

Cha mẹ cãi vã, gây gổ

Một số trẻ em trốn khỏi sự lạm dụng thể lý, tình cảm, hoặc tình dục hay bị ruồng bỏ.

Xung khắc với cha mẹ:

Chán nản bầu khí gia đình. Con cái thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã giữa cha mẹ, anh chị em bất hòa với cha mẹ và với nhau. Cha mẹ tỏ ra thiếu hiểu biết, thông cảm, khiến các em cảm thấy không an toàn hoặc không được nâng đỡ ở nhà.

Tài chánh gia đình gặp khó khăn:

Đôi khi các em bỏ nhà vì những khó khăn tài chánh hoặc tình trạng vô gia cư của gia đình. Cha nghiện ngập, vô trách nhiệm. Mẹ lười biếng, gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn triền miên.

2. Những bệnh tật tâm thần:

Trầm cảm, Băn khoăn lo lắng, hoặc những tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Những lý do này có thể ảnh hưởng cách trầm trọng và mạnh mẽ đến suy nghĩ của một đứa trẻ vị thành niên, khiến chúng nghĩ rằng để giải quyết những tình thế khó khăn, để thoát ra ngoài ảnh hưởng của bệnh tật, cách tốt nhất là thoát ly khỏi gia đình, khỏi môi trường mà chúng cho là đang giam hãm mình. Trong những hoàn cảnh ấy, nhiều em còn chọn cái chết để tự giải thoát.

Trẻ em bị bạo hành, lạm dụng tình dục

3.Bạo hành:

Để tránh khỏi đối diện hoặc tiếp tục những gì mỗi ngày xảy ra cho mình như bị cha mẹ đánh đập, chửi bới, và trong một số trường hợp bị bỏ đói, hoặc bị lạm dụng tình dục, nhiều em đã tìm cách trốn thoát khỏi gia đình.      

4.Sức ép bạn bè và ảnh hưởng xã hội:

Do bạn bè hoặc người yêu thúc đẩy và ảnh hưởng, các em bỏ nhà một cách mù quáng để tìm những tình cảm lãng mạn, hoặc mơ mộng cho tương lai.  

Sợ bị bạn bè coi thường, bị cô lập, từ chối nên rơi vào tình trạng dụ dỗ dùng xì ke, ma túy hoặc bia, rượu. Bỏ nhà đi hoang trong trường hợp này là để tìm được sự chấp thuận của xã hội và bạn bè.

CON SỐ THỐNG KÊ

Theo một số thống kê, con số các trẻ vị thành niên bỏ nhà đi hoang giữa năm 1995-2010 như sau:

  • 47% xung khắc với cha mẹ hoặc người bảo hộ.
  • 50% bị cha mẹ đuổi khỏi nhà hoặc không thèm quan tâm đến chúng khi ra khỏi nhà.
  • 80% các em gái bị lạm dụng tình dục hoặc thể lý.
  • 34% các em trai và gái bị lạm dụng tình dục.
  • 43% các em trai hay gái bị lạm dụng thân xác trước khi rời khỏi nhà.  

Những con số thống kê trên cho thấy hầu hết các trẻ vị thành niên bỏ nhà bởi vì chúng sống trong  tình trạng không được bảo vệ. Bị xúc phạm phẩm giá, lăng nhục, mắng chửi, hoặc bị xâm phạm tình dục và bị ngược đãi.  

Khi cha mẹ đuổi con cái ra khỏi nhà, hoặc không quan tâm đến đời sống con cái khi chúng sống trong gia đình hay khi chúng sống xa nhà. Tóm lại, tuổi trẻ bỏ nhà đi hoang bởi vì chúng cần và thiếu thốn tình thương, thiếu sự nâng đỡ tình cảm, tinh thần, vật chất của cha mẹ. Chúng cần bầu khí yêu thương và ấm áp của gia đình.  

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ

Khi con bỏ nhà:

Chích ma tuý

Khi gặp trường hợp con cái bỏ nhà đi hoang, điều trước hết và cần thiết mà cha mẹ phải làm là lo bảo vệ sự an toàn cho chúng bằng cách báo cho các cơ quan công lực như sở cảnh sát, những cơ quan thiện nguyện giúp đỡ tìm người thất lạc. Ngoài ra, hãy tìm cách liên lạc với con, hoặc với bạn bè của con mình. Trong nhiều trường hợp, chúng biết con mình đang ở đâu và đang làm gì bởi vì bạn bè chúng biết nhau và thường xuyên liên lạc với nhau.

Trong hoàn cảnh này, cha mẹ là không nên vì sĩ diện, mặt mũi mà dấu nhẹm chuyện này hoặc tự mình loay hoay tìm vấn đề giải quyết, nhưng hãy tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn. 

Nhưng điều khó khăn hơn là làm cách nào để giữ chân những đứa trẻ sau khi đã trở lại với gia đình. Như tôi đã chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, đó là trong lãnh vực chuyên môn, các nhà tâm lý, giáo dục có thể giúp đưa con em chúng ta trở lại nhà một cách dễ dàng, nhưng để giúp cho cha mẹ chấp nhận và làm việc được với con cái lại rất khó khăn. Bởi vì trong nhiều trường hợp, đòi hỏi cha mẹ phải sửa sai, điều chỉnh lại cách đối xử với con mình, và nhất là học cách để hiểu và thông cảm, nâng đỡ con mình.  

Phòng bệnh hơn chữa bệnh:

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để tránh những hoàn cảnh không hay xảy ra cho gia đình và con cái mình, phụ huynh phải dành nhiều thời gian với con; đặc biệt, khi con bước vào tuổi vị thành niên. Đây là thời gian mà tuổi trẻ gặp nhiều thay đổi về thể lý, tâm lý. Quan tâm đến việc học hành, bạn bè của con, và thời gian con ở một mình hay ra ngoài với bạn bè.  

Để ý đến thành phần bạn bè mà con mình hằng ngày giao tiếp, chơi đùa. Khuyến khích con tham gia những sinh hoạt xã hội lành mạnh, và phát triển khả năng thay vì thụ động, sống khép kín một mình.

Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, nên cha mẹ phải để giờ tìm hiểu cũng như nâng đỡ. Tuyệt đối không phê bình, chỉ trích hoặc so sánh con này với con khác, con trai với con gái…

Trên hết và tất cả, bầu khí lành mạnh của gia đình. Tình thương cha mẹ dành cho con cái, và đức hạnh của cha mẹ là những yếu tố hết sức cần thiết để giúp tuổi trẻ lớn lên và trưởng thành. Đừng bao giờ tạo điều kiện hoặc đẩy con mình ra khỏi ngưỡng cửa của gia đình. Hãy nhớ rằng, xã hội xấu ngoài kia đang rình rập, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón tiếp con mình!

TS Trần Mỹ Duyệt

———————–

Tài liệu tham khảo:

AI Overview
https://evolvetreatment.com/blog/why-teens-run-away/