TIN THẾ GIỚI.

Chiến tranh Ukraina: Kiev đồng ý đàm phán với Matxcơva nếu Nga chấp nhận ngưng bắn (RFI)

Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 11/05/2025, cho biết Ukraina sẵn sàng đàm phán với Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/05 với điều kiện Matxcơva phải tuân thủ lệnh ngưng bắn 30 ngày, bắt đầu từ hôm nay.

Theo lãnh đạo Ukraina, được AFP trích dẫn, toàn thế giới từ rất lâu đã ngóng chờ một lệnh ngưng bắn và đó là bước đầu tiên không thể thiếu để chấm dứt chiến tranh. Ông Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội : Không có lý do gì để tiếp tục giết chóc thêm một ngày nào nữa. Chúng tôi mong Nga chấp nhận một lệnh ngưng bắn toàn diện, bền vững và đáng tin cậy, và Ukraina sẽ sẵn sàng đàm phán hôm 15/05. Chánh văn phòng tổng thống Ukraina, ông Andriy Yermak, cũng khẳng định Kiev chỉ đồng ý đàm phán nếu điện Kremlin chấp nhận lệnh ngưng bắn từ ngày 12/05.

Trước đó, chính tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất tổ chức đàm phán vào ngày 15/05 tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông không đưa ra bất kỳ cam kết nào về lệnh ngưng bắn 30 ngày mà Ukraina và các nước châu Âu yêu cầu. Được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà lãnh đạo Pháp, Anh Quốc, Đức và Ba Lan hôm 10/05, đã đến Kiev để gây áp lực với Nga, buộc Matxcơva chấp nhận ngưng bắn vô điều kiện.

Người dân Kiev ngờ vực về đề nghị đàm phán của tổng thống Putin

Về phía Ukraina, người dân tỏ ra ngờ vực về thiện chí đàm phán hòa bình của tổng thống Putin, trong bối cảnh đêm qua, Nga phóng hàng trăm drone bắn phá nhiều vùng lãnh thổ Ukraina.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev tường thuật :

Theo không quân Ukraina, đêm qua, Nga lại phóng hàng chục drone nhắm vào Ukraina cũng như nhiều bom lượn tại vùng Donetsk. Như vậy là thường dân vẫn chưa yên và trên mặt trận các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn. Ông Zelensky nói rõ là Ukraina sẽ đáp trả tương xứng với bất kỳ hành động nào của Nga, một cách để tổng thống Ukraina nhắc lại rằng Kiev đang đáp trả một cuộc chiến xâm lược đơn phương trên lãnh thổ của mình.

Đối với một dân tộc sống dưới bom đạn Nga từ năm 2014 sau cuộc xâm chiếm đầu tiên rồi đến năm 2022, thì khó có thể tin vào một thiện chí hạ nhiệt hay hòa giải từ phía Nga. Mặt khác, người ta hy vọng rằng các áp lực quốc tế thông qua các trừng phạt sẽ đủ để làm suy yếu Nga, buộc nước này chấp nhận đàm phán.

Nhưng hiện tại, đây không phải là những tín hiệu mà điện Kremlin đưa ra, bởi vì Nga vẫn giữ nguyên các yêu cầu của họ đối với Ukraina, cụ thể là Kiev bị giải giáp và không có sự hỗ trợ từ các nước thành viên NATO, đặc biệt là dưới hình thức lực lượng gìn giữ hòa bình, trước khi lệnh hưu chiến được chấp nhận.

Người dân Ukraina cho rằng không có bảo đảm an ninh từ Nga và ngay cả khi có lệnh hưu chiến, Nga vẫn có thể lại tấn công Ukraina vào bất kỳ lúc nào.

Vẫn về an ninh châu Âu, Anh Quốc hôm nay tổ chức một cuộc họp quan trọng tại Luân Đôn quy tụ ngoại trưởng nhiều nước châu Âu để thảo luận về cách đối phó với mối đe dọa Nga và củng cố an ninh châu lục. Ngoại trưởng Anh David Lammy dự kiến sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào những thế lực hậu thuẫn Nga trong cuộc xâm lược Ukraina. Lãnh đạo ngoại giao Anh Quốc nhấn mạnh “thách thức hiện nay không chỉ liên quan đến tương lai của Ukraina, mà còn là vấn đề sống còn đối với toàn bộ châu Âu”.

Mặt khác, tại Bắc Kinh hôm 13/5, tổng thống Brazil Lula cũng đã tuyên bố  sẽ đích thân thúc đẩy “đồng chí Putin” đến Istanbul vào ngày mai để nói chuyện trực tiếp với tổng thống Ukraina. 

Về phía Nga, Điện Kremlin đến hôm nay vẫn từ chối tiết lộ thành phần phái đoàn có thể tới Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt  là từ chối xác nhận hoặc phủ nhận chuyến đi của ông Putin đến Istanbul. Đối với ông Zelensky, nếu ông Putin không tới Thổ Nhĩ Kỳ, đó sẽ là “một tín hiệu rõ ràng” cho thấy ông “không muốn và sẽ không dừng chiến tranh“.

Về phía các đồng minh châu Âu của Kiev, trên đài truyền hình tối 13/5, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định “quyết tâm của chúng tôi là ban hành lệnh trừng phạt” nếu Nga “xác nhận không tôn trọng” lệnh ngừng bắn. Nguyên thủ quốc gia Pháp cũng thừa nhận Ukraina cũng thấy họ sẽ không thể lấy lại toàn bộ những vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm giữ kể từ năm 2014 :

“Những gì đang diễn ra ở Ukraina có liên quan đến an ninh của chúng ta, đến hòa bình trên lục địa của chúng ta và đến sự an toàn của người dân châu Âu, do vậy là của người dân Pháp. Chúng ta muốn hòa bình. Cuộc chiến phải chấm dứt và Ukraina phải ở vị thế tốt nhất có thể để tham gia đàm phán. 

Vậy tại sao chúng ta lại muốn ngừng bắn ngay lúc này? Trước hết vì mỗi ngày có hàng ngàn người chết và ngày càng có nhiều thường dân thiệt mạng. Tiếp đến, trong khi Hoa Kỳ đang do dự, chúng ta tin rằng việc ngừng bắn ngay hôm nay rõ ràng sẽ giúp tạo điều kiện tốt hơn về mặt nhân đạo. Nhưng tham gia vào các cuộc thảo luận cho phép chúng ta giải quyết vấn đề gì? Giải quyết các vấn đề lãnh thổ và thậm chí chính người Ukraina cũng đủ sáng suốt để nói rằng, đúng vậy, họ sẽ không có khả năng lấy lại toàn bộ những gì đã mất kể từ năm 2014.”

Trong mọi trường hợp, theo thông báo của phía Kiev, ông Zelensky sẽ đến Ankara vào hôm nay hoặc ngày mai để gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraina vào tháng 3 năm 2022, nhưng không đạt được kết quả nào. 


Ý đồ của Nga khi đề nghị đàm phán trực tiếp với Ukraina

Chủ Nhật 11/05/2025, đáp trả « tối hậu thư » của phương Tây là Matxcơva phải chấp nhận hưu chiến 30 ngày nếu không sẽ phải đối mặt với « những hệ quả nghiêm trọng », tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị đàm phán trực tiếp với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/05/2025, nhưng nói « không » với lệnh hưu chiến. Đối với nhiều nhà quan sát, khi đưa ra đề nghị này, nguyên thủ Nga vẫn tiếp tục chiến lược trì hoãn mà ông theo đuổi từ lâu. 

Chỉ trong vòng 36 giờ, xung đột tại Ukraina như đang chứng kiến một cuộc leo thang xung đột ôn hòa, giữa một bên là Ukraina và các đồng minh phương Tây với đề xuất hưu chiến 30 ngày kể từ hôm nay và bên kia là tổng thống Nga với lời mời gọi đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/05/2025, nhưng không tỏ chút nhân nhượng trước những đe dọa áp đặt trừng phạt mới từ phương Tây.

Theo nhiều nhà quan sát, tuyên bố của tổng thống Putin giống như một bước tiến ngoại giao có thể chỉ là một mẹo lừa đối thủ, một chiến lược trì hoãn mà nguyên thủ Nga theo đuổi từ lâu. Trên trang thông tin Blick, chuyên gia về Nga, Ulrich Schmid, cho rằng tổng thống Nga chưa bao giờ muốn có một lệnh hưu chiến, bởi vì « lệnh ngừng bắn đó có nguy cơ đóng băng xung đột. Và theo quan điểm của ông, điều này có lẽ sẽ là nguy hiểm, vì sau một lệnh hưu chiến kéo dài, tổng thống Nga khó có thể mở lại các cuộc giao tranh mà  không bị xem là bên xâm lược ». 

Tính toán có chiến lược ?

Đề nghị đàm phán là một tính toán chiến lược, viện nhiều nhiều cớ khác nhau để không đáp ứng kêu gọi ngưng bắn 30 ngày qua, đồng thời tìm cách khiêu khích Kiev phải từ chối đề nghị của chính ông. Trên thực tế, nguyên thủ Nga hiểu rõ là Zelensky đã ban hành một sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán trực tiếp với Putin. Đây chính là điểm mà ông Putin đang khai thác.  

Cũng theo vị chuyên gia này, việc ông Putin không nghĩ đến lệnh hưu chiến được thể hiện rõ trên bình diện quân sự : Ngay lập tức sau đề nghị đàm phán của tổng thống Nga, Kiev đã báo động các cuộc tấn công bằng drone. Đối với ông Ulrich Schmid, « Putin sẽ liên tục đặt ra các điều kiện mới dưới nhiều sắc thái và tìm cách thoát một lệnh hưu chiến ».

Bốn nhà lãnh đạo châu Âu có mặt tại Kiev đã đưa ra một tín hiệu mạnh và kể cả Washington những ngày gần đây đã thay đổi giọng điệu, nhưng điều đó có lẽ chưa đủ để gây ấn tượng với chủ nhân điện Kremlin. Ông Putin còn có một nước cờ khác, theo đó thời gian « Donald Trump ở Nhà Trắng là hạn chế, và do vậy, mức độ áp lực mà ông có thể thực sự đưa ra là rất thấp ».

Trong nước cờ này, theo nhà nghiên cứu về Nga, tổng thống Putin vẫn sẽ tiếp tục chiến lược trì hoãn, nhằm tìm cách quy trách nhiệm về mọi thất bại đàm phán cho Ukraina. Chuyên gia Ulrich Bounat, trả lời trang Huffington Post, nhắc lại những yêu cầu đàm phán của Nga là rất ngặt nghèo: « Phi phát xít hóa Ukraina, giải giáp quân đội của Kiev và thừa nhận chủ quyền bốn vùng Ukraina bị Nga chiếm đóng và sáp nhập ». Một cách cụ thể là đòi Ukraina phải đầu hàng như đã từng đưa ra hồi năm 2022.

Tóm lại, với đề xuất đàm phán trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Matxcơva giờ lại đẩy quả bóng về sân phương Tây, cụ thể là Washington ! 


Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố có thể sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ dự đàm phán Ukraina – Nga (RFI)

Hôm 12/05/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông có thể sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm 15/05 để tham dự các cuộc đàm phán giữa Ukraina và Nga, “nếu điều đó là hữu ích”.

Theo AFP, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng trước khi lên đường công du vùng Vịnh, tổng thống Hoa Kỳ nói : « Tôi đang cân nhắc việc bay đến đó. Tôi không biết mình sẽ ở đâu vào thứ Năm. Tôi có rất nhiều cuộc họp, nhưng tôi đã nghĩ đến việc bay đến đó. Có khả năng là như vậy … »

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chủ Nhật 11/05 đã đề xuất bắt đầu các cuộc đàm phán « trực tiếp »  « vô điều kiện » giữa Nga và Ukraina từ thứ Năm 15/05 tại Istanbul, nhưng bác bỏ điều kiện ngừng bắn 30 ngày theo yêu cầu của các đồng minh của Kiev.

Về phía Kiev, kêu gọi Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn « để tạo cơ sở cần thiết cho hoạt động ngoại giao », tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ông « chờ đợi » đồng nhiệm Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm, nhưng Putin đã không hồi đáp.

Chính vì thế, hôm qua tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh : « Tôi nghĩ cả hai nhà lãnh đạo nên có mặt » tại Thổ Nhĩ Kỳ, và nhận định cuộc gặp vào thứ Năm giữa Nga và Ukraina có thể mang lại kết quả tốt đẹp.

Khi được hỏi liệu ông có ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Nga hay không, nếu Matxcơva từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn 30 ngày do các đồng minh của Kiev đề xuất, tổng thống Mỹ phát biểu : « Tôi có cảm giác là họ sẽ đồng ý. Tôi thực sự nghĩ vậy. »

Theo Reuters, hôm qua, sau đề xuất bất ngờ của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều đại diện cấp cao của Hoa Kỳ và châu Âu đã có các cuộc trao đổi nhằm hướng tới một lối thoát cho cuộc chiến ở Ukraina. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thảo luận về « Con đường cần theo để hướng đến ngừng bắn » ở Ukraina với một số đối tác châu Âu, trong đó có ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và đồng nhiệm Anh David Lammy. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Kaja Kallas, và ngoại trưởng Ukraina Andrei Sybiha cũng tham gia vào cuộc điện đàm.

Về phần mình, Matxcơva cho biết ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tối qua đã trao đổi với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan về cuộc thảo luận trực tiếp với Kiev. Tuy nhiên, Matxcơva không đưa ra bình luận nào về đề xuất của tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như phản ứng của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky về đề xuất đàm phán trực tiếp mà tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm Chủ Nhật 11/05.

Reuters nhắc lại lần cuối Putin và Zelensky có cuộc họp chung là vào năm 2019, trong khuôn khổ thượng đỉnh theo mô hình « Bộ Tứ Normandie » bàn về cuộc xung đột kéo dài nhiều năm tại miền đông Ukraina.


Tổng thống Mỹ công du Vùng Vịnh thắt chặt quan hệ với ba nước đồng minh Ả Rập (RFI)

Tổng thống Mỹ Donald Trump dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho ba nước đồng minh Vùng Vịnh, dự kiến ký hàng loạt hợp đồng lớn trong các lĩnh vực quốc phòng, hàng không, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và bàn về nhiều hồ sơ ngoại giao quan trọng trong vùng. Chuyên cơ của tổng thống Mỹ được đội bay F-35 hộ tống đã hạ cánh xuống Riyadh sáng 13/05/2025. Sau Ả Rập Xê Út, ông sẽ đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar.

Thông qua trung gian của các nước Vùng Vịnh, nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng có thể đóng vai trò « nhà hòa giải » trong hàng loạt hồ sơ quan trọng trong vùng.

Tháp tùng tổng thống Mỹ có rất nhiều bộ trưởng và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn, trong đó có tỉ phú Elon Musk, tổng giám đốc Blackrock, Blackstone… Cách đây 8 năm, Ả Rập Xê Út cũng là nước mở đầu cho các chuyến công du nước ngoài của tổng thống Trump. Theo AFP, quyết định này cho thấy rõ chủ trương của ông Trump ưu tiên cho kinh tế và đề cao vai trò địa-chiến lược của ba nước Vùng Vịnh.

Ả Rập Xê Út là một đối tác lớn của Mỹ. Tháng 01/2025, hoàng thái tử Mohammed ben Salmane hứa đầu tư 600 tỉ đô la đầu tư vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump đề xuất « làm tròn số thành 1.000 tỉ » và khẳng định « khi Ả Rập Xê Út và Mỹ hợp lực thì những điều tốt đẹp nảy sinh ». Riyadh muốn duy trì mối quan hệ quốc phòng với đồng minh lớn nhất thông qua các hợp đồng mua chiến đấu cơ F-35 và hệ thống phòng không. Trả lời AFP, một quan chức Ả Rập Xê Út cho biết « muốn tất cả các hợp đồng được chuyển giao trong nhiệm kỳ của Trump ».

TT Trump với Hoàng thái tử Mohammed bin Salman tại hoàng cung, thủ đô Riyadh, 5-2025

Đối với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trước chuyến công du của tổng thống Trump, Washington cho biết đã thông qua hợp đồng bán 6 máy bay trực thăng quân sự Chinook và nhiều thiết bị quân sự trị giá 1,4 tỉ đô la. Trong thông cáo ngày 12/05, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DSCA) nhấn mạnh thương vụ này « sẽ góp phần củng cố an ninh cho một đối tác quan trọng trong vùng của Mỹ ». Xa hơn thế nữa, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đặt ưu tiên vào trí tuệ nhân tạo – AI, với « cam kết đầu tư 1.400 tỷ đô la để đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào chất đốt để bảo đảm thịnh vượng cho đất nước trong tương lai », theo phát biểu của cố vấn ngoại giao Anwar Gargash. Mục tiêu của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là trở thành « một nước đi đầu thế giới về AI cho đến năm 2031 ». Nhưng mục tiêu sẽ không đạt được nếu không có chip bán dẫn tiên tiến của Mỹ. Chính quyền Abu Dhabi có thể trông cậy vào tổng thống Trump, vì ngày 08/05, ông cho biết sẽ hủy toàn bộ biện pháp thắt chặt xuất khẩu về AI mà người tiền nhiệm Joe Biden ban hành trong những ngày cuối nhiệm kỳ.

TT Trump với Qatar’s emir, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, ở Doha

Qatar, nước cuối cùng trong chuyến công du của tổng thống Trump, muốn dựa vào mối quan hệ về an ninh với Mỹ để mở rộng ảnh hưởng ngoại giao lên tầm quốc tế. Căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông đặt tại Qatar được coi là « trọng yếu » cho các chiến dịch của Mỹ ở trong vùng. Năm 2024, hai nước đã kín đáo triển hạn thỏa thuận kéo dài sự hiện diện của Mỹ thêm 10 năm. Chính quyền Doha có mối liên hệ chặt chẽ với tân tổng thống Syria, là nhà trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và lực lượng Hamas trong cuộc xung đột với Israel ở Gaza.

Về phía Qatar, hoàng tộc thông báo tặng tổng thống Trump một máy bay Boeing 747-8 trị giá 400 triệu đô la để thay cho chiếc Air Force One hiện nay và ông Trump có thể sử dụng riêng sau khi hết nhiệm kỳ. Ngày 12/05, tổng thống Mỹ bày tỏ « biết ơn » về « cử chỉ đẹp » của Qatar và khẳng định ông « không phải là kiểu người từ chối một đề nghị như vậy ». Tuy nhiên, món quà trị giá lớn này đang gây tranh cãi tại Mỹ vì bị xem là« xung đột lợi ích ».

Ngoài các hợp đồng kinh tế, tổng thống Mỹ cũng đề cập đền nhiều hồ sơ quan trọng trong vùng, như vấn đề hạt nhân Iran, đàm phán ngừng bắn với lực lượng Houthi ở Yemen, chiến tranh ở Gaza và bất ổn ở Syria.


Trung Cộng – Hoa Kỳ giảm 115% thuế suất trừng phạt đối ứng trong vòng 90 ngày (RFI)

Sau hai tháng chiến tranh thương mại, các cuộc đàm phán cuối tuần qua tại Genève về thương mại song phương Mỹ – Trung đã đạt kết quả ban đầu: Hai nước giảm 115% thuế “đối ứng” trong vòng 90 ngày. Washington sẽ giảm thuế suất xuống còn 30% đối với hàng Trung Cộng nhập khẩu vào Mỹ và Bắc Kinh sẽ giảm xuống còn 10% đối với hàng Mỹ nhập vào Trung Cộng.

Thông tin được Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và bộ trưởng Ngân Khố Scott Bessent loan báo hôm nay 12/05/2025 tại Genève.

Theo AFP, Trung Cộng hoan nghênh « những bước tiến quan trọng » đã đạt được với Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại song phương. Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Cộng xem đây là một quyết định vì « lợi ích của cả hai nước và lợi ích chung của thế giới » và bày tỏ hy vọng Washington sẽ tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh « để sửa chữa sâu rộng hành vi xấu – đơn phương tăng thuế quan đơn phương ».

Sau khi kết quả đàm phán được thông báo, thị trường chứng khoán thế giới đã  tăng điểm trở lại. Tại châu Á, vào 07g40 giờ GMT sáng nay, chỉ số thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng 3,11%. Tại châu Âu, chỉ số thị trường Frankfurt tăng 1,51%, Paris tăng 1,23% và ở Milan, giao dịch đạt mức cao nhất kể từ năm 2007, tăng 1,92%. Trên thị trường hối đoái, tỉ giá đồng đô la tăng 1,10% so với đồng euro : 1,1125 đô la đổi 1 euro.

Rõ ràng có một cảm giác lạc quan từ cả hai bên sau các cuộc đàm phán cuối tuần này ở Geneva, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Việc đình chỉ thuế quan trong 90 ngày cho Mỹ và Trung Cộng thêm thời gian để đạt được tiến triển, tuy nhiên, danh sách các khiếu nại của Mỹ còn rất dài.

Tổng thống Trump từ lâu đã không hài lòng với việc Mỹ mua lượng hàng hóa từ Trung Cộng nhiều hơn đáng kể so với lượng hàng hóa bán sang nước này.

Các mối lo ngại khác bao gồm việc thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ ở Trung Cộng, kể cả việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Ngoài ra, Mỹ còn không hài lòng về các khoản trợ cấp bị cáo buộc của chính phủ Trung Cộng, điều này mang lại lợi thế không công bằng cho các công ty của họ – điều mà Bắc Kinh nói rằng Washington cũng làm.

Và trong một số ngành công nghiệp, như sản xuất thép và nhôm, người ta cho rằng những khoản trợ cấp đó hỗ trợ sản xuất dư thừa, làm giảm giá toàn cầu, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ lập luận đó.

Thêm vào đó, có những bất đồng về các quy định trong nhiều ngành công nghiệp, từ thực phẩm đến mỹ phẩm.

Những khác biệt này đã hình thành trong nhiều năm, vì vậy rất khó để thấy tất cả có thể được giải quyết trước tháng 8/2025, nhưng tiến triển đáng kể chắc chắn sẽ làm giảm căng thẳng.

Trung Cộng thúc đẩy quan hệ với châu Mỹ Latinh

Trong khi đó, tại Trung Cộng, hôm nay chính quyền Bắc Kinh đón tiếp nhiều lãnh đạo các nước Mỹ La tinh, trước diễn đàn ngoại giao lớn vào ngày mai 13/05 với Cộng đồng các nước Mỹ La tinh và vùng Caribê (Celac), nhằm củng cố quan hệ với các nước trong vùng. Bắc Kinh hy vọng sẽ lập được một mặt trận chung với châu Mỹ La tinh để đối phó với chiến tranh thuế quan của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hai phần ba các nước Mỹ La tinh đã tham gia dự án « Những con đường tơ lụa mới » của Trung Cộng. Theo AFP, ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng gia tăng trong khu vực này : Trung Cộng đã thế chân Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại một số quốc gia như Brazil, Peru và Chilê.


Trung Cộng, Cam Bốt mở cuộc tập trận chung lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước (RFI)

Trung Cộng và Cam Bốt hôm nay, 14/05/2025, bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất từ ​​trước đến nay giữa hai nước, sử dụng các thiết bị quân sự tiên tiến của Trung Cộng, bao gồm đại pháo, tàu chiến và robot chó chiến đấu.

AFP trích dẫn thông báo của Lực lượng vũ trang Hoàng gia Khmer (RCAF), cho biết, gần 900 binh sĩ Trung Cộng và hơn 1.300 binh sĩ Cam Bốt tham gia các cuộc tập trận mang tên “Rồng Vàng”, kéo dài đến ngày 28/05. Các thiết bị quân sự tiên tiến của Trung Cộng, bao gồm xe thiết giáp, trực thăng, tàu chiến, drone trinh sát và robot chó chiến đấu, được sử dụng trong các cuộc tập trận chung này. Mục tiêu là “phát triển mối liên kết và hợp tác sâu sắc hơn” giữa quân đội hai nước. 

Theo phát ngôn viên quân đội Cam Bốt Thong Solimo, “đợt tập trận lần này lớn hơn năm 2024 về nhân sự và trang thiết bị“. Một tàu chiến Trung Cộng, chiếc Trường Bạch Sơn (Changbai Shan), đã cập cảng căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt từ thứ Hai (12/05) cùng với các trang thiết bị. Căn cứ Ream, nằm ở miền tây nam Cam Bốt đã được Trung Cộng cải tạo và đã được thủ tướng Cam Bốt Hun Manet khánh thành vào ngày 02/04 với sự hiện diện của một phái đoàn quân sự Trung Cộng. 

AFP trích dẫn ông Ou Virak, một chuyên gia chính trị Cam Bốt, nhận định, thông qua cuộc tập trận lần này, “Trung Cộng muốn phô trương sức mạnh” và gửi đi thông điệp rằng “họ là một siêu cường“.  Ngoài việc phô trương sức mạnh, Bắc Kinh cũng phải “tạo niềm tin cho các đối tác bằng cách nói với họ rằng Trung Cộng đang lớn mạnh, phát triển và trở nên hùng mạnh hơn, cả về quy mô, tiến bộ công nghệ và sức mạnh quân sự“. 

Cam Bốt cũng dự kiến ​​sẽ nhận được hai tàu chiến từ Trung Cộng. Mối quan hệ giữa Phnom Penh và Washington đã xấu đi trong những năm gần đây trong khi ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Cam Bốt ngày càng tăng thông qua hàng tỷ đô la đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. 

Colombia ký thỏa thuận với Trung Cộng để tham gia dự án « Những con đường tơ lụa mới »

Hôm nay 14/05/2025, Trung Cộng và Colombia đã ký kết 1 thỏa thuận hợp tác để quốc gia Nam Mỹ này tham gia dự án « Những con đường tơ lụa mới » của Trung Cộng.

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với tổng thống Colombia, Gustavo Petro, tại Bắc Kinh, nhân Diễn đàn ngoại giao giữa Trung Cộng với Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê – CELAC, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tuyên bố hai nước cần phải nắm bắt cơ hội này để đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới.

Bộ Ngoại Giao Colombia hoan nghênh thỏa thuận « lịch sử », xem đây là một  chặng đường quan trọng mở ra những cơ hội mới về đầu tư, hợp tác công nghệ và phát triển bền vững cho cả 2 nước.

Hiện nay, đã có 2/3 các nước châu Mỹ Latinh tham gia dự án « Những con đường tơ lụa mới » của Trung Cộng về cơ sở hạ tầng. Việc Colombia gia nhập nhóm các nước này là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Cộng tại châu Mỹ Latinh.

Sức ép của Mỹ đã không thể cản trở các nước châu Mỹ La tinh tăng cường quan hệ với Trung Cộng. Theo AFP, Trung Cộng đã soán ngôi của Mỹ, trở thành đối tác lớn nhất tại một số nước trong khu vực. Theo Tân Hoa Xã, giao thương giữa Trung Cộng với các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê nay đã tăng hơn 40 lần so với hồi đầu thế kỷ.


TT Mỹ Trump gặp TT Syria Al Sharaa tại Ả Rập Xê Út sau khi dỡ lệnh trừng phạt Damas (RFI)

Trong chuyến công du vùng Vịnh, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria, vào hôm nay 14/05/2025 ông có cuộc gặp gỡ với tổng thống Syria, Ahmed Al Sharaa.

Quyết định Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Damas được Syria xem là một bước ngoặt mang tính quyết định. Về cuộc gặp gỡ của tổng thống Mỹ với tổng thống Syria, Nhà Trắng cho biết cuộc gặp diễn ra tại Ryad trong vòng 30 phút, từ 10h07 đến 10h40, giờ địa phương, trước khi ông Trump sang Qatar.

Theo hãng tin Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự cuộc gặp qua cầu truyền hình Recep Tayyip Erdogan, hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed ben Salmane cũng có mặt tại cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Syria.

Mỹ TT Trump, hoàng tử Mohammed bin Salman (Ả Rập Saudi, trái) và TT Al-Sharaa (Syria, phải) tại thủ đô Riyadh, 14-5-25

Chuyến công du vùng Vịnh lần này đã đánh dấu sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Syria.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki giải thích thêm :

« Sau khi chế độ Bachar Al Assad sụp đổ, chính quyền Donald Trump đã giữ khoảng cách với tân chính phủ Syria. Theo báo Mỹ New York Times, một số quan chức Hoa Kỳ dường như đã bày tỏ nghi ngại về tổng thống lâm thời Ahmed Al Sharaa và liên minh của ông, do mối liên hệ với Al Qaida. Có nhiều lo ngại về các vấn đề tự do tôn giáo, quyền của phụ nữ và cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực. Vả lại, Ahmad Al Sharaa khi đó vẫn có tên trong danh sách khủng bố của Mỹ.

Cuộc gặp của Donald Trump với Ahmed Al Sharaa vào hôm thứ Tư tại Ả Rập Xê Út là cuộc gặp đầu tiên giữa một vị tổng thống Mỹ với một tổng thống Syria sau gần 25 năm. 

Tất cả những điều này diễn ra một ngày sau khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt Damas. Đây là một bước đi ngoại giao quan trọng giúp Syria tái thiết, theo giải thích của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua.

Sự thay đổi này trong chính sách của Mỹ diễn ra bất chấp các ngần ngại của Israel đối với tân chính quyền Damas. Đây cũng là một quyết định không được đồng minh của Hoa Kỳ (Israel) hoan nghênh, sau thỏa thuận của Washington với lực lượng Houthi Yemen và việc Washington nối lại các cuộc đàm phán với Iran ».

Ả Rập Xê Út ký các hợp đồng thương mại và đầu tư vào Mỹ 600 tỷ đô la

Tổng thống Donald Trump giữ lời hứa mang về cho Mỹ những hợp đồng khổng lồ với Ả Rập Xê Út. Ngày 13/05/2025, Nhà Trắng cho biết tổng trị giá các hợp đồng là khoảng 600 tỷ đô la, đúng với lời hứa trước đó của hoàng thái tử Mohammed ben Salman, trong đó có 142 tỷ đô la mua trang thiết bị quân sự « tối tân » và được coi là « hợp đồng quốc phòng quan trọng nhất trong lịch sử » Mỹ.

Những hợp đồng này nằm trong « thỏa thuận đối tác kinh tế chiến lược », đặc biệt trong các lĩnh vực quốc phòng và trí tuệ nhân tạo, được tổng thống Trump và hoàng thái tử Mohammed ben Salman ký ngày 13/05.

Công ty DataVolt của Ả Rập Xê Út cam kết đầu tư « 20 tỷ đô la vào những trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng năng lượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo » ở Mỹ. Ngoài ra, theo Nhà Trắng, còn có rất nhiều hợp đồng về công nghệ với tổng trị giá khoảng 80 tỷ đô la, liên quan đến Google, các nhà sản xuất phần mềm Oracle, Salesforce và nhà sản xuất chip bán dẫn AMD.Hoàng thái tử Mohammed ben Salman đã dành cho tổng thống 78 tuổi lễ đón tiếp trọng thị : chiến đấu cơ F-35 tháp tùng chuyên cơ Air Force One hạ cánh xuống sân bay, đội kị binh nghênh đón và sự lộng lẫy của hoàng cung. Tổng thống Donald Trump hài lòng khi phát biểu rằng « Tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi rất quý mến nhau ». Sau Ả Rập Xê Út, tổng thống Mỹ đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar.


Ngưng bắn ở Kashmir: Ấn Độ và Pakistan cáo buộc nhau vi phạm tại một số điểm tranh chấp (RFI)

Ấn Độ và Pakistan, hôm 11/05/2025, cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngưng bắn bất ngờ đạt được ở Kashmir vào một ngày trước, 10/05. Theo ngoại trưởng Ấn Độ, nước này đã đáp trả các hành động vi phạm liên tiếp từ phía Pakistan. Trong khi đó, phía Islamabad khẳng định vẫn tuân thủ thỏa thuận và quân đội Pakistan đang kiềm chế và xử lý tình hình một cách có trách nhiệm.

Các phóng viên AFP tại Srinagar, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn. Về phần mình, một quan chức cấp cao ở Kashmir do Pakistan kiểm soát cũng xác nhận các vụ đấu súng diễn ra rải rác dọc đường kiểm soát Ấn Độ – Pakistan (LoC).

Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin cho biết cụ thể :

« Ngay trong đêm qua, lệnh ngưng bắn đã bị vi phạm bởi những cuộc nổ súng ở biên giới mà hai quốc gia cáo buộc nhau là tác giả. Tuy nhiên, những cuộc đụng độ nhỏ như vậy là điều thường xảy ra, gần như theo phản xạ, mỗi khi có căng thẳng giữa hai nước. Do đó, còn quá sớm để nhận định thỏa thuận không còn hiệu lực.

Các chiến dịch không kích bao gồm việc sử dụng drone bên trong lãnh thổ đối phương, dưới sự chỉ đạo của các chỉ huy quân sự cấp cao, đã dừng lại. Đó chính là những hoạt động có thể khiến căng thẳng bùng nổ trong khu vực.

Tính đến sáng hôm qua, chiến sự vẫn bị cho là đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Phát ngôn viên của quân đội Pakistan đã phát động một chiến dịch tấn công lớn nhắm vào Ấn Độ sau một đêm giao tranh ác liệt bằng drone.

Tối hôm qua, lệnh ngưng bắn được công bố bất ngờ theo kiểu đậm chất Donald Trump, sau khi có sự xác nhận của chính quyền hai nước, đã mang lại sự nhẹ nhõm lớn trên thực địa.

Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận này có bao gồm cơ chế giải quyết bất đồng giữa hai bên hay không. Hiện tại, nguồn gốc của xung đột vẫn còn nguyên vẹn : vụ tấn công khủng bố ở Kashmir thuộc Ấn Độ mà New Delhi quy trách nhiệm cho Islamabad, trong khi Pakistan phủ nhận có dính líu đến vụ này. Do vậy, khủng hoảng giữa hai nước vẫn còn âm ỉ. »

Vai trò của Mỹ trong thỏa thuận ngưng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan

Trên mạng xã hội Truth Social, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết « rất tự hào » về Ấn Độ và Pakistan đã « khôn ngoan » chấp thuận ngưng bắn. Chủ nhân Nhà Trắng cũng thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác thương mại với hai cường quốc Nam Á này. Dù cả hai bên đã tố cáo nhau vi phạm lệnh ngưng bắn, phải nói rằng Washington đã đóng vai trò không nhỏ trong cuộc thương lượng, làm trung gian hòa giải giữa hai nước.

Từ Washington, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm thông tin :

« Vốn có quan hệ hữu hảo với cả Ấn Độ lẫn Pakistan, Hoa Kỳ đã đề xuất làm trung gian, không lâu sau vụ tấn công tại Kashmir. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã được thúc đẩy nhanh chóng, sau khi Ấn Độ tấn công vào một căn cứ không quân của Pakistan và cuộc đáp trả của Islamabad vào các cơ sở của New Delhi.

Cuộc leo thang quân sự đã khiến Washington hành động. Tổng thống Donald Trump đã nói về ‘cả đêm’ đàm phán để đạt được thỏa thuận về lệnh ngưng bắn này. Thủ tướng Pakistan đã công khai cám ơn tổng thống Trump. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio thì bảo đảm rằng chính phủ hai nước đã chấp nhận khởi động đàm phán về nhiều vấn đề tại một địa điểm trung lập.

Về phía Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres đã nhiều lần tiếp cận ngoại giao với cả hai phía, nhưng thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như từ chối đối thoại với cơ quan này. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cũng hy vọng thỏa thuận này sẽ mở ra một nền ‘hòa bình lâu dài’ và thiết lập đối thoại để giải quyết các vấn đề chia rẽ hai nước từ nhiều năm qua.

Là thành viên của Hội Đồng Bảo An, Pakistan đang xem xét đến việc để định chế này phê chuẩn lệnh ngưng bắn. Tuy nhiên, các nỗ lực này có thể đổ bể khi cả hai nước đang cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngưng bắn. »


Thánh lễ đầu tiên khai mạc Triều đại: Giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi chấm dứt các chiến tranh, xung đột (RFI)

Trong thánh lễ đầu tiên, khai mạc triều đại giáo hoàng, tại quảng trường thánh Phêrô, Vatican, hôm nay Chủ nhật 11/05, giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Ukraina, tại Gaza và nhiều nơi khác.

Theo AFP, trước một trăm nghìn tín đồ tập hợp tại đây, tân lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ đã chủ trì đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lần đầu tiên. Sau bài kinh là phát biểu đầu tiên của tân giáo hoàng. Giáo hoàng Lêô XIV nhắc lại thảm kịch khủng khiếp của Thế chiến thứ hai 80 năm trước, đã cướp đi sinh mạng của 60 triệu người, và việc cố giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nhấn mạnh về một cuộc « Thế chiến thứ ba cục bộ » đang diễn ra. Giáo hoàng Lêô XIV kêu gọi « các nhà lãnh đạo thế giới » đừng để chiến tranh tiếp diễn.

Đức giáo hoàng Lêô XIV

Tân giáo hoàng đã yêu cầu một nền hòa bình « công bằng » và « bền vững » tại Ukraina, ngừng bắn tại Gaza và trả tự do cho các con tin. Ngài cũng chào mừng Ấn Độ và Pakistan vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn, và cầu Chúa để thế giới « nhận được phép lạ của hòa bình ».

Tiếp nối di sản tinh thần của giáo hoàng Lêô XIII và giáo hoàng Phanxicô

Hôm qua, hai ngày sau khi đắc cử, trong cuộc gặp các hồng y, tân giáo hoàng Lêô XIV đã phác họa một số đường nét chính của triều đại giáo hoàng. Ngài giải thích việc chọn « Lêô » làm tông hiệu là để kế thừa truyền thống của giáo hoàng tiền nhiệm Lêô XIII, với tông huấn lịch sử Rerum novarum (Tân sự), từng tạo lập nền tảng cho « đường hướng hành động vì xã hội » của Giáo hội Công giáo, trong bối cảnh cuộc « đại cách mạng công nghiệp đầu tiên ».

Tân giáo hoàng nhấn mạnh đến việc dựa trên di sản tinh thần này, Giáo hội Công giáo hiện nay cần tiếp tục mang lại những câu trả lời cho « một cuộc cách mạng công nghiệp khác, cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và người lao động ».

Tân giáo hoàng người Mỹ đầu tiên đã ca ngợi phẩm chất « tận hiến » của người tiền nhiệm, về « tinh thần đối thoại dũng cảm và đầy tin tưởng với xã hội đương đại »« mối quan hệ gắn bó với những người thấp cổ bé họng nhất trong xã hội »… của cố giáo hoàng người Achentina. Vị giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo đã đến mặc niệm cố giáo hoàng Phanxicô tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (SainteMarieMajeure), Roma, hôm qua.

Sự gắn bó của người dân Peru với vị giáo hoàng người Mỹ

Giáo hoàngLêô XIV là người Mỹ, nhưng ông đã trải qua gần nửa đời người tại Peru, một quốc gia Nam Mỹ. Thành phố Chiclayo, nơi Roberto Francis Prevost đã sống 9 năm, tràn ngập niềm vui khi cha Roberto đắc cử giáo hoàng.

Phóng sự của đặc phái viên Martin Chabal gửi về từ Chiclayo :

« Ở Chiclayo, chân dung của tân giáo hoàng được treo tại nhà thờ chính tòa của thành phố. Phía bên kia đường là một nhà hàng đang chào mừng việc giáo hoàng Lêô XIV được bầu chọn. Đây không phải là một nhà hàng bình thường.

‘‘Xin chào, chúng tôi nghe nói đây là nhà hàng yêu thích của giáo hoàng’’. Một người phụ nữ đáp lời : ‘‘Đúng vậy ! Ông từng đến đây để dùng món thịt lợn rán, một đặc sản của vùng, và bữa sáng kiểu Mỹ. Bây giờ chúng tôi bán ‘‘Bữa trưa Lêô XIV’’, với thực đơn là những gì ông đã ăn ở đây’’.

Cách đó 20 mét, phía trước nhà thờ, nhiều tín đồ vẫn còn tràn ngập trong xúc động khi nhớ lại họ đã từng được gần gũi với giáo hoàng tương lai như thế nào.

Rocio mang theo một vài bức ảnh. Cô nói : ‘‘Đây là mẹ tôi, và kia là Đức giáo hoàng. Trên bức ảnh này, có các cháu của bà. Đây là con trai tôi, bên cạnh Đức giáo hoàng. Mẹ tôi luôn nhớ đến một người đàn ông rất gần gũi với tín đồ’’. Rocio nói: ‘‘Tôi đặc biệt nhớ khi thấy ông chào đón mọi người với thái độ vô cùng khiêm nhường và bình tĩnh. Ông ấy khiến tôi rất tò mò’’.

Mọi người đều có kỷ niệm riêng về cha Roberto, như người dân Chiclayo gọi ông. Và mặc dù giáo hoàng tương lai chỉ ở thành phố này 9 năm, nhưng ông đã trải qua gần nửa đời mình ở miền bắc Peru. Nhiều người đã đến từ các thị trấn lân cận để tham gia vào ngày hội hôm nay.

Giờ đây họ mơ ước cha Roberto trở về Chiclayo, nhưng lần này với tư cách giáo hoàng. »


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam lập tổ chống hàng nhái, hàng giả

CSVN vừa phát động phong trào thi đua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Theo các báo cáo, những tháng đầu năm 2025, nhiều địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần phát động phong trào thi đua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa bốn tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 53,2 tỷ USD.


Hàng hóa từ Hoa Lục vào Việt Nam chỉ một ngày

Lần đầu tiên xe chở hàng của Trung cộng vận chuyển vào nội địa Việt Nam qua vận tải đường bộ quốc tế từ Trung cộng tới Hà Nội (Việt Nam) đã chính thức được khai trương. Hai tuyến vận tải này kết nối Trung cộng qua cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) và cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Quảng Tây) tới Hà Nội.

Đoàn xe tải chở hàng chờ qua cửa khẩu

Việc vận chuyển trực tiếp này áp dụng phương thức “một thùng hàng đến đích” và “một xe tải đến đích”, qua đó phát huy tối đa ưu điểm của vận tải đường bộ, hiệu quả cao và tỷ lệ luân chuyển thấp. So với phương thức vận chuyển truyền thống, mỗi xe tải có thể tiết kiệm được thời gian khoảng 1 ngày và chi phí có thể tiết kiệm được từ 800-1.000 nhân dân tệ (khoảng 2,8- 3,6 triệu VND).

Việt Nam hiện mua rất nhiều hàng hóa của Trung cộng, chỉ trong 4 tháng dấu năm 2025 Việt Nam mua của Tầu đến 53,2 tỷ Mỹ kim.

Việt Nam chủ yếu nhập cảng các mặt hàng từ Trung cộng như nguyên vật liệu, hàng điện tử, và sản phẩm tiêu dùng. Khi nhập cảng gia tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, làm tăng sự phụ thuộc vào các sản phẩm Trung cộng và cho thấy bức tranh thương mại mất cân đối.


Giá vàng thay đổi nhanh, nhà đầu tư phải cẩn trọng

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung cộng) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa trả lời câu hỏi của báo chí về diễn biến mới nhất của thị trường vàng và triển vọng thị trường vàng đến cuối năm.

Ông Shaokai Fan cho rằng việc Mỹ và Trung cộng đạt được thỏa thuận bước đầu tạm hoãn áp thuế ảnh hưởng ngay lập tức đến giá vàng. Điều này cũng phù hợp với kỳ vọng vì giá vàng biến động trong thời gian qua chủ yếu là do căng thẳng thương mại.

Đây là bước đi tích cực dù thỏa thuận chưa làm mất đi rào cản vốn đã dựng lên kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ. Vẫn còn quá sớm để nói về tác động, mà cần quan sát sau 90 ngày thì điều gì xảy ra. Ông cảm nhận Mỹ hiện đang áp dụng cách tiếp cận mang tính ôn hòa hơn về thương mại.

Hiện nay, căng thẳng thương mại là nhân tố mang tính chi phối và ảnh hưởng đến vàng nhiều hơn các yếu tố khác. Tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quan điểm, lập trường dài hạn của Mỹ và cách thức thị trường nhìn nhận, đánh giá và diễn giải mỗi quan hệ giữa các quốc gia, đồng đô la và trái phiếu Mỹ.

Về triển vọng thị trường vàng đến cuối năm, ông cho biết các ngân hàng trung ương đã chậm lại trong việc mua vàng vào quí 1 năm nay, nhưng xét tổng thể thì việc mua vào vẫn rất mạnh. Dư địa mua vào vẫn còn vì hiện vàng chỉ chiếm 5-10% trong dự trữ của các ngân hàng trung ương. WGC đang tiến hành cuộc khảo sát hàng năm với các ngân hàng trung ương, kết quả sẽ có vào cuối tháng 6 tới.

Dự báo dòng vốn đổ vào quỹ ETF vàng (quỹ hoán đổi danh mục) trong tháng 4 đã kết thúc giai đoạn vốn chảy mạnh. Tháng 5 có thể là xu hướng ngược lại, dòng vốn chảy ra.

Trong trung và dài hạn thì lạm phát của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến giá vàng. Nếu lạm phát tăng thì dễ dẫn đến nguy cơ suy thoái và phản ứng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

“Chính sách đàm phán thương mại là yếu tố chi phối những tháng còn lại năm nay, nhưng mọi thứ cần có thời gian để trả lời. Mọi thứ vẫn là không dễ đoán và nhà đầu tư có thể tìm đến vàng để bảo toàn giá trị trong bối cảnh còn nhiều bất ổn”- ông Shaokai Fan đánh giá.


Thú vui nông nghiệp

Với thâm niên hơn 30 năm trồng bí, ông Lê Bá Biên (75 tuổi) cho hay, loại bí này trồng rất khó, đòi hỏi người trồng phải có sự chăm sóc đặc biệt. Để đạt được năng suất theo ý muốn, tốt nhất mỗi dây bí chỉ chọn lấy 1 quả để nuôi.

Theo ông Biên, bí đao “khổng lồ” được ví như sản phẩm đặc trưng của vùng đất Mỹ Thọ . Đến nay vẫn chưa thể lý giải vì sao bí đao ở vùng đất lại cho quả to đến vậy.

Người làng Chánh Trạch cho rằng giống bí độc nhất vô nhị cho trái to khổng lồ là do thổ nhưỡng hiếm có và một phần do giống bí được người dân lưu giữ bao đời nay, rồi cách trồng chăm sóc.

“Tôi cũng đã bán hạt giống cho rất nhiều người rồi, nhưng khi đem về nơi khác trồng thì quả to lắm cũng chỉ từ 30 kg trở xuống”, ông Biên nói.

Ông Biên cho biết, gia đình ông trồng khoảng hơn 200 dây bí trên phần diện tích khoảng 500 m2. Sau 5 tháng xuống giống, đến nay vườn bắt đầu vào chính vụ thu hoạch . Trọng lượng bình quân mỗi quả bí đạt khoảng 30 kg, cá biệt có quả nặng tới gần 60 kg.

“Tôi nhẩm tính, năng suất vụ này đạt trên 6 tấn quả. Với giá bán tại vườn dao động ở mức 10.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hàng chục triệu đồng”, ông Biên chia sẻ.

Hiện tại, toàn thôn Chánh Trạch 2 có khoảng 20 hộ trồng bí đao khổng lồ . Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thị trường, các hộ còn phát triển du lịch trải nghiệm tại vườn.

Ông Nguyễn Kim Trắc – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ ( huyện Phù Mỹ ) cho hay, khó khăn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm, vì thế diện tích trồng cũng chưa được mở rộng nhiều. Bí đao sau thu hoạch chủ yếu bán ở chợ truyền thống, một ít được xuất bán ra các thị trường ngoài tỉnh. Bên cạnh đó còn bán cho du khách mua làm quà khi đến tham quan trải nghiệm tại vườn.