Bao Bất Đồng

Chiều chủ nhật, Melbourne đang tiết Xuân mà trời bỗng dưng dở quẻ. Mưa tầm tã, mưa lê thê, mưa sụt sùi. Đã mưa lại còn gió. Gió lồng lộng, gió thê thiết, gió ào ào. Báo hại Bao bất Đồng vốn là tên khoái đi dông đi dài, mà nay đành phải bó gối để rù rù ngồi gãi háng.

người lính VNCH

Đang ấm ức bỗng có ba hán tử lạ hoắc đến gõ cửa nhà. Bao mỗ kinh hãi lắm, bởi đấng nào đấng nấy to như hộ pháp, lại mặt mũi như Bao Công, lại râu ria như Trương Dực Đức. Một người cười ha hả: – Yên chí lớn ! Yên chí lớn ! Anh em ta tới đây tuyệt không phải để bốc thơm và càng tuyệt cóc phải để bốc máu. Mà là để xin Bao tiên sinh cho uống chén rượu nhạt. Bởi cổ nhân có câu “Bất xuất tôn trở chi gia, nhi chi thiên lý chi ngoại”, nghĩa là “Muốn biết việc ngoài nghìn dặm chẳng gì bằng cùng bằng hữu nhâm nhi ba sợi”.

Bao mỗ cực kỳ cảm khái, bèn một tay kéo ghế, bèn một tay khui chai Hennessy. Sau khi đã ngà ngà, đấng mặt đen phát biểu:

– Bọn ta khoái đọc “Nói chuyện với đầu gối”, một phần vì cái văn phong không giống ai, một phần vì thấy những người lính được vinh danh. Hỡi ôi, chỉ mới đây thôi, đài truyền hình Úc liên tiếp chiếu mấy phim thổ tả.

– Phim thổ tả ?

– Là phim ỉa ra nước, phim bệnh hoạn, phim đểu cáng, phim bố láo. Dưới ống kính ma mãnh của bọn tiêu bạc giả Tây phương, các chiến binh QLVNCH nếu không nhát như thỏ rừng thì cũng dã man không kém phường thảo khấu. Không phải chỉ có bây giờ, mà đã từ lâu, chúng in sách, chúng in báo, chúng làm phim để bôi bác, để vấy bùn, để lố bịch những người lính anh dũng của chúng ta. Mẹ kiếp, ngay trong khối người Việt lưu vong, nếu ai không coi thì thôi, mà đã coi thì cũng có nhiều kẻ bị ngộ nhận.

Bao Bất Đồng lắt đầu quầy quậy:

– Không phải vậy đâu là không phải vậy đâu. Bọn phù thủy lập lờ đánh lận con đen với dân Úc dân Mỹ thì họa may, chớ đối với người Việt tỵ nạn thì còn khuya…

– Ô kê, đối với chúng ta, hay đối với những người đã tham dự cuộc chiến thì quả là… còn khuya. Nhưng đối với thế hệ lớn lên sau 75, những đàn con đàn cháu thì có khác. Đã không ít những bậc phụ huynh đã bị bọn trẻ đặt những câu hỏi rất ư là tréo cẳng ngỗng. Nọc độc văn hóa chẳng ít thì nhiều cũng đã khiến cho các em có cái nhìn lệch lạc về cuộc chiến tự vệ của cha ông. Hán tử mặt vàng tiếp lời bạn:

– Thế nên, trước vấn nạn nan giải này, chúng ta chẳng có cách nào khác là… giải độc. Mà một trong những phương cách giải độc hữu hiệu nhất là báo chí. Những chữ nghĩa của Bao huynh, dù chỉ là “Nói chuyện với đầu gối”, cũng đã đóng góp tích cực vào sứ mạng này.

– Không dám ! Không dám !

– Và hôm nay bọn ta đến đây, ngoài cái sự uống chén rượu làm quen, còn xin mượn tí ngòi bút của Bao Bất Đồng để tôn vinh những người lính anh hùng của một thời xưa oanh liệt.

– Cứ tự nhiên ! Cứ tự nhiên !

– Để tránh tiếng mèo khen mèo dài đuôi, và cũng để dĩ độc trị độc, chúng tôi nhường công tác này cho người Mỹ.

– Người Mỹ ???

– Phải ! Bên cạnh những chú Sam phản chiến chuyên đâm sau lưng Quân Lực ta, còn có những chú Sam chân chính biết tôn trọng sự thật. Đại huynh có nghe danh đại-tá Ripley, đương kim Chỉ Huy Phó Trường Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ bao giờ chưa ?

– Chưa.

– Xưa, Ripley là đại-úy cố vấn cho Tiểu-đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuốn hồi ký “The Bridge at Đông Hà”, Ripley đã kể lại một kỳ tích có một không hai trong quân sử thế giới là… “Một trung sĩ Việt Nam đã một mình một súng đánh cầm chân một Sư đoàn Cộng sản” !

– Lạy Chúa tôi ! 1 người đánh 1 sư đoàn ???

– Đúng ! Chuyện khó tin nhưng có thật !

Chuyện xảy ra vào năm mùa hè đỏ lửa. Khi Bắc quân bất thần xua đại binh vượt qua sông Bến Hảị Thế giặc lúc ấy mạnh như chẻ tre, nhưng tới cầu Đông Hà thì gặp… Triệu Tử Long thời đại. Đại-tá Ripley viết… “Một TQLC thuộc tiểu-đoàn VN đã leo ra khỏi hố cá nhân và bò tới đầu cầu phía Nam. Anh ta mang trên lưng hai cây súng M72 và kéo theo hai thùng đạn rỗng để làm khiên che đạn. Đó là Trung-sĩ Nguyễn văn Lượm, tiểu-đội-trưởng tiểu-đội chống xe tăng. Và một huyền thoại đã xảy ra, một huyền thoại mà chính tôi đã tận mắt chứng kiến. Lượm đã đánh, đánh đơn thương độc mã trước một đối thủ mạnh va đông hơn anh gấp… mười ngàn lần !”

– Hết xẩy ! Hết xẩy !

– Sau này, cựu Trung-tá G. Turley, nguyên cố vấn binh chủng TQLC/QLVNCH và nay là Phụ tá Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, cũng đã viết về chiến tích của Trung-sĩ Nguyễn văn Lượm trong cuốn “The Easter Offensive” như sau… “Cuộc đối đầu giữa một David Á châu với khối thép Goliath bắt đầu. Cảnh một TQLC/QLVNCH hơn bốn chục ký nằm ngay trên đường tiến quân của một đoàn xe tăng mỗi chiếc bốn chục tấn. Về một phương diện nào đó là một điều điên cuồng. Nhưng về một khía cạnh khác, nó đã khơi dậy lòng quả cảm cho một lực lượng phòng thủ quá mong manh. Ít có người nào chứng kiến được một hành động thách đố oai hùng như thế… Phát đạn M72 đầu tiên của Lượm bị hụt, phát thứ nhì trúng vào pháo tháp bốc cháy. Chiếc T54 đằng sau phát hoảng sợ, nó lùi lại, rồi cả một đoàn xe tăng khổng lồ bỗng quay đầu chạy. Đợt tấn công như nước vỡ bờ của một lực lượng hơn một sư đoàn Bắc việt đã bị tạm thời chặn đứng do hành động can đảm của một cá nhân… một người lính của quân đội Miền Nam Việt Nam…”

Nghe xong, Bao Bất Đồng hỏi:

– Hiện giờ, Triệu Tử Long thời đại ở đâu ?

Hán tử mặt đen thở dài:

– Trung-sĩ Lượm đã anh dũng hy sinh sau đó mấy tháng trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị !

Thôi thì, xin được cúi đầu trước anh linh của người lính vĩ đại nhất quân sử.


Bao Bất Đồng