Vào những ngày đầu tháng Tư, mặt trận miền Trung đã vỡ, làn sóng người di tản tràn ngập Sài Gòn. Vùng 4 tương đối vẫn còn yên tĩnh. Sài Gòn mất chỉ còn là vấn đề thời gian. Có tin Chính phủ sẽ triệt thoái về Vùng 4 để cố thủ. Có tin sắp đảo chánh. v.v…
Tầm nhìn của Ðại Bàng
Ðô Ðốc Cang với tầm nhìn xa của một vị Tướng đã thấy rõ vấn đề, phải di tản Hạm Ðội, không thể nào để Hạm Ðội lọt vào tay giặc, dù Chính Phủ có rút về Vùng 4 hay không. Bằng mọi giá Hạm Ðội phải ra khơi vào giờ phút thích hợp nhất. Muốn ra khơi êm đẹp, bảo tồn được Hạm Ðội thì thủy lộ Soài Rạp và Lòng Tào phải tốt. (Sông Lòng Tào và Soài Rạp là 2 thủy lộ chính từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Sông Lòng Tào rất hẹp, quanh co nhưng khá sâu là thủy trình chính của thương thuyền và Chiến hạm, trong khi đó sông Soài Rạp lớn hơn nhưng khá cạn, do đó chỉ sử dụng khi cần thiết.)
Ðô Ðốc Cang liền ra lệnh thành lập ngay Lực Lượng Ðặc nhiệm 99, lấy tàu từ những đơn vị tinh nhuệ của sông ngòi. Người chỉ huy ? Còn ai nữa ! Ðánh giặc “tới” nhất trong Hải quân ai cũng biết là Huỳnh Duy Thiệp và Lê Hữu Dõng. Ông Thiệp thì đã biệt phái qua làm Giám đốc Thương cảng Ðà Nẵng và đang bị kẹt ngoài đó, sống chết chưa biết, chỉ còn lại ông Dõng, tên thật xứng với người ! Ðô Ðốc Cang nói với chánh văn phòng : “Gọi ngay Ðại Tá Dõng về gặp tôi gấp, nội trong ngày hôm nay.”
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Lực Lượng Ðặc Nhiệm 99 được thành lập. Trong khẩn cấp, các đơn vị sau đây đã được lấy về :
– Giang đoàn 42 ngăn chận.
– Giang đoàn 59 tuần thám.
– Ðại đội Hải kích.
– Ðịa phương quân.
– Một số Giang đĩnh lấy ra từ những Giang đoàn Thủy bộ, Xung phong gồm tất cả 62 Chiến đĩnh, một mũi xung kích mạnh mẽ nhất của HQVNCH lúc đó.
Nhiệm vụ:
– Lực lượng sẽ là đơn vị hậu vệ nặng để bảo vệ Chính phủ rút về Miền tây khi tình hình xấu.
– Bảo vệ an ninh thủy trình Soài Rạp và Lòng Tào trong trường hợp phải di tản.
– Bảo vệ Bộ Tư Lịnh Hải Quân nếu có đảo chánh.- Nhận lệnh trực tiếp từ Tư Lệnh Hải Quân.
Tầm hoạt động:
– Không giới hạn.
– Tùy theo tình hình.
Bàn cờ đã đến hồi chung cuộc. Ðô Ðốc Cang còn làm gì hơn được ? Bảo toàn cho Hạm đội di tản an toàn, cho Hải quân, cho đồng bào vào những ngày bi thảm cuối cùng của cuộc chiến đó là điều cuối cùng mà Ðô Ðốc Cang có thể làm đươc trong tầm tay của mình. Và Ðô Ðốc Cang đã chọn lưỡi kiếm bén nhất, tấm khiêng chắc nhất trao vào tay người đàn em lì lợm, chịu chơi nhất của ông : Hải Quân Ðại tá Lê Hữu Dõng.
Vàm Cỏ máu và lửa
Sau khi Khmer Ðỏ xâm chiếm Cao Miên, Cộng sản Bắc việt kéo quân ào ạt qua biên giới Miên Việt đông như kiến, hung hãn với ý đồ cắt đứt Quốc lộ 4,tràn ngập Sài Gòn theo hướng Tây nam, khóa chặt thủy lộ Lòng Tào Soài Rạp, bắt sống Hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, tịch thu toàn bộ làm chiến lợi phẩm… Kế hoạch chắc ăn như bắp, miếng mồi ngon như miếng mỡ. Nhưng khi kéo quân ào ạt đến bờ Tây sông Vàm Cỏ thì Bắc quân đành phải khựng lại. Tới đây Bắc quân đã đụng ngay một bức trường thành thép và lửa do Ðô Ðốc Cang dựng nên : Tướng trấn ải là Hải quân Ðại tá Lê Hữu Dõng, vị Đại tá trẻ và đánh giặc chì nhất của Hải quân VNCH. Trong tay Ðại Tá Dõng có hơn 60 Giang đĩnh đủ loại thuộc các Giang đoàn Xung phong, Thủy bộ Ngăn chận, và một Đại đội hải kích đủ sức đốt cháy những tham vọng điên cuồng nhất của địch quân.
Bắc quân đành phải ém quân thật kỹ lại bên bờ tây sông Vàm Cỏ chờ cơ hội vượt sông. Nhưng cơ hội đó không bao giờ tới. Họ đã trễ một bước. Trên sông Vàm Cỏ, ngày cũng như đêm, bao giờ cũng có hơn chục chiến đĩnh tuần tiểu tới lui, sóng cuộn cả một vùng sông nước mênh mông.
Bảy ngày đêm trôi qua, Tướng Việt cộng Lê đức Anh như ngồi trên đống lửa, cả 3 Công trường 5, 7 và 9 dưới quyền của ông ta đều hoàn toàn bị vô hiệu hóa, không tiến được một bước, mũi nhọn của mặt giáp công phía Tây Nam đã bị cùn. Ðau thật, mang tiếng là Quân đội Nhân dân. Bách chiến bách thắng, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng mà phải bó gối ngồi đây, ho một tiếng lớn cũng không dám. Nhục thật ! Ðành phải nướng quân thôi. bất kể giá nào. Dù phải đẩy bao nhiêu lính vào tử địa cũng phải làm, mạng người đâu có sá gì so với sự nghiệp của “Bác và Ðảng”. Bộ tư lệnh Bắc quân quyết định “Dụ địch vào trận địa pháo, tiêu diệt gọn các tàu địch, tạo điều kiện vượt sông, giải phóng Sài Gòn vây chặt Hạm đội địch vào rọ.”
Vào ngày 16 tháng 4, Ðại tá Dõng dẫn đại bộ phận Lực Lượng Ðặc Nhiệm 99 đi giải tỏa áp lực địch trên kinh Thủ Thừa. Ông chọn những Chiến đĩnh có hỏa lực mạnh nhất, những chiếc còn lại vẫn thay phiên nhau tuần ti,u trên sông Vàm Cỏ. Ðội hình vẫn như thường lệ. Toán tiền phong gồm những Giang đĩnh gọn, nhanh, hỏa lực mạnh. Soái Ðĩnh đi giữa sau đó là những Quân vận đĩnh, Pháo đĩnh đi đoạn hậu,v.v… Ðoàn tàu đi thật sát bờ, càng sát càng tốt, kinh nghiệm chiến đấu bao nhiêu năm trên sông dạy cho ông như vậy. Ðoàn giang đĩnh di chuyển đúng đội hình, giữ khoảng cách đều đặn, truyền tin liên lạc tốt như đang diễn tập. Ðại Tá Dõng mĩm cười hài lòng. Ông không biết là ông đang dẫn đoàn tàu đi vào trận địa pháo đang dương sẳn.
Cách Thủ Thừa chừng 5 cây số về hướng Nam, ngay rạch Cần Ðốt, khoảng một Đại đội Việt cộng đang tắm sông với nhiệm vụ la lối, đùa giỡn càng lớn càng tốt. Trên bờ trận địa pháo đã hờm sẳn, thuyền ghe trưng dụng của dân đã xong. B40, súng chống chiến xa, đại liên, trung liên đã sẵn sàng.
Trên soái đĩnh, Thượng sĩ Hiếu – cận vệ, một đàn em thân tín nhất của Ðại Tá Dõng, đã theo ông từ thuở ban đầu, thời ông còn Trung úy – đặt ống dòm quan sát bên kia bờ, thấy nước bắn lên tung tóe, đầu người lố nhố. Lạ thật, đâu mà nhiều người tắm thế trên một khúc sông không một xóm nhà này. Thôi chết rồi, Việt cộng. Thượng sĩ Hiếu chỉ tay về phía ấy và trình báo với Ðại Tá Dõng : “Ông Thầy, Việt cộng đang tắm.”
Ðại Tá Dõng quan sát thật kỹ, sau một giây suy nghĩ, ra lệnh : “Ủi vào tấn công !” Các Chiến đĩnh quay mũi về bên kia bờ sông, dàn hàng ngang, dồn tất cả hỏa lực vào địch, súng lớn, súng nhỏ trên các giang đĩnh nhả đạn như mưa. Trong khi ấy, pháo địch bắt đầu rơi lỏm tỏm xuống sông tạo thành những cột nước tung toé. Pháo địch càng lúc càng dày. Vài chiến đĩnh đã bị trúng đạn, quay mũi chạy về bờ đông nơi đó có một Quân vận đĩnh (LCM) đã được cải biến để làm Bệnh viện Dã chiến như kế hoạch đã vạch. Những chiếc khác vẫn lầm lũi tiến vào bờ vừa đi vừa khạc đạn… Ðoàn chiến đĩnh càng lúc càng đâm gần bờ 200 thước…100 thước… Pháo và súng địch bắn ra xối xả. Các chiến sĩ Giang đoàn không một chút nao núng, vẫn ủi tàu vào vị trí địch. Ðoàn tàu càng tiến gần, pháo địch càng vô hiệu vì tầm bắn quá ngắn… 80 thước… 70 thước… 50 thước… 40 thước. Súng lớn súng nhỏ vẫn nổ vang trời. Bắc quân vẫn lì lợm chống trả, không tháo chạy. Ðại Tá Dõng ra một đường gươm thật hiểm: Hai chiếc phóng hỏa đĩnh nhào đến, phóng 2 luồng lửa kinh khiếp, độ nóng thép cũng phải chảy, đừng nói chi đến da thịt con người.
Bắc quân tháo chạy. Chiến trường từ từ dịu lại rồi im bặt. Ðại Tá Dõng ra lệnh đổ bộ, thu dọn chiến trường. Xác Bắc quân nằm la liệt. Vũ khí tịch thu : AK, súng trường nhiều như củi mục, 12 khẩu B40, 2 khẩu 12 ly 8, 4 khẩu 82 ly… Lực Lượng Ðặc nhiệm 99 chỉ có 2 chiến đĩnh bị hư hại nhẹ và một số nhỏ Chiến sĩ bị thương. Trận địa pháo của Bắc quân đã biến thành trận “Tẩu pháo”. Chúng đã ôm đầu máu vất súng mà chạy vì đã không đánh giá đúng hỏa lực và tinh thần chiến đấu của các Chiến sĩ Giang đoàn trong Lực Lượng Ðặc Nhiệm 99 dưới tài Chỉ huy của Hải Quân Ðại Tá Lê Hữu Dõng.
Bắc quân điên tiết sau cuộc thảm bại hôm trước. Họ kéo quân đông hơn đến Rạch Cầu Ðót, hỏa lực cũng mạnh hơn. LLÐN 99 lại đụng địch nặng nề ở đó. Chiếc pháo đĩnh Chỉ huy của giang đoàn Ngăn Chận trúng 82 ly không giật trực xạ. Chỉ huy trưởng, Thiếu tá Phạm Ngọc Lộ thuộc khóa 12 và 3 nhân viên bị thương. Nhờ đi sát bờ nên Chiến đĩnh đã kịp thời ủi bãi, không chìm dù tàu bị thủng lỗ. Ðại Tá Dõng cũng bị thương nhưng ông vẫn ở lại trên Soái đĩnh cho đến khi tàn cuộc.
Những ngày sau đó, Lực Lượng Ðặc Nhiệm 99 đụng địch liên tục. Bắc quân vẫn không tiến được bước nào và cũng không gây thiệt hại nào đáng kể cho Lực Lượng nên chúng đổi chiến thuật, tạm ngưng giao chiến trên bờ. Ðêm đêm, Bắc quân tung từng đợt người Nhái, lợi dụng lúc tối trời, tấn công các Giang đĩnh nhưng với sự phòng thủ chặc chẽ và đôi khi người Nhái ta phải cận chiến bằng dao găm. Người Nhái địch đã bị hạ sát nhiều.
Ngày 23 tháng 4, trong tuyệt vọng, Bắc quân tung ra một cuộc tấn công “Thí chốt bắt xe” cuối cùng. Cấp chỉ huy của Bắc quân bắt đầu xài sinh mạng binh lính dưới quyền như xài bạc giả. Họ trưng dụng tất cả ghe thuyền của dân, chất đầy lính, ào ạt nhào ra tấn công, tính dùng chiến thuật “biển thuyền” để tràn ngập và triệt hạ LLÐN 99. Nhưng họ đã lầm, các chiến đĩnh đã hờm sẳn, phản pháo bằng tất cả các súng cơ hữu. Xác người lả tả. Ghe thuyền, chiếc thì lật úp, chiếc thì không người lái chạy ngổn ngang trên sông. Nhưng chết lớp này, lớp khác vẫn tiếp tục xông ra, nhiều như lá tre trong mùa bão lụt. Súng lớn, súng nhỏ của lực lượng bắn không xuể. Ðại Tá Dõng ra lệnh cho 2 chiếc Zippo, súng phóng hỏa đã nạp đầy xăng đặc, 4 Pháo đĩnh hộ tống, ủi thẳng vào vị trí địch và phun lửa. Lưỡi lửa phun ra dài cả trăm thước. Trong nháy mắt tất cả ghe thuyền địch đều bốc cháy, cả một vùng cây xanh gần bờ từ gốc tới ngọn cũng cháy rực, gãy đổ, lửa bốc cao, khét lẹt. Từng lớp địch quân ở sát bờ sông ngã như sung rụng, dày đặc cả mặt nước. Lính trên bờ vẫn đầy nghẹt, kêu thét, chạy tán loạn. Phòng tuyến địch vỡ. Cuộc tấn công tự sát thất bại. Bắc quân đã nướng bao nhiêu quân vào trận này. Ðó là điều bí mật, chỉ có họ mới biết.
Nỗi lòng
Vài ngày sau, xác người cháy xém vẫn còn trôi nổi đen đặc trên mặt nước sông Vàm Cỏ. Những chiếc thuyền ma vẫn bập bềnh theo con nước lên xuống. Tất cả Lực Lượng 99 từ Sĩ quan, Hạ sĩ quan cho đến Đoàn viên Thủy thủ, ngay cả những người vui tính nhất đều trở nên trầm ngâm ít nói. Cuộc chiến thật quá dã man và đau lòng. Ðại Tá Dõng nhìn theo, lòng vừa buồn vừa giận. Buồn vì bao nhiêu sinh mạng phải tiêu tan chỉ vì một cái bánh vẽ thật lớn “Thiên đường Cộng sản”, giận vì cấp chỉ huy địch đã quá tàn nhẫn xem sinh mạng của thuộc cấp không bằng cỏ rác. Ông chiến thắng mà lòng ông đau xót. Cùng là người Việt Nam da vàng máu đỏ, ai gây chi cảnh huynh đệ tương tàn. Ông và lực lượng 99 chỉ là người tự vệ. Ta đánh ngươi vì ngươi đánh ta. Chỉ có vậy thôi.
Từ đó, hai con sông Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây trở nên yên tĩnh. Có lẽ Bắc quân sau những lần thất bại, hết ý chí tấn công, đã kéo quân đi hướng khác hay vì tình hình biến chuyển quá nhanh, họ vẫn ém quân chờ.
Dù gì đi nữa, lực lượng Ðặc Nhiệm 99 cũng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc cho đến giờ thứ 25 của cuộc chiến kéo dài trên 20 năm. Ðại Tá Dõng với tư cách là tư lệnh LLÐN 99 đã có thể xác nhận với Ðô Ðốc Cang một cách tự tin “An ninh tốt” khi được hỏi về an ninh thủy lộ Lòng Tào, Soài Rạp trước giờ Hạm đội ra khơi di tản.
Kình ngư nhỏ lệ
– 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương văn Minh kêu gọi Quân nhân các cấp buông súng.- 11 giờ, xe tăng Cộng Sản ủi sập cổng chánh Dinh Ðộc Lập.- 4 giờ chiều cùng ngày, trên ngã ba sông Vàm Cỏ, Ðại tá Dõng ra một lệnh cuối cùng, tập họp tất cả các Sĩ quan, Thuyền trưởng lại, trên Soái Ðỉnh chỉ huy để nhận chỉ thị. Xa xa các chiến đỉnh vẫn như những con kình ngư dũng mãnh đang rẽ sóng thi hành công tác tuần tiểu, ngăn chận không cho Cộng quân vượt sông uy hiếp thủy lộ Soài Rạp, Lòng Tào.
Cũng vào lúc đó chiến hạm cuối cùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, chiếc HQ – 402 bắt đầu khập khiễng hải hành ra cửa Soài Rạp… Chiều bắt đầu xuống.
Bằng một giọng nghẹn ngào, Ðại tá Dõng nói với các cấp thuộc hạ “ Tất cả đã hết, chúng ta đã thua, miền Nam đã mất vào tay CS. Bây giờ là lúc chúng ta phải tan hàng, anh em nào muốn đi theo Hạm đội thì theo tôi, anh em nào muốn ở lại với gia đình thì cứ đem tàu về. Trên đường về, Cộng quân chận lại cứ xả súng bắn, kiếm một chỗ nào an toàn thay đồ dân sự, rồi về với gia đình. Xin từ giã anh em. Hẹn gặp lại…”
Những lời cuối cùng chỉ có thế, tính ông vẫn vậy, nói ít, nhất là trong giờ phút này, chính trong thâm tâm ông, ông cũng không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Ðối diện ông là khuôn mặt của những thuộc hạ thân yêu đã cùng ông vào sinh ra tử trong trận đánh cuối cùng khóc liệt này. Những khuôn mặt hốc hác vì chiến đấu quên ăn, thiếu ngủ, râu ria tua tủa ấy đang nhìn ông, những cập mắt đỏ ngầu vì xúc động đang nhìn ông, không ai thốt được lời nào.
Giây phút này như kéo dài vô tận… Ðại úy Hải ngập ngừng hỏi: “Commandant dự tính sẽ đi đâu ?” Ðại Tá Dõng trả lời: “Có lẽ một hòn đảo nào đó trên Thái Bình Dương, tao cũng không biết nữa, còn mày ?”. Ông vẫn có thói quen gọi cấp dưới bằng “mày, tao” một cách thân mật như anh em thâm tình. Ðại úy Hải trả lời: “Chắc tôi về Bến Tre đi tu với mẹ tôi quá.”
Ðại Tá Dõng bùi ngùi nói lời từ giã cuối cùng: “ Chúc anh em may mắn… Hẹn gặp lại…”
Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, một giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ông. Rồi ông đáp tàu lên HQ- 402. Ánh chiều cũng bắt đầu thoi thóp tàn dần trên sông Vàm Cỏ. Ráng chiều để lại trên mặt sông mênh mông những vệt đỏ như máu.
Cuối đời nhìn lại
Do những Quốc tế sắp đặt cộng thêm với những yếu kém, sai sót của chính mình đã để miền Nam thất bại. Miền Nam lại không được cái may mắn như đất nước Ðài Loan còn có được một hòn đảo nhỏ để dung thân, để tự tu sửa, học hỏi, xây dựng từ những lỗi lầm cũ.
Mỗi Quốc gia đều có một số phận. Và số phận Việt Nam mới chua xót, cay nghiệt và mai mĩa làm sao ! Anh em trong cùng một nước đánh giết nhau, máu thành sông, xương thành núi trên 20 năm. Kẻ thắng trận, sau hơn 2 thập niên thử nghiệm thất bại về cái gọi là Xã hội Chủ nghĩa lại chuyển hướng 180 độ, tập tểnh đi vào con đường kinh tế thị trường, con đường mà miền Nam đã đi cách nay 40 năm. Ðúng là đi cho lắm lại trở về chốn cũ. Bao nhiêu xương máu đã xài phí một cách vô ích.
Ông Dõng năm nay đã ngoài 65, đã về hưu sau 26 năm làm việc trả nợ áo cơm cho người bạn đồng minh bạc bẽo. Mỗi khi một mình trong đêm vắng, ông không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến cuộc chiến cũ. Những tiếng khóc la đau đớn, kinh hải “Trời ơi” của chiến binh Cộng sản vẫn ám ảnh, quấy động trong giấc ngủ của ông, sau đó ông thường chập chờn đến sáng. Phải chi những tiếng kêu la đó là những tiếng kêu la của bọn ngoại xâm không cùng dòng máu, không cùng tiếng nói chắc lòng ông thanh thản hơn nhiều…
Rồi những khuôn mặt bạn bè, những thuộc hạ cũ thân yêu hiện về, kẻ còn, kéo lê kiếp sống tha hương trên đất lạ hoặc sống nghèo khổ không tương lai trên chính đất nước mình, người mất, mồ đã xanh cỏ… Ông nghĩ đến họ, nước mắt lại tuôn trào ra. Rồi ông lại nghĩ đến dân tộc đau khổ, bất hạnh của mình, kể cả những người cầm súng phía bên kia đã từng đối địch với ông. Nghĩ cho cùng, tất cả đều là nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản. Ông đã không thù hận họ như họ đã thù hận ông một cách điên cuồng, vì trong thâm tâm, ông vẫn nghĩ đa số họ là những người nông dân hiền lành, thật thà, chất phát đã bị bọn cầm quyền Cộng sản cấy vào những độc tố thù hận giai cấp đấu tranh v.v…
Trên 26 năm lưu lạc xứ người, ông luôn mang một tâm trạng buồn chán, lạc lõng, không thể nào hội nhập vào xã hội mới. Ông cũng không nghĩ đến chuyện gia nhập Quốc tịch Mỹ, không màng đến chuyện an cư lập nghiệp, tậu nhà, mua đất…
Ông chỉ là người tạm cư trên đất nước vĩ đại và lạnh lẽo này… Ông mãi mãi là người Việt Nam.
Hoàng Xuân Bái K 13
Hải-Quân Đại-Tá LÊ-HỮU-DÕNG và trận Vàm Cỏ
Các bạn Khóa 13 thân,
Rất hãnh diện HQVNCH chúng ta đã có một Sĩ Quan mưu lược và can đảm như HQ Đại tá Lê Hữu Dõng. Tuy nhiên, sự chiến thắng anh dũng của trận chiến kinh hồn này là do sự phối hợp tuyệt vời giữa Lực lượng Đặc nhiệm 99/Hải quân VNCH và Trung đòan 12 /Sư Đoàn 7 Bộ binh dưới tài chỉ huy can trường của Đại tá Đặng Phương Thành, khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Chúng ta hãy nghe Tác giả Châu Xuân Nguyễn nói về Trận chiến trên sông Vàm Cỏ trong loạt bài ” Vinh danh Đại tá Đặng Phương Thành ” như sau :
…..” Ngày 16 tháng 04 năm 1975 (2 tuần trước ngày mất nước), trên kinh Thủ Thừa thuộc Tỉnh Long An giáp giới Sông Vàm Cỏ Tây, lực lượng Thuỷ Bộ gồm có Giang Đoàn Đặc Nhiệm 99 với gần 100 giang đĩnh, do Vị Tư Lệnh Hải Quân, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang cấp tốc thành lập, lực lượng đặt dưới quyền chỉ huy của HQ Đại tá Lê Hữu Dõng đã phối hợp cùng Trung Đoàn 12 thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh, do Đại Tá Đặng Phương Thành, (tốt nghiệp Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam) đã chận đánh Công Trường 5 thuộc Quân Đoàn 232 Cộng Sản Bắc Việt do Tướng Cộng Sản Lê đức Anh Chỉ Huy, ngăn không cho đơn vị này (Công Trường 5) vượt qua Sông Vàm Cỏ. Trung Đoàn 12 Bộ Binh và Lực lương Thuỷ Bộ 99, đã đánh một trận để đời tại ngã ba Sông Vàm Cỏ Tây, Cộng quân phải khiếp đảm kinh hồn tháo chạy, để lại trên chiến địa trên 3,000 xác cán binh tử trận và hàng ngàn thương binh. Máu Cộng Quân loang đầy dòng sông. Xác Cộng quân lấp đầy con kinh Thủ Thừa ra tận đến bờ Sông Vàm Cỏ.
Nhưng rồi… Người Hùng Đặng Phương Thành phải chịu kiếp tù đày khổ sai.
Nhớ lại cái hận của trận thảm bại đau đớn năm xưa tại ngã ba Sông Vàm Cỏ Tây, bọn cai tù đã giết Đại tá Đăng Phương Thành một cách dã man sau cuộc vượt ngục của ông bất thành… bị bắt trở về. Trong đêm trời vần vũ mây đen, tại căn hầm “khổ sai” biệt lập, các bạn “tù” kế cận, nghe được tiếng “Kêu Trời” và những tiếng rên la uất nghẹn của người Anh Hùng thất thế sa cơ…. Sáng sớm hôm sau, khi sương mù còn giăng phủ, người ta lờ mờ thấy mấy tên cai ngục lôi xác một người từ trong xà lim bỏ ra ngoài… rồi ra lệnh cho các bạn tù khác khiêng đi chôn. Các “tù” Quân Nhân QL/VNCH mới nhận ra thân xác của Đại Tá Đặng Phương Thành, mình mẩy tím bầm, môi mắt sưng vù, miệng còn động vũng máu tươi, chết một cách tức tưởi, thật thảm thương !!! Đúng là Mãnh Hổ sa cơ, lũ Chồn Cáo chia nhau xẻ thịt…..”
Các bạn K13 thân,
Thành và tôi cùng Trung đội tại Trường Võ Bị, nên cứ mỗi lần đọc lại chuyện suốt đời chinh chiến và cái chết bi hùng của người bạn cùng khóa này, tôi thật là đau lòng !!!
Nguyễn Đức Thu