Trọng Việt
08/2020

(Tiếp theo phần một)

Kiểm soát quân đội

Vì ý thức rằng lực lượng vũ trang là “xương sống” của chế độ nên khi mới nhậm chức, Chủ tịch Tập đã thuyết phục 18 tướng lãnh viết những bài báo ngắn đăng trên Nhân dân Nhật báo để cam kết lòng trung thành. Gần đây hơn, Tập đã đảm nhận thêm một chức vụ quân sự mới, một chức vụ mà duy nhất chỉ có tướng Chu Đức, người bạn thân tín nhất về quân sự của Mao trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, được phong. Đó là chức Tổng tư lệnh quân đội,Tổng  tư lệnh Trung tâm Chỉ huy Chiến đấu Chung của Quân Ủy Trung ương. Chủ tịch Tập xuất hiện trong bộ quân phục tại buổi thông báo chức vụ mới này, gợi ý rằng không giống như bất cứ người tiền nhiệm nào, ông sẽ đích thân đóng vai trò là chỉ huy chiến trường nếu có biến cố xảy ra.

Trong chiến dịch chống tham nhũng, nhiều tướng lãnh cao cấp như Thượng tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) đã bị thanh trừng khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và được giao cho các công tố viên quân sự để truy tố với các cáo buộc tham nhũng. Trong 2 năm có 39 tướng bị bắt. Bao nhiêu tướng trong số này thực sự có tội tham nhũng và bao nhiêu tướng bị thanh trừng vì lòng trung thành với Tập bị nghi ngờ thì không ai biết.

Mặc dù cho đến nay, tất cả các tướng lãnh chỉ huy cao cấp trong quân đội đều được bổ nhiệm dựa trên tiêu chuẩn trung thành, nhưng nghi vấn là liệu các tướng lĩnh này có sẵn sàng cứu Tập Cận Bình nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị như họ đã làm cho Mao trong cuộc Cách mạng Văn hóa hay Đặng Tiểu Bình trong vụ Thiên An Môn hay không thì còn phải xét lại.

Theo dõi và kiểm soát người dân

Để tăng cường việc kiểm soát người dân, bên cạnh một mạng lưới an ninh, công an mật vụ dầy đặc; một chế độ hộ khẩu chặt chẽ; một hệ thống tường lửa ngăn chận thông tin internet từ thế giới tự do; một hệ thống tìm kiếm trên internet (search engine) riêng như Baidu, Soguo; nhà nước TC đã tối ưu hóa việc áp dụng nguồn dữ liệu khổng lồ (Big data) và tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) để thực hiện “Hệ thống tín nhiệm xã hội” (Social Credit & Rating system) song song với việc lắp đặt hơn 200 triệu máy quay phim với tính năng nhận diện khuôn mặt, giọng nói và hành vi của người dân. Việc thử nghiệm “Hệ thống tín nhiệm xã hội” này đã khởi sự từ năm 2009, được mở rộng thử nghiệm trên 40 thành phố thí điểm vào năm 2014. Họ Tập dự trù sẽ lắp đặt 600 triệu máy thu hình và áp dụng hệ thống tín nhiệm xã hội trên toàn quốc vào năm nay, 2020.

Đây là một hệ thống theo dõi, kiểm soát con người và xã hội sâu sát và tinh vi nhất thế giới. Tất cả mọi sinh hoạt, đi đứng, di chuyển, mua bán, nói năng, trong nhà ngoài ngõ ..v..v.., từ tinh thần đến thể xác của người dân Tầu đều bị theo dõi, đáng giá và cho điểm theo “tiêu chuẩn” của nhà nước để được “khen thưởng” hay “xử phạt”. Thật bất hạnh cho người dân Tầu. Một chế độ công an toàn trị, dựa trên bạo lực và gieo rắc nỗi sợ hãi, đã được xác lập, củng cố.

Hệ tư tưởng

Trên bình diện thế giới và trước trào lưu tư tưởng tự do, nhân quyền, văn minh tiến bộ của nhân loại, và vì không có một hệ tư tưởng tích cực nào xứng tầm để thuyết phục người dân, họ Tập buộc phải hành động tiêu cực, bằng cách liệt kê và xem những chủ nghĩa ngoại bang là “phản động” và phải bị triệt hạ tận gốc.

Theo một văn bản học tập trọng tâm của Đảng, có tổng cộng 6 “xu hướng tư tưởng và hành động sai”, xuất phát từ Phương Tây và được tán thành bởi những người bất đồng chính kiến, đó là: dân chủ pháp trị; các giá trị tự do, nhân quyền phổ quát toàn cầu; xã hội dân sự; chủ nghĩa kinh tế tân tự do; tự do báo chí kiểu Phương Tây (chống lại nguyên tắc của CS là các phương tiện truyền thông và hệ thống xuất bản phải theo kỷ luật của Đảng); và làm suy yếu lịch sử của ĐCS bằng cách nhấn mạnh những sai lầm trong thời của Mao.

Điều này cho thấy rất rõ là họ Tập và cộng đảng Tầu vẫn đang đứng ở thế đối nghịch với thế giới tự do, và bản chất độc tài cố hữu chống lại các giá trị tự do dân chủ của nhân loại của họ Tập vẫn không hề thay đổi, dù xã hội, đời sống kinh tế đã phát triển.

Tuy nhiên, sau khi nắm trong tay tất cả quyền lực, dù đã lên đến tột đỉnh vinh quang, được thế giới trọng vọng, đứng đầu một cường quốc đông dân nhất hành tinh, Tập Cận Bình vẫn chưa thỏa mãn về tư thế của mình đối với người dân Tầu. Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng CS vào tháng 10 năm 2017, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được đưa vào cương lĩnh của Đảng CS, được viết như sau:

“Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Học thuyết Đặng Tiểu Bình, Học thuyết về Ba đại diện, về Tầm nhìn khoa học về sự phát triển và Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới làm hướng dẫn cho hành động.”

Với những lời lẽ trên, họ Tập đã ngang nhiên qua mặt cả Đặng Tiểu Bình – người đã có công đổi mới, cải cách mở cửa để mang lại tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Cộng trong ba mươi lăm năm qua– nhưng chỉ được coi là người đề ra một học thuyết; còn hai lãnh đạo tiền nhiệm của Tập là Giang Trạch Dân với “một học thuyết” và Hồ Cầm Đào với “một tầm nhìn” nhưng tên tuổi thì không được liệt kê bên cạnh. Vậy, từ khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời năm 1949, chỉ có họ Tập mới có “tư tưởng vĩ đại” xứng đáng ngang tầm với họ Mao. Giờ đây Tập Cận Bình đã đưa y lên ngang hàng với Mao Trạch Đông – một hành động cực kỳ liều lĩnh và kiêu căng đến lố bịch. Tham vọng ngất trời của Tập đã rõ. Như đã trình bày ở phần trên, cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” thực chất chỉ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan toàn trị với chiến lược bá quyền!

Sau cùng, Quốc Hội đã sửa đổi hiến pháp vào tháng 3, 2018 bỏ điều khoản giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, để Tập Cận Bình trở thành một “hoàng đế Trung Hoa” của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, theo Francis Fukuyama, dù đầy tham vọng quay trở lại chủ nghĩa toàn trị, “tư tưởng Tập Cận Bình” cũng chỉ là một bản sao rất mờ nhạt của tư tưởng Mao. Tập Cận Bình đã không đủ khả năng đưa ra một ý thức hệ mang tính nhất quán như Mao, nên không đủ sức kích động niềm cuồng tín của hàng triệu người Tầu.

Thực hiện bá quyền thống trị thế giới

Tập Cận Bình đã làm tất cả các điều trên để thâu tóm quyền lực trong nước cũng không ngoài mục tiêu thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” tức mộng bá quyền thống trị thế giới, thách thức trật tự quốc tế được định hình và xác lập từ giai đoạn chiến tranh lạnh; mở rộng các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng chính trị trên thế giới, bành trướng sự hiện diện quân sự cụ thể.

Một số điểm tổng quát về đại chiến lược của họ Tập trên các lãnh vực địa chính trị và kinh tế, ngoại giao, quân sự:

Địa chính trị

  • Chiến lược cơ sở hạ tầng: Năm 2013, Tập Cận Bình chính thức công bố một chiến lược trị giá 1.000 tỷ đô la. Một chiến lược đồ sộ liên quan đến 70 quốc gia, chiếm 65% dân số và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới, và chiếm 2/3 diện tích đất liền của địa cầu. Đó là kế khoạch xây dựng bao gồm cầu đường (xa lộ cao tốc), đường ống dẫn khí đốt, dầu thô ..v..v.., đập thủy điện, đường sắt, hải cảng (nước sâu), phi cảng, mạng viễn thông, thiết bị mạng.  Đại chiến lược này gồm có 3 phần chính:
    • Trên bộ: “Vành đai con đường” (Belt Road Initiative/BRI) tức “Con đường tơ lụa mới” (New Silk Road) trải dài khắp lục địa Á-Âu. Ví dụ: Tuyến đường sắt xuyên lục địa Á-Âu dài 11 ngàn cây số, bắt đầu từ Tây An (Xi’an) qua các nước Trung Á đến Âu Châu. “Vành đai” này được khởi sự với các “Hành lang kinh tế” (Economic corridors) quan trọng như: Hành lang Tân Cương-Pakistan, Hành lang Tứ Xuyên-Miến Điện-Bangladesh-Kolkata (Ấn Độ), Hành lang Cáp Nhĩ Tân-Moskow (Nga)-Hamburg (Đức).  
    • Trên biển: “Con đường tơ lụa trên biển” (Maritime silk road) nối liền Biển Đông qua eo biển Malacca, xuyên  Ấn Độ Dương đến Phi Châu, qua Địa Trung Hải đến Ý Đại Lợi.
    • Trên không:Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road) bao phủ hành lang đại dương và đất liền với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, đang phát triển tại Phi Châu và Trung Đông. Công ty Hoa Vi (Huawei) đầu tư 1 tỷ đô la để phát triển mạng ở Camaroon, Kenya, Zimbabwe, Togo, Nigeria; xây dựng mạng điện thoại di động tại Ethiopia, kéo đường dây cáp quang học (fiberoptic cable) ở Afghanistan ..v..v..
  • Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB): Năm 2016, họ Tập thành lập một ngân hành phát triển đa phương lớn thứ nhì sau Ngân Hàng Thế Giới, với 100 nước thành viên và vốn góp khoảng 150 tỷ đô la, hiện có 45 dự án hoạt động tại 18 quốc gia.

Năm 2017, trong Diễn Đàn Hội Nghị thượng đỉnh hợp tác quốc tế “Vành đai con đường” tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã long trọng đón tiếp 29 nguyên thủ quốc gia và 200 quan khách thuộc ngoại giao đoàn để tiếp tục “giới thiệu” và “chào mừng” “Sáng kiến vành đai con đường”. Đây là một hội nghị thu hút đông đảo nhất các lãnh đạo của các quốc gia kể từ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. TC đã chi 150 tỷ mỹ kim hàng năm cho 68 quốc gia trong các dự án.

Ngoại giao

Tại đại hội đảng, họ Tập nhắc đi nhắc lại trong bài diễn văn của ông ta về nhu cầu “thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn với đặc điểm Trung Hoa”. Kể từ đó, nền ngoại giao TC đã thay đổi và có những đặc điểm mới sau đây:

  1. Ngoại giao “chiến lang” (wolf worrior diplomacy).  TC đã giao tiếp với các quốc gia trên tư thế “nước lớn”, dùng kinh tế làm đòn bẩy với thái độ hung hăng, ăn miếng trả miếng, tác phong “giang hồ lỗ mãng,” dối trá, bất chấp công pháp quốc tế.
  2. Ngoại giao pháo hạm (gunboat diplomacy). Dùng sức mạnh quân sự để tăng cường cho hoạt động ngoại giao, hống hách, lấn lướt, dọa nạt chèn ép các nước yếu trong khu vực, chủ yếu tại Biển Đông.
  3. Ngoại giao bẫy nợ (debt-trap diplomacy). Tạo ra sự lệ thuộc qua thủ đoạn hợp đồng bất công, không minh bạch; các thoả thuận tham nhũng; cho vay lãi suất cao kiểu chiếm đoạt; thi công kém chất lượng, quá tốn kém, hiệu quả thấp (bằng thợ và công ty của người tầu) khiến các nước này mắc nợ, phải từ bỏ chủ quyền để trả nợ. Dùng các khoảng nợ để áp lực lên các nước đang mắc nợ làm đòn bẩy ngoại giao, chính trị.

Cho đến nay, có 8 trong số 63 quốc gia tham gia trong “Sáng kiến vành đai con đường” có nguy cơ bị khủng hoảng nợ. Đó là Lào, Kyrgyzstan,  Maldives, Montenegro, Djibouti, Tajikistan, Mongolia, Pakistan.

Quân sự hóa Biển Đông

Biển Đông và Biển Hoa Đông là cửa ngõ cực kỳ quan trọng để tiến ra đại dương nhằm thực hiện chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” và tham vọng cường quốc biển để bành trướng. Đây chính là “Lợi ích cốt lõi” mà Tập Cận Bình đã đề cập trong đại hội đảng và TC sẽ phải chiếm lấy bằng mọi giá.

Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa được cải tạo với phi đạo dài trên 3 cây số.

TC muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” nên từ cuối năm 2013, đã bắt đầu xây dựng, từng bước cải tạo trên quy mô lớn 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, từ các đảo đá ngầm xây dựng thành các công trình cảng biển và phi đạo quy mô lớn. Đặc biệt ở các thực thể như Vành Khăn, Subi, Chữ Thập, TC đã cho xây dựng phi đạo dài 3km cho mục tiêu quân sự; thiết lập hệ thống radar và hỏa tiễn không đối không; xây dựng bệnh viện để củng cố chức năng của một căn cứ quân sự. Tập đoàn dầu khí quốc gia TC (CNOOC) đã đem giàn khoan nước sâu “Hải Dương 981” vào vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, thuộc đặc quyền kinh tế của VN. TC tăng cường hiện diện, hoạt động quân sự, phối hợp các hoạt động của cảnh sát biển và lực lượng dân quân biển (bán quân sự). Tìm cách cản trở và thách thức các cuộc tuần tra của hải quân Hoa Kỳ.

Hiện nay, TC đang đẩy mạnh các hoạt động hung hăng, hiếu chiến, ngang nhiên lấn áp, đe dọa trên Biển Đông; thường xuyên tập trận; gây căng thẳng trong khu vực; phá vỡ sự ổn định; xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Philippine, Mã Lai, Nam Dương (xâm nhập và thăm dò dầu khí trái phép tại các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines); thách thức trật tự quốc tế và luật tự do hải hành trên Biển Đông.

Thay lời kết

Cuộc thương chiến Mỹ Hoa khởi sự vào năm 2018 và tiếp theo bởi cơn đại dịch của siêu vi Vũ Hán đã làm lộ rõ âm mưu đen tối và chân tướng của họ Tập; cùng với những giới hạn và bất cập của nền kinh tế khiến việc chuyển hóa mô hình kinh tế của TC đang gặp nhiều trở ngại. Thái độ hung hăng trên thế giới, lấn lướt trên Biển Đông, đảo Đài Loan, đã gây bất ổn, đe dọa an ninh toàn cầu có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc đụng độ quân sự Mỹ-Hoa, chí ít là mang tính cục bộ trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan.

Với khả năng quân sự, công nghệ, hiệu quả kinh tế vượt trội cùng mạng lưới liên minh (vẫn mạnh mẽ dù với sự lãnh đạo phi truyền thống của Tổng thống Donald Trump), Hoa Kỳ có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc chiến tranh Mỹ-Hoa dù có thể sẽ rất tốn kém, và sẽ định đoạt được số phận của ĐCSTH.

Ngoài ra, có một khế ước ngầm giữa đảng CSTH và người dân Tầu là người dân chấp nhận một cuộc sống được cải thiện, xã hội ổn định để đánh đổi lấy sự cai trị độc tài của đảng CS, và cam chịu sự thiếu vắng dân chủ tự do. Tuy nhiên, khi kinh tế suy giảm, tham nhũng hoành hành, khi quyền lực kiểm soát suy yếu dần, đảng CSTH sẽ cố gắng kích động chủ nghĩa dân tộc để duy trì những người ủng hộ, đồng thời tăng cường đàn áp những người chống đối. Chiến thuật này không thể đem ra xử dụng thường xuyên nên rồi sẽ không cứu vãn nổi chế độ độc đảng của Trung Cộng, bởi lẽ, mặc dù trong ngắn hạn, chủ nghĩa dân tộc có thể gia tăng sự ủng hộ dành cho ĐCSTH, nhưng năng lực của nó sẽ đuối dần, cuối cùng cũng sẽ tiêu tan, đặc biệt là nếu đảng CS không thể tiếp tục cải thiện được mức sống cho người dân.

Một chế độ phụ thuộc vào sự đàn áp và bạo lực sẽ phải trả giá đắt, rất đắt vì hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm, sự kháng cự của người dân gia tăng, niềm tin vào đảng sẽ lung lay, bất ổn xã hội thêm trầm trọng, chi phí an ninh leo thang. Hơn nữa, đối với thế giới tự do, TC đang ngày bị cô lập, không có đồng minh. Đường lối ngoại giao hung hăng, đối đầu, thách thức và dối trá đã gây khó chịu, nghi ngờ cho mọi đối tác và làm suy giảm niềm tin tưởng của các quốc gia, một yếu tố cần thiết và quan trọng trong bang giao quốc tế. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã và đang gia tăng áp lực kinh tế; ngăn chận các hoạt động gián điệp, đánh cắp sở hữu trí tuệ; tăng cường sự hiện diện, tuần tra trên Biển Đông ..v..v..; và thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự Do và Mở” (A Free and Open Indo-Pacific Strategy) cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và các quốc gia trong khu vực.

Trong tình huống đó, liệu Tập Cận Bình có thể tiến thêm được bao xa trên con đường bá quyền? Hay đang đi dần vào ngõ cụt?

Giấc mộng Trung Hoa vĩ đại không chừng sẽ sớm trở thành cơn ác mộng cũng vĩ đại không kém của chính ông ta trong vài năm trước mặt!

08/2020

Tài liệu tham khảo:

Andrew J. Nathan, “What Is Xi Jinping Afraid Of? China’s Regime Is Less Secure Than It Looks”. Foreign Affairs, 08/12/2017.

Evan Osnos, “Born Red”. The New Yorker, 04/06/2015

Odd Arne Westad, “The Source of Chinese Conduct”, Foreign Affairs, September/October 2019

Jonathan Fenby, “Will China Dominate the 21st Century?”, 2nd Edition, 2017

Francois Bougon, “Inside the Mind of Xi Jinping”, English Edition, 2018

Francis Fukuyama, “What Kind of Regime Does China Have?,” The American Interest, 5/18/2020

Bài liên quan:
  • Tại sao căng thẳng ở Biển Đông lại đang củng cố liên minh Mỹ – Philippines?
    Joshua Kurlantzick và Abigail McGowan
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 15/9/2024. Chiến tranh Ukraine, xung đột Biển Đông: Thực trạng và hướng giải quyết của Trump & Harris?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Hình tượng ‘nhà cải cách Tập Cận Bình’ bị lật đổ ngay trong Hội nghị Trung ương 3
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/9/2024. Tranh luận sôi nổi giữa Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Điều hợp viên thiên vị? Thông điệp gì cho cử tri?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt