Trọng Việt
09/2020

Lệ thuộc về kinh tế sẽ lệ thuộc về chính trị.

Thuật ngữ “Ngoại giao bẫy nợ” (Debt-trap Diplomacy) còn tương đối mới, có lẽ được dùng đầu tiên vào năm 2017 bởi các học giả thuộc viện Nghiên Cứu Chính Sách của Ấn Độ. Sau đó, thuật ngữ này đã lan truyền nhanh chóng, được chấp nhận và xử dụng rộng rãi trong các tài liệu biên khảo, nghiên cứu của giới học thuật cũng như báo chí trên thế giới. Cho đến nay, từ ngữ này được áp dụng một cách rất đặc thù cho một quốc gia và chỉ một quốc gia mà thôi, đó là Trung Cộng (TC)!

Việc xuất hiện từ ngữ này đã phản ánh một thực tế khá mới mẻ trong ngành ngoại giao của thế giới khi các nhà chiến lược, các nhà nghiên cứu, làm chính sách ghi nhận được phương thức ngoại giao “kiểu mới” của Tập cận Bình; cách tiếp cận, đàm phán giữa Trung Cộng và các quốc gia đối tác đã vượt ra khỏi khuôn mẫu bình thường đã được cộng đồng thế giới chấp nhận trong bang giao quốc tế. Một sách lược ngoại giao mang tính cướp đoạt qua việc cho vay và đòi nợ.              

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này trong phần sau, ta hãy xem xét hai trường hợp cụ thể điển hình sau đây:

  1. Trường hợp của nước Djibouti.

Djibouti là một quốc gia nhỏ bé và nghèo ở Phi Châu; với diện tích khoảng 9.000 dặm vuông (23.000 cây số vuông) tương đương với tiểu bang Vermont của Hoa Kỳ; được độc lập vào năm 1977 từ người Pháp; với dân số khoảng 921.000 người; và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,1 tỷ mỹ kim; với nền kinh tế dịch vụ chiếm 79.7% của GDP; tuổi thọ trung bình là 67 tuổi; 30% dân số còn mù chữ; 45% dân chúng chưa có điện để dùng vào năm 2015; và không có tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, tổng thống của Djibouti là Ismail Omar Guelleh đã cầm quyền từ năm 1999 cho đến nay, và nhà nước độc tài này đã cai quản tất cả hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí của quốc gia.

Nhưng vị trí địa dư của quốc gia này lại có tầm chiến lược quan trọng trong địa chính trị. Djibouti có chung biên giới với Somalia, Ethiopia, và Eritrea và nằm ngay eo biển Bad-al-Mandab nối liền giữa vịnh Aden và Biển Đỏ, từ đó băng qua kênh đào Suez để vào Địa Trung Hải. Đây là một trong những hải lộ thiết yếu vận chuyển hàng hóa giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, chiếm từ 12.5% đến 20% tổng số mậu dịch thế giới.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo túng và với nhu cầu cấp thiết để phát triển quốc gia, các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống và nâng cao giáo dục cho người dân cần phải được coi là ưu tiên và phải được kế hoạch một cách quân bình với việc xây dựng hạ tầng cơ sở.

Tuy nhiên, từ nhiều năm trước, Tổng Thống Ismail Omar Guelleh đã chạy theo chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở với kế hoạch đồ sộ vô cùng tốn kém. Kế hoạch vẫn được tiến hành dù có nhiều lời ngăn cản của các nhà chuyên môn vì TT Guelleh một mặt đã có được một chủ nợ rất “hào phóng,” cho vay bao nhiêu cũng được, mặt khác lại được chính chủ nợ “phong bì, lo lót” kỹ lưỡng để thuyết phục và dành phần thực hiện. Chủ nợ đó là Trung Cộng. Điển hình là dự án hệ thống xe lửa điện nối liền Ethiopia và Djibouti, hợp đồng của 2 quốc gia, với kinh phí lên đến 4 tỷ mỹ kim. Sau nhiều năm phiêu lưu với những công trình xây dựng to lớn, nợ quốc gia của Djibouti lên đến 1,4 tỷ mỹ kim, chiếm hơn 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đến mức độ không thể thanh toán được (unsustainable debt).

Điều cần đề cập ở đây là các công trình xây dựng này đã không thực sự phục vụ và đem lại lợi ích gì nhiều cho người dân, bởi lẽ tỷ lệ nghèo (poverty rate) vẫn là 79%, và tỷ lệ rất nghèo (extreme poverty) lên đến 42%. Chỉ có thiểu số lãnh đạo thì giàu có, phung phí ngân sách quốc gia và ông chủ nợ Trung Cộng là đạt thắng lợi lớn.

Cảng Doraleh

Năm 2017, một buổi lễ khánh thành Cảng Đa Dụng Doraleh (Multipurpose port) chủ tọa bởi Tổng Thống Ismail Omar Guelleh và đối tác là công ty quốc doanh của Tầu China Merchant Group với kinh phí gần 500 triệu mỹ kim. Hai tháng sau, cũng tại cảng này, một buổi lễ khác được tổ chức trọng thể hơn để chào mừng căn cứ Hải Quân Trung Hoa đầu tiên ở hải ngoại.

Thật nhanh chóng và dễ dàng, vì các món nợ không thể thanh toán được, Cảng Doraleh của Djibouti đã trở thành quân cảng đầu tiên của hải quân Trung Cộng.

2. Trường hợp của Sri Lanka.

Sri Lanka là một đảo quốc ở Ấn Độ Dương với diện tích 25.000 dặm vuông (65.000 km²), dân số 21.800.000, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 91 tỷ mỹ kim, với nền kinh tế mà dịch vụ (servive sector) chiếm 60% GDP; kỹ nghệ 28% và nông nghiệp 12% GDP, và bình quân lợi tức mỗi đầu người là 4.100 mỹ kim. Đây là một quốc gia trung bình với tiềm năng phát triển tốt. Nhưng thể chế chính trị tại đây đã trở thành vấn nạn.

Sri Lanka đã có mối liên hệ từ lâu với Trung Cộng, là quốc gia ủng hộ chế độ cộng sản Tầu từ thời Mao, và là một trong những quốc gia sáng lập Phong Trào Các Nước Phi Liên Kết (Non-Aligned Movement), phong trào tả khuynh từ giai đoạn chiến tranh lạnh. Mối liên hệ càng trở nên khắng khít hơn vì được TC viện trợ vũ khí và kinh tế trong cuộc nội chiến kéo dài 26 năm cho đến năm 2009. Vào những năm cuối của cuộc nội chiến, dưới sự cai trị độc đoán, hà khắc và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của tổng thống Mahinda Rajapaksa, Sri Lanka đã bị Liên Hiệp Quốc cấm vận khiến kinh tế suy sụp và hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của TC để sống còn.

Vào mùa bầu cử tổng thống năm 2005, để bảo đảm cho “đầu tư chính trị” của mình được vững chắc, TC đã công khai vận động cho ông Mahinda Rajapaksa, từ việc mua quà cáp biếu những ủng hộ viên, in và phát áo thung cho người dân, đến việc tổ chức các buổi tụ họp đông đảo. Thậm chí đã dâng cúng tiền cho các chùa và đưa tiền cho các tăng ni có uy tín để hô hào xuống đường ủng hộ; và đích thân đại sứ TC cũng đứng ra tổ chức họp mặt, vận động. Ít nhất là 7.6 triệu mỹ kim đã được dùng vào việc vận động cho Rajapaksa. Tiền này đến từ tài khoản của China Harbor Engineering Company tại Standard Charter Bank và được chuyển đến ban vận động của ông Rajapaksa. Do đó, chính phủ của TT Rajapaksa đã trở thành một chính phủ bù nhìn, tay sai của TC không hơn không kém.

Sau cuộc nội chiến, thế lực chính trị của gia đình Tổng Thống Mahinda Rajapaksa càng được củng cố. Ông ta và ba người em đã nắm hầu hết các bộ trong nội các, và kiểm soát 80% các chi tiêu trong ngân sách quốc gia. Điều khôi hài là tháng 10 năm 2019, trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa, nguyên bộ trưởng quốc phòng và là em của đương kim tổng thống, đã đắc cử tổng thống. Sau khi nhậm chức, TT Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm anh mình, cựu tổng thống, vào chức vụ thủ tướng.

TT Mahinda Rajapaksa, sau khi nghe lời phủ dụ và “bôi trơn” của quan thầy TC, dù đã có rất nhiều cản ngăn vì kế hoạch rất tốn kém mà không có lợi ích kinh tế, vẫn quyết định xây thêm một hải cảng quốc tế nước sâu (deep water port) tại tỉnh Hambantota, quê của ông ta. Trong lúc đó, tại thủ đô Colombo, Sri Lanka đã có một hải cảng quốc tế đang hoạt động rất sầm uất.

Cảng quốc tế Hambantota. Nguồn: SCMP

Vào năm 2008, cảng Hambantota được khởi công xây cất với kinh phí sơ khởi là 307 triệu mỹ kim với phân lời 6,3% vay từ Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Hoa (China Export-Import Bank) và do công ty quốc doanh China Harbor Engineering Company thầu thực hiện. Đến năm 2010, cảng đã có thể hoạt động trong khi tiếp tục xây dựng. Kinh phí gia tăng nhanh chóng. Cảng không thu hút được khách hàng. Trong năm 2012, hàng chục ngàn chiếc tàu di chuyển qua lại, chỉ có 34 tàu ghé cảng Hambantota. Vào năm 2016, cảng thu được 11.8 triệu mỹ kim, trừ chi phí điều hành hoạt động 10 triệu, cảng chỉ lời được 1.8 triệu mỹ kim. Tổng số tiền vay và tiền lời để xây Cảng Hambantota lên đến 1,3 tỷ mỹ kim. Với số tiền đầu tư khổng lồ bỏ ra, cuộc kinh doanh này đã thua lỗ nặng nề. Và Sri Lanka đã không còn khả năng thanh toán với chủ nợ Trung Cộng.

Tháng 12 năm 2017, Sri Lanka đã chính thức trao quyền xử dụng cảng Hambantota trong 99 năm, cùng với 70% quyền sở hữu cảng và 15 ngàn mẫu đất xung quanh cảng cho TC.

Báo chí TC đã chạy hàng tít chiến thắng: “Một cột mốc nữa trên con đường tơ lụa ‘Vành đai, con đường’.”

Thật nhanh chóng và dễ dàng, cũng giống như Djibouti, vì món nợ không thể thanh toán, cảng quốc tế Hambantota của Sri Lanka trở thành cảng quốc tế của Trung Cộng.

Âm mưu của Trung Cộng và hậu quả.

Nhìn vào hai trường hợp điển hình kể trên, tuy mỗi nước đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng ta có thể rút ra một số điểm tương đồng:

  • Đối với quốc gia “nạn nhân”: đây là những nước bị đặt dưới một chính thể độc tài, tham nhũng. Nhà cầm quyền dễ dàng bị mua chuộc, hối lộ và sẵn sàng chấp nhận những hợp đồng bất công thiệt thòi cho đất nước. Với các công trình lớn, chi phí cả tỷ mỹ kim, kéo dài trong nhiều năm, xử dụng hàng ngàn công nhân nhưng không có một người lao động bản xứ nào được dùng, không tạo thêm công ăn việc làm cho người dân sở tại. Kẻ chịu thiệt hại chính là người dân.
  • Đối với TC: luôn xuất hiện như ông chủ nợ “hào phóng”, cho vay nhanh chóng, dễ dàng nhưng được thực hiện với kế sách rất tinh vi:
    • Sẵn sàng mua chuộc hối lộ tối đa các quốc gia đối tác để đạt được những hợp đồng mờ ám, không minh bạch, không công khai, có tính “chiếm đoạt”.
    • Sẵn sàng cho vay nhưng với phân lời “cắt cổ”. Ví dụ trường hợp Sri Lanka: TC cho vay với phân lời 6,3% trong khi Ngân Hàng Thế Giới (World bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) chỉ lấy phân lời từ 0,5 đến 3% cho các công trình hạ tầng cơ sở.
    • Vẫn cho vay mà biết rõ là đối tác sẽ không có khả năng thanh toán (vì nghèo, vì đề án quá lớn không thực tế, vì công trình không có lợi ích kinh tế, sẽ thua lỗ ..v..v.).
    • Đến ngày đáo hạn, khi quốc gia nạn nhân không thể thanh toán, ông chủ nợ TC sẽ trở mặt, áp lực đối tác để đánh đổi tiền nợ thành sang nhượng quyền sở hữu tài sản, công trình cho chủ nợ.
    • Tệ hại hơn nữa, TC chỉ xử dụng công nhân tầu, năng xuất kém; điều hành lãng phí, kém chất lượng; dự án kéo dài, phí tổn gia tăng; độc quyền cung cấp nguyên vật liệu xây dựng. Do đó, thực hiện công trình cho quốc gia đối tác nhưng lại giúp giải quyết công ăn việc làm cho Tầu, giúp kinh tế Tầu bằng chính tiền cho vay, và vị chi tiền đó lại quay trở về với chủ nợ.

Kết quả sau cùng là chính Trung Cộng được hưởng lợi nhiều mặt từ các công trình xây dựng, vừa chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược trên bàn cờ địa chính trị thế giới, ung dung thiết lập các căn cứ quân sự và quân cảng cho lực lượng bộ binh và hải quân viễn duyên, và quan trọng nhất là củng cố những mắt xích trong đại chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” (maritime silk road).

Nước Lào là nạn nhân mới nhất vừa rơi vào “Bẫy Nợ” của Tầu. Đó là nhận xét của Bertil Lintner, chuyên gia kỳ cựu về Đông Nam Á phân tích trên Asia Times. Sau khi vay nợ để đầu tư vào đề án xây cất đường xe lửa cao tốc nối liền thủ đô Vạn Tượng (Vientiane) với tỉnh Vân Nam của TC với kinh phí 6 tỷ mỹ kim và các đề án hạ tầng cơ sở khác như đập thủy điện trên sông Mêkong, dự trữ ngoại hối của Lào xuống dưới 1 tỷ mỹ kim và Lào rơi vào tình trạng không thể thanh toán được nợ.

Vào ngày 4 tháng 9, 2020, thông tấn xã Reuter cho biết là Vạn Tượng, để khỏi vỡ nợ, đang chuẩn bị sang nhượng lại cho công ty China Southern Power Grid (CSG) của Trung Cộng, trụ sở ở Quảng Đông, quyền kiểm soát hệ thống điện của quốc gia Lào.

Cặp bài trùng tham nhũng và độc tài.

Sách lược bẫy nợ của TC tỏ ra rất đắc dụng ở những quốc gia độc tài hoặc nền dân chủ còn non yếu bởi lẽ hối lộ, mua chuộc là sở trường trong kinh doanh của Tầu với phương châm quen thuộc: “Nếu không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Chi phí “lo lót, bôi trơn” càng nhiều thì tiền cho vay sẽ càng cao, tức tiền nợ sẽ càng lớn.

Deborah Brautigam, học giả hàng đầu về Đầu tư của Trung Hoa ở Phi Châu, cho biết tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong các hồ sơ nợ của TC. Khi nói chuyện với cựu bộ trưởng của nước Mauritius, một nước được xem là “sạch” nhất ở Phi Châu, bà cho biết là với họ, tiền “lại quả” (kickback) 5% trên các tiền đầu tư công trình là chuyện tự nhiên trong giao dịch và tiền đó sẽ vào túi của các quan chức chóp bu.

Tại Mã Lai (Malaysia), báo Wall Street Journal đã tiết lộ một tham nhũng “động trời” liên hệ đến đầu tư của Trung Cộng. Dự án đầu tư hệ thống đường tầu điện cao tốc của chính phủ Mã Lai hợp đồng với công ty quốc doanh East Coast Rail Link của TC có kinh phí là 16 tỷ Mỹ kim, trong khi công ty tư vấn Mã Lai ước tính chỉ đến 7,25 tỷ. Thủ tướng Mahathir của Mã Lai, khi lên cầm quyền năm 2018, đã cho điều tra sự mờ ám khuất tất và đã tái thương lượng với TC và giảm giá phí tổn xuống còn 10,7 tỷ mỹ kim.

Kết luận.

Sách lược thiết lập mối quan hệ nhằm lệ thuộc hóa quốc gia đối tác qua việc dùng tiền cho vay, đẩy các quốc gia đối tác sa vào bẫy nợ để rồi cướp đoạt tài sản, tài nguyên và chủ quyền của họ; đồng thời dùng nợ làm đòn bẩy chính trị, ngoại giao tạo vây cánh trên thế giới. Đó chính là bản chất của “Ngoại Giao Bẫy Nợ” vô cùng thâm độc của Trung Cộng.

Một số các quốc gia khác như Pakistan, Tajiskistan, Burundi, Chad, Mozambique, Zambia,Mongolia, Maldives ..v..v.. và các tiểu đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương (Micronation) hiện cũng đang bị đe dọa bởi tình trạng khủng hoảng nợ. Đa số những nước này đều nằm trong đại chiến lược “Vành đai, con đường” của Tập Cận Bình. Phải chăng đây là Vành Đai Nợ và Vòng lệ thuộc?

Tuy nhiên, đối với các quốc gia “nạn nhân” của bẫy nợ, một khi người dân giành lại được quyền tự quyết, quyền quản trị đất nước thì những hợp đồng cướp đoạt, mờ ám khuất tất kia chắc chắn sẽ bị đem ra ánh sáng; những món nợ bất công sẽ được người dân giải quyết. Liệu Trung Cộng có thể giữ được những tài sản đã chiếm đoạt của quốc gia họ chăng?

Khi cả thế giới đã cảnh giác và đề phòng trước sách lược “Ngoại giao bẫy nợ” của Trung Cộng, dường như Bắc Kinh đang từ từ rơi vào bẫy xập của chính mình!

California, Hè 2020

Bài liên quan:
  • Trung cộng Gài Bẫy Nợ Để Đánh Chiếm Hải Cảng 99 Năm
    - Sơn Hà