Lê Đức Luận

Ông Khổng Tử với tôi chẳng có bà con ruột rà gì, cũng chẳng là hàng xóm láng giềng,  nhưng tôi biết tên ông rất sớm. Từ khi bập bẹ tiếng nói đầu đời, mẹ tôi tập cho cách đếm: một (1), hai (2), ba (3), bốn (4) – Cha tôi thêm vào: nhất là một, nhị là hai, tam… ba, tứ… bốn…Lúc đó nghe con nói được là mừng, vì biết nó không bị câm, chứ chắc chẳng yêu con như ông Tố Hữu: “Yêu biết mấy, nghe con tập nói / Tiếng đầu lòng con gọi Sít-ta-lin! (Stalin)”

Lớn lên một chút, tôi vào trường mẫu giáo, cô giáo dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Về nhà nghe cha tôi nói: “Học dã hảo, bất học dã hảo. Học giả như hòa, như đạo; bất học giả như cảo, như thảo”. Cha tôi giải thích: Học là tốt, không học cũng là tốt. Nhưng kẻ có học như lúa, như thóc; kẻ không học như rác, như cỏ. Đó là lời của Đức Khổng Tử – ngắn gọn là “Tử viết”. Từ đó, đến trường tôi học chữ Quốc ngữ, về nhà cha tôi dạy chữ Nho. Cách viết chữ Quốc ngữ và chữ Nho có khác nhau: Chữ Quốc ngữ viết bằng ngòi bút sắt, viết từ trái sang phải, theo hàng ngang; chữ Nho viết bằng bút lông, từ phải sang trái, theo hàng dọc. Cách cầm cây bút cũng khác, đặc biệt không ai cầm bút tay trái viết chữ Nho. Việc học song hành cứ thế tiếp tục, rồi cũng quen nếp.

Đến năm mười lăm tuổi, tôi đã thuộc gần hết  những câu “Tử viết” trong quyển “Minh Tâm Bảo Giám”. Năm lên lớp Đệ Ngũ (Lớp 8 bây giờ) tập làm văn nghị luận – Thầy giáo ra đề: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) tôi trúng “tủ” – bài làm được 8 điểm, thầy giáo đọc cho cả lớp nghe, tôi cảm thấy lâng lâng – Từ đó tôi yêu ông Khổng Tử. Được cha hướng dẫn và khuyến khích, tôi đọc thêm Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ Kinh (Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ,Kinh Xuân Thu). Tôi hiểu “bì bõm” đôi điều về Thiên – Địa – Nhân trong triết học Nho giáo và cái đạo làm người quân tử – thực ra chỉ cần suy ngẫm và thực hiện những điều trong Minh Tâm Bảo Giám cũng đã nên người tử tế.

Từ thập niên 60, quê tôi có phong trào “rủ nhau đi học”. Sau chín năm kháng chiến gian khổ, hạn chế đủ điều; bây giờ thanh bình, đời sống vật chất thong thả hơn, sách báo cũng được in bán khắp nơi… Đêm đêm những cô thôn nữ ngâm nga thơ Lục Vân Tiên, xúm nhau đọc truyện Phạm Công Cúc Hoa, truyện Thạch Sanh-Lý Thông,  truyện Tấm Cám…v…v… Những chàng thiếu niên, dù con nhà giàu hay con nhà nghèo đều được cha mẹ khuyến khích cho học lên Trung học. Những đứa con nhà giàu vào học trường Tây ở Nha Trang, Sài Gòn; con nhà nghèo vào trường tỉnh.

Thời đó có cái “kiểu” (mode)  nói một câu tiếng Việt, chêm vào vài chữ tiếng Tây, cho ra điều “ta đây có học”. Đám học trường Tây gặp nhau thì bắt tay, miệng nói: Bông-rua, Mơ-xi-ơ ( Bonjour, Monsieur) . Tôi vốn dốt tiếng Tây, nói năng ngọng nghịu, nhưng cũng muốn tỏ ra “ta đây có học” nên vòng tay và nói “Thưa, Tiên sinh”.

Đám Trường Ta cho mình con nhà “lễ giáo-nho phong”. Đám Trường Tây xem mình con nhà có giáo dục. Mỗi bên giữ cái phong thái và hãnh diện riêng, nhưng tình bạn bè vẫn thân thiện, quý trọng nhau – có dịp họp mặt cũng “bù khú” quên chuyện Tây Ta – Những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò vẫn sống mãi trong lòng tôi.

Nhớ lại những ngày đầu,  cùng mấy thằng bạn từ miền Trung vô Sài Gòn ghi danh vào Đại học – chẳng khác nào mấy anh nhà quê ra tỉnh. Cha mẹ bán con bò, sào ruộng cho một ít “lận lưng” vừa đủ cho cuộc sống “cơm hàng cháo chợ” làm sao theo kịp cái “mode” ăn chơi với mấy thằng sinh viên Sài Gòn thứ thiệt. Thời đi học, “cái đầu” nâng cấp phẩm giá con người. Biết vậy, nhưng tuổi trẻ không tránh khỏi cái tật đua đòi, nên xoay xở mọi cách kiếm tiền để tập tễnh “ăn chơi” cho ra vẻ người Sài Gòn, nên đứa đi phụ việc trong tòa báo, đứa in bài cho các giáo sư, bán cours kiếm lời, đứa đi dạy kèm – thời đó gọi là làm précepteur, bây giờ gọi là gia sư. Gia sư là công việc phổ biến và vui đáo để. Nhiều tên “mèo mù vớ được cá rán” nếu phải lòng cô học trò nho nhỏ xinh xinh và trong “tầm ngắm” của thân phụ mẫu là một bước “lên cậu”.

Đất Sài Gòn có điều lạ là sống ở đó một thời gian là thành người Sài Gòn lúc nào không hay: xuề xòa, thân thiện, cởi mở, rộng rãi, sống sao cũng được, chẳng chút so bì, chẳng cần để ý đến người khác và người khác cũng không xoi mói đến mình…Cho nên đi đâu “cũng nhớ về Sài Gòn” là vậy. Những thằng nhà quê chúng tôi, không mấy chốc cũng giống người Sài Gòn – Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng rủ nhau vào Rex xem phim với bạn gái, cũng sang Pôle Nord ăn kem – xem ra không khác người Sài Gòn thứ thiệt là bao. Chẳng những thế còn được đám bạn mới cùng lớp, cùng trường ở Sai Gòn nể mặt, vì chúng tôi học giỏi, nhiều đứa muốn làm thân để xin cours, chép lại bài. Không phải tụi nó kém thông minh, mà vì chúng ham chơi và ỷ lại. Do vậy, trong đám sinh viên miền Trung, có vài thằng từ “mèo lên cáo”.

Nhưng dù gì cũng không qua mặt mấy thằng dân chơi trường Tây thứ thiệt, gốc Sài Gòn. Bạn gái tụi nó mặc jupe serrée ngắn lên tới bẹn, đi giày cao gót. Bạn gái tụi tôi áo dài, guốc mộc. Sự đời thường thấy: “trùng Jeu (1) khó chơi”, nên tụi tôi thích bắt bồ con gái trường Tây, còn bọn con trai trường Tây thích bắt bồ con gái “mặc áo che mông” – e…e…thẹn…thẹn – ra vẻ con nhà gia giáo (tiếng thời đó gọi là con nhà lành). Đó là lý do tại sao trong các buổi đi chơi, xem phim, sinh viên gốc trường Tây thích nhập bọn với trường Ta và ngược lại.

Một kỷ niệm khó quên trong đời về chuyện xem phim. Hôm ấy đi xem phim Doctor Zhivago, thường lệ xem phim xong, kéo qua Pôle Nord ăn kem – vừa ăn kem vừa bình phẩm phim. Một thằng quay sang hỏi tôi:

-Chuyện tình của Yuri Zhivago và Lara kết thúc thế nào mày?

-Hỏi ngộ há – mày giỏi tiếng Tây, còn tao chỉ xem phụ đề và nghe qua thuyết minh, làm sao hiểu bằng mày mà hỏi.

-Thì tao thấy trên màn ảnh, tài tử làm sao, tao làm vậy chứ đâu để ý đến chuyện phim.

Bọn con trai cười thích thú, các nàng ra vẻ e thẹn, con bồ của nó đỏ mặt, đưa tay kéo tai nó… Nó tỉnh bơ cười nham nhở.

 Ngày tôi rời Sài Gòn lên Đà Lạt nhập khóa, hắn đến tiễn tôi. Trong lúc chuyện trò, hắn cười cười bảo: -Đà Lạt lạnh, lên đó mày cố tìm con bồ cho ấm tấm thân. Nhưng muốn “bắt bồ” mày phải quên lời dạy của ông già Khổng Tử lẩm cẩm: “nam nữ thọ thọ bất thân”. Con gái đời nay nó thấy cái vẻ “con nhà đàng hoàng-gia giáo” của mày các cô bảo là “đồ cù lần”, có khi nghĩ mày là bóng (gay). Con gái “thấy dzậy mà không phải dzậy” – phải “romantique” phát âm tiếng Việt là “rờ măn tí”– mày hiểu chưa?  Không như thế các nàng bảo là khô khan – mày nên nhớ đó là “cẩm nang” cua gái. Nó cười nham nhở…

Chuyện thuở xa xưa, ở tuổi học trò – trẻ người non dạ – vài đứa ham vui có lời xúc phạm Đức Khổng Tử. Lúc đó tôi thấy bất bình, nhưng không tranh biện dông dài vì xem ra những điều “Tử viết” có chỗ không còn hợp thời. Thời gian trôi qua, nhưng những kỷ niệm ấy vẫn còn lưu trong ký ức.

     Hôm nay nghe bản tin chính quyền TT Trump ra lịnh Sứ quán Tàu cộng phải đóng cửa toàn bộ các Viện Khổng Tử trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ trong năm nay (2020). Lòng tôi cảm thấy nao nao, nhớ về những thằng bạn “ba trợn” và nghĩ thương Ông Khổng Tử – cuộc đời của Ông sao lắm nỗi truân chuyên!

     Ông vốn dòng quý tộc, Tổ phụ ông từ nước Tống di cư sang nước Lỗ  và Ông được sinh ra ở nước Lỗ năm 551 Trước Công Nguyên (TCN). Mồ côi cha từ lúc lên ba, thuở thiếu thời Ông làm lụng vất vả để giúp đỡ mẹ, nhưng rất ham học. Năm 16 tuổi mẹ qua đời, Ông sống thanh bạch và tiếp tục chăm chỉ học hành. Năm 19 tuổi ông lấy vợ và làm chức quan nhỏ coi kho, nuôi bò, nuôi dê. Năm 22 tuổi Ông lập trường dạy học – là một loại trường tư (Tư Thục) đầu tiên lúc bấy giờ.

     Cuộc đời Khổng Tử biến chuyển từ khi ông tìm cách đến Lạc Dương, kinh đô nhà Chu để nghiên cứu về nghi lễ, lúc đó Ông 30 tuổi. Năm sau Ông trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học. Từ năm 34 tuổi, Ông dẫn học trò đi khắp các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở …mong thuyết phục các vua chư hầu lấy “đạo lý” của Ông ra ứng dụng để đem lại thanh bình cho muôn dân. Nhưng đạo lý trị nước của Ông theo Vương Đạo, đi ngược lại ý đồ Bá Đạo, nên có nơi được trọng dụng, có nơi bị coi thường.

Sau 14 năm chu du các nước không thành công, Ông trở về nước Lỗ được vua Lỗ Định Công mời ra làm quan, lúc đó Ông 51 tuổi. Ông giúp vua Lỗ Định Công trị vì nước Lỗ, được quốc thái, dân an – lễ nghĩa liêm sỉ được đem ra giáo dục dân chúng.

Vua nước Tề thấy nước Lỗ mạnh lên, có ý lo ngại, bèn lập kế: lập ra Bộ Nữ Nhạc đem dâng vua Lỗ. Khổng Tử biết ý đồ vua Tề làm lung lạc suy bại chính sự nước Lỗ, nên khuyên Lỗ Định Công đừng nhận , nhưng vua không nghe. Khổng Tử chán nản xin từ chức.      Năm 68 tuổi Khổng Tử trở lại công việc dạy học và soạn sách. Số môn đệ có lúc lên đến 3000, trong đó có 72 môn đệ tài giỏi (Thất thập nhị hiền). Năm 69 bắt tay vào việc hiệu đính bộ sách Ngũ Kinh. Nhờ đó mà hơn 2000 năm sau, người ta còn biết về thời Thái cổ ở Trung Hoa và trải qua bao thế kỷ, các nước Á Châu:

Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nền văn hóa Trung quốc qua triết lý Khổng Giáo. Khổng Tử được xiển dương là nhà hiền triết vĩ đại với tước hiệu “Vạn Thế Sư Biểu” (Bậc Thầy của muôn đời). Ông mất năm 479 TCN – Thọ 73 tuổi. Mộ phần của Ông nằm bên bờ sông Tứ Thủy, cực Bắc nước Lỗ – ngày nay thuộc khu Khổng Lâm, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

     Tưởng rằng Khổng Tử mãi được “tôn vinh vạn tuế” – Nào ngờ năm 1949, Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch, lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, các giá trị truyền thống Nho Giáo bị Mao phê bình là “hủ lậu, phong kiến”- không phù hợp với cuộc cách mạng vô sản do Mao lãnh đạo. Mao muốn truyền bá tư tưởng của mình qua “chủ nghĩa Mao” (Maoism) – Mao cũng muốn chuyển hóa chủ nghĩa Mác – Lênin (Marx – Lenin)  – một chủ nghĩa soi sáng cho ông làm cách mạng sang chủ nghĩa Mao để ông trở thành “nhân vật vĩ đại vô tiền khoáng hậu”.

      Do vậy, Mao đã phát động phong trào xóa bỏ tước hiệu “Vạn Thế Sư Biểu” của Khổng Tử. Một số tài liệu ghi lại: Ngày 7-11- 1966 Hồng Vệ Binh trong thời Cách Mạng Văn Hóa biểu tình, thề tiêu diệt “Khổng Gia Điếm”. Từ ngày 9-11 đến ngày 7-12 họ đã phá hủy hơn 6000 di tích văn hóa, tượng Khổng Tử bị phá hủy, hơn 1000 bia đá bị phá hủy. Khổng miếu, Khổng phủ và Khổng Lâm đều bị phá hủy …

 Thương thay cho xác thân Khổng Tử – Hơn bốn mươi năm trước Mao Trạch Đông cố “chôn Ông xuống”, bây giờ Tập Cận Bình lại “đào Ông lên” gởi ra nước ngoài, chịu cảnh nắng sơm mưa chiều, tuyết sương lạnh lẽo…

 Khi nền kinh Trung Quốc phát triển, Tập Cận Bình nuôi tham vọng bá chủ toàn cầu. Muốn thế, phải có một học thuyết chính trị và một chủ nghĩa thực dụng. Chủ nghĩa Tư Bản đang áp dụng nềnTự Do, Dân Chủ được phổ biến ở nhiều nước. Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin đã bị nhân loại cho vào sọt rác (Chỉ còn mấy nước như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba, Lào, Venezuela còn theo ý thức hệ Marx-Lenin). Còn chủ nghĩa Mao chỉ biểu hiện một chế độ độc tài đồng thời kết hợp một số phương thức đấu tranh giai cấp và đấu tranh vũ trang cướp chính quyền mà Lenin đã áp dụng trong cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Mao Trạch Đông cũng muốn chuyển hóa học thuyết Mác-Lênin cho phù hợp với văn hóa Đông phương nhưng xem ra không có gì mới mẻ và nghèo nàn.

Tập Cận Bình không tìm đâu ra lối, chỉ còn cái “bửu bối” là Nho Giáo, bèn lôi Khổng Tử dậy đi làm thuyết khách, mặc dù những điều Ông nói về “Nhân-Nghĩa-Lễ- Trí-Tín”, “Tam Tòng Tứ Đức”, “Quân Sư Phụ” cách nay đã trên hai ngàn năm, xem ra có đôi điều bất cập.

Nhưng có còn hơn không, nên trong một thời gian ngắn, Đảng Cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ) bỏ ra rất nhiều tiền để thiết lập các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới- Tính đến ngày 31-12-2017 có 525 Viện Khổng Tử và 1,113 Khóa đường Khổng Tử ở 123 quốc gia – Riêng tại Hoa Kỳ có 103 Viện KT và 501 Khóa đường hoạt động – Tượng Khổng Tử được dựng lên nhiều nơi trong khuôn viên Đại Học. Nhưng than ôi! ĐCSTQ đã “treo đầu dê, bán thịt chó” chả liên quan gì đến Nho học cả. Đó là lời than của ông Khổng Kiện, hậu duệ đời thứ 75 của Khổng Tử.

 Khổng Tử nói ra những lời cho đời suy ngẫm như: “ Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ; tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc; bất như tích âm đức vu minh minh chi trung dĩ vi tử tôn trường cửu chi kế (Để lại vàng chưa chắc con cháu đã giữ; để sách chưa chắc con cháu sẽ đọc, nhưng để lại đức , tuy không thấy được nhưng truyền lại cho con cháu lâu dài). Nhưng nào có ai nghe, chúng nó thích trữ “vàng” hơn trữ “âm đức”. Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Nhưng con người ngày nay luôn làm ngược lại.

 Cho nên sau một thời gian hoạt động, các nhà chức trách Hoa Kỳ khám phá ra những hoạt động mờ ám: Lợi dụng các Viện Khổng Tử để nuôi dưỡng các ổ gián điệp, phục vụ công tác tuyên truyền làm lợi cho ĐCSTQ, hối lộ các giáo sư đại học để mua các thông tin hay phát minh mới về khoa học, công nghệ cao. Yểm trợ dồi dào tiền bạc cho các Viện Đại Học để thao túng, lũng đoạn nền giáo dục Hoa Kỳ. Thậm chí lôi kéo sinh viên, giáo sư Mỹ làm gián điệp cho Trung Cộng hay đào tạo các chính khách thân Trung Cộng, theo kiểu “buôn vua” của Lã Bất Vi. Chính sách đó nhằm vượt qua Mỹ của Trung Cộng- Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã đưa ra nhận xét như trên. Tóm tắt là các Viện Khổng Tử âm thầm từng bước thực hiện mưu đồ “nhược Tây cường Trung” ( làm suy yếu phương Tây cho Trung Cộng mạnh lên).

Với cái nhìn của giới bình dân: Trên sáu, bảy mươi năm về trước, hình ảnh Chú Sam hào phóng, mã thượng nhưng ngang tàng qua các anh cao bồi (cowboy) đấu súng. Cái hào quang của người trượng phu quân tử là không bao giờ khuất phục trước đối phương và không bao giờ chịu nhục (ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục) . Thời đó Chú Sam “vai mang túi bạc kè kè, nói lếu nói láo người nghe ầm ầm”. Nhưng từ ngày Chú Sam chơi với Chú Ba (Ba Tàu) bị Chú Ba chơi trò biển lận. Không hiểu do Chú Sam thấm nhuần các điều: Tín Nghĩa … Quân tử nhất ngôn … hay do các luận điệu tuyên truyền như: “đừng đem thắng bại luận anh hùng hoặc chịu làm anh hùng trong chiến bại” lung lạc ý chí Chú Sam mà mấy thập niên gần đây Chú Sam mất ánh hào quang.

 Thấy Chú Ba “khố rách áo ôm” đem lòng thương hại, giúp đỡ Chú Ba. Bây giờ “túi bạc” sang vai Chú Ba, Chú Ba đi khắp Năm Châu, Bốn Biển chinh phục toàn cầu coi Chú Sam chẳng ra gì. Chú Sam cay đắng nếm mùi thất bại đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tiếp theo Chú Ba “vai mang bị bạc kè kè” đến lục địa Phi Châu lập căn cứ, còn dám dòm ngó “sân sau” của Chú Sam ở các quốc gia Nam Mỹ.

 Khi Chú Sam thức tỉnh, thấy rằng “Quân tử nhất ngôn là quân dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn” và cái điều “Chớ đem thắng bại luận anh hùng” chỉ chuốc lấy thảm bại. Không hiểu trong sách của Khổng Tử có chương nào dạy rằng: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” hay không – Nếu không thì Chú Sam nên đóng cửa các Viện Khổng Tử càng sớm càng tốt để lâu Chú Ba lợi dụng KhổngTử chơi trò biển lận, Chú Sam chịu thêm thua thiệt rồi trách ông Khổng Tử – Tội nghiệp cho Ổng, vì Ổng chỉ dạy điều ngay, lẽ phải, còn các âm mưu làm điều mờ ám là do ĐCSTQ. Khổng Tử dạy: “Hữu phúc bất khả hưởng tận, hữu thế bất khả ỷ tận, bần khốn bất khả khi tận” (có phúc đừng hưởng hết, có thế lực đừng dùng hết, khi bần cùng chớ có ti tiện) nhưng Chú Ba luôn chơi trò “Hàn Tín luồn trôn” rồi khi có phúc Chú Ba hưởng trọn – càng có thế Chú Ba càng bành trướng, xâm lăng – Nào thấy Chú Ba nghe theo lời dạy của Khổng Tử. Vậy Chú Ba chơi trò bẩn: “xúi trẻ nhỏ ăn c… gà”. 

Gần đến ngày bầu cử, tôi thấy nao nao… Ông “Ba búa Trump” thắng cử thì dẹp cái Viện Khổng Tử đã rõ ràng rồi. Nếu ông “Sleepy Joe” thắng cử có thể duy trì Viện Khổng Tử. Cách nào cũng thấy tội nghiệp cho Đức Khổng Tử. Dẹp thì thịt nát xương tan (hình tượng bị đập phá). Không dẹp thì hình tượng Ông cứ đứng dưới nắng sớm mưa chiều nghe lời xỉ vả.

Tôi cảm thấy “Thương Ông Khổng Tử” là vì vậy.

Tháng 10, 2020

(1) Jeu là trò chơi (tiếng Tây)

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen