BS Trần Việt Cường sưu tập

Những phương thế giúp trẻ em thông minh hơn

Sự thông minh một phần do yếu tố di truyền.Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học cho thấy có những phương thế để giúp các trẻ em triển nở khả năng học hỏi. Sau đây là một số phương thế:

1. Các trò chơi giúp cho não bộ. Chơi cờ chess, ô chữ …có tác dụng như tập thể thao cho não bộ. Chơi Sudoku giúp cho khả năng suy tính, giải quyết vấn đề. Nên để sẵn các game này ở trong nhà và dạy con em cách chơi.

2. Chơi nhạc. Nghiên cứu tại University of Toronto cho thấy các trẻ em học chơi nhạc sẽ đạt điểm cao hơn tại trung học và khi trưởng thành có IQ cao hơn. Chơi nhạc đặc biệt giúp cho não bộ bên phải.

3. Cho bú sữa mẹ. Các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch tường trình là các em bé bú sữa mẹ sẽ khỏe mạnh hơn và thông minh hơn. Sữa mẹ rất tốt cho não bộ, chứa nhiều dưỡng chất căn bản và còn giúp phòng ngừa nhiễm trùng.

4. Đào luyện cơ thể. Nghiên cứu tại Đại Học Illinois cho thấy trong số các học sinh sơ học, trẻ em khỏe mạnh hơn đạt điểm số cao hơn. Phụ huynh nên khuyến khích con em thay vì coi TV sau bữa ăn thì đi bộ hoặc chơi banh. Chơi các bộ môn thể thao còn  giúp phát triển sự tự tin, tình đồng đội và khả năng lãnh đạo.

5. Các games video. Các games video được chọn lọc giúp trẻ em phát triển về sự khéo léo về tay  cũng như sự phối hợp giữa tay và mắt. Công ty Leapfrog có những games giúp huấn luyện các em từ tuổi con bé thơ. Cần tránh những video games có tính bạo lực hoặc thiếu đạo đức.

6. Ăn cơm chung với gia đình. Nghiên cứu tại Michigan cho thấy ăn cơm chung với gia đình là yếu tố quan trọng nhất giúp các em học giỏi và ngoan ngoãn. Giúp các em có khả năng ngữ vựng cao hơn, lịch sự hơn, ăn uống lành mạnh và tự tin hơn. Các em thường ăn cơm chung với gia đinh cũng ít bị những tật xấu như hút thuốc, nghiện ngập..

Thận trọng khi kỷ luật con cái.

Sau đây là một số nguyên tắc gợi ý về những điều nên tránh khi kỷ luật con:

1.Không la mắng trẻ em, dù là khi con em còn nhỏ trước mặt người khác, vì sẽ làm tự ái của các em bị tổn thương.

2.Khi thấy con cái đã nhận biết lỗi và tỏ ý hối hận ta không nên tiếp tục cằn nhằn la rầy mà nên tỏ lượng khoan dung.

3.Không la mắng con trước giờ ngủ. Thời gian trước khi đi ngủ, cả cha mẹ lẫn con cái đều cần sự tĩnh lặng, bình an. Không nên để con cái phải mang tâm trạng nặng nề, có thể đưa đến ác mộng.

4.Không nên la rầy con trong bữa ăn. Bữa ăn là thời gian hòa giải, an vui và xum họp gia đình nên cần bầu khí vui tươi.

5.Không quở trách khi con đang có chuyện vui mừng, phấn khích. Các em đang cao hứng  nhiều đang khoe bố mẹ mà bị la rầy sẽ bị cụt hứng và tổn thương.

6.Không la rầy khi con có tâm trạng u buồn. Khi con đang có nhiều vấn đề và âu lo thì cần được thông cảm và nâng đỡ. Trách mắng con trong lúc này làm tinh thần của con em thêm suy sụp.

7.Không trách mắng khi con em không được khỏe trong người. Khi con em đang bị bệnh như cảm cúm, nhức đầu… cũng không phải là lúc thích hợp để sửa dạynhững lỗi lầm vì lúc đó con đang cần tình thương êm ấm của cha mẹ để giúp các em bình phục.

Bài liên quan:
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Tin Liên Quan Tới Não Bộ
    BS Trần Việt Cường
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Bảo Vệ Cơ Năng Thận
    BS Trần Việt Cường
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Hạnh Phúc Gia Đình
    BS Trần Việt Cường
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Những Bí Quyết Dinh Dưỡng Giúp Trường Thọ
    BS Trần Việt Cường
  • Khảo Cứu Để Chữa Bệnh Liệt Kháng (AIDS) Đã Giúp Tìm Ra Thuốc Chủng Ngừa COVID-19
    Nguyễn Tử Quý