Sự hòa hợp lứa đôi là điều tối quan trọng trong cuộc sống và sẽ quyết định hạnh phúc trong cuộc đời. Bà Lori Weinreich một chuyên viên cố vấn hôn nhân, đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng khi họ gặp vấn đề. Từ kinh nghiệm của mình, bà đã ghi nhận bốn điều người chồng muốn vợ mình thay đổi sau đây:
Nhưng cũng phải nói ngay là là trong cuộc sống hôn nhân, cả hai vợ chồng đều phải cố gắng xây dựng tình yêu và hạnh phúc gia đình, chú tâm đến người bạn đời và sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn lẫn nhau.
- Than trách nhiều quá. Nhiều người chồng cho biết họ có cảm tưởng là vợ đòi hỏi nhiều quá và dù họ có cố gắng đến mấy cũng chưa đủ và vẫn không tránh được bị than phiền. Bà khuyên các người vợ thay vì than trách thì nên gợi những tình cảm cao đẹp nơi chồng. Thay vì nói là: ” Anh chẳng chịu đưa rác ra gì cả” thì nói nhỏ nhẹ: ” Em thấy nhà nhiều việc quá, anh giúp em lo đưa rác ra ngoài.” Bà khuyên là cũng nên cho chồng biết là mình rất vui vì những sự giúp đỡ của chồng.
2. Vợ nói nhiều quá. Chồng hay có cảm tưởng là vợ nói nhiều quá về một vấn đề. Đó là do sự khác biệt giữa nam và nữ. Vợ có cảm tưởng là chồng không nghe mình, còn chồng thì thấy như bị giảng bài. Vợ chồng cần hiểu tâm lý nhau. Thay vì nói lâu và dài dòng về một vấn đề, vợ nên hỏi ý kiến chồng để người chồng có dịp bày tỏ.
3. Chỉ chú ý đến con cái. Chồng nhiều khi cảm thấy mình không còn quan trọng nữa, vì vợ hình như bỏ hết thời giờ và tình thương yêu cho con cái. Vợ chồng vẫn phải là người quan trọng nhất trong cuộc đời nhau. Dù bận rộn với con cái, vợ vẫn cần có những cử chỉ và lời nói âu yếm với chồng. Điều này rất quan trọng cho những đôi vợ chồng trẻ, khi con cái còn thơ dại.
4. Thiếu sự gần gũi vợ chồng. Cuộc sống gối chăn rất quan trọng cho hạnh phúc lứa đôi, nhất là đối với những người trẻ. Người chồng thường có nhu cầu chăn gối nhiều hơn. Vợ có thể đóng vai trò chủ động, và giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự thân mật và hạnh phúc lứa đôi, nếu biết quan tâm đến khía cạnh này.
Phải làm gì khi nóng giận
Luyện được khả năng bình tĩnh và kiềm chế sự nóng giận là điều rất khó, cần nhiều thời gian, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Sau đây là một số phương cách:
1. Bỏ đi chỗ khác. Trong một cuộc tranh luận, khi thấy mình quá nóng giận, xin hãy dừng lại, bỏ ra ngoài hoặc đi đâu đó để tránh không “lỡ lời”. Khi bớt cơn nóng giận, ta có thể bàn luận một cách bình tĩnh và sáng suốt hơn.
2. Nhắm mắt trong giây lát. Gặp chuyện khó chịu, hãy tạm nhắm mắt lại trong chốc lát, ta sẽ có được sự tập trung và bình tĩnh hơn.
3. Không gian yên tĩnh. Nên tìm nơi nào đó yên tĩnh để được ở một mình. Không gian thanh vắng yên tĩnh sẽ giúp cho sự thư giãn của hệ thần kinh.
4. Uống nước. Khi nóng giận, nên uống một ly nước. Cách này đơn giản nhưng hiệu quả. Ta cũng có thể tìm thấy sự “hỗ trợ” tuyệt vời của nước cho sự bình tĩnh như nhìn ngắm hồ cá, rửa mặt… Nếu có điều kiện thì đi tắm sẽ giúp làm giảm cơn nóng giận rất hiệu quả.
5. Hít thở sâu. Hít thở giúp cung cấp oxygen cho não và các cơ quan trọng yếu của cơ thể, giúp chúng ta tỉnh táo hơn và bình tĩnh hơn. Hãy thực hành phương pháp thở sâu thường xuyên, rất tốt cho sức khỏe tâm thần.
6. Nghe nhạc. Những giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu sẽ giúp cho thần kinh bạn thư giãn. Nên tùy theo sở thích cá nhân để chọn loại nhạc phù hợp.
BS Trần Việt Cường sưu tập