Chúa Nhật 20-12-2020, đánh dấu chẵn 7 năm ngày Ca Nhạc Sĩ Việt Dzũng vĩnh viễn ra đi. Vận Hội Mới xin gửi đến quý độc giả bài viết được đăng lại sau đây của nhà báo Trần Phong Vũ.

Khi Chim Bằng gẫy cánh 

10 giờ 35 phút sáng Thứ Sáu 20-12-2013, giữa lúc mọi người đang rộn ràng chuẩn bị đón mừng ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế giáng sinh để cứu độ muôn dân, Việt Dzũng thở hơi cuối cùng trên đường đến bệnh viện, hưởng dương 55 tuổi.

Một bầu trời thê lương, ảm đạm phủ xuống các cộng đồng người Việt tị nạn khắp thế giới trước tin anh ra đi. Trên các hệ thống truyền thông hiện đại, người ta đọc được những lời phân ưu thấm đẫm nước mắt và lòng yêu thương cảm mến của mọi tầng lớp đồng bào từ khắp nơi gửi tới người thân của anh, tới Radio Bolsa, tới đài SBTN, tới nhóm chủ trương băng nhạc Asia.

 Chính tại những nơi này, anh đã dốc hết công lao huyết hãn để phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí của đồng hương tị nạn, và nhất là để cùng bà con thắp sáng chính nghĩa cho cuộc đấu tranh dành lại tự do, dân chủ, quyền sống, quyền làm người của 90 triệu đồng bào trên quê hương đau khổ. Hàng trăm bài thơ, hàng trăm bài viết được post lên mạng bày tỏ lòng tiếc thương người nghệ sĩ tài hoa, tuy bị khuyết tật từ bẩm sinh, nhưng mang sẵn một trái tim vĩ đại, một ý chí sắt đá, một nhuệ khí ngút trời.

Những bản nhạc đấu tranh quen thuộc trong số hơn 400 ca khúc do anh sáng tác, cùng một lúc vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, ở các tiểu bang Hoa Kỳ, ở Âu Châu, Úc Châu, nơi có người Việt Nam tị nạn.  Một Chút Quà Cho Quê Hương – Lời Kinh Ðêm – Mời Em Về – Tình Ca Nguyễn Thị Sàigòn … Và những giọt lệ chảy dài trên mắt, trên môi những đồng hương, trong số không thiếu những người chưa hề gặp gỡ hay quen biết anh, bao gồm cả những em nhỏ sinh ra nơi xứ người, không phát âm chuẩn tiếng Mẹ. 

Việt Dzũng là báu vật của cộng đồng tị nạn.
Anh là vốn quý của quê hương, dân tộc và là kẻ thù của kẻ ác.

Giọng nói truyền cảm, khoẻ mạnh của anh. Những bài hát chan chứa yêu thương, mang âm sắc rực lửa đấu tranh của anh. Tất cả đều như những mũi tên lao về phía trước, có tác dụng lay động lòng yêu quê hương, dân tộc của giới trẻ trong và ngoài nước, khiến tập đoàn thống trị Hànội phải bàng hoàng khiếp sợ. Và ngay từ những ngày đầu, khi tiếng nói Việt Dzũng vừa cất lên, anh đã bị kẻ ác lên án tử.

Lúc 7 giờ tối Chúa Nhật 22-12, hơn hai ngày sau khi Việt Dzũng từ giã cõi đời, nhóm chủ trương diễn đàn Paltalk yểm trợ Khối 8406 nối kết với nhiều diễn đàn bạn ở Âu châu, Úc châu và cả Việt Nam, đã dành cho cá nhân tôi cơ hội được chia sẻ đôi điều nhân những giây phút mở đầu tưởng niệm anh, trước khi đi vào đề tài chính nói về trường hợp người trẻ Ðặng Chí Hùng đang bị CSVN săn đưổi ở Thái Lan.

Qua những trao đổi thân tình của cả ngàn tham dự viên buổi tối hôm ấy, tôi càng cảm nhận rõ hơn về mối cảm tình sâu đậm của quần chúng, -cách riêng giới trẻ-, ở trong cũng như ngoài nước, đối với người nhạc sĩ vừa ra đi ở tuổi 55.

Quả thật tên anh đã gắn liền với những nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ, chống lại tà quyền CSVN mà ngày nay đã hiện nguyên hình là một bày lang sói, độc tài, tham nhũng, đang mưu toan bán đất, dâng biển cho ngoại bang.

Tối Thứ Sáu 27-12, một buổi tưởng niệm Việt Dzũng được tổ chức tại đài SBTN suốt từ 8 giờ tối đến quá nửa khuya. Trước một cử tọa đông đảo kẻ ngồi người đứng có mặt từ đầu đến cuối, từng người, từng đại diện các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng đã lần lượt được mời lên phát biểu những suy tư về sự ra đi bất ngờ của Việt Dzũng, về gương hy sinh lớn lao của anh, về những đóng góp không mệt mỏi của anh cho đại cuộc trong ngót 40 năm qua. Những hình ảnh ghi lại bước đường anh đã đi qua trong cuộc hành trình vận động cho nỗ lực đấu tranh chống lại những thế lực gian dối, bạo tàn trên quê hương Việt Nam, luân phiên xuất hiện trên màn ảnh phía sau khán đài.

Và dịp này, thêm một lần nữa mọi người lại được nghe những ca khúc quen thuộc của anh… để nhận ra một Việt Dzũng đậm tình quê hương dân tộc, đau niềm đau của những thuyền nhân mất vợ, mất chồng, mất cha, mất con nơi biển cả trên đường tìm tự do, của những bà mẹ Dân Oan giãi nắng dầm mưa tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hànội, tại văn phòng 2 Quốc Hội cạnh nhà thờ Ðức Bà, Sàigòn, của những người trẻ bị CACS ruồng bố, đánh đập, ném lên xe cây trong những cuộc xuống đường chống Tàu Cộng xâm lăng biển đảo; một Việt Dzũng đanh thép, quyết liệt, hào hùng khi cất tiếng kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước…

 Ngoài đám đông cử tọa hiện diện trong khuôn viên đài SBTN, nội dung buổi tưởng niệm đã được cả trăm ngàn khán thính giả trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ, Canada và Úc châu theo dõi trên màn ảnh TV. Tất cả những gì biểu tượng cho Việt Dzũng: con người anh, tâm hồn, trí tuệ, tinh thần, khí phách anh, dù đôi chân khuyết tật vẫn không cản bước đường anh đi tới… đã được diễn lại cho mọi người nhìn thấy, cảm thấy và đụng chạm tới qua lời anh nói, tiếng anh hát, những việc anh làm 38 năm qua trong buổi tưởng niệm với nhiều nước mắt nhưng cũng không ít niềm vui và hy vọng tối Thứ sáu, 27-12.

Trong hai ngày Thứ Bảy, Chúa Nhật (28-29/12/2013), nhìn đoàn người thuộc đủ mọi thành phần tuồi tác, phái tính, địa vị từ khắp bốn phương lũ lượt đổ về nhà quàn Peek Family Funeral Home ở nam California để nhìn Việt Dzũng lần cuối, thắp nén hương cầu nguyện cho anh, người ta mới cảm nhận được trọn vẹn lòng tiếc thương, ái mộ của các giới đồng bào đối với người ra đi. Trong bầu không khí trầm mặc nơi nhà quàn, giữa những lời kinh cầu thiết tha trầm bổng, nghe được những tiếc nấc uất nghẹn, thấy được những giòng lệ xót thương chảy dài trên khuôn mặt những cụ già, những em bé.

Chưa hết. Sáng Thứ Hai, ngay từ lúc hừng đông cho tới hơn 10 giờ, bà con tiếp tục đổ về nhà quàn. Và những lời cầu nguyện, những lời chia buồn lại tiếp nối trước khi di quan tới Giáo đường Thánh Linh để cử hành Thánh Lễ cầu cho Linh hồn GioaKim.

Ðây là một đám tang lớn nhất từ trước tới nay. Dư luận nói với nhau như thế.

Lòng Giáo đường Thánh Linh vốn được coi là rộng thênh thang nhưng buổi trưa hôm ấy vẫn không đủ chỗ cho người tham dự, khiến đông đảo bà con phải ngồi đứng chen chúc bên ngoài, tràn ra bãi đậu xe. Ðiều cảm động nhất và cũng là một đặc điểm chưa từng có trong những tang lễ xưa nay: giữa rừng giáo dân và lương dân là hàng chục bóng áo vàng của các chư Tăng Phật Giáo nghiêm trang hướng lên bàn thờ. Bên cạnh đó là những chiếc áo trắng của các chức sắc Cao Ðài Giáo, áo nâu của những vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Ðiều này cho thấy Việt Dzũng, ngoài tư cách Kitô hữu, anh là một công dân Việt Nam mà thuở sinh thời đã hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng quốc gia, dấn thân phục vụ người nghèo, người bị áp chế. Anh đã sống trọn giáo huấn Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức từng tuyên xưng: “Người Công Giáo Tốt phải là Người Công Dân Tốt”. Và đấy là lý do anh được mọi người, mọi tôn giáo yêu thương, quý trọng.

Trên Cung Thánh, Ðức Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám Mục phụ tá Giáo phận Orange, nhắc lại bài giảng trên núi của Chúa Giêsu về Tám Mối Phúc (còn được gọi là Hiến Chương Nước Trời) theo trình thuật của Thánh Mát-Thêu. Từ đấy, ngài dẫn tới kết luận: trong suốt cuộc hành trình dương thế, với tình thương vô biên dành cho tha nhân, với thái độ khoan dung, lễ nhượng, luôn sống chan hòa với mọi người, GioaKim Việt Dzũng đã quên thân mình, quên khuyết tật bẩm sinh, dùng hết tài năng, sức lực giới hạn Chúa cho để phục vụ những thành phần thấp cổ bé miệng, những đồng bào là nạn nhân của cường quyền bạo lực trên quê hương. Do đó anh xứng đáng được hưởng phúc Thiên đàng.

Vì chính Chúa Giêsu đã phán hứa: “Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương… Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người công chính bị bách hại, vì Nước Trời là của họ.” (Mt. 5: 7, 9, 10). Thánh Lễ kết thúc. Ca đoàn cất lên lời ca tiễn biệt.

“Xin giã biệt mọi người,
Tôi ra đi lần cuối,
Không bao giờ trở lại,
Hẹn nhau trên Nước Trời…

Âm hưởng bài hát trầm buồn nhưng chan chứa tin yêu và hy vọng dõi bước đoàn người theo linh cữu Việt Dzũng tới nghĩa trang Chúa Chiên Lành.

Từ HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tới GioaKim Việt Dzũng 

Tự dưng tôi liên tưởng tới bài thơ “Con có một Tổ Quốc: Việt Nam” của cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được phổ nhạc qua tiếng hát Khánh Ly.

“Con có một Tổ Quốc: Việt Nam… Quê hương yêu quý ngàn đời…Con hãnh diện. Con vui sướng… Con yêu non sông gấm vóc… Con yêu lịch sử vẻ vang…”* 

Chiêm ngắm cuộc sống của một Giáo phẩm cao cấp và một Giáo dân bình thường, người ta nhận ra mỗi Kitô hữu có một cách thể nghiệm đức tin của mình. Tuy khác nhau ở bề mặt, nhưng hoàn toàn đồng dạng từ bản chất. 

Cố HY Thuận luôn phó thác đời ngài cho Thiên Chúa, chấp nhận 13 năm tù trong nhà lao cộng sản, chia sẻ nỗi khốn khó với những anh em đồng cảnh ngộ trong những nhà tù ngài đã trải qua. Với tấm lòng yêu thương chân thật, cố HY đã cảm hóa được không ít những kẻ bách hại ngài.

Và Giáo Hội đang trên đường tuyên Thánh cho ngài. 

Cố HY từng nói thẳng với những công an CS hành hạ ngài:
“Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu…”

Việt Dzũng không ở tù ngày nào. Nhưng, một cách nào đó anh là người tù suốt 55 năm dài trên đôi chân teo tóp vô dụng. Tuy nhiên, anh không cam phận làm người khuyết tật chung thân.

Và, như một phép màu, với đầu cao mắt sáng, một ngày anh đứng dậy. Anh đứng dậy không chỉ bằng đôi nạng gỗ. Anh đứng dậy và đứng vững chắc bằng niềm tin nơi Ðấng đã bù đắp cho anh một tài năng thiên phú, một khối óc thông minh, một trái tim bỏng cháy yêu thương, và một nghị lực phi thường để vượt qua tất cả. Trước tiên là mặc cảm của một người khuyết tật bẩm sinh. Kế đến là sống như mọi người, hành động như mọi người, và trong thực tế anh đã vượt trên và xa mọi người.

Ðiều trân quý nhất là anh vẫn khiêm tốn, sống yêu thương, hòa đồng với mọi người.

Trong cuộc đời, từ lúc sinh ra cho đến giây phút thở hơi cuối cùng, anh được bà con yêu mến, quý trọng. Anh là biểu tượng của một nhân cách lớn, một nhân cách hoàn hảo. Trong đời sống đức tin, hẳn anh chưa quên những giáo huấn anh nhận được thuở còn thơ từ các Sư Huynh Dòng LaSan Taberd.  

(Trong khoảnh khắc, từ sâu thẳm của ký ức mỏi mòn, tôi chợt thấy hiện ra hình ảnh chú bé 7, 8 tuổi chống nạng bên cổng trường LaSan Taberd đường Nguyễn Du Sàigòn)**.

Không ngờ, sau ngày cộng sản thôn tính miền Nam, một buổi tối đầu xuân năm 1977, tôi gặp Việt Dzũng, một Việt Dzũng 19 tuổi đẹp như thiên thần, vững vàng trên đôi nạng gỗ trong một buổi trình diễn văn nghệ ở thành phố Kansas bang Missouri miền Trung Tây Mỹ quốc. Dời cư về miền nắng ấm, tôi gặp lại anh, một Việt Dzũng dày dạn hơn, phong sương hơn, và dĩ nhiên mạnh mẽ, cương nghị, được nhiểu người yêu mến hơn.

Những tiếng vọng trên quê hương 

Việt Dzũng không chỉ dành được cảm tình của đồng bào tị nạn ở hải ngoại. Khi anh còn tại thế, qua các trang mạng và nhất là qua băng nhạc Asia, rất nhiều bà con ở quốc nội đã biết tới anh và những thành tích tranh đấu cho nhân quyền của anh. Tin anh qua đời cũng làm cho nhiều bà con trong nước xúc động và tỏ lòng thương tiếc, không chỉ âm thầm, mà còn biểu lộ công khai trước tai mắt của đảng và nhà nước. Trong cuộc biểu tình của hàng trăm Dân Oan ở Văn Phòng 2 Quốc Hội CS gần nhà thờ Ðức Bà Sàigòn sáng ngày đầu năm 2014, bên cạnh những biểu ngữ chống đối chính sách ăn cướp của chế độ CS Hànội, người ta đọc được trong một tấm hình chụp một biểu ngữ với hàng chữ lớn:

“Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng”

Người Buôn Gió, bút danh của Blogger Bùi Thanh Hiếu, một Phật tử trẻ từng sát cánh bên cạnh những cuộc đấu tranh bất bạo động của tập thể tín hữu Công giáo và các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở nhà thờ Thái Hà (Hànội) lâu nay, nhân ngày đầu năm 2014 cũng gửi lên NET một bài viết cảm động về tác giả Lời Kinh Ðêm.

“Nhưng chim đã gãy cánh.
 Tôi định không viết gì về anh, mặc dù những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Ðêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Ðêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giống tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi.

‘Biển ngây ngô hay biển man rợ?
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ?
(…)
Thế rồi đột ngột nhạc phẩm Mời Em Về tuy có dấu ấn chung về nỗi buồn thân phận lưu vong như hai bài trước, nhưng nhạc phầm này ca từ lãng mạn một cách êm đềm đến dịu ngọt. Tôi cám ơn anh, mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật, tiếng Nam Mô buồn làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngôi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù. 

Bài hát dịu dàng lắm, này ‘Cổ Ngư chiều đổ lá, trong mưa buồn lưa thưa, này phố phường xưa những chiều mưa phủ.’

Bài hát mà lời như định mệnh. -Mà cả lời của ba bài hát, có bài nào lời không như định mệnh đâu.? Một định mệnh buồn của thân phận tha hương.

‘Nhưng chim đã gãy cánh
Nhưng mây đã ngừng trôi
Ðể cho tôi còn lại nơi này…’ 

Mong anh nằm yên bình nơi ấy, nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nén hương cho một trong những người nhạc sĩ Việt Nam, đã viết những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất. Mong lời ca của anh sẽ khiến những con chim xa xứ không bao giờ mỏi cánh ước mơ tìm về với quê cha, đất mẹ. Ðể chao cánh lượn trên bầu trời Hà Nội, Sài Gòn trong một chiều say nắng.

Chia buồn với trung tâm Asia đã mất đi một người MC ưu tú, người MC quan tâm sâu sát đến từng diễn biến của những người đấu tranh trong nước, nhắc tên những người đấu tranh trên sân khấu giữa hàng nghìn khán giả. Ðể cho những người yêu nước bên ngoài và những người yêu nước bên trong thấy gần gũi với nhau hơn, gắn bó và hiểu biết nhau hơn. Khoảng trống của anh để lại thật lớn trên sân khấu Asia…”

Trong những giòng mở đầu bài viết, NBG thố lộ:“Tôi định không viết gì về anh”. Tiếp theo một đoạn và sau khi trích hai câu ‘Biển ngây ngô hay biển man rợ? Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ?’ trong bản nhạc Lời Kinh Ðêm, tác giả thẳng thắn nêu lý do: 

“Sở dĩ tôi định không viết bởi tôi hèn. Tuy rằng trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay. Tôi hèn chẳng phải tôi sợ những người cộng sản đối nghịch với anh, họ làm gì tôi. Tôi hèn vì tôi sợ ‘một số người’trong số những người đấu tranh dân chủ. Họ sẽ chửi tôi tư cách gì viết về anh hả thằng oắt con Bắc Kỳ. Mày định lăng xê cho bản thân mày à.?” 

Ghi lại mấy giòng trên đây của tác giả NBG, người viết bài này muốn nói với anh rằng: con số những người anh nghĩ sẽ ‘chửi’ anh như trường hợp Nguyễn Lân Thắng từng bị ‘chửi’ mà anh đề cập trong bài, chắc chắn không nhiều, và cũng chắc chắn trong cái thiểu số ấy có những thành phần nhẹ dạ đáng thương hơn đáng trách. Họ vô tình bị thúc đẩy bởi một mưu toan xuất phát từ nỗi sợ hãi vỡ đảng từ những kẻ cầm quyền trong nước, với sự hà hơi tiếp sức của một nhúm tay sai vô sỉ ở hải ngoại.

Sánh lược ‘sandwich’ để tung hỏa mù

Ðiều cần nói và phải nói là ngay trong sự ra đi bất chợt của Việt Dzũng cũng tàng ẩn những điều nghịch lý mà tôi mệnh danh là những hạt sạn cần đãi lọc.

Những hạt sạn ấy là gì?

Sau ngày Việt Dzũng nằm xuống, mỗi buổi sáng tôi phải mỏi tay xóa bỏ không biết bao nhiêu thư ‘rác’ với nội dung không ngoài mục tiêu đánh phá, mạ lỵ những cá nhân và tổ chức thuở sinh thời Việt Dzũng vốn sát cánh như bạn đồng tâm đồng chí. Họ gửi vào hàng loạt cả trăm mail ‘rác’ cùng một lúc, không phải một mà dưới nhiều danh tính khác nhau, nhưng hoàn toàn xa lạ đối với người nhận.

Có những mail tố cộng kịch liệt, nhưng toàn những điều vô thưởng vô phạt mọi người đã biết từ lâu. Cũng có những mail chuyển tải những bài thơ, những bài viết xưng tụng Việt Dzũng hay bày tỏ lòng mến tiếc anh. Nhưng xen kẽ trong đó là những liều độc dược, những lời lăng mạ thậm tệ trung tâm Asia! Họ khôn khéo áp dụng sách lược “sandwich”, trưng ra những luận điệu kể tội CS và những lời nói tốt Việt Dzũng để tạo niềm tin tưởng cho người đọc họ, trước khi giở ngón đòn ‘chụp mũ’, bôi bẩn nhằm triệt hạ hoặc ít nữa là gây hoài nghi đối với những cá nhân, những tổ chức đang là đối tượng cần truy diệt của Hànội. Nhưng người tinh ý, nhất là có ít nhiều kinh nghiệm về CS, dễ dàng nhận ra ngay.

Viết ra những sự thật này, tôi biết mai đây có thể cá nhân tôi sẽ trở thành đối tượng bị bội bẩn. Nhưng có phải vì thế mà im lặng? Thuở sinh thời cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện bị xuyên tạc, bị bang bổ, cùng với một số bằng hữu của anh, tôi đã công khai lên tiếng.

Và bây giờ cũng không thể khác.

Lời chót trước khi kết thúc

– Qua nỗi sợ bị người hải ngoại ‘chửi’ của Người Buôn Gió,

– qua biểu ngữ công khai bày tỏ lòng thương tiếc Việt Dzũng của các Bà Mẹ Dân Oan trong cuộc xuống đường ở Sàigòn giữa ngày đầu năm 2014,

– qua sách lược núp bóng chống cộng như một chiêu bài, một sách lược giai đoạn để báng bổ những khuôn mặt được coi là khắc tinh của CSVN gần đây,

-và qua tâm trạng âu lo vỡ đảng của Hànội… vài câu hỏi được đặt ra.

* Ðảng và nhà nước CSVN sợ hãi điều gì và đang toan tính gì trong lúc này?

Trường hợp Lê Hiếu Ðằng, TS kinh tế Phạm Chí Dũng, BS Nguyễn Ðắc Diên liên tiếp công khai tuyên bố bỏ đảng vào thời điểm cuối năm 2013 có giá trị như quả bom tấn đánh vào đầu não chế độ Hànội. Họ lo sợ một cao trào thoái đảng hàng loạt sẽ xảy ra trong tương lai không xa. Những đòn phủ đầu nhằm đánh vào não trạng dao động của hàng triệu đảng viên CS các cấp đã và đang diễn ra ở Sàigòn qua việc triệu tập đảng viên để ‘khai trừ’ các ông Ðằng, Dũng và Diên, dù biết đây là chuyện ‘ruồi bu’ khi chính các đương sự đã minh danh c ô ng khai viết thư từ bỏ đảng!

Ðối với tập thể người Việt hải ngoại, Hànội rất sợ những cá nhân, những tổ chức đấu tranh chuyển lửa về kích thích đồng bào đứng dậy, đồng thời gây mầm bất mãn, bạo loạn trong nội bộ đảng và nhà nước. Tình cảm cuồng nhiệt, náo nức của tập thể tị nạn ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, Úc Châu dành cho Việt Dzũng khi anh nằm xuống (như đã dành cho tác giả Hoa Ðịa Ngục trước đây) càng làm cho nỗi âu lo của đảng và nhà nước CSVN nhân lên thập bội.

Ðiều này lý giải cho hiện tượng tăng tốc chiến dịch bôi bác, tung hỏa mù nhắm vào bạn bè anh của những kẻ thân xác tuy khoẻ mạnh nhưng trí óc và tâm hồn bại liệt, hòng làm suy yếu những nỗ lực đấu tranh chung, trong những ngày qua.

* Như thế chúng ta nghĩ sao và phải làm gì trong lúc này?

Trước hết, sau sự ra đi của Việt Dzũng, mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể trong cộng đồng phải quyết chí biến đau thương thành hành động. (Ðấy là điều từ bên kia thế giới chắc chắn Việt Dzũng đang trông đợi.) Muốn hành động có hiệu quả tối đa chúng ta cần phải mạnh. Muốn mạnh phải dứt khoát gạt bỏ mọi tư kiến, thống nhất quan điểm, dồn nỗ lực vào việc vận động quốc tế, hỗ trợ đồng bào và các nhà dân chủ trong nước tiến hành cuộc đấu tranh tiêu trừ sự ác.

Ðây là một cuộc đấu tranh bất bạo động, một cuộc đấu tranh bằng tinh thần, bằng ý chí và bằng cân não, trong đó 90 triệu đồng bào trong nước –bao gồm cả những cán bộ, bộ đội, những đảng viên CS phản tỉnh-, sắm vai trò quyết định.

Cần nhận thức rằng: có rất nhiểu chỉ dấu cho thấy tình hình đất nước ngày nay đã hoàn toàn đảo ngược. Trong khi người dân đang dần vượt qua sự sợ hãi thì phía đảng và nhà nước cộng sản càng ngày càng co rút lại trong nỗi kinh mang trước một tương lai mờ mịt. Chưa bao giờ đảng cộng sản suy yếu, rệu rã như những năm gần đây. Ðấy là chưa nói tới những khó khăn bế tắc vô phương cứu vãn mà chế độ đang phải đối diện, bao trùm hầu hết các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.

Sự tồn tại của chế độ chuyên chính Hànội chủ yếu dựa vào kỷ luật thép trong đảng cộng sản, một thứ kỷ luật được tạo nên bằng cái ‘chủ nghĩa bánh vẽ’ và bằng những biện pháp sắt máu với chủ trương ‘thà giết oan mười mạng còn hơn để một mạng lọt lưới!’. Ngày nay thứ kỷ luật ấy đã hết linh khi người dân đã vượt qua nỗi sợ thâm căn cố đế, khi đa số đảng viên đã giác ngộ, nhận ra bộ mặt thật tàn bạo của thiểu số lãnh đạo, ăn trên ngồi trước được xu phụ bởi một đám đảng viên vô sỉ, chỉ còn bám vào nhau vì những lợi ích cá nhân, tạo nên những trò đấu đá, tranh ăn và càng ngày càng cho mọi người thấy rõ bản chất tham ô, bất tài, bán nước của chúng.

Trong điều kiện ấy, ngoài nỗ lực củng cố thêm thế mạnh của mình, tập thể người Việt hải ngoại cần quan tâm tới việc làm suy yếu hàng ngũ đối phương.

Bằng cách nào? 

Trước hết, bằng tình liên đới, kết đoàn và tinh thần khoan dung, nhân ái. Chính sự liên đới, cảm thông sẽ gắn kết mọi người thành một khối và tinh thần khoan dung, nhân ái sẽ khích lệ những cán bộ, bộ đội bao gồm cả đảng viên đảng CS, nhất là những thành phần đã bắt đầu nhận ra sự lầm lạc của mình, dám mạnh dạn đứng về phía nhân dân chống lại thiểu số cầm quyền đang tác oai tác quái trên quê hương. 

Là những kẻ đang sa lầy vì chính sách bất nhân tàn bạo, hơn ai hết Hànội ngày càng nhận ra sự thất nhân tâm của chúng trước một đối phương luôn lấy sự khoan hòa, bao dung, nhân bản làm phương châm tranh đấu. Từ đấy chúng ta có nhiều lý do để tin rằng những luận điệu chụp mũ, khích bác, báng bổ, gây hỏa mù trong nội bộ cộng đồng hải ngoại không ngoài ý đồ của Hànội, trước hết nhằm làm suy yếu tiềm năng đấu tranh của chúng ta, đồng thời có cớ để hù dọa răn đe, hầu giảm thiểu hoặc làm chậm lại tình trạng thoái đảng hiện nay. 

Từ những suy tư ấy, thái độ thành khẩn gói ghém trong những lời nói thật lòng của Người Buôn Gió cùng với nội dung biểu ngữ tỏ bày lòng yêu thương mến tiếc Việt Dzũng của đám đông Dân Oan trong cuộc xuống đường ở Sàigòn ngày đầu năm 2014 vừa qua, phải là bài học để chúng ta cùng suy gẫm.

Trần Phong Vũ

Nam California, ngày 05 tháng 01 năm 2014