_______________

Bất đồng ý kiến là chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra trong mọi cuộc hôn nhân. Những đôi vợ chồng thương yêu nhau nhất cũng sẽ có lúc gặp phải bất đồng và tranh cãi. Biết cách giải quyết bất đồng là một bí quyết để duy trì và phát huy hạnh phúc trong hôn nhân. Điều may mắn là ai cũng có thể học hỏi thêm về những cách thức giúp giải quyết khi gặp bất đồng. Sau đ ây là một  một số phương thức hòa giải theo các chuyên gia cố vấn hôn nhân.

1.Tìm thời điểm thích hợp để cùng đối thoại và trao đổi. Thời điểm thích hợp là khi cả hai đều bình tĩnh và thoải mái, dễ đón nhận ý kiến của người khác. Đừng tìm cách giải quyết vấn đề khi người trong cuộc đang mệt mỏi, đang đói bụng hoặc đang lo lắng. Thí dụ người chồng hay vợ mới đi làm về còn đang mệt thì không nên nói ngay đến những vấn đề làm ta khó chịu.

2.Cùng ngồi xuống diện đối diện và nhìn nhau khi nói chuyện.Cùng ngồi xuống giúp cả hai bình tĩnh thay vì đứng hoặc vừa đi vòng vòng trong phòng vừa tranh luận. Nhìn nhau khi nói chuyện giúp cho sự tương quan giữa vợ chồng và cho người phối ngẫu biết mình đang lắng nghe và quan tâm.

3.Thảo luận về những điểm bất đồng. Nói cho người phối ngẫu biết điều gì đang làm ta khó chịu. Trình bày một cách bình tĩnh, đi thẳng vào vấn đề, không nói lòng vòng. Có những chuyện có vẻ nhỏ nhặt những hàm ẩn một vấn đề lớn hơn. Thí dụ thói quen để giầy vớ lung tung của chồng, mặc dầu vợ đã nhắc nhiều lần, có thể làm người vợ có cảm tưởng là chồng không quan tâm và tôn trọng vợ. Người vợ nên cho chồng biết bằng cách nói với chồng:” Anh cố gắng để quần áo và giầy vớ vào chỗ và đừng để bừa bãi. Vì như vậy sẽ làm em có cảm tưởng là anh không quan tâm đến những cố gắng của em để giữ cho nhà cửa của chúng ta gọn ghẽ và đẹp hơn.”

4.Không lên án, kết tội (pointing finger). Lên án sẽ khiến người khác phải tự vệ và chặn đứng sự thông cảm, hoà giải. Khi gặp vấn đề cần hòa giải, chỉ nên nói những gì mình đang cảm thấy cần sửa đổi và không nên bắt đầu bằng cách lên án như: “Tại anh (em) mà mới có chuyện này..” Cũng như không nên dùng những từ như “bao giờ cũng” hoặc “chẳng bao giờ”. Thí dụ như  câu nói” Anh bao giờ cũng về trễ mà chẳng bao giờ cho em biết cả.”

5.Lắng nghe. Lắng nghe không thành kiến với một tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Chú tâm đến lời nói cũng như cử chỉ dáng điệu (body language) của người phối ngẫu.

6.Tương nhượng. Cả hai cùng chịu nhịn, lùi lại một bước để tìm nột giải pháp dung hòa. Nếu không tìm được một giải pháp cả hai đều chấp nhận, có thể thay phiên dùng cách mỗi người ưa thích. Thí dụ chồng thích dùng máy rửa chén mà vợ lại chỉ muốn rửa tay thì có thể luân phiên áp dụng hai cách rửa chén.

7.Giữ bình tĩnh. Không nóng giận, nói to giọng, nói kháy (sarcastic) hoặc ghép tội (name calling).Hành động như vậy sẽ cắt đứt mối giây thông cảm và sẽ chẳng còn ai nghe ai nữa. Nếu thấy mình bắt đầu nổi nóng và không thể tự kiếm chế, hay tạm ngưng thảo luận (time out). Lấy lại binh tĩnh bắng cách hít thở sâu, uống nước lạnh hay đi bộ quanh vườn hoặc quanh khu phố.

————

BS Trần Việt Cường sưu tập

Bài liên quan:
  • TÌNH CẢM VỢ CHỒNG THAY ĐỔI THEO THỜI GIAN
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • NGOẠI TÌNH: CÓ THỂ THA NHƯNG KHÓ QUÊN!
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • NHỮNG QUAN NIỆM SỐNG LÀM ĐẢO LỘN GIÁ TRỊ CỦA HÔN NHÂN
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Ý Nghĩa “MỘT NHỊN CHÍN LÀNH” Trong Hôn Nhân
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • HÔN NHÂN CỦA CHA MẸ ẢNH HƯỞNG HÔN NHÂN CON CÁI
    TS Trần Mỹ Duyệt