Bạn thân mến,

Đã lâu, tôi chưa được thưởng thức một tác phẩm giá trị như bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”. Gồm 3 cuốn video, hơn 3 tiếng đồng hồ, video “Chiến Tranh & Hòa Bình” sẽ gửi đến khán giả 22 bài hát, với những kỷ niệm đau thương của cuộc chiến tàn khốc và những tấm gương anh dũng của người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh 22 ca khúc, còn có những thước băng phỏng vấn những người trong cuộc, như là những chứng tích lịch sử để hậu thế suy gẫm. Bộ video này không chỉ một tác phẩm nghệ thuật mà nó là một đoạn lịch sử Việt Nam thời cận đại, đặc biệt là cuộc chiến mới vừa chấm dứt 25 năm qua, hằn sâu những vết đau chưa hàn gắn. Bạn là lính, bạn là người yêu của lính hay bạn chưa từng ở lính. Tôi xin mời bạn hãy để hồn mình trôi theo những giây phút của bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”, để cảm thông với những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.

Bài viết này như là một lời cảm tạ và ngợi khen gửi đến quý vị đã dày công trong thời gian chuẩn bị, dàn dựng cho tới ngày hoàn tất bộ video “Chiến Tranh và Hòa Bình”, để một lúc nào muốn giới thiệu đến bạn bè thì tôi đã có sẵn tài liệu. Bởi vì, bên cạnh chúng ta còn có người chưa hiểu gì về chiến tranh Việt Nam. Đây là video lịch sử Việt Nam cận đại. Thật vậy, “Chiến Tranh và Hòa Bình” là bộ video lịch sử, có một không hai, cần có trong mỗi gia đình.

Sơn Hà (tháng 8.2000)

–––––––––––

 

Bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”, gồm 3 cuốn băng VHS, dài trên 3 tiếng đồng hồ. Trung tâm ASIA phát hành. Nhạc sĩ Trúc Hồ là producer. Nhạc sĩ Việt Dũng là script writer. Cùng với vô số những nhạc sĩ, văn thi sĩ, chuyên viên kỹ thuật về âm thanh, thu hình, ánh sáng, dựng cảnh, đạo diễn sân khấu, hóa trang, y phục,… Cả những đoạn video inserts là những khúc phim tài liệu thời sự. Âm thanh nổi tuyệt vời. Tất cả đã làm nên bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”, cần được trang trọng để vào tủ sách và băng nhạc của mỗi nhà.

Bạn thân mến,

Tôi chưa ở lính ngày nào. Nhưng tôi thương Lính vô cùng. Tôi đi tìm những cảm xúc của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ chiến đấu ra sao? Tâm hồn họ như thế nào khi rũ bỏ áo học trò để khoác chiến y. Người yêu của lính thì khắc khoải chờ mong ra sao? Người phụ nữ Việt Nam đau khổ biết chừng nào khi nhận được tin người mình yêu đã hy sinh nơi chiến trường. Tinh thần “huynh đệ chi binh” là thế nào? Người Lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu ra sao? Họ ra đi với nụ cười thanh thản như những thiên thần… Rất nhiều những thắc mắc, mong đợi,… Tôi đã tìm thấy ở đây. Trong bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”, các ca sĩ toàn là lính đầy đủ quân trang quân dụng. Trong vai người lính, họ diễn tả những tâm tư người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Thật là một bộ video có một không hai. Tôi nói sao cho đủ. Chi bằng, tôi mời bạn cùng tôi xem bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”.

* * *

Mở đầu, nhạc sĩ Việt Dũng, trong y phục của phóng viên chiến trường, như đang ngồi ở tiền tuyến, anh gửi về cho ta những tin chiến sự của cuộc chiến Việt Nam. Anh đã kéo thời gian trở lại những năm vừa chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến”. Năm 1945, những hoạt động mạnh mẽ của các phong trào tranh đấu giành độc lập của người Việt Nam. Sự độc lập và nền hòa bình mong manh của Việt Nam gặp phải bản chất tàn độc của Cộng Sản, và tráo trở của Hồ Chí Minh, Việt Nam bị bán đứng cho đế quốc cộng sản quốc tế. Từ đó, các phong trào tranh đấu của người quốc gia bị đâm sau lưng bằng những vết dao thấu tim can. Trong suốt bộ video này, Việt Dũng sẽ đưa chúng ta qua những giai đoạn lịch sử, cho đến những ngày gần đây.

Đến năm 1954, cộng sản Việt Nam cùng với thực dân chia hai nước Việt Nam. Miền Bắc bị nhuộm đỏ, miền Nam tự do. Cộng sản không dừng ở đó. Họ phải thôn tính toàn cõi Việt Nam và nhuộm đỏ Đông Dương trong chiến dịch xích hóa toàn thế giới, dưới sự cai trị của cộng sản độc tài. Cộng sản gây nên chiến tranh. Hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Họ tiến hành những cuộc chiến dưới khẩu hiệu “đấu tranh giai cấp”“giải phóng con người”.

Ở miền Bắc, những người có tài sản bị gọi là điạ chủ bị cộng sản đem ra “đấu tố”, tịch thu tài sản, đày đi vùng rừng sâu nước độc. Những người trí thức thì bị dán cho nhãn hiệu là “tiểu tư sản trí thức”, tức là kẻ thù của “giai cấp”, tức là kẻ thù của cộng sản. Miền Bắc dưới thời bị cộng sản cai trị là một địa ngục trần gian. Người dân đã trốn chạy vào Nam, nơi có vùng trời tự do được bảo vệ bởi những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Một mặt đảng cộng sản thanh toán những kẻ nội thù tại miền Bắc, một mặt phải thôn tính miền Nam tự do kia. Đó là cuộc chiến Việt Nam mà ngoài người Việt Nam ra, trong thế giới này có mấy ai hiểu được. Những đoạn phim thời sự được nối vào đây là những chứng tích tài liệu giá trị.

Lò lửa chiến tranh Việt Nam được cộng sản quốc tế đổ thêm dầu, đổ vào dồi dào súng đạn và những phương tiện giết người hàng loạt, quyết chiếm cho được miền Nam và nhuộm đỏ Đông Dương. Thế hệ trẻ Việt Nam phải gánh lấy trách nhiệm bảo vệ miền Nam tự do để bảo vệ người mình thương yêu.

Phần dẫn nhập “Chiến Tranh & Hòa Bình” không phải là bài giáo khoa, không là những lời tuyên truyền mà là những lời nhắc nhở ngắn gọn và thiết tha đầy đủ để khán giả hiểu vì đâu mà có “Cuộc Chiến Việt Nam”.

Bạn thân mến,

Ca khúc đầu tiên là “Trăng Thanh Bình” trình bày hợp ca, mở ra cảnh thanh bình thịnh trị của miền Nam, có lúa reo vui ngày mùa, có mục đồng cưỡi trâu xanh, có những nông dân chất phát cùng nhau xây dựng đời sống ở miền Nam thân yêu. Ngoài kia, Hồ chí Minh và đảng cộng sản nhất quyết đeo đuổi cuộc chiến với chủ nghĩa phi nhân và dồi dào vũ khí giết người, xé nát đất Mẹ. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Anh Đi Chiến Dịch, lên đường tòng chinh là vì anh “xót xa” trước cảnh nhân dân bị “đọa đầy”. Anh quyết đem “lòng súng nhân đạo” đi cứu người lầm than.

Người yêu thương của anh ở hậu phương thì mong ngóng từng ngày, lo âu cho sự bình an của anh nhưng tự hào có người yêu mang khí phách hào hùng của người trai thời loạn. Giờ này Anh Ở Đâu? Nhiều video clips là những dấu tích lịch sử hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau một “Chiều Hành Quân”, người chiến sĩ trở về thôn cũ để tìm người yêu xưa, nhưng “em đã đi phương nào”. Chiến tranh đã dời đổi, hủy hoại sự bình an của bao người, đem đâu mất người yêu của anh. Người lính vẫn chung thủy một lòng, với đất nước và với người yêu. Dù “mộng có tàn phai trong thương đau” nhưng anh vẫn “ngày tìm vui bên thép súng, khi đêm anh vui với đàn”.

Kẻ thù muốn xóa tên anh nhưng không thể nào. Bởi tên anh lính chiến Việt Nam Cộng Hòa đã được khắc ghi trong lòng của người dân Việt cùng với những địa danh vang tiếng ngàn đời: Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy, Bình Định quyết chiến quyết thắng. Tôi Nhớ Tên Anh, như nhớ tương lai. Tôi nhớ tên anh như nhớ thương ai. Anh lính chiến trở về quê cũ, thăm lại Căn Nhà Ngoại Ô để chắp mối thề xưa, nhưng người em gái đã xông pha nơi chiến trường, là nữ y tá với ước mong xoa dịu phần nào vết thương đau của các anh chiến sĩ.

Bài Hương Ca Vô Tận, khóc cho giòng sông Hương và cố đô Huế thân yêu đã bị cộng quân dày xéo tan hoang. Làm sao người ta có thể quên được cuộc tàn sát của những ngày Tết Mậu Thân 1968. Quân cộng sản đã vi phạm hiệp định đình chiến trong những ngày Tết, đã mở những cuộc tấn công vào các thành phố của miền Nam, giết hại biết bao nhiêu người dân vô tội, giữa những giây phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm.

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa là con người nhân bản. Nhiều văn sĩ, thi sĩ đã gọi họ là những người lính mơ mộng nhất thế giới. Thật vậy, những lần hành quân trong rừng sâu mà cứ muốn “hái hoa rừng anh gửi về em thêu áo”. Trong những chuyến hải hành vượt ngàn hải lý, anh lính hải quân nhìn sóng bạc đầu mà tưởng như hoa trắng, mong hái hết Hoa Biển đem về tặng người yêu để làm bằng chứng cho cuộc tình trong trắng của đôi ta: “Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương”. Các em gái hậu phương, Người Yêu Của Lính ra đến tiền đồn để giúp vui cho các anh chiến sĩ bằng những bài hát cho lính và những người yêu lính. “Nếu em không là người yêu của Lính? Ai đem cánh hoa rừng về tặng em?. Cắm trại “100%” mà vẫn vui vẫn hát vẫn chấp nhận thiệt thòi, chỉ để làm tròn bổn phận với đất nước.

Một Người Đi, Trăng Thề, Chiều Trên Phá Tam Giang,… mỗi bài ca là mỗi lời mong ước hòa bình… Một ước mơ… không bao giờ đạt, được trả với giá bằng máu và nước mắt.

Anh Không Chết Đâu Anh. Người chiến sĩ không bao giờ chết! Anh đã về bước nhẹ hơi sương. Anh hùng Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Đình Bảo,… và hàng ngàn, hàng triệu các chiến sĩ quả cảm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn được ghi khắc đời đời trong lòng muôn người, ghi khắc vào sử xanh của nước Việt. Mấy mươi tuổi đời đi vào đời lính, anh Chưa Thấy Mùa Xuân. “Đợi 2,3 năm nữa, quê mình thôi khói lửa. Mời Xuân đến với tôi!”. Người lính Việt Nam Cộng Hòa có gì làm Kỷ Vật Cho Em. Anh trở về có thể là những chiến công oanh liệt hay cũng có thể là hòm gỗ cài hoa. Niềm đau nào ghi đậm nét hơn những lời thơ da diết này.

Lời Cho Người Yêu Nhỏ được tha thiết gửi về từ tiền đồn xa xăm. Anh không quên hứa hẹn một ngày về không xa cùng người em nhỏ chắp mối thề xưa. Những đêm sáng hỏa châu, những Đêm Nguyện Cầu, anh khấn nguyện cùng Thượng Đế sớm ban thanh bình cho Việt Nam đã chịu nhiều khổ đau lắm rồi. Người lính chỉ với giấc mơ hiền hòa. Một Mai Giã Từ Vũ Khí, anh trở về quê tìm tuổi thơ ấu năm nao. Ôi! Chỉ là một giấc mơ thật bình thường và đơn giản, nhưng cả đời anh chưa đạt được. Một ngày 75, đất Mẹ rơi vào tay giặc, anh chịu chung số phận với Mẹ Việt Nam, lưu đày nơi rừng sâu. Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi! Chiến tranh đã chấm dứt 25 năm, nhưng hòa bình vẫn chưa đến trên quê hương Việt Nam. Những người vợ, người mẹ Việt Nam đau đớn biết chừng nào bởi những hung tin đã hy sinh trong chiến trận. Dù có hãnh diện rằng người thân yêu đã hiến mình cho tổ quốc nhưng vẫn đau đớn khôn cùng.

Và cuối cùng Nước Mắt Mẹ Tôi vẫn còn tuôn trào bởi những vết hằn chiến tranh vẫn còn, những vết đau chưa dứt, và vẫn còn dày xéo đến ngày hôm nay. Nỗi đau này bao giờ mới chấm dứt? Những con người cộng sản đem Việt Nam đặt vào quỹ đạo Xã Hội chủ nghĩa, kéo lê cả nước làm nô lệ cho một chủ nghĩa Mác-Xít ngoại lai. Đưa đất nước xuống hàng nghèo đói cùng cực nhất thế giới.

Bạn thân mến,

Tôi vừa kể thật vắn tắt cho bạn nghe về những ca khúc thiết tha và bi hùng về người Lính Việt Nam Cộng Hòa và thân phận Mẹ Việt Nam, từ bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”. Chen giữa những lời ca, là những đoạn băng phỏng vấn những người thật tiêu biểu cho con người Việt Nam trong chiến tranh. Ông Nguyễn Khoa Phước, em của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, người Thương Binh Biệt Động Quân Trần Thy Vân, thiếu tướng Lê Minh Đảo, luật sư Đỗ Phủ, bà quả phụ trung tá Nguyễn Quang Hưng (nhà văn Bích Huyền). Tất cả đều nhìn nhận rằng, cuộc chiến Việt Nam thật là chính đáng và cần thiết. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa là những con yêu của tổ quốc. Họ đã làm tròn bổn phận đối với đất nước. Chúng ta cần bày tỏ sự tri ân đối với họ.

Chiến Tranh & Hòa Bình là một tác phẩm nghệ thuật và cũng là một bộ tài liệu cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam, do thế hệ đi sau thực hiện. Thế hệ trẻ bây giờ (25 năm sau) tiếp nối thế hệ trẻ trước kia, nhìn vào những tấm gương oanh liệt, quyết tâm cứu lấy giang sơn, cứu lấy Mẹ Việt Nam. Nỗi thao thức ấy bàng bạc trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ của bộ video “Chiến Tranh & Hòa Bình”.

Bạn chưa xem? Bạn chưa thưởng thức? Mời bạn xem lại những trang sử oai hùng của Việt Nam với sự tham dự của bạn bè, anh em, bà con thân thuộc của mình. Đây là tác phẩm mang nội dung lịch sử cận đại của Việt Nam. Trung tâm Asia và các nghệ sĩ, đã có những cố gắng tuyệt vời để vinh danh những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, những người con yêu của Tổ Quốc Việt Nam. Xin cảm ơn những người đã đổ máu xương để bảo vệ đất nước. “Trời Việt Nam, đất Việt Nam chắc chắn sẽ đồng tình với chúng ta”.

Sơn Hà (tháng 8.2000)

Bài liên quan:
  • Viện trợ Mỹ: Liệu Ukraine 2024 có bị ảnh hưởng giống như VNCH 1974 ?
    TS Nguyễn Tiến Hưng
  • Người Không Nhận Tội: Kha Tư Giáo
    -Duy Nhân
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: TUẪN TIẾT
    Tưởng Năng Tiến
  • CHƯƠNG TRÌNH XỔ SỐ & VĂN NGHỆ YỂM TRỢ THƯƠNG PHẾ BINH VNCH 2021
    CƠ SỞ HY VỌNG
  • Người Hùng Lê Anh Tuấn và Mặt Trận Tuyên Nhơn
    -Điệp Mỹ Linh