____________________

Minh Võ Vũ Đức Minh trong lòng người ở lại

Tin ông Vũ Đức Minh tức nhà biên khảo Minh Võ từ giã cõi đời đã để lại trong lòng thân hữu, độc giả, những người ái mộ ông nhiều nhớ thương, tiếc nuối.

Ông ra đi lúc 2 giờ chiều Thứ Ba ngày 29-12-2020 tại Vista (San Diego), California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 93 tuổi.

Thánh Lễ An Táng được cử hành trang trọng với sự hiện diện của Linh Mục Christopher Tuấn Phạm (Chủ Tế) và Linh Mục An-Tôn Quyền Trương (Đồng Tế) lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy ngày 09-01-2021 tại tiền đình Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô (Christ Cathedral Church, tức Nhà Thờ Kính) Giáo Phận Orange. (Đây cũng là nơi đặt tro cốt nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người mà thuở sinh thời rất quí mến nhà biên khảo Minh Võ).

Sau Thánh Lễ, 12 giờ trưa cùng ngày, linh cữu người quá cố đã được an táng tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cimetery), Hungtington Beach, CA. Dù bị giới hạn vì đại dịch Vũ Hán, số người trực tiếp tham dự tang lễ và tiễn đưa ông Minh Võ vẫn đông đảo với cả trăm người, bao gồm các con cháu, thân nhân nội ngoại, một số thân hữu, trong đó có ông bà Phạm Bá Cát, nguyên Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thông Việt Nam Cộng Hoà, Kỹ Sư Đỗ Như Điện, Giám Đốc đài Đáp Lời Sông Núi phát thanh hàng tuần về Việt Nam, ông Phạm Chí Linh, ông bà Nguyễn Trường Khoan, nhà báo Trần Phong Vũ [đại diện nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân (BS TrầnVăn Cảo, ông NguyễnVăn Liêm, nhà báo Trần Nguyên Thao, nam California)], tủ sách Tiếng Quê Hương (Nhà văn Uyên Thao, nhà thơ Lê Thị Nhị, nhà báo Trịnh Bình An, nhà báo Đào Trường Phúc, Washington DC) và ĐCV Online (nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, nhà báo Lã Mạnh Hùng, Canada)… cùng với sự hiện diện của nhiều độc giả ái mộ ông.

Trong bản tường trình về tang lễ nhà biên khảo Minh Võ đăng trên Người Việt, Ký giả Đằng Giao cho hay ông đã gặp trong tang lễ một số độc giả ái mộ tác giả Minh Võ, trong số có ông Phan Ngọc Hưng và bà Kiều Nguyễn. Ông Hưng cho hay “Tôi đọc cuốn ‘Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp’ của ông rất nhiều lần và rất thán phục nhận xét sắc bén của ông. Tôi rất tiếc chưa có dịp gặp gỡ để xin chữ ký của ông thì hay tin ông qua đời. Thật là đáng tiếc.”

Riêng bà Nguyễn tâm sự: “Tôi tình cờ đọc cuốn “Tâm sự nước non” của ông vì tưởng là tiểu thuyết tình cảm nên tôi đọc. Ai dè ông viết chính trị rất lôi cuốn khiến tôi đọc thêm mấy cuốn khác của ông luôn. Sáng nay vợ chồng tôi tới đây để tỏ lòng ngưỡng mộ một học giả chính trị có cách viết rất trong sáng và gần gũi,”

Những anh chị em lăn lộn trong văn học và truyền thông quen biết Minh Võ như Lê Phú Nhuận, Thiên Ân, Nguyễn Văn Khanh, Dương Phục, Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, Trương Anh Thụy, Phan Lạc Tiếp, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thanh Thủy, GS Nguyễn Chính Kết, Tiến Sơn Nguyễn Mạnh Tiến, Đào Trường Phúc, Trịnh Bình An, Lã Huy Quý, Đào Hiếu Thảo, Nguyễn Dương & Yến Ngọc, MS Huỳnh Quốc Bình, Nhà làm phim tài liệu Chu Lynh, Trần Quang, Nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh… hiện sống ở xa mà vì đại dịch Vũ Hán không về được cũng đã kêu điện thoại hoặc email nhắn lời thăm hỏi hoặc đăng báo Phân Ưu. Nhà văn Uyên Thao, người chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương đã viết một thư riêng gửi cho các con anh Minh Võ. Thư này được in trên trang đầu tập sách dùng trong Thánh Lễ An Táng.

Bằng hữu ngoài Hoa Kỳ như GS/TS Đỗ Mạnh Tri, nhà văn Vũ Thư Hiên, GS Bùi Xuân Quang, nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến (Pháp), dịch giả, nhà báo Phạm Hồng Lam, dịch giả Dương Hoàng Mai, LS Nguyễn Văn Đài (Đức), dịch giả Nguyễn Văn Thực (Na Uy), nhà báo Phạm Minh Tâm (Úc châu), giáo sư, nhà báo Mặc Giao, nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, giáo sư, nhà văn Trà Lũ Trần Trung Lương, nhà truyền thông Lạc Việt (Canada), giáo sư Uông Đại Bằng, nhà nghiên cứu Vũ Sinh Hiên, LM Phan Văn Lợi, LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, LM Đỗ Xuân Quế, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh (Việt Nam) đã email, kêu ĐT thăm hỏi hoặc chia buồn trên mạng. Nhà văn Tưởng Năng Tiến (Campuchia) nhắn lời chia buồn với các cháu con anh Minh Võ. Đặc biệt hai anh Nguyễn Văn Lục và Lã Mạnh Hùng đã phân ưu, post nhiều bài liên hệ tới nhà biên khảo Minh Võ trên mạng ĐCV Online như một cách thế ghi dấu sự ra đi vĩnh viễn của tác giả Minh Võ. Trong một email gửi cho người viết, GS Triết học Đỗ Mạnh Tri, tác giả công trình biên khảo “Di Sản Mác Xít tại Việt Nam” đã công khai bày tỏ lòng quý mến cùng những kỷ niệm đẹp với người đồng hương họ Vũ thuở sinh thời.

Di sản tinh thần của ông

Nhà biên khảo Minh Võ ra đi đã để lại cho đời một di sản tinh thần vô giá.

Ngoài một số dịch phẩm ghi cuối phần tiểu sử, cuốn “Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản” xuất bản trong nước từng được cố nhà văn Nguyễn Mạnh Côn hết lời tán thưởng, ra hải ngoại ông đã tái bản lần thứ hai tác phẩm này và liên tục cống hiến cho người đọc những công trình biên khảo hiếm quí mới.

Sau đây là những tác phẩm ấn hành và tái bản ở Mỹ của Minh Võ theo thứ tự thời gian:

– Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê, Thông Vũ xuất bản tháng 5-1998 và tái bản tháng 10 cùng năm. Tác phẩm này sau đó được GS Trần Văn Điền chuyển qua Anh ngữ với tiêu đề “Ngô Đình Diệm, Praise & Blame”

– Phản tỉnh Phản Kháng, Thực Hay Hư, Thông Vũ xuất bản tháng 10-1999, tái bản tháng 3 năm 2004

– Tâm Sự Nước Non: Ai Giết Hồ Chí Minh?, Tủ Sách Tiếng Quê Hương Xuất Bản tháng 3 năm 2002.

–  Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp, Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2003, tái bản năm 2006.

– Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản, tái bản lần thứ 2 năm 2007 tại California (Xuất bản trong nước năm 1963 và tái bản lần đầu năm 1970)

– Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc, Hồng Đức xuất bản tháng 8 năm 2008, Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân tái bản tháng Giêng năm 2009

– Tâm Sự Nước Non II: Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, và Cuộc Chiến Quốc – Cộng, Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản tháng 11 năm 2011

Ngoài những tác phẩm biên khảo có nội dung chính trị trên đây, năm 2007 ông giới thiệu với độc giả một tác phẩm mang nội dung tôn giáo, tâm linh:

– Cầu Nguyện & Nước Trời (Tầng Trời Thứ Chín)

Trên đây là những di sản được biểu hiện cụ thể qua những tác phẩm biên khảo hàm ẩn những suy tư và khát vọng của ông về một tương lai tốt đẹp cho Quê Hương Dân Tộc.

Nhưng bấy nhiêu chưa phải là tất cả.

Trộm nghĩ, qua suy tư, lối sống và cung cách xử kỷ tiếp vật trong đời thường, với tư cách người chồng, người cha trong gia đình, người công dân đối với quốc gia, nhân quần, xã hội, ông Minh Võ Vũ Đức Minh còn để lại cho chúng ta một di sản không màu, không sắc,  không có hình tượng, nhưng thật vô giá.

Đó là lòng yêu mến gia đình hòa quyện với tinh thần yêu nước thể hiện qua tấm lòng nhiệt thành, dấn thân phục vụ con người với thái độ khắc kỷ, chính trực, lương thiện và một tâm hồn khiêm hạ hiếm thấy. Biết ông, làm việc với ông cả chục năm ở đài Phát Thanh Quốc gia và chẵn 30 năm gắn bó thân thiết về sách vở với ông ở Mỹ tôi có thể trưng dẫn ba đặc điểm nơi con người ông Minh Võ. Đó là thái độ khắc kỷ, chính trực và lòng khiêm hạ.

Trước hết về thái độ khắc kỷ (khắt khe, nghiêm túc với chính bản thân). Những người làm việc chung với ông, nhất là thuộc quyền ông, nếu biết được điều này không những sẽ hiểu. không phiền trách mà còn quí mến, kính trọng ông, sẵn sàng chấp hành những kỷ luật trong khi công tác. Trái lại, sẽ không khỏi buồn phiền, oán trách. Bản thân tôi đã chứng kiến những phản ứng như vậy nơi những người trẻ làm việc dưới quyền ông trong quân ngũ hay ở đài phát thanh Sài Gòn trước tháng tư năm 75. Chính những thành phần trẻ từng bất mãn đưa đến thái độ miệt thị, khinh khi ông thời gian còn ở trong nước, sau này gặp lại ở hải ngoại, có cơ hội nhận rõ tài năng, nhân cách và những công trình tim óc giá trị của ông, hầu hết  đã hoàn toàn thay đổi cách nghĩ về ông. Họ chợt nhận ra một sự thật: khi người chỉ huy trực tiếp ấy khắt khe, kỷ luật đối với thuộc cấp thì cùng lúc, do thúc đẩy của tinh thần trách nhiệm, tôn trọng việc chung, đã tự nghiêm khắc, khắt khe, nghiêm túc đối với chính bản thân mình.

Xuất thân trong một gia đình Công giáo, nhiều đời chịu ảnh hưởng nho học, ông ghi tâm khắc cốt cả hai danh ngôn. Đức Khổng Tử có câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng gây ra cho ngưới khác”, và lời dạy của Chúa Giêsu cũng mang cùng ý nghĩa “Nếu con muốn tha nhân làm gì cho con thì hãy làm như vậy cho họ”. Khác chăng là lời Đấng Cứu Thế có phần tích cực hơn.

Gia nhập trường Võ Khoa Thủ Đức từ năm 1953, 22 năm sau (ngót một năm trước ngày mất nước) ông Minh vẫn còn mang cấp bậc Đại Úy. Còn nhớ Đại Tá Hồ Ngọc Tâm gia nhập trường Võ Khoa Thủ Đức khóa kế và là học trò của huấn luyện viên Vũ Đức Minh. Gặp lại ông thày cũ, Đại Tá Tâm cảm thấy bất nhẫn tìm tới Bộ TTM/QLVNCH xin xét lại trường hợp Đ/U Minh. Do đó, trước khi giải ngũ cuối năm 74, ông được thăng Thiếu Tá.

Sau khi qua Mỹ, chỉ trong một thời gian ngắn ông Minh Võ cho ra đời ba tác phẩm lớn về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam. Có người nghĩ hẳn tác giả phải là người thân cận hoặc được hưởng nhiều ân huệ, bổng lộc của nhà Ngô mới có thái độ tận tụy như thế. Đây quả là một ngộ nhận tai hại. Có lần chính ông đã nói với người viết những dòng này là chưa hề một lần ông được gặp gỡ Tổng Thống cũng như ông Cố Vấn, dù vì nhu cầu công vụ rất nhiều lần ông ghé Sở Nghiên Cứu Chính Trị gặp BS Trần Kim Tuyến và ông Nguyễn Duy Bách.

Điều này cho thấy lối sống liêm khiết, chính trực và tinh thần khiêm hạ của ông, một mẫu người không vì danh mà tâng bốc kẻ có quyền cũng không vì lợi mà chà đạp kẻ thất thế.

Thứ di sản tinh thần không màu sắc, không hình tượng kể trên đã ảnh hưởng sâu đậm tới tâm tình và cung cách ăn ở cư  xử  của 7 người con (5 trai, 2 gái) của ông. Trong suốt 9 năm đầu trong viện dưỡng lão, ngày nào ông cũng được ít nhất một trong các con luân phiên tới thăm nom, chăm sóc suốt ngày. Ngoại trừ ngót một năm cuối vì đại dịch Vũ Hán và vì  kỷ luật của viện, bố con chỉ có thể nhìn nhau, cùng cầu nguyện với nhau qua khung cửa kính.

Đây chính là hoa trái của thời thơ ấu được sống dưới mái nhà đầm ấm, tràn ngập tình yêu thương của người cha gương mẫu, người mẹ hiền đảm đang, nối dài những năm gà trống nuôi con vì chỉ vài tuần sau khi tới Mỹ theo diện HO năm 1991, sau cơn bạo bệnh, người bạn đời của ông Minh Võ đã vĩnh viễn ra đi.

Vài dòng tiểu sử tác giả Minh Võ

Ông sinh năm Đinh Mão (1927) tại Nam Định.

Năm 1953, thụ huấn trường Sĩ Quan Võ Khoa Thủ Đức, khóa 3 phụ.

Mãn khóa, ông được lưu lại trường làm huấn luyện viên. Sau đó liên tiếp lãnh giữ các chức vụ: Trưởng Phòng 5 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức (1955-1956). Tổng thư ký nguyệt san Tinh Thần, thuộc nha Tuyên Úy Công Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (1956-1957).Trưởng phòng Phát Thanh Quân Đội, Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hoà (1958-1959).

Năm 1960, ông được biệt phái về đài Phát Thanh Quốc Gia.

Năm 1963 ông được gửi qua tu nghiệp hơn một năm lại đài phát thanh BBC Luân Đôn trong chương trình trao đổi nhân sự. Năm 1964 về nước, ông tiếp tục phục vụ tại Đài Phát Thanh Quốc Gia với vị thế Phó Giám Đốc kiêm Chánh Sự Vụ Sở Chương Trình.

Do lời mời của Ban Việt Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), ông phụ trách trong hơn 7 năm liên tiếp mục “Viễn Ảnh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (phát thanh hàng tuần) của đài này từ 1964 đến 1971.

Khi còn ở trong nước, ông là dịch giả của nhiều tác phẩm Anh, Pháp chuyên về giáo dục và chính trị. (Trong số đó có “Rèn Chí, Sg, 1956, “Óc Tưởng Tượng”, Sg, 1957, “Hitler và các danh tướng Đức Quốc Xã”, Sg, NXB Sông Kiên, 1973; “Hitler trước (thời đại) Hitler”, Sg, Sông Kiên, 1974…).

Trần Ngọc Vân