Câu nhắc nhở nhau thường nghe là gặp nhau đừng nên thảo luận các vấn đề liên quan đến chính trị và tôn giáo. Hai lãnh vực ấy dễ gây ra những cuộc tranh cãi dai dẳng. Nhưng ngoài hai lãnh vực ấy thì có gì để bàn luận? Chẳng lẽ nói những chuyện ăn chơi tào lao chẳng ích lợi gì cho ai. Đọc email của bạn bè, lướt xem các trang Web thì cũng chỉ thấy phần lớn thuộc hai lãnh vực ấy: chính trị và tôn giáo. Mà thấy những bài viết sai nhiều hơn bài viết đúng thì làm sao lặng thinh được. Vì vậy mới có bài viết này, không ngoài mục đích giúp điều chỉnh những suy nghĩ không đúng về một tôn giáo.

Khi viết về tôn giáo, gọi tên tôn giáo, người ta thường gọi tên theo hai cách:

1. Tên vị giáo chủ,  như đạo Khổng (hay Khổng Giáo), đạo Lão, đạo Kitô, đạo Phật, đạo BàLaMôn,…

2. Tên từ nơi xuất phát, như Ấn Giáo (đến từ Ấn Độ), Anh Giáo (đến từ Anh Quốc), Do Thái Giáo (từ Do Thái),…

Riêng về đạo Công Giáo La Mã (Roman Catholic) thì có những tên gọi là Thiên Chúa Giáo, Công Giáo, Kitô Giáo, Giatô Giáo (có sách cũ viết là Datô Giáo),… Nguồn gốc những chữ này như thế nào, từ đâu mà có?

Thiên Chúa Giáo là đạo của những người thờ Thiên Chúa. Công Giáo từ chữ Catholic (Catholic có nghĩa là phổ biến, rộng lượng, không có nghĩa là của công chúng như nhiều người lầm). Kitô giáo là đạo do đấng Christ lập ra. Chữ Giatô Giáo là do người Tàu gọi đạo Catholic. Nó có nghĩa là đạo do ông Giatô lập ra.

Nguồn gốc chữ Gia Tô Giáo

Ở đây chỉ chú trọng đến nhóm chữ Giatô Giáo. Trong thời gian đầu tiên khi đạo Thiên Chúa du nhập Việt Nam, cũng là lúc chữ Quốc Ngữ còn phôi thai, nên khi gặp chữ ngoại quốc người ta thường tìm xem Tàu phiên âm ra sao rồi mình phiên âm lại từ chữ Tàu để dùng. Ngày nay thói quen này không còn nữa, vì chúng ta đã có nhiều người giỏi ngôn ngữ, không cần phải mượn chữ Tàu nữa.

Chẳng hạn như thành phố San Francisco được người Tàu phiên âm (舊金山), rồi được các ngôn ngữ gia của ta phiên âm là Cựu Kim Sơn. Washington được phiên âm (华盛顿) thành Hoa Thịnh Đốn, New York phiên âm là Nữu Ước (纽约),v.v… Chúng ta dùng mãi thành quen. Nhưng cũng có chữ không còn dùng nữa, hoặc ít dùng, như thành phố Paris được người Tàu phiên Âm thành ra Ba-Li (巴黎) vì người Tàu không đọc được âm r (rờ), rồi lại được các nhà ngôn ngữ Việt phiên âm thành Ba Lê. Về sau những chữ phiên âm theo kiểu này bị coi là dị hợm và dần dần bị quên đi.

Jésu (Jesus) là tên của vị giáo chủ, người lập nên đạo Thiên Chúa, có biệt hiệu là Christos (hay Christ). Người Tàu phiên âm chữ Jésu thành Yêsu (耶稣). Người Việt phiên âm từ chữ Tàu sang Hán Việt là Gia Tô. Còn chữ Christos người Tàu phiên âm thành Kirisitu, nhưng lại đọc là Ki-Li-Si-Tu và người Việt phiên âm sang tiếng Việt là Cơ Lợi Tư Đốc, rồi sau đó sửa lại là Cơ Đốc (基督). Rồi cứ thế, dựa theo người Tàu gọi đạo này là Gia Tô Giáo hay Cơ Đốc Giáo.

Các giáo sĩ truyền giáo của Thiên Chúa giáo đã đem đạo này vào Việt Nam, sử dụng chữ Nôm rồi sau đó sáng chế chữ Quốc Ngữ để Việt hóa những chữ ngoại quốc: Jésu là Giêsu, Christ là Khirixitô hay Kirixitô, viết ngắn là Kitô. Jésu hay Giêsu là tên người lập đạo, và biệt hiệu của ông Giêsu là Kitô (Christ). Đạo của những người tin vào đấng Kitô thì gọi là Kitô Giáo. Những người theo đạo này thì được gọi là Kitô hữu.

Người không theo đạo Kitô thì khó biết gọi đạo của họ là gì. Có người đi tìm tài liệu của Tàu và phiên âm Hán Việt để gọi đạo ấy là Giatô Giáo hay Cơ Đốc Giáo. Cả hai tên này, ngày nay đã mang ý nghĩa khác. Cơ Đốc Giáo là đạo thờ đấng Christ nhưng không phải là Catholic. Tên Việt Nam của Catholic thì không phải là Gia Tô Giáo.

Tóm lại, người hiểu biết về đạo Catholic thì gọi đạo ấy là Kitô Giáo hay Thiên Chúa Giáo. Người không biết thì có thể vẫn gọi là Gia Tô Giáo. Khi gọi đạo người ta với tên không đúng, thì những gì viết về đạo ấy sẽ không có tính thuyết phục, hoặc bị xem là viết những điều mà mình không biết tường tận.

Nói Về Bốn Chữ Gia Tô Tả Đạo hay Gia Tô Tà Giáo

Gia Tô Tả Đạo hay Gia Tô Tà Giáo, đã được những người chống đạo Công Giáo đặt cho. Các thời đại dưới triều nhà Nguyễn, đã có các chiến dịch bách hại những người truyền giáo và những người theo Thiên Chúa Giáo. Các Kitô hữu có biết điều này không? Thưa, họ biết rất rõ. Họ bị chế diễu; họ bị sỉ nhục; họ bị đàn áp; họ bị hành quyết; họ chịu chết. Nhưng họ không bị tiêu diệt.

Sách Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ của giám mục Pierre Joseph-George Pigneau de Béhaine, hay còn gọi là Giám Mục d’Adran, tên Việt gọi là Giám Mục Bá Đa Lộc biên soạn và xuất bản lần đầu vào năm 1774 với bản viết tay, tái bản năm 1837, in mộc bản. Mới đây ở hải ngoại, sách này được tái bản với sự phiên âm và chú giải của hai ông Y Doãn Ninh và Lê Bảo Tịnh cùng sự giúp sức của giáo sư Trần Văn Toàn và Linh mục Trần Văn Kiệm, vào năm 1998 tại Hoa Kỳ. Sách viết ở trang LXXVIII: “Đạo Thiên Chúa bị liệt vào loại ‘tả đạo’ nghĩa là đạo bất chính, còn giáo dân bị mang một hổn danh ‘dửu dân’ là dân xấu như cỏ lồng vực làm hại lúa, và mãi đến năm Tự Đức thứ 21 (1868) mới được hủy bỏ…”.  Tinh thần bất khuất của người Kitô hữu đã giúp họ vượt qua nỗi cùng cực, hãi hùng ấy.

Dưới triều đại vua Minh Mạng, các tài liệu nói về Kitô giáo viết rằng: “Đạo Gia Tô là đạo ngoại lai thâm nhập vào nước ta,… chủ trương lấy mắt người ốm, cám dỗ dâm ô phụ nữ, mê hoặc đám ngu phu, ngu phụ noi theo,… không thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cam tội bất hiếu…”.


Cuộc bách hại đạo Công Giáo từ thời Gia Long cho đến Tự Đức là những cuộc truy bức từ lệnh của nhà vua, xuống đến các làng mạc xa xôi, luôn luôn dùng đến bốn chữ Gia Tô Tả Đạo để miệt thị những người theo Kitô Giáo. Máu bắt đầu đổ ra từ hai vị, một là linh mục người Pháp và hai là sĩ quan trong Ngự Lâm Quân của triều đình bị trảm quyết (chém đầu ngay), ngay sau khi chỉ dụ cấm đạo của vua Minh Mạng công bố vào tháng Giêng năm 1833. Hàng trăm, hàng ngàn Kitô hữu, từ cấp lãnh đạo đến giáo dân, đều phải rùng mình khi phải nghe đến bốn chữ Gia Tô Tả Đạo hay Gia Tô Tà Giáo. Nó nhắc đến một thời bách hại với những hình phạt tử hình: trảm quyết, trảm giam hậu, trảm kiêu, bá đao hành quyết, lăng trì (chém hết tay chân trước khi chém đầu), giảo hình,… 

Cụ Phan Bội Châu đã từng thốt lên: “Từ đời Lê Huyền Tôn (1663-1671), niên hiệu Cảnh Trị đến bản triều Tự Đức (1847-1883) khoảng những năm đầu, đều có cái tệ cấm dương giáo, giết giáo đồ. Than ôi! Thời đại chưa khai hoá, có những việc như vậy, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa” (Việt Nam Quốc Sử Khảo, tr146).

Sách báo Việt Nam từ lâu đã tránh dùng những chữ Gia Tô Giáo hay đạo Gia Tô, ngoại trừ những đoạn trích dẫn từ những tài liệu bắt đạo dưới thời nhà Nguyễn.

Cộng Sản Khai Thác Nhóm Chữ Gia Tô Giáo

Thập niên 80, cộng sản Việt Nam cho xuất bản những sách tiểu thuyết về tôn giáo với mục đích tiêu diệt tôn giáo. Đơn cử, sách “Giòng Sông Thơ Ấu” của Nguyễn Quang Sáng được xuất bản để bôi bác Đức Huỳnh Giáo Chủ của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo. Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo phản đối mãnh liệt. Tuy đó là một cuốn tiểu thuyết với nhiều hư cấu, ngụy tạo nhưng dùng những địa danh và nhân vật gần giống sự thật, nằm trong âm mưu đen tối của đảng cộng sản.

Một sách khác, với tựa lớn “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” và tựa nhỏ Ghi chép những chuyện kín đáo của đạo Gia Tô Tây Dương”  do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội của cộng sản Việt Nam, phát hành và xuất bản vào năm 1981. Trong sách phê bình văn học, nhà văn Võ Phiến viết: “Cuốn Chữ nôm của Đào Duy Anh in 5.200 bản…, cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính in 10.000 bản, mà cuốn Tây Dương Gia-tô Bí Lục in 20.500 bản, lẽ nào vì quần chúng ham đọc bí lục hơn xem thơ Nguyễn Công Trứ hay tìm hiểu chữ nôm!”.  Ngoài ra, trên bìa sách này còn ghi “lưu hành nội bộ” và “in ngoài kế hoạch”.

Lời giới thiệu cho biết, đây là cuốn tiểu thuyết nguyên bản viết bằng chữ Hán, do bốn người tên là Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên hợp soạn,  được cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa Học Xã Hội của cộng sản Việt Nam, tên là Ngô Đức Thọ dịch chú. Đến nay, chưa ai thấy nguyên bản ra sao. Cả bốn người đồng tác giả sống vào thời kỳ cuối thế kỷ thứ 18. Cũng theo nhà xuất bản cho biết, bản tiếng Hán do hai giám mục Việt Nam tên là Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường viết dở dang và được hai giáo sĩ trẻ là Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên hoàn tất.

Mặc dù rằng, sách nguyên bản viết bằng chữ Hán, nhưng nội dung là chuyện Việt Nam, liên quan đến “Gia Tô Giáo”. Viết rằng, hai ông Giám Mục già chứng kiến những lọc lừa của Giáo Hội Công Giáo La Mã nên đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe. Hai ông đã đến tận Vatican và được yết kiến Đức Giáo Hoàng. Nơi đây, hai ông được cho xem những “tài liệu bí mật” của La Mã. Hai ông nhất định sẽ bỏ đạo và viết lại những “âm mưu thâm độc” của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Việc chưa thành thì một trong hai ông đã ra người thiên cổ. Còn một ông tuổi đã yếu thì may thay gặp hai linh mục trẻ hơn, có cùng tâm trạng, đã hoàn tất ‘bí lục’ này.

Cuốn sách có chủ đích lên án Giáo hội Công Giáo La Mã là ‘tà đạo’, và vạch trần những ‘âm mưu đen tối’ của tôn giáo ấy. Dù nhân vật và địa danh là Việt Nam nhưng phản phất sự lo sợ trước mưu toan thôn tính nước Trung Hoa của Gia Tô Giáo bằng cách đem thuốc phiện đến “ngấm ngầm đầu độc bọn ‘quan lại sĩ phu’ khiến cho dân nước ấy mãi mãi bị hao mòn” (tr. 307-311).

Nhóm Giao Điểm ở hải ngoại nhanh chóng khai thác sau khi sách này được phát hành. Trong những bài viết chống Công Giáo của Chung Trần Ngọc (Trần Chung Ngọc), Trần Văn Kha, Lê Hiếu Liêm, Lý Khôi Việt,… những đoạn trích từ sách “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” với hình thức làm cho người đọc tin rằng đây là những đoạn lấy từ sách tài liệu, chứ không phải là một thứ truyện chưởng của Tàu.

Kết Luận về nhóm chữ Gia Tô Giáo 

Bấy nhiêu dẫn chứng ở trên đã đủ cho thấy những chữ Gia Tô giáo, hay đạo Gia Tô không còn ý nghĩa bình thường để chúng ta sử dụng. Hơn nữa, chữ đúng hơn là Kitô Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Công Giáo. Người Việt trong nước cũng như hải ngoại lâu nay vẫn gọi đạo này là đạo Công Giáo. Nếu muốn tránh sự lầm lẫn với đạo khác thì có thể gọi là Công Giáo La Mã, Thiên Chúa Giáo La Mã, Kitô Giáo La Mã.

Ai cũng có thể chỉ trích những sai trái, hoặc phê bình một tôn giáo nào với những lý lẽ xác đáng. Tuy vậy, chúng ta cũng nên tránh gây ngộ nhận cho người khác rằng ta đang miệt thị một tôn giáo vì dùng chữ không đúng. Nếu có chủ ý miệt thị thì không còn gì để nói.

Sơn Hà

Bài liên quan:
  • MỪNG CHÚA GIÁNG TRẦN
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Thánh TRƯƠNG BỬU DIỆP được tôn kính khắp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
    Trần Nguyên Thao
  • Linh Đài Đức Mẹ La Vang
    tại Giáo Xứ Chúa Kitô Cứu Thế

    -Nhóm phóng viên Vận Hội Mới
  • THỬ THÁCH VÀ LỢI ÍCH KHI CÓ CHA MẸ GIÀ: SỐNG CHUNG HOẶC GỬI VÀO VIỆN DƯỠNG LÃO
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • LẠI CHUYỆN PHÁ THAI!
    TS Trần Mỹ Duyệt