_________________

Những tin tức liên quan đến sức khỏe cần được áp dụng thận trọng, và với sự tham khảo của bác sĩ gia đình nếu cần.

Thận là cơ quan có rất nhiều chức năng quan trọng như sản xuất hormone, lọc máu, hấp thụ khoáng chất, sản xuất nước tiểu và cân bằng độ pH trong cơ thể. Bác sĩ Alexander tại Harvard đưa ra những khuyến cáo đề phòng tổn hại thận:

  1. Không uống đủ nước. Chức năng quan trọng nhất của thận đó là lọc máu và loại bỏ các chất độc cũng như các chất thải cặn bã. Khi  không uống đủ nước trong ngày, các chất độc và chất thải cặn bã  tích tụ lại và có thể gây hại cho cơ thể.

2. Ăn nhiều muối. Hầu hết cư dân tại Hoa Kỳ dùng đều quá nhiều muối. Dùng nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tới thận. Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) khuyên không nên dùng quá 2.300 mg muối mỗi ngày (khoảng một muỗng cà phê). Con số 2.3000 mg muối này phải kể cả muối trong thực phẩm. Số lượng muối cư dân tại hoa Kỳ dùng có tới 70% đến từ các thực phẩm chế biến và thực phẩm mua của các tiệm ăn.

3. Uống quá nhiều nước ngọt và nước có ga. Thận là cơ quan chính để điều chỉnh độ pH của cơ thể, vì thế khi mà cơ thể phải hấp thụ quá nhiều nước ngọt và nước uống có ga trong một thời gian dài sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.

4. Nhịn tiểu. Nhiều người nhịn tiểu bởi vì quá bận rộn hoặc muốn tránh phòng vệ sinh công cộng. Nhịn tiểu một cách thường xuyên làm tăng áp suất nước tiểu và có thể dẫn đến suy thận, sỏi thận và tiểu són.

5. Hấp thụ quá nhiều protein động vật. Hấp thụ quá nhiều protein, đặc biệt là thịt đỏ làm tăng nhiệm vụ chuyển hóa, gây thêm gánh nặng cho thận. Ăn nhiều protein làm thận phải làm việc nhiều hơn và theo thời gian có thể dẫn đến tổn hại thận.

6. Ăn rau quả không phù hợp. Ăn nhiều rau quả rất tốt cho sức khỏe. Potassium  trong rau giúp giảm huyết áp. Những trái cây như nho đỏ, các lại berries là những thực phẩm tốt. Cải bắp và cauliflower cũng rất tốt cho thận. Tuy nhiên không nên dùng những rau trái có quá nhiều potassium trong trường hợp yếu thận. Một số rau xanh như spinach có chứa nhiều oxalates làm tăng nguy cơ sạn thận. Nên bàn hỏi với bác sĩ gia đinh về chế độ dinh dưỡng nếu có vấn đề về thận.

7. Thiếu ngủ. Sự thiếu ngủ thường xuyên có thể dẫn tới nhiều căn bệnh trong đó có bệnh về thận. Khi ngủ, cơ thể hồi phục lại tế bào thận đã bị tổn thương. Vì vậy cần cho cơ thể thời gian để hồi phục.

8. Lạm dụng thuốc giảm đau. Nhiều người dùng thuốc giảm đau mặc dù khi chỉ là những cơn đau thường. Sử dụng quá mức hay lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến sự tổn hại nghiêm trọng cho gan và thận.

9. Lạm dụng rượu. Uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày làm tăng nguy cơ cao mạch máu, anh hưởng lên thận. Thường xuyên uống quá nhiều rượu làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh thận kinh niên.

10. Ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn. Chất bảo quản thực phẩm có  nhiều trong các đồ ăn chế biến, nhất là trong đồ hộp. Nếu ăn thường xuyên, các chất bảo quản tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều. Khi đó khả năng đào thải độc tố của gan và thận sẽ gặp trở ngại.

Ngoài ra nên nhớ rằng hai nguyên nhân chính gây nên bệnh yếu thận kinh niên là tiểu đường và cao áp huyết. Hai nguyên nhân này là thủ phạm gây ra hai phần ba các trường hợp bị suy thận.

BS Trần Việt Cường

Bài liên quan:
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Tin Liên Quan Tới Não Bộ
    BS Trần Việt Cường
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Hạnh Phúc Gia Đình
    BS Trần Việt Cường
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Những Bí Quyết Dinh Dưỡng Giúp Trường Thọ
    BS Trần Việt Cường
  • Khảo Cứu Để Chữa Bệnh Liệt Kháng (AIDS) Đã Giúp Tìm Ra Thuốc Chủng Ngừa COVID-19
    Nguyễn Tử Quý
  • Tin Ngắn Hữu Ích: Sức Khỏe Trong Mùa Lễ.
    BS Trần Việt Cường