Xuân đã về. Xuân đã về.
Kìa bao ánh Xuân hồng tràn lan mênh mông…
Đã nói đến Xuân, đã nghĩ đến Xuân là phải nói, phải nghĩ đến Tết. Tết Việt Nam. Tết rộn xóm làng.
Việt Nam và Trung Hoa cùng với một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đều mừng Tết vào ngày 1 tháng Giêng Âm Lịch, khác với các quốc gia theo văn hóa Âu Mỹ mừng tết vào ngày 1 tháng 1 Dương Lịch. Tuy nhiên Tết Việt Nam không phải là Tết Trung Hoa như nhiều người ngoại quốc, cũng như giới trẻ ngày nay thường gọi là Tết Trung Hoa (Chinese New Year). Mặc dù Tết Việt Nam cũng có một số lễ hội và phong tục phản ảnh văn hóa Trung Hoa.
Ngay 12 con giáp tượng trưng cho 12 con vật cho mỗi năm như Tí (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mão (Mèo), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), và Hợi (Heo), ít nhất có hai con không có trong 12 con giáp của người Trung Hoa. Thí dụ, năm nay, người Việt Nam gọi là năm Tân Sửu (Năm Con Trâu), người Trung Hoa gọi là năm Con Bò, hoặc năm con Mèo (Mão), người Trung Hoa lại gọi là năm con Thỏ.
XUÂN XUÂN ƠI. XUÂN HỠI XUÂN ƠI!
Theo truyền thống, Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). Nhưng quan trọng nhất là 3 ngày đầu của năm gọi là Mồng Một, Mồng Hai, và Mồng Ba tết. Trong những ngày này, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và đi lễ cầu kinh, đi chùa cúng Phật, hái lộc, xin xâm… Những trò chơi dân gian của những ngày Tết như đá bóng, đá cầu, đánh cờ, đấu vật và những lễ hội được tổ chức khắp nơi, thu hút mọi người từ già, trẻ, lớn, bé.
Tết là dịp vui vẻ nên không thể thiếu âm nhạc. Khắp nơi, đâu đâu cũng vang lên những ca khúc bất hủ về Xuân như Ly Rượu Mừng, Đón Xuân của Phạm Đình Chương, Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối, Xuân Họp Mặt của Văn Phụng, Xuân Đã Về của Minh Kỳ, Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền, Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao. Trong thời chiến tranh Việt Nam, có những nhạc phẩm phản ảnh tâm tư của những người lính trẻ xa nhà, đón Xuân nơi tiền đồn heo hút: “Con biết Xuân này mẹ chờ tin con. Khi pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi…” ( Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân).
TẾT. TẾT. TẾT ĐẾN RỒI
Tết cũng là thời điểm thiêng liêng, do đó việc chuẩn bị phải được thực hiện kỹ lưỡng và chu đáo. Khoảng hơn 2 tuần trước đó, các gia đình đã lo sắm sửa cho ngày Tết. Mọi nhà đều lo quét dọn, trang trí nhà cửa, mua sắm thức ăn, hoa quả…
Sắp Dọn Bàn Thờ
Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ gia tiên dùng cho việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Cúng giao thừa là mời gọi ông bà về ăn Tết với con cháu, cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết với phong cách trang nghiêm.
Rằm Tháng Chạp
Theo truyền thống văn hóa, ngày 15 tháng cuối cùng âm lịch, gọi là ngày Rằm Tháng Chạp. Lễ cúng rằm đối với người Việt Nam được coi trọng vì nó cũng để chuẩn bị cho lễ Giao Thừa đón năm mới những ngày sau đó.
Ông Táo Về Trời
Ngoài việc cúng Rằm Tháng Chạp, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn Ông Táo, một vị thần bếp về trời. Theo truyền thuyết, vị thần này ghi chép tất cả chuyện tốt xấu trong năm và có nhiệm vụ trình báo Ngọc Hoàng khi về trời bẩm báo. Ông sẽ cỡi cá chép như phương tiện về Thiên Đình.
Dựng Nêu Ăn Tết
“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè”
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Nhiều nơi vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu. Theo truyền thống, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm xấu. Nó được trang trí bằng những thứ để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.
Ngày mồng 7 tháng Giêng (cũng có thể là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, Cây nêu được hạ xuống gọi là lễ Khai Hạ, hay Lễ Hạ Nêu kết thúc dịp Tết Nguyên Đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.
Câu Đối Tết
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, theo truyền thống vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (chữ Hán) màu đen hay vàng trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Một câu đối từ rất xưa đến nay vẫn được nhắc đến trong dịp Tết. Nó gọi trọn ý nghĩa và những phong tục nhân dịp mừng Tết:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Cây và Hoa Tết
Tết không thể thiếu hoa. Bên cạnh những cây hoa Tết như Mai, Lan, Hồng, Cúc không thể không nhắc đến cây quất – loại cây thường được trang trí tại phòng khách trong những ngày Tết. Nó mang ý nghĩa may mắn, trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Mâm Ngũ Quả
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây gồm năm thứ trái cây khác nhau được bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.
Một mâm Ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam gồm cam, quất, bưởi, chuối và dứa.
Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Mâm ngũ quả của người miền Nam gồm mãng cầu Xiêm, sung, dừa, đu đủ, xoài với ngụ ý “cầu sung vừa đủ xài.”
TẾT VIỆT NAM. TẾT RỘN XÓM LÀNG
Giao Thừa
Ngày cuối năm cũ có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Khi đồng hồ điểm 12 giờ là giờ năm cũ chuyển qua năm mới, người ta làm lễ cúng tất niên. Ngày Mồng 1 tháng Giêng là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa.
Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Bên ngoài, người ta thường đốt pháo ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Tiếng pháo giao thừa nổ vang khắp mọi nơi.
Tại một số đình chùa, người người lũ lượt rủ nhau đi niệm Phật, xin xâm, hái lộc, cầu mong phúc lộc, may mắn cho năm mới. Nam thanh nữ tú rập rìu, cùng nhau thắp hương khấn vái mong cho năm mới nên duyên vợ chồng.
Ba Ngày Tân Niên
“Ngày mồng Một tháng Giêng” là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Theo truyền thống, thường không ai ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc Tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
“Ngày mồng Hai tháng Giêng” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc Tết các những người trưởng thượng như cô, chú, bác, đặc biệt là bà mẹ theo tục: “Mồng Hai Tết Chú, hoặc Mồng Hai Tết Mẹ.” Những đàn ông, con trai chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
“Ngày mồng Ba tháng Giêng” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học: “Mồng Ba Tết thầy.” theo truyền thống tôn sự trọng đạo. Ngoài ra, người ta thường đi thăm viếng, về quê, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.
Đối với cộng đồng người Công Giáo Việt Nam, ba ngày đầu năm họ thường tham dự Thánh lễ với ý cầu nguyện cho từng ngày: mồng Một cầu nguyện bình an cho năm mới, mồng Hai cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ nếu còn sống và tưởng nhớ nếu đã qua đời, mồng Ba cầu nguyện thánh hóa cho công ăn, việc làm trong năm mới được tốt đẹp. Trong ý nghĩa tâm linh này, ngày Tết cũng là ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving).
Chúc Tết
Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên. Những người cao niên trước đây thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi.
Mừng Tuổi
Người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay “hồng bao”, gọi là “lì xì” với những lời chúc ăn no, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Đây là phong tục mà trẻ con thích nhất. Chúng thường đến ông bà, chú bác, cô dì, và anh chị để chúc tết và lãnh tiền lì xì.
Đối với những người lớn, tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là “Tiền mở hàng”. Trước đây thường cho tiền phong bao bằng tiền lẻ mà không phải tiền chẵn, ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.
Xông Đất
Nhắc đến Tết, Xông đất (hay đạp đất, mở hàng) đầu năm là một tục lệ truyền thống. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một “khai trương” một năm mới. Theo tục lệ, cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.
Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Thời xưa, chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm là người làm quan, hoặc có học, và chọn người có tuổi hợp tuổi với chủ nhà.
Xuất Hành Hái Lộc
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước gọi là hái lộc.
Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc, người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi và có thể đoán được năm mới hên hay xui.
Ẩm Thực Ngày Tết
Thành ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết sao cho “già được bát canh, trẻ có manh áo mới”. Hơn thế nữa, dù có đói khát quanh năm thì đến Tết, mọi người mà nhất là trẻ em thường được ăn uống no đủ. Bữa ăn ngày Tết thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang trọng hơn bữa ăn ngày thường. Vì vậy mà người ta mới gọi là “ăn Tết”. Ngoài cơm nước, ngày Tết còn có:
-Bánh truyền thống: bánh chưng, bánh giầy, bánh tét… Những loại bánh tượng trưng cho phong tục ăn uống ngày Tết ở Việt Nam. Bánh chưng và bánh giầy còn được gắn với các sự tích cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt.
Ngoài những loại bánh trên, còn có thêm những loại kẹo như kẹo bột, kẹo dồi, kẹo vừng (mè), kẹo đậu phụng (kẹo cu-đơ), …
-Mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng, sau đó dọn ra để đãi khách. Mứt có rất nhiều loại như: mứt gừng, mứt bí, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt khoai, mứt hạt sen…
-Ngoài ra, các gia đình miền Nam thường có thêm nồi thịt kho nước dừa, nồi khổ qua… Miền Bắc có cơm rượu, thịt đông, dưa hành, dưa củ kiệu. “Thịt mỡ, dưa hành” là những món không thể thiếu trên bàn ăn của người miền Bắc trong những ngày Tết.
TS Trần Mỹ Duyệt
_____
Tài liệu tham khảo:
https:// Tết – Wikipedia