Thế rồi vào lúc 5g30 ngày 9/4/95, khi vạn vật bắt đầu một ngày mới, chim chóc rời tổ kiếm ăn, dân chúng dọn hàng ra chợ, các tín đồ Thiên Chúa Giáo đi xem lễ sớm tại các nhà thờ, các loa phóng thanh của Ty Thông Tin Xuân Lộc mở đầu bằng các bài hát trữ tình thương lính…thì cũng là lúc Bắc Việt nã hàng trăm ngàn loại pháo đũ loại vào thành phố, đa số rớt vào chợ, nhà thờ và các nhà của dân chúng khiến cho người dân vô tội chết và bị thương như rạ, vì trận pháo kích kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ với hơn 3,000 trái đạn, liên tục không dứt, dân chúng người thì ngã gục, kẻ thì rụng rời không biết chạy đâu để trốn tránh tử thần.

8 giờ…quân Bắc Việt tấn công vào thành phố nhưng bị chận lại bởi trunng đoàn 43BB và tiểu đoàn 3/4 DPQ Long Khánh nên phải chém vè sau khi bỏ lại tại chỗ 100 tử thị Nhiều T54 và PT76 bị hạ khắp nơi bởi các hỏa tiễn M72 và các phản lực cơ A37, F5 của không quân.

Ngày 10/4/75, Cộng quân trở lại tấn công Xuân Lộc với 2 sư đoàn 6,7 và các trung đoàn thiết xa, khắp các mặt trận Đông, Tây, Nam, Bắc thành phố từ tòa thị chính Long Khánh đến sân bay, nơi nào Cộng quân cũng sử dụng quân số cấp trung đoàn. Cuộc chiến kéo dài trong nhiều ngày, cả 2 phía giành dựt từng ngôi nhà, phòng tuyến để sống. Không quân VN đã yểm trợ tích cực và hữu hiệu cho các đơn vị dưới đất bằng các phản lực cơ tối tân F5E, góp phần tiêu diệt số lớn Cộng quân. Trung đoàn 43BB mặc dù đã bị Cộng quân cắt ra từbg đơn vị nhỏ, nhưng vẫn tiếp tục chống trã mãnh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất, như Văn Tiến Dũng đã phải xác nhận trong tác phẩm Mùa Xuân Đại Thắng.

Qua đến ngày 4 của cuộc chiến, lữ đoàn 1 gồm các tiểu đoàn 1,2,8,9 và tiểu đoàn 3 pháo binh Dù mới từ miền Trung về, được lịnh tăng cường cho Xuân Lộc. Tất cả trực thăng của 2 trung đoàn 3,4 không quân gồm hàng trăm trực thăng bán phản lực HU1B đã thả hơn 2,000 quân dù từ Trảng Bom vào trận địa, các pháo đội Dù cũng được trực thăng Chinook chuyển vận đến Bộ chỉ huy hành quân Dù đóng kế Bộ tư lịnh sư đoàn 18BB.

2 tiểu đoàn Dù đầu tiên đã nhảy xuống đồn địch để chiếm lại Bảo Định, chiếm lại quốc lộ 1, nơi 2 trung đoàn thuộc Công trường 6 Bắc Việt đang tập trung tấn công Bộ Tư Lịnh sư đoàn 18BB tại Tân Phong. Một tiểu đoàn Dù khác nhảy xuống chiếm lại khu vực vườn cây của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ. Ngoài ra các tiểu đoàn khác nhảy vào Xuân Lộc để giải vây cho các tiểu đoàn DPQ và Bộ Chỉ Huy tiểu khu Long Khánh.

Tại ngã ba Dầu Giây, Cộng sản Bắc Việt cũng đồng loạt tấn công chiến đoàn 52BB từ ngày 12/4/75 bằng biển người và tăng, pháọ Lần lượt các tiền đồn, phòng tuyến của trung đoàn 52BB từ Kiệm Tân về tới ấp Phan Bội Châu trên quốc lộ 20 bị tràn ngập. Cuộc chiến trở nên ác liệt và đẫm máu đã xảy ra chiều ngày 15/4/75 ngay tại xã Dầu Giây, ngã ba 2 quốc lộ 1-20, giữa chiến đoàn 52BB (gồm trung đoàn 52, lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các lực lượng DPQ Kiệm Tân, Long Khánh; tổng cộng gom lại 2000 người) và binh đoàn 4 Cộng sản Bắc Việt (trong đó có sư đoàn tổng trừ bị của Hà Nội 341 vừa từ Thanh Hóa vào), do Trần Văn Trà vừa thay thế Hoàng cầm, chỉ huy đã cho ứng dụng chiến thuật biển ngườị Trong trận chiến nướng quân man rợ, tàn bạo và khủng khiếp này của Bắc Việt, 1 người lính VNCH đã phải chọi với 10 binh sĩ Bắc Việt với tăng và pháọ Chiến đoàn 52BB cuối cùng đã tan hàng vào đêm 15/4/75, tất cả pháo binh, thiết giáp, người đều bị CS Bắc Việt hủy diệt sau mấy ngày đêm cầm cự. 9 giờ đêm đó, khi chiếc hầm chỉ huy của chiến đoàn bị bắc sập, đại tá chiến đoàn trưởng mới cho rút quân, theo ông chỉ còn…200 người sống sót.

Trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Phạm Huấn sau ngày 30/4/75, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lịnh quân đoàn III đã cho biết, sau khi trình Bộ Tổng tham mưu, ông đã ra lịnh cho không quân sử dụng 2 trái bom “Daisy Cutter” tại ngã ba Giầu Dây trong đêm 15/4/75, vào vùng tập trung quân của Bắc Việt ngay khi chiến đoàn 52BB bị tan hàng, gần 10,000 quân Bắc Việt với chiến xa T54, đại pháo đang di chuyển trên quốc lộ 20 vừa tới ngã ba Dầu Giây đã bị hủy diệt toàn bộ.

Bom “Daisy Cutter” còn được gọi là bom “con heo” hay là bom “tiểu nguyên tử” có chiều dài và chiều cao gần tương đương với vận tải cơ C.130, trọng lượng là 7 tấn vừa vỏ bọc, vừa khói thuốc 15,000 cân Anh TNT. Bom con heo dùng để mở bãi đáp cho cấp sư đoàn hay lộ quân trong bất cứ địa thế nào và có hiệu quả sát hại trong vùng có đường kính 5 dặm Anh. 10 giờ sáng ngày 16/4/75, không quân VNCH gọi về Bộ tư lịnh quân đoàn III báo cáo về rừng người, chiến xa, đại pháo Bắc Việt đang tập trung trong xã Dầu Giây để chuẩn bị về Saigon. 11 giờ cùng ngày, 2 vận tải cơ C130 được lịnh mang 2 quả bom khổng lồ, xuất phát từ phi đạo 39 tại phi trường Tân Sơn Nhất, thả xuống vùng tập trung quân của CSBV, khiến cho đại quân của Hà Nội rối loạn trong 3 ngày liền và CSBV liền la làng rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Paris và cho B52 trở lạị

Việc Mỹ viện trợ bom “con heo” cho VNCH cũng là chuyện khôi hài cười ra nước mắt vì chỉ cho bom mà không cấp đầu đạn, cũng như bí mật được phanh phui sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm rằng trong khoảng từ 3 giờ đến 3 giờ rưỡi sáng ngày 29/4/75, 3 chiếc C130 của cơ quan DAO dùng để di tản người, không biết do lịnh của ai, từ đâu,, đồng loạt chở vào VN 3 trái bom BCU 82, Daisy Cutter, 15,000 cân Anh. Rồi trong lúc các chuyên viên Việt-Mỹ đang tháo gỡ đem vào kho an toàn thì phi công Mỹ lại vô tình hay cố ý dùng điện thoại báo cáo để CS Bắc Việt biết được mà pháo kích vào địa điểm đang bốc dỡ. Mỹ đã tháo chạy, Nam VN sắp mất, lại đem bom đến Saigon làm gì, đó là bí ẩn mà các nhà quân sự Mỹ vẫn chưa chịu tiết lộ cũng như số phận của những trái bom khổng lồ trên đang ở đâu, cũng chẳng ai biết ngoài Bắc bộ phủ.

Về việc rút khỏi Long Khánh, trong khi các đơn vị chiến đấu tại đây (ngoại trừ ngã ba Dầu Giây) vẫn còn giữ nguyên được các vị trí, cũng có nhiều nguồn tin. Theo lời đồn từ những kẻ thân cận làm việc trong Dinh Độc Lập thì TT Nguyễn Văn Thiệu khi được tin Phan Rang thất thủ và các quân nhân tại đây uất ức trong cảnh gia đình ly tán, đất nước lâm nguy nên bất tuân thượng lịnh, dùng xe ủi đất và chiến xa M113 san bằng mồ mả gia đình TT Thiệu, bởi vậy quá đau đớn, trước khi bỏ ngai vàng, ông đã cho rút khỏi Long Khánh để Bắc Việt mau vào Saigon thay thế ông, vì theo các thầy tướng số mà ông tin, thì nếu ông từ chức, Nam VN không ai có thể thay thế được, trừ CS.

Nhưng theo lời Tướng Nguyễn Văn Toàn, thì chính ông ra lịnh rút bỏ Long khánh vì thấy rằng phòng tuyến này không còn giữ được nữa, hơn nữa quân CSBV, sau khi bị thiệt hại nặng nề, đã cho thay đổi kế hoạch tấn công Saigon bằng chiến dịch 2 với với 5 sư doàn tấn công Biên Hòa, Phước Tuy đồng loạt với 3 sư đoàn khác tại Tây Ninh. Vì vậy, Long Khánh không còn là điểm nóng, nên tất cả lực lượng tham chiến tại đây phải rút về Biên Hòa để lập phòng tuyến mớị

Qua 12 ngày ác chiến đẫm máu, tuyến thép Xuân Lộc vẫn đứng vững dù Phan Rang đã thất thủ vào 17/4/75, Phan Thiết mất 18/4/75, Bình Tuy bỏ ngỏ — giờ đây Xuân Lộc là vùng giới tuyến của đất nước. Tin thắng trận của sư đoàn 18BB, lữ đoàn 1 Dù, BiệtĐộng Quân, Thiết giáp, Địa Phương Quân, Lôi Hổ và Không quân tới tấp bay về Saigon, như những gáo nước lạnh tạt vào vài bọn nhà báo – nhà văn – ký giả – trí thức ngoại quốc và trong nước đang chờ đợi xem một màn cụp lạc về sự sụp đổ của VNCH, khiến họ không còn cách nào để mà bóp méo, xuyên tạc được nữa nên đã thay dổi thái độ và kính phục tinh thần bất khuất của người chiến sĩ VNCH, bởi vì đây là chiến thắng vĩ đại cuối cùng của Quân lực này trước khi phải rã ngũ.

10 giờ sáng ngày 20/4/75, lịnh bỏ Long Khánh được ban hành bởi Tư lịnh sư đoàn 18BB. Tất cả lực lượng tại đây dùng Liên tỉnh lộ 2, phát xuất từ Tân Phong, Long Giao về Phước Tuy với 3 cánh quân sư đoàn 18BB, tiểu khu Long Khánh + DPQ, lữ đoàn Dù + tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Trong cuộc rút quân này, lữ đoàn Dù bị thiệt thòi và chịu số phận bi đát nhất vì là đơn vị đi đoạn hậu: họ phải chống trả CSBV, 2 bên còn đang giao tranh ác liệt tại Bảo Định thì 7 giờ tối ngày 20/4/75 có lịnh rút quân, trong khi các thương binh và tử thi lính VNCH chưa dược di tản. Nhưng tất cả đành phải bỏ lại như năm nào tại Hạ Lào, bởi vì đối với người còn sống, đoạn đường đầy xác lính VNCH hơn 4 km trong rừng cao su đen nghịt để ra quốc lộ 1, là các cửa địa ngục phải vượt quạ Tất cả thảm trạng trên đều là những oan khiến bi thảm của người lính VNCH mà ít ai biết đến.

9 giờ tối, các tiểu đoàn Dù này mới tới quốc lộ và một hoạt cảnh cảm động đã diễn ra, tất cả giáo dân của xóm đạo Bảo Đình, Bảo Toàn, Bảo Hòa đã tập trung sẵn 2 bên vệ đường để theo chân lính di tản. Thì ra người lính VNCH trong suốt cuộc chiến nồi da xáo thịt, luôn luôn là những kẻ giữ nhà, giúp dân — tình quân dân thắm thiết chỉ được nhắc tới trong những lúc cùng khốn, cực nguỵ CS Hà Nội đã biết được cái ưu điểm này của người lính miền Nam, nên không ngớt khuấy phá, xuyên tạc, đầu độc bằng cách cho cán binh của họ trà trộn giả làm lính VNCH trong những lúc rối loạn, chẳng hạn như vụ Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa 72 và 55 ngày cuối cùng này, để bôi xấu bằng cách cướp của, hãm hiếp dân. Vịn vào đó, một số trí thức VN viết trường thiên lịch sử tiểu thuyết kể tội lính — cũng như gần đây Dương Thu Hương và Tạ Chí Đại Trường, một người là văn sĩ bộ đội CS, một người là cựu sĩ quan biệt phái miền Nam, cũng trở lại đề tài cũ rích trong việc bôi xấu kẻ ngã ngựạ Những người bị thua trận, nhưng càng lúc, càng được nhiều người trong thế giới văn minh cảm phục khi từ từ khám phá ra cái giá trị tinh thần xứng đáng của họ.

Mấy chục cây số đường rừng bị bỏ hoang trên liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong, đến Đức Thành, Long Lễ và Bà Rịa không phải là chuyện bình thường của một đoàn quân có dân chúng lẫn lộn, bởi vậy ngay trong đêm rút quân 10/4/75, Đại tá Phạm Văn Phúc và Trung tá Lê Quang Định, tiểu khu trưởng và tiểu khu phó tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương vì nhiều loạt B40 của CSBV bắn sả vào đoàn quân dân đang di chuyển. Lữ đoàn 1 Dù rút lui sau cùng, chỉ riêng tiểu đoàn 3 Pháo binh đươc di chuyển trên đường lộ với đại đội Trinh sát Dù, các tiểu đoàn tác chiến đến mở đường bọc sâu trong rừng.

4 giờ sáng ngày 21/4/75, tại ấp Suối Cá, gần ranh giới Long Khánh – Phước Tuy, tiểu đoàn 3 Dù đã bị 2 tiểu đoàn CSBV phục kích. Pháo đội C và trung đội trinh sát bảo vệ, hầu hết đều bị thương vong trước biển người tấn công. Cánh quân đi đầu của tiểu đoàn 9 Dù cũng đụng độ nặng với CSBV tại thung lũng Gia Rai, dưới chân núi Cam Tiên. Ngoài những thiệt hại kể trên, cuộc rút quân trên liên tỉnh lộ 2 coi như hoàn tất, kết quả tốt đẹp. Sư đoàn 18BB được chỉ định về phòng thủ tuyến phía Đông thủ đô Saigon từ Tổng kho Long Bình đến kho đạn thành Tuy Hạ, tiếp cận với các lực lượng của trường Bộ binh Thủ Đức, trường Thiết Giáp và một lữ đoàn Dù có trách nhiệm bảo vệ quốc lộ 15 từ Long Thành về Bà Rịạ Tất cả chiến đấu với giặc cho tới khi Dương Văn Minh ra lịnh bỏ súng, tan hàng vào lúc 11 giờ 30 mới chấm dứt.

Chuẩn tướng Lê Minh Đảo và Bộ chỉ huy của sư đoàn 18BB đóng bản doanh sát căn cứ hải quân cát Lái, ngày ngày nhìn thấy thiên hạ bỏ chạy bằng tàu thuyền — ông và các binh sĩ dưới quyền cũng có thể bỏ chạy dễ dàng như dân chúng, nhưng họ đã ở lại và sau ngày 1/5/75, cái giá mà Tướng Đảo phải trả là sự đày ải, hành hạ, chịu tủi nhục trong các trại tù từ Nam, Trung ra tận biên giới Việt-Lào-Hoa, cho đến thập niên 1990, ông vẫn còn bị CS trả thù, hành hạ tại trại Z30D, Long Khánh.

Cuộc chiến đấu đã phai tàn theo năm tháng nhưng đồng bào trong nước vẫn không có tự do để thở, cơm áo để mặc ăn và tình trạng đói rách, kìm kẹp vẫn diễn ra:

Đất nước điêu tàn, giải phóng thành ra vô ích
Đồng bào rách nát, lãnh đạo quả thị bất nhân

Ngày nay, ai có dịp được ngược xuôi trên những miền quê hương lửa khói xa xưa, từ cổng Nam của thị trấn Hố Nai đến Bầu Cá, Trảng Bom, Hưng Lộc, ngã ba Dầu Giây lên cao nguyên, xuôi miền Trung, v.v…không biết họ có còn nhớ chăng những ngày lao đao, lận đận của đất nước vào tháng 4/75? Cũng chính tại đây, người miền Nam trước sự lộng hành trơ trẽn, bất nhân, bất nghĩa và vô nhân đạo của CSBV, đã thực sự phẫn nộ, nên đứng lên tử chiến với họ một lần cuối cùng trong 12 ngày. Trong khi Hà Nội, Đảng ngồi đứng không yên, chờ tin thắng trận. Cũng thời gian đó, tại Saigon, hàng hàng lớp lớp lãnh đạo, quan quyền, kẻ có thế lực tiếp nối bỏ đi, thì trong khi đó tại các mặt trận khắp tỉnh Long Khánh, người Việt trong 2 quân đội thù nghịch, ăn xương uống máu lẫn nhau, kẻ tấn người đở. Họ từng phút từng giây tắm dưới bom đạn, lội trên máu thịt con người, dành nhau từng bước tường cháy, đống gạch vụn, mái nhà xiêu, đến các công thự phòng thủ để giữ mạng. Tội nghiệp và thê thảm nhất vẫn là dân chiến nạn miền Nam, chạy loạn từ các vùng bị giặc chiếm như Đà Lạt, Di Linh, Định Quán, Kiệm Tân về hoặc xa hơn là Phan Thiết, LaGi, Võ Đắc, Tánh Linh. Tất cả cùng với Long Khánh cùng chịu chung số phận của những con cá nằm giữa thớt, dao, đạn bom vô tình rơi xuống khiến cho :”Đống xương vô định, đã cao bằng đầu…” bởi tử thi của hơn 60,000 người vừa dân, vừa lính VNCH và…bộ đội CSBV.

20 năm qua rồi, tóc xanh thành tóc bạc, bạn bè thân thương một còn, chín mất, lưu lạc khắp ngàn phương. Cái mộng mị năm nào được:

Ngày mai rồi có ngày nào,
Cưỡi voi theo gót ai vào Thăng Long…

(Thơ Vũ Tầm Hoang)

đã tan biến theo mây khói, giờ chỉ còn biết:

Nghiêng bầu mà hỏi
Thiên hạ mang mang
Ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường, Hồ trường…
Ta biết rót về đâ
u…
(Thơ Nguyễn Bá Trạc)

…trở lại đọc phần 1/2

Bài liên quan:
  • Viện trợ Mỹ: Liệu Ukraine 2024 có bị ảnh hưởng giống như VNCH 1974 ?
    TS Nguyễn Tiến Hưng
  • Người Không Nhận Tội: Kha Tư Giáo
    -Duy Nhân
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: TUẪN TIẾT
    Tưởng Năng Tiến
  • CHƯƠNG TRÌNH XỔ SỐ & VĂN NGHỆ YỂM TRỢ THƯƠNG PHẾ BINH VNCH 2021
    CƠ SỞ HY VỌNG
  • Người Hùng Lê Anh Tuấn và Mặt Trận Tuyên Nhơn
    -Điệp Mỹ Linh