bìa bản nhạc Một Chuyến Bay Đêm

Bài hát Một Chuyến Bay Đêm của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh là 1 trong nhiều bài hát viết về người lính phi công, ca khúc này nổi tiếng qua tiếng hát Thanh Thúy. Chồng của ca sĩ Thanh Thúy cũng là một phi công, nên có thể nói Thanh Thúy là người trình bày thành công nhất bài hát này. Danh ca được mệnh danh “tiếng hát liêu trai” là người hiểu rõ nhất tâm trạng của một người vợ phải nguyện cầu khi có người chồng là phi công phải xuất kích hàng đêm, vì vậy mà cô hát đầy cảm xúc.

Bài hát này được Song Ngọc sáng tác nhạc và Hoài Linh viết phần lời. Nhạc sĩ Hoài Linh là người được người đời ca tụng là người đặt lời ca hay nhất. Những bài hát do ông sáng tác hoặc đặt lời ca luôn đậm chất thơ, lãng mạn, vì vậy mà có rất nhiều nhạc sĩ khác, dù rất nổi tiếng nhưng vẫn nhờ Hoài Linh đặt lời giúp trong một vài bài hát, như nhạc sĩ Minh Kỳ với Biệt Kinh Kỳ, Cánh Buồm Chuyển Bến, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Sầu Tím Thiệp Hồng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền với Chuyện Đêm Mưa, nhạc sĩ Mạnh Phát với Về Đâu Mái Tóc Người Thương và nhạc sĩ Song Ngọc với Chúng Mình Ba Đứa, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Một Chuyến Bay Đêm.

Với bài Một Chuyến Bay Đêm, đây không chỉ là một lời bài hát nhạc vàng thuần túy mà nó còn phản phất chất thần thoại Trung Hoa và bàng bạc nhân sinh quan (theo lời của Hoài Nam SBS Úc Châu), đặc biệt là qua câu hát “Đường Minh Đế nhàn dù thăm tinh cầu”.

Hồi hai mươi năm trước, khi lần đầu nghe Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm, người viết đã không hiểu “đường minh đế” nghĩa là gì, tưởng là “đường mình đến”. Nhưng nếu như vậy thì câu hát trở thành vô nghĩa nếu ghép với mấy chữ sau đó là “nhàn du thăm tinh cầu”. Sau này, khi tìm hiểu lời gốc, thì lời chính xác là “Đường Minh Đế (viết hoa) nhàn du thăm tinh cầu…”. Trong tờ nhạc gốc phát hành trước 1975, chữ “Đường” viết hoa, chứ không phải là “đường” trong chữ con đường. Từ trước đến nay, không có con đường nào tên là Minh Đế ở Việt Nam.

“Đường Minh Đế” là một tên khác của Đường Minh Hoàng, vị vua vong quốc nổi tiếng của Trung Hoa, u mê vì tình nên dẫn đến loạn An Lộc Sơn.

Câu hát này có nghĩa là người phi công bay giữa bầu trời đêm mà tưởng tượng mình là vị đế vương nhàn du giữa vũ trụ. Có truyền thuyết rằng vua Đường Minh Hoàng đã có cơ hội viếng thăm “cung nguyệt điện” của chị Hằng. Vì thế, người phi công khi bay trên trời vào những đêm đầy sao, đã ví mình như vị vua Đường.

Điều này được chính tác giả Song Ngọc và Hoài Linh xác nhận trong mặt sau của một tờ nhạc với lá thư ghi tựa đề: Viết cho Hương. Đoạn thư này cũng giải thích toàn bộ ý nghĩa của bài hát Một Chuyến Bay Đêm.

Đêm nay trong chuyến bay độc hành giữa bầu trời lồng lộng, anh cố tìm đôi mắt em ẩn hiện giữa các vì sao. Tiếng động cơ vi vu như một điệu nhạc đưa tiềm thức anh tìm về quá khứ.

Thuở ấy, tuổi thơ trong trắng và mang nhiều mộng đẹp. Nhìn trời cao thăm thẳm nhiều lần anh ước được như cánh diều bay bổng lên không trung để níu áo chị Hằng đang ngồi đan áo cho chú Cuội bên sông Ngân. Chuyện đời ai có thể ngờ Hương nhỉ! Hai mươi năm sau mộng thành sự thật. Bây giờ trong MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM nhớ lại dĩ vãng thốt nhiên anh mỉm cười.

Hương ơi! chỉ có những kẻ vào đời với đôi cánh bằng khát gió như chúng anh mới có được tâm trạng đêm đêm “Ta là Đường-Minh-Hoàng vân du nguyệt điện”.

Đêm nay nhớ về gác trọ ngày xưa có đôi mắt đẹp mà cả 3 đứa ưa. Nhớ em cũng nhiều mà thương tụi nó không ít. Không hiểu giờ này chúng nó ở đâu? lênh đênh nơi biển cả hay đang gối súng nơi rừng sâu? Chao ôi là nhớ!Hương ơi! ghi vội những giòng này giữa lúc mà anh tin chắc rằng nhân loại đang say sưa trong giấc điệp trong đó có Hương và những người thân yêu của anh.Bình minh đang ló dạng, cho phép anh ngừng bút và hẹn thư sau…

Đọc bức thư này, những người yêu nhạc vàng sẽ cảm thấy thú vị vì chợt hiểu ra “đôi mắt đẹp mà cả 3 đứa ưa” trong bài hát Chúng Mình Ba Đứa (cũng của Song Ngọc và Hoài Linh sáng tác) chính là người con gái tên Hương – người vinh dự được ba anh lính ở 3 binh chủng khác nhau theo đuổi. Chúng ta có thể thấy sự liên kết giữa hai bài hát Một Chuyến Bay Đêm và Chúng Mình Ba Đứa, qua câu hát này:

…chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào…

“Hai đứa” trong câu này chính là hai người bạn khác (thuộc bộ binh và hải quân) trong “3 đứa” của bài hát Chúng Mình Ba Đứa. Ba người bạn thân này đã “lâu lắm chẳng gặp nhau”…

Ở bài viết sau, người viết sẽ nói rõ hơn về bài hát Chúng Mình Ba Đứa.

Dưới đây là lời bài hát được chép lại từ tờ nhạc gốc phát hành trước năm 1975:

Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm.
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.

Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều
Để níu áo Hằng Nga, ngồi bên dãy ngân hà.
Giờ sống giữa lưng trời
Đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi.

Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo
Đường Minh Đế nhàn du thăm tinh cầu,
Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào
Lâu lắm chẳng gặp nhau.

Bạn bè dù cách xa nào khuây,
Tình nàng chưa nói nhưng mà say.
Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài
Theo tìm trong chuyến bay.

Có người hỏi phi công ước mơ gì?
Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ chi?
Ước rằng từ khi tung nhịp cánh
Tình ta yêu thương là gió, nhân tình của mây.

Ở đời ai hiểu ai, người bay trắng đêm dài,
Thì thức giữa đại dương,
Dù yên giấc ven rừng,
Bạn có biết chuyện này
Tôi ghi lúc vũ trụ còn ngủ say.

Đông Kha

Bài liên quan:
  • Không Tạc Lộc Ninh
    Phạm Văn Bản
  • Chuyến Bay Định Mệnh
    Phạm Văn Bản