Những Giờ Phút Tê Dại: Xa Sài Gòn…
Hồi Ký Về Những Giờ Phút Chót Tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH
1- Tư Lệnh HQ, Đáp Ứng Tình Hình Di Tản
Lễ nhậm chức của tân Tư Lệnh Hải Quân diễn ra vào trưa ngày 24 tháng 3-75 có khoảng 7 Tư Lệnh các vùng đứng 1 hàng ngang trước bàn tư lệnh chứng kiến và một sĩ quan báo chí hiện diện để quan sát và tường thuật, trong văn phòng Tư Lệnh nhỏ nhắn trên lầu hai nằm bên tay mặt của trụ sở Bộ Tư Lệnh trông ra bến Chương Dương.
Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang lúc đó đang là Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, một trong vài “chỗ ngồi” sáng giá nhất chung quanh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông được đổi về gấp nhậm chức Tư Lệnh Hải Quân lần thứ nhì sau khi đã rời Hải Quân trên 10 năm về trước. Điều này cho thấy kế hoạch “di tản và lui binh” là mối quan tâm nhất của Tổng Thống Thiệu trong việc bổ nhậm chức vụ này. Ông Cang thổ lộ rằng nếu còn ở vị trí Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô trực thuộc Bộ TTM, thì ông sẽ ở lại Sài Gòn tử thủ.
Hồi đảo chính tháng 11 năm 1963, lần đầu ông Cang được giao nắm chức vụ Tư Lệnh Hải Quân cũng là vì được lòng tin cậy của nhóm tướng lãnh đối với ông. Và lần đầu ông làm tư lệnh kéo dài khoảng 16 tháng. Còn lần thứ nhì này với cấp bậc cao hơn và giao tiếp khẩn cấp rộng lớn hơn hẳn trước nhưng ông cũng chỉ ở lại chức vụ khoảng trên một tháng, với một kế hoạch di tản Quân Lực VNCH và các công nhân viên chức chánh phủ khi có nguy biến, để về Miền Tây, tập trung tại Côn Sơn hoặc đi tị nạn.
Lễ Bàn Giao căng thẳng đó gồm cả những người đã có bất hoà trước đây với cá nhân tân Tư Lệnh cũng hiện diện như: Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú, Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng.
Chỉ vài ngày sau ngày nhậm chức ông đã thành lập đơn vị Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 bao gồm những Giang Đoàn Ngăn Chặn và nhiều Căn Cứ Hải Quân do Đại Tá Lê Hữu Dõng là tư lệnh, với sự đóng góp đáng kể của Phó Đề Đốc Phú.
Tân Tư Lệnh Chung Tấn Cang lúc đó có cấp bậc cao nhất quân chủng, và ngang cấp với các tư lệnh quân binh chủng khác, dễ dàng nói chuyện với Dinh Độc Lập và Tổng Tham Mưu. Trong những ngày giờ dầu sôi lửa bỏng đó, quả ông đã quan tâm thực sự đến kế hoạch “Di Tản” một cách chặt chẽ, với tiêu chuẩn phải mang đi được nhiều tướng lãnh, quân nhân của các quân binh chủng khác và Hải Quân, dĩ nhiên.
Và ông thường xuyên có mặt trong Trung Tâm Hành Quân thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Biển, trong tầng Ba một cao ốc tân kỳ mới xây vài năm. Ông ngồi bề thế chỉ huy oai nghiêm như một Tổng Tham Mưu Trưởng chiến trường Lục Quân. Phó Đô Đốc Cang liên lạc hàng ngang với Tổng Thống và giới chức cao cấp nhất của Tổng Tham Mưu, cũng như bên Biệt Khu Thủ Đô.
2- BTL/HQ Và Cuộc Di Tản QK 1 & Tướng Trưởng
Tư Lệnh Chung Tấn Cang theo dõi giải quyết cuộc di tản và tình hình trận liệt ngoài Quân Khu 1, và Đà Nẵng.
Ông biết từng bước đi của Tướng Bộ Binh, Tướng Không Quân và các đơn vị tác chiến với những khi tạm trú trong căn cứ HQ Đà Nẵng hoặc TTHQSĐ/TQLC. Sĩ Quan Báo Chí của Hải Quân lúc đó cũng được chỉ định ngồi không xa những hải bàn chỉ huy của vị tướng Hải Quân ba sao này.
Tướng Trưởng, Tướng Lân, Tướng Khánh, Phó Đề Đốc Thoại… thường xuyên họp tham mưu tại TTHQ/ Sư Đoàn TQLC hiện đóng tại Non Nước (Đà Nẵng),
Trong khoảng thời gian này hai sĩ quan của BTL Sư Đoàn TQLC vừa trúng pháo của VC khi đang trên mặt nước để lên chiến hạm, đó là Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc và Trung Tá Đỗ Hữu Tùng, theo như lời thổ lộ của Trung Tâm Trưởng TTHQ/SĐ/TQLC Trần Vệ và sĩ quan TQLC, Tô Văn Cấp. Vào phút chót Trung Tướng Trưởng đành bó tay, đã rời bỏ Quân Khu I… Nếp đạo đức, khôn ngoan và thói quen chịu đựng đau đớn cho thấy ông tướng danh tiếng này, vượt thắng hơn sự tính toán của TT Thiệu… Theo lời một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến cho biết, Tướng Trưởng ngồi lẻ loi trên ghế bố cùng với Đại Tá TLP/TQLC Nguyễn Thành Trí và độc nhất một anh lính truyền tin Bộ Binh, chờ ôm poncho lội nước để lên Hải Vận Hạm 404 vào lúc 10 giờ sáng ngày 29-3, thay vì tin theo lời hứa hẹn của Sài Gòn là: “Cứ ở yên trong đó không lội ra khơi chờ đến khi HQ 404 vô đón”. Và ông đã phải chọn một bộ quân phục vải xám của Hải Quân để mặc trong suốt thời gian tạm trú trên tầu.
Dù theo dõi chặt chẽ, nhưng thực ra Trung Tâm Hành Quân HQ ở Sài Gòn không nắm vững được phương vị di chuyển của Tư Lệnh Quân Đoàn 1, Tướng Ngô Quang Trưởng: Khi ông ra tới Chiến Hạm, thì Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại vẫn còn đang thất lạc ở bờ biển chờ tiểu đỉnh vào đón. Và trước đó, một vài viên chức người ngoại quốc đã được sắp xếp lên HQ-5 rồi. .
Em trai của Phó Đề Đốc Thoại là Hồ Văn Kỳ Tường, Hạm Phó HQ-5, đã cầm tận tay công điện Mật của chính Tổng Thống giao cho Tướng Trưởng và nói: “Tổng Thống muốn Trung Tướng theo tiểu đỉnh trở lại đất liền để tiếp tục chỉ huy”. Sau khi đọc công điện một lúc khá lâu, Tướng Trưởng đã xin với Sài Gòn để được cùng với TQLC “tiếp tục chỉ huy trên Bộ Tư Lệnh Nổi tại Hải Vận Hạm HQ 404”….(Thực ra không ai rõ ngày giờ ấy: Tướng Trưởng đang ở chiến hạm nào?)
Trung Ương sau một khoảng thời gian chờ đợi, đồng ý cho Tướng Trưởng được theo chiến hạm xuôi về Nha Trang, Phan Rang về đến Sài Gòn. Buổi chiều cùng ngày, tin từ Đà Nẵng gọi về cho Tư Lệnh Chung Tấn Cang biết một oanh tạc cơ không rõ của Không Quân VN hay Hoa Kỳ đã bắn lầm một Hải Vận Hạm, có lẽ là Hộ Tống Hạm lọai 400, gây cho khoảng 4 sĩ quan cùng với nhân viên, thủy thủ trúng thương và tử nạn.
Một sĩ quan trẻ được báo cáo tử nạn là HQ Trung Úy Chiến Binh Nguyễn Độ, cũng là người bạn cùng đơn vị của tôi trong Hải Quân vài năm trước. Tin buồn này cứ ám ảnh trong lòng tôi như không bao giờ nguôi quên.
Không đầy một tuần sau, khi chiến hạm có Tướng Trưởng về đến cầu tầu Tư Lệnh HQ, Phòng Báo Chí cũng theo ra đón Tướng Trưởng, chứng kiến tận mắt cảnh tượng Tướng Chức thay mặt Tổng Thống Thiệu tỏ rõ sự bất bình. Có tin là Tướng Trưởng bị quản thúc cùng với một số tướng khác qua lệnh của Tướng Trần Văn Đôn.
3- Tuyến Thép Phan Rang Và Phó Đề Đốc Minh
Chỉ vài ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ, Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã muốn Phòng Báo Chí chuẩn bị các bài diễn văn soạn sẵn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Viên và Tư Lệnh Hải Quân nhằm nêu cao vai trò “Tư Lệnh Tuyến Thép” và một Sĩ Quan Báo Chí theo ra Nha Trang giao trực tiếp để trao tận tay và đề cao chiến dịch mới: “Tuyến phòng Thủ cuối cùng dự định tại Nha Trang, mang tên Tuyến Thép, do PĐĐ Hoàng Cơ Minh là Tư Lệnh Chiến Trường- là vinh dự cho HQVN”, nhưng lễ nghi quân cách và lệnh chưa kịp chính thức loan tải và phát thanh thì lãnh thổ kiểm soát của VNCH đã phải cắt thêm về tới Tuyến Thép Phan Rang. Rồi cũng từ Phan Rang, chưa kịp thực hiện những nghi lễ trang trọng bảo vệ Tuyến Thép thì Tư Lệnh, lẫn sĩ quan báo chí đã phải theo Chiến Hạm chạy dọc theo bờ duyên hải để đón người di tản từ Phan Rang và các thành phố khác nữa xuôi Nam. Tôi, sĩ quan Báo Chí HQ, có dịp rút lui khỏi Nha Trang, đi chung Chiến Hạm với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, cùng gặp gỡ trong phòng ăn Sĩ Quan Chiến Hạm cùng những lúc chen chân giữa quân nhân tác chiến, và heo gà trên chiến hạm kêu oang oác, ồn ào.
Đây là dịp tôi có giờ trò chuyện riêng tư với Tướng Minh. Chúng tôi kể lại thời ăn cơm chung giữa chúng tôi với nhà văn HQ Chu Sĩ Lương, Sĩ Quan Tùy Viên HQ, Lê Rĩnh; HQ Trung Tá Lê Công Bình; Thiếu Tá Phi Đoàn Trưởng Thần Trùy 211; Nguyễn Kim Hườn, với Thiếu Úy KQ Trần Thuỵ Chi thường chở ông trên trực thăng, những ngày tôi được quan sát cuộc hành quân Thủy Bộ, ông tiếc cho buổi triển lãm tranh ở Hội Việt -Mỹ khai mạc đầu tháng Tư sẽ không có nhân vật chính là tôi về kịp tham dự… Chúng tôi ngậm ngùi chung những mất mát… Và chúng tôi lênh đênh như thế trên biển hơn 3 ngày, chen lẫn trong số hàng ngàn chiến binh tướng tá di tản, trên cả 3 soái hạm, HQ 2, HQ 3, HQ 5 và bao gồm cả Dương Vận Hạm HQ 500
4- Hải Quân Họp Tiết Lộ Chi Tiết: Di Tản
Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Hạm Đội đã họp với khoảng 100 hạm trưởng các loại chiến hạm lớn nhỏ vào chiều ngày 26 tháng 4, ông Sơn tuyên bố rằng lấy quyền- Tư Lệnh Hạm Đội thông báo đến quý vị hạm trưởng rõ 3 chuyện:
“Vũng Tầu, Phan Rang và Bộ Tổng Tham Mưu đã tan rã, địa điểm Sư Đoàn 3 Không Quân đang bị dội bom, trong khi Hạm Đội HQ còn an toàn và nguyên vẹn, chúng ta chuẩn bị tinh thần có thể di chuyển về Phú Quốc.”
Chỉ vài ngày sau hôm 28-4 Đại Tá Sơn bị “cách chức”, người thay thế là Đại Tá Khuê. Ông Khuê tuyên bố trong buổi họp đầu tiên để trấn an và đánh lạc hướng: “Di tản không đặt ra nữa vì Hoa Kỳ đã giúp ta thả bom CBU ở Xuân Lộc, ta sẽ thắng…”
Vào sáng sớm ngày 29-4 lại có một cuộc họp tham mưu cao cấp cho biết: “nếu không có một phản lệnh nào khác, thì toàn bộ Hạm Đội sẽ rời Bộ Tư Lệnh Sài Gòn vào lúc “Không Giờ”- Khuya 29 rạng 30, các hạm trưởng cứ thế mà tuân hành.”
Trong khi đó thì Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu khi bỏ Bộ Tư Lệnh Vùng về Sài Gòn, ông thường xuyên có mặt tại Căn Cứ Hải Quân Cát Lái, cùng với toán Quân Cảnh và toán nhân viên làm một nút chặn ngay tại ngoài tuyến đường lộ gần căn cứ, nơi được đặt là trại tị nạn cho quân nhân và đồng bào về từ Phú Quốc. Trong lúc đó HQ Đại Tá Trần Văn Triết điều khiển kiểm soát vòng đai Hải Quân Sài Gòn.
Vào lúc 5 giờ 30 chiều 29-4-75, cơn mưa chiều vừa tạnh, khi Hạm Trưởng Đinh Mạnh Hùng của HQ 2 mang tên Trần Quang Khải, chuẩn bị xuống chiến hạm, chuẩn bị công tác chiến dịch “Di Tản-Lui Binh”, Sĩ Quan BTL Ưng Văn Đức (một Trung Tá và một Thiếu Tá) thi hành lệnh của Đại Tá Triết đã đến ngăn cản không cho hạm trưởng và nhân viên được xuống tầu di chuyển nếu không do chính ông cho phép.
Hạm Trưởng Đinh Mạnh Hùng đã bị cản không được xuống tầu, đã phải dùng máy liên lạc cho một tiểu đỉnh đón ông trước nhà hàng Majestic, và lên tầu phía tả hạm, bằng thang dây.
5- Tổng Thống Dương Văn Minh Đồng Ý Cho Di Tản Về Miền Tây
Cũng khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, trong cơn mưa nhỏ và mây xám, Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí, Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Biển đã cùng với gia đình Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh xuống HQ 3. Trong khi Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đứng trên một chiếc PCF, đậu ngay cầu tầu Tư Lệnh để dàn xếp mọi diễn biến. Lệnh chiến hạm “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Và cho đến chiều tối mới chuyển qua HQ 5, chiến hạm này được chọn làm soái hạm chỉ huy cùng với Tư Lệnh Chung Tấn Cang.
Đô Đốc Cang muốn bảo toàn đơn vị đến giờ chót hoặc lên đường ra Phú Quốc hoặc Miền Tây. Những điều này khi trình bày với TT Dương Văn Minh đều được Tổng Thống gật đầu và không phản đối điều gì. Chủ trương của ông Cang cùng với các vị tướng tham mưu là không chấp nhận liên hiệp. Xung quanh ông là những tướng lãnh chủ trương chống Cộng, chống Liên Hiệp với CS… như Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí.. Và Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú, là một sĩ quan chỉ huy mà trước đây từng có những bất hòa riêng với Tư Lệnh, nhưng chính cuộc chiến đấu và di tản cuối cùng gay go này đã đưa những người có những bất đồng ngồi lại gần nhau.. cùng hữu hiệu làm việc.
Họ thường xuyên liên lạc với Đại Tướng Minh, Đại Tướng Minh đã bày tỏ rõ ý muốn ở lại của riêng ông, và mệt mỏi đồng ý cho các đơn vị quân đội và HQ được quyền tự giải quyết hoặc đưa quân nhân các cấp “di tản… lui binh”, sau khi ông cảm thấy đã tuyệt vọng và bị lừa.
Phó Đề Đốc Chí, tức nhà thơ Hữu Phương lại là vị tướng độc nhất trong BTL HQ (?) muốn phá hủy cơ sở Trung Tâm Hành Quân để bảo mật. Trong lúc rời nhiệm sở, ông nói ra ý định muốn dùng lựu đạn lân tinh để tiêu hủy hồ sơ theo mục đích bảo vệ những người còn kẹt lại và ngăn chặn khi VC tới. PĐĐ Chí sau đó xuống chiến hạm bằng tiểu đỉnh và lên bằng thang dây vì cầu tầu đã bị kiểm soát nghiêm nhặt.
Các phòng sở khác êm ắng như nhà hoang cửa trống, ai cũng túa ra về vì tất cả họ tâm trạng đều rối bời, không ai tiếc nuối gì hoặc có một hành động gì khác, ngoài nhóm người thân cận với tân Tổng Thống Dương Văn Minh thì vẫn cố vớt vát tìm giải pháp… chiến đấu (?)… Có lẽ vì vậy vài sĩ quan Hải Quân giờ chót chưa đi, gốc Miền Nam, thân cận với ông Dương Văn Minh khi ở lại, vừa bị trên 16 năm tù “cải tạo” vừa bị mang tiếng là đặc công nằm vùng! như Đại Tá Nguyễn Văn Tấn, được khẩu lệnh của TTMinh hành xử quyền Tư Lệnh Hải Quân, Trung Tá Lê Như Linh, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh HQ, Thiếu Tá Trần Bá Hạnh, Phó Trưởng Phòng TLC.
Suốt bao nhiêu năm trong Hải Quân tôi chỉ biết có một Trung Sĩ Tâm Lý Chiến, Huỳnh Thanh Vân, cũng là tài tử điện ảnh, là cán bộ nằm vùng sau 1975 đã trở thành thủ trưởng phòng Tài Chánh và Ngân Hàng Quận Tân Bình. Còn những tiếng đồn khác như nhà văn Chu Sĩ Lương và những người khác ở lại, hoặc không đi được gọi họ là “nằm vùng” thì tôi không tin.
Phó Đô Đốc Cang, theo sát an ninh vào những giờ cuối cùng. Ông liên lạc với TTM, cũng như Đại Tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu, chỉ huy trưởng Đặc Khu Rừng Sát và Thủy Trình sông Lòng Tảo, Vàm Cỏ – Soài Rạp… để giữ an ninh cho đoàn chiến hạm có khả năng di chuyển trên sông Sài Gòn trong vòng vài giờ ra khơi, cùng hướng về điểm hẹn đặt dưới quyền chỉ huy toàn diện của chính ông, không trở thành mục tiêu của VC sẽ trải dài hai bên bờ sông. Ông Cang là vị tướng đã thu gọn quân nhân dưới quyền tập hợp di tản nhẹ nhàng nhất mà chắc rằng không ai có khả năng điều động rộng lớn và khó khăn được như thế.
Nếu không có lệnh đầu hàng, và nếu không có lệnh khác thì một khối lượng lớn tướng lãnh, sĩ quan, quân nhân các quân binh chủng và Hải Quân đã có mặt tại Miền Tây (?), như chính lời ông Cang cho biết như vậy.
Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 cũng là con đẻ của ông, một tổ chức cần thiết để giữ an ninh giờ chót cho Sài Gòn. Có lẽ chính vì thế mà nhiều người còn rời Sài Gòn được trong ngày 30-4, như cụ thể trường hợp nhà thơ Nhất Tuấn, và nhiều người khác còn cơ hội lên được Quân Vận Đỉnh 9604 ra khỏi sông Sài Gòn từ Nhà Bè hoặc Tướng Trung và Tướng Vĩnh Lộc rời Sài Gòn trong khoảng 4 giờ trên sông mà không bị VC bắn từ hai bên bờ sông.
Tới trưa 30-4, những vụ hôi của dọc kho Trịnh Minh Thế và Khánh Hội gây ra những vụ nổ súng và khói lửa trong khi VC vẫn chưa xuất hiện dọc đường như nhiều người lo âu.
6- Hải Quân Ra Khơi
Tư Lệnh HQ Chung Tấn Cang đã không ra đi bằng phương tiện hàng không. Mặc dù cũng giống như Phó Đề Đốc Chí, Đề Đốc Chơn, Đại Tá Tấn –Khối An Ninh HQ đều được cơ quan DAO dành chỗ sẵn để họ lên máy bay.
Trước đó một ngày, Đề Đốc hồi hưu Trần Văn Chơn ra Vũng Tầu đón cha mẹ về cùng đi, chờ lên máy bay của Quân Đội HK, nhưng cuối cùng ông đã quyết định ở lại. Con trai, là hạm trưởng HQ 601, HQ Đại Úy Trần Minh Chánh, cũng từ chối cùng di tản trong chiều tối 29/4.
Trong cơn mưa chiều 29, vài tướng lãnh bị “tạm giam” trong khu vực BTL Hải Quân như: Trung Tướng Lâm Quang Thi, Lâm Quang Thơ, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Quốc Thuần, Chuẩn Tướng KQ Nguyễn Đức Khánh… được Hải Quân nhanh chóng mời đón lên chiến hạm HQ. 2 cùng di tản chiến đấu.
Phó Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh vừa rời chức vụ Tư Lệnh Hải Quân tháng trước, ngày đó cũng mới từ xa về, được hướng dẫn xuống Soái Hạm HQ 1, đậu ở vị trí 1 gần sát đường lộ mặt tiền BTL.HQ. HQ 1 rời bến đầu tiên sau đó mắc cạn phải chờ kéo đi. Ở vị trí số 2 cặp chính giữa là HQ 3 – Phạm Ngũ Lão, Ngoài cùng vị trí số 3 là HQ 2 – Trần Quang Khải do Trung Tá Đinh Mạnh Hùng là Hạm Trưởng đã tuân theo kế hoạch rời bến gần giữa đêm “giờ Zéro”. Có các chiến hạm khác kể cả các chiến hạm PCF trong nhóm tầu của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ huy đã rời bến từ sớm. Mỗi khi có một chiến hạm tách bến lại có vài người trên bờ nổ súng… Và nhiều trực thăng bay lượn xa gần vòng quanh Bộ Tư Lệnh càng lúc càng nhiều như muốn được nhảy xuống nước để được HQ vớt.
Khi Chiến hạm rời bến, người ta nhìn thấy ngọn lửa đang bốc cao từ Kho Đạn Thành Tuy Hạ và Kho Xăng Nhà Bè. Mặc dù trước đó cũng có nhiều người rời Sài Gòn từ khu vực Quân Cảng vùng Cát Lái hướng về Phú Quốc. Trong lúc này Phi Trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tư Lệnh Không Quân đã là trọng điểm của những đợt pháo kích, nhiều cấp tướng và cấp tá đã cho biết họ không còn tìm được máy bay để rời Sài Gòn. Hình ảnh Bộ Tư Lệnh Hải Quân và sông Sài Gòn bị pháo kích cũng trong tầm tiên liệu và lo âu như phi trường, nhưng làn sóng người vẫn kéo về thật đông.
Sáng sớm ngày 30 tháng 4, theo lệnh từ Trung Ương chính phủ, HQ Trung Tá Lê Như Linh cho phát ra lời kêu gọi các chiến hạm đừng rời bến trên hệ thống tryền tin nội bộ. Riêng HQ Đại Tá Nguyễn Văn Tấn quyền Tư Lệnh BTLHQ, sau khi đi họp với Tướng Vĩnh Lộc từ 7 giờ 30 sáng, có cả ông Vanuxem cựu tướng lãnh Pháp trong buổi họp này. Tướng Vĩnh Lộc đã ra lệnh Hải Quân phải cung cấp chiến hạm cho ông. Trở về BTL/HQ ngay sau đó Đại Tá Tấn đã ra lệnh cho Sĩ Quan Báo Chí viết các lời kêu gọi của TL/HQ “ban hành lệnh cho anh em chiến sĩ tiếp tục giữ vững tay súng” và không đi đâu cả. Sĩ Quan Báo Chí HQ lúc ấy đã không viết hoặc đọc được lời kêu gọi này.
Trưởng khối CTCT là Đại Tá Triết đã rời nhiệm sở, để nắm quyền kiểm soát, cho phép từng người xuống chiến hạm. Theo lời Tướng Chí cho biết: ông Triết đã rời bến nhanh chóng và có mặt ở Phi đầu tiên, mà không đi theo 3 phân đội di tản của HQVN.
Lúc bấy giờ Bộ Tư Lệnh HQ có Thiếu Tá Trần Bá Hạnh là người thân cận nhất với hàng tổng trưởng mới, thân tín của Tổng Thống “Big Minh”. Ông Hạnh đi ra đi vào nói năng với nét mặt lạc quan, kể cả trong giờ phút tân nội các Vũ Văn Mẫu đòi trục xuất cơ quan DAO và lực lượng Hoa Kỳ. Thực sự Tướng Cang, là người lâu nay thường xuyên liên lạc chặt chẽ với Tổng Tham Mưu, Dinh Độc Lập, với ông Thiệu… Ông nổi danh từ khi tham gia đảo chánh 1-11-63 thành công. Nhưng giờ phút này ông Cang để cho Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy có Thiếu Tá Phước đi cùng, thay mặt ông là “con thoi” với ông Dương Văn Minh khi cần.
Các chức vụ xung quanh Tướng Cang như: Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí, Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Biển; Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Hạm Đội; Đại Tá Đỗ Kiểm, Tham Mưu Phó Hành Quân; Đại Tá Luân, Chỉ Huy Trưởng Khối Tiếp Vận; Đại Tá Phạm Mạnh Khuê-tân Tham Mưu Trưởng Hành Quân Biển, thế chỗ Đại Tá Sơn vào ngày chót; Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Tham Mưu Trưởng Hải Quân; Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Tư Lệnh Hành QuânLưu Động Sông; Đại Tá Dõng, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 99. Những cách biệt cá nhân không còn nữa, cuộc di tản mang họ lại gần nhau.
Riêng trường hợp cá nhân tôi, là một sĩ quan rất trẻ, lúc ấy mang cấp bậc Trung Úy, và phục vụ trong phòng Báo Chí thuộc BTL/HQ, tôi còn nhớ trong những giây phút hoang mang ấy có bạn thân quen lo toan xung quanh. Như Đại Úy Đặng Phú Thiệt từ Đại Học Chiến Tranh Chính Trị về phục vụ trong Khối Chính Huấn Hải Quân cũng bàn với tôi, chiếm đoạt một chiến hạm loại nhỏ càng sớm càng tốt rời Sài Gòn ra đi khi bị bỏ rơi.., Trung Tá Trịnh Tiến Hùng, rất thân, ông cũng là cánh tay mặt của Đại Tá Sơn, sau khi lo cho người thân và nhân viên thuộc cấp cũng muốn tôi và gia đình lên tầu, ông Hùng đã lên máy bay đi vào ngày cận chót.
Như anh Nguyễn Viết Kim tức nhà văn Người Khăn Trắng, trong ngày 29 tháng 4, nhân việc đi săn tin tức, chở tôi trên chiếc xe Honda đàn ông đỏ của anh, tâm sự với nhau những lời từ giã vì vợ con anh đã ra Vũng Tầu và ra khơi rồi. Anh đang tìm đường gấp rút ra đi. Chúng tôi nói những lời chia tay từ đó.
Như Võ Hà Anh, vừa là Thượng Sĩ phóng viên và cũng là nhà văn nổi tiếng thời ấy tên Dung-Võ Hà Anh, thì rất chu đáo và lo cho phòng Báo Chí chúng tôi những giấy tờ lên máy bay đặc biệt do cơ quan DAO cấp cho thân nhân người Hoa Kỳ
Như Thiếu Tá Nguyễn Đình Sài, tác giả của vài bài thơ mới thời ấy vẫn rất nghiêm chỉnh cùng với nhóm sĩ quan BTL vào doanh trại kiểm soát các toán trực gác mỗi đêm kể cả vào những đêm cuối.
Và chúng tôi vẫn gặp bạn cũ, Đại Úy Lê Rĩnh, tùy viên của Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng; Hà Thúc Sinh say mê làm thơ và dịch sách là Trung Uý đơn vị trưởng Hải Tiếp Vụ tại HQCX. Tuy nhiên giống như trường hợp nhiều người khác, họ cũng không liên lạc được với máy bay của DAO, vì con số người cần bốc khỏi Sài Gòn ngày càng tăng, nhiều quân nhân và giới chức Hoa Kỳ vẫn chưa kịp lên máy bay rời Sài Gòn được…
Và dù biết danh sách các địa điểm trực thăng đón và có danh sách được đón đi, tôi cũng chẳng màng chờ nghe bài hát White Christmas được cho biết mật từ một tuần trước..
Tôi không còn gặp một bạn hữu hoặc nhân viên nào của Phòng Thông Tin Báo Chí nữa, như Triều Dương, Nguyễn Tất Ứng, Trung, Cẩm Vân… từ chiều 29-4-75.
Đêm 29–4 tại Bộ Tư Lệnh, Sĩ quan và đoàn viên, họï gọi nhau ới ới, mở lối đi về hướng cầu tầu cho quân nhân “Xuống tầu đi kìa, gấp lên tầu rời bến đêm nay…” Chiếc TV để giữa cổng ra vào từ đêm 21-4, ông Thiệu đọc diễn văn từ chức vẫn chớp hình mà không ai muốn nhìn. Tôi lại rời BTL, lái xe về nhà với ý định mang gia đình xuống chiến hạm ra đi theo bạn bè, đồng đội.
7- Chi Tiết Di Tản Của Hải Quân Và Ông Armitage
Lúc này có một sĩ quan liên lạc cấp tốc từ Hoa Thịnh Đốn cử tới là cựu Thiếu Tá Richard Armitage, là tùy viên viên quân sự Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Nay là thứ trưởng Bộ Ngọai Giao. Ai cũng có thể hiểu ông đã đóng vai trò theo dõi, đôn đốc cuộc “Di Tản- Lui Binh” êm thắm và bí ẩn theo ý muốn của chánh phủ Hoa Kỳ chứ không hẳn là theo ý của Tư Lệnh Cang. Tuy vậy Phó Đô Đốc Cang cho biết “ông Armitage cũng không làm điều gì to tát và không tỏ lộ là người có quyền chỉ huy trong cuộc di tản như những lo ngại”… khi nhắc tới vai trò sĩ quan Hoa Kỳ này.
Đối với chính phủ Hoa Kỳ, ông Armitage mới là người đích thực lãnh trách vụ trong chiến dịch mang quân nhân, viên chức Hoa Kỳ liên quan đến HQ còn lại, toàn thể quân nhân HK tại Sàigòn lúc ấy chỉ còn khoảng 900 người cần mang ra khỏi VN càng sớm càng tốt.
Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng đã hướng dẫn sĩ quan liên lạc Armitage thăm vùng cầu Bình Lợi, quan sát khu Quân Cảng và HQCX sau đó đi xuống Chiến Hạm HQ 3 rồi chuyển qua HQ 5, và sau đó đón Tướng Cang và Tướng Diệp Quang Thủy từ một Tiểu Đỉnh lên Soái Hạm, thay vì xuống chiến hạm từ Bộ Tư Lệnh như bao nhiêu người khác để bảo mật.
8- Ai Là Quyền Tư Lệnh Cuối Cùng Trên Đất Liền?
Chiều hôm 29-4-75, Phòng báo chí Hải Quân nhận lệnh theo dõi các diễn biến đi họp tại Tổng Tham Mưu, như lời kêu gọi. Khuya 29 và rạng sáng ngày 30 tháng 4 lại được lệnh từ Đại Tá Tấn, hành xử như nhân vật số 1 của HQ; Đại Tá Tấn cũng mời Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng từ Miền Tây về cùng ông chỉ huy, Tướng Thăng nói “ Chờ tôi lấy trực thăng và sẽ có mặt tại BTL.” Và đến gần trưa 30 tháng 4 vài giờ trước khi Tổng Thống Minh chính thức đọc lời đầu hàng lại có sự xuất hiện của Đại Tá Trần Bình Phú, Trưởng Khối Nhân Viên Bộ Tư Lệnh được Tư Lệnh Cang (hay ông Tấn) chuyển lại quyền ra mặt, ở lại kiểm soát, chỉ huy Hải Quân.
Nhiều người gọi ông Đại Tá Tấn là Tư Lệnh cuối tháng Tư, và ông cũng ra lệnh cho vài hạm trưởng trong ngày 29-4- “nhân danh Tư Lệnh” (dù không nói rõ Tư Lệnh tên gì), nhưng không xác định Tư Lệnh là chính ông hay không? Người ta thấy trong ngày 29 tháng Tư, ông Tấn trong quân phục đại lễ HQ, có hai xe Jeep Quân Cảnh hộ tống vào Bộ Tư Lệnh HQ.
Người ta tin rằng Đại Tá Tấn đã được Tổng Thống Dương Văn Minh bổ nhậm bằng khẩu lệnh ngay sau khi biết ý định của Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang xin có kế hoạch di tản. Ông Minh nói, “Các anh cứ việc đi và cho mang theo hai người thân cũng là sĩ quan cao cấp VNCH”, đồng thời từ chối lên một chiến hạm chuẩn bị chu đáo “dành riêng để nghinh đón Nội Các và di tản các giới lãnh đạo quốc gia”.
Sau 16 năm tù “cải tạo” cay đắng nhục nhằn, đi Hoa Kỳ tị nạn, Đại Tá Tấn có ý định định cư tại thành phố Seattle cùng với Đại Tá Dũ (Cơ Khí), sau đó ông Tấn di chuyển về Cali. Khi được hỏi ông có phải là quyền Tư Lệnh ngày 30-4 không? Đại Tá Tấn giữ thái độ yên lặng và xác nhận vai trò của ông trong nỗ lực tuyệt vọng này.
Bấy giờ nhiều cánh quân VC đã vào tới Sài Gòn, xe tăng T-54 đã nghiến lòng đường phố Sài Gòn tới góc đường Đinh Tiên Hoàng, Hiền Vương, Hai Bà Trưng và nhiều nơi khác. Mặt khác đoàn quân CS Bắc Việt cũng trên đường tiến tới ủi xập cổng sắt Dinh Độc Lập và đòi chánh phủ VNCH phải đầu hàng.
Trong khi đó Đại Tá Trần Bình Phú, Trưởng Khối Nhân Viên cũng được các sĩ quan tham mưu và nhân viên có mặt lúc ấy xác nhận ông là người ra mặt chỉ huy tại Bộ Tư Lệnh. Trung uý Đỗ Anh Tuấn em vợ của Đại Tá Trần Bình Phú cùng với Trung Tá Phan Ngọc Xuân chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh BTL/HQ tiếp tục cầm súng chỉ huy những vị này và vài sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc Khối An Ninh đi theo Đại Tá Tấn là những người cuối cùng tôi gặp và từ giã ở vòng vây rào kẽm gai chằng chịt.
9- BTL/HQ Bỏ Ngỏ Từ Lúc Tổng Thống Đầu Hàng
Giờ phút ấy tôi không nghĩ được phải làm gì, bỏ chạy ra xe về đón gia đình xuống tàu hay ra vài điểm hẹn “chờ Trực Thăng”? Không hiểu tại sao giờ phút đó chúng tôi còn đủ bình tĩnh, không sợ pháo kích và T-54 càn nát người và tiến vào vòng rào Hải Quân không chừng?
Trong giờ phút căng thẳng tôi nghe theo lời yêu cầu của người bạn, chỉ biết Trung Úy Đỗ Anh Tuấn là người thân tín, kỷ luật bạn học trường Taberd, vào cùng quân chủng giao súng, khẩn khoản mong tôi đứng trong đội ngũ bảo vệ cuối cùng Bộ Tư Lệnh dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Phú. Tôi làm theo yêu cầu, cho đến khi biết rằng: Thật sự tuyệt vọng rồi, như lời anh Đệ thông tấn viên truyền hình ABC, anh Nick Út thông tấn AP, hai anh hôm trước đến chia tay tôi tại BTL/HQ và muốn rủ cô em Bình Minh cùng theo anh lên máy bay Hoa Kỳ. Họ đưa tôi bản tin từ tờ New York Times từ ngày 24-4-75 viết về sự thất thủ đã là sự thực không chối cãi được khi viện trợ Hoa Kỳ cho VNCH đã bị ngưng. Chấm dứt bao nhiêu năm sát cánh: với 58,000 người lính Hoa Kỳ tử vong có lúc quân số lính Mỹ ở VN lên tới trên nửa triệu người, cũng như tổng cộng gần 200 tỷ đô la đã tiêu pha cho cuộc chiến tranh VN, với khoảng 500 triệu cho tài khoá năm cuối, viện trợ không bằng hiện kim mà viện trợ bằng thuốc lá dự trù cho tài khoá sau 1975 cũng bị cắt đứt. Hải Quân lúc ấy có quân số trên 40 ngàn chiến sĩ… nhưng viện trợ nay thực sự bị cắt ngang rồi!
“Hãy rời Sài Gòn ngay hôm nay đi – không thể là ngày mai!”. Phóng viên AP, Nick Út, và Đệ của Hệ thống Truyền hình Hoa Kỳ ABC và ông Ba Lê của Truyền Hình Nhật NHK cùng nói như vậy. “Đừng để quá muộn!”
Cũng vào gần buổi trưa, Trung Tướng Vĩnh Lộc rời Bộ TTM và Trung Tướng Trần Văn Trung cũng đi vào Bến Bạch Đằng gặp Đại Tá Tấn tìm tầu ra đi. Lúc này thì công trường Bạch Đằng cũng vẫn còn nhiều người chen lấn. Trước đó một giờ Giáo Sư Lê Đình Chi, cùng với gia đình ông có Lê Đình Cẩm, Nguyễn Hữu Phúc (Puyallup), Huyên… là những người thân cũ trên một chiếc xe van đến kiếm chúng tôi tìm đường ra đi, nhưng tôi cũng đang trong trạng thái vô cùng bối rối nên không thực hiện được lời hứa: cùng đi với họ trên chuyến Tàu của Trung Úy Đỗ Anh Tuấn, nếu giờ phút đau lòng tuyệt vọng xảy ra.
Lúc ấy Thiếu Tá Trần Thiện Hiệp trong một may mắn bất ngờ sau khi chờ đợi được đi theo cựu Tư Lệnh Trần Văn Chơn, đã nhẩy xuống chiếc chiến hạm nhỏ đậu gần HQCX, mang theo được hai vị tướng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào giờ chót: Tướng Trung và Tướng Vĩnh Lộc lúc ấy là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực theo lời yêu cầu của Đại Tá Tấn, giúp Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Vĩnh Lộc rời Sài Gòn, đúng vào lúc tướng Nguyễn Hữu Hạnh lên thay.
Tướng Lộc trước đó cũng đã từng kêu gọi giữ vững tay súng, Tướng Lộc cũng miệt thị Đại Tướng Viên về hành động đào tẩu. Nhưng vào sáng ngày 30 tháng Tư, ông Vĩnh Lộc đã nhờ Trung Uý Hùng lái xe Jeep “chở tới Đài Phát Thanh Sài Gòn để gửi đi thêm một thông điệp mới”. Thay vì tới đài phát thanh, ông đã đi đón ca sĩ Minh Hiếu và chia tay với Hùng ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Vào sáng ngày này, hệ thống vô tuyến có rất nhiều lời gọi máy của các tướng tá, sĩ quan Bộ Binh thiết tha kêu gọi: “Các anh Hải Quân ơi, chờ chúng tôi đi với, hãy cứu lấy chúng tôi vì phi trường Tân Sơn Nhất cũng đã tan nát rồi. Đâu còn ngã nào để tránh CS đâu? – VC đã vào tới. HQ đừng đi vội kiên nhẫn chờ cứu chúng tôi.”
Nhưng bây giờ là trưa 30 tháng Tư – quá muộn thật rồi”… Các nẻo đường đã rền tiếng xe tăng, và tiếng đạn pháo kích thi nhau rền vang rất gần, và súng đã cùng với quân phục mũ nón vung vãi chất đống khắp nẻo đường từ BTL/HQ về tới Phú Nhuận nơi tôi đang cư trú tạm.
Khác với Đại Tá Tấn ở lại và đi tù trên 16 năm, Đại Tá Phú cũng xuất hiện như chớp nhoáng trong ngày 30-4, nhưng Đại Tá Phú cùng Trung Úy Tuấn đã kịp xuống tầu rời Bến Bạch Đằng ra biển ngay vào giờ phút ông Minh đọc lời đầu hàng trên radio.
Và giờ phút ấy đã xảy ra thật. Nhanh chóng như một chợp mắt. Từ đó radio đã nhiều lần đọc lời kêu gọi buông súng và đầu hàng. Thôi thế là hết tất cả, không theo tầu di tản về Miền Tây, không ra Phú Quốc, và cũng không được theo tầu ra khơi đi tị nạn.
Tôi rời Công Trường Bạch Đằng có tượng đài Đức Thánh Trần, cổng vào Bộ Tư Lệnh, tìm Tuấn, sau đó lái xe lách xe qua những tốp người đang hôi của tại khách sạn và căn cứ Mỹ tại các cao ốc xung quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, để về nhà đón người thân yêu ra đi.
Tôi cùng với gia đình trở lại Bến Bạch Đằng và chạy tiếp tới Đặc Khu Rừng Sát để tìm tàu rời Sài Gòn thì bến bờ đã hoang vắng… Vô phương trong lúc tiếng pháo kích nổ vang.
Lòng cảm thấy như ông Dương Văn Minh đã mở “Lỗ Lù” (*) của chiến hạm đời tôi… Lúc ấy tôi cảm thấy như đã quá muộn, tôi như lặng lờ chết chìm, chìm dần… khoan thai xuống lòng biển.
Như từ đáy biển sâu, tôi cầu mong cho vài chục chiến hạm và vài chục ngàn quân nhân và dân chúng miền Nam đi thoát được, khai mở ra những đợt thuyền nhân kế tiếp, Nếu họ không tập trung chiến đấu ở Miền Tây được, thì cũng tiếp tục “Khai phá mở mang bờ cõi sơn hà theo bước chân tiền nhân” bằng hình thức “mang Việt Nam ra khơi tới khắp năm châu, tận cuối chân trời và trên toàn cõi địa cầu.
Phạm Kim
Chú thích: (*) Lỗ Lù: danh từ kỹ thuật Hải Quân còn gọi là “Van Đắm Tàu”, nhằm mở ngỏ cho nước vào khi muốn đánh chìm chiến hạm, khi muốn thủy táng.