Chiếc C.130 vừa lăn bánh trên phi đạo khiến Hải bừng tỉnh vì đã gần như thức trắng 2 đêm không ngủ. Sống trong quân ngũ nên chuyện thức, ngủ thất thường gần như đã trở nên quá quen với Hải.

Là lính đóng ở tiền đồn nên thức thâu đêm chờ giặc cũng không xa lạ. Hồi tết Mậu thân, địch quân quấy phá dễ đến 5,6 đêm liền. Lợi dụng quân ta ăn tết, các Chef đều “dulu” nên Hải phải  thay thế các Chef để gác giặc. Vi-xi thứ thiệt mà đụng thì còn ngon hơn cơm sườn, gặp mấy bác du-kích bắn mấy phát súng “ngựa trời”quấy rối mà vẫn phải thức thì thực là “oan ơi ông địa” !

Tính đến Tết này thì Hải đã là lính đóng đồn xa được 18 tháng, theo Cụ Diễn xem lại lá số của Hải cho hay thì qua Tết là Hải được về. Cụ Diễn là thầy tướng số” nổi tiếng nhất Bắc Kỳ, nhì Gia Định” đã nói với chị Hai tôi như vậy, thực sự thì Hải không mấy quan tâm đến chuyện đi xa, về gần!

Mẹ tôi mất sớm, nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do chị Hai tôi quán xuyến, kể cả chuyện đi, đứng của mấy anh em chúng tôi. Có điều lạ là mấy anh em tôi, thằng anh lớn thì ở Nhẩy Dù, thằng kế tiếp thì ở Biệt Động Quân, còn tôi thì là Bộ Binh và ở Pleiku mà hễ gặp mặt là bà chị tôi lại “sắp xếp”, cứ như là chị tôi còn làm Tư Lệnh…gì đó chứ không phải nhỏ ! Chúng tôi chỉ biết cười nụ cho chị tôi vui, mặc dù mấy thằng em, đều là lính thứ dữ nhưng vẫn nghe lời chị răm rắp.

Có chị nào mà không thương em đâu? Hai tháng nay chị tôi ăn chay trường và ít nói hẳn đi, ai hỏi gì mới nói và chỉ trả lời vừa đủ vì tin về thằng Ba ở bên Nhảy Dù, tử trận Pleime chưa đầy 2 tháng thì lại được tin thằng Tư vừa nằm xuống ở trận Đồng xoài, mà cả nhà vẫn dấu tin thằng Tư tử trận vì vợ nó sắp sinh đứa con đầu lòng!  Trong hai tháng, chị Hai phải đón nhận tin hai đứa em chết trận. Người Chị phờ phạc, tóc không thèm chải, những tiếng thở dài của chị khiến các em thêm xót xa mỗi khi nửa đêm thức giấc. Chị khóc thầm khi nghĩ đến thằng cháu sắp sinh mà không có bố ! Chị suy nghĩ đến những lời mà chị phải nói thật với vợ thằng Tư. Chị không dấu được, là chị Cả, thay mặt bố mẹ đã mất nên chị phải đùm bọc và lo cho các em. Nhưng nghĩ hoài và nếu phải so sánh thì giống như thí sinh đi thi, sắp hết giờ mà Chị vẫn chưa tìm ra đáp số ?

Sách vở cũng không dậy, nên chị phải tự biên tự diễn ! mà diễn bằng cách nào để vợ thằng Tư vơi được nỗi sầu khổ, ai oán…Chị đã nghĩ đến chuyện “ra đi” của vợ thằng Tư một ngày nào đó, và dĩ nhiên là nó ôm con nó đi luôn, chị sẽ mất luôn cả thằng cháu không bố, sắp sinh ! Càng nghĩ chị càng bí, cô Tư còn trẻ và còn “tươi rói” lẽ nào cô ấy chịu cảnh thờ chồng nuôi con như mấy kép cải lương thường diễn trên sân khấu ? Chị không biết bàn với ai, thằng Ba và Tư đều “lên đồi ngắm trăng” cả rồi, chỉ còn một thằng Năm thì ở tận Pleiku thì bàn với ai bây giờ ?  Chị nghĩ, cũng may là thằng Năm Hải còn độc thân nên nó có “nằm xuống” chị cũng không khó xử như trường hợp thằng Tư.

Nghĩ đến thằng Năm, chị Hai liền nghĩ đến chuyện “một phát đạn hai con chim”. Chị Hai lục tìm địa chỉ của thằng Năm và đi mua vé Air VN cấp kỳ đi Pleiku. Chị suy nghĩ đến cách thuyết phục thằng Năm. Nếu thằng Năm “gật đầu” thì dễ dàng cho chị. Chị giữ kín ý tưỡng gán ghép vợ thắng Tư cho Năm vì “xẩy vai xuống cánh” mà gia đình mẹ con thằng Tư coi như vẫn trọn vẹn, nhất là thằng nhỏ con thằng Tư vẫn được chăm sóc đầy đủ như khi còn Bố .Chị Hai nóng lòng đi Pleiku  gặp thằng Năm để báo những tin buồn của gia đình mà có lẽ thằng Năm cũng chưa biết hết, nhưng quan trọng nhất là chuyện vợ thằng Tư. Chị suy nghĩ đến chuyện phải mở đầu cách nào để Năm dễ chấp nhận về chuyện “buy one get one free” này? Theo chị Hai thì chỉ có một cách duy nhất là dùng tình cảm để thuyết phục Năm, trong gia đình thì thằng Năm có vẻ hạp với chi nhất nên chị nói gì, thằng Năm cũng OK nhưng việc “mai, mối” này coi bộ khó nói quá.

Chuyến Air VN đáp xuống phi trường Pleiku đúng giờ dự định. Vào phòng đợi thì chị Hai đã thấy Năm đợi sẵn. Lấy vội mấy sách tay có ít đồ ăn cho Năm rồi hai chị em ra xe. Lần đầu tiên đến phi trường tỉnh lẻ nên chị Hai có vẻ hơi ngỡ ngàng, vì toàn là dân “choang” đón khách và chẳng có một xe dân sự nào ngoài xe jeep Quân đội! Phi trường Pleiku vào Đông, mưa bay lất phất kèm theo gió lạnh trong bầu trời xám ngắt càng thêm hắt hiu, buồn thảm…! Nhìn qua cảnh tượng, chị Hai thấy thương thằng Năm phải ở nơi cô quạnh vắng vẻ này. Chị Hai sụt sùi vì thương thân phận thằng Năm, em út trong nhà cũng như những người lính trấn đóng ngoài biên ải.

Đưa chị Hai đi một vòng dạo phố Pleiku trước khi về căn cứ. Năm hy vọng là đêm nay yên ắng, để chị Hai khỏi phải nghe tiếng súng. Chị Hai và Năm mỗi người một tâm trạng để nói với nhau đêm nay. Năm biết chị Hai đang rối răm, vì sự “ra đi” của hai thằng em trong vòng 2 tháng ! Chuyện vợ con của mình là chuyện nhỏ, có lẽ Năm không thể thưa với chị Hai trong lúc sầu muộn này được. Nghĩ như vậy nên Năm nín khe, không nói chuyện tình của Năm với chị Hai theo dự trù.

Theo Năm thì Y-a Song (gái Thượng Du) cũng chẳng khi nào hối thúc Năm về chuyện thành hôn. Y-a Song cứ tưởng rằng “ghép thân” thế này là xong, là nên vợ nên chồng.Y-a Song là gái Thượng lai Pháp, năm nay vừa 18 tuổi học tại Lyce Yersin Dalat, Y-a Song về thăm nhà nhân dịp nghỉ hè và được Năm cho quá giang từ Phi trường Pleiku về nhà. Lần đầu được Năm chở về bằng xe Jeep Quân đội nên Y-a Song rất thích thú và hãnh diện. Lần đầu gặp Y-a Song nhưng Năm đã so sánh sắc đẹp, thông minh với mấy Cô gái Việt tại Saigon thì Năm thấy mấy cô gái VN kém xa Y-a Song khá nhiều. Năm rất mến sự chân thật của Y-a Song và gia đình. Dĩ nhiên là Năm phải khổ công để huấn luyện Y-a Song hiểu biết phong tục, tập quán để trở thành gái Việt 100%. Năm đã bị Y-a Song hớp hồn và chỉ chờ dịp nghỉ phép là Năm sẽ cưới Y-a Song làm vợ. Đó là ước mong của Năm nhưng Y-a Song còn một vài điều kiện mà Năm phải chờ  Y-a Song hoàn tất việc học trước khi thành hôn.

1-Hoàn tất Dep-si vào cuối năm.

2-Chọn LM chủ tế trong ngày thành hôn, nhất là anh Năm chưa có cùng một tôn giáo.

Ước vọng của Y-a Song thì sẽ mời LM Bửu Dưỡng làm Chủ Tế trong Lễ Thành Hôn, Tuyên úy của Trường và Ngài cũng là Tuyên Úy của Trường Võ Bị Quốc Gia nên lịch trình của Ngài cũng đầy ắp. Theo bạn bè cho biết thì vấn đề Nhà Hàng, Y phục, số Khách Mời, Ngân sách… cũng là những chuyện cần phải nghĩ đến và nên bàn thảo với “ông Xã” tương lai.

Trên đường đưa Chị Hai ra phi trường, Năm đã tóm gọn chuyện tương lai với Y-a Song, cô gái Pháp lai Thượng và còn đang học Trung học tại Lyce Yersin ĐàLạt.

Chị Hai nghe Năm tâm sự về chương trình tương lai của mình. Ý tưởng của Chị Hai ấp ủ trước khi đi Pleiku cho đến giờ này hoàn toàn sụp đổ./.

Th Vn

Bài liên quan:
  • Đại Hội THÁNH MẪU LA VANG kỳ II, giáo phận Orange: “Cùng MẸ Lên Đường”
    Kiên Chính Ghi Nhận
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Số Báo Cuối Cùng
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Văn Thơ & Bạo Lực
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Nguyễn Chí Thiệp
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Phạm Quế Dương
    Tưởng Năng Tiến