_________________________________

Tân Thủ Tướng Phạm minh Chính nhận chức nhiệm kỳ 5 năm (2021-2025) vào lúc thị trường Tiền Tệ và điều hành chính sách chao nghiêng trong lằn ranh nhạy cảm. Tâm lý lo ngại lạm phát quay lại đang nổi lên mạnh mẽ trong dân chúng, không chỉ tại Việt Nam mà bao trùm toàn cầu. Giá hàng hóa, nguyên vật liệu đã biến động mạnh, theo hướng tăng lên thời gian gần đây. Lãi suất đang có dấu hiệu sẽ bật lại, bởi kỳ “tiền rẻ” đang qua. Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) lúng túng trước áp lực chọn lựa kiểm soát lạm phát vì Bất Động Sản có nhiều dấu hiệu “bể bong bóng”- với khoản tín dụng gần 2 triệu tỷ đồng, trong khi lại muốn “giật vạt vá vai” để yểm trợ nền Kinh Tế gượng dậy sau Covid.

Trong không gian “rực màu cờ đỏ” cùng với những trấn áp lùng sục, bắt bớ ứng cử viên độc lập, nhắc cho Dân rằng “đừng có mơ Dân Chủ, Tự Do”, phải rập khuân “đảng cử dân bầu” cho Quốc hội khóa 15 sẽ diễn ra gần cuối tháng 5/2021. . . Với tâm thức đó, trước các đảng viên sắp mãn nhiệm quốc Hội 14, tân Thủ Tướng đặt Nội Các trong vị thế “luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. [1]

Sự kiện TT Chính xác nhận phục tùng đặc biệt TBT Nguyễn phú Trọng đã đưa đến các “rò rỉ” cho thấy Ba Đình bắt đầu cuộc “thư hùng” mới trong nội bộ, để giành nối ngôi quyền lực tối cao khi ông Trọng lâm bệnh hoạn hay mãn nhiệm.

Tiến Sỹ Vũ Minh Khương (đảng viên CSVN 1984), giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, người có kinh nghiệm quản lý ở Việt Nam, đưa ra bình luận “bọc xuôi” cho rằng TT Chính “có khả năng tạo ra được thành quả xuất sắc trong cái gọi là thiên thời địa lợi nhân hòa” về điều hành kinh tế. Bởi vì, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có quyền lực rất lớn và có khả năng hỗ trợ toàn diện. Và TS Khương cho rằng TT Phạm Minh Chính “may mắn”. (BBC 09/04) [2]

Tiến Sỹ Phạm quý Thọ, từng phục vụ tại Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư đưa ra nhận xét: CSVN chọn ông Chính làm Thủ Tướng là “ưu tiên” chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” để duy trì chế độ khi những vấn đề khác như năng lực điều hành Kinh Tế vĩ mô, uy tín cá nhân… vẫn là ẩn số. “Lằn ranh đỏ” được đảng vạch ra sẽ thử thách TT Chính trong nhiệm kỳ có nhiều điều “đặc biệt” này. Nếu tân Thủ Tướng vượt qua “làn ranh đỏ mong manh”, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành công, thì không loại trừ khả năng ông có thể sẽ trở thành người kế nhiệm vị trí quyền lực tối cao của đảng CSVN. (RFA 12/04) [3]

Giới chuyên ngành độc lập trong Kinh Tế, Tái Chánh thì nhìn Tân Nội Các như đang “ú a, ú ớ” trong môi trường Kinh Tế, Tài Chánh “chưa quen việc”:

Thị trường Tiền Tệ và điều hành chính sách chao nghiêng trong lằn ranh nhạy cảm đang đưa đến “sốt” chứng khoán lan sang nhà đất rồi nhanh chóng sập, thị trường Bất Động Sản (BĐS) có nơi tăng giá gần 300%. Tình trạng “một vốn, trăm lời” khiến dân chúng bỏ cả việc làm hàng ngày để quyết tử như “con thiêu thân” trong phong trào đi săn lùng nhà đất.

Hôm 16/04, Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn văn Sinh công khai cảnh giác dân đừng bỏ việc làm lao vào “săn đất” mà lâm cảnh “tiền mất, tật mang” tạo ra nhiều rủi ro trong Kinh Tế.

Cho đến tháng 4/2021, nhiều Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) vẫn tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà trên thị trường. Theo đó, lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà hiện thấp nhất từ 6,45% đến cao nhất là 8,5%/năm; trong lúc giá BĐS tăng từ 100% đến gần 300%, tùy vùng.

Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến hết tháng 3, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%. Tính đến ngày 28/2, tín dụng lĩnh vực BĐS là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2020 (trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 2,82%).

Thời gian qua, hàng loạt NHTM tung ra các chương trình khuyến mại cho vay mua nhà, hay sửa chữa nhà ở với lãi suất thấp. Cùng lúc một cuộc chạy đua quyết liệt vào các dự án BĐS được NHTM bảo lãnh với mức vay ưu đãi, tỉ lệ vay lên tới 70% tổng giá trị nhà, đất theo hợp đồng.

Trong trường hợp có “thông đồng” với nhau để nâng giá BĐS trên hồ sơ vay nợ, thì tiền vay có thể trên giá thật của BĐS. Trường hợp này, nếu xẹp bong bóng, thì nợ xấu lại tăng hơn nữa nơi NHTM làm ăn liều lĩnh.

Trước tình trạng cơn sốt BĐS từ Bắc chí Nam, nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền vào BĐS một phần từ lợi nhuận chứng khoán sang, phần khác chảy từ kênh lãi suất tiết kiệm và việc nới tín dụng theo nhiều hình thức của các NHTM.

Một ngày sau khi nhậm chức (06/04) đáp ứng ý kiến từ phía báo chí đề nghị “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất, Nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực”, TT Chính đã ngay lập tức giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên hệ nghiên cứu biện pháp hạn chế tình trạng “sốt đất” hiện nay. . . [4]

Tám ngày sau (14/04) trong cuộc họp trực tuyến, NHNN báo trước “sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro cho vay đời sống, tín dụng tiêu dùng”. [5]

Như thế, cách giải quyết vấn đề của TT Chính giao cho hai Bộ trong Nôi Các nghiên cứu hạ nhiệt “cơn sốt” BĐS thành ra “việt vị”. Phía NHNN đang cân nhắc dùng công cụ “siết chặt tín dụng” để làm xẹp bong bóng nhà đất là một giải pháp chuyên môn, nhưng có vẻ ngược với cách giải quyết của Tân Thủ Tướng.

Hai tuần sau kể từ khi TT Chính đưa ra quyết định đầu tiên về việc này, hôm 19/04 toàn hệ thống báo Nhà Nước nói là, theo thông tin từ NHNN, TT Chính “yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng chứng khoán và BĐS để tránh đầu cơ” [6]. Với quyết định đảo ngược này của TT Chính, hai bộ TNMT và Xây Dựng từ nay sẽ phải “nhìn mặt” Bà Thống Đốc NHNN Nguyễn thị Hồng mà nói năng và hành động!

Trong lúc lúng túng về những việc trước mặt, đảng CSVN vẫn muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho năm nay. Mặc dầu, FDI tăng 0,5% trong năm 2020 đã làm tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất và chế tạo toàn cầu (14/04 BBC). Đối với các chuyên gia Kinh Tế, nước mạnh là nhờ vào sức sản xuất của chính mình.  Còn trường hợp Việt Nam dựa đến 70% vào nguồn vốn FDI, để có con số “GDP đẹp”. Trường hợp này tăng trưởng GDP rất ít ý nghĩa đối với tình trạng thực sự của nền Kinh Tế.

Hiện tại (4) nhà máy của Samsung tại Việt Nam 2 năm liên tiếp bị sút giảm lợi tức đến 12%. Khi tình huống xấu hơn nữa, hoặc thời cuộc đổi thay, các công ty có nguồn vốn FDI sẽ tự động ngắm nghía nơi khác rồi rút lui khỏi Việt Nam, chuyển sang những mảnh đất màu mỡ mới. Khi ấy Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn nữa. Sự việc này đã xảy ra ở Thái Lan năm 1997.

Mặt trái của đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là tiền lãi thu được ở Việt Nam họ chuyển về nước và như vậy GDP Việt Nam thực sự ít đi nhiều.

Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, hiện đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” đồng thời với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Trong khi mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”.

Báo cáo của tổ chức Climate Central ước tính khoảng 31 triệu người Việt Nam, tương đương khoảng một phần ba dân số, có thể bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Tình trang này sẽ đưa 30% dân Việt lâm vào hoàn cảnh “tị nạn khí hậu” trong tuong lai.

Ngân hàng Phát Triển Á Châu (ADB) nhận đinh, Việt Nam cần tăng cường phát triển kỹ năng nhằm phục vụ chuyển đổi sang cách mạng công nghệ 4.0. Mặc dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam báo cáo rằng họ đã được trang bị tốt cho cách mạng công nghệ 4.0, số liệu này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%)

Theo số liệu của phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%. Các DNNVV đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách hàng năm.

DNNVV dung nạp hàng chục triệu công nhân trong nước, chẳng những không được nâng đỡ để phát triển mà “gần 45% doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức và 54% doanh nghiệp cho rằng vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu”. Bất chấp những lời đe dọa đánh tham nhũng “không có vùng cấm” từ những kẻ cầm đầu cao nhất của chế độ.

* khoảng 50.000 doanh nghiệp có trên 10 công nhân. Khu vực này có khoảng 7 triệu công nhân.

* 700.000 doanh nghiệp có dưới 10 công nhân. Khu vực này có khoảng 1,8 triệu công nhân.

* Nhỏ nhất là khu vực kinh doanh phi chính thức, gồm 5 triệu gia đình với khoảng 8 triệu công nhân. Xuất khẩu tại khu vực này chiếm gần 2,4 tỷ Mỹ kim.

Khu vực Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) và doanh nghiệp FDI, chỉ thu dụng dưới 10% công nhân. Trong khi số công nhân trong DNNVV gần 30%. Số công nhân còn lại thuộc khu vực phi chính thức.

Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT) cho biết, DNNN số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP. Nhưng Bộ KH&ĐT quên không nhìn nhận, khối DNNN “ù lì” và kém hiệu quả.

Quý I năm nay “có 40,300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15.6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 13,400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong hoàn cảnh nói trên, CSVN lại chỉ dành ưu đãi cho các DNNN và doanh nghiệp FDI để hy vọng vào sản phẩm của họ có thể tô điểm cho thành tích tăng trưởng GDP cao hơn mỗi năm.

Ngày 05 tháng 04, Tân Nội Các tuyên bố phục tùng TBT Nguyễn phú Trọng, thi hành nhiệm vụ được xác quyết trong Đại Hội XIII, tiếp tục “theo đuổi Kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa – an toàn của đảng trước, đầu tư, kinh tế tính sau” [7]. Do vậy, các khó khăn về Kinh Tế sơ lược ở trên vẫn nằm trong sự lựa chọn giải pháp nào có lợi cho đảng mới đem ra thi hành nơi Tân Nội Các nhiệm khóa 2021-2025 gồm 28 đảng viên cao cấp, 15 người Miền Bắc, 7 người Miền Trung và 6 người Miền Nam, trong đó có 5 Phó Thủ Tướng.

Ưu tiên cao nhất của CSVN là chống “tự diễn biến” trong nội bộ. Mỗi thành viên của Tân Nội Các có sứ vụ chiến đấu với nội tâm, để không bị “ngả nghiêng” khỏi “làn ranh đỏ” ngày càng mong manh thấy rõ.

Về đời sống kinh tế của Dân Tộc Việt vẫn tiếp tục chịu cảnh “vỗ béo xẻ thịt” do đảng CSVN chủ trương không thay đổi.

Trần Nguyên Thao
Apr 18-2021

Tham khảo:

[1] https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/dien-dan/toan-van-phat-bieu-nham-chuc-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-56054.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56682376

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/new-pm-of-vn-and-a-red-line-04122021090251.html

[4] https://tienphong.vn/thu-tuong-chi-dao-2-bo-tim-bien-phap-han-che-sot-dat-khap-noi-post1326065.tpo

[5] https://tuoitre.vn/se-siet-tin-dung-vao-bat-dong-san-chung-khoan-2021041508094906.htm

[6] https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thu-tuong-yeu-cau-kiem-soat-chat-tin-dung-bat-dong-san-tranh-dau-co-1371363.html

[7] https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-hoi-xiii/bo-truong-to-lam-3-thach-thuc-de-doa-sinh-menh-dang-ton-vong-che-do-1334917.html

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt