Câu chuyện sau đây đã được kể hơn 2 năm trước. Dan Mitchell đã dùng chuyện này để giải thích cách đánh thuế của chính phủ Hoa Kỳ. Dan Mitchell là một chuyên gia kinh tế lão luyện trong lãnh vực tài chánh và thuế khóa của Hoa Kỳ, tốt nghiệp văn bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại Học George Mason. Ông đã viết nhiều tài liệu đăng trên các tạp chí và nhật báo hàng đầu của Hoa Kỳ như Wall Street Journal, New York Times, Villanova Law Review, Public Choice, Emory Law Journal, Forbes, USA Today, …

Hệ thống thuế khóa của Hoa Kỳ là một thứ ít ai muốn nghe vì nó có vẻ phức tạp. Ông Mitchell đã có câu chuyện rất thú vị được dùng để giải thích về cách đánh thuế của chính phủ Hoa Kỳ, nhan đề là “The Tax System Explained in Beer”. Nguyên bản Anh ngữ của câu chuyện này có thể tìm được trên Internet bằng Google.

beer

Chuyện rằng, có mười người bạn thích uống bia mỗi ngày sau giờ làm việc. Chắc họ là những người bạn rất thân với nhau. Số tiền phải trả cho mười người uống bia là $100. Trong mười người này, có người nghèo rớt mồng tơi, có người giàu nứt vách. Cho nên, nếu chia đều mỗi người phải trả $10 thì những người nghèo không có tiền để tham dự cuộc vui mỗi ngày. Có người đề nghị áp dụng cách đánh thuế của chính phủ Hoa Kỳ để chia nhau cái hóa đơn tính tiền. Tất cả đều đồng ý và kết quả của cuộc tính toán là:

Bốn người đầu tiên, là những người nghèo nhất trong bọn, không phải trả đồng nào. Cứ việc có mặt trong quán bia đúng giờ là cùng nhau vui vẻ, mỗi ngày uống vài chai bia trước khi về nhà. Người thứ năm chỉ phải móc túi trả $1.  Cứ như thế từ người nghèo đến người giàu hơn. Người thứ sáu thì trả $3, người thứ bảy trả $7. Người thứ tám trả $12. Người thứ chín phải trả $18; và người thứ mười là người giàu nhất, phải trả $59. Số tiền cộng lại là $100, đủ để thanh toán tiền bia.

Họ đồng ý và vui vẻ chấp thuận cách tính toán tuyệt vời của mấy anh làm kinh tế. Nhờ vậy là cả bọn, mười tên lưu linh bất kể giàu nghèo, đều có những giây phút tuyệt vời, bù khú với nhau mỗi ngày. Uống bia và nói chuyện đời.

Bởi vì mười anh bạn này khắng khít với nhau, đúng hẹn mỗi ngày đến quán và thanh toán tiền bia sòng phẳng, nên ông chủ quán muốn làm một cử chỉ đẹp. Ông đến trước mặt mười anh bạn nhậu và tuyên bố rằng: “Mấy ông thật là những vị khách đáng quý của tôi. Tôi quyết định kể từ hôm nay, tôi bớt cho mấy người $20 tiền bia”. Như vậy, tiền bia chỉ còn là $80, thay vì $100.

Đang đầm ấm uống bia vui vẻ mỗi ngày, bỗng có $20 tiền thưởng của ông chủ quán đã làm cho mười anh lưu linh phải “động não”, xôn xao suy nghĩ làm sao phải thanh toán cái số tiền $20 kia.

Lại phải cậy nhờ mấy ông tư bản tính giùm. Họ cũng tiếp tục áp dụng phương pháp đánh thuế để thanh toán số tiền thưởng $20. Và kết quả là:

Bốn anh nghèo nhất vẫn tiếp tục uống bia mà không trả tiền.

Thêm anh thứ năm, trở thành giống như bốn anh kia, không phải trả đồng nào, tiết kiệm được 100%.
Anh thứ sáu bây giờ trả $2, thay vì $3, tiết kiệm được 33%.
Anh thứ bảy trả $5 thay vì $7, tiết kiệm được 28%.
Anh thứ tám trả $9 thay vì $12, tiết kiệm được 25%.
Anh thứ chín trả $14 thay vì $18, tiết kiệm được 22%.
Anh thứ mười trả $49 thay vì $59, tiết kiệm được 16%.

Như vậy, sáu trong mười anh lưu linh này, anh nào cũng tiết kiệm được chút đỉnh. Còn bốn anh kia vẫn vác cái bụng đến uống bia không trả tiền như mọi ngày. Bia vô, chuyện trò vui vẻ cho đến khi trả tiền xong, ra khỏi quán thì có người thắc mắc về số tiền $20 do ông chủ quán tặng cho cả bọn.

Anh thứ sáu chỉ vào anh thứ mười nói: “Trong số tiền $20 ấy, sao mày lấy tới $10 lận?”

Anh thứ năm nhảy theo ngay: “Tao chỉ được có $1. Nó lấy nhiều hơn tao tới 10 lần”.

Anh thứ bảy cũng la lên: “Đúng rồi! Tại sao tao chỉ được $2 đồng mà nó lấy tới $10. Đúng là mấy thằng nhà giàu bao giờ cũng hưởng lợi hơn người ta”.  

Đến lúc này thì bốn anh nhà nghèo đồng loạt la lên: “Tụi tao chẳng được đồng nào cả. Đúng là bọn nhà giàu tụi mày dùng hệ thống thuế khóa để bóc lột con nhà nghèo”.

Lòng ganh tỵ dâng lên càng lúc càng cao. Thế là chín anh vây lại bịch cho anh giàu nhất một trận tơi bời.

Chiều hôm sau, chín anh đến quán bia không thấy anh thứ mười đâu cả. Chín anh cứ theo thói quen mỗi ngày, gọi bia uống và chuyện trò râm ran. Đến lúc phải trả tiền thì mới giật mình vì không đủ tiền để trả; một nửa số tiền cũng không đủ. Lúc bấy giờ cả bọn mới nhận thấy sự có mặt của anh thứ mười quan trọng như thế nào.

Ông Dan Mitchell giải thích rằng, hệ thống thuế khóa của Hoa Kỳ trả lại sự công bằng cho mọi người. Người nào đóng thuế cao thì người ấy được bớt thuế nhiều hơn. Bởi vì nếu cứ đè đầu người nhà giàu mà bắt đóng thuế thì họ sẽ bỏ đi. Nhiều khi họ sẽ bỏ xứ mà đi tìm nơi nào êm ả hơn …để uống bia.

*
*   *

Mặc dù câu chuyện kể trên chỉ có tính cách hư cấu để giải thích phần nào ý nghĩa của việc đánh thuế nhằm vào mức lợi tức cho mỗi người. Nghe qua chúng ta có thể liên tưởng đến cái chế độ cộng sản khốn nạn tại Việt Nam. Nhớ lại cái ngày bọn cộng sản mới chiếm được miền Nam, chúng ra lệnh tịch thu tài sản của nhân dân, gom vào trong tay đảng cộng sản. Chúng nó gán những người nhà giàu là những người có “nợ máu nhân dân”. Rồi còn cho rằng “bọn tư bản làm giàu trên xương máu của nhân dân” và bị xem là “kẻ thù giai cấp”. Chúng nó tận diệt giai cấp tư bản nhân danh giai cấp vô sản, cào bằng của cải và tống cổ vào tù hoặc xử tử. Bọn cộng sản ngang ngược kết án những người giàu có rằng: Có tiền là có tội!

Từ những năm đầu tiên, khi vừa chiếm được miền Bắc, đảng cộng sản cho tiến hành cuộc “Cải Cách Ruộng Đất” long trời lở đất, đấu tranh giai cấp, cướp sạch ruộng vườn, tài sản của nhân dân, giết chết và phá nát hàng trăm ngàn gia đình. Nỗi phẫn uất dâng cao thì Hồ Chí Minh ra lệnh cho Trường Chinh giả vờ hối hận và lên tiếng xin lỗi nhân dân. Đến năm 1975, cộng sản chiếm được miền Nam thì bản chất ăn cướp lại nổi lên, đánh vào giới tư bản miền Nam để chiếm tài sản, ruộng vườn, đất đai, nhà máy, hãng xưởng,… Vàng bạc châu báu, Đô-la,… dự trữ trong các ngân hàng ở miền Nam bị chiếm đoạt một cách lặng lẽ.  Những người nhà giàu, giai cấp trung lưu, những người có một ít tài sản bị trắng tay và bị đuổi đi vùng rừng thiêng nước độc, bị vào tù, hoặc bị đuổi ra nước ngoài. Khi chiếm tài sản và tiêu diệt toàn bộ tư bản thì ở miền Nam không còn những người biết làm kinh tế. Miền Nam đang trù phú trở thành một quốc gia nghèo nhất trong vùng.

Tài sản của người dân trở thành tài sản của đảng. Tài sản cướp được, đảng đem chia cho các đảng viên phe nhóm, để bây giờ nghiễm nhiên trở thành những tên “tư bản đỏ”. Nhưng chúng nó không biết làm kinh tế. Tay thì vơ vét mà miệng chúng nó vẫn cứ định hướng XHCN.

Những anh có cái óc vô sản trong câu chuyện uống bia kể trên rất giống các đỉnh cao tại Hà Nội, nhất định lên án những người có tài sản là do bóc lột nhân dân. Các bộ óc rỗng tuếch ấy nhân danh giai cấp vô sản để ăn cướp tài sản của người khác. Chúng nó cướp tất cả, cướp được chính quyền, làm chủ cả nước và đầy đọa nhân dân vào cảnh khốn cùng. Bây giờ chúng nó nhân danh ông chủ đem bán cho Trung cộng những đất đai, biển đảo, tài nguyên của tổ tiên để lại.

Người dân khắp nơi, gậm một mối căm hờn liều mạng bỏ nước ra đi. Ít người đến được bến bờ, đa số đã bỏ mạng trong lòng biển cả, trong rừng sâu núi thẳm. Người không đi được thì sẽ bị trấn lột triền miên. Con người là vốn quý nhất. Ngày nào bọn cộng sản không nhìn nhận điều ấy, ngày ấy đất nước còn điêu linh.

Sơn Hà