Sơn Hà (tháng Chín-2021)
Một cuộc chiến 20 năm dài đằng đẵng, tốn nhiều nhân mạng và tiền bạc. Chính quyền Hoa Kỳ quyết định rút lui là phải. Nhưng cuộc rút lui của quân đội và cuộc di tản thường dân ra khỏi thủ đô Kabul vào cuối tháng 8/2021 vừa qua -dưới thời Biden- đã diễn ra một cảnh tượng tồi tệ chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ. Cuộc lui binh lặng lẽ trong đêm không cho đồng minh biết; cuộc di tản đẫm máu ở thủ đô trong vòng vây của kẻ thù Taliban; 13 quân nhân cùng với hàng trăm thường dân Afghanistan phải thiệt mạng trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Kho vũ khí vĩ đại để lại cho Taliban… Tất cả đều nằm trong một kế hoạch đã soạn sẵn hay sự việc xảy ra bất ngờ vì hành động vụng về của chính quyền Biden? Bài phân tích này sẽ trình bày tóm tắt vài sự kiện gần đây, rồi đi dần về quá khứ để tìm nguyên do gây nên hậu quả hôm nay.
Mỹ Nhảy Vào Afghanistan
Ngày 11 tháng 9, năm 2001, bọn khủng bố đã tấn công vào New York, ngay trong lòng lãnh thổ và giết hại hàng ngàn người Mỹ. Tất nhiên Mỹ phải trả đũa. Sau khi xác định kẻ thù là thủ lãnh Osama bin Laden và đồng bọn al Qaeda đang lẩn trốn ở Afghanistan, Mỹ quyết định oanh kích vào căn cứ địa của al Qaeda trên đất Afghanistan. Trong khi chưa tìm ra Bin Laden, quân đội Mỹ tiến hành công tác triệt hạ các trại huấn luyện của al Qaeda, được xem là nơi đào tạo những tay khủng bố đã thực hiện cuộc cướp máy bay và tấn công vào hai toà cao ốc của World Trade Center ở New York. Cuộc truy lùng kéo dài hơn 10 năm mới thanh toán được Osama bin Laden trong một cuộc đột kích vào nơi lẩn trốn của y. Trước đó, tay chân đồng bọn đã lần lượt sa lưới và bị nhốt ở trại tù Guantanamo.
Thanh toán xong thủ lãnh và bọn khủng bố, Mỹ lại phải xây dựng một chính quyền và một quân đội đủ mạnh để tái lập cuộc sống an lành cho quốc gia Afghanistan. Hoa Kỳ mong thiết lập một quốc gia Afghanistan mới, với một xã hội văn minh bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm và thân thiện với thế giới bên ngoài.
Dù với mục đích cao thượng và ý chí cương quyết trong suốt 20 năm ròng, Hoa Kỳ đã không đạt được kết quả như mong muốn. Cuối cùng, chính quyền ở Afghanistan lại rơi vào tay của Taliban.
Mỹ Rút Ra Khỏi Afghanistan
Hầu hết những năm Mỹ có mặt tại Afghanistan là những năm đảng Dân Chủ kiểm soát chính quyền tại Hoa Kỳ. Các quyết định thuộc chính sách đối ngoại của đảng Dân Chủ, đem áp dụng tại Afghanistan. Đến khi Tổng thống Donald Trump kiểm soát Toà Bạch Ốc, ông Trump và đảng Cộng Hoà quyết định rút ra khỏi Afghanistan. Việc chưa tiến hành thì đảng Dân Chủ lại giành được quyền kiểm soát lập pháp và hành pháp, chính phủ Biden đảo lộn tất cả các chương trình đối ngoại, kể cả tiến trình rút quân ra khỏi Afghanistan. Chính quyền Biden cho rút quân một cách lạ lùng chưa từng thấy. Quân đội Hoa Kỳ âm thầm rút đi, không thông báo cho quân đội Pháp, Anh và các đồng minh khác; là những lực lượng đã cùng với quân đội Hoa Kỳ trong cuộc tảo thanh quân khủng bố Taliban tại Afghanistan.
Sự rút lui ra khỏi Afghanistan của những ngày cuối tháng Tám – 2021 dẫn đến hậu quả hết sức tồi tệ. Hậu quả đó là để lại một sự thất vọng ê chề trong dân chúng Hoa Kỳ và cho đồng minh trên thế giới. Hậu quả là bỏ lại sau lưng những người Afghanistan đã từng cộng tác với Mỹ, để cho Taliban thẳng tay trả thù. Người ta vô cùng thất vọng về sự lãnh đạo kém cỏi của chính quyền Biden và đảng Dân Chủ. Cả thế giới còn ai tin để hợp tác với Hoa Kỳ?
Sự việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đem gieo tư tưởng Black Live Matter (BLM) và Phong Trào Bình Đẵng Giới Tính vào xã hội Afghanistan là hành động vô cùng sai trái. Một xã hội với đại đa số người theo Hồi Giáo thì làm sao có thể chấp nhận những thứ được xem là chướng tai gai mắt này. Một tấm hình được phổ biến trên mạng xã hội Facebook hồi tháng 8-2021 rồi được truyền đi nhanh chóng với các lời bình phẩm bất lợi cho Hoa Kỳ. Cờ BLM và cờ 6 màu của những người “phi giới tính” được treo trên nóc cao ốc của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Có người cho rằng, có lẽ Hoa Kỳ muốn xổ toẹt một cú trước khi rút lui.
Các Sự Kiện Liên Quan Đến Afghanistan và Hoa Kỳ
Có quá nhiều thông tin về cuộc tháo chạy ra khỏi Afghanistan không cần phải lặp lại ở đây. Những điều được trình bày trong phần tiếp theo là những tóm lược các dữ kiện liên quan đến tôn giáo và xã hội Hồi Giáo tại Afghanistan. Trong đó, chúng ta sẽ tìm thấy sự thành lập Taliban, al Qaeda, ISIS, thủ lãnh Osama bin Laden là ai,… và các dữ kiện khác có liên quan đến vùng đất Afghanistan.
Đọc lại để suy ngẫm, liệu Hoa Kỳ có khả năng cải hoá xã hội Afghanistan từ một quốc gia Hồi Giáo trở thành một quốc gia chấp nhận khuynh hướng phóng khoáng của Tây Phương? Hoặc, liệu Hoa Kỳ có khả năng sửa đổi tư tưởng của người Ả Rập trên đất Afghanistan để họ chấp nhận sống chung với những người theo Thiên Chúa Giáo? Những câu hỏi cả trăm năm nay, khó có thể tìm được câu trả lời trong đời này.
Trước hết, chúng ta lần lượt xem lại các mốc thời gian quan trọng được ghi lại theo tài liệu của thông tấn Reuters để thấy diễn tiến lịch sử 20 năm xảy ra trên vùng đất Afghanistan, có liên quan đến Hoa Kỳ. Rồi ta lại đọc tóm lược về Hồi Giáo sinh hoạt ra sao, al Qaeda, ISIS và Taliban là ai? Các dữ kiện được thu thập từ Website radio SBS của Úc Châu, PBS (Public Broadcasting Service) của Hoa Kỳ, phúc trình về tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tự Điển Bách Khoa của Anh Quốc, các hãng thông tấn Reuters, AP, CNN,…
Những Mốc Thời Gian và Những Việc Từng Ngày
Tháng 9-2001, al Qaeda do Osama Bin Laden lãnh đạo, tấn công Hoa Kỳ, đánh xập hai toà cao ốc World Trade Center ở New York.
Tháng 10-2001, Không Quân Hoa Kỳ thực hiện các cuộc không kích, đánh vào các hang ổ của al Qaeda và Taliban trên lãnh thổ của Afghanistan.
Tháng 12-2001, quân đội Hoa Kỳ không kích hang động Tora Bora, phía đông Afghanistan, là nơi ẩn náu của Osama bin Laden. Nhưng bin Laden đã trốn thoát sang Pakistan và từ đó biệt tích.
Tháng 5-2003, chính quyền Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W. Bush, bắt đầu thay đổi mục tiêu, tính tới việc tấn công Iraq nên các hoạt động tình báo và quân đội Hoa Kỳ được thay đổi. Lúc này là cơ hội để cho Taliban bắt đầu tái hoạt động ở các vùng phía nam và đông Afghanistan.
2006-2008, là những năm Hoa Kỳ đặt nặng hoạt động quân sự ở Iraq và lơ là các hoạt động quân sự ở Afghanistan. Bù lại, quân đội của NATO, nhất là Hoàng Gia Anh, đã đưa hàng ngàn quân đến Afghanistan.
Tháng Hai-2009, sau khi Washington sa lầy tại Iraq thì Tổng thống Obama vừa mới đắc cử lại cho tăng cường quân sự mạnh mẽ ở Afghanistan, lên tới 100,000 quân vào giữa năm 2010.
Tháng 5-2011, trong một cuộc đột kích của các cảm tử quân Hoa Kỳ, Bin Laden bị thanh toán ngay trên lãnh thổ của Pakistan.
Tháng 12-2011, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết đã có cả chục cuộc họp bí mật với Taliban, phần lớn diễn ra ở Đức và Qatar.
Tháng 5-2014, Hoa Kỳ bắt đầu giảm bớt quân số xuống còn khảng 9800 và chú trọng đến các chương trình huấn luyện cho quân đội Afghanistan; dự định đến năm 2016 thì rút hết toàn bộ.
Tháng 12-2014, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu không đảm nhiệm việc chiến đấu và chuyển sang cho quân đội Afghanistan.
Tháng 8-2017, Tổng thống Trump tuyên bố chiến lược gọi là “đầu bé đít to”, yểm trợ chính phủ Afghanistan, và ép buộc Taliban phải vào bàn hội nghị với chính phủ Afghanistan.
Tháng 2-2020, Hoa Kỳ ký hiệp ước với Taliban ở Doha sẽ rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ, và Taliban cam kết sẽ không mở một cuộc tấn công nào vào quân đội Hoa Kỳ, không cho bọn khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan và sẽ đàm phán với chính phủ Afghanistan.
Tháng 4-2021, Biden thông báo Hoa Kỳ sẽ rút quân vô điều kiện trước ngày 11 tháng 9.
Tháng 7-2021, Quân đội Hoa Kỳ đột ngột rút khỏi căn cứ chính tại sân bay Bagram, cách Kabul 60 km (40 dặm) về phía bắc.
Ngày 15 tháng 8-2021, sau khi Hoa Kỳ rút quân, Taliban tiến quân nhanh chiếm gần hết các thành phố và thủ đô Kabul mà không cần giao tranh. Tổng thống của Afghanistan, ông Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi đất nước. Hoa Kỳ và các đồng minh khởi động cầu không vận từ phi trường Kabul để di tản công dân và hàng chục ngàn người Afghanistan từng làm việc với các nước Tây phương.
Ngày 26 tháng 8 năm 2021 – IS (Nhà Nước Hồi Giáo) đánh bom tự sát tại cổng phi trường Kabul, giết chết hàng loạt thường dân và 13 binh sĩ Hoa Kỳ.
Ngày 30 tháng 8 năm 2021 – Tướng Hoa Kỳ Frank McKenzie, Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Trung Ương của Hoa Kỳ, thông báo hoàn tất việc rút quân của Hoa Kỳ.
Tôn Giáo tại Afghanistan
Hồi Giáo là quốc giáo ở Afghanistan. Hiến pháp Afghanistan ban hành vào năm 2004 tuyên bố rằng đất nước Afghanistan là một nước Cộng Hòa Hồi Giáo và tôn giáo của Cộng Hòa Hồi Giáo Afghanistan là Hồi Giáo chính thống, hệ phái Sunni. Hiến pháp này cũng ghi, các tôn giáo khác được hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp và không có luật nào được đi trái ngược với các nguyên lý và điều lệ của Hồi Giáo.
Nhìn lại lịch sử, các nhà khảo cổ tìm thấy vùng đất Afghanistan đã có con người sinh sống từ 50 ngàn năm trước. Afghanistan là nơi bị chiếm đóng của nhiều vương quốc khác nhau cho đến thế kỷ thứ 7, khi có Hồi Giáo du nhập thì bị người Ả Rập chinh phục. Vùng đất này bị người Ả Rập thống trị hoàn toàn trên tất cả các phương diện từ ngôn ngữ, văn hoá, giáo dục, kiến trúc,… Cư dân tại vùng Afghanistan đã chấp nhận sự ảnh hưởng này một cách rộng rãi và Afghanistan trở thành “đất của Hồi Giáo”.
Afghanistan trải qua nhiều cuộc chiến khốc liệt chống lại sự cải hoá của Tây Phương. Năm 1919, Afghanistan giành được độc lập từ người Anh. Những cởi mở về trang phục cho phụ nữ, trường học có lẫn lộn nam nữ, những người lãnh đạo tôn giáo không được nhúng tay vào chính quyền,… tất cả bị tước lại và Hồi Giáo trở lại kiểm soát Afghanistan. Khi có các phong trào xã hội chủ nghĩa trổi dậy được Liên Xô hậu thuẫn, đã cướp được chính quyền bắt đầu từ năm 1950. Nhưng rồi cuối cùng chủ nghĩa Hồi Giáo giành lại quyền kiểm soát vào năm 1992, Nga Xô phải rút lui.
Ngày nay, Hồi giáo cũng vẫn là quốc giáo ở Afghanistan. Quyền lực chính trị nằm trong tay các nhà lãnh đạo Hồi giáo, tự xưng là hệ phái chính thống. Luật pháp Afghanistan dựa trên Luật Sharia và được áp dụng nghiêm ngặt đối với tất cả công dân. Không có bộ luật nào dành cho những người không theo Hồi Giáo. Hồi Giáo chiếm ưu thế trong đời sống xã hội hàng ngày của người Afghanistan. Đa số người Hồi Giáo là tín đồ của hệ phái Sunni. Những ai không theo Hồi Giáo bị xem là ngoại đạo, gọi là “Infidel”. Nhiều hồ sơ ghi nhận có đến 99% người Afghanistan theo Hồi Giáo. Tuy nhiên, trong xã hội ở Afghanistan vẫn còn những người theo các đạo khác như Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Baha’i, Hindu,… chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Họ phải hoạt động trong bí mật. Số người này ngày càng ít đi và phải di tản đi các quốc gia khác.
Nguồn Gốc Hồi Giáo
Hồi Giáo do giáo chủ Muhammad (có khi viết là Mohammad) sáng lập. Muhammad sinh ra ở Mecca, Saudi Arabia (Ả Rập Saudi), khoảng năm 570, sau công nguyên. Những người theo Hồi Giáo tin rằng, Muhammad là vị tiên tri được Thượng Đế sai xuống thế gian để lập đạo.
Tương truyền, vào năm 610, trong khi Muhammad đang ngồi thiền định trong hang đá thì thiên thần Gabriel hiện ra và truyền cho Muhammad những lời dặn của Thượng Đế, được gọi là Allah. Muhammad tiếp tục nhận được những lời Mặc Khải của Allah qua thiên thần Gabriel, cho đến khi qua đời.
Từ năm 613, Muhammad bắt đầu đi rao giảng tín lý Hồi Giáo trong khắp thành phố Mecca những lời răn dạy của Allah đã trao cho. Năm 622, Muhammad cùng với các môn đệ rời Mecca đi đến Medina. Cuộc hành trình này được gọi là Hijra (hay Hegira), đánh dấu bắt đầu lịch Hồi Giáo. Bảy năm sau, Muhammad cùng các môn đệ quay trở lại và chinh phục toàn bộ khu vực Mecca. Muhammad tiếp tục cuộc rao giảng cho đến khi qua đời vào năm 632.
Kinh Quran
Sau khi Muhammad qua đời, người kế vị là Abu Bakr, là người hướng dẫn các môn đệ ghi chép và hệ thống hoá những lời rao giảng của Muhammad, làm thành Sách Thánh, gọi là Quran (hay Qur’an). Đây là Sách Thánh quan trọng của người Hồi Giáo, chứa đựng những lời dạy của Thượng Đế (Allah) qua thiên thần Gabriel mặc khải cho Muhammad, gồm có 114 chương. Có nhiều điều trong Quran giống với Sách Thánh của người Do Thái.
Lịch Hồi Giáo
Lịch Hồi giáo, còn được gọi là lịch Hijra, là một thứ âm lịch dựa vào mặt trăng, được sử dụng trong việc thờ cúng của Hồi Giáo. Lịch bắt đầu năm đầu tiên, tức là năm 622 sau công nguyên, kỷ niệm cuộc hành trình của Muhammad từ Mecca đến Medina.
Lịch Hồi Giáo liệt kê những ngày lễ của Hồi Giáo, bao gồm thời gian ăn chay và cầu nguyện được gọi là Ramadan, diễn ra trong tháng thứ chín của lịch Hồi Giáo.
Biểu Tượng Hồi Giáo
Không có một biểu tượng thống nhất cho Hồi Giáo. Tuy nhiên, một số các quốc gia Hồi Giáo đã sử dụng trăng lưỡi liềm và ngôi sao như là biểu tượng của Hồi Giáo trong quốc gia của họ. Trăng lưỡi liềm và ngôi sao cũng đã từng là biểu tượng của Đế Chế Ottoman.
Năm điều căn bản của Hồi Giáo:
- Shahada: tin vào Allah và Muhammad
- Salat: cầu nguyện năm lần một ngày (bình minh, trưa, chiều, hoàng hôn và buổi tối)
- Zakat: bố thí
- Sawm: ăn chay trong tháng Ramadan
- Hajj: hành hương đến Mecca ít nhất một lần trong đời
Luật Sharia
Hệ thống pháp luật của Hồi Giáo được gọi là Luật Sharia. Quy tắc ứng xử dựa trên đức tin của người Hồi Giáo về sinh hoạt của hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống.
Luật Sharia yêu cầu nam giới và phụ nữ phải ăn mặc giản dị. Nó cũng vạch ra các hướng dẫn về hôn nhân và các nguyên tắc đạo đức cho người Hồi Giáo.
Nếu phạm tội, luật Sharia có những hình phạt khắc nghiệt. Ví dụ: hình phạt tội ăn trộm là bị chặt tay. Ngoại tình có thể chịu hình phạt tử hình bằng hình thức ném đá. Có nhiều người Hồi Giáo không ủng hộ các biện pháp cực đoan này. Tuy nhiên, số người Hồi Giáo tại Afghanistan chấp nhận và tuân theo Luật Sharia vẫn là đại đa số.
Sinh Hoạt Hồi Giáo
Giáo chủ Muhammad được cho là người đã xây dựng nhà thờ Hồi Giáo đầu tiên ở Medina. Các đền thờ Hồi Giáo rập khuôn theo các nguyên tắc giống như Muhammad đã thiết lập vào năm 622 sau công nguyên.
Sự cầu nguyện của người Hồi Giáo thường được tiến hành trong đền thờ hoặc ngoài trời. Một góc nào đó trong đền thờ Hồi Giáo trưng bày biểu tượng và hướng về phía Mecca, cũng là nơi mà các tín đồ phải hướng đến, trong khi cầu nguyện.
Nam giới và phụ nữ cầu nguyện riêng, và có thể đến thăm đền thờ năm lần trong một ngày, cho mỗi buổi cầu nguyện. Ngoài việc tổ chức các buổi cầu nguyện, đền thờ Hồi Giáo cũng là nơi có những sinh hoạt tụ họp đông người.
Hồi Giáo Ngày Nay
Trong những năm gần đây, sự việc gắn liền tín đồ Hồi Giáo với chủ nghĩa khủng bố, giết người hàng loạt, đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị ở nhiều quốc gia. Thuật ngữ “Hồi Giáo Cực Đoan” gây nhiều tranh cãi và đã trở thành một khẩu hiệu nổi tiếng để mô tả mối liên hệ giữa Hồi Giáo với các hành vi bạo lực.
Một số người Hồi Giáo sử dụng đức tin của họ để biện minh cho chủ nghĩa khủng bố, trong khi nhiều người khác lại không đồng ý. Có trường hợp, chính Hồi Giáo lại là nạn nhân của các cuộc bạo lực. Theo các cuộc khảo sát gần đây, ở các quốc gia có đông người Hồi Giáo, nhóm người theo khuynh hướng cực đoan ISIS, dù là thiểu số nhưng lại là nhóm áp đảo. Trong Hồi Giáo có những tranh chấp chưa thống nhất, nhưng Hồi Giáo được xem là tôn giáo phát triển nhanh nhất, có thể sẽ vượt qua Thiên Chúa Giáo vào cuối thế kỷ này.
Taliban Là Ai?
Taliban, chữ Ả Rập có nghĩa là “học viên”, có khi viết là Taleban, là thành phần chính trị và tôn giáo cực đoan nổi lên ở Afghanistan vào thập niên 1990 sau khi quân đội Liên Xô rút lui, để lại sự đổ nát trong xã hội Afghanistan. Phong trào phục hưng gồm phần lớn các học viên được đào tạo trong các trường Hồi Giáo đã được thành lập cho những người tỵ nạn Afghanistan trong những năm 1980 ở phía bắc Pakistan. Vào năm 1994, Taliban nổi lên ở tỉnh Kandaha (miền Nam Afghanistan), nhân danh tái lập trật tự xã hội và nhanh chóng kiểm soát toàn miền Nam Afghanistan. Sắc tộc Pashtun ở miền Nam Afghanistan cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhóm Hồi Giáo bảo thủ ở ngoại quốc đã giúp Taliban tiến chiếm Kabul và kiểm soát toàn cõi Afghanistan.
Tuy nhiên, ngay trong Taliban chưa bao giờ có sự thống nhất. Các sắc tộc Tajik, Uzbek và Hazara thường xuyên chống lại sắc tộc Pashtun, bởi vì Pashtun bị xem là sự tiếp nối quyền bá chủ Pashtun truyền thống đã có trước kia. Đến năm 2001, Taliban kiểm soát được tất các các vùng đất của Afghanistan, ngoại trừ một phần ở phía Bắc Afghanistan.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới không công nhận chính quyền Taliban vì các luật lệ khắc khe dành cho phụ nữ và tôn giáo. Chỉ có Saudi Arabia, Pakistan, các Tiểu Vương Ả Rập công nhận chế độ Taliban. Phụ nữ ở Afghanistan dưới chế độ Taliban không được đi làm, không được đi học. Taliban phá bỏ các biểu tượng tôn giáo không phải là Hồi Giáo. Taliban cho phép các chiến binh Hồi Giáo trên thế giới lập căn cứ và ẩn náu tại Afghanistan, trong đó có các căn cứ huấn luyện của lực lượng al Qaeda do Osama Bin Laden lãnh đạo.
Osama bin Laden Là Ai?
Osama bin Laden sinh ra ở Saudi vào năm 1957 hoặc 1958, là người con thứ 17 trong một gia đình giàu có, gồm có 52 anh chị em. Osama bin Laden từng phục vụ trong quân đội Afghanistan từ năm 1979 đến 1989, là một nhà triệu phú, chủ trương chống lại tất cả những ai không theo đạo Hồi (Islam).
Bin Laden sử dụng hàng trăm triệu Đô la để tổ chức các đường dây trải rộng trên khắp thế giới, yểm trợ cho các nhóm khủng bố ở Afghanistan, Bosnia, Chechnya và Kenya. Năm 1991, bị truy lùng, bin Laden trốn ra khỏi Saudi Arabia, đến Sudan. Tại đây, Osama bin Laden bỏ ra rất nhiều tiền để tạo công ăn việc làm giúp đỡ những người cùng khổ. Đó là một trong những cách thiết lập đường dây.
Năm 1996, Sudan trục xuất tất cả những phần tử khủng bố, trong đó có Osama bin Laden. Đến Afghanistan, bin Laden nỗ lực nhiều hơn để thiết lập những trại huấn luyện, sản xuất những tay khủng bố cung cấp cho các đường dây trên thế giới.
Năm 1992, Osama bin Laden đưa ra tuyên cáo chống lại sự có mặt của Mỹ tại Saudi Arabia và Somalia. Đầu năm 1993, một toán quân do bin Laden huấn luyện đã phục kích giết chết 18 binh sĩ Mỹ ở Somalia. Trong một cuộc phỏng vấn, Osama bin Laden nói rằng:“Giết một người lính Mỹ hơn là phí thì giờ đi làm những việc gì khác”.
Năm 2004, Osama bin Laden nhận là người chỉ huy đánh sập hai toà cao ốc World Trade Center ở New York vào năm 2001. Tháng Năm – 2011, một toán đặc nhiệm đã đột kích và bắn chết bin-Laden nơi căn nhà ẩn náu, tại thành phố Abbottabad, thuộc Pakistan.
Al Qaeda Là Ai?
Ngay sau khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan năm 1979, Osama bin Laden xem đó là cuộc xâm lăng đất nước Hồi Giáo. Bin Laden bắt đầu đi gặp các nhà lãnh đạo kháng chiến Afghanistan và tiến hành các cuộc gây quỹ cho công cuộc kháng chiến. Đến năm 1984, các hoạt động tập trung ở Afghanistan và Pakistan, nơi Bin Laden hợp tác với Azzam để tuyển mộ và tổ chức các tình nguyện viên Ả Rập chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô. Bin Laden thuộc giòng họ giàu có đã đóng góp phần tài chính cho các hoạt động của al Qaeda. Lòng mộ đạo và sự dũng cảm đã tạo cho Bin Laden uy tín của một nhà lãnh đạo. Năm 1988, Bin Laden thiết lập hồ sơ trên máy tính lưu trữ danh tánh những tình nguyện viên Afghanistan, dẫn đến sự hình thành một mạng lưới chiến binh có tên là al-Qaeda (tiếng Ả Rập: “Căn Cứ”).
Năm 1989, sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, bin Laden trở về Saudi Arabia, được chào đón như một anh hùng. Nhưng không bao lâu thì bị chính phủ coi là một kẻ cực đoan, có thể là mối đe dọa về sau. Bin Laden tỏ ý muốn dùng lực lượng Al Qaeda để bảo vệ Saudi Arabia trước sự đe doạ của Iraq. Nhưng chính phủ Saudi Arabia từ chối, và dựa vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Bin Laden xem đó là sự xúc phạm rồi đi đến rạn nứt với chính phủ Saudi Arabia. Năm 1991, Bin Laden rời Saudi Arabia sang định cư ở Sudan.
Hoạt Động Khủng Bố của Al Qaeda
Kể từ đầu thập niên 1990, bin Laden và mạng lưới al-Qaeda bắt đầu xây dựng một chương trình đấu tranh bạo lực chống lại mối đe dọa của Hoa Kỳ đối với Hồi Giáo. Bin Laden công khai ca ngợi các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi Giáo nhắm vào người Mỹ, bao gồm vụ đánh bom năm 1993 vào World Trade Center (Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới) ở New York. Năm 1994, Bin Laden phát triển cơ sở al Qaeda ở Sudan và huấn luyện các chiến binh Hồi Giáo cũng như thực hiện các cuộc khủng bố trên khắp thế giới.
Saudi Arabia thu hồi quyền công dân và đóng băng tài sản của Bin Laden. Cho nên ông ta phải dựa vào các nguồn tài trợ từ bên ngoài Saudi Arabia.
Năm 1996, dưới áp lực quốc tế nặng nề, Sudan đã trục xuất Bin Laden, và ông ta phải trở về Afghanistan, với sự bảo vệ của dân quân Taliban. Lúc này Taliban đang cầm quyền tại Afghanistan. Cuối năm, Bin Laden đưa ra lời tuyên bố cuộc thánh chiến chống lại Hoa Kỳ, mà ông ta cáo buộc đang cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của thế giới Hồi Giáo, đang đánh chiếm bán đảo Ả Rập, bao gồm các thánh địa của Hồi Giáo. Mục tiêu của Bin Laden là lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến với Hồi Giáo nhằm xoá bỏ trật tự cũ và thiết lập trật tự mới với một nhà nước Hồi Giáo duy nhất (Islam State – IS).
Để đạt được mục tiêu này, al-Qaeda đào tạo các chiến binh và tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố. Năm 1998, bin Laden phát động một chiến dịch lớn hơn — các vụ đánh bom vào các toà đại sứ Hoa Kỳ ở Nairobi, Kenya và Dar es Salaam, Tanzania, giết chết 224 người. Hoa Kỳ trả đũa bằng một loạt hoả tiễn bắn vào các căn cứ của bin Laden ở Afghanistan. Một vụ đánh bom khác của al-Qaeda vào năm 2000 nhắm vào chiến hạm USS Cole, trong lúc đang neo tại một hải cảng ở Yemen, và giết chết 17 thủy thủ.
Sự lớn mạnh al-Qaeda do sức thu hút của bin Laden. Ông ta được hâm mộ do tài hùng biện, có khả năng vận dụng chiến lược và truyền thông điệp đến mọi giai cấp trong xã hội Hồi Giáo. Vào cuối thế kỷ 20, bin Laden đã có hàng ngàn chiến binh trải rộng khắp thế giới, nhiều nhất là ở Saudi Arabia (Ả Rập Saudi), Yemen, Libya, Bosnia, Chechnya và Philippines.
ISIS Là Ai?
ISIS hay ngắn hơn IS, là chữ viết tắt của Islam State in Iraq and Syria (Quốc Gia Hồi Giáo ở Iraq và Syria). Năm 2004, một nhóm Hồi Giáo được thành lập ở Iraq, có tên là al Qaeda in Iraq. Hai năm sau đổi thành Islam State in Iraq and Syria (ISIS) hay Islam State in Iraq and Levant (ISIL), chủ trương thành lập Quốc Gia Hồi Giáo ở Iraq và Syria, một thế lực duy nhất cai quản vùng đất Trung Đông bao gồm: Iraq, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine và một phần Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo của ISIS gồm những tay Hồi Giáo cực đoan khát máu, chủ trương chống lại Tây Phương và Hoa Kỳ, với đường lối giống với al Qaeda nhưng hành động tàn ác hơn rất nhiều.
Năm 2014, ISIS chính thức tuyên bố độc lập với al-Qaeda và có các biện pháp được dùng để củng cố quyền lực ở những vùng đất đã chiếm đóng. Hệ thống hành chánh trên lãnh thổ do ISIS cai quản trông giống như của Tây Phương, nhưng thay vì được thiết lập bởi ý niệm dân chủ thì ISIS có một Hội Đồng Xét Xử xem ai đáng bị chặt đầu.
Lãnh thổ bị ISIS chiếm đóng có các giếng dầu, là nguồn tài chánh nuôi sống ISIS. Phần lớn dầu thô được bán ở chợ đen cho bất cứ ai, có khi lợi nhuận lên đến 3 triệu Đô La mỗi ngày.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, và Cuộc Truy Đuổi Osama bin Laden
Năm 2001, sau khi 19 tay súng cùng với al-Qaeda dàn dựng các cuộc tấn công Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9-2001, đánh sập hai toà cao ốc World Trade Center ở New York, giết chết trên 3000 người, gây chấn động cho nước Mỹ và thế giới. Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ đã đồng lòng cùng với một lực lượng đồng minh tiến vào Afghanistan lật đổ chế độ Taliban và thiết lập chính phủ mới do Hoa Kỳ yểm trợ.
Vì cho rằng, kẻ chủ mưu là Osama bin Laden, nên tháng 12 năm 2001, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tấn công vào khu vực hang động Tora Bora để truy tìm Osama bin Laden. Osama bin Laden vắng bóng trước công chúng. Trong những năm tiếp theo, sự truy lùng vẫn tiếp diễn trong vùng biên giới Afghanistan-Pakistan. Tháng 10 năm 2004, bin Laden xuất hiện trong một video tự nhận đã chỉ huy trận đánh vào New York ngày 11 tháng 9-2001. Từ đó, bin Laden xuất hiện trong các băng âm thanh để gởi thông điệp cho các chiến binh Hồi Giáo và thách thức tổng thống Obama nếu Hoa Kỳ tiếp tục tấn công al Qaeda.
Đầu năm 2011, tình báo Hoa Kỳ bắt được nguồn tin bin Laden đang ẩn náu tại một căn nhà trên lãnh thổ Pakistan. Một cuộc đột kích được tiến hành bởi một toán đặc nhiệm, xâm nhập lãnh thổ Pakistan và tấn kích vào căn nhà bí mật ở thành phố Abbottabad, bắn chết Osama bin Laden. Xác của bin Laden được thuỷ táng ở biển sâu từ một hạm đội của Hoa Kỳ sau khi được tẩn liệm theo nghi thức Hồi Giáo. Al Qaeda gần như tê liệt sau khi thủ lãnh bị tiêu diệt.
Sau khi thanh toán thủ lãnh Osama bin Laden của al Qaeda, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh vẫn tiếp tục đóng quân trên lãnh thổ Afghanistan với hy vọng huấn luyện cho quân đội Afghanistan để có thể bảo vệ chính quyền và duy trì an ninh cho quốc gia Afghanistan.
Tuy nhiên, sự có mặt tại Afghanistan của người Mỹ và Tây Phương càng giúp cho Taliban và al Qaeda phát huy “chính nghĩa bảo vệ Hồi Giáo” và thổi lửa cho phong trào chống Thiên Chúa Giáo.
Tạm Kết Luận
Khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền tại Hoa Kỳ, ông đã nhìn thấy sự bế tắc nên tìm cách rút ra khỏi Afghanistan. Chính phủ Trump tiến hành cuộc điều đình với Taliban và buộc Taliban phải ngồi vào bàn hội nghị với chính quyền sở tại Afghanistan. Chương trình đang tiến hành tốt đẹp thì đảng Dân Chủ chiếm được lập pháp và hành pháp tại Hoa Kỳ. Sau khi vào Toà Bạch Ốc, Joe Biden lật ngược tất cả các kế hoạch và đường lối của Tổng thống Trump, trong đó có chương trình rút quân của Hoa Kỳ tại Afghanistan.
Cùng lúc, chính quyền Biden và đảng Dân Chủ gây sự xáo trộn ngay trong nội địa Hoa Kỳ qua các phong trào thiên tả AntiFa, Black Live Matter (BLM),… đòi bình đẳng trong xã hội, đòi xoá bỏ di tích văn hoá, thay đổi Hiến Pháp,… để có một xã hội mở rộng, chấp nhận tư tưởng của xã hội chủ nghĩa.
Bộ Ngoại Giao thời Biden đã đem không khí đòi bình đẳng màu da (BLM) và chuyển đổi giới tính (LBGTQ) sang đến Afghanistan. Đối với Hồi Giáo, vấn đề chuyển đổi giới tính là đi ngược lại với luật Hồi Giáo, không thể chấp nhận ở Afghanistan cũng như tất cả các quốc gia theo Hồi Giáo. Vấn đề đòi quyền bình đẳng màu da cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với người dân Afghanistan. Vậy sao Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho treo cờ 6 màu biểu tượng của phong trào đòi tự do về giới tính và cờ BLM đòi bình đẳng màu da, ngay trên nóc cao ốc của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Kabul? Hiện tượng này cho thấy Hoa Kỳ không đếm xỉa gì đến văn hoá và tôn giáo của người dân tại Afghanistan. Bao nhiêu năm xây dựng cảm tình của Hoa Kỳ đối với người dân Afghanistan, bỗng chốc bị đạp đổ. Uy tín của Hoa Kỳ đối với thế giới cũng không còn.
Với 20 năm ròng rã có mặt ở Afghanistan, Hoa Kỳ không thể không hiểu những điều căn bản này. Bởi vậy, người ta mới nói rằng, sự rút lui và bỏ mặt cho Taliban trở lại nắm quyền, và để lại tài sản to lớn, hơn 83 tỷ Đô La súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng, máy bay, tàu bè,… tất cả đã được đặt để trong kế hoạch rút lui, của đảng Dân Chủ Mỹ. Không thể là chuyện ngẫu nhiên!
Sơn Hà (tháng 9-2021)