Trần nguyên Thao
Chính sách “Make America Great Again” của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đang làm “thức tỉnh” khối Kinh Tế Chính Trị Âu Châu (EU) từng “ngủ quên” trong vòng tay “bảo bọc” của Mỹ từ sau Thế Chiến II. EU đang dự trù huy động nguồn tài chánh để 5 năm nữa, sẽ gánh vác chi phí quốc phòng dự trù đến 800 tỷ Mỹ kim, thay Mỹ bảo vệ EU khỏi mọi đe dọa từ Nga.

Mặc dù có sự thức tỉnh chiến lược trên toàn châu lục, nhưng khi chuyển sang hành động, EU cũng lâm vào hoàn cảnh “ông ngểnh, bà ngảng”. Từ vài tháng nay, An ninh quốc phòng bất ngờ trở thành nỗi ám ảnh của EU, các hoạt động ngoại giao đan xen như con thoi trên khung cửi: từ Từ Paris đến Luân Đôn, qua Bruxelles cùng với Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội 25 nước họp tại Anh Quốc; một loạt gặp gỡ rồi thượng đỉnh hội họp diễn ra giữa các nhóm nhỏ các nước bên trong và bên ngoài EU… Tất cả đều cùng có một mục tiêu là an ninh khu vực.
Từ tiền thân là Cộng Đồng Kinh Tế châu Âu (1957), Liên Minh Âu Châu (EU) là một thực thể chính trị, kinh tế và quân sự bao gồm 27 quốc gia thành viên trong diện tích khoảng 4 triệu rưỡi cây số. Với GDP (PPP) tính theo sức mua lên đến trên 15 ngàn tỷ Mỹ kim. Lợi tức trung bình đầu người khoảng gần 40 ngàn Mỹ kim. Liên Minh Châu Âu đã thông qua việc xóa bỏ biên giới để thuận lợi hóa việc di chuyển cho trên 500 triệu dân số bằng Hiệp Ứớc Schengen giữa 22 quốc gia thành viên và 4 quốc gia chưa muốn gia nhập. EU luôn đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, không chỉ trong lãnh vực thương mại, mà còn quan tâm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhân quyền, và hòa bình.
Hôm 19 tháng 3, TT Trump đưa gợi ý làm tan băng mối quan hệ Mỹ – Nga: mở đầu bằng các trận giao đấu khúc côn cầu của Mỹ, để qua đó bàn đến hủy diệt võ khí hạt nhân và mưu tìm hòa bình cho Ukraine được thương thảo trong những ngày trước mặt.
Ngay lập tức, Reuters dẫn thuật báo động của Nữ Chủ Tịch Ủy Ban EU, Ursula von der Leyen: Nga đang đẩy mạnh đáng kể khả năng sản xuất vũ khí hiện đại, chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với các nền dân chủ Âu Châu khi Hoa Kỳ chuyển hướng tập trung sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. (https://vanhoimoi.org/?p=24637)
Theo các nghiên cứu về an ninh tình báo thì vùng 3 quốc gia, gồm: Estonia, Latvia, và Lithuania có nhiều khu vực dân cư nói tiếng Nga. Cả 3 nước đều nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên sườn phía Đông của EU và NATO – tiếp giáp vớ Nga. Ông Putin hiện cho áp dụng nhiều “mưu chước” phi quân sự về tình báo tâm lý chiến, dò thám, quấy rối… Vùng 3 nước này có thể trở thành “mồi ngon” bị Putin nhóm ngó trong thời gian trước mặt! EU và NATO đang có những biện pháp để hỗ trợ và tăng cường an ninh cho cho khu vực này.

Hôm 20 tháng 3, thế giới hướng tầm nhìn vào thượng đỉnh Hội Đồng EU tại Bruxelles, chỉ để tìm kiếm quyết tâm cho bài toán bảo vệ 27 nước thành viên Liên Âu với chương trình “tái vũ trang” trong 5 năm dự chi 800 tỷ Mỹ kim để giảm lệ thuộc vào Mỹ, đồng thời tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ Nga.
Đánh giá bước đi mới của EU, các lãnh tụ trong khối hãnh diện rằng, “đây là thời điểm then chốt với an ninh EU” nhằm xác nhận với các nước trong khu vực về tương lai, sẽ chấm dứt bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ, điều mà người cầm đầu chính sách Ngoại Giao và An Ninh, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy Ban EU từ tháng 12 năm 2024, bà Kaja Kallas mô tả một cách văn vẻ là “sự đổi thay” trật tự thế giới từng thiết lập và hoạt động nề nếp từ 80 năm nay, sau Thế Chiến thứ II chấm dứt, tháng 9 năm 1945.
Sự đổi thay này cũng làm “xáo trộn” nếp sống bình ổn lâu đời, có thể khiến cho người dân trong khối phải “thắt thêm dây lưng” bớt “vui chơi hưởng thụ” để đồn tài lực vào tái võ trang. Giải pháp này khiến ngân sách khu vực phải tái phối trí các khoản chi thường niên. Chưa có tuyên bố chính thức nào đưa ra, nhưng không ít người Âu Châu có cảm tính “No Money No Honey” đối với chính sách “Make America Great Again” của TT Donald Trump. Trong khi phía ông Trump lại âu lo, sau bao năm hào phóng giúp nhiều nước, khiến Mỹ trở thành mắc nợ ngày một tăng. Đó là lý do hình thành mục tiêu “America Frist” để nước Mỹ bước vào thời hưởng ân huệ của lẽ công bằng.
Hôm 28 tháng 03 năm 2022, Nội Các Biden công bố ngân sách quốc phòng năm 2023 là 813 tỷ Mỹ kim, thì người đứng đầu Ngũ Giác Đài, Tướng Lloyd Austin, giải thích số tiền đó một phần dùng để chống các mối đe dọa từ Nga, khi cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine khởi đầu một tháng trước, 24 tháng 02 năm 2022.[1]
Tiêu hướng của chương trình tái vũ trang EU bảo đảm rằng, đến năm 2030, khối EU sẵn sàng khả năng gánh vác: Từ hệ thống phòng không và chống hoả tiễn; hệ thống pháo binh và đạn dược cho đến drone và chiến tranh điện tử. . . Ủy Ban EU đã liệt kê mọi lĩnh vực phải dần tự lập để thay thế nguồn lực của một số nước hoàn toàn lệ thuộc vào Hoa Kỳ, như: thiết bị phóng cho hàng không mẫu hạm, vận tải chiến thuật hàng không và tiếp nhiên liệu cho máy bay trên không.[2]

Đối mặt với thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh, 27 nước Liên Âu lên danh sách các ưu tiên để có thể cạnh tranh tốt hơn. Thượng đỉnh đồng ý rằng, phải thực hiện đơn giản hóa các thủ tục, quy định kể cả kinh tế, an ninh đến quốc phòng.
Hiện Ủy ban EU muốn thúc đẩy nền kinh tế Châu Âu bằng cách chuyển hướng tiền tiết kiệm của công dân sang đầu tư để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Khi thượng đỉnh EU bàn đến việc mở “hầu bao” để chi ra cho nhu cầu lớn nhất là an ninh, quốc phòng, thì lập tức xuất hiện “những phát biểu khác biệt” giữa một bên là các nước “thắt lưng buộc bụng” như Đức hay Hoà Lan. Với họ, không có chuyện mắc nợ thêm nữa để chi phí cho quốc phòng. Ngược lại, Pháp, Tây Ban Nha và Ý thì tỏ ra hào hứng với giải pháp vay mượn chung từ nguồn tài lực tư nhân.[3]
Chủ Tịch Ủy Ban EU, Ursula von der Leyen có thể không muốn báo chí đào sâu thêm những rạn nứt đang có, nên gần đây, dàn phóng viên săn tin ở EU gặp cảnh phong tỏa tin tức “ở mức độ bao vây thông tin chưa từng có”.
Hai quốc gia có ảnh hưởng trong EU là Anh và Pháp với quan niệm rằng: “Mọi thỏa thuận hòa bình đều phải có lực lượng bảo đảm an ninh” để phòng ngừa đe dọa từ Nga và kế hoạch này phải được sớm hoàn tất để sẵn sàng khai triển một khi Ukraine và Nga đạt thỏa thuận hưu chiến.
Anh và Pháp đang ráo riết trao đối để “định hình” kế hoạch bảo đảm an ninh, duy trì hòa bình tại Ukraine dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc. Telegraph, nhật báo có uy tín lớn tại Anh, được biết đến với lập trường chính trị bảo thủ dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho hay, dự án lập lực lượng EU duy trì hòa bình tại Ukraine, tổng thống Pháp đang đối mặt với nhiều phản đối từ phía các đảng đối lập trong nước cũng như từ phía một số đồng minh EU chủ chốt, như Ba Lan và Ý.
Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels vẫn còn đang tìm kiếm sự nhất trí về ngân khoản 5,4 tỷ Mỹ kim cấp đạn dược cho Ukraine trong năm nay, vì Pháp và Ý chưa đưa ra lời hứa nào.
Đến thời điểm này, có vẻ như EU đang phân tán tiếng nói về Trump’s Tariff: Hôm 16 tháng 3, Thủ tướng Pháp François Bayrou, qua tường thuật của Đài Phát Thanh nổi tiếng tại Pháp, France International, đã đặt vấn đề về quyết định của EU đánh thuế rượu bourbon của Mỹ: “Liệu có sai lầm đã xảy ra không? Có, có lẽ vậy, vì rượu bourbon Kentucky đã được đưa vào như thể đó là một mối đe dọa thương mại”. Ba ngày sau, 19 tháng 3, Reuters dẫn lời Thủ tướng Ý Giorgia Meloni phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, “Tôi không chắc việc đáp trả thuế quan của Hoa Kỳ bằng thuế quan của EU có phải là điều tốt không”. (https://vanhoimoi.org/?p=24637)
Khi “ông Tây bà Đầm” biện bạch thì đồng thời cũng giúp “ông Mỹ” nhận ra EU bị phân tán trong nghệ thuật đàm phán thuế quan. Trump giờ đây chỉ ngồi rung đùi để chờ điều chỉnh “Trump’s Tariff” sao cho đôi bên cùng có lợi.
Kinh tế gia và là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis, nhận đinh rằng: “Mục đích thực sự của Trump’s Tariff là gây sức ép, buộc các ngân hàng trung ương nước ngoài phải giảm lãi suất ở nước họ. Kết quả là đồng Euro, đồng Yên hay Nhân Dân Tệ sẽ yếu đi so với đồng Mỹ Kim. Điều này sẽ làm cho giá hàng hóa nhập cảng vào Mỹ không bị tăng lên, và mức giá mà người tiêu dùng Mỹ phải trả sẽ không thay đổi. Các quốc gia bị đánh thuế trên thực tế mới là người sẽ phải trả thuế của Trump”. (https://vanhoimoi.org/?p=24598)
Trần nguyên Thao
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60953233
[2]https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250320-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-t%E1%BB%95ng-tham-m%C6%B0u-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-30-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-h%E1%BB%8Dp-t%E1%BA%A1i-anh-qu%E1%BB%91c
[3] https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250321-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-bruxelles-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C3%A2u-%C3%A2u-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-chia-r%E1%BA%BD-v%E1%BB%81-t%C3%A1i-v%C5%A9-trang-v%C3%A0-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-cho-ukraina