Trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi cùng cả nước ra sức ngăn chận cuộc xâm lăng của Bắc quân trên cả ba mặt trận chính Quảng Trị, Komtum và Bình Long, các đơn vị và chiến sĩ KQVNCH đã tạo được nhiều thành tích chói ngời cho quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa góp phần quan trọng trong những chiến công giữ vững miền Nam. Tuy nhiên trong năm này Không Quân VNCH cũng phải chịu nhiều mất mát và một trong những cái tang gây nhiều tiếc thương cho cả trong lẫn ngoài Quân Chủng là sự ra đi của ĐạI Úy Trần Thế Vinh Phi Đoàn 518 Phi Long trên vùng trời Quảng Trị.

Đại úy Trần Thế Vinh sinh ngày 27-9-1946 tại Ninh Cường, Nam Định, Bắc Việt. Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954. Anh gia nhập Không Quân cuối năm 1964 khi đang theo học Đại học Luật Khoa.

đại uý Trần Thế Vinh

Sau khi mãn khóa hoa tiêu quan sát tại quân trường Nha Trang, Trần Thế Vinh được gửi theo học khóa phi công khu trục AD-6 tại Hoa Kỳ. Anh tốt nghiệp thủ khoa khi cùng học với nhiều phi công ngoại quốc khác. Được coi là một phi công “AS” sau các bậc đàn anh như Quốc, Chấn, Tế, Huề, Du . . . Về nước Trần Thế Vinh phục vụ tạI Phi Đoàn 518 Phi Long, bên cạnh những bậc đàn anh lừng danh qua những phi vụ Bắc phạt. Anh lần lượt mang cấp bậc Thiếu úy từ tháng 3 –1967, thăng Trung úy vào tháng 3-1969. Đại úy từ tháng 1-1972, giữ chức Phi tuần trưởng A-1 và từng được thưởng rất nhiều huy chương các loại, đáng kể nhất là những huy chương Anh Dũng và Phi Dũng Bội tinh các cấp cùng Chiến Thương Bội tinh.

Khi chiến cuộc vùng Trị Thiên sôi động vì Bắc quân vượt vĩ tuyến mở cuộc tấn công đại quy mô vào Quảng Trị. Ngày 01-4-1972 Phi đoàn 518 được biệt phái ra Sư Đoàn 1 KQ để trực tiếp yểm trợ cho các cánh quân vùng địa đầu giới tuyến, và ngay lập tức trần Thế Vinh hăng say tình nguyện tham dự tất cả các phi vụ không ngơi nghỉ bất kể thời tiết xấu như thế nào và phòng không địch đan kín bầu trời .

Ngày 2-4-1972 Trần Thế Vinh thực hiện phi vụ đầu tiên tại vùng giới tuyến, hạ 5 chiến xa Bắc quân ở phía bắc Đông Hà, phi cơ của anh bị trúng đạn phòng không 12 ly 7 bên cánh trái nhưng anh vẫn trở về căn cứ an toàn. Liên tiếp 3 ngày tiếp theo sau đó, ngày nào Đại úy Vinh cũng cất cánh bay và ngày nào cũng bắn hạ được xe tăng địch. Tổng cộng chỉ trong vòng 3 ngày 2, 3 và 4-7-1972 anh hạ tất cả 20 chiến xa Cộng quân, nhiều lần phi cơ bị trúng đạn phòng không nhưng anh vẫn trở về căn cứ an toàn.

Để động viên tinh thần chiến đấu của quân đội, bộ Tư Lệnh KQ/VNCH đã phối hợp với Cục Tâm Lý Chiến thực hiện một chương trình truyền hình về các chiến công của quân chủng phát trên đài truỵền hình quốc gia tại Sài Gòn vào hai ngày 7 và 8-4-1972. Trong chương trình này Thiếu tá Lê Phước Hùng, phi đoàn trưởng PĐ 518 đã giới thiệu Đại úy Trần Thế Vinh là phi công anh dũng và xuất sắc nhất của đơn vị. Ông hứa với khán giả rằng trong tuần lễ kế tiếp sẽ đưa ĐạI úy Vinh về giới thiệu trực tiếp với công chúng. Trong khi mọi ngườI hân hoan và nóng lòng chờ đợi được thấy mặt viên phi công anh dũng một mình trong ba ngày liên tiếp bắn hạ 20 chiến xa CS Bắc Việt tại Quảng Trị thì bất ngờ sáng ngày 9-4 ĐạI úy Trần Thế Vinh gãy cánh trong khi thi hành phi vụ khẩn cấp giải vây cho căn cứ Phượng Hoàng lúc ấy do Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ đang bị Cộng quân vây chặt và tấn công dữ dội bằng pháo binh, chiến xa và bộ quân.

chân dung anh hùng Trần Thế Vinh giữa Sài Gòn

Cùng Phi tuần viên Đại úy Phan Công Định, phi tuần trưởng Đại úy Trần Thế Vinh cất cánh rời phi trường Đà Nẵng vào lúc 8 giờ sáng Chủ nhật 9-4 trong lúc thời tiết rất xấu, trần mây rất thấp. Tầm nhìn xa không quá 50 mét khiến Đại úy Vinh đã quyết định áp dụng chiến thuật táo bạo là cả hai phi cơ bay rất thấp gần đến mục tiêu mới bốc lên cao và từ đó lách mây đâm xuống oanh kích để tạo yếu tố bất ngờ. Chiến thuật gan dạ nhưng đầy liều lĩnh này đã khiến địch quân không kịp trở tay và các chiến xa Cộng sản không thể tránh kịp phơi mình làm mục tiêu ăn bom và có 4 chiến xa trúng bom từ phi cơ của Đại úy Vinh ngay khi anh vừa đâm bổ xuống. Tuy nhiên vì xuống quá thấp, phi cơ của anh đã bị trúng đạn phòng không và bốc cháy không kịp bay ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đại úy Phan Công Định đã báo cáo phi cơ của Đại úy Vinh đâm xuống đất và không thấy có chiếc dù nào bay ra.

Đại úy Trần Thế Vinh, Chim Thiêng đã bỏ trời xanh, bỏ người tình, bỏ bạn bè . . . Chim Thiêng đã về ngàn. . . Vinh đã anh dũng hy sinh đền nợ nước khi tuổi đời chưa tròn 26. Anh ra đi trong sự xúc động của cả nước, từ dân đến quân, cả trong lẫn ngoài quân chủng. Chiến tích một mình trong một tuần lễ hạ 21 chiến xa địch đã khiến anh trở nên một huyền thoại có thực của Không Lực VNCH. Ngay sau đó chân dung Đại úy Trần Thế Vinh xuất hiện trên những tấm bích chương cổ động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của quân dân được trưng bày khắp mọi ngả đường trên toàn quốc. Chưa bao giờ hình ảnh và tên tuổi một phi công được nhắc đến với lòng tiếc thương yêu mến mãnh liệt như thế!

Đại úy Trần Thế Vinh sống mãi trong Quân Sử hào hùng của Không Quân VNCH và Quân Lực VNCH !

nguồn: Trúc Lâm Yên Tử