Việt Nam đã thực sư “lỡ nhịp” phục hồi kinh tế so với các nước trong vùng. Trong tháng 4 và tháng 5-2021, các nước thuộc khối ASEAN đã có những gói kích cầu kinh tế cao hơn Việt Nam. Sau 8 tháng “tìm tiền” cho đến nay, Việt Nam vẫn dậm chân ở giai đoạn “chuẩn bị” trình Quốc hội tại phiên họp bất thường vào dịp cuối năm về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Trong lúc thành phố Saigon, cái nôi của nền Kinh Tế, không còn khả năng góp cho Ngân Sách 365 ngàn tỷ như các năm trước. Nửa đầu năm 2021 Saigon còn thu 1.400 tỷ đồng mỗi ngày, qua tháng 7-8 chỉ còn 700 tỷ đồng mỗi ngày, đến tháng 9 giảm xuống còn 600 tỷ đồng mỗi ngày. Hiện nay kinh tế Saigon đang “tăng trưởng âm”.
Các biện pháp “Xét nghiệm – truy vết – cách ly”, nhằm kiểm soát COVID-19 do Việt Nam áp dụng từ sau 27/4/2021 được minh chứng là vô hiệu đối với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao. Hàng chục triệu con người phải cúi mặt chịu cảnh bị vây hãm trong không gian “mỗi đơn vị là một pháo đài chống giặc CoVid” được csVN tâm đắc như “sáng kiến của những bộ óc tài ba trí tuệ” áp dụng trong 153 ngày đã đem lại một thảm mây đen bao phủ toàn nền Kinh Tế Việt Nam cho đến cuối tháng 9, làm cho GDP toàn quốc âm 6,17% [1]. Hậu quả này đã tàn phá cái nôi của nền Kinh Tế Việt Nam là thành phố Saigon; lần đầu tiên trong lịch sử GRDP của saigon bị tăng trưởng âm 6,78% [2].
Hôm mùng 8/12 cùng lúc nhà cầm quyền Saigon nhìn nhận, không có sự chuẩn bị an sinh suốt thời gian giam hãm dân trong các “pháo đài chống Covid”, thì Tổ Chức CIVIUS Monitor, đưa ra bản nghiên cứu “People Power Under Attack 2021” cáo giác csVN là quốc gia trấn áp dân chúng một cách tùy tiện và bóp nghẹt quyền công dân bằng các quy định mơ hồ: “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng, dân tình lúng túng, chẳng biết đúng, sai”.
Thành phố Saigon chính thức cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 giảm mạnh 24,97% so với cùng kỳ. Theo Tổng Cục Thống Kê (TCTK), khu vực công nghiệp – xây dựng chịu tác động mạnh nhất, giảm 44,8%.
Trong gần hai năm qua, có lúc csVn huy động xe bọc thép, kẽm gai và đoàn ngũ động đảo quân nhân xông vào phía Nam vừa “răn đe” dân “ai ở đâu ở yên đó” vừa chống con CoVid vô hình, nhưng đành “bó tay” để CoVid-19 biến chủng Delta ngốn bay khoảng 847 ngàn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ Mỹ Kim của nền Kinh Tế Việt Nam. [3] Ước tính này là của ông Nguyễn thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế csVN xác nhận hôm 5/12 tại Hanoi.
Khi mọi hoạt động kinh tế bị gián đoạn, thì động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Cùng lúc ảnh hưởng trên sức khoẻ, kinh tế và đời sống tinh thần của người dân suy sụp.
Saigon những ngày trước mặt là cả một khung trời nhiễu loạn khó lường. Các thảm cảnh xã hội không thể hàn gắn, hàng ngàn vu trộm cướp lừa đảo bị phát hiện, cùng với nạn tham quan hống hách sẽ bừng dậy làm cho Saigon tan hoang hoa lệ, không còn là nơi mơ ước của bao con tim háo hức được ghé thăm Saigon một lần như thuở còn là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chánh Việt Nam có những đánh giá khác nhau về thực trạng của người dân và thị trường, họ chưa có cái nhìn “gặp nhau” về gói kích cầu.
Phe thì nói phải mạnh tay, nhanh hơn để không “lỡ nhịp”; kẻ lại nói phải rất thận trọng vì CoVid còn đang lây lan chưa thể kiểm soát. Hôm 09/12, Việt nam có 15.300 người bị CoVid chiếu cố, nâng tổng số ca lây nhiễm từ 27/4 là 1.361.198 người.
Cuối tuần đầu tiên của tháng 12, có đề nghị đưa ra gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế cho năm 2022-2023 chỉ ở mức hơn 445.000 tỷ đồng tương đương 5,48% GDP, thay vì quy mô 800 ngàn tỷ đồng tương đương 10% GDP như hồi đầu tháng 11. Dù là đề nghị gói kích cầu thấp hơn mong đợi, nhưng cũng chưa được giời thẩm quyền xác nhận.
Sự kiện nhì nhằng 8 tháng nay chỉ đưa ra được gói kích cầu Kinh Tế khiêm nhường chưa xác định, khiến thị trường chứng khoán (TTCK) “cảm được” tình thế không sáng sủa, nên phiên giao dịch hôm 3/12 kết thúc trong “màn đen” bao phủ, chỉ số VN-Index bốc hơi gần 39 điểm về mốc 1.443, tương đương 2,61% thổi bay thành quả tăng giá của tháng 11-2021. Nhưng, thực tế này đã kéo nhiều loại cổ phiếu về lại mặt bằng phù hợp hơn cho những “tín đồ” nhiệt thành theo đuổi thị trường chứng khoán.
Giới Tài Chánh Việt nam đang ưu tư về việc cơ quan FEB của Hoa Kỳ sẽ tăng lãi xuất, khi đó dòng tiền ở TTCK Việt Nam thuộc khối ngoại sẽ tháo chạy rất nhanh để tìm về nơi có lãi suất cao hơn. Lúc đó cũng là thời điểm “cơ thể kinh tế Việt Nam” rơi vào tình trạng “mất máu”.
Những người theo trường phái “thận trọng” thì chưa “thất vọng” khi quy mô gói kích thích không nhiều như dự kiến ban đầu, đặc biệt là quy mô gói hỗ trợ lãi suất.
Còn môn phái “lạc quan” thì cho rằng dù quy mô bị giảm đi nhưng việc có gói kích thích vẫn là thông tin tốt. Ngoài ra mặt bằng lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức thấp là nền tảng cho dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Do vậy môn phái lạc quan cho rằng “thất vọng” nếu có cũng chỉ tạm thời. [4]
Từ rất sớm, tháng 3/2020 csVN đã công bố giải pháp tổng thể chống dịch Covid19, bao gồm: Gói chính sách tiền tệ trị giá 250 ngàn tỷ đồng (trên 10 tỷ Mỹ kim) để cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp; Gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62 ngàn tỷ đồng (2.7 tỷ Mỹ kim); Gói chính sách tài khóa trị giá 180 ngàn tỷ đồng (tương đương 8 tỷ Mỹ kim) gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.
Về gói 250 ngàn tỷ đồng không phải lấy trực tiếp từ nguồn Ngân Sách Nhà Nước mà là nguồn vốn của các ngân hàng hoạt động trên nguyên tắc thương mại. Nhà Nước không bảo đảm rủi ro tín dụng. Như thế tạo gánh nặng cho khối Ngân Hàng Thương Mại đang có nợ xấu tăng gấp đôi năm ngoái.
Còn gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết tính tới ngày 20/5/2020 đã hoàn thành thống kê được 15,8 triệu người thuộc đối tượng chi trả và mới chi hỗ trợ được khoảng 17,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 28%. [5]
Kết quả từ các gói kích thích hỗ trợ tài chính của csVN được mô tả như như “vài viên xuyên tâm liên trao cho bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch vành tim cần phải giải phẫu”. Bệnh nhân thập tử nhất sinh, nhưng thấy thuốc đanh “bó tay”.
Theo thông tin từ Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT), tính tới thời điểm này, quy mô giải ngân tổng cộng từ mọi gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 2,85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển: Australia 19%, Ấn Độ 8,6%, Đức 39,3%, Malaysia 16,3%, Indonesia 7,9%, Nhật Bản 56,1%, Hoa Kỳ 26,5%, Pháp 23,8%, Vương quốc Anh 17,8%, Thái Lan 10%, Trung cộng 4,7% và Ý 37,7%.
Lướt qua tình thế và các diễn tiến từ nhiều tháng nay cho thấy, ưu tư của giới điều hành công kỹ nghệ đề nghị 250 ngàn tỷ đồng, hay thành phố Saigon xin 410 ngàn tỷ đồng để cứu Kinh Tế đều không có hồi đáp. Đến tháng 11/2021 Bộ KH&ĐT đề nghị gói kích cầu Kinh tế 800 ngàn tỷ đồng, thì Quốc Hội nói không nhận được văn bản chính thức. Như thế, mọi công bố trên truyền thông đều chỉ là “bánh vẽ” để mua thời gian.
Giới chóp bu csVN biết rõ Ngân Sách chi cho các mục thương xuyên và trả lương cho hai hệ thống cán bộ đảng và Nhà Nước song hành năm nào cũng bội chi hàng trăm tỷ. Nợ công năm nào cũng tăng. CsVN không có dự trù tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước khác, không có khoản tiền nào dự phòng cho các trường hợp quốc gia lâm nguy cần tiền chi khẩn cấp như các nước lân bang dẫn chứng ở trên.
Tháng 5-2021, báo Nhà Nước khoe là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức 105 tỷ Mỹ kim. Hiện nay, theo thống kê tháng 10-2021 của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đang nắm giữ hơn 39 tỷ Mỹ kim trái phiếu chính phủ Mỹ. [6] Con số này đã tăng lên gấp 6 lần trong giai đoạn từ đầu năm 2012 đến nay. Việt Nam cần 3 tháng dự trữ an toàn ngoại tệ cho nhu cầu nhập cảng, mỗi tháng khoảng 27 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra, tiền trả nợ gốc + lãi năm ngoái đã là trên 16 tỹ Mỹ kim. Tính ra, Việt Nam không còn Mỹ kim để chi tiêu cho việc khác.
Trên 8 tháng trước, hôm 11-4-2021, nhóm chuyên gia Tài Chánh được coi là hàng đầu của chế độ đã “dạo đàn” đòi nới trần nợ công để tìm vay từ 500-800 ngàn tỷ đồng [7]. Quan niêm này bị Bộ Tài Chánh bác khước vì vướng phải khuyến cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) “Nếu quốc gia nào phải trả nợ lãi và gốc hàng năm vượt quá 25% tổng thu ngân sách thì nước đó sẽ không còn cơ hội để tăng trưởng nữa. Dân Tộc đó sẽ “bước vào vòng luẩn quẩn đói, nghèo”. Việt Nam ngay từ năm ngoái, mức trả nợ lãi và gốc đã chiếm tới 27,3% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài Chánh nói, “Ngân Sách đang gặp khó khăn, nếu muốn có gói hỗ trợ thêm thì vẫn phải đi vay. Vay nhiều, chi lắm thì lạm phát cao, lúc đó lại phải tăng lãi suất, sản xuất lại giảm đi”.
Trong trường hợp csVN vay được tiền hay in tiền cho gói kích thích Kinh Tế lần này, dự kiến ở mức 445 ngàn tỷ đồng, bằng 5,48% GDP là việc làm gần như “đội đá vá trời”.
Mặc dù hôm 3-12 Mỹ chưa dán nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam. Nhưng Việt Nam in thêm tiền cũng vẫn có thể khiến Mỹ nhìn lại 3 ngưỡng Việt Nam đã vi phạm: thặng dư thương mại, tài khoản vãng lai và can thiệp tỷ giá hối đoái, đủ yêu tố để bị thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Việt nam có đủ lượng lớn tiền để bơm ra hỗ trợ doanh nghiệp thì giải pháp nào nhằm kiểm soát lạm phát, trong lúc giá cả nhiều mặt hàng ngoài thị trường đã tăng rất cao là một vấn đề csVN chưa thấy có giải đáp.
Trần Nguyên Thao
09 Dec
Tham khảo
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58737001
[2] https://cafef.vn/lan-dau-tien-trong-lich-su-kinh-te-tphcm-tang-truong-am-678-20211201173549603.chn
[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnam-s-economy-estimated-to-lose-37-billion-due-to-covid-19-pandemic-12072021073234.html
[4] https://vneconomy.vn/xu-the-dong-tien-thi-truong-co-that-vong-voi-goi-kich-thich.htm
[5] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52859947
[6] https://vietnambusinessinsider.vn/bao-my-cong-bo-viet-nam-la-chu-no-lon-thu-32-cua-my-voi-khoan-no-hon-39-ty-usd-a23992.html
[7] https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te/tien-o-dau-cho-goi-kich-thich-kinh-te-98236.html