Vann Phan (đã đăng trên nhật báo Người Việt – www.nguoi-viet.com)
Khi nói đến những chiến công cùng những đóng góp to lớn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào nỗ lực duy trì sự tồn tại của chế độ tự do, dân chủ tại miền Nam Việt Nam và luôn cả dòng sinh mệnh của dân tộc Việt Nam, người ta vẫn hay quên đi hoặc ít khi nhắc tới công lao của các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân.
Tuy nhiên, chính họ là lực lượng đã được giao phó trách nhiệm phòng thủ an ninh diện địa, mà trên lý thuyết cũng như trên thực tế, là đối tượng phải hứng chịu phần lớn gánh nặng của cuộc chiến. Điều này có nghĩa là Địa Phương Quân và Nghĩa Quân luôn phải hy sinh nhiều hơn và, vì được trang bị yếu kém hơn, đã phải chịu tổn thất nhiều hơn so với các quân, binh chủng khác trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Rồi khi toàn thể quân đội đó bị báo chí truyền thông phản chiến Mỹ và các sử gia thiên tả đánh giá thấp một cách oan uổng giữa lúc họ đang trên đà chiến thắng quân Cộng Sản – sau khi kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh được khởi sự hồi cuối thập niên 1960 – các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, dĩ nhiên, càng dễ bị coi là những chiếc bóng mờ trên các chiến trường gai lửa và ác liệt hồi năm 1972, cỡ Quảng Trị, An Lộc, Kon Tum, và cả Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Sản Bắc Việt.
Nhưng những hy sinh xương máu cùng những chiến công gần như hằng ngày của Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, trong thập niên sau của nền Cộng Hòa, lúc chiến tranh đạt đến cao điểm tại miền Nam Việt Nam, đã là những sự thật không thể nào bỏ qua trong quân sử Việt Nam Cộng Hòa. Trong số hàng trăm trận đánh khốc liệt với Cộng Quân mà các lực lượng an ninh diện địa này từng tham dự từ Quảng Trị cho tới Cà Mau, phải kể đến các trận đánh hào hùng tại căn cứ Dak Seang ở Kon Tum hồi năm 1971 và Võ Đắc ở Bình Tuy hồi cuối năm 1974 và đầu năm 1975. Diễn tiến cũng như kết quả của các trận đánh nói trên đã được chính những chiến binh tham dự ghi lại qua các hồi ký được viết ra sau khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc. Đó là bài viết nhan đề “Vĩnh Biệt Dak Seang” của Trường Sơn Lê Xuân Nhị trên trang mạng vnafmamn.com và bài phỏng vấn cựu Đại Úy Lê Phi Ô trên nhật báo Người Việt hồi Tháng Hai, 2020.
Trận Dak Seang
Dak Seang là một ngọn đồi chiến lược nằm sát biên giới Lào của tỉnh Kon Tum, bao gồm Căn Cứ A-245 – mà trước năm 1970 do Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ trấn đóng và sau đó được chuyển giao do Tiểu Đoàn 95 Biệt Động Quân Biên Phòng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – cùng các tiền đồn lân cận do các đơn vị Địa Phương Quân Kon Tum chịu trách nhiệm phòng thủ. Căn cứ này là chốt chận huyết mạnh quan sát mọi cuộc chuyển quân và súng ống, đạn dược cũng như đồ tiếp liệu từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam qua Đường Mòn Hồ Chí Minh để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản. Nhằm nhổ đi cái gai nhọn trước mắt này, các đơn vị chính quy cấp trung đoàn thuộc Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Chiến Dịch Dak Seang của Cộng Sản Bắc Việt, phối hợp với quân du kích địa phương, đã thực hiện cuộc tấn công vào Dak Seang trong những ngày đầu Tháng Tư, 1970, chủ yếu nhắm vào Căn Cứ A-245 và một tiền đồn do các chiến sĩ Địa Phương Quân phòng thủ ở gần đó.
Trận đánh không cân sức này giữa bộ đội Cộng Sản và các chiến sĩ Địa Phương Quân trong tiền đồn nói trên, do hoàn cảnh chiến sự đưa đẩy, đã được Trường Sơn Lê Xuân Nhị, một phi công quan sát và không yểm của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và cũng là tác giả bài viết, nghe được qua các liên lạc vô tuyến và đích thân chứng kiến từ trên không lúc cuộc vây hãm và tấn công của địch vào đồn đã tiến vào những giờ phút quyết định. Khi các lực lượng tấn công sắp sửa tràn ngập đồn, vị trưởng đồn đã yêu cầu các phản lực cơ F-4 Phantom của Không Quân Mỹ hãy đánh bom thẳng vào đồn thay vì chỉ thả bom yểm trợ bên ngoài vòng rào, để họ và các chiến sĩ Địa Phương Quân đang tử thủ cùng chết với lực lượng Cộng Sản có quân số đông gấp bội phần. Sau khi phải bất đắc dĩ thi hành nhiệm vụ, các phi công Mỹ cũng ngậm ngùi đồng ý với các phi công Việt Nam rằng đây là một Alamo thứ hai trong chiến tranh, ý muốn nhắc đến trận đánh bi hùng tại Alamo, Texas, vào năm 1836, khi hơn 100 binh sĩ trú phòng của Cộng Hòa Texas (lúc chưa gia nhập Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ) bị các lực lượng Mexico bao vây và tiêu diệt nhưng quân trú phòng đã tử thủ và chiến đấu cho tới viên đạn cuối cùng chứ không một ai đầu hàng quân địch.
Sau đây là lời kể của Trường Sơn Lê Xuân Nhị vào lúc các chiếc F-4 đang dội bão lửa xuống đầu giặc sát hàng rào phòng thủ của đồn Dak Seang theo lời hướng dẫn mục tiêu của các phi công Không Quân Việt Nam:
“Đang đánh [bom] ngon lành thì tôi nghe tiếng gọi từ dưới đất:
-Bạch Ưng (phi cơ quan sát), đây Thạnh Trị (trưởng đồn).
Giọng nói lúc này không có vẻ hốt hoảng mà bình tĩnh lạ thường.
Anh Ngọc (phi công Bạch Ưng) bấm máy:
-Nghe bạn 5, cho biết tình hình đi bạn.
-Tôi yêu cầu Bạch Ưng cho đánh ngay vào trong đồn.
Cả hai chúng tôi giật nẩy mình, chỉ hy vọng là mình nghe… lộn. Chúng tôi sững sờ không trả lời được. Người chỉ huy phía dưới đất xác nhận lại:
-Bạch Ưng, tôi xác nhận lại, tôi xin bạn đánh xuống đầu tôi.
-Bạn nói bạn xin đánh thẳng vào đồn?
-Đúng 5. Hết hy vọng rồi bạn ơi Cứ đánh vào đây để tụi nó chết chùm luôn với chúng tôi.
-Bạn suy nghĩ kỹ chưa?
Giọng nói dưới đất lúc này nghe có vẻ hết kiên nhẫn:
-Không còn lựa chọn nào khác bạn ơi. Bạn đánh lẹ giùm. Chúc bạn may mắn. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà bạn…
Đó là những tiếng nói cuối cùng mà tôi nghe được từ đồn Dak Seang “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.” Anh Ngọc hốt hoảng gọi máy về xin chỉ thị Quân Đoàn. Quân Đoàn trả lời phải xác nhận với đồn Dak Seang một lần nữa rồi cho biết kết quả.
Người phi công Hải Quân Mỹ vừa kéo con tàu lên sau một loạt tấn công cũng bối rối không kém:
-Roger! Sir. Did you say… right on it? Over.
-Yes, sir, it’s all over. I said you salvo right on it. Over.
-Roger, sir. I understood, sir. Over.
Chỉ có vậy thôi, đồn Dak Seang biến thành một biển lửa sau hai đợt bom salvo của mấy chiếc Phantom… Bay cách dó chừng 5 cây số với cao độ chừng 5 ngàn bộ mà con tàu tôi như rung lên dưới tiếng nổ và sức ép khủng khiếp của mấy chục trái bom 500 cân Anh nổ một lần. Làm sao còn ai sống sót sau cơn tàn phá khủng khiếp này?
Dưới trời chiều nắng tắt, trông hợp đoàn Phantom như hai con chim hải âu ủ rủ lượn từng vòng quanh xác chết của đồng loại. Sau khi nhận kết quả oanh kích của anh Ngọc, giọng nói xúc động của phi tuần trưởng Phantom vang lên:
-Sir, may I reach out across the fires and destructions of today to tell you this: These people down there have fought like men and have gone in honor.
Giọng anh Ngọc run run nghẹn ngào:
-Yes, sir, they have gone in honor. That was an Alamo by all means, sir. An even greater Alamo than ours. Over.”
Vann Phan