_________________________

Công cuộc vận động đã khởi đầu

Từ lâu, nghe nói nhiều đến LM Trương Bửu Diệp, nhưng vì quá bận việc gia đình và những sinh hoạt ngoài xã hội, cá nhân tôi chưa rõ bao nhiêu về nhân thân cha .

Cho đến khi thấy trên các tờ báo Việt ngữ trong cộng đồng nối tiếp đăng hình ảnh cha kèm theo những lời Tạ Ơn của hàng chục, thậm chí hàng trăm độc giả nhận được Ân Ban của Chúa sau khi cầu nguyện với ngài, tôi bắt đầu tìm hiểu.

Đây cũng là lúc tôi hay tin từ nhiều năm qua, Giáo Hội Công giáo Việt Nam đã bắt đầu thu thập những chứng tích cha Phanxicô chết vì đạo để đệ trình Vatican tuyên Thánh cho ngài. Ngoài ra, một cơ cấu có danh xưng Hội Báo Trợ Án Tuyên Thánh cha Phanxicô Xaviê Trương Bủu Diệp cũng đã được thành lập tại Giáo phận Orange. Linh Mục Tuyên Úy Hội là cha Vincent Phạm Ngọc Hùng, Giám Đốc Trung Tâm CGVN.

Dĩ nhiên, công việc thu thập những chứng tích liên quan tới cái chết vì đạo của cha Diệp không phải là một công việc dễ dàng trong thời điểm hiện nay khi mà mọi thế lực vô thần gian ác luôn tìm mọi mưu thâm kế độc để chống phá niềm tin Kitô Giáo.

Đôi nét về cuộc đời cha Phanxicô Xaviê

Trước khi đi sâu vào vấn đề, người viết xin lược qua tiểu sử LM Trương Bửu Diệp.

Cha sinh ngày 01 tháng 01 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước, thuộc làng Tấn Đức; nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860 – 1935), mẹ là bà Lucia Lê Thị Thanh.

Cậu bé được Linh mục Giuse Sớm rửa tội ngày 2 tháng 2 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước và lấy tên Thánh là Phanxicô Xaviê. Năm 1904, lúc lên bảy tuổi mẹ mất, cậu Diệp theo cha đến Battambang (Campuchia) sinh sống bằng nghề thợ mộc.

Hai năm sau (1909), Linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa cậu vào tu tập tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Sau đó, thầy Diệp học triết và thần học tại Đại chủng viện Nam Vang (Campuchia); vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.

Năm 1924, thầy Diệp thụ phong Linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Sau đó, cha được bổ nhiệm làm Linh mục phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal (Campuchia). Năm 1927 cha Diệp trở về nước và được bổ nhiệm giảng dạy tại Chủng viện Cù Lao Giêng.

nến

Tháng 3 năm 1930, cha về nhận nhiệm sở tại Họ đạo Tắc Sậy. Với lòng nhiệt thành lo việc mở mang Nước Chúa, tại đây, ngài đã thiết lập được 8 Giáo điểm, bao gồm: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Trong hai năm 1945 – 1946, chiến tranh loạn lạc diễn ra triền miên khiến nhiều giáo dân phải di tản. Linh mục bề trên là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cùng lên tiếng khuyến cáo và kêu gọi Linh mục Trương Bửu Diệp tạm rời xứ đạo đến nơi an toàn, khi nào tình hình yên ổn sẽ trở về, nhưng cha một mực từ chối. Cha nói:

“Tôi sống giữa đoàn chiên, nếu chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu cả.”

Song song với những tin đồn mâu thuẫn khác nhau, nguồn tin lưu truyền trong nhân gian ở Nam Bộ cho hay, ngày 12 tháng 3 năm 1946, Linh mục Trương Bửu Diệp bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Gừa. Họ chất rơm chung quanh với mưu tính nổi lửa thiêu sống mọi người, nhưng Linh mục Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha đã cố gắng để cứu giáo dân của mình, nhưng cuối cùng đã bị kẻ ác giết.

Dù khó, cuộc vận động vẫn tiếp nối trong Niềm Tin

Như đã đề cập, việc thu thập chứng từ cho việc Tuyên Thánh cha Diệp không dễ, vì đất nước chúng ta hiện đang bị áp đặt dưới sự khống chế của chủ nghĩa độc tài, vô thần cộng sản, mà cái chết thảm khốc của cha Diệp lại xảy ra vào thời kỳ nhiễu nhương, tranh tối tranh sáng ở miền Nam do sự thao túng của bọn tay sai thực dân Pháp và mưu toan quấy phá của các đơn vị du kích thuộc Mặt Trận Việt Minh khi ấy chủ trương. Vin vào tình trạng hỗn loạn trong những năm 1945/1946, trước sự kiện đồng bào trong nước tỏ lòng ngưỡng mộ cha Diệp, đã có những mưu toan tung tin đồn để gây hoài nghi trong dân chúng quanh cái chết bí ẩn của cha.

Có giả thuyết đưa tin cha Trương Bửu Diệp bị Tây sát hại, vì ngài không chịu hợp tác với chúng. Lại cũng có tin trái ngược là Cha Diệp làm việc choTây nên bị đồng bào yêu nước căm ghét tìm cách sát hại. 

Cũng có luận cứ cho rằng vì mâu thuẫn trong niềm tin tôn giáo, một giáo phái ở địa phương đã mưu toan giết cha. Tuy nhiên những tin đồn như thế đều không nêu ra được bằng chứng nào giá trị có khả năng thuyết phục được công luận. Ngay cả đến câu hỏi là ai và giáo phái nào đã sát hại cha, cũng không ai trả lời được.

Nhà thờ Tắc Sậy khám phá công trình ấn tượng tại Bạc Liêu năm 2021

Trong khi ấy, dư luận quần chúng Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước, không phân biệt tôn giáo càng ngày càng tỏ ra tin tưởng là cha Phanxicô đã được hưởng vinh phúc trên Thiên Đường nhờ tâm tình đạo đức, dấn thân phục vụ Chúa, lo lắng, chăm sóc đoàn chiên của cha. Dựa vào bằng chứng qua sự kiện hàng trăm, hàng ngàn người Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo xác tín rằng họ đã nhận được Ơn Lành do Lời chuyển cầu của cha lên Thiên Chúa, hướng suy nghĩ và tìm hiểu về căn nguyên cái chết đau thương của cha Diệp ngày càng sáng tỏ.

Được biết, năm 1969, hài cốt linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được cải táng về khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy, là nơi cha phục vụ trong 16 năm, đồng thời là linh mục chánh sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy. Ngày 4 tháng 3 năm 2010, hài cốt của ngài lại được cải táng lần nữa, nhưng chỉ cách chỗ cũ khoảng hơn chục mét, và cũng ở trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy.

Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên Quốc lộ 1A (tuyến Bạc Liêu – Cà Mau), thuộc Giáo phận Cần Thơ, và nằm trên địa bàn của xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Nhà thờ có từ lâu đời, nhưng trước đây chỉ là một kiến trúc nhỏ hẹp và lợp tôn. Để nhà thờ và phần mộ linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được an nghỉ trong khuôn viên tôn nghiêm và khang trang hơn, ngày 24 tháng 2 năm 2004, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức. Về sau, nhờ giáo dân và khách thập phương ủng hộ, nay khu nhà thờ mới có tên là Thánh đường Tắc Sậy đã hoàn thành trên diện tích rộng rãi, khang trang hàng ngàn mét vuông.

Ánh Sáng Hy Vọng bùng lên ở cuối đường hầm

Trong bài viết công bố nhân lễ giỗ thứ 75 cha Trương Bửu Diệp tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo phận Orange ngày 13-3-2021, LM Roland Jacques OMI (tên Việt Nam là Dương Hữu Nhân) Cộng Tác Viên Ngoại vụ của Bộ Tuyên Thánh thuộc Giáo Triều Roma cho hay, cha đã hoàn tất một công trình nghiên cứu công phu về ngài.

Trong bài, cha Dương Hữu Nhân (Rolamd Jacques) viết:

“Dưới sự hướng dẫn của Tòa thánh, tôi đã soạn xong bản tiểu luận về đời sống và cái chết của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Năm nay, nhân dịp lễ giỗ thứ 76 này, chính ngài đã gửi từ trời cao đến chúng ta một dấu hiệu nho nhỏ tràn đầy hy vọng. Dấu hiu đó là: Tòa thánh đã tạm thời chấp nhận công trình nghiên cứu của tôi. Văn bản ấy đã trở thành một cuốn sách dày gần 400 trang, khổ lớn, đóng bìa cứng màu đỏ; và tạm thời in ra 16 bản.

Bây giờ Tòa Thánh, nhân danh ĐứcThánh Cha, sẽ xem xét nội dung tiểu luận trên.

Trên thực tế, một vài cuốn đang ở trong tay các thành viên thuộc hội đồng sử gia (tạm giấu tên). Họ có trách nhiệm lượng định giá trị của tiểu luận này đối với lịch sử.

Sự thật về trường hợp cha Diệp có chính xác không? Có đủ chứng cớ khả tín không?

Nếu hội đồng sử gia đánh giá khả quan, Tòa thánh sẽ chuyển các cuốn tiểu luận này đến hội đồng thần học, gồm 9 thành viên khuyết danh. Nơi đây họ sẽ quyết định xem Cha Diệp chết như thế nào? Chết như một nạn nhân chiến tranh? Chết vì vấn đề chính trị? Hoặc chết vì vấn đề tiền bạc hay tài sản sở hữu v.v…?

Nếu không rơi vào những trường hợp nêu trên thì có phải Ngài có thể được coi như đã «chết vì đạo», như chúng ta tin tưởng?

Có phải cha Diệp đã chết để đi theo Chúa Giêsu lên núi Canvê ; chết vì đoàn chiên mà Chúa thương phó thác cho Ngài?

Hy vọng vào khoảng lễ giỗ thứ 77 (tháng 3-2023), các vị chuyên môn thần học sẽ trình lên Đức Giáo Hoàng kết quả việc nghiên cứu, để chính Đức Thánh Cha có thể ký sắc lệnh công bố rằng Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp thực sự là một vị Tử Đạo.

Những tiết lộ trên đây của cha Roland Jacques (Dương Hữu Nhân) đã thổi vào cộng đồng Công Giáo Việt Nam Giáo phận Orange, nơi có trụ sở Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh LM Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và nói chung tập thể người Công giáo tị nạn khắp nơi trên thế giới cũng như toàn Giáo Hội quê nhà, một niềm hy vọng chứa chan.

Trên cương vị giáo dân chúng ta phải làm gì lúc này?

Kinh nghiệm quá khứ ngót 40 năm trước, khi cuộc vận động Tòa Thánh tuyên phong 117 vị Tử Đạo Việt Nam trong những thế kỷ trước lên hàng Hiển Thánh, Giáo Hội Việt Nam đã phải đối diện với biết bao khó khăn, trở ngại lớn lao như thế nào mọi người đều biết. Nhưng cuối cùng, niềm Tin-Cậy-Mến của chúng ta đã thắng. Bất chấp những chống đối, bôi nhọ, đánh phá không ngừng nghỉ của cả một guồng máy sắt máu vô thần cộng sản Việt Nam, năm 1986, đại lễ Tuyên phong 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam đã long trọng diễn ra tại Công Trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của cố Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Để có được niềm vui ấy, chắc chắn không hệ tại ở sức người mà chính là nhờ Ơn Chúa qua sự phù trợ củaTrinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse.

Từ kinh nghiệm quý giá ấy, trong công cuộc tìm kiếm những chứng tích cụ thể cho thấy cái chết đau thương của cha Phanxicô 76 năm trước là cái chết của vị tử đạo, chúng ta, những tín hữu của Chúa Kitô cũng không có con đường nào khác là phải gia tăng lời Cầu Nguyện sáng tối. Ngoài lời cầu nguyện, kẻ ít người nhiều,chúng ta còn có bổn phận đóng góp công của để có thêm phương tiện tài trợ cho những cá nhân, những tập thể đang ngày đêm bỏ thì giờ, công sức truy tầm những chứng tích liên quan tới cha Phanxicô. Những chứng tích này được tàng trữ trong các thư viện, bảo tàng viện ở Pháp, ở Ý hoặc phải lặn lội về những địa phương miền Nam Việt Nam, nơi cha Diệp đã sống và đã chết để thực hiện những cuộc phỏng vấn những hậu duệ của các tín hữu từng một thời thân cận bên ngài.

Trần Phong Vũ

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt