Tình Hoài Hương

Chiều ngày 28/4/1975 – khoảng 5:45’ trong phi vụ hộ tống Trung-tá Phan Văn Mạnh SĐ 3 KQ và toán chuyên viên Vũ-khí & Đạn-dược đặt chất nổ, để phá hủy các cơ sở của Bộ Chỉ Huy Kỹ-Thuật & Tiếp-vận KQ Biên–Hoà. Tôi, (Trần Văn Phúc) và Trung-úy Nguyễn Thành Bá, bay từ Dốc Sỏi ngang qua Cầu Mới, Biên Hòa.

Tôi vừa quẹo trái từ hướng Tây sang hướng Đông, đột nhiên tôi thấy bốn chiếc A37 với đầy đủ bom đạn trong một đội hình dị thường; nghĩa là không giống ai, phi diễn không ra phi diễn, chiến đấu không ra chiến đấu. Phi cơ từ hướng Đông Bắc lao tới cùng một cao độ với chúng tôi.

Tôi cứ lầm tưởng là phi cơ của các phi đoàn bạn đang bay hành quân (từ miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt tháng trước), nên tôi vội vã kéo cần lái cho phi cơ mình bốc vọt lên cao, để tránh hai bên đụng nhau trong gang tấc. Đồng thời tôi hét trong vô tuyến để lưu ý anh Bá (bay chiếc số 2 theo tôi trong đội hình chiến đấu):

– Hai theo một! Coi chừng bốn A37 hướng 10 giờ!

Rồi tôi bay đảo lại và dòm theo bốn chiếc A37 bay xa dần. Tôi ngạc nhiên, vì thông thường một phi tuần khu trục đi bay hành quân chỉ có hai chiếc, hôm nay là ngoại lệ hay sao mà đặc biệt có tới bốn chiếc? Tôi nói tiếp với Bá:

– Giờ nầy mà mấy thằng “ma gà” A37 còn mang bom đạn đi lang thang kìa!

Chúng tôi đã suýt đụng nhau với chúng nó trên sông Đồng Nai, lại không thể nào ngờ đó là bọn phản tặc! Trời lúc ấy vẫn còn sáng tỏ, tôi chúi mũi cho phi cơ xuống thấp, bay dọc theo quốc lộ 1 tới Thủ Đức, tôi quẹo trái theo xa lộ Biên Hòa đi Long Bình, rồi về Biên Hòa dọc theo Quốc Lộ 1. Nhìn xuống dưới, tôi thấy dọc suốt lề đường có rất nhiều xe thiết giáp đậu cách nhau chừng trăm thước một. Muốn khích lệ tinh thần cho các chiến hữu Bộ Binh, nên tôi bay rất thấp.

Vì vậy khi bọn phản tặc dội bom ở Tân Sơn Nhứt, tôi đã không trông thấy. Nếu tôi bay ở cao độ 5.000 bộ, chắc chắn tôi sẽ thấy những cột khói đen bốc lên từ phía Tân Sơn Nhứt (TSN). Chừng 20 phút sau Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính Sư–Đoàn-Trưởng SĐ 3 KQ báo cho biết:

– Có một phi tuần ba chiếc A37 vừa dội bom Tân Sơn Nhứt!

Tôi điếng hồn nghĩ tới phi tuần A37 mà mình vừa gặp, nên tôi “chỉnh” lại ông trên tần số:

– Như vậy phải là bốn chiếc A37, vì tôi đã gặp bọn chúng cách đây không lâu! (mãi về sau nầy khi tôi kiểm chứng với nhà nghiên cứu sử Nguyễn Hùng Kiệt, anh đã xác nhận: phi tuần của đám phản tặc nầy có tất cả bốn chiếc A-37, nhưng không biết vì lý do gì, chỉ có ba chiếc dội bom Tân Sơn Nhứt mà thôi !?). Vào thời điểm Tân Sơn Nhứt bị dội bom, chiếc trực thăng của Tướng Tính chuẩn bị đáp xuống TSN, nên ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Đối chiếu với thông tin của sử gia Nguyễn Hùng Kiệt ; cả hai người (Tướng Tính & tôi) đều nói đúng sự thật!

Chúng tôi vội vã bay trở về Tân Sơn Nhứt, thì bọn phản tặc đã chuồn đi mất tăm biệt tích. Khi bay trên không phận TSN, đài Kiểm-soát Không-lưu (Sài Gòn Control Tower) báo cho chúng tôi biết:

– Phi trường chỉ bị thiệt hại nhẹ. Vài chiếc C-47 bị trúng bom, một chiếc gần phi đạo đang cháy, vài nơi bị hư hại như hậu trạm cũ trước đây chứa các phi cơ A-1, (mới vừa dời về khu Tây lúc 1 giờ trưa cạnh bãi đậu của A-37). Nhưng thật may mắn hai phi đạo không hề bị trúng bom.

Sau mấy vòng bay quanh Tân Sơn Nhứt, tôi biết chắc chắn phi trường và nhứt là hai phi đạo vẫn an toàn, không cần thiết phải bay đi Cần Thơ. Nên tôi yên tâm bay trở lại Biên Hòa, để tiếp tục thi hành phi vụ hộ tống Trung-Tá Mạnh và toán chuyên viên vũ khí. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống Trung-tá Mạnh qua khỏi cầu Bình Triệu an toàn, tôi mang đầy đủ bom đạn về hạ cánh lúc 8 giờ tối.

Tôi gặp các anh bay F5, họ cho biết:

– Đang chờ lệnh đi ném bom trả đũa ở phi trường Phan Rang.

… Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra -không biết vì lý do gì !? Tôi thấy nhiều anh em trong Tân Sơn Nhứt có phần giao động tinh thần vì cuộc dội bom vừa qua. Do Radar không thể phát hiện (nếu bọn phản tặc bay thấp như lần vừa rồi, nên nhiều người lo sợ chẳng biết có thêm lần dội bom kế tiếp nào nữa hay không?) …Khi vô biệt đội khu trục lúc nửa đêm, tôi thấy các anh em thuộc PĐ 514 và 518 nằm xếp lớp như cá mòi ngay trên nền nhà.

Tôi lặng lẽ nằm xuống một chỗ trống còn lại, bên cạnh cái điện thoại dã chiến mới vừa móc dây. Tôi nằm đó, nghiêng qua trở lại rất lâu, không thể nào ngủ được, vì trong lòng ngổn ngang những tiếc nuối & hối hận dày vò cắn rứt tim tôi: khi nhớ lại cơ hội ngàn năm có một, mà mình vô tình để nó trượt thoát khỏi tay, tiếc thay lúc chiều tôi đã không bấm cò đại bác bắn thẳng vô lũ phản tặc A37 (sau nầy, khi biết tên Nguyễn Thành Trung chính là kẻ đã “rước giặc vô nhà”, nó bay dẫn đường cho đám phản tặc A37 đó, tôi lại càng hối hận & tiếc nuối nhiều hơn nữa!).

Quá mệt mỏi tinh thần và rã rời thân thể, tôi vừa chợp mắt tí xíu, đã phải choàng tỉnh ngay lập tức, vì những tiếng nổ vang trời. Phi trường bị pháo kích! hàng loạt hỏa tiễn 122 ly điên loạn lao xuống rít xé bầu trời, nổ tung khắp trong căn cứ & phi trường TSN, nơi tập trung dày đặc những quân nhân Không-quân, và gia đình của họ mới vừa đổ dồn từ ngoài vùng I, vùng II di tản về. Điện bị cúp. Nhưng dù điện không cúp, thì tất cả vẫn chìm trong bóng tối như địa ngục, vì sức ép nổ của những quả hỏa tiễn rơi quá gần, làm vỡ tung nhiều bóng đèn trong biệt đội khu trục chúng tôi… Thật là may mắn đến kỳ lạ khi mọi người đang nằm sát nhau dưới nền nhà đều bình an vô sự! Cảm ơn Thượng Đế vô vàn.

Điện thoại reo! Do nằm sát gần điện thoại, tôi bốc máy lên nghe, và chuyển lệnh điều động cất cánh khẩn cấp cho Thiếu-tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ Phi Long 518. Trong bóng tối dày đặc, không nhìn thấy mặt bất cứ ai, mà chỉ nghe tiếng nói của tôi vừa chuyển lệnh. Thiếu-Tá Sang hỏi luôn:

– Phúc đó hả, Phúc đi bay được không?

Theo đúng Huấn Thị Khu Trục, tôi vừa mới bay xong phi vụ yểm trợ rút quân hồi đầu hôm, nên tôi có quyền từ chối đề nghị nầy của Thiếu-Tá Sang. Nhưng hình như cái “mặc cảm tội lỗi của mình đang dày vò” vì thiếu cảnh giác đã để bọn phản tặc A37 vượt thoát. Muốn chờ có cơ hội “chuộc lại lỗi lầm” , tôi liền bật lên tiếng nói:

– Đương nhiên là được, nhưng wingman (phi tuần viên) là ai?

Chưa có ai kịp lên tiếng, thì từ trong bóng tối cuối phòng, nghe tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:

– Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết. Tao đi với mi, coi có chết thằng Tây nào không!?

Phi trường bị pháo kích dữ dội, nên lúc đó không có xe đưa đón Phi Hành Đoàn. Không thể chậm trễ, anh Phùng gọi tôi leo lên chiếc xe Jeep dân sự. Anh lái xe như bay phóng ra khỏi bãi đậu. Nhìn anh lái xe vun vút như bay, tôi thầm cảm phục người đàn anh gan lỳ, quả cảm. Anh Phùng là người hùng của mặt trận Quảng Trị năm 1972: với chiến tích lẫy lừng anh đã “nướng sống” 15 chiếc xe Tăng T-54 của bọn cộng phỉ!

Anh Phùng nói:

– … Mẹ nó! Tao chưa hề thấy tụi nó pháo dữ dằn như hôm nay! Tụi nó định dứt điểm mình bữa nay sao cà?

Rồi anh nói tiếp:

– Bất cứ giá nào cũng phải lên (cất cánh), hy vọng mình có thể bảo vệ bao nhiêu người vô tội ở đây. Nếu như bị hy sinh, âu cũng là dịp để mình đền ơn Tổ Quốc.

Tới bãi đậu A-1, anh em phi đạo đã ứng trực sẵn sàng, anh Phùng hét lớn trong tiếng nổ vang rền của đạn pháo:

– Nổ máy là “chock out” ngay, rút những khúc gỗ chận bánh xe phi cơ ra, rồi các bạn tìm chỗ núp! Mặc kệ chúng tôi, đừng để chết chùm hết cả đám đấy!

Máy vừa quay tròn vòng, thì có nhiều tiếng nổ long trời ở bãi đậu A-37 kề bên, nhiều quầng lửa như cây nấm khổng lồ cuồn cuộn bốc phụt lên cao. Không chần chờ, tôi cho phi cơ di chuyển ra khỏi ụ. Vẫn đứng cạnh máy bay, anh Phùng ra dấu cho tôi biết bình điện của phi cơ bị hư. Vì vậy, tôi quyết định cất cánh một mình, như đã Briefing trước đó. Tôi ra hiệu cho anh Phùng, rồi gọi Đài Saigon Ground Control (đài Kiểm Soát Diện Địa Sài Gòn) xin di chuyển ra phi đạo.

Đài trả lời ngay:

– Phi Long 51 (PL51)! Phi đạo sử dụng 25, gió hướng Nam 4 knotts, áp suất 29.92.

Nhận thấy gió ngang gần như thẳng góc với phi đạo và rất nhẹ (4 knotts), tôi có thể cất cánh bất cứ hướng nào. Nhưng tôi không thể dùng phi đạo 25: vô cùng nguy hiểm; vì khi bay lên, sẽ chui ngay vô đạn đạo của địch đang pháo kích. Nếu cất cánh phi đạo 07, tôi quẹo trái để tới đầu PĐ 07, thì phải di chuyển ngang qua bãi đậu A37 đang cháy rực lửa, cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi có ý định quẹo phải theo Taxiway #3, để cất cánh ở PĐ 07. Nghĩa là ngược chiều phi đạo sử dụng. Tôi chỉ có thể dùng ½ chiều dài phi đạo còn lại. Cứu binh như cứu lửa, không còn cách nào khác tôi quyết định gọi:

– Saigon Ground Control! PL51 request taxi ra Whisky number three – và cất cánh PĐ 07.

Ngay khi được phép, tôi liền di chuyển ra phi đạo 07 R, miệng lẩm bẩm: “Người đẹp của tôi ơi! em ráng giúp anh thêm một lần nữa! đừng ho hen nhen cưng”! Pilot chúng tôi xem chiếc máy bay mình lái như là người vợ, người tình muôn thuở. Đặc biệt em Skyraider tuổi già sức yếu (gần giống như răng các bô lão rụng, hu hu!… nên đôi khi em ưa “nũng nịu, nhõng nhẽo” í mà). Sau khi thử máy (dù biết chưa nóng máy), tôi xin đài Saigon Tower cho phép cất cánh khẩn cấp. Vì chỉ còn lại ½ phi đạo, nên tôi phải dùng phương cách “Maximiun Performance Take Off”, và cất cánh lúc 04 giờ 25 phút sáng ngày 29/4/1975. Vừa rời khỏi phi đạo, lòng tôi rộn rã một niềm vui mừng khó tả. Cảm tạ ơn Trên cho tôi cơ hội cứu nguy mọi người trong Tân Sơn Nhứt. Sang tần số Paris (đài Kiểm Báo Sài Gòn):

– Paris! PL 51 vừa cất cánh một chiếc A1 với 10 trái MK 81. Xin nhận chỉ thị.

Đài Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe:

– PL 51! Đây Tinh Long 06 (TL06), bạn đến Phú Lâm ngay! Chỗ có nhiều trái sáng. Bao lâu bạn tới?

– TL06! PL 51 mang 10 trái MK 81, sẽ có mặt trong 5 phút và request Random Attack! OK!

Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Trung-úy Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC-119K hướng dẫn oanh kích: mục tiêu là hai làn khói của hai giàn pháo 122 ly. Tôi rất ngạc nhiên vì mục tiêu chỉ cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 mét về hướng Tây. Nhờ lặng gió nên hai làn khói nầy vẫn còn la đà trên mặt đất. Lập tức, tôi lao xuống và gọi liền:

– PL51 in hot và thả từng trái một!

Sau khi thả trái bom xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngừng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:

– Phi Long 51 trút hết bom đạn xuống target! Tối nay ghé nhà tôi nhậu!

Tôi hỏi lại:

– Giới chức vừa ra lệnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.

– Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!

– Thần Phong 01! PL51 lên một mình với 10 trái bom 250 cân Anh, tôi có kinh nghiệm chống pháo kích. Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa.

Khoảng 15, hai mươi phút sau, có lẽ bọn cộng-phỉ nghĩ tôi đã hết bom, nên chúng bắt đầu pháo trở lại. Từ trên không trung tôi thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly liên tục phóng lên. Liếc dòm về hướng Tân Sơn Nhứt, và Sài Gòn có nhiều quầng sáng nháng lên, tôi liền lao xuống thả bom và thầm gọi: “Anh Phùng ở đâu, sao không lên tiếp tay với tôi? Một mình tôi làm không xuể đâu! Anh Phùng ơi”! Năm phút sau, khi định nhào xuống thả bom, tôi thấy có vài đám nổ dưới mục tiêu, tôi tưởng lầm là rocket của trực thăng võ trang bắn xuống, tôi liền cự nự Trung-úy Bảo:

– TL06! Bạn cho tôi đánh random attack, sao bạn lại cho gunship (trực thăng võ trang) vô “ăn có”? Nó bay cao độ thấp, lỡ không thấy, tôi nện ngay trên đầu nó, thì phiền lắm!

Anh Bảo liền cãi chánh:

– Không phải đâu PL51, tôi đã đuổi tụi nó qua bên Quốc Lộ 4 rồi. Để tôi quan sát kỹ lại.

Lúc đó có khoảng ba bốn chiếc trực thăng quây quần phía Đông Bắc Phú Lâm. Sắp nhào xuống thả bom lần kế tiếp, tôi lại thấy có ánh lửa nổ tung và tiếng anh Bảo la:

– Ê …PL 51! Tôi thấy có một chiếc dường như là A-1 vô đánh phụ với bạn đó! Chắc chắn không phải là gunship đâu!

Nghĩ tới anh Phùng, tôi trả lời anh Bảo:

– TL06! chắc là Thiếu Tá Phùng! Có thể anh Phùng bị trục trặc về vô tuyến! Bạn an tâm, monkey see monkey do (thấy tôi thả bom ở đâu, thì anh ấy sẽ thả bom ở đó).

Nhờ sự yểm trợ hỏa châu của TL-06, chúng tôi dễ dàng “lượm” những giàn pháo như lấy kẹo trong túi. Thanh toán xong các giàn pháo nầy, thì tôi cũng vừa hết bom.

– TL06, tất cả giàn pháo đã “clear” (bị hủy diệt sạch) tôi giao ở đây cho bạn. PL51 để dành 800 viên 20ly phòng thủ phi trường.

Vì muốn biết người phụ tôi diệt pháo vừa rồi, có đúng là anh Phùng không? nên tôi sang tần số của đài Sài Gòn:

– Saigon Tower! Đây PL51. Bạn cho tôi biết: sau tôi còn có chiếc A1 nào cất cánh nữa không?

Tôi được nghe Saigon Tower trả lời:

– Tụi nó pháo quá, chúng tôi núp dưới hầm trú ẩn. Vừa lên, nên không biết gì hết bạn à!

Khoảng 5:25’ sáng tôi về tới Tân Sơn Nhứt, trời vẫn còn tối đen như mực, ngoại trừ những ánh đèn phi đạo và taxiway, còn có hai đám cháy: một đám ở bãi đậu A37 (như đã nói ở trên), còn đám cháy thứ hai… dù tôi đã cho phi cơ đảo nhiều vòng, nhưng vẫn không nhận ra chính xác là nơi nào. Nhưng sau ít phút nhờ ánh sáng lờ mờ bập bùng còn lại của đám cháy, tôi nhận ra là ở phía Nam của dinh Tướng Kỳ độ chừng trăm mét. Tự nhiên trán tôi rịn mồ hôi, tay run lẩy bẩy tim đập dồn dập, và ứ nghẽn lồng ngực muốn nghẹt thở. Hình như đám cháy là ở khu cư xá C7, là nơi vợ con tôi tạm trú. Miệng tôi không ngớt cầu nguyện: “Cầu xin ơn Trên che chở cho vợ con của con, và những người khác được bình yên”.

Ngay lúc đó, trong lòng tôi bùng lên một cơn giận dữ & căm thù bọn cộng-phỉ. Nếu vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi thề sẽ thí mạng với bọn chúng! Mươi phút sau, tôi thấy chiếc TL07 cất cánh lên thay thế chiếc TL06 về đáp. Tôi tiếp tục bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhứt, cho đến khi có ánh sáng bình minh lờ mờ, tôi nhận ra đám cháy chính là cư xá Nữ Quân Nhân. Tôi nóng lòng muốn đáp xuống, nhưng chưa có phi tuần nào lên thay thế.

Vài phút sau tôi nhìn qua cánh phải: thấy có một chiếc AD-5 còn treo hai trái bom cứ bám sát theo phi cơ tôi. Tôi sang tần số và gọi đài Saigon Tower một lần nữa, để xác định chiếc AD-5: “có phải là của anh Phùng không”. Câu trả lời vẫn là “Không biết”. Vừa lúc đó “anh bạn dễ ghét” như muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi, nên anh ấy cho phi cơ hết lòn qua trái, lại chui qua phải. Tôi bất ngờ cắt bán kính quẹo vòng thật gắt, định ra sau chiếc phi cơ nầy. Nhưng anh bạn “dễ ghét” kia là một tay cao thủ tuyệt đỉnh, lúc nào anh cũng bám riết theo sau. Khi qua trái khi sang phải, thiệt tình anh cố ý trêu đùa tôi. Nếu là dogfight (không chiến) thì tôi bị tay lão luyện nầy “dớt rụng càng” mất toi từ khuya rồi!

Trên tần số Paris, tôi nghe giọng của Thiếu-tá Hồ Ngọc Ấn, Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 liên lạc với TL07, cho biết: “phi tuần hai chiếc A1 của anh đang ở Long An, trên đường tiến về Sài Gòn. Đại-uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Khoảng mười phút sau, Trung-uý Trang Văn Thành, Trưởng Phi Cơ của TL07 gọi trên tần số:

– Phượng Hoàng 11, tôi nghi ngờ có một toán đặc công độ năm bảy tên, định cắt hàng rào kẽm gai phía Bắc phi trường, chỗ miếng đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Bạn cho một trái ngoài hàng rào, đánh trục Đông qua Tây. Tôi giữ cao độ 5.000.

Vì biết phi tuần anh Ấn chưa tới nơi, nếu cần thiết tôi có thể dùng bốn cây đại bác 20 ly bắn dọc theo vòng rào. Tôi bay đến đó khi mặt trời vừa ló dạng sáng tỏ hơn, nhưng ở độ cao 4.000 bộ nên tôi không thấy gì cả. Thình lình anh Phùng lao xuống thả một trái bom. Thì có tiếng anh Thành hốt hoảng la lớn:

– Số 1 thả bom “như để” . Số 2 đánh dài hơn vài mươi thước.

Trái thứ nhì rơi dài hơn năm chục thước.

Anh Thành hoảng hốt:

– Phượng Hoàng 11 Hold High and Dry (ngưng thả bom). Số 2 của bạn đánh gần nhà dân quá!

Thiếu tá Ấn liền lên tiếng:

– TL07! No. Ai khác đánh đó, chớ không phải Phượng Hoàng 11. Tôi chỉ mới tới Bến Lức, làm sao thả bom ở đó được!

Thì ra anh Thành lầm lẫn phi tuần của tôi (là phi tuần anh Ấn). Tôi vội lên tiếng:

– TL07! Đây PL51. Đó là Phi Long 52 (chiếc số 2 của PL51) nó bị hư vô tuyến, chỉ còn hai trái vừa thả hết rồi. Còn tôi đã “Empty” (hết bom).

Nhận ra tiếng của tôi, Đại-uý Thụy (người bạn cố tri cùng PĐ Thái Dương 530 với tôi ở Pleiku) gọi tôi:

– Ê Phúc! Mày về Cần Thơ đi, đáp ở Tân Sơn Nhứt nguy hiểm lắm!

Nhìn đồng hồ xăng có 800 lbs, vừa đủ để bay đi Cần Thơ, nhưng tôi đã có quyết định đáp Tân Sơn Nhứt từ trước, nên trả lời:

– Vợ con tao còn kẹt lại đây, giá nào cũng phải đáp Tân Sơn Nhứt. Tình hình ở đây chưa đến nỗi nào đâu.

Đột nhiên anh Phùng gọi tôi:

– Ê …PL51, đi Cần Thơ nghen! Bay với mi gần 3 tiếng, chừ mới liên lạc được một xí. Tao nghe được, nhưng bị câm. Bực mình quá!

Tôi vội bấm máy trả lời:

– Không! Tôi chỉ còn 600 pounds xăng, vả lại vợ con tôi kẹt ở đây. Anh đi Cần Thơ một mình trước!

Lúc bấy giờ TL07 đang bay 5.000 bộ, nên anh Thành muốn xuống thấp cho dễ quan sát, và ngó rõ hơn, nên anh báo cho chúng tôi biết:

– PL51! TL07 xuống cao độ để nhìn rõ hơn. Tôi không muốn đánh lầm vô nhà dân, tội họ lắm!

Không ngờ mấy phút sau, khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả ở cao độ 1.500 bộ, anh Phùng gọi tôi:

– Ê một! Mình đáp xuống Tân Sơn Nhứt đi!

Lo ngại vô tuyến bất thường của anh hư, nên tôi nhường cho anh Phùng đáp trước. Nhưng trước khi Touchdown (chạm bánh), anh Phùng lại gọi tôi:

– Một! Mi đáp trước đi, tao Go Around (bay lên lại). Mi chờ ít phút, tao về chở mi vô nghen!

Nóng lòng vì vợ con ở kế bên đám cháy (cư xá Nữ Quân Nhân), nên tôi không bay theo anh Phùng như thông lệ. Tôi tiếp tục vào Final (cận tiến), thì Sài Gòn Tower báo cho chúng tôi:

– PL51, có SA7 bắn lên. Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên!

Vì tôi đã chứng kiến SA-7 bắn ở Kiến Đức cuối năm 1973, nên tôi có ý nghi ngờ:

– Saigon Tower, SA-7 bắn lên lúc đầu: là một vùng lửa to màu cam, sau đó đổi qua màu trắng xanh, bay lên rất mau. Bạn quan sát kỹ chưa?

Anh bạn nầy có vẻ bất bình trả lời:

– PL51, tôi báo cho bạn biết, mà bạn không tin, nếu bị bắn bạn ráng chịu nha!

Tự nhiên tôi nhớ đến Trung-tá Phạm Văn Thặng Fulro khi ông “xỉn”, ông thường ngâm nga… nên tôi nghêu ngao trên tần số: “Làm sao giết được người trong mộng …1, 2, 3 touchdown”!

Di chuyển về bãi đậu lúc 6 giờ 55 phút, anh em phi đạo reo mừng, họ công kênh tôi như đón một vị cứu tinh! Rồi chúng tôi theo dõi chiếc TL07 nghiêng cánh trái ở cao độ chừng vài ngàn bộ, và xạ kích xuống mục tiêu. Từng tràng đại bác 20 ly (Minigun 6 nòng) nã xuống như mưa, tiếng kêu như bò rống. Tôi trấn an anh em:

– Target đó ở ngoài vòng rào, chỉ là tình nghi thôi! Ông Trung-uý Thành muốn biểu diễn cho mọi người coi chơi cho vui vậy mà!

Tôi vừa dứt lời, thì đột nhiên chiếc TL07 trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7, đuôi phải gãy lìa, động cơ bên phải phát hoả nổ tung, cánh phải gãy xuống, đồng thời phòng lái bốc cháy. Phi cơ ngoẹo đầu qua trái, lao xuống và rơi vào spin (xoay tròn như bông vụ). Tất cả mọi người xung quanh tôi hoảng hốt hét lớn:

– Nhảy dù đi…

– Nhảy dù…

– Nhảy dù mau lên…

Nhưng quá trễ, tôi không thấy cánh dù nào kịp bung ra, chiếc phi cơ đã cắm phụp đầu xoáy xuống đất rất mau. Những cột khói đen lửa đỏ cuồn cuộn bốc phụt lên cao hàng trăm mét. Toàn bộ phi hành đoàn đều hy sinh. Tất cả chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, đứng chết lặng không hề muốn mà nước mắt tự dưng tuôn trào. Một lúc sau, mọi người cúi đầu lặng lẽ trở về làm nhiệm vụ của mình. Từ giờ phút nầy phi trường TSN thật sự không còn an toàn nữa, vì sự xuất hiện của SA-7 khắc tinh của tất cả các loại máy bay.

Riêng tôi, ngồi bệt xuống bãi cỏ bên lề phi đạo, mắt vẫn hướng về những cột khói đen bốc lên cao, như anh linh của Phi Hành Đoàn TL07 đang siêu thoát. Tôi hy vọng Thiếu-tá Trương Phùng bay đi Cần Thơ, tuy nhiên tôi vẫn có ý trông đợi anh Phùng trở về. Tôi chờ mãi, chờ hoài… tới khi anh tài xế xe bồn tiếp xăng giục tôi lên xe, để trở vô biệt đội khu trục. Trong lòng tôi thầm nghĩ:

– Đúng rồi, anh Phùng bay đi Cần Thơ là hợp lý nhứt!

Sau 9:30’ giờ sáng ngày 29/4/75 bọn chúng bắt đầu nã đì đùng bằng đại pháo 130 ly, đặt ở Nhơn Trạch gần Thành Tuy Hạ – Cát Lái. Nhưng lúc bấy giờ không ai thèm màng tới việc diệt pháo nhỏ giọt vô Tân Sơn Nhứt nữa. Trong phi trường thỉnh thoảng đạn 130 rơi rớt đâu đó, may mắn sao không trúng tôi. (ha ha…) Cả căn cứ Tân Sơn Nhứt không một bóng người, bầu trời vô cùng u ám, một phần vì thời tiết chuyển mưa, một phần vì những làn khói đen lan tỏa la đà từ chiếc TL-07 còn bốc cháy. Tôi có cảm tưởng như mình lạc vô bãi tha ma lúc hoàng hôn.

Sau khi Quân-cảnh không cho tôi ra cổng Phi Long, tôi không nói được một lời gì với vợ con (họ theo gia đình Vân về nhà), tôi trở vào trung tâm hành quân Không Quân chờ lịnh. Nửa giờ sau tôi định đi ra ngoài bằng cổng trại Hoàng Hoa Thám; nhưng khi đi tới cuối sân banh, tôi gặp ba ông Thiếu-tá: Sơn, Bản, Liêu – PĐ 530, họ chạy ngược chiều, kêu tôi:

– Ê Phúc! được lệnh đi Cần Thơ. Mau lên.

Tôi chạy theo họ ra bãi đậu, chiếc AD5 của Thiếu-tá Hồ Văn Hiển PĐ 514 đang chờ. Tôi là hành khách bất ngờ bất đắc dĩ cuối cùng thứ 20. Máy bay rời Tân Sơn Nhứt lúc 11 giờ trưa. Lúc bấy giờ ở Tân Sơn Nhứt có lẽ không còn phi cơ nữa (sau khi yểm trợ quân bạn ở Bến Cát xong, trên đường về Cần Thơ, Thiếu-tá Hiển đáp xuống, để rước chúng tôi). Khi tới Cần Thơ, tôi vội vã đi tìm anh Trương Phùng khắp nơi.

Nhưng tìm hoài không thấy anh Phùng đâu cả!

Ôi! Thì ra… thật vô cùng đau đớn, xót xa, nghẹn ngào không sao tả xiết, vì một cánh chim oai dũng phi thường oanh liệt đã một mình một bóng sớm xa tổ lìa đàn, anh thênh thang bay về cõi vĩnh hằng miên viễn… để lại trong lòng anh em bao tiếc thương vô tận.

Đó là: cố Thiếu Tá Không Quân TRƯƠNG PHÙNG… sinh năm 1943 tại Thừa Thiên. Anh oanh liệt hy sinh ngày 29 tháng 4 năm 1975 tại Bình Điền, Long An. (Sài Gòn).?

***

Mãi đến tận ngày bây giờ… tôi (Trần Văn Phúc, Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51, hiện ở Cali) vẫn cảm thấy luôn hối tiếc: vì Trời đã cho tôi một cơ hội ngàn vàng, để tôi có thể bắn hạ bọn phản tặc ác ôn A37 Nguyễn Thành Trung (tôi đã học kỹ thuật không chiến Dogfight trong khóa Phi Tuần Trưởng với Trung-tá Nguyễn Văn Huynh PĐP PĐ 518), mà tôi lại vô tình để vuột mất cơ hội ngàn năm một thuở! Trường hợp “tao ngộ chiến” hy hữu đó, bọn cộng phỉ không trông thấy chúng tôi, vì bị chói ánh mặt trời chiều, nên chúng nó không có phản ứng né tránh nào, chúng vẫn ung dung bay thẳng tới trước.

Chỉ cần lách qua một bên, bật nút ARM – ON, bóp cò súng bắn ngang hông ở phía sau bọn chúng, thì 800 viên đại bác 20 ly trên mỗi chiếc A1 sẽ không tha bọn chúng. Hoặc lúc đó tôi gọi Paris (đài Kiểm Báo Không Lưu TSN) báo động khẩn cấp. Các phi cơ F5-E đang ứng trực ở đầu phi đạo TSN, sẽ tức tốc cất cánh lên xơi tái chúng, thì bọn chúng chẳng còn mạng, để sau nầy vung vít mà “bốc phét”! Đây có phải là vận mệnh thảm khốc đau buồn của đất nước Việt Nam đã an bài: ngày 30/4/1975 hắc ám!

* Trên không phận Sài Gòn lúc bấy giờ (29/04/75) chỉ có ba chiếc phi cơ: TL07, phi cơ anh Phùng và phi cơ của Phúc.

* (TL07 chỉ xuất hiện sau 6 giờ sáng. Phi tuần hai chiếc A1: của Thiếu-tá Ấn & Đại–úy Thụy trên đường về Sài Gòn).

* Có lẽ vì sợ SA-7 nên ông Đại Sứ Martin phải nói dối trước Quốc Hội Mỹ: “Hai phi đạo bị trúng pháo kích, hư hại nặng nề, mà ông phải ra lịnh di tản người Mỹ bằng trực thăng”?

* Vì Phi Hành Đoàn TL07 có nhiều người tình nguyện đi bay lúc khẩn cấp, nên hầu hết nhân viên PHĐ không ghi đúng tên trong phi lệnh. Tôi chỉ biết có:

* Trung-úy Trang Văn Thành (Trưởng phi cơ), xuất thân từ Thiếu Sinh Quân, nhập ngũ ngày 12/9/1967, khoá 68A TTHLKQ Nha Trang. Anh Thành là cháu rể của cố Thiếu-Tướng Võ Xuân Lành TLPKQ. Anh Thành có hai biệt danh: ở quân trường Nha Trang anh có tên “Thành Thụt”, vì đôi mắt sâu thẳm, tánh tình anh rất cương trực, hăng say, năng nổ trong mọi công việc. Khi về PĐ C119 anh Thành có thêm một biệt danh: “Thành Kampuchia” (vì màu da ngâm ngâm của anh).

* Đêm 28/4/75 Trung uý Trang Văn Thành tình nguyện bay thêm phi vụ Extra TL 07, mặc dù trước đó anh đã bay phi vụ TL01 hồi đầu hôm rồi & Trung uý Tào Thuận, hoa tiêu phụ & Thiếu uý Phạm Tấn Đức. Họ vĩnh viễn ra đi… nhưng để lại sự thương tiếc kính phục vô cùng của hàng vạn người trong và ngoài Tân Sơn Nhứt.


Trần Hoài Hương chân thành cảm ơn:

* Đại-úy Không-quân Trần Văn Phúc – (Phi-tuần Trưởng PT Khu-trục Phi-Long 51, hiện ở California đã kể cho tôi biết rõ ràng)

* Thiếu-tá Không-quân Hồ Ngọc Ấn, Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (hiện ở Dallas).

* Đại-uý Không–quân Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2, hiện ở Houston.

… quý vị Không-quân đã có tên trong bài viết đã cho tôi mạn phép chuyển tải sự thật về ngày 28 & 29 tháng Tư năm 1975: trung thực, chính xác, nóng bỏng & vô cùng đen tối, hắc ám của lịch sử Việt Nam.

* Đồng thời THH xin phép cám ơn quý vị nhiếp ảnh gia đã post tấm hình lên internet, (nếu có copyright), ngỏ hầu phong phú hóa hình ảnh sống động và tài đức & nghệ thuật của quý vị.


Tình Hoài Hương