____________________________

Với thời gian, trí nhớ của tôi mỗi lúc một thêm bạc bẽo. Tháng 11 năm 1989, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh (“Wall of Shame”) sụp đổ. Qua năm sau, tạp chí Reader’s Digest (dường như là số tháng 5) có đăng một mẩu chuyện ngăn ngắn – liên quan đến biến cố này – mà tôi chỉ còn nhớ được loáng thoáng như sau:

Giữa đám đông đang hăm hở và hớn hở lũ lượt vượt rào đi từ Đông qua Tây là một ông già, dáng lầm lũi và đơn độc. Ông không dừng chân ở bất cứ quán bar nào, dù tất cả đều mở rộng cửa –  và cung cấp rượu bia miễn phí – để chào đón những kẻ vừa đặt chân đến phần đất tự do.

trong khi mọi người đều náo nức xếp hàng chờ được lãnh tiền (gọi là “tiền chào mừng”, khá hậu hĩnh) do chính phủ Cộng Hoà Liên Bang Đức cấp phát thì ông già lặng lẽ tìm đến thư viện để gửi trả một cuốn sách mượn từ tháng Tám năm 1961, cùng với lời trần tình: Tôi chỉ định giữ tác phẩm này vài ngày thôi nhưng không ngờ bị kẹt ở bên kia bức tường tới hai mươi tám năm trời! Để trễ hạn lâu quá, tôi rất lấy làm tiếc và xin được thứ lỗi.

Câu xin lỗi vừa ghi khiến tôi lại nhớ (và cũng chỉ nhớ mang máng thôi) đến lời than thở của học giả Nguyễn Hiến Lê, trong một tác phẩm nào đó của ông: Thưở nhiễu nhương và loạn lạc  thì ngay đến sách báo cũng phải chịu cảnh phong trần, lưu lạc!

Thời gian “lưu lạc” kéo dài gần ba mươi năm của một cuốn sách kể cũng khá dài nhưng so với số phận long đong của một tờ báo (tạp chí Bách Khoa, số cuối cùng – 426 – phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) thì xem ra vẫn còn hơi ngắn, theo như “tin mừng” đã được nhà văn Phạm Xuân Đài (chủ bút trang Diễn Đàn Thế Kỷ) hân hoan loan báo:

“Trong công cuộc sưu tầm những tài liệu cũ của miền Nam trước 1975, lâu nay chúng tôi đã hết sức cố gắng tìm kiếm bộ tạp chí Bách Khoa, một tờ báo đã đi gần suốt chiều dài 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa. Và xin báo tin mừng với quý độc giả và bè bạn gần xa: cách đây mới hai ngày thôi, chúng tôi đã có được số Bách Khoa cuối cùng còn thiếu, đó là số phát hành 20 tháng 4 năm 1975. Trong một thời gian không lâu nữa, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi nguyên bộ Bách Khoa trong dạng điện tử để mọi người khắp nơi có thể đọc dễ dàng.

Việc số báo Bách Khoa cuối cùng đến với chúng tôi vào những ngày cuối tháng Ba năm 2017 vừa rồi đã gây cho chúng tôi một xúc động mãnh liệt, vì đó chính là một trong những hình ảnh còn sót lại một cách cụ thể của một miền Nam đang hấp hối, cách đây 42 năm.”

Chúng ta đang sống trong một thế thẳng băng, cùng với những phương tiện giao thông và truyền thông tân kỳ chưa từng thấy trong lịch sử. Cớ sao một số báo Bách Khoa (BK) lại phải “phong trần lưu lạc” đến gần nửa thế kỷ vậy cà?

Đây không phải là một câu hỏi khó nhưng cũng không dễ trả lời ngắn gọn nên tôi xin phép được thưa thêm năm điều/ba chuyện cho nó ngọn ngành:

Từ BK số 1 đến số 425, chắc chắn, đều được gửi đi và lưu giữ trong những thư viện ở Âu Mỹ nên việc sưu tập chả khó khăn gì. Nhưng với số báo cuối cùng, 426, phát hành 10 ngày trước khi miền Nam thất thủ thì số phận của nó lại hoàn toàn khác. Toà soạn BK – vào thời điểm này – chắc chẳng có ai còn lòng dạ nào để lo lắng đến chuyện phát hành, hay gửi báo đến cho độc giả (dài hạn) qua bưu điện nữa.

Giữa lúc “xẩy đàn tan nghé” thì tai họa chả bỏ sót ai, và cũng chả chừa một thứ gì ráo trọi:

“Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế…

 “Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui.

Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt… Đứa may trốn thoát…  Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít.  Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi.

Các cháu ngoan bác Hồ.  Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.” (Nguyễn Văn Lục, “Sách cũ Miền Nam 1954 – 1975”).

Trong khi đám trẻ con quàng khăn đỏ hét hò đốt sách thì qúi vị trí thức, nhân sĩ, nhà văn, nhà báo cũng cần mẫn ghi chép và hoàn thành những “công trình biên khảo” để đưa bọn cầm bút (thuộc bên bại cuộc) ra … trước toà án dư luận:

  • Nọc độc văn hóa nô dịch, Trần Trọng Đăng Đàn, gồm 2 cuốn:
        a.  Nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1983
        b.  Lại bàn về nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1987
  •  Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy  (2 tập) nhiều tác giả, NXB Văn Hóa 1977
  •  Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa/ tư tưởng (2 tập) Nhiều tác giả, NXB Thông tin lý luận 1980
  • Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới, Hà Xuân Trường, NXB Sự Thật 1979
  • Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy, Lê Đình Kỵ, NXB TPHCM 1987
  • Cuộc xâm lăng văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN, Lữ Phương, NXB Văn Hoá 1985

Đó là một “thời nông nỗi” đã qua chăng ? Không đâu, làm gì có chuyện đó! Cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” chưa bao giờ ngưng nghỉ cả. Chủ trương “bài trừ văn hóa nô dịch, lai căng” là chính sách triệt để, xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua mà.

Ngày 20 tháng 3 năm 2017, T.T (đương nhiệm) Nguyễn Xuân Phúc lại ký Nghị Định 28/2017/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.”

Vậy bằng cách nào mà  cuốn tạp chí BK, số cuối cùng (phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) đã không bị ném vào mồi lửa, không trở thành giấy gói xôi, không bị thu hồi, tịch thu, tiêu hủy” và vẫn có thể xuất hiện “nguyên con” trên trang web của Tạp Chí Thế Kỷ 21 vào ngày 2 tháng 4 năm 2017?

Đây là câu hỏi mà qúi vị lãnh đạo của chính phủ hiện hành … cần “suy ngẫm” để có thể ban hành những nghị quyết, hay nghị định đỡ ngớ ngẩn (và lạc hậu) hơn chút xíu.

Tưởng Năng Tiến

Bài liên quan:
  • Đại Hội THÁNH MẪU LA VANG kỳ II, giáo phận Orange: “Cùng MẸ Lên Đường”
    Kiên Chính Ghi Nhận
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Văn Thơ & Bạo Lực
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Nguyễn Chí Thiệp
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Phạm Quế Dương
    Tưởng Năng Tiến
  • SỔ TAY THƯỜNG DÂN: Làm Báo
    Tưởng Năng Tiến